Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
Biên soạn: Nguyễn Nam Trân PHẦN IV : THỜI TAISHÔ CHO TỚI NAY |
Di sản lịch sử và ước vọng tương lai. |
Tiết 1 - Di sản cần thanh toán. |
1.1
Ý thức lịch sử và ngoại giao:
Từ năm 1980, Nhật Bản đã cho biết họ mong muốn trở thành thành viên của Hội đồng thường trực của Liên Hiệp Quốc. Trong một chuyến công du năm 1990 tại Âu châu, Thủ tướng Kaifu tuyên bố nước ông mong mỏi đóng một vai trò hàng đầu cả trong lãnh vực kinh tế lẫn chính trị. Dưới thời Thủ tướng Murayama, Tổng trưởng ngoại giao Kôno Yôhei đã chính thức đệ đơn đến LHQ. Dĩ nhiên để có đủ điều kiện nắm một vai trò như vậy, Nhật Bản phải thanh lý những di sản chính trị tiêu cực có từ trước. Và chính phủ đã cố gắng đi trên đường đó cho dù nhiều khi gặp phải sự bất đồng ý kiến của các chính trị gia và quần chúng. Trước tiên, để hòa dịu với các láng giềng châu Á, từ tháng 7 năm 1990, Nhật Bản đã chấp thuận cho Bắc Kinh vay một món nợ cho dù các nước trong khối tự do vẫn còn tẩy chay Trung Quốc từ sau biến cố Thiên An Môn (6/1989). Năm 1991, Thủ tưởng Kaifu là nguyên thủ đầu tiên của một nước lớn sang thăm Bắc Kinh từ sau biến cố ấy. Đến tháng 10/1992, Nhật hoàng Akihito (Thiên hoàng Heisei) và Nhật hậu cũng đặt chân lên đất Trung Quốc. Nhật Bản tấn công ngoại giao và kinh tế tới tấp. Chỉ riêng một năm 1992, số vốn Nhật đầu tư vào Trung Quốc đã tăng lên 3 lần (đạt đến 2,17 tỷ đô la Mỹ). Thế nhưng dư luận Nhật Bản vẫn còn chia làm hai : phái ủng hộ việc tiếp cận với Trung Quốc và phái nghi ngờ. Cũng trong năm 1992, Nhật Bản đã viện trợ trở lại cho nước Việt Nam thống nhất (gián đoạn từ 1979) và phát triển mối bang giao với Hàn Quốc, quốc gia láng giềng vốn không có con mắt đầy thiện cảm đối với việc Nhật Bản muốn đạt ngôi vị thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Đó là cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Miyazawa và Tổng thống Roh Tae-Woo. Tháng 1/1993, Thủ tướng Miyazawa đã đi một vòng Á châu. Tuy các nhà lãnh đạo tạo ra nhiều cơ hội gặp gỡ nhưng vết thương chiến tranh lâu năm không dễ gì hàn gắn một sớm một chiều.Ngày 06/07/1992, chính phủ Nhật Bản bày tỏ một cách chính thức là họ "lấy làm tiếc" (ikan) về những gì người Nhật đã gây ra cho phụ nữ Triều Tiên, Trung Quốc và Đài Loan khi bắt họ đi làm "phụ nữ đi theo quân đội để an ủi" (juugun ianfu = tùng quân ủy an phụ) tức đi làm gái mãi dâm, phục vụ sinh lý cho binh lính Nhật trong Thế chiến thứ hai. Trong đám phụ nữ có người lúc đó chỉ mới có 12 tuổi. Ngày 10/08/1993, Thủ tướng Hosokawa nhìn nhận là quân đội Nhật đã làm một cuộc chiến tranh xâm lấn ở Á châu. Tháng 11, ông cũng đã qua thăm viếng Hàn quốc. Sang năm sau, Thủ tướng Murayama - người xuất thân từ Đảng Xã Hội - đã đề nghị một chương trình 1 tỷ đô-la trãi ra trong vòng 10 năm để bồi thường cho những nạn nhân của cuộc Thế chiến thứ hai. Tháng 8 năm đó, ông cũng đã chu du