BẠT

 

Tuyển tập Hyakunin- Isshu, công trình biên soạn của thi hào Fujiwara no Teika có thể xem như là một ngôi đền thi ca (nói theo kiểu Tây Phương, một Panthéon hay Hall of Fame) qui tụ những gương mặt khỏi sắc nhất của dòng thơ waka Nhật Bản.

Waka hay Yamato-uta thật ra có nhiều thể loại nhưng những bài trong tập này làm theo kiểu thơ ngắn 31 âm tiết trong 5 câu 5/7/5/7/7 gọi là tanka (đoản ca), một hình thức còn được duy trì đến ngày nay. Tuy nó có thể ngắn hơn (gọi là ji-tarazu) hay dài hơn (ji-amari) một hai âm tiết nhưng trường hợp ấy khá hiếm. Bài 21 với câu cuối gồm 8 âm tiết của Pháp sư Sosei đưa bài thơ lên 32 âm tiết là một ngoại lệ.

Tuy 100 bài thơ trong tập này không phải là bài thơ hay nhất của từng tác giả và số thi nhân tên tuổi của waka không chỉ giới hạn ở con số 100 người, nhưng chúng ta hiểu được mối ưu tư của Teika, nhà biên soạn, khi đứng trước số lượng đồ sộ những giai tác sẳn có. Ông còn phải lựa chọn chúng theo tiêu chuẩn của mình và cân nhắc để có một sự thống nhất và hài hòa. Các thi tập Nhật Bản vốn qui tụ rất nhiều bài. Ví dụ Man.yô-shuu, tập thơ tối cổ, lên đến con số 4516. Các thi tập soạn theo chiếu chỉ các thiên hoàng thuộc nhóm Nhị Thập Nhất Đại Tập tuy ngắn dài có khác nhưng trung bình cũng phải trên 1000 bài cho mỗi tập. Shika-shuu với 411 bài, ngắn nhất, còn Gyokuyô-shuu 2796 bài là dài nhất. Như thế, nếu làm một con tính nhỏ, ta thấy việc làm của Teika rất khó khăn và tế nhị (với 10 tập nghĩa là từ 10.000 bài, coi như ông chỉ lấy 1 trong số 100 bài đã được gạn lọc qua một lần rồi).

Kể từ khi Hyakunin Isshu ra đời (ngày 27 tháng 5 năm Bunryaku tức 1235) đến nay, tuyển tập đã có gần 800 năm lịch sử và đóng một vai trò quan trọng trong việc tu dưỡng và tiêu khiển của người Nhật. Nó được in thành sách và thành những quân bài (karuta), đề tranh (uta-e), phổ nhạc, dùng để làm tư liệu giáo khoa cho học sinh cấp cơ sở học tiếng Nhật thanh nhã. Đó là một thứ best-seller xuyên thế kỹ, cho dù trải qua bao nhiêu cuộc thăng trầm của lịch sử.

Việc chú giải Hyakunin-Ishuu

Trong việc đọc thơ, lúc nào cũng có hai cách: cách đọc thẳng, độc lập với ngữ cảnh (decontext), mặc kệ ai bàn ra tán vào, và cách đọc qua chú thích, chiêm nghiệm. Tuy nhiên, với những áng thơ cổ viết bằng một ngôn ngữ xa lạ, lại cô đọng và làm ra vào một thời điểm quá xa xôi, chúng ta không thể nào hiểu được trọn vẹn thâm ý của tác giả nếu không có công phu chú giải của các nhà phê bình Dù không phải kiến giải nào của họ cũng hợp lý nhưng việc đọc các chú giải giúp ta rất nhiều. Nhất là các chú giải cũng là một thứ văn chương có phong vị riêng, như điều mà nhà thơ Anh Alfred Tennyson (1809-92)[1] đã nhận định:

Writ in language that has long gone by...
And every margin scribbed, crost and crammed
With comment, densest condensation, hard...
And in the comment did I find the charm.

(Chính là qua lời bình luận ghi chú dày đặc và viết tháu bên lề những áng văn chép bằng một ngôn ngữ đã lui vào quá khứ mà tôi tìm được cái hay đẹp của chúng)

Chúng ta nhớ rằng buổi đầu, Hyakunin Ishuu chỉ là đối tượng của một trò chơi: một tập giấy màu nhằm mục đích để trang trí nội thất. Dĩ nhiên trước đó, Teika đã quen chọn thơ. Bằng cớ là ông đã cộng tác để hoàn thành Shinkokin-shuu (Tân Cổ Kim Tập, 1206, 1981 bài) và làm xong Nishidai-shuu (Nhị Tứ Đại Tập) tức tập tuyển thơ từ Bát Đại Tập ( 1215, 1811 bài ). Thời của ông, người học thơ thường chép 100 bài một để học dần. Có lẽ vì thế, ông đã soạn Hyakunin Shuuka ( Bách Nhân Tú Ca, tìm thấy sau đệ nhị thế chiến, có 101 bài). Nội dung của nó hầu như giống với Hyakunin Isshu của chúng ta, duy có thêm 3 người (Hoàng Hậu Ichijô, Quyền Trung Nạp Ngôn Kuninobu, Quyền Trung Nạp Ngôn Nagakata) và thiếu mất 2 người (Gotoba-in, Juntoku-in). Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản như Inoue Muneo, giáo sư danh dự Đại Học Rikkyô, có lẽ Hyakunin Isshu là tập thơ được người đời sau chỉnh lý từ tác phẩm gốc Hyakunin Shuuka đó chăng. Thế rồi từ khi ra đời cho đến sau đó, trải qua các triều đại, nó được người yêu thơ từ quí tộc đến bình dân mến chuộng, phần vì nguồn gốc chính thống của loại thơ soạn theo chiếu chỉ, phần dựa vào danh giá Teika và một phần khác nhờ sự gọn nhẹ, tiện lợi (100 bài). 

Sau khi Teika chết đi, con cháu ông chia rẽ, thành lập ba trường phái và thường xuyên tranh chấp lẫn nhau không những về danh tiếng, về sách vở mà còn kiện tụng nhà cửa ruộng đất thừa tự nữa.. Nijô là dòng chính, đối kháng với Kyôgoku và Reizei. Hyakunin Isshu (tức phiên bản Ogura Hyakunin Isshu) chỉ được nhắc đến lần đầu tiên như một tập thơ bởi tăng Ton.a (Đốn A, 1289-1372), một môn đệ phái Nijô.Di cảo xưa nhất là bản nằm trong tay Gyôkô (1391-1455), cháu gọi Ton.a bằng cố.

Từ thế kỷ 15 mới thấy xuất hiện bên cạnh Hyakunin Isshu những bản chú thích, ta gọi là cổ chú. Tập cổ chú có uy tín nhất là của nhà thơ renga Sôgi (Tông Kỳ, 1421-1502) ra đời khoảng 1478-1490. Có lẽ Sôgi đã thừa hưởng những lời ghi chú của chi phái Ton.a từ Tô no Tsuneyori (Đông, Thường Duyên, 1401-1484?) vào năm 1471. Nội dung của tập cổ chú của Sôgi có nhiều điểm giống với tập chú thích đầu tiên được biết đến (gọi là Ôei-shô) vì ra đời vào năn 1406 trong niên hiệu Ôei (Ứng Vĩnh, 1394-1428). Thế rồi, chú thích của Sôgi trở thành cơ sở cho Yuusai Shô (Chú thích của Yuusai, 1596), nhà thơ kiêm võ tướng thời Chiến Quốc Hosokawa Yuusai (Tế Xuyên, U Trai, 1534-1610). Mặc dầu ảnh hưởng của trường phái Nijô (Ton.a, Sôgi) rất mạnh, các trường phái khác như Reizei, Asukai, Sanjônishi đều có truyền thống giải thích riêng của họ.

Đến đầu đời Edo, có nhà nghiên cứu quốc học Keichuu (Khế Trùng, 1640-1701), với tinh thần phục cổ, dã ra công chú thích thêm trong Kaikan-shô (Lời bình tu chính, 1688). Tập chú thích này đánh dấu một biến chuyển lớn vì khác với thời trước, Keichuu làm việc một cách khoa học hơn về văn bản và sẽ mở đường cho lối chú thích mới về sau (tân chú) với Kamo no Mabuchi (1697-1769) trong Uimanabi (Bước đầu học hỏi, 1765) rồi Motori Norinaga (1730-1801). Họ đều  muốn qua những tác phẩm thuần túy Nhật Bản như Man. yô-shuu, loại bỏ ảnh hưởng Hán học và tìm về tư tưởng quốc hồn quốc túy.

