Chim Việt Cành Nam      Trở Về   ]


 
Cảm nghĩ trong am 
(Phương trượng ký - Hôjôki)

Kamo no Chômei

-
Nguyễn Nam Trân biên dịch và chú thích

Kamo no Chômei, tác giả Hôjôki


Lời Giới Thiệu

Trong lịch sử văn học Nhật Bản, "Cảm nghĩ trong am" Hôjôki (1212) cùng với "Ghi nhanh bên gối" Makura no Sôshi (1000?) và "Buồn buồn phóng bút" Tsurezugusa (1310-1341) được xem như ba tập tùy bút có giá trị lớn nhất. Riêng Hôjô-ki, âm đọc của ba chữ Hán Phương Trượng Ký (ghi chép trong / về cái am vuông vức [1] ) , lại là tác phẩm có tính nhất quán, chung đúc, gọn ghẽ hơn cả nếu đem so sánh với Makura no Sôshi ra đời trước nó và Tsurezuregusa đến sau. Kamo no Chômei (1155?-1216), tác giả của Hôjôki, đã sử dụng thần tình văn thể pha trộn Hòa Hán nên phát huy được cái sắc cạnh, trong trẻo mà thâm sâu của nội dung, làm người đọc như bị thu hút hoàn toàn.

Cũng như Tsurezuregusa, Hôjôki là một tác phẩm quan trọng hàng đầu của dòng văn học ẩn sĩ thời trung cổ Nhật Bản, đặt tên tuổi Chômei bên cạnh cao tăng Saigyô (1118-1190), một nhà thơ Waka kiệt xuất, và Urabe Kenkô (1283?-1352?), tác giả Tsurezuregusa. Tuy ra đời cách đây gần tám trăm năm, nội dung thâm trầm của Hôjôki vẫn còn hết sức thiết thân gần gũi đối với con người thời đại chúng ta.

Dĩ nhiên một tác phẩm cơ bản và quí giá như Hôjô-ki đã được đem vào chương trình trung học cơ sở ở Nhật Bản và các bản dịch nó từ cổ ngữ của thế kỷ 13 qua kim văn cũng như những tập chú thích, bình giảng về nó nhiều không biết cơ man nào. Chúng tôi chọn bản dịch của Yasuraoka Kôsaku (1917-2001), do nhà Kôdansha xuất bản trong loạt sách bỏ túi làm bản lót. Cố học giả Yasuraoka là chuyên gia môn văn học trung cổ Nhật Bản, tốt nghiệp khoa văn Đại Học Tôkyô (Tôkyô Teikoku Daigaku), nguyên giáo sư danh dự Đại Học Sư Phạm Tôkyô (Tôkyô Gakugei Daigaku).

Đây là bản dịch đầy đủ tác phẩm mà chúng tôi đã lược dịch vài đoạn trong Tổng Quan Lịch Sử Văn Học Nhật Bản. Trong khi dịch, chúng tôi cố gắng cẩn thận đối chiếu bản này với vài bản dịch Nhật-Nhật khác cũng như các bản dịch sang các ngoại ngữ như Pháp và Anh (xin xem thư mục) mà chúng tôi may mắn có được.

I) Tiểu truyện tác giả:

Kamo no Chômei [2] , chính ra phải đọc theo âm thuần Nhật là Kamo no Naga.akira, sinh khoảng năm 1155 và mất năm 1216, thọ 62 tuổi ta. Cuộc đời của ông có thể chia làm 3 giai đoạn:

1) Giai đoạn thứ nhất từ 1155 đến 1191 (1 đến 36 tuổi ):

Ông là con thứ, sinh ra trong gia đình một ông quan ngũ phẩm giữ đền thần cho hoàng hậu. Cha ông, Kamo no Nagatsugi, chẳng may ngã bệnh, phải từ chức lui về, nhường chỗ cho người trong họ, mấy năm sau thì qua đời. Mất người đỡ đầu, ông từ đó lắm gian nan.

Vì yêu mến văn chương, ông theo học thơ waka với thầy Shun.e [3]  năm ngoài hai mươi tuổi. Thơ ông làm trong giai đoạn này còn ghi lại trong thi tập Kamo no Nagaakira-shuu, nói chung là lành mạnh, bình dị và trong sáng nhưng trong phần tạp thi đã thấy có những bài biểu lộ rõ rệt nỗi thất vọng và tình cảm chán đời.

Thơ của ông từng được đặt bên thơ các thi nhân nổi tiếng thời đó như Saigyô, Shun.e, Jittei, Shunzei, Kenshô, cũng có bài được tuyển vào Senzai Waka-shuu [4]  . Thời ấy, chỉ cần một bài thơ được chọn vào thi tập soạn theo chiếu chỉ của thiên hoàng như Senzai là một vinh hạnh rất lớn.

Năm 1185, ông đi chơi vùng Ise và viết tập "Ký sự đi Ise" (Ise-ki). Toàn văn nay đã thất truyền nhưng những nhà nghiên cứu cho biết trong đó ông có viết 34 bài waka và một bài renka [5]  .

Ngoài thơ, ông còn yêu nhạc và đã theo thầy Nakahara Ariyasu [6]  học tì bà lúc đã hơn ba mươi tuổi. Thầy Nakahara vốn là nhân vật đứng đầu về nhạc ở trong cung, rất quí mến và đặt nhiều kỳ vọng nơi ông.

2) Giai đoạn thứ hai: từ 1192 đến 1204 (37 đến 49 tuổi):

Sau giai đoạn học tập bồi dưỡng tri thức khá dài, đây là giai đoạn Chômei thực sự góp mặt với làng thơ.

Ông tham gia vào nhiều hội bình thơ (uta.awase), thắng vài giải lớn và trở thành một viên chức (yori.udo) của Viện Thi Ca (Wakadokoro), có một địa vị trên thi đàn. Kể từ năm 1200 (46 tuổi) trở đi, hầu như năm nào ông cũng có mặt ở các hội bình thơ quan trọng trong và ngoài cung, được mọi người kể cả thiên hoàng nhìn nhận tài năng. Tuy nhiên, phải nói thơ ông thuộc dòng thơ cổ điển, bình dị, đạm bạc chứ không mới mẻ và có tính cách mộng huyễn, khái niệm và tượng trưng của Teika [7] , một nhà thơ lớn cùng thời.

Nếu đời thơ có vẻ êm xuôi, đời thường ông long đong. Nguyện ước được nối chức cha giữ đền thần không thành vì người trong họ phản đối. Tuy thái thượng hoàng Go-Toba, người mến tài ông, đã ra ân can thiệp nhưng không thành công. Nhật ký của Minamoto no Ienaga, một bạn đồng liêu ở Viện Thi Ca chép: "Ông mang mối hận sâu sắc trong lòng nên xuất gia lánh đời". Có lẽ từ lâu ông đã suy nghĩ về lẽ vô thường của cuộc đời và sự kiện này chỉ là một cái cớ để ông đi đến quyết định.

3) Giai đoạn thứ ba: từ 1205 đến 1216 (50 đến 61 tuổi ):

Giai đoạn này tương ứng với cuộc sống ẩn dật trong thảo am cho đến ngày chết. Nếu tu hành có hai lối, một là xuất gia từ nhỏ, hai là xuất gia lúc về già thì Chômei nằm vào trường hợp thứ hai. Trường hợp này vẫn bắt buộc người đi tu phải giữ giới sa di nhưng cho phép họ không phải phụ thuộc một chùa chiền hay tôn phái nào.

Chômei đã vào vùng rừng núi ở Ôhara, phía bắc Kyôto, một nơi từ xưa vẫn có vô số thảo am mọc quanh các ngôi chùa. Hoàng thân quốc thích, quí tộc Fujiwara và Taira sau khi xuất gia đều về đó ở. Nhiều người là nhân vật nổi tiếng, trong đó có hoàng thái hậu Kenreimon.in tức là vợ góa của Thiên Hoàng Takakura mà gia đình bà, tập đoàn Taira, đã vùi thân trong sóng biển miền Tây.

Sau khi Chômei xuất gia được một năm, các nhà tuyển khảo đã chọn 10 bài thơ của ông vào tập thơ soạn theo chiếu chỉ Shin-Kokin Waka-shuu. Nhân vật trung tâm của năm người tuyển khảo là Teika, một nhà thơ chủ trương cách tân. Điều này chứng tỏ thơ cổ điển của Chômei cũng được người khác ý kiến đánh giá cao vì có phẩm chất. Thế nhưng tất cả các bài được tuyển là thơ mà ông đã làm vào giai đoạn thứ hai chứ từ ngày đi tu ở Ôhara, không thấy ông có thơ.

Ngoài tập tùy bút Hôjô-ki, Kamo no Chômei còn để lại "Ghi chép không tên" Mumyô-shô [8] , gồm hơn 70 đoạn, viết giữa năm 1211-1216, trong đó ông kể lại giai thoại về các nhà thơ, những danh lam thắng cảnh đề tài của thơ, cũng như điều tâm đắc trong khi làm thơ waka. Phần luận về "yuugen" (khái niệm "u huyền" trong thi ca) rất nổi tiếng. Khoảng năm1214 tức là không bao lâu trước khi mất, ông viết "Mở lòng tu" Hosshin-shuu [9] , một tập sách thuyết giáo thuật lại truyện những người trong phái tịnh độ đã phát tâm bồ đề đi tu như thế nào và nhân đó trình bày cảm tưởng của mình.