một vòng các nước Á châu. Ở Nhật, những cố gắng hòa giải của chính quyền Hosokawa và Murayama không phải làm ai cũng bằng lòng. Nhiều tiếng phản đối đã vọng ra ra từ ngay trong hàng ngũ chính phủ. Tháng 5/1994, Tổng trưởng Tư pháp Nagano Shigeto từ chức sau khi phát biểu rằng việc cáo buộc quân Nhật ngược sát người Trung Quốc ở Nam Kinh năm 1937 chỉ phát xuất từ sản phẩm của trí tưởng tượng. Tháng 8 cùng năm, Sakurai Shin, mất chức Tổng cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường chỉ vì tuyên bố Nhật Bản không hề phát động một cuộc chiến tranh "xâm lược" ở Á châu. Cách nhìn của người Nhật về những năm chiến tranh đã là trung tâm của cuộc thảo luận đâu là sự thực cần phải truyền đạt cho những thế hệ mai sau. Vấn đề nội dung các sách giáo khoa là then chốt. Ienaga Saburô (1913-2002) học giả có tiếng, đổ Tiến sĩ Đại học Tôkyô và là Giáo sư danh dự Đại học giáo dục Tôkyô, từng làm thị giảng cho thiên hoàng và dạy kèm thái tử, đã kiện tính hợp hiến của hành động kiểm tra (chôsa) của nhà nước trong việc không chịu thị thực nội dung một sách giáo khoa (kyôkasho) của ông, cuốn Shin Nihonshi (Tân Nhật Bản Sử) do nhà xuất bản Sanseidô. Phiên tòa kéo dài 32 năm (1965-1997). Chung cuộc thì Tòa Án tối cao đã xử rằng việc kiểm tra (chứ không phải kiểm duyệt như Ienaga đã nghĩ) là hợp hiến nhưng nhà nước chỉ phạm sai lầm khi gạt bỏ 4 trên 7 điều ông chủ trương trong sách của ông. Tòa đã bắt nhà nước bồi thường ông 40 triệu Yen. Tuy chiến thắng tinh thần này đến chậm, đối với ông nó vẫn là điều quan trọng hơn cả. Ví dụ Vụ biến loạn ở Nam Kinh mà người Nhật đã đánh phá thành phố hồi năm 1937 đã được Giáo sư Ienaga trình bày trong sách như sau: " Hoàng quân sát hại rất nhiều binh lính và thường dân Trung Hoa sau khi chiếm được thành phố". Bộ Giáo dục đã ra lệnh cho ông sửa thành: "Nhiều binh sĩ và thường dân đã bỏ mình trong cuộc biến loạn". Họ cũng bắt ông phải xoá đoạn nói về Đơn vị 731 mà tướng Ishii đã thành lập năm 1935 ở Mãn Châu. Lúc đó quân Nhật đã dùng người Trung Quốc như vật thí nghiệm cho việc khai thác võ khí hóa học. Những xung đột về mặt tư tưởng như vậy đã gây chấn động dư luận các nước bên cạnh. Ngoài ra, năm 1982, giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nổ ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao bởi vì vị Tổng trưởng giáo dục của Nhật thời ấy đòi hỏi phải bỏ từ "xâm lược" (shinryaku) khỏi cách sách giáo khoa và thay vào đó bằng từ "tiến xuất" (shinshutsu) vốn chỉ có nghĩa đơn thuần là "đem binh qua". Ngoài việc Giáo sư Ienaga Saburô ba lần kiện chính phủ (1965, 1967, 1984) còn có vụ học giả ngành địa lý Takashima Nobuyoshi đưa nhà nước ra tòa vì họ đòi những gì ông viết phải được giấy phép của bộ. Việc các nhà lãnh đạo đi thăm viếng đền thần đạo Yasukuni và đưa ra những lời tuyên bố bồng bột nhất thời cũng đã làm tổn thương các nước láng giềng mà sự thù hận bao giờ cũng là một