Sau đó, cùng với sự phổ cập trong quần chúng của Hyakunin Isshu, ta có thêm tập Shinshô (Chú thích mới, 1804) của Ishihara Shômei với lập luận phủ nhận các cổ chú đã có cho đến thời của Yuusai nhưng lại đánh giá cao Keichuu và Mabuchi. Sau Shômei, phải kể đến nhà thơ Kagawa Kageki (Hương Xuyên, Cảnh Thụ, 1768-1843), tác giả Hyaku-shu Iken (Ý kiến về Bách Thủ, 1823). Điều đặc biệt là Kagawa tấn công cả cách chú thích của Keichuu lẫn Mabuchi, sau đó ông khai sáng ra một dòng thơ tanka trong sáng, dễ hiểu, gọi là trường phái Keien (Quế Viên). Nó là dòng thơ quốc âm chủ đạo thời Meiji.

Phiên bản Hyakunin Isshu được phổ biến rộng rãi hơn cả các bộ quân bài Karuta dùng để tiêu khiển có lẽ là quyển Hyakunin Isshu Hitoyo-gatari (Trọn một đêm kể chuyện Hyakunin Isshu, 1833) của Ozaki Masayoshi. Tuy nhiên sách này giảng nghĩa (theo kiểu Keichuu) thì ít mà phiêu lưu trong các giai thoại về thân thế các tác giả thì nhiều. Ngày này, các sách giải thích về Hyakunin Isshu nhiều vô số và bản thân tuyển tập vẫn được dùng làm cơ sở cho giáo dục quốc văn ở các trường trung học tuy học trò ít người thuộc trọn 100 bài.   

 

Biến Thể của Hyakunin Ishuu

Quyền uy của Teika đối với thi đàn rất cao nhưng không phải ai cũng chấp nhận lối chọn thơ của ông, nhất là việc chọn thơ cũng là một dịp để bày tỏ quyền uy, điều mà các Thiên Hoàng vẫn làm (giữa Thiên Hoàng Go Toba, một ông vua hay chữ, và Teika cũng không phải là không có sự khác nhau trong lối suy nghĩ). Bước vào thời Muromachi

Tướng Quân đời thứ 9 là Ashikaga Yoshihisa (Túc Lợi, Nghĩa Hướng) ra lệnh chọn 100 bài thơ lưu hành tư thời Thiên Hoàng Monmu (thế kỷ thứ 7) cho đến thời Thái Thượng Hoàng Hanazono (thế kỷ 14) bị Teika bỏ rơi để làm thành tập Shin Hyakunin Isshu (Tân Bách Nhân Nhất Thủ). Sau đó còn có Gosen Hyakunin Isshu (Hậu Tuyển Bách Nhân Nhất Thủ) của học giả Nijô Yoshimoto (Nhị Điều, Lương Cơ) cũng có mục đích đối kháng với cách nhìn của Teika.

Sau đó lần lượt có trên 500 tập Hyakunin Isshu khác đã ra đời. Đặc biệt các tập với chủ đề đặc biệt như Onna Hyakunin Isshu (1688) chỉ thu thập thơ phụ nữ, Buke Hyakunin Isshu thu thập 100 bài thơ của các võ tướng. Đến đời Edo, có các tập cùng nhan đề viết theo lối Kyôka (cuồng ca) nghĩa là chế diễu hay dâm ô. Trong số đó, đáng kể nhất là tập Kyôka Hyakunin Isshu do Ôta Nanbo (Đại Điền Nam Mẩu) tức Shokusanjin (Thục Sơn Nhân) thực hiện. Thời chiến tranh Thái Bình Dương (1942), có loại Hyakunin Isshu ái quốc. Chỉ trong vòng 2 năm, nó đã đạt đến con số 40 tập, được đem dịch ra cả tiếng Anh và tiếng Hoa. Các người được chọn là Kakimoto no Hitomaro, Motoori Norinaga và các văn nhân “ái quốc” ủng hộ chiến tranh đương thời. Gần đây nhất, phải kể đến hai tập Shinshin Hyakunin Isshu (Tân Tân Bách Nhân Nhất Thủ), tuyển thơ thời vương triều từ Ki no Tsurayuki về sau, của nhà văn ăn khách hiện đại Maruyama Saiichi.

 

Vai trò văn hóa và xã hội của Hyakunin Ishuu:

Có thể nói người Nhật khi đã cắp sách đến trường thì ai cũng phải đọc qua Hyakunin Isshu. Ngoài ra, tuyển tập thơ này còn được phổ biến trong quần chúng như một phương tiện tiêu khiển có ý thức văn hóa. Đó là trò chơi Karuta với Hyakunin Isshu.

Karuta, nguyên tiếng Bồ Đào Nha, giống như những quân bài, truyền vào đất Nhật vào năm Tenshô (Thiên Chính 1573-92). Bộ bài đầu tiên có tên gọi là Tenshô Karuta. Tuy nhiên trò chơi này không phải bài bạc. Trên bộ Karuta đã ghi lại những câu thơ (quân trên với 3 câu đầu hay kami no ku, quân dưới với 2 câu cuối hay shimo no ku). Có nhiều cách chơi nhưng điều kiện tiên quyết là phải nhớ trọn vẹn mỗi câu trong 100 bài. Chẳng hạn khi nghe người trọng tài hô câu dưới, phải nhớ nó thuộc về bài nào mà nhanh tay bắt cho được quân trên.

Muốn bắt nhanh người bốc bài phải nhớ các chữ gọi là kimari-ji (chữ quyết định). Ví dụ trong 100 bài chỉ có một bài bắt đầu bằng âm mu. Đó là bài số 87 (Murasame no). Như thế Mukimari-ji. Còn như hai bài 64 và 31 thì câu đầu lại giống nhau như đúc nên phải nghe đến âm tiết thứ 6 trong câu thứ 2 thì mới định được kimari-ji nhờ âm a hoặc âm u:

Asaborake Ariakeno tsuki to (bài 31)
Asaborake Uji no kawagiri (bài 64)

Trò Karuta đã được thương nhân Bồ Đào Nha truyền vào Kyuushuu hồi thế kỷ 16 và đã lưu hành ngay cả trong quân đội ngay từ hồi Toyotomi Hideyoshi xuất quân đánh Triều Tiên (1592). Karuta gốc Bồ Đào Nha đã phối hợp với trò Kaiôi (Úp Vỏ Sò, vốn có mục đích kết hợp hai mảnh vỏ sò cùng loại lại với nhau cho ăn khớp) có tự thời Heian để thành một trò chơi mới.Bắt đầu trong lòng mảnh vỏ sò chỉ có tranh nhưng đến thời Kamakura thì tranh đã được thay thế bằng thơ waka.Lúc đó vỏ sò ấy được gọi là Utagai (Sò Thơ).

Quang cảnh tranh bắt Karuta Hyakunin Isshu

Người trọng tài đọc thơ gọi là yomite, kẻ bốc bài gọi là torite, quân bài mang ra đọc gọi là yomifuda và các quân để bốc gọi là torifuda, quân bốc được rồi trở thành totta fufa. Người ta có thể chơi kiểu chirashitori nghĩa là nhiều người bốc từ một đống bài đặt lộn xộn, hay chơi kiểu Genpei Gakusen, nghĩa là thành trận thế với hai phe đối nghịch (Genji và Heike).

Khi trò chơi càng phổ cập thì viếc chế tạo Karuta cũng trở thành một nghệ thuật với các loại Karuta muôn màu muôn vẻ. Hình thức cũng thế, từ hình quân bài, hình quạt, hình quân cờ, với đủ loại giá tiền. Bà Shirasu Masako có kể lại sau chiến tranh đã cảm động như thế nào khi nhìn thấy những nhà quyền quí sa sút phải sơn phết, làm Karuta đem bán lần hồi để kiếm ăn.

Trò chơi này giúp mọi người vui chơi với nhau và học hỏi di sản văn hóa phong phú của nước mình. Để giúp người chưa đủ trình độ, người ta có khi chỉ chơi với từng 20 quân một, in theo một màu nào đó.

Gia đình Nhật Bản vào các dịp lễ Tết, thường tụ tập ở nhà hay các nơi công cộng như đền chùa, sử dụng ký ức và phản xạ để tranh lấy hơn thua làm vui Ngày 3 tháng 1 hàng năm, có cuộc chơi trọng thể ở đền Yasaka (Kyôto) vì 3 và 1 tạo thành con số 31, tổng cộng các âm tiết của một bài thơ.

Cuộc chơi trọng thể ở đền Yasaka (Kyôto)

Dầu sao, phần quan trọng nhất của Hyakunin Isshu vẫn là nội dung văn chương của nó với hai yếu tố quyết định: thiên nhiên và tình yêu.

 

Thiên nhiên và người Nhật

Thưở địa cầu chưa bị hiện tượng nhà kính làm nóng lên, thời tiết còn an định, các mùa đến mùa đi theo một chu kỳ mà con người có thể nắm bắt được. Các tiết xuân phân, thu phân, tiểu hàn, đại hàn...được cảm nhận rõ ràng. Người Nhật với vị trí đảo quốc nhiều núi non vùng ôn hàn đới, lại có những dòng hải lưu cả nóng lẫn lạnh chảy chung quanh điều hòa khí hậu, nên rất nhạy cảm với thời tiết và sống gần gủi với thiên nhiên. Không gian của họ là một không gian thực vật xanh mát, hoa cỏ bốn mùa. Họ thích ăn đồ sống, đồ đầu mùa, tắm trên sông trên suối và mặc kimono in hình hoa cỏ, chim chóc.

Thi ca Nhật Bản vì thế in bóng các kigo (quí ngữ) tức chữ về mùa. Ví dụ mùa xuân phải có chim oanh, hoa mơ, hoa anh đào. Cá vàng, chim cuốc chỉ mua hè, nai và lá phong chỉ mùa thu, tuyết băng, cánh đồng khô ...để chỉ mùa đông. Tuy kigo nhen nhúm từ renga, một hình thức của waka, và chỉ thực sự trở thành một định chế với haiku, nhưng sự gắn bó với thiên nhiên và thời tiết đã nằm cả trong những vần thơ của Hyakunin Isshu. Các thi tuyển đương thời phần nhiều cũng đã có các budate (bộ môn) chia theo bốn mùa xuân, hạ, thu đông.

Trong Tsurezuregusa (Buồn buồn phóng bút), tu sĩ Yoshida Kenkô dã viết những đoạn văn nói về sự nhạy cảm của người Nhật trước thiên nhiên:

Bốn mùa tiếp theo nhau thay đổi, tùy theo phong vật, mỗi mùa đều đem lại những cái thú đặc biệt.

Hình như mọi người đều đồng ý: “Mùa thu, ta dễ cảm thông với đất trời”. Có thế thật, nhưng ta nghĩ mùa xuân mới làm cho tâm hồn dễ dao động hơn cả.Trước tiên, trong tiếng chim kêu, ta cảm thấy sự đổi mới, dưới ánh nắng hiền hòa của ngày xuân, cỏ mọc dưới chân bờ giậu cũng nẩy xanh. Thế rồi mùa xuân dần dần lộ rõ ra, sương mờ giăng mắc, hoa anh đào bắt đầu hé nụ.Tiếc là lúc đó lúc đó, thường thì hết mưa rồi gió dập vùi chúng tan tác. Cho đến khi anh đào xanh lá, đời hoa kia đã gây cho người biết bao nhiêu cái não lòng

Chuyện hoa quít đánh thức lòng hoài cựu thì ai cũng biết nhưng, ngoài ra, hương thơm của hoa mơ cũng gợi lại bao nhiêu kỷ niệm, thương nhớ xa xưa. Hoa chùm vàng nở tươi tắn, hoa tử đằng buông rũ mơ huyền, vẻ đẹp nào cũng làm ta khó quên.

Có người bảo: “Vào dịp lễ Tắm Phật hay lễ thần đền Kamo thì trên ngọn cây, lá non xum xuê khoe sắc, thế nhưng lúc này là lúc mình thường nghĩ về sự đổi thay của cuộc đời và về những người thân thương một cách thấm thía và sâu sắc nhất”. Quả thật như vậy. Tháng năm, khi hoa xương bồ tô điểm bên hiên nhà, cũng là lúc phải đi nhổ mạ, ai mà chẳng chạnh lòng buồn khi nghe một tiếng gà nước kêu lên bất chợt. Đến tháng sáu, bên mái tranh nghèo, nhìn màu hoa bìm buổi tối nở trắng nhờ nhờ dưới làn khói của lửa đốt đuổi muỗi tan loãng dần, thấy thật thú vị. Lễ tẩy uế cuối tháng sáu trông cũng hay hay.

Lễ Thất Tịch (với ả Chức chàng Ngâu) hết sức dễ thương. Sau đó, khi trời đã trọng thu thì ban đêm cảm thấy lạnh dần, ngỗng trời từ đâu đến vừa bay vừa kêu quang quác, những ngọn lá nấp dưới bụi cây hagi đỏ dần. Lúc đó người ta đi gặt lúa đầu mùa về phơi. Mùa thu thực là lúc bao nhiêu là cảnh tượng thú vị muôn màu muôn vẻ như hiện ra cùng một lượt. Ngoài ra, sáng hôm sau ngày cơn bão quét qua cũng là một cách đáng yêu. Nếu cứ nói thêm về những quang cảnh này nữa e lại trùng với những gì đã thấy chép trong Truyện Genji và Ghi Nhanh Bên Gối (Makura no Sôshi) rồi nhưng ta nghĩ có nói lại cũng không sao. Bởi vì không nói ra thì bụng còn ấm ức cho nên cứ để mặc ngọn bút đưa đẩy. Thế nhưng những gì ta viết nguyên chỉ là để giúp mình giải buồn, có xé đi vứt đi cũng được, không phải phiền đến ai phải để mắt.

Ta nghĩ cảnh vật tiêu sơ của mùa đông chẳng có chỗ nào làm nó thua kém mùa thu đâu. Vào một buổi sáng, thấy bên bờ ao nước trong vườn, lá đỏ rụng đầy lên cỏ được phủ bên trên bằng một lớp sương trắng tinh, có hơi nước bốc lên từ dòng suối giả, thật thích”. (Đoạn 19: Bốn mùa thay đổi)

Dầu sao, khi ngắm vầng trăng, ta bao giờ cũng tìm thấy nguồn an ủi. Có người bảo: “Không có gì dễ thương bằng vầng trăng”. Người khác lại bảo: “Nhìn sương thấy xúc động hơn”. Ta thích thú nghe họ tranh luận với nhau. Nhận xét thích hợp nhất có lẽ là mọi vật đều có vẻ đẹp riêng của nó.

Hoa và nguyệt thì khỏi phải bàn đến. Làn gió thực là cái làm ta dễ rung động hơn cả. Cảnh dòng suối trong bắn nước vào bờ đá, bất luận mùa nào, đều đáng yêu.

(Về sông) ta có đọc bài thơ với nội dung:
Nguyên, Tương sao cuộn về Đông mãi,
Chẳng nể lòng sầu, chậm chút cho!

Lấy làm vô cùng cảm khái. Kê Khang cũng nói: “Lúc đi chơi chỗ núi non, hồ đầm, thấy chim thấy cá, trong lòng vui thích”. Không có gì an ủi tâm hồn bằng khi có dịp lững thững dạo một vòng quanh nơi nước biếc cỏ xanh không lấy bóng người”.    (Đoạn 21: Vui là khi ngấm vầng trăng)

Có phải ta chỉ nên ngắm anh đào lúc hoa mãn khai hay ngắm vầng trăng rằm lúc ánh sáng không có gì che khuất ? Những kẻ thấy vầng trăng dễ thương sau màn mưa che hay những kẻ đóng kín cửa nằm trong căn nhà hẹp, không hay bên ngoài mùa xuân đang đi qua, vì không trực tiếp ngắm trăng với hoa ấy, nên mới có mối cảm hoài sâu sắc. Trên ngọn cây hoa đang độ nở, và chẳng bao lâu sau, khi hoa kia héo rụng tả tơi trong sân, mới chính là những lúc đáng xem.

Trong các thi tập waka, có lẽ nào những bài mang chủ đề  « Khi muốn thưởng hoa thì đã thấy hoa tơi tả mất rồi » hay « Vì có việc ngăn trở, không đi ngắm hoa được », lại thua kém về mặt thi vị nếu đem so sánh với chủ đề « xem hoa » không thôi ? Thông thường con người ta chỉ thấy tiếc thương khi thấy hoa rơi lả tả hay trăng ngả về tây. Đó là một tình cảm tự nhiên. Dường như chỉ có những tâm hồn hết sức trần tục mới nói ra những câu như : « Cành nọ cành kia hoa đều rụng hết cả rồi, thôi còn có gì để đáng ngắm nữa ! ». (Đoạn 137 : Anh đào mãn khai và trăng rằm không gợn bóng mây)

Kiểm điểm trong Hyakunin Isshu, ta đã thấy thiên nhiên có mặt khắp nơi như một yếu tố chính. Chỉ cần tìm trong 20 bài đầu tiên của tuyển tập, ta đã có thể chứng minh được điều đó:

Động vật : chim trĩ (bài3), nai (bài 5), chim ô thước (bài 6)

Thực vật : lúa (bài 1), hoa anh đào (bài 9), cỏ (bài 14), rau non (bài 15), tùng (bài 16), lau lách (bài 19)

Thời tiết : tuyết (bài 4), gió (bài 12)

Thiên nhiên : núi (bài 2, 4, 8, 10, 13, 16), trăng (bài 7), biển (bài 11), vực sông (bài 13), cánh đồng (bài 15), sông (bài 17,18), bãi cạn (bài 19), vịnh (bài 20).

Điều quan trọng hơn nữa, là thiên nhiên ở đây không phải là một ngoại giới vô cảm mà ngược lại, có tương quan mật thiết với con người.

 

Tình yêu trong xã hội Nhật cổ xưa

Cũng như thiên nhiên, tình yêu để lại dấu ấn trên toàn bộ Hyakunin Isshu. Tuy trong tuyển cập có nói đến những tình cảm phổ quát như tình yêu nhân loại (bài1), tình yêu thiên nhiên (bài 4), tình yêu quê hương (bài7), tình yêu tôn giáo (bài 95), tình mẫu tử (bài 60), tình bạn (bài 57) nhưng chính tình yêu trai gái mới là yếu tố nổi bật trong tuyển tập. Phần lớn là những bài tình buồn.

Nhà biên tập Teika khi soạn Hyakunin Isshu đã 74 tuổi. Thế mà nỗi buồn trong tuyển tập phần lớn là nỗi buồn trong tình yêu chứ không buồn cho cảnh ngày tàn bóng xế. Lý do là ông không thể làm khác hơn. Từ xa xưa, trong thơ Nhật đã tràn ngập thơ tình, trên từ thiên hoàng, dưới đến anh lính thú, ai cũng làm thơ tình cả.Việc các thiên hoàng làm thơ tình, theo Maruyama Saiichi là một nét đặc thù Nhật Bản, họa hoằn mới thấy ở Trung Quốc hay Tây Phương. Ông cho biết theo quan điểm dân tộc học của Origuchi Shinobu, điều đó có thể giải thích bởi sự kết hợp giữa thần quyền và thế quyền. Ca ngợi tình yêu là đọc thần chú để đất đai hoa màu được phồn thực. Với tư cách người đứng đầu một nước lấy nông nghiệp làm gốc, các thiên hoàng phải làm gương. Triều đình cứ như thế mà theo. Việc các thiên hoàng làm thơ tình chỉ bị đinh chỉ từ năm Meiji thứ 10 (1878) bởi chính phủ quan lại các phiên Chôshu-Satsuma

Văn hóa cung đình đã làm cho sự diễn tả tình yêu trở thành tinh tế. Nhà nghiên cứu người Pháp Daniel Struve cho rằng thời cổ đại, tình yêu của người Nhật thiên về vật dục bao nhiêu thì qua đến thời kỳ vương triều, họ lại tinh tế, thiên về tinh thần bấy nhiêu, trước khi tìm được sự quân bình giữa tinh thần và xác thịt qua văn hóa chiết trung thời Edo.

Thế nhưng tinh tế, thiên về tinh thần còn có nghĩa là nhẫn nhục và chịu ẩn ức. Tục lệ đa thê, tảo hôn và nghi thức cung đình đã làm cho người đàn bà thời vương triều thành những kẻ đợi chờ, nhận lảnh ân huệ, nhiều khi cố gắng chịu đựng hoàn cảnh chỉ vì lý do kinh tế (có chồng để được nuôi). Đó là chưa kể những cuộc gả bán có tính cách chính trị, ngoại giao.Tuổi trung bình lấy chồng thời đó là 13, nhiều khi bất hạnh gặp những người đàn ông già vai bố như trường hợp Murasaki Shikibu. Cũng cùng ở tuổi 13 đến 15, còn có cảnh công chúa bị buộc ra đền thần đi tu thế cho hoàng gia và chịu số phận lạnh lùng ngay cả sau khi chết như Shokushi Naishinnô (bài 89).

Đàn ông thì như bướm lượn hoa, nhiều khi vô trách nhiệm. Đòi chết với tình như Motoyoshi Shinnô (bài 20) thì đã để lại 160 bài thơ cho nhiều bà khác nhau. Ngay một Hikaru Genji nhảy từ cô này sang cô khác cũng không phải là trường hợp ngoại lệ mà chỉ là một hình ảnh tiêu biểu của đời sống tầng lớp quí tộc Heian.

Văn hóa cung đình của Hyakunin Isshuu đã thành hình chung quanh nhóm quí tộc Fujiwara, Minamoto và những nữ quan của các hoàng hậu.Những bài thơ tình trong tuyển tập thường là tiếng kêu uất nghẹn của các nàng, và oái oăm thay, nhiều khi những lời than trách ấy lại được các ông, đôi khi là các tăng lữ như Sosei (bài 21), Shun.e (bài 85), Jakuren (bài 87), Dôin (bài 82) hay Saigyô (bài 86), nói thay cho.Cần thêm rằng những nhà tu này trước khi xuất gia cũng từng trải việc đời và hiểu biết thế giới cung đình.

Tình yêu biểu hiện trong Hyakunin Isshu là một tình yêu tinh tế, có văn hóa nhưng đôi khi cũng lộ ra dấu hiệu của liên hệ xác thịt. Chỉ có một số người có can đảm nói lên được những điều đó như các bà Izumi Shikibu (bài 56), Ise no Go (bài 19), Daini no San.i (bài 58), Suô (bài 67), Kii (bài 72), Horikawa (bài 80), Sagami (bài 65), Betto (bài 88) hay Ukon (bài 38)... Tuy thế, họ vẫn giữ được vẻ thanh nhã trong diễn đạt khi dùng những biểu tượng bóng gió, gần xa như “món tóc xô lệch, ống tay áo đẫm nước mắt, gối đầu lên cánh tay, tiếc cho thân danh, chịu tiếng đời chê bai, hậu quả đau đớn của một đêm gặp gỡ...”

Dù sao, tất cả chừng ấy chỉ là dạng tướng khác nhau của tình yêu và cuộc sống trong bối cảnh lịch sử trung cổ. Một lần nữa, qua những dòng sau đây, Yoshida Kenkô, một người sống sau Teika khoảng một thế kỷ, đã lên tiếng bày tỏ quan niệm của người Nhật thời đó đối với tình yêu:

« Muôn sự muôn vật nếu đáng cho ta lưu tâm là vì chúng có lúc bắt đầu và khi chấm dứt.Chuyện tình cảm giữa nam nữ cũng vậy, không phải mỗi lúc gặp gỡ và hẹn thề với nhau là có ý nghĩa. Đau khổ vì mộng không thành, phải tan vỡ đoạn tuyệt, than thở cho lời ai đó giao ước không thành thực, trong đêm thu một mình vò võ tưởng nhớ người yêu đang ở phương trời xa xôi, muốn đi tìm cái chết bên nhau, trở lại mái tranh xưa là chỗ hẹn hò nay là nơi hoang vắng để hoài niệm bóng người xưa...những ai mang tâm sự như thế mới đáng gọi là nòi tình » (Đoạn 137 :Anh đào mãn khai và trăng rằm không gợn bóng mây).     

 

Kết

Hyakunin Isshu đã đi vào tiềm thức của người Nhật. Ngày nay, nó đã trở thành một bộ phận của ký ức tập đoàn. Phong hoa tuyết nguyêt, tình yêu trắc trở hay nồng cháy, vang bóng của một thời đã qua, xuất hiện dưới hình thức những câu năm câu bảy, vẫn là chất liệu hàm dưỡng, một chốn đi về, giúp họ làm điểm tựa để đối phó được với cuộc sống toàn cầu hóa ngày càng vật chất, đa dạng và phức tạp.  

Đền kỷ niệm Hyakunin Isshu ở Saga (Kyôto)


 


[1] Trong Idylls of the King, Bk, vol. VI, trích dẫn bởi Joshua Mostow, xem thư mục.

Trở Về   ]



BẠT

 

Tuyển tập Hyakunin- Isshu, công trình biên soạn của thi hào Fujiwara no Teika có thể xem như là một ngôi đền thi ca (nói theo kiểu Tây Phương, một Panthéon hay Hall of Fame) qui tụ những gương mặt khỏi sắc nhất của dòng thơ waka Nhật Bản.

Waka hay Yamato-uta thật ra có nhiều thể loại nhưng những bài trong tập này làm theo kiểu thơ ngắn 31 âm tiết trong 5 câu 5/7/5/7/7 gọi là tanka (đoản ca), một hình thức còn được duy trì đến ngày nay. Tuy nó có thể ngắn hơn (gọi là ji-tarazu) hay dài hơn (ji-amari) một hai âm tiết nhưng trường hợp ấy khá hiếm. Bài 21 với câu cuối gồm 8 âm tiết của Pháp sư Sosei đưa bài thơ lên 32 âm tiết là một ngoại lệ.

Tuy 100 bài thơ trong tập này không phải là bài thơ hay nhất của từng tác giả và số thi nhân tên tuổi của waka không chỉ giới hạn ở con số 100 người, nhưng chúng ta hiểu được mối ưu tư của Teika, nhà biên soạn, khi đứng trước số lượng đồ sộ những giai tác sẳn có. Ông còn phải lựa chọn chúng theo tiêu chuẩn của mình và cân nhắc để có một sự thống nhất và hài hòa. Các thi tập Nhật Bản vốn qui tụ rất nhiều bài. Ví dụ Man.yô-shuu, tập thơ tối cổ, lên đến con số 4516. Các thi tập soạn theo chiếu chỉ các thiên hoàng thuộc nhóm Nhị Thập Nhất Đại Tập tuy ngắn dài có khác nhưng trung bình cũng phải trên 1000 bài cho mỗi tập. Shika-shuu với 411 bài, ngắn nhất, còn Gyokuyô-shuu 2796 bài là dài nhất. Như thế, nếu làm một con tính nhỏ, ta thấy việc làm của Teika rất khó khăn và tế nhị (với 10 tập nghĩa là từ 10.000 bài, coi như ông chỉ lấy 1 trong số 100 bài đã được gạn lọc qua một lần rồi).

Kể từ khi Hyakunin Isshu ra đời (ngày 27 tháng 5 năm Bunryaku tức 1235) đến nay, tuyển tập đã có gần 800 năm lịch sử và đóng một vai trò quan trọng trong việc tu dưỡng và tiêu khiển của người Nhật. Nó được in thành sách và thành những quân bài (karuta), đề tranh (uta-e), phổ nhạc, dùng để làm tư liệu giáo khoa cho học sinh cấp cơ sở học tiếng Nhật thanh nhã. Đó là một thứ best-seller xuyên thế kỹ, cho dù trải qua bao nhiêu cuộc thăng trầm của lịch sử.

Việc chú giải Hyakunin-Ishuu

Trong việc đọc thơ, lúc nào cũng có hai cách: cách đọc thẳng, độc lập với ngữ cảnh (decontext), mặc kệ ai bàn ra tán vào, và cách đọc qua chú thích, chiêm nghiệm. Tuy nhiên, với những áng thơ cổ viết bằng một ngôn ngữ xa lạ, lại cô đọng và làm ra vào một thời điểm quá xa xôi, chúng ta không thể nào hiểu được trọn vẹn thâm ý của tác giả nếu không có công phu chú giải của các nhà phê bình Dù không phải kiến giải nào của họ cũng hợp lý nhưng việc đọc các chú giải giúp ta rất nhiều. Nhất là các chú giải cũng là một thứ văn chương có phong vị riêng, như điều mà nhà thơ Anh Alfred Tennyson (1809-92)[1] đã nhận định:

Writ in language that has long gone by...
And every margin scribbed, crost and crammed
With comment, densest condensation, hard...
And in the comment did I find the charm.

(Chính là qua lời bình luận ghi chú dày đặc và viết tháu bên lề những áng văn chép bằng một ngôn ngữ đã lui vào quá khứ mà tôi tìm được cái hay đẹp của chúng)

Chúng ta nhớ rằng buổi đầu, Hyakunin Ishuu chỉ là đối tượng của một trò chơi: một tập giấy màu nhằm mục đích để trang trí nội thất. Dĩ nhiên trước đó, Teika đã quen chọn thơ. Bằng cớ là ông đã cộng tác để hoàn thành Shinkokin-shuu (Tân Cổ Kim Tập, 1206, 1981 bài) và làm xong Nishidai-shuu (Nhị Tứ Đại Tập) tức tập tuyển thơ từ Bát Đại Tập ( 1215, 1811 bài ). Thời của ông, người học thơ thường chép 100 bài một để học dần. Có lẽ vì thế, ông đã soạn Hyakunin Shuuka ( Bách Nhân Tú Ca, tìm thấy sau đệ nhị thế chiến, có 101 bài). Nội dung của nó hầu như giống với Hyakunin Isshu của chúng ta, duy có thêm 3 người (Hoàng Hậu Ichijô, Quyền Trung Nạp Ngôn Kuninobu, Quyền Trung Nạp Ngôn Nagakata) và thiếu mất 2 người (Gotoba-in, Juntoku-in). Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản như Inoue Muneo, giáo sư danh dự Đại Học Rikkyô, có lẽ Hyakunin Isshu là tập thơ được người đời sau chỉnh lý từ tác phẩm gốc Hyakunin Shuuka đó chăng. Thế rồi từ khi ra đời cho đến sau đó, trải qua các triều đại, nó được người yêu thơ từ quí tộc đến bình dân mến chuộng, phần vì nguồn gốc chính thống của loại thơ soạn theo chiếu chỉ, phần dựa vào danh giá Teika và một phần khác nhờ sự gọn nhẹ, tiện lợi (100 bài). 

Sau khi Teika chết đi, con cháu ông chia rẽ, thành lập ba trường phái và thường xuyên tranh chấp lẫn nhau không những về danh tiếng, về sách vở mà còn kiện tụng nhà cửa ruộng đất thừa tự nữa.. Nijô là dòng chính, đối kháng với Kyôgoku và Reizei. Hyakunin Isshu (tức phiên bản Ogura Hyakunin Isshu) chỉ được nhắc đến lần đầu tiên như một tập thơ bởi tăng Ton.a (Đốn A, 1289-1372), một môn đệ phái Nijô.Di cảo xưa nhất là bản nằm trong tay Gyôkô (1391-1455), cháu gọi Ton.a bằng cố.

Từ thế kỷ 15 mới thấy xuất hiện bên cạnh Hyakunin Isshu những bản chú thích, ta gọi là cổ chú. Tập cổ chú có uy tín nhất là của nhà thơ renga Sôgi (Tông Kỳ, 1421-1502) ra đời khoảng 1478-1490. Có lẽ Sôgi đã thừa hưởng những lời ghi chú của chi phái Ton.a từ Tô no Tsuneyori (Đông, Thường Duyên, 1401-1484?) vào năm 1471. Nội dung của tập cổ chú của Sôgi có nhiều điểm giống với tập chú thích đầu tiên được biết đến (gọi là Ôei-shô) vì ra đời vào năn 1406 trong niên hiệu Ôei (Ứng Vĩnh, 1394-1428). Thế rồi, chú thích của Sôgi trở thành cơ sở cho Yuusai Shô (Chú thích của Yuusai, 1596), nhà thơ kiêm võ tướng thời Chiến Quốc Hosokawa Yuusai (Tế Xuyên, U Trai, 1534-1610). Mặc dầu ảnh hưởng của trường phái Nijô (Ton.a, Sôgi) rất mạnh, các trường phái khác như Reizei, Asukai, Sanjônishi đều có truyền thống giải thích riêng của họ.

Đến đầu đời Edo, có nhà nghiên cứu quốc học Keichuu (Khế Trùng, 1640-1701), với tinh thần phục cổ, dã ra công chú thích thêm trong Kaikan-shô (Lời bình tu chính, 1688). Tập chú thích này đánh dấu một biến chuyển lớn vì khác với thời trước, Keichuu làm việc một cách khoa học hơn về văn bản và sẽ mở đường cho lối chú thích mới về sau (tân chú) với Kamo no Mabuchi (1697-1769) trong Uimanabi (Bước đầu học hỏi, 1765) rồi Motori Norinaga (1730-1801). Họ đều  muốn qua những tác phẩm thuần túy Nhật Bản như Man. yô-shuu, loại bỏ ảnh hưởng Hán học và tìm về tư tưởng quốc hồn quốc túy.

Sau đó, cùng với sự phổ cập trong quần chúng của Hyakunin Isshu, ta có thêm tập Shinshô (Chú thích mới, 1804) của Ishihara Shômei với lập luận phủ nhận các cổ chú đã có cho đến thời của Yuusai nhưng lại đánh giá cao Keichuu và Mabuchi. Sau Shômei, phải kể đến nhà thơ Kagawa Kageki (Hương Xuyên, Cảnh Thụ, 1768-1843), tác giả Hyaku-shu Iken (Ý kiến về Bách Thủ, 1823). Điều đặc biệt là Kagawa tấn công cả cách chú thích của Keichuu lẫn Mabuchi, sau đó ông khai sáng ra một dòng thơ tanka trong sáng, dễ hiểu, gọi là trường phái Keien (Quế Viên). Nó là dòng thơ quốc âm chủ đạo thời Meiji.

Phiên bản Hyakunin Isshu được phổ biến rộng rãi hơn cả các bộ quân bài Karuta dùng để tiêu khiển có lẽ là quyển Hyakunin Isshu Hitoyo-gatari (Trọn một đêm kể chuyện Hyakunin Isshu, 1833) của Ozaki Masayoshi. Tuy nhiên sách này giảng nghĩa (theo kiểu Keichuu) thì ít mà phiêu lưu trong các giai thoại về thân thế các tác giả thì nhiều. Ngày này, các sách giải thích về Hyakunin Isshu nhiều vô số và bản thân tuyển tập vẫn được dùng làm cơ sở cho giáo dục quốc văn ở các trường trung học tuy học trò ít người thuộc trọn 100 bài.   

 

Biến Thể của Hyakunin Ishuu

Quyền uy của Teika đối với thi đàn rất cao nhưng không phải ai cũng chấp nhận lối chọn thơ của ông, nhất là việc chọn thơ cũng là một dịp để bày tỏ quyền uy, điều mà các Thiên Hoàng vẫn làm (giữa Thiên Hoàng Go Toba, một ông vua hay chữ, và Teika cũng không phải là không có sự khác nhau trong lối suy nghĩ). Bước vào thời Muromachi

Tướng Quân đời thứ 9 là Ashikaga Yoshihisa (Túc Lợi, Nghĩa Hướng) ra lệnh chọn 100 bài thơ lưu hành tư thời Thiên Hoàng Monmu (thế kỷ thứ 7) cho đến thời Thái Thượng Hoàng Hanazono (thế kỷ 14) bị Teika bỏ rơi để làm thành tập Shin Hyakunin Isshu (Tân Bách Nhân Nhất Thủ). Sau đó còn có Gosen Hyakunin Isshu (Hậu Tuyển Bách Nhân Nhất Thủ) của học giả Nijô Yoshimoto (Nhị Điều, Lương Cơ) cũng có mục đích đối kháng với cách nhìn của Teika.

Sau đó lần lượt có trên 500 tập Hyakunin Isshu khác đã ra đời. Đặc biệt các tập với chủ đề đặc biệt như Onna Hyakunin Isshu (1688) chỉ thu thập thơ phụ nữ, Buke Hyakunin Isshu thu thập 100 bài thơ của các võ tướng. Đến đời Edo, có các tập cùng nhan đề viết theo lối Kyôka (cuồng ca) nghĩa là chế diễu hay dâm ô. Trong số đó, đáng kể nhất là tập Kyôka Hyakunin Isshu do Ôta Nanbo (Đại Điền Nam Mẩu) tức Shokusanjin (Thục Sơn Nhân) thực hiện. Thời chiến tranh Thái Bình Dương (1942), có loại Hyakunin Isshu ái quốc. Chỉ trong vòng 2 năm, nó đã đạt đến con số 40 tập, được đem dịch ra cả tiếng Anh và tiếng Hoa. Các người được chọn là Kakimoto no Hitomaro, Motoori Norinaga và các văn nhân “ái quốc” ủng hộ chiến tranh đương thời. Gần đây nhất, phải kể đến hai tập Shinshin Hyakunin Isshu (Tân Tân Bách Nhân Nhất Thủ), tuyển thơ thời vương triều từ Ki no Tsurayuki về sau, của nhà văn ăn khách hiện đại Maruyama Saiichi.

 

Vai trò văn hóa và xã hội của Hyakunin Ishuu:

Có thể nói người Nhật khi đã cắp sách đến trường thì ai cũng phải đọc qua Hyakunin Isshu. Ngoài ra, tuyển tập thơ này còn được phổ biến trong quần chúng như một phương tiện tiêu khiển có ý thức văn hóa. Đó là trò chơi Karuta với Hyakunin Isshu.

Karuta, nguyên tiếng Bồ Đào Nha, giống như những quân bài, truyền vào đất Nhật vào năm Tenshô (Thiên Chính 1573-92). Bộ bài đầu tiên có tên gọi là Tenshô Karuta. Tuy nhiên trò chơi này không phải bài bạc. Trên bộ Karuta đã ghi lại những câu thơ (quân trên với 3 câu đầu hay kami no ku, quân dưới với 2 câu cuối hay shimo no ku). Có nhiều cách chơi nhưng điều kiện tiên quyết là phải nhớ trọn vẹn mỗi câu trong 100 bài. Chẳng hạn khi nghe người trọng tài hô câu dưới, phải nhớ nó thuộc về bài nào mà nhanh tay bắt cho được quân trên.

Muốn bắt nhanh người bốc bài phải nhớ các chữ gọi là kimari-ji (chữ quyết định). Ví dụ trong 100 bài chỉ có một bài bắt đầu bằng âm mu. Đó là bài số 87 (Murasame no). Như thế Mukimari-ji. Còn như hai bài 64 và 31 thì câu đầu lại giống nhau như đúc nên phải nghe đến âm tiết thứ 6 trong câu thứ 2 thì mới định được kimari-ji nhờ âm a hoặc âm u:

Asaborake Ariakeno tsuki to (bài 31)
Asaborake Uji no kawagiri (bài 64)

Trò Karuta đã được thương nhân Bồ Đào Nha truyền vào Kyuushuu hồi thế kỷ 16 và đã lưu hành ngay cả trong quân đội ngay từ hồi Toyotomi Hideyoshi xuất quân đánh Triều Tiên (1592). Karuta gốc Bồ Đào Nha đã phối hợp với trò Kaiôi (Úp Vỏ Sò, vốn có mục đích kết hợp hai mảnh vỏ sò cùng loại lại với nhau cho ăn khớp) có tự thời Heian để thành một trò chơi mới.Bắt đầu trong lòng mảnh vỏ sò chỉ có tranh nhưng đến thời Kamakura thì tranh đã được thay thế bằng thơ waka.Lúc đó vỏ sò ấy được gọi là Utagai (Sò Thơ).

Quang cảnh tranh bắt Karuta Hyakunin Isshu

Người trọng tài đọc thơ gọi là yomite, kẻ bốc bài gọi là torite, quân bài mang ra đọc gọi là yomifuda và các quân để bốc gọi là torifuda, quân bốc được rồi trở thành totta fufa. Người ta có thể chơi kiểu chirashitori nghĩa là nhiều người bốc từ một đống bài đặt lộn xộn, hay chơi kiểu Genpei Gakusen, nghĩa là thành trận thế với hai phe đối nghịch (Genji và Heike).

Khi trò chơi càng phổ cập thì viếc chế tạo Karuta cũng trở thành một nghệ thuật với các loại Karuta muôn màu muôn vẻ. Hình thức cũng thế, từ hình quân bài, hình quạt, hình quân cờ, với đủ loại giá tiền. Bà Shirasu Masako có kể lại sau chiến tranh đã cảm động như thế nào khi nhìn thấy những nhà quyền quí sa sút phải sơn phết, làm Karuta đem bán lần hồi để kiếm ăn.

Trò chơi này giúp mọi người vui chơi với nhau và học hỏi di sản văn hóa phong phú của nước mình. Để giúp người chưa đủ trình độ, người ta có khi chỉ chơi với từng 20 quân một, in theo một màu nào đó.

Gia đình Nhật Bản vào các dịp lễ Tết, thường tụ tập ở nhà hay các nơi công cộng như đền chùa, sử dụng ký ức và phản xạ để tranh lấy hơn thua làm vui Ngày 3 tháng 1 hàng năm, có cuộc chơi trọng thể ở đền Yasaka (Kyôto) vì 3 và 1 tạo thành con số 31, tổng cộng các âm tiết của một bài thơ.

Cuộc chơi trọng thể ở đền Yasaka (Kyôto)

Dầu sao, phần quan trọng nhất của Hyakunin Isshu vẫn là nội dung văn chương của nó với hai yếu tố quyết định: thiên nhiên và tình yêu.

 

Thiên nhiên và người Nhật

Thưở địa cầu chưa bị hiện tượng nhà kính làm nóng lên, thời tiết còn an định, các mùa đến mùa đi theo một chu kỳ mà con người có thể nắm bắt được. Các tiết xuân phân, thu phân, tiểu hàn, đại hàn...được cảm nhận rõ ràng. Người Nhật với vị trí đảo quốc nhiều núi non vùng ôn hàn đới, lại có những dòng hải lưu cả nóng lẫn lạnh chảy chung quanh điều hòa khí hậu, nên rất nhạy cảm với thời tiết và sống gần gủi với thiên nhiên. Không gian của họ là một không gian thực vật xanh mát, hoa cỏ bốn mùa. Họ thích ăn đồ sống, đồ đầu mùa, tắm trên sông trên suối và mặc kimono in hình hoa cỏ, chim chóc.

Thi ca Nhật Bản vì thế in bóng các kigo (quí ngữ) tức chữ về mùa. Ví dụ mùa xuân phải có chim oanh, hoa mơ, hoa anh đào. Cá vàng, chim cuốc chỉ mua hè, nai và lá phong chỉ mùa thu, tuyết băng, cánh đồng khô ...để chỉ mùa đông. Tuy kigo nhen nhúm từ renga, một hình thức của waka, và chỉ thực sự trở thành một định chế với haiku, nhưng sự gắn bó với thiên nhiên và thời tiết đã nằm cả trong những vần thơ của Hyakunin Isshu. Các thi tuyển đương thời phần nhiều cũng đã có các budate (bộ môn) chia theo bốn mùa xuân, hạ, thu đông.

Trong Tsurezuregusa (Buồn buồn phóng bút), tu sĩ Yoshida Kenkô dã viết những đoạn văn nói về sự nhạy cảm của người Nhật trước thiên nhiên:

Bốn mùa tiếp theo nhau thay đổi, tùy theo phong vật, mỗi mùa đều đem lại những cái thú đặc biệt.

Hình như mọi người đều đồng ý: “Mùa thu, ta dễ cảm thông với đất trời”. Có thế thật, nhưng ta nghĩ mùa xuân mới làm cho tâm hồn dễ dao động hơn cả.Trước tiên, trong tiếng chim kêu, ta cảm thấy sự đổi mới, dưới ánh nắng hiền hòa của ngày xuân, cỏ mọc dưới chân bờ giậu cũng nẩy xanh. Thế rồi mùa xuân dần dần lộ rõ ra, sương mờ giăng mắc, hoa anh đào bắt đầu hé nụ.Tiếc là lúc đó lúc đó, thường thì hết mưa rồi gió dập vùi chúng tan tác. Cho đến khi anh đào xanh lá, đời hoa kia đã gây cho người biết bao nhiêu cái não lòng

Chuyện hoa quít đánh thức lòng hoài cựu thì ai cũng biết nhưng, ngoài ra, hương thơm của hoa mơ cũng gợi lại bao nhiêu kỷ niệm, thương nhớ xa xưa. Hoa chùm vàng nở tươi tắn, hoa tử đằng buông rũ mơ huyền, vẻ đẹp nào cũng làm ta khó quên.

Có người bảo: “Vào dịp lễ Tắm Phật hay lễ thần đền Kamo thì trên ngọn cây, lá non xum xuê khoe sắc, thế nhưng lúc này là lúc mình thường nghĩ về sự đổi thay của cuộc đời và về những người thân thương một cách thấm thía và sâu sắc nhất”. Quả thật như vậy. Tháng năm, khi hoa xương bồ tô điểm bên hiên nhà, cũng là lúc phải đi nhổ mạ, ai mà chẳng chạnh lòng buồn khi nghe một tiếng gà nước kêu lên bất chợt. Đến tháng sáu, bên mái tranh nghèo, nhìn màu hoa bìm buổi tối nở trắng nhờ nhờ dưới làn khói của lửa đốt đuổi muỗi tan loãng dần, thấy thật thú vị. Lễ tẩy uế cuối tháng sáu trông cũng hay hay.

Lễ Thất Tịch (với ả Chức chàng Ngâu) hết sức dễ thương. Sau đó, khi trời đã trọng thu thì ban đêm cảm thấy lạnh dần, ngỗng trời từ đâu đến vừa bay vừa kêu quang quác, những ngọn lá nấp dưới bụi cây hagi đỏ dần. Lúc đó người ta đi gặt lúa đầu mùa về phơi. Mùa thu thực là lúc bao nhiêu là cảnh tượng thú vị muôn màu muôn vẻ như hiện ra cùng một lượt. Ngoài ra, sáng hôm sau ngày cơn bão quét qua cũng là một cách đáng yêu. Nếu cứ nói thêm về những quang cảnh này nữa e lại trùng với những gì đã thấy chép trong Truyện Genji và Ghi Nhanh Bên Gối (Makura no Sôshi) rồi nhưng ta nghĩ có nói lại cũng không sao. Bởi vì không nói ra thì bụng còn ấm ức cho nên cứ để mặc ngọn bút đưa đẩy. Thế nhưng những gì ta viết nguyên chỉ là để giúp mình giải buồn, có xé đi vứt đi cũng được, không phải phiền đến ai phải để mắt.

Ta nghĩ cảnh vật tiêu sơ của mùa đông chẳng có chỗ nào làm nó thua kém mùa thu đâu. Vào một buổi sáng, thấy bên bờ ao nước trong vườn, lá đỏ rụng đầy lên cỏ được phủ bên trên bằng một lớp sương trắng tinh, có hơi nước bốc lên từ dòng suối giả, thật thích”. (Đoạn 19: Bốn mùa thay đổi)

Dầu sao, khi ngắm vầng trăng, ta bao giờ cũng tìm thấy nguồn an ủi. Có người bảo: “Không có gì dễ thương bằng vầng trăng”. Người khác lại bảo: “Nhìn sương thấy xúc động hơn”. Ta thích thú nghe họ tranh luận với nhau. Nhận xét thích hợp nhất có lẽ là mọi vật đều có vẻ đẹp riêng của nó.

Hoa và nguyệt thì khỏi phải bàn đến. Làn gió thực là cái làm ta dễ rung động hơn cả. Cảnh dòng suối trong bắn nước vào bờ đá, bất luận mùa nào, đều đáng yêu.

(Về sông) ta có đọc bài thơ với nội dung:
Nguyên, Tương sao cuộn về Đông mãi,
Chẳng nể lòng sầu, chậm chút cho!

Lấy làm vô cùng cảm khái. Kê Khang cũng nói: “Lúc đi chơi chỗ núi non, hồ đầm, thấy chim thấy cá, trong lòng vui thích”. Không có gì an ủi tâm hồn bằng khi có dịp lững thững dạo một vòng quanh nơi nước biếc cỏ xanh không lấy bóng người”.    (Đoạn 21: Vui là khi ngấm vầng trăng)

Có phải ta chỉ nên ngắm anh đào lúc hoa mãn khai hay ngắm vầng trăng rằm lúc ánh sáng không có gì che khuất ? Những kẻ thấy vầng trăng dễ thương sau màn mưa che hay những kẻ đóng kín cửa nằm trong căn nhà hẹp, không hay bên ngoài mùa xuân đang đi qua, vì không trực tiếp ngắm trăng với hoa ấy, nên mới có mối cảm hoài sâu sắc. Trên ngọn cây hoa đang độ nở, và chẳng bao lâu sau, khi hoa kia héo rụng tả tơi trong sân, mới chính là những lúc đáng xem.

Trong các thi tập waka, có lẽ nào những bài mang chủ đề  « Khi muốn thưởng hoa thì đã thấy hoa tơi tả mất rồi » hay « Vì có việc ngăn trở, không đi ngắm hoa được », lại thua kém về mặt thi vị nếu đem so sánh với chủ đề « xem hoa » không thôi ? Thông thường con người ta chỉ thấy tiếc thương khi thấy hoa rơi lả tả hay trăng ngả về tây. Đó là một tình cảm tự nhiên. Dường như chỉ có những tâm hồn hết sức trần tục mới nói ra những câu như : « Cành nọ cành kia hoa đều rụng hết cả rồi, thôi còn có gì để đáng ngắm nữa ! ». (Đoạn 137 : Anh đào mãn khai và trăng rằm không gợn bóng mây)

Kiểm điểm trong Hyakunin Isshu, ta đã thấy thiên nhiên có mặt khắp nơi như một yếu tố chính. Chỉ cần tìm trong 20 bài đầu tiên của tuyển tập, ta đã có thể chứng minh được điều đó:

Động vật : chim trĩ (bài3), nai (bài 5), chim ô thước (bài 6)

Thực vật : lúa (bài 1), hoa anh đào (bài 9), cỏ (bài 14), rau non (bài 15), tùng (bài 16), lau lách (bài 19)

Thời tiết : tuyết (bài 4), gió (bài 12)

Thiên nhiên : núi (bài 2, 4, 8, 10, 13, 16), trăng (bài 7), biển (bài 11), vực sông (bài 13), cánh đồng (bài 15), sông (bài 17,18), bãi cạn (bài 19), vịnh (bài 20).

Điều quan trọng hơn nữa, là thiên nhiên ở đây không phải là một ngoại giới vô cảm mà ngược lại, có tương quan mật thiết với con người.

 

Tình yêu trong xã hội Nhật cổ xưa

Cũng như thiên nhiên, tình yêu để lại dấu ấn trên toàn bộ Hyakunin Isshu. Tuy trong tuyển cập có nói đến những tình cảm phổ quát như tình yêu nhân loại (bài1), tình yêu thiên nhiên (bài 4), tình yêu quê hương (bài7), tình yêu tôn giáo (bài 95), tình mẫu tử (bài 60), tình bạn (bài 57) nhưng chính tình yêu trai gái mới là yếu tố nổi bật trong tuyển tập. Phần lớn là những bài tình buồn.

Nhà biên tập Teika khi soạn Hyakunin Isshu đã 74 tuổi. Thế mà nỗi buồn trong tuyển tập phần lớn là nỗi buồn trong tình yêu chứ không buồn cho cảnh ngày tàn bóng xế. Lý do là ông không thể làm khác hơn. Từ xa xưa, trong thơ Nhật đã tràn ngập thơ tình, trên từ thiên hoàng, dưới đến anh lính thú, ai cũng làm thơ tình cả.Việc các thiên hoàng làm thơ tình, theo Maruyama Saiichi là một nét đặc thù Nhật Bản, họa hoằn mới thấy ở Trung Quốc hay Tây Phương. Ông cho biết theo quan điểm dân tộc học của Origuchi Shinobu, điều đó có thể giải thích bởi sự kết hợp giữa thần quyền và thế quyền. Ca ngợi tình yêu là đọc thần chú để đất đai hoa màu được phồn thực. Với tư cách người đứng đầu một nước lấy nông nghiệp làm gốc, các thiên hoàng phải làm gương. Triều đình cứ như thế mà theo. Việc các thiên hoàng làm thơ tình chỉ bị đinh chỉ từ năm Meiji thứ 10 (1878) bởi chính phủ quan lại các phiên Chôshu-Satsuma

Văn hóa cung đình đã làm cho sự diễn tả tình yêu trở thành tinh tế. Nhà nghiên cứu người Pháp Daniel Struve cho rằng thời cổ đại, tình yêu của người Nhật thiên về vật dục bao nhiêu thì qua đến thời kỳ vương triều, họ lại tinh tế, thiên về tinh thần bấy nhiêu, trước khi tìm được sự quân bình giữa tinh thần và xác thịt qua văn hóa chiết trung thời Edo.

Thế nhưng tinh tế, thiên về tinh thần còn có nghĩa là nhẫn nhục và chịu ẩn ức. Tục lệ đa thê, tảo hôn và nghi thức cung đình đã làm cho người đàn bà thời vương triều thành những kẻ đợi chờ, nhận lảnh ân huệ, nhiều khi cố gắng chịu đựng hoàn cảnh chỉ vì lý do kinh tế (có chồng để được nuôi). Đó là chưa kể những cuộc gả bán có tính cách chính trị, ngoại giao.Tuổi trung bình lấy chồng thời đó là 13, nhiều khi bất hạnh gặp những người đàn ông già vai bố như trường hợp Murasaki Shikibu. Cũng cùng ở tuổi 13 đến 15, còn có cảnh công chúa bị buộc ra đền thần đi tu thế cho hoàng gia và chịu số phận lạnh lùng ngay cả sau khi chết như Shokushi Naishinnô (bài 89).

Đàn ông thì như bướm lượn hoa, nhiều khi vô trách nhiệm. Đòi chết với tình như Motoyoshi Shinnô (bài 20) thì đã để lại 160 bài thơ cho nhiều bà khác nhau. Ngay một Hikaru Genji nhảy từ cô này sang cô khác cũng không phải là trường hợp ngoại lệ mà chỉ là một hình ảnh tiêu biểu của đời sống tầng lớp quí tộc Heian.

Văn hóa cung đình của Hyakunin Isshuu đã thành hình chung quanh nhóm quí tộc Fujiwara, Minamoto và những nữ quan của các hoàng hậu.Những bài thơ tình trong tuyển tập thường là tiếng kêu uất nghẹn của các nàng, và oái oăm thay, nhiều khi những lời than trách ấy lại được các ông, đôi khi là các tăng lữ như Sosei (bài 21), Shun.e (bài 85), Jakuren (bài 87), Dôin (bài 82) hay Saigyô (bài 86), nói thay cho.Cần thêm rằng những nhà tu này trước khi xuất gia cũng từng trải việc đời và hiểu biết thế giới cung đình.

Tình yêu biểu hiện trong Hyakunin Isshu là một tình yêu tinh tế, có văn hóa nhưng đôi khi cũng lộ ra dấu hiệu của liên hệ xác thịt. Chỉ có một số người có can đảm nói lên được những điều đó như các bà Izumi Shikibu (bài 56), Ise no Go (bài 19), Daini no San.i (bài 58), Suô (bài 67), Kii (bài 72), Horikawa (bài 80), Sagami (bài 65), Betto (bài 88) hay Ukon (bài 38)... Tuy thế, họ vẫn giữ được vẻ thanh nhã trong diễn đạt khi dùng những biểu tượng bóng gió, gần xa như “món tóc xô lệch, ống tay áo đẫm nước mắt, gối đầu lên cánh tay, tiếc cho thân danh, chịu tiếng đời chê bai, hậu quả đau đớn của một đêm gặp gỡ...”

Dù sao, tất cả chừng ấy chỉ là dạng tướng khác nhau của tình yêu và cuộc sống trong bối cảnh lịch sử trung cổ. Một lần nữa, qua những dòng sau đây, Yoshida Kenkô, một người sống sau Teika khoảng một thế kỷ, đã lên tiếng bày tỏ quan niệm của người Nhật thời đó đối với tình yêu:

« Muôn sự muôn vật nếu đáng cho ta lưu tâm là vì chúng có lúc bắt đầu và khi chấm dứt.Chuyện tình cảm giữa nam nữ cũng vậy, không phải mỗi lúc gặp gỡ và hẹn thề với nhau là có ý nghĩa. Đau khổ vì mộng không thành, phải tan vỡ đoạn tuyệt, than thở cho lời ai đó giao ước không thành thực, trong đêm thu một mình vò võ tưởng nhớ người yêu đang ở phương trời xa xôi, muốn đi tìm cái chết bên nhau, trở lại mái tranh xưa là chỗ hẹn hò nay là nơi hoang vắng để hoài niệm bóng người xưa...những ai mang tâm sự như thế mới đáng gọi là nòi tình » (Đoạn 137 :Anh đào mãn khai và trăng rằm không gợn bóng mây).     

 

Kết

Hyakunin Isshu đã đi vào tiềm thức của người Nhật. Ngày nay, nó đã trở thành một bộ phận của ký ức tập đoàn. Phong hoa tuyết nguyêt, tình yêu trắc trở hay nồng cháy, vang bóng của một thời đã qua, xuất hiện dưới hình thức những câu năm câu bảy, vẫn là chất liệu hàm dưỡng, một chốn đi về, giúp họ làm điểm tựa để đối phó được với cuộc sống toàn cầu hóa ngày càng vật chất, đa dạng và phức tạp.  

Đền kỷ niệm Hyakunin Isshu ở Saga (Kyôto)


 


[1] Trong Idylls of the King, Bk, vol. VI, trích dẫn bởi Joshua Mostow, xem thư mục.

Trở Về   ]