Tóm lại, qua ba tác phẩm Mumyô-shô, Hôjô-ki, Hosshin-shuu, ta thấy mối quan tâm trong những ngày tháng cuối cùng của Chômei là thi ca, cuộc sống ẩn dật và lòng tin tôn giáo vậy.

II) Tác phẩm:

Chômei có một tập thơ và hai tập văn xuôi khác nhưng nơi ý tưởng được phô bày gọn ghẽ, sâu sắc và mạnh mẽ nhất có lẽ là "Cảm Nghĩ Trong Am" tức Hôjô-ki (Phương Trượng Ký).

"Ký" trước đây được xuất hiện dưới nhiều hình thức ở Trung Quốc và Nhật Bản (và ở Việt Nam [10]  ) như đường ký, đình ký, du ký, ký sự... Thường người ta dùng nó để ghi chép những điều nghe thấy về một kiến trúc, địa danh hay địa hình. Người đời sau nới rộng nó ra và cho thêm cả phần nghị luận vào đó. Trung Quốc đã tạo ra truyền thống bút ký với Đào Hoa Nguyên Ký (của Đào Tiềm), Túy Ông Đình Ký (của Âu Dương Tu), Yến Hỷ Đình Ký (của Hàn Dũ), Thảo Đường Ký (của Bạch Cư Dị), Nhạc Dương Lâu Ký (của Phạm Trọng Yêm) vv... Nhật Bản cũng có Fujisan-ki (của Miyako no Yoshika), Shosai-ki (của Kanzô Daishôkoku), Teishiin Shiin-ki (của Ki Nagon), Chitei-ki (của Saki no Chuushô-ô) [11]  và một Chitei-ki khác nổi tiếng hơn của Yoshishige no Yasutane [12]  vốn có liên quan mật thiết với Hôjô-ki này.

Tuy "Đình bên ao" tức Chitei-ki của Yasutane có ảnh hưởng lớn trên Hôjô-ki [13]   nhưng văn thể của Chitei-ki là Hán văn trong khi Hôjô-ki là Hòa Hán hỗn hợp, bút pháp của Hôjô-ki tích cực sâu sắc, mạnh mẽ, tung hoành hơn, còn chen lẫn tự sự với nghị luận. Tuy kế thừa truyền thống về bút ký đã có, nó được xem như tác phẩm trong văn chương Nhật Bản đầu tiên có tính độc sáng trong thể loại này.

Không chỉ than vãn thở than cho kiếp người bèo bọt như những văn nhân thi sĩ thời xưa, Chômei còn đưa ra những bằng cớ hùng hồn như 5 tai ách đã xảy ra trước mắt ông với nhiều tình tiết cụ thể. Trong phần sau, ông đã lập một tương quan đối lập tâm-thân và nói lên sự quan trọng của cái tâm rồi dẫn đến kết luận là việc chọn lựa cuộc sống an lạc trong thảo am thanh tĩnh trên núi Hino. Tuy nhiên điểm độc đáo của Hôjô-ki là Chômei đã không ngừng suy nghĩ dù khi đã chọn cuộc sống ẩn dật vì vẫn cảm thấy có vấn đề giữa cái tâm và cái hành như ta thấy trong đoạn 12. Đi ở ẩn có thực sự là tu hay không vì tu như thế vẫn chưa triệt để. Lánh đời có nghĩa là giữ một thái độ ích kỷ, chỉ nghĩ đến sự cứu rỗi của riêng mình. Chính hành động tự phê này bộc lộ cái tính nhân bản mà ta ít thấy nơi ai khác.

Lối hành văn của Chômei rất sinh động. Ông sử dụng nhiều phương pháp tu từ như điệp ngữ, phản đề, nghịch đảo, thêm vào đó, sử dụng khéo léo những điển cố, đối cú mạnh mẽ và hoa lệ.

Riêng về vai trò của tác phẩm trong dòng văn học thời trung cổ, cũng cần đặt Hôjô-ki vào bối cảnh lịch sử, tôn giáo. Đó là một thời đại chiến tranh loạn lạc, tai ách liên tiếp, mạng người rẻ rúng, cuộc sống cơ hàn. Người ta đã tìm nguồn an ủi trong lòng tin tôn giáo nên đạo Phật chưa bao giờ được phát triển mạnh mẽ như thế. Văn học với Hôjô-ki cũng mở thêm một cánh cửa khác đi vào thế giới nội tâm, để giải quyết những vấn đề của con người.

Về mặt văn bản, Hôjô-ki có nhiều truyền bản. Bản nhiều chữ gọi là quảng bản, bản ít chữ gọi là lược bản.Ngoài ra, tùy theo nội dung và cách hành văn lại chia ra làm cổ bản (bản cũ) và lưu bản (bản lưu hành). Do đó, quảng bản có một hay nhiều cổ bản và lưu bản; còn lược bản thì lại có 3 là bản năm Chôkyô thứ hai (Trường Hưởng, 1487-1489) bản năm Entoku thứ hai (Diên Đức, 1489-1492) và bản mana tức bản viết bằng chữ Hán. Trong 3 bản cổ [14]   thì bản giữ ở chùa Daifukukôji được xem như do chính tay Chômei chép lại. Tuy còn nhiều điểm hồ nghi nhưng đây là bản được giữ gìn trân trọng nhất. Bản Daifukukôji cũng là bản mà dịch giả (sang kim văn) Yasuraoka Kôsaku sử dụng như tư liệu chính.

 Tham Khảo

1) Yasuraoka Kôsaku chú dịch Kamo no Chômei, 1980, Hôjô-ki, Kôdansha Gakujutsu Bunko xuất bản, Tôkyô, bản in lần thứ 40 năm 2006.

2) R.P. Sauveur Candau dịch Kamo no Chômei, 1987, Notes de ma cabane de moine, Gallimard, Unesco, bản in năm 2002.

3) Yanase Kazuo chú dịch Kamo no Chômei, 1967, Hôjô-ki, Kadokawa Sophia Bunko, bản in lần thứ 52 năm 2006.

4) Moriguchi, Yasuhiko & David Jenkins dịch Kamo-no-Chômei, Michael Hofmann minh họa, 1996, Hojoki, visions of a torn world, Stone Bridge Press, Berkeley, California.

5) Nguyễn Nam Trân, 2007, Tổng Quan Lịch Sử Văn Học Nhật Bản. Chương 7: Dòng văn học nhật ký và tùy bút, phần nói về Kamo no Chômei và Hôjô-ki. Tư liệu trên mạng, chưa xuất bản.
 
 

Phiên dịch toàn văn [15]

 

1-Cái vô thường của đời người và nơi trú ngụ :

Sông kia chảy mãi chẳng lúc nào ngừng mà nước có bao giờ lại là dòng nước cũ [16]  . Bọt cặn dậy lên từ những nơi nước úng cũng có lúc tụ lúc tan chứ không giữ nguyên hình dạng lâu dài [17]  .

Con người sinh ra ở đời cũng như chỗ trú ngụ của họ, so với dòng sông, có khác gì đâu.

Ở chốn kinh đô [18]   lộng lẫy, biết bao nhiêu nhà cửa của kẻ giàu người khó, liền liền bên nhau, chen chúc đua cao, tưởng như sẽ còn mãi mãi dù trãi qua bao nhiêu thời đại. Nhưng khi thử nhìn coi chúng có thực sự bền lâu hay không thì mới thấy con số những ngôi nhà vẫn nguyên vẹn như xưa thật là ít ỏi. Có ngôi thì năm ngoái bị hỏa hoạn, năm nay phải dựng lại, có ngôi thì nhà to suy sụp, trên nền cũ xây lên mỗi một mái con.

Người sống trong những ngôi nhà đó, số phận cũng tương tự như vậy. Trong kinh đô có những khu vực tưởng chừng không thay đổi và vẫn đầy người sống ở đó, nhưng trong số hai, ba mươi người ngày xưa ta từng gặp thì nay cùng lắm chỉ còn mỗi một hay hai. Trên đời, sáng có người vừa chết thì chiều đã có kẻ sinh ra, đó là lẽ thường của cuộc sống, hoàn toàn không khác chuyện bọt nước dòng sông, mất đó rồi lại hiện ra.

Ta không hiểu những con người liên tiếp sinh ra và chết đi đã từ đâu đến cõi đời này và lúc thác sẽ về đâu. Ta cũng không hiểu vì ai mà người ta phải lao tâm mệt trí để xây nhà, rồi vì đâu mà phải trang trí cho đẹp mắt cái chốn vốn chỉ là nơi ở tạm trong cuộc sống vô thường này. Ta thấy cảnh đổi thay liên tục của những ngôi nhà và chủ nhân của chúng so ra chẳng khác gì giọt sương trên cánh hoa bìm buổi sáng. Có lúc sương rơi đi mất để hoa ở lại. Hoa dẫu có còn nhưng khi nắng lên thì đã cạn sức sống. Cũng có lúc hoa tàn héo nhưng giọt sương đọng trên hoa vẫn chưa tan biến. Tuy gọi là chưa tan nhưng sương chỉ còn đó trong khoảnh khắc chớ đâu có thể kéo dài cho đến lúc cuối ngày.

Từ khi biết phân biệt chuyện phải trái trên đời, ta đã sống hơn bốn mươi xuân thu. Trong khoảng thời gian đó, lại đã có dịp chứng kiến biết bao nhiêu cảnh tượng dị thường.

2-Hỏa hoạn năm Angen (1177) :

Như chuyện xãy ra vào ngày 28 tháng 4 năm Angen thứ ba [19]  . Hôm ấy gió thổi thật hung bạo rồi ban đêm, trong lúc lộn xộn, một đám cháy đã bùng ra phía đông nam kinh thành vào khoảng 9 giờ tối và lan mạnh về hướng tây bắc. Cuối cùng lửa còn bén vào các điện Suzaku và Daikoku, nhà Quốc Tử Giám và công thự Bộ Hộ, trong vòng một đêm, biến tất cả thành tro bụi. Người ta cho biết hỏa hoạn đã bắt đầu ở ngả tư giữa hai con đường hẻm Higuchi và Tomi, từ chỗ nhà rạp cất tạm cho bọn diễn trò ca múa [20]  .

Vì gió quay cuồng không định hướng nên đã để lửa tung hoành khắp nơi. Trận hỏa hoạn dần dần lan rộng giống như một cánh quạt mở bung ra. Những ngôi nhà phía xa ngột ngạt trong đám khói còn những ngôi ở gần phụt xuống mặt đất những vệt lửa dài. Gió bắn bụi tro lên thật cao. Tro ánh lửa sáng lòa làm cho bầu trời đỏ rực. Ngọn gió không gì ghìm nổi đã thổi những luồng lửa bay trong không xa vượt qua mấy trăm thước. Con người bị bao quanh bởi lửa đỏ như thế, hỏi có ai giữ được thần hồn.

Có người bị ngạt khói ngã lăn ra đất, có người bị lửa trùm lên, chết ngay tại chỗ. Lại có người may mắn chạy được, nhưng chỉ thoát mỗi tấm thân chứ không đem theo được tài sản trong nhà. Bao nhiêu của cái châu báu đành cho ngọn lửa thiêu rụi. Những tổn thất như thế to lớn không thể tưởng.

Trong dịp này, có 16 phủ đệ của công khanh đã bị cháy tiêu. Ngoài ra nhà cửa thường dân thì không đếm xiết. Nhìn chung con số đó phải đến một phần ba tổng số nhà cửa trong kinh đô. Số nam nữ chết cháy khoảng hàng chục, còn ngựa, bò và các thứ gia súc thì chết mất vô số.

Con người vì cuộc sống đã làm bao nhiêu trò ngu muội và hoài công nhưng trong những chuyện đó không có gì cực kỳ vô ích bằng chuyện lao tâm lao lực và lãng phí tài sản để xây cất nhà cửa trong chốn kinh đô nhiều nguy hiểm như thế này.

3-Con trốt năm Jishô (1180):

Lại nữa, hồi tháng tư năm Jishô thứ tư [21]  , ở quãng giữa ngả tư hai đại lộ Naka no mikado và Kyôgoku, một con trốt lớn đã dậy lên và thổi cho đến tận khu vực đại lộ Rokujô.

Trong một đường kính rộng ba, bốn chô   [22] , trốt bốc mọi đồ vật lên cao. Nhà cửa trọn khu vực ấy, dù nhỏ dù lớn, đều bị tiêu hủy. Có những ngôi nhà hoàn toàn đổ bẹp, có ngôi còn trơ mấy thanh cột thanh kèo. Cửa nẻo cũng bị trốt bứng mang đi ở một nơi cách xa đó những bốn năm chô. Rào dậu vây chung quanh những dinh cơ đều bị thổi bật nên không còn ai nhận ra ranh giới của chúng với những ngôi nhà ở kế cận, và đất thành ra giống như tiếp liền nhau. Hơn nữa, nếu trong nhà có của cải gì thì đã bị trốt giật lên không, những tấm vỏ già hay tấm tranh lớn lợp nhà đều bị rãi ra tan hoang khắp chốn như lá mùa đông. Vì con trốt cuốn bụi bặm đầy trời nên mắt không còn không còn phân biệt được gì nữa. Lại có những âm thanh rít gào dễ sợ ở đâu vọng tới khiến cho có muốn nói với nhau chuyện gì tai cũng không nghe. Ôi, ngọn gió nghiệp chướng [23]   nếu có chắc cũng đến cỡ này thôi. Không chỉ nhà cửa chịu thảm họa mà số người trong lúc sửa chữa chúng gánh lấy tai nạn, có khi mang tật nguyền, cũng không đếm xiết. Con trốt này di chuyển về hướng nam tây nam, kéo theo trên đường nó đi bao nhiêu tiếng gào khóc của nạn nhân.

Trốt giật là chuyện thường ngày vẫn xảy ra nhưng con trốt lần này không phải trò đùa. Làm như nó là điềm báo trước những cơn thịnh nộ khác của Thần Phật.

4-Cảnh hỗn loạn khi thiên đô về Fukuhara (1180) :

Còn thêm quyết định đột ngột thiên đô [24]   vào tháng sáu cùng năm. Thật là một tai họa không ai ngờ tới. Nói chung, sự lựa chọn Heian làm kinh đô bắt đầu có từ đời Thiên Hoàng Saga [25]   và tính đến nay, thành phố đã có bốn trăm năm lịch sử. Cho nên đâu dễ gì mà thiên đô đi chỗ khác một cách tùy tiện [[26]  , không vì một lý do nào đặc biệt. Sở dĩ lệnh thiên đô lần này làm cho ai nấy đều lo lắng xôn xao là vì thực tình nó đã vượt quá đạo lý thông thường.

Tuy nhiên cho dù có bàn qua tán lại thì trên từ đức kim thượng cho đến các bậc đại thần, công khanh, tất cả mọi người đều dời về kinh đô mới. Như thế, thử hỏi những người có dính líu đến việc phục vụ trong triều, ai muốn nán lại chỗ ở cũ tức là khu vực kinh đô Heian chi nữa. Hàng quan lại muốn bám víu vào chút chức tước hay tìm ân sủng của nhà vua đều gắng sức dọn về kinh đô mới càng sớm càng tốt. Còn những kẻ lâm vào cảnh sa cơ vì không chạy theo thời cuộc, bị dẹp qua một bên lề xã hội, không còn mong gì lập được công danh thì chỉ biết nằm lại chốn cố hương mà thở vắn than dài.

Những ngôi nhà người ta ở một thời từng chen chúc bên nhau đua tranh sự giàu sang, cùng với thời gian đã trở nên hoang phế. Bao nhiêu nhà bị giở ra, kết thành bè thả trôi trên dòng sông Yodo [27]   về kinh đô mới. Các nền móng còn trơ lại thoáng cái đã biến thành đồng ruộng. Tâm tình người đời cũng thay đổi cả, họ chỉ còn quí trọng ngựa với yên cương. Không còn thấy ai đi tìm bò hay xe bò kéo [28] . Họ mong được cấp lãnh địa vùng biển Tây Nam chứ không ai muốn có trang viên miền Đông Bắc nữa [29] .

Dạo ấy, nhân có việc, đôi khi chính ta cũng từng ghé qua xứ Settsu [30] , nơi có kinh đô mới. Quan sát cảnh tượng ở đó, mới nhận ra rằng đất đai vùng này thực chật hẹp, đến nỗi không đủ phân chia ra làm bốn khu đông tây nam bắc. Hướng bắc quá sát núi nên cao, hướng nam lại tụt thấp xuống gần mặt biển. Nơi đó, sóng đánh ầm ầm, còn gió triều rất nồng và thổi mạnh. Ngự sở của thiên hoàng được cất khuất trong núi làm ta liên tưởng tới hành cung Kinomaru [31]  ngày xưa, tuy có hơi (thô sơ) khác thường nhưng cũng vì thế mà có vẻ u nhã.

Mỗi ngày, thiên hạ cứ giở nhà, kết gỗ thành bè thả xuống dòng cho trôi về hạ lưu đến nỗi dòng sông như bị ngập ứ. Không biết với những thứ gỗ đó. họ sẽ xây dựng ở đâu. Đất trống hãy còn nhiều nhưng nhà mới cất chưa bao nhiêu. Kinh đô cũ đã hoang tàn mà kinh đô mới vẫn chưa hoàn thành. Một ngày có mặt ở kinh đô mới là một ngày đầy lo lắng trong lòng. Mọi người đều cảm thấy mình như mây trôi dạt, bơ vơ không chỗ nương tựa. Nếu những ai sinh sống ở đây từ trước buồn khổ vì đất đai bị nhà nước trưng dụng thì người mới di trú lại than thở cho công việc xây cất quá cơ cực. Nhìn bên đường, ta thấy những bậc công khanh, đáng lẽ phải ngồi xe bò kéo, từ khi phải cưỡi ngựa đến nay, đã bỏ hết mũ mãng y quan để mặc manh áo chiến tầm thường của hàng vũ sĩ. Mới biết, ngày một ngày hai, phong hóa chốn kinh đô đã hoàn toàn đổi khác, những vị này đã trở thành quê mùa như bọn lính tráng.

Ta nghe nói sự thay đổi trong phong tục thường là điềm báo trước những rối loạn xã hội. Quả tình là như vậy. Theo tháng ngày, con người càng thêm dao động, lòng dạ bất an. Thấy chuyện thở than sầu khổ của dân chúng không phải là điều vô căn cứ cho nên mùa đông cũng vào năm Jishô thứ tư này, đức hoàng thượng đã dời xa giá về lại kinh đô Heian. Thế nhưng bao nhà cửa ở đó đã bị san phẳng thì ra sao ? Làm gì có thể kiến tạo lại toàn bộ những ngôi nhà đã giở hết mang đi !

Nghe người ta kể lại thì ngày xưa vào thời chư vị thánh quân, các ngài thường lấy lòng từ ái để chăn dân.Vì thế cho nên nơi ngự sở cũng chỉ lợp tranh, mái lại không cần cắt tỉa cho đều [32] . Có ngài thấy khói thổi cơm bốc lên từ những mái nhà dân quá thưa thớt bèn xá miễn phẩm vật phải nộp cho triều đình dầu thuế ấy không đáng là bao [33] . Đó là những hành động của bậc vương giả với mục đích cứu dân, giúp đời. Nhìn vào thời buổi bây giờ mà so với ngày xưa, thì mới biết sự thể đã khác xa đến ngần nào.

5-Nạn đói năm Yôwa (1181) [34]

Hình như hồi năm Yôwa thì phải, chuyện xưa rồi nên không nhớ rõ. Suốt hai năm liền, không lương ăn, bao nhiêu cảnh bi thảm. Xuân, hạ thì hạn hán, thu, bão tố lũ lụt, tiếp nối toàn là tai ách, làm cho ngũ cốc hầu như không ra hạt. Dù có ra sức cày bừa vỡ đất mùa xuân, gieo giống mùa hè cũng hoài công cả thôi. Còn đâu cảnh nhộn nhịp gặt hái mùa thu và chất vào kho lẫm mùa đông.
Vì thế, nông dân khắp châu huyện bỏ nhà cửa ruộng vườn lại đằng sau, chạy qua xứ khác hay vào trong núi ở. Triều đình cho lập đàn cầu đảo, làm bùa làm phép mà hoàn toàn chẳng có kết quả. Nơi kinh đô, cho dù làm nghề gì cũng phải trông cậy vào tài hóa dưới quê mang lên. Nay chẳng thấy còn gì nên người hàng phố vì muốn giữ sĩ diện và duy trì nếp sống cũ, phải đem bán đổ bán tháo những đồ quí giá mà chẳng ai chịu để mắt mua cho. Nếu có người bằng lòng đổi chác thì tiền bị coi rẻ, lương thực đắt giá. Ngoài đường đầy ăn xin, tiếng kêu khóc than thở không đâu là không nghe.

Năm đầu thời Yôwa thì tình trạng nói trên cuối cùng có lắng đi. Đến năm thứ hai, đang lúc mới nghĩ mọi sự sẽ được phục hồi thì bệnh dịch lại phát, hoàn cảnh bi đát hơn, không còn dấu vết của cuộc sống bình thản ngày xưa. Người người càng ngày càng cùng quẩn, chẳng khác nào lũ cá mắc cạn. Những kẻ từng mang giày đội mũ nghênh ngang cũng phải ăn mày, lê la từ nhà này sang nhà khác ngữa tay xin.

Có người chịu khổ hết nổi, đầu óc choáng váng, mới thấy đi trên đường bỗng ngã lăn đùng. Bên những bức tường và hàng dậu ở vệ đường, toàn người chết đói. Vì không có cách nào đem vứt xác đi nên mùi xú uế xông lên khắp thành. Những thây ma lần hồi thối rữa ra, hình dung vóc dáng biến dạng quá đỗi, đến nổi không ai nhẫn tâm ghé mắt nhìn.

Cảnh tượng như thế còn thấy ngay giữa phố thì còn nói gì ngoài bãi sông Kamo. Ở đó, hài cốt bỏ bê chồng chất không còn chỗ cho ngựa hay xe bò di chuyển. Dân bần cùng hạ tiện làm nghề kiếm củi trong núi, vì thiếu lương ăn và sức cùng lực tận, không còn cung cấp đủ củi cho thành phố. Do đó, những kẻ không biết bám víu vào ai để sống phải phá chính nhà mình lấy gỗ đem ra chợ bán. Lúc đó, giá trị của đồ gỗ có trong nhà mà người nào đó đem ra bán cũng chưa đủ kéo dài sinh mạng của hắn thêm được một ngày. Trong số những món đồ gỗ đó, đôi khi có lẫn lộn những thanh sơn son hay thếp vàng. Điều tra mới biết là bị du vào thế cùng, những kẻ tệ hết chỗ nói đã vào chùa cổ đánh cắp tượng Phật, đồ thờ, rồi đập, chẻ ra làm củi. Phải giương mắt nhìn những hành vi không tha thứ nổi ấy, ta hận cho mình đã sinh ra vào thời buổi mạt pháp ngũ trược thập ác như thế này.

Còn nhiều chuyện thê thảm hơn nữa kia. Có những cặp vợ chồng không nỡ rời nhau, thì trong hai người, kẻ có tình yêu sâu đậm hơn đã chọn cái chết trước tiên. Lý do là người đàn ông hay người đàn bà đó quá tội nghiệp người kia nên quên cả mạng sống của mình, nhường lại cả chút lương thực đang có trong tay. Giữa cha mẹ con cái cũng có lối giải quyết tương tự. Cha mẹ đều chịu chết đói trước con. Lại có đứa trẻ sơ sinh, không hiểu rằng mẹ mình đã nằm chết kề bên, cứ tiếp tục ngậm chặt bầu vú.

Trong chùa Ninnaji [35]  có một nhà tu hành tên Ryuugyô [36]  cảm thán cái cảnh người chết vô số như thế, mới kêu gọi các bạn đồng tu mỗi lần nhìn thấy một thây chết hãy chấm bút viết vào trán họ một chữ " A " [37]  để dẫn dắt họ về với đạo lý của Đức Phật. Vì muốn tìm hiểu con số nạn nhân, trong vòng hai tháng tư và năm, bọn họ đã cất công đi đếm từ xóm Ichijô về phía Nam, từ xóm Kuujô lên phía bắc, từ khu Kyôgoku đổ về hướng tây và từ đại lộ Suzaku qua phía đông, nghĩa là trong nội thành kinh đô. Con số lên đến hơn 42.300 người, đó là chỉ kể những thây chết thấy bên đường mà thôi. Con số này không tính đến những kẻ đã chết trước hoặc sau thời điểm đó cũng như vô số xác thấy ngoài bãi sông Kamo hay ở Shirakawa, Nishi-no-Kyô và những vùng khuất nẻo khác. Hãy thử tưởng tượng con số nạn nhân nếu kể thêm cả những người chết ở các quận huyện của bảy đạo trong nước.

Trước đó không lâu, đời thái thượng hoàng Sutoku [38]  vào khoảng năm Chôshô [39]  cũng đã có cảnh tượng thê thảm tương tự nhưng ta chỉ nghe nói chứ không thấy tận mắt. Còn lần này ta được chứng kiến nạn đói xãy ra nên biết sự kinh hoàng hiếm có của nó như thế nào.

6- Trận động đất năm Genryaku (1185) [40]  :

Cũng khoảng thời gian này, có một trận động đất vô cùng lớn. Trận này không phải cỡ thường vì nó làm núi lở, sông vùi, biển nghiêng, đất ngập. Mặt đất nứt ra và nước vọt lên, những mỏm đá vỡ rơi lăn lóc dưới thung lũng. Thuyền đang chèo bên bờ bị sóng đánh dập vùi ra ngoài biển, ngựa đang đi trên đường, cảm thấy mặt đất dưới vó cũng lung lay.

Ở vùng chung quanh kinh đô, bao nhiêu chùa tháp không cái nào đứng vững. Cái bị đổ sập, cái thì ngã nghiêng. Bụi và tro bốc đầy trời trông như lớp khói dày. Tiếng đất rung chuyển, tiếng nhà cửa sụp xuống ầm ầm như sấm vang. Nếu còn nán lại trong nhà thì e nhà sập đè lên, còn chạy ra cho nhanh lại gặp cảnh đất nứt dưới chân. Không có cánh, làm sao bay thoát. Nếu là rồng thì đã cưỡi mây đi cho xong. Trong muôn thứ sợ hãi ở đời này, không thể chối cãi được tai ương đáng sợ hơn cả chính là động đất.

Mặt đất sau khi rung chuyển khủng khiếp như thế mới chịu ngừng lại nhưng những chấn động nhỏ gọi là dư chấn vẫn chưa thôi.Thường thường, sau một cơn địa chấn, trong một quãng thời gian phải có ít nhất hai ba mươi dư chấn đủ làm kinh hồn xãy ra mỗi ngày. Khoảng mươi hay hai mươi hôm sau, những chấn động đó mới thưa dần. Lúc đó, mỗi ngày đất chỉ còn rung khoảng bốn năm rồi hai ba bận nữa thôi. Sau đó rút xuống cách một hôm hay cách hai ba hôm mới có một bận.Nói chung, giai đoạn dư chấn kéo dài có khi đến ba tháng.

" Giữa khi đó, có một cậu bé tuổi khoảng lên sáu lên bảy, con một của một vũ sĩ, đang chơi dưới mái bức tường đất, nghịch ngợm đắp một ngôi nhà. Chợt bức tường ấy đổ ập xuống, vùi luôn cả cậu. Thân thể cậu bẹp nhẹp, hai con ngươi bật cả ra ngoài, không làm sao nhận diện được nữa. Cha mẹ chỉ biết ôm lấy xác con mà đau đớn khóc rống, chứ không biết nói lời nào. Nhìn cảnh đó ta thật thương xót. Mới nghĩ rằng cho dù là người vũ sĩ dũng cảm, trước nỗi buồn mất con, cũng không còn thấy có gì là xấu hổ khi phải để lộ tình cảm của mình trước mắt người khác " [41] .

Trong bốn nguyên tố lớn, thường thường thủy, hỏa, phong gây nhiều tai hại và người ta nghĩ rằng mặt đất rộng (đại địa) thì làm gì có thể tạo ra thảm họa. Thế nhưng vào khoảng niên hiệu Saikô [42]  thì phải, đất rung chuyển dữ dội đến nỗi đã gây nên một sự cố động trời là làm đổ cả đầu tượng Đức Phật ở chùa Tôdaiji [43] . Thật ra, so với lần này, trận động đất hồi đó đã thấm vào đâu. Lúc gặp cảnh động đất, mọi người mới lên tiếng cho rằng việc xây cất nhà cửa là điều vô nghĩa. Ta nghĩ họ nói được như thế thì những điều nhơ bẩn trong tâm họ cũng đã sạch bớt đi rồi. Thế nhưng vài năm sau, với ngày tháng trôi đi, thì ngay cả số người nói ra được điều đó cũng chẳng còn ai.

7- Nỗi khổ trên đời :

Nhìn chung, sống ở trên đời, cái tấm thân ta cũng như nơi ta trú ngụ đều là cái vật vờ, không thể trông cậy được, nhất là, như đã trình bày, vào những lúc tai ách xãy ra. Thêm nữa, tùy theo chỗ ta ở, hoàn cảnh mà ta gặp phải, nỗi khổ tâm của ta cũng thiên hình vạn trạng.

Một người bản thân không có gì đáng kể mà lại sống bên cạnh người quyền thế thì khi gặp chuyện thật vui cũng không dám vui tận lực. Khi buồn thống thiết, anh ta cũng không dám khóc to cho đỡ cơn buồn. Lo lắng không dám nhúc nhích, ngay khi làm những động tác bình thường mọi ngày thì cũng run rẫy giống như con se sẻ đang tiến đến gần tổ của chim ưng.
Một người nghèo mà sống bên cạnh người giàu có thì từ sáng đến chiều sẽ cảm thấy hỗ thẹn mãi vì cái dáng thảm hại của mình, lúc ở trong nhà ngoài ngõ đều phải ca ngợi người kia. Mỗi khi thấy thái độ thèm thuồng của vợ con hay kẻ ăn người của mình, hay mỗi khi nghe người nhà kẻ giàu sang ấy khinh miệt nhà mình thì tâm hồn lại bị dao động, không bao giờ có một phút bình yên.

Nếu người đó sống nơi nhà cửa tụ tập nhiều, chen chúc giữa một khoảnh đất hẹp thì khi nhà kế bên bị tai họa gì, anh ta khó mà thoát được vạ lây. Còn nếu sống ở một nơi heo hút, ngoài việc đường sá đi lại khó khăn, thêm cái nguy cơ gặp phải trộm cướp.

Hơn nữa, người mà ta gọi là quyền thế thường tham lam lợi lộc, còn người cô đơn không ai đùm bọc dễ bị khinh khi. Có được tài sản thì lo lắng, muốn giữ bằng được, còn không có thì ấm ức, tỵ nạnh với kẻ có. Nếu nương tựa người thì tấm thân thành ra nô lệ cho họ, còn nếu che chở giúp đỡ ai thì sẽ bị chính ân tình ta có với người đó giật giây. Chạy theo người đời mình sẽ khổ tâm, còn như không chạy theo thì bị thiên hạ coi là kẻ dở hơi.

Thế thì phải cư ngụ ở chỗ nào, phải hành động như thế nào để cho dù chỉ một khoảnh khắc, mình có thể tìm được sự bình an trong tâm đây ?

8-Xuất gia lánh đời và dựng am :

Ta được thừa kế gia sản của bà nội ta cho nên trong một khoảng thời gian dài, đã sống trong nhà của cụ. Sau đó, liên hệ của ta với gia đình xấu đi, bản thân ta cũng lâm vào cảnh sa sút. Chuyện cũ kia nọ nhớ ra thì nhiều không kể xiết nhưng xin tóm tắt là, đã lâu, ta không còn được sống nơi đó nữa. Năm ngoài ba mươi tuổi, ta mới nẩy ra ý dựng cho mình một căn nhà nhỏ đơn sơ.

Nếu đem so sánh căn nhà này với chỗ ở cũ của cụ nội thì mười phần mới được một. Ta chỉ xây cất tối thiểu đủ để làm nơi ngã lưng chứ không đủ vật lực để nhà được tiện nghi đầy đủ. Nói là nhà chứ chỉ có tường và mái, cánh cổng cũng chả làm nổi. Với mấy cột tre, ta dựng một cái chòi để cất cái xe kéo. Mỗi khi có gió mạnh hay tuyết đọng, ta mới cảm thấy lo lắng cho cái èo uột của căn nhà. Nhà ta lại nằm gần bên bờ sông Kamo nên dễ bị lụt lội, đó là chưa kể chuyện trộm đạo.

Cứ như thế mà ba mươi năm dư, ta đã khổ tâm nhịn chịu để sống với cuộc đời bạc bẽo. Trong suốt thời gian này, toàn gặp những điều không vừa ý, ta nhận ra mình là kẻ thiếu may mắn.Vì lẽ đó, vừa được năm mươi tuổi, ta quyết chí xuất gia, chọn cuộc sống ẩn dật để xa lánh người đời. Thuở giờ ta chưa hề có vợ con nên chẳng có mối liên hệ gì để phải cắt đứt. Bản thân chưa từng nhận bổng lộc, chức tước nên không cần bám víu điều chi. Và như thế, ta vào trong vùng rừng núi Ôhara [44] , nằm khểnh với mây trời. Quang âm thấm thoát, ấy thế mà năm năm đã trôi qua.

Nay ta bước gần đến tuổi sáu mươi, cái thân già suy yếu dần dần để rồi sẽ biến mất đi như hạt sương mai. Lúc những tháng ngày còn lại chẳng khác gì lá bám đầu cành, ta lại đi dựng một nơi tạm trú khác. Cũng giống người đi đường [45]  cất một cái chòi tạm để qua đêm, hay như con tằm già cố gắng rút hết ruột ra làm kén. Nếu ta so sánh chỗ này với ngôi nhà cất bên bờ sông Kamo nơi ta sinh hoạt bấy lâu thì nhà kia một trăm phần nó mới được một.

Trong khi nói ra bao nhiêu điều ngu muội, ta chỉ thấy tuổi tác của mình càng ngày càng cao và chỗ trú ngụ càng ngày càng hẹp lại. Ngôi nhà của ta lần này cũng vậy, nó không giống nhà của người đời chút nào. Rộng thì vuông vức mỗi cạnh chỉ non một trượng, cao chưa tới năm thước. Bởi vì chưa hề nghĩ đến chuyện có đất mới xây nhà, ta không mất nhiều thời giờ để chọn chỗ xây cất. Nền thì lấy mặt đất làm nền, mái lợp tạm bằng tranh, chỉ cần vài cái móc sắt để kết những tấm gỗ vào nhau. Ta cất giản dị như vậy với dụng ý có thể tháo gỡ dọn đi chỗ khác dễ dàng, nhỡ khi có chuyện không vừa lòng xãy đến. Cho dù phải dựng lại ở đâu đó, ta cũng sẽ không mất công khó nhọc. Tất cả vật dụng để vừa gọn trong hai chiếc xe kéo. Ngoài tiền trả người đánh xe, ta không có mục nào khác để chi tiêu cả.

9- Cuộc sống trong thảo am trên ngọn núi Hino:

Giờ đây, kể từ khi vào thật xa trong vùng rừng núi Hino dấu tông tích, lánh người đời, ở phía đông thảo am vuông vức này, ta lợp thêm một cái chái rộng nhỏ rộng hơn ba thước, lấy đó làm chỗ để chứa củi chụm. Phía nam, ta trải lóng trúc làm thành một hàng hiên, đầu tây hiên là bàn đặt đồ cúng kiến. Bên trong am, sát về hướng bắc và cách một tấm cửa vách, ta chưng tranh thờ Đức Phật A Di Đà. Bên cạnh đó, lại treo tranh Đức Phổ Hiền, trước mặt ngài đặt bộ kinh Pháp Hoa [46] . Đầu đằng đông, ta trải mấy nhánh dương xỉ khô làm giường ngủ ban đêm. Phía tây nam ta dựng mấy cái giá treo bằng tre trên đó đặt vài rương da màu đen. Trong rương là ít quyển sách nói về thơ (quốc âm) waka và âm nhạc, dăm tác phẩm triết lý như cuốn Ôjô Yôshuu [47] . Tường bên cạnh có treo chiếc đàn koto (cầm) và đàn biwa (tì bà). Chiếc đàn koto này gập lại được và biwa cũng có thể gỡ ra mang đi.

Nếu nói về cảnh tượng chung quanh thì phía nam cái am, ta có đặt máng gỗ, xếp đá làm chỗ để trữ nước khe. Rừng ở kề bên hiên nên nhặt cành khô làm củi bao nhiêu cũng có. Chỗ đó tên là Toyama [48]  thuộc vùng núi Hino. Dây sắn bò lan lấp lối đi, trong trũng cây cối rậm rạp nhưng phía tây lại thoáng nên buổi chiều ngắm mặt trời lặn để suy nghĩ về Đức Phật ở cõi Tây Phương tịnh độ cũng tiện.

Khi mùa xuân đến, hoa tử đằng [49]  nở tựa chòm mây tím hiện ra mỗi lần chư bồ tát đến rước người lành vãng sinh cực lạc. Hè thì tiếng cuốc kêu như lời ước hẹn sẽ đưa linh hồn về cõi u minh. Khi thu sang, tai nghe tiếng ve ngâm ran suốt ngày như lời than ai oán cho cuộc đời bèo bọt. Mùa đông thì cảnh tuyết rơi, đọng rồi lại tan, dường muốn phô cho ta thấy việc ác có thể xóa đi bao nhiêu công lao tích đức của con người.

Mỗi ngày được niệm Phật đọc kinh tùy thích, khi không muốn tụng nữa thì ngừng lại nghỉ ngơi. Sống có một mình, có làm như thế cũng chẳng ai phá quấy, mà ta cũng chẳng cần giữ ý với ai. Tuy không cố ý thực hiện cái hành vô ngôn nhưng có ai đâu mà phải phạm tội gian dối cùng người. Cho dù không bắt buộc giữ giới răn, chung quanh mình không cớ gì làm loạn cái tâm, làm sao phá giới cho được. Có chăng là tảng sáng có dịp ra bờ sông ngắm thuyền bè đi lại xa xa ở Okanoya [50] , thấy con thuyền thì có lúc chạnh nghĩ đến cuộc đời trôi nổi. Lúc đó miệng ngâm thầm mấy câu thơ phong lưu điệu Manshami [51]  mượn đỡ của người. Hoặc là lúc chiều về nghe tiếng gió thu rào rào qua cành quế, bắt chước quan đô đốc Minamoto  [52]  thả cho hồn mình trôi về bến sông Tầm Dương của Bạch Lạc Thiên. Đôi khi, nếu chưa cạn hứng thì dạo đàn cầm khúc Thu Phong Lạc [53]  hòa với gió tùng, hay khảy ít tiếng tỳ bà khúc Lưu Tuyền [54]  trước dòng nước chảy. Dù đánh đàn hay ngâm thơ không hay ho gì cũng chẳng lo ai để ý vì mình chỉ làm có mỗi một mình và chỉ với mục đích di dưỡng tính tình.

Lâu lâu có thằng bé con người canh gác sống trong căn nhà cất tạm dưới chân núi Hino lên am với ta. Lúc buồn tình, có thằng bé này làm bạn, cùng nhau đi chơi. Nó mười tuổi, ta sáu mươi. Tuổi tác tuy khác nhau nhiều nhưng cùng chung cái thú thích ngao du. Có lúc đi ngắt hoa đồng, hái quả dại, đào khoai rừng, nhặt gié lúa sót gom thành bó. Nếu trời đẹp, lại lên đỉnh cao nhìn về cố hương Kyôto, ngắm ngọn Kohata, mấy làng Fushimi, Toba, Hatsukashi. Những nơi thắng cảnh là của đất trời nên không có chi làm vướng mắt bận lòng. Đi bộ nhiều mà không biết mệt, đôi khi thích đi thật xa thì lại chuyền theo đường núi từ Hino đến vãn cảnh chùa Iwama, chùa Ishiyama trên núi Kasatori, hay là từ cánh đồng Awazu, vẹt lối cỏ ghé thăm dấu cũ của cụ Semimaru [55] , vượt sông Tanakami, đến tận ngôi mộ ngài Sarumarudayuu [56] . Trên đường về, tùy theo thời tiết, lúc thì đánh một vòng thưởng thức hoa anh đào, hay đi hái lá phong đỏ, bẻ cành dương xĩ, lượm lặt trái cây rụng đem về làm lễ vật cúng Phật và cũng để làm quà [57] .

Nếu là đêm thanh vắng, ta ngắm vầng trăng qua song cửa, cảm khái nhớ đến bạn bè xưa và những người đã khuất. Mỗi khi nghe tiếng vượn kêu thương thì lệ ướt đầm tay áo [58] . Nhìn đom đóm chập chờn trong cỏ rậm mà ngỡ ánh lửa chài [59]  phía đảo Makinoshima xa thẳm. " Tiếng mưa rơi buổi sáng nghe như tiếng gió rung cành lá " [60] . Nghe chim núi hót bi ai tưởng như tiếng cha tiếng mẹ nhắn gì mình. Khi mấy con nai sống trên đỉnh núi thân thuộc quen hơi đến chơi, mới thấy mình đã xa rời cõi tục đến ngần nào rồi. Lúc ngồi cời than trong lò, ngọn lửa bùng lên như đánh bạn với người già chợt thức giấc giữa đêm khuya. Trong núi không có gì hãi hùng nên cả đến tiếng cú rúc (vốn khó ưa) cũng làm ta thích thú. Cảnh sắc trên non cao theo thời tiết mà biến chuyển muôn màu muôn vẻ. Huống chi, đối với kẻ đã biết sống trầm tư hiểu được đạo lý sâu xa thì cảm xúc về sinh hoạt ở đây đâu chỉ giới hạn trong những điều vừa kể.

10- Suy nghĩ về cuộc sống thảo am :

Thật ra, khi ta dọn đến đây, cứ tưởng mình sẽ nán lại ít lâu nhưng không ngờ năm năm đã vèo trôi. Dần dần cuộc sống ở cái am tạm bợ này cũng thành quen, bên hiên lá mục chất dày, ngạch cửa rêu đã mọc xanh. Đôi khi nhân khi có tin tức kinh đô vọng tới, mới biết rằng kể từ khi ta thu hình vào góc núi Hino này, có rất nhiều vị hiển quí đã lìa bỏ cõi đời, và dĩ nhiên là có bao nhiêu thường dân vô danh cũng ra đi trong khoảng thời gian đó. Và làm sao mà đếm cho hết những ngôi nhà bị hũy hoại vì các trận hỏa hoạn thường xuyên xãy ra. Chỉ có cái am tạm bợ của ta là chỗ yên ổn duy nhất. Tuy diện tích của nó không là bao nhưng đêm đến ta có chỗ ngã lưng, ngày có chỗ ngồi. Chừng đó quá đủ cho kẻ sống một thân một mình. Con ốc mượn hồn thích sống trong một vỏ ốc con, bởi vì chúng tự biết mình muốn gì. Con ó biển không rời bãi biển vắng chẳng qua chúng sợ người ta bắt. Hoàn cảnh ta nào có khác gì. Ta hiểu lý do tại sao ta phải sống trong am này, ta lại hiểu rõ người đời. Ta không cầu mong nhà cao cửa rộng, cũng không ham chạy đua theo thế tục, chỉ bằng lòng với cuộc sống thanh tĩnh và nghĩ rằng hạnh phúc nằm ở trong chỗ không có mối lo âu.

Nhìn chung, khi con người xây nhà, chưa chắc họ đã xây vì mình. Đôi khi họ xây cho vợ con, thân thích, bạn bè. Cũng có lúc họ xây cho các bậc vua chúa, các vị chủ vị thầy, hay xây để chứa tài vật, bò ngựa. Còn ta, ta kết cỏ dựng cái am này chỉ dành cho ta chứ không vì ai khác. Lý do là trong cuộc đời biến đổi không ngừng này và trong hoàn cảnh cá nhân hiện tại, không có ai ở quanh ta, từ vợ con đến kẻ ăn người ở. Nếu ta dựng lên một căn nhà to rộng, hỏi sẽ dùng để chứa ai, đặt ai vào đó.

Trong mối liên hệ bạn bè, con người ta thường kính trọng bạn giàu, nhất là những kẻ tỏ ra gần gũi tử tế với họ. Thiên hạ chưa chắc đã biết quí những kẻ biết thương người hay tính tình ngay thẳng. Riêng ta thì bạn bè của ta không gì hơn là âm nhạc và phong cảnh thiên nhiên. Trên đời này, kẻ đem thân hầu hạ chỉ tỏ ra hết lòng phục vụ những ai cấp cho mình nhiều bổng lộc quà cáp chứ chắc chắn là không cần có cuộc đời êm đềm thanh tĩnh bên cạnh một kẻ thích giúp đỡ và biết thương người. Vì vậy không gì hay hơn là tự mình hầu hạ lấy mình. Trong bất cứ trường hợp nào, khi bắt buộc phải nhờ vả ai làm chuyện gì, không gì hay hơn là tự nhờ vả mình cái đã. Có mệt xác đấy chớ chẳng phải chơi nhưng so ra còn khỏe cái đầu hơn là phải sai bảo ai hay nhờ ai giúp đỡ. Nếu cần có chuyện phải chạy việc thì cứ sử dụng đôi chân của mình. Khổ thì có khổ nhưng sao bằng cái khổ bám víu lấy bò ngựa, xe cộ, yên cương.

Hiện nay, ta chia thể xác của mình ra làm hai phần dành cho hai hoạt động. Đó là tay để bảo làm và chân để bảo đi. Hai loại người làm này hoàn toàn đầy đủ và thỏa mãn được tâm ta rồi. Vì tâm ta hiểu được cái nhọc nhằn của thân xác cho nên khi thân xác nhọc nhằn, ta cho nó nghĩ ngơi, khi thân xác cứng cáp thì ta sử dụng. Dù gọi là sử dụng nhưng chỉ đôi lúc thôi chứ không bao giờ quá đáng. Những khi  thân xác mệt mõi và nặng nề, tâm ta cũng không bực bội. Hơn nữa, nhờ có dịp chạy đi chạy lại và lao động thường xuyên, thân xác càng thêm tráng kiện. Thế thì việc gì phải để thân xác nghĩ ngơi quá lố. Cái việc bắt người khác phải lao khổ vì mình mới là điều tội lỗi. Cứ phải mượn sức người có gì gọi là hay đâu.

Về phục sức và ẩm thực thì ta cũng theo một lối nghĩa là áp dụng phương pháp tự lực sinh tồn. Áo tơ áo gai để mặc khi đi ngủ có thế nào thì dùng thế ấy, chỉ cần để che thân. Thức ăn là rau hái ngoài đồng hay hạt nhặt trên núi, chỉ cần đủ duy trì sự sống. Vì không giao thiệp với người đời ta chẳng có gì để xấu hỗ vì hình dáng bên ngoài của ta. Thức ăn không đủ dùng nhưng cứ nghĩ đó là cái quả báo kiếp trước, nên món tầm thường cũng lấy đó làm ngon.

Thái độ vui sống với cuộc đời như vậy không đáng đem ra phô trương trước những người có cuộc sống sang trọng. Chuyện này chỉ liên quan đến mỗi mình ta khi đem so sánh hai quãng đời, xưa kia đối với bây giờ, trước và sau khi vào sống trong vùng núi Hino.

11-Cái thú sống ở thảo am :

" Từ khi ta xa lánh cõi đời, và chọn cuộc sống ẩn dật, ta cảm thấy không có gì oán hận hay lo âu nữa. Ta phó mặc cuộc đời cho định mệnh, không ước mơ gì, không cầu sống lâu, không mong chết sớm. Ta xem cuộc đời mình như đám mây lúc hợp lúc tan cho nên không gửi gắm hy vọng cũng như tìm ra thất vọng nơi nó nữa. Niềm vui thỏa của ta là ngã lưng đánh một giấc trưa bình yên, và tất cả tham vọng một đời là được ngắm cảnh vật thay đổi theo bốn mùa " [61] .

Cái gọi là ba thế giới [62]  chính ra tùy thuộc ở lòng mình. Nếu tâm ta không yên ổn thì của cải như voi ngựa hay đồ quí báu chẳng có ích gì mà kiến trúc như lầu gác thành quách cũng không phải là vật đáng ước muốn.Hiện nay, nơi trú ngụ nhàn tĩnh nghĩa là cái am con vỏn vẹn một phòng này là vật mà ta cho là quan trọng hơn cả. Cũng có lần ta lên kinh đô, hỗ thẹn vì hình dáng ông sư khất thực của mình, thế nhưng, khi từ đó trở về am, lại thấy chính những người đang sống bon chen trong vòng danh lợi phiền toái ở kinh đô mới là kẻ đáng tội nghiệp.

Nếu người đời còn nghi ngờ những điều ta nói thì cứ xem lũ cá, lũ chim. Cá sống trong nước không bao giờ chán nước [63] . Phải là cá thì mới hiểu cái tâm tình này. Chim không muốn gì hơn là sống trong rừng [64] . Chỉ là chim mới biết vì sao. Những cái thi vị của lối sống nhàn tĩnh [6[65]  cũng thế, người ta chỉ thấm thía khi sống cuộc đời đó.

12- Phủ định cuộc sống lánh đời :

Ôi, như ánh trăng tà lặn về hướng tây, đã đến chỗ giáp ranh với đỉnh núi rồi và sẽ bị núi che khuất đi, cuộc đời của ta đang ngã bóng chiều. Trước khi đi vào thế giới u minh của cõi Tam Đồ [66] , ta còn than trách tiếc hận gì về những hành vi của mình chi nữa. Điều căn bản trong những lời Đức Phật dạy con người là không nên chấp trước với bất cứ điều gì ở thế gian. Ngay cả chuyện ta quyến luyến cái am con này là một điều tội lỗi và việc ta bấu víu vào cuộc sống cô đơn nhàn tĩnh cũng là trở ngại để được siêu sinh. Làm sao ta lại có thể dùng thời giờ quí báu còn lại để làm chuyện vô ích là kể lể cái cảnh nhàn cư này.

Có một sáng tinh sương, ta suy nghĩ rất lung về điều nói trên rồi tự hỏi lòng mình : " Nếu mi xa lánh cuộc đời, vào sống giữa núi rừng là muốn giữ cho tâm hồn lắng dịu để có thể tu tập theo con đường của Đức Phật. Thế nhưng, tuy bên ngoài mi có dáng dấp của một vị chân tu, trong lòng mi vẫn đầy nhơ bẩn vì phiền não. Chỗ mi ở thật không khác cái am vuông của Jômyô Kôji [67]  nhưng việc mi làm chưa chấm được gót của Shuri Handoku [68]  đáng thương kia. Không hiểu có phải kiếp trước mi có quá nhiều nghiệp chướng cho bây giờ bị quả báo nghèo khổ. Hoặc giả vọng tâm mê lầm đã tạo những điều phiền não làm rối loạn đường tu của mi ".

Khi ta tự đặt cho mình những câu hỏi ấy, lòng ta hoàn toàn không tìm ra câu trả lời. Rốt cuộc, nó mới đủ sức lay động để thoát ra bằng đầu lưỡi [69]  ta hai ba bận câu Nam Mô A Di Đà Phật.

Ta, kẻ xuất gia tên gọi Ren.in [70]] , đã viết những cảm nghĩ này trong thảo am ở Toyama vào cuối tháng ba năm thứ hai niên hiệu Kenryaku [71] .

" Trăng kia có sáng nhưng buồn cho nó sẽ phải khuất sau nếp núi.
Cầu mong sao chúng ta có thể thấy ánh sáng vĩnh cửu ! " [72]

(Dịch xong tại Tôkyô ngày 15/4/2007)
--------------------------------------------------------------------------------

[1] - Theo cách miêu tả của Chômei trong bài thì căn phòng của ông vuông vức, mỗi bề khoảng 3 mét, cáo khoảng 2,1 mét. Tuy nhiên "phương trượng" cũng là một chữ của nhà Phật thấy trong kinh Duy Ma, chỉ chung chỗ ở của nhà tu hay chính bản thân nhà tu.

[2] - Viết chữ Hán là Áp, Trường Minh. Đọc là Chômei thì trang trọng hơn là Naga.akira.

[3] - Shun.e (Tuấn Huệ, 1113- ? ) tăng ở chùa Tôdaiji. Dòng dõi quí tộc Minamoto, có tập Rinyô Waka-shuu (Lâm Diệp Hòa Ca Tập).
[4] - Thiên Tải Hòa Ca Tập (1183) , một tập thơ quốc âm soạn theo chiếu chỉ thiên hoàng. Gồm 20 quyển. Nội dung được cho là ôn nhã diễm lệ và u tịch.
[5] - Waka là thơ quốc âm Nhật bản có 31 âm. Renka là waka khổ dài cos khi đến hàng trăm câu do nhiều người nối nhau làm.
[6] - Chữ Hán viết là Trung Nguyên, Hữu An.
[7] - Fujiwara no Teika (Đằng Nguyên, Định Gia, 1162-1241), con trai Shunzei (Tuấn Thành, 1114-1204).
[8] -  Vô Danh Sao. Còn gọi là Vô Minh Sao, Áp Minh Sao, Trường Minh Vô Danh Sao.
[9] - Phát Tâm Tập. Có bản gồm 8 quyển 102 truyện, có bản gồm 5 quyển 62 truyện.
[10] - Việt Nam có Dục Thúy Sơn Linh Tế Tháp Ký (Trương Hán Siêu), Thanh Hư Động Ký (Nguyễn Phi Khanh), Mai Đình Mộng Ký (Nguyễn Huy Hổ) vv…
[11] - Theo thứ tự: Phú Sĩ Sơn Ký, Thư Trai Ký, Đình Tử Viện Tứ Ẩm Ký, Trì Đình Ký. Để tránh rườm rà, xin lược tên tác giả.
[12] - Viết theo âm Hán là Khánh Từ Bảo Dận ( ? – 1002) văn nhân giai đoạn giữa thời Heian. Tên thật là Kamo, làm quan soạn sắc chiếu cấp cao trong cung. Học Sugawara no Fumitoki (899-981), một học giả cung đình lỗi lạc. Văn chương Yasutane điêu luyện. Sau xuất gia, pháp danh là Tịch Tâm.
[13] - Ảnh hưởng xa của Trì Thượng Biên và Thảo Đường Ký của Bạch Cư Dị cũng cần được nhắc tới. Dấu ấn của ông Bạch lên văn học Nhật Bản vô cùng quan trọng.
[14] - Bản chùa Daifukukôji, bản gia đình Maeda, và bản gia đình Sanjônishi (tàng trữ tại đại học Gakushuuin).
[15]  - Để đọc cho thoáng, chúng tôi theo gương Yasuraoka chia bản dịch thành những tiểu đoạn với tựa đề do ông đặt ra.
[16] - Có thể đã lấy ý câu trong Luận Ngữ :"Thệ giả như tư phù, bất sả trú dạ" (Nước chảy mãi thế này ư, ngày đêm không ngừng nghĩ) và câu trong Văn Tuyển (quyển 16) của Lục Sĩ Hành (bài tựa cho Thán Thệ Phú tức bài phú than cho cuộc thế chuyển vần).
[17] - Theo ý thơ của Kakimoto no Hitomaro (Man.yôshuu quyển 7) than cho đời người giống như bọt nổi trên dòng nước.
[18] - Chỉ Heian (sau là Kyôto, kinh đô Nhật Bản từ 794 đến 1868).
[19] - Năm An Nguyên thứ ba (1177).
[20] - Có dịch giả hiểu là nhà rạp cất tạm cho người bệnh (bản R.P. Sauveur Candau). Yanase Kazuo cũng có nêu giả thuyết này.
[21] - Năm Trị Thừa thứ tư (1180).
[22] - Đơn vị đo lường. Một chô ngang với 109m. Còn có nghĩa là xóm.
[23] - Nghiệp phong. Phong tai cùng với hỏa tai và thủy tai họp thành tam tai sẽ diễn ra trong ngày tận thế.
[24] - Quyết định thiên đô về vùng biển Fukuhara, nay là một phần của thành phố Kobe năm 1180. Do lệnh của quyền thần Taira no Kiyomori (1118-1181). Đương kim thiên hoàng, Antoku (1178-1185), cháu ngoại ông ta, lúc đó chỉ là một cậu bé mới có 4 tuổi.
[25] Thực ra Kyôto đã là kinh đô từ đời Thiên Hoàng Kammu (tại vị 781-806), cha của Saga (tại vị 809-823).
[26] - Đây chỉ là ý kiến của Chômei. Lý do Kiyomori thiên đô có thể nhằm tránh mũi nhọn của thế lực Minamoto đang tiến chiếm kinh đô. Gần đây có thuyết cho rằng ông muốn dời đô ra một hải cảng để thuận tiện cho việc mậu dịch với Trung Quốc.
[27] - Sông Yodo phát nguyên từ hồ Biwa chảy ra vịnh Naniwa (Ôsaka bây giờ). Nối với Kyôto bằng hai con sông nhỏ Kamo và Katsura, nó là trục giao thông đường thủy giữa kinh đô cũ Kyôto và kinh đô mới Fukuhara.
[28] - Ngựa dễ di chuyển hơn xe bò (công khanh hay dùng) chậm chạp.
[29] -  Miền Tây Nam là cơ sở của họ Taira. Đông Bắc đã rơi vào tay những kẻ đối đầu nghĩa là tập đoàn Minamoto.
[30] - Settsu là tên của một quận huyện cũ bao gồm Naniwa và Fukuhara.
[31] - Gọi là Kinomaru-dono, hành cung của thiên hoàng Saimei (Tề Minh) cất ở Chikuzen trên đảo Kyuushuu, vốn làm bằng thân gỗ thô chưa đẽo gọt.
[32] - Sự tích về vua Nghiêu, có chép lại trong thiên Ngũ Đố (Năm Loại Mọt) sách Hàn Phi Tử , Sử Ký Tư Mã Thiên và nhiều sách khác.
[33] -Sự tích Thiên Hoàng Nintoku ghi trong Nihon Shoki.
[34] - Năm Dưỡng Hòa (1181-1182), tuy là 2 năm nhưng niên hiệu này chỉ kéo dài có 10 tháng.
[35] - Nhân Hòa Tự, ở ngoại ô bắc kinh đô.
[36] -  Tên chữ Hán là Long Hiểu. Một nhà sư gốc gác quí tộc.
[37] - Chữ (A) trong tiếng Phạn có nghĩa "căn nguyên của vạn vật" tượng trưng cho nguyên lý "bất sinh bất diệt".
[38] - Sutoku-in (Sùng ĐứcViện, tại vị 1123-1141), một thiên hoàng đảo chánh nhà chúa không thành, bị phối lưu trên đảo Shikoku.
[39] - Niên hiệu Trường Thừa (1132-1135).
[40] - Niên hiệu Nguyên Lịch (1184-1185).

[41] - Đoạn ghi trong ngoặc kép này không thấy có trong bản dịch của Yasuraoka. Sauveur Candau và Yanase Kazuo đều dịch nó nhưng Yanase đã phụ chú về việc có các dị bản. Xem văn từ và nội dung thì đoạn này không có gì xuất sắc, chưa chắc đã do chính Chômei viết.
[42] - Tề Hành (885) dưới đời Thiên Hoàng Montoku (Văn Đức).
[43] - Tức tượng Đại Phật bên ngôi chùa Đông Đại Tự ở Nara.
[44] - Đại Nguyên, thung lũng năm giũa vùng núi non phía tây bắc Kyôto.
[45] - R.P. Sauveur Candeau dịch là "người đi săn".
[46] - R.P. sắp xếp nhà cửa của Chômei theo một thứ tự khác.
[47] - Vãng Sinh Yếu Tập (985), trước tác của tăng Genshin (Nguyên Tín, 942-1017) phái Thiên Thai.
[48] - Có nghĩa là bìa rừng, ven núi.
[49] - Tức hoa fuji (wisteria, glycine), một loài hoa giây màu tím mát rất nên thơ, khi gió thổi trông như sóng gợn (fujinami). Được người Nhật yêu thích không kém gì hoa anh đào.
[50] - Tên vùng đất cũ trong xứ Yamashiro, nay thuộc Uji gần Kyôto.
[51] - Chữ gọi tắt của Manzei.shami (Mãn thệ sa di) khúc hát của một sa di tên Manzei, trước là quan đại thần, đã thế phát quy y nhưng chưa dứt lòng trần, lại đèo bòng vợ con.
[52] - Đô đốc Minamoto tức Minamoto no Tsunemoto (Nguyên, Kinh Tín, 1016-97), một đại thần hào hoa, bác học đa tài, giỏi văn chương, sành âm luật. Ông thiện nghệ về đàn tỳ bà, trường phái của ông gọi là "Quế Lưu". Ở đây Chômei muốn nhắc đến Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị.
[53] - "Vui gió thu"Shufuuraku (Thu Phong Lạc). Tên một khúc nhã nhạc.
[54] - "Suối chảy"Ryuusen (Lưu Tuyền). Một khúc tỳ bà bí truyền.
[55] - Nhà thơ mù, giỏi đàn tì bà, sống đầu thời Heian, tương truyền dòng dõi hoàng tộc.
[56] - Một trong 36 ca tiên thời Heian, một nhân vật có tính truyền thuyết.
[57] - Có lẽ làm quà cho người quanh vùng.
[58] - Ba Đông tam giáp Vu Sơn trường. Viên minh tam thanh lệ chiêm thường ( Ba Đông ba kẽm, Vu Sơn dài. Vượn hú ba lần, áo lệ đầy) (Cổ Nhạc Phủ).
[59] - Kagaribi có thể hiểu là lửa thuyền chài hay lửa tuần đêm.
[60] - Câu này chỉ có trong bản của R.P. Sauveur Candau và xét ra cũng không có gì đặc biệt. Xin tồn nghi.
[61] -  Đoạn này chỉ có trong bản của R.P. Sauveur Candau và khi chuyển sang đoạn sau thấy hơi thiếu tự nhiên.
[62] - Tam giới: chữ nhà Phật nói về ba trạng thái tâm lý trong con người : dục giới, sắc giới và vô sắc giới . Một bài kệ trong Kinh Pháp Hoa có câu: Tam giới duy nhất tâm, Tâm ngoại biệt vô pháp.
[63] - Xem đối đáp giữa Trang Tử và Huệ Tử trong sách Trang Tử (thiên Thu Thủy). "Anh không phải là cá sao biết cá sướng!" vv…
[64] - Ý thơ điền viên của Đào Tiềm trong Đào Uyên Minh Tập: Kỳ điểu luyến cựu lâm, Trì ngư tư cố uyên."Chim xa rừng thương cây nhớ cội"vv…
[65] - Nguyên văn "nhàn cư khí vị". Thơ Bạch Lạc Thiên có câu: Nhân gian vinh dược nhân duyên thiển, Lâm hạ u nhàn khí vị thâm. Nhà thơ Nhật Ôe no Koretoki (Đại Giang, Dĩ Ngôn) cũng có câu: Nhàn trung khí vị thuộc thiền phường. Duy đắc tự nhiên nhật nguyệt trường.
[66] - Ba con đường (tam ác đạo) đưa đến chỗ xử hình dưới âm ty mà kẻ ác phải đến: địa ngục đạo, súc sinh đạo, ngạ quĩ đạo.
[67] - Tức Tĩnh Danh Cư Sĩ, tên chữ Hán của ngài Duy Ma Cật, tăng sĩ Ấn Độ. Tăng phòng bên nước đó cũng vuông vức mỗi bề khoảng một trượng. Ý nói hai người giống nhau về hình thức nhưng không giống về nội dung.
[68] - Tên Hán là Chu Lê Bàn Đặc, một trong 16 La Hán, học trò của Đức Thích Ca lúc ngài còn tại thế. Có người anh thật thông minh nhưng riêng ông thì từ lúc sinh ra đã cực kỳ ngu độn, học trước quên sau, một bài kệ ba tháng chưa thuộc. Sau bỗng nhiên khai ngộ, chứng quả A La Hán.
[69] - Thiệt căn, một trong lục căn (nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý), cửa ngõ của tâm hồn.
[70] - Liên Dận. Liên là chữ đầu trong tên hiệu mà các tăng phái Tịnh Độ thường dùng.
[71] - Kiến Lịch, năm thứ 2 (1212), Chômei 58 tuổi.
[72] - Hai câu này chỉ có trong bản của R.P. Sauveur Candau.



 Trở Về