món ăn nguội chỉ cần hâm lại. Những sự căng thẳng vì bất đồng quan điểm như thế đã khiến cho chính phủ tìm cách xoa dịu và lập đi lập lại với các nước Á châu rằng họ muốn lập một quan hệ láng giềng tốt. Khi lãnh Giải Nobel văn học năm 1994, nhà văn Ôe Kenzaburô cũng khéo léo bày tỏ là ông chỉ xin nhận vinh dự ấy với tư cách là một nhà văn Á châu chứ không phải là một nhà văn Nhật.Tháng 7/1994, trong cuộc họp cao cấp ở Seoul, cả Nhật lẫn Hàn Quốc đã cùng nưa ra hau cam kết sẽ mở những cánh cửa về phía Bắc Triều Tiên. Như vậy, trên thực tế, Nhật đã áp dụng một thứ "chính trị thực tiễn" (realpolitik) đi kèm với một sự đấu dịu về mặt ý thức hệ. Nhật Bản cũng vươn tay ra về phiá các nước ASEAN, một thị trường đầy tiềm năng với 320 triệu người tiêu thụ. Năm 1991, Kobayashi Yôtarô, Tổng giám đốc Fuji-Xerox đã đưa ra hình ảnh một "Ngôi nhà Á châu". Từ 1994 đến 1996, Nhật Bản đóng vai trò thư ký của APEC. Đối với Mã Lai, Singapore và Indonesia, họ đưa ra chiêu bài văn hoá chung và đặt vấn đề về những "giá trị văn hoá Á châu" mà họ nghĩ rằng những nước nói trên cùng chia sẻ với họ. Ngày nay, người Hàn là dân tộc học tiếng Nhật nhiều nhất. Ở Đài Loan, các ấn phẩm bằng tiếng Nhật từ năm 1985 đã vượt qua các ấn phẩm bằng tiếng Anh và con số CD nhạc Nhật chiếm đến 25% thị trường. 1.2 Vấn đề lãnh thổ và biển đảo: Có 3 hồ sơ về lãnh thổ và biển đảo đang làm nhức óc các nhà lãnh đạo Nhật Bản: vấn đề 4 hòn đảo phía Bắc do Nga chiếm giữ, vấn đề đảo Takeshima (Trúc đảo) do Hàn Quốc chiếm giữ) và Senkaku (Tiêm Các) tranh chấp với Trung Quốc và Đài Loan. Chủ trương của Nhật (theo Ban biên tập báo Yomiuri trong Nihon no ryôdo. Kaiyô mondai = Lãnh thổ Nhật Bản và vấn đề biển đảo) do Chuô kôron xuất bản năm 2012 thì họ đều đã có mặt trước tiên ở những nơi này: a) Năm 1644, Mạc phủ Edo đã đặt tên cho các đảo vùng biển bắc là Kunashiri và Etohoro... trong cuốn bản đồ của họ và năm 1855, điều ước giao hiếu Nhật Nga đã ấn định biên giới biển của hai bên là nằm giữa hai đảo Trạch Tróc và Uruppu. Liên Xô chỉ tấn công và chiếm đóng 4 đảo phiá bắc (Hoppô ryôdo = Bắc phương lãnh thổ) nằm ở phía nam Uruppuvào tháng 8 năm 1945 mà thôi. b) Năm 1618, Mạc phủ đã phát hành tờ độ điệp (thông hành) cho người đi ra đảo Isotakeshima (Uất Lăng đảo) được ghé đảo Takeshima (Trúc đảo) tức Tokuto (Độc đảo) theo cách gọi của người Hàn. Năm 1896, lại có lệnh cấm ra Uất Lăng nhưng không cấm ra Takeshima. Năm 1905, nội các Nhật Bản xem Takeshima là lãnh thổ Nhật và cho sáp nhập nó vào tỉnh Shimane. c) Năm 1884, Koga Shinshirô thám hiểm Ngư điếu đảo (tiếng Nhật đọc ngược với tiếng Hoa) trong chòm đảo Senkaku (Tiêm Các). Năm 1895, chính phủ Nhật Bản họp hội nghị quyết định các đảo Senkaku thuộc lãnh thổ Nhật Bản. Cùng năm, hai chính phủ Nhật Thanh ký điều ước giảng hòa. Chính phủ cho nhân vật Koga ấy thuê miễn phí 4 đảo Ngư Điếu, Cửu Trường thuộc khu vực ấy trong vòng 30 năm. Năm 1920, có việc lãnh sự Trung Hoa Dân Quốc ở Nagasaki gửi thư cảm tạ quan chức Nhật đã cứu 31 ngư dân của họ lâm nạn ngoài khơi đảo Senkaku năm 1919. Trong văn bản đề rõ nơi chốn bị nạn: Nhật Bản đế quốc Xung Thằng huyện Bát Trùng Sơn Quận Tiêm Các Liệt Đảo. Tuy nhiên đó chỉ là lập trường của Nhật để biện minh cho quyền lợi của mình. Về 4 đảo miền bắc, Liên Xô xem đó như là thành quả mình đạt được sau Thế chiến thứ hai khi họ đứng về phe Đồng Minh và khó lòng trả lại các đảo ấy. Con bài của Nhật là muốn trao đổi quyền làm chủ 4 đảo ấy với việc trợ giúp Nga khai thác tài nguyên vùng Siberia. Cuộc thương lượng qua nhiều năm (từ 1973 giữa Tanaka Kakuei và Leonid Brejnev năm 1973) vẫn chưa thành dù năm 1956, Liên Xô ngỏ ý sẽ trả lại một số đảo nhỏ nhưng Nhật muốn đòi lại nguyên 4 đảo lớn. Ngày nay việc đòi lại đảo nào dù 2 hay 4 cũng đều khó kể từ khi Tổng thống Mevedev ra thăm đảo Kokugo (Quốc Hậu) để khẳng định chủ quyền của Nga vào tháng 11 năm 2010. Còn như Hàn Quốc,chủ trương của họ là Nhật đã lợi dụng chiến thắng trong trận Nhật Thanh năm 1905 và tiếp đó là cuộc thôn tính Triều Tiên (1910-1945) để lấy Dokudo, vốn là lãnh thổ có tính lịch sử của Hàn. Sau Thế chiến thứ hai, Hàn Quốc đã chiếm giữ đảo và gây dựng cơ sở hạ tầng. Tổng thống Lý Thừa Vãn đã qui định một lằn ranh được gọi là Lằn ranh Lý Thừa Vãn và không cho người Nhật đến đánh cá gần đảo nữa. Năm 2012, đã có trên 13 vạn người Hàn đến viếng thăm đảo này trong khi tỉnh Shimane của Nhật vẫn còn làm lễ kỹ niệm ngày sáp nhập nó vào tỉnh mình. Hai nước ký kết hiệp ước bình thường hoá ngoại giao năm 1965 nhưng vấn đề Takeshima tức Dokudo vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy vậy hồi năm 2012, trước khi mãn nhiệm, tổng thống I Myong Bok (Lý Minh Bác) đã bày tỏ thái độ quyết liệt với Nhật Bản khi ra thăm đảo. Tân tổng thống Pak Kun.E (Phác Cẩn Huệ) cũng kiên trì trong việc bảo vệ chủ quyền của nó. Trung Quốc phản biện vấn đề Senkaku bằng cách đưa ra Trù Hải Đồ Biên, một quyển sách về lãnh hải viết từ thế kỷ 16 và cho rằng Ngư Điếu Đảo chính là là Điếu Ngư Dự thuộc hải phận Phúc Kiến (Quyển 1, Duyên hải sơn sa đồ). Đài Loan từ năm 1971 cũng đòi chủ quyền của mình trên vùng đảo Senkaku. Theo người Nhật thì sau nhiều lần điều tra từ năm 1885 (Meiji 18), họ đã khẳng định được nó là đất vô chủ và cho sáp nhập vào lãnh thổ của mình. Sau hiệp định San Francisco, nó được xem như một hòn đảo Tây Nam (không phải của cả Đài Loan lẫn Trung Quốc) và được quân đội Mỹ quản lý. Cuộc tranh chấp biển đảo tuy tiềm ẩn nhưng chỉ mới bùng nổ ra gần đây và khó lòng giải quyết một cách hòa bình vì có những vấn đề liên quan tới tài nguyên như dầu khí và đất hiếm dưới đáy biển, vấn đề ngư trường cũng như nghi vấn trong sự qui định phạm vi lãnh hải. Việc Nhật Bản vội vã quốc hữu hoá Senkaku cũng là một yếu tố đã kích thích phong trào bài Nhật của Trung Quốc và Đài Loan xảy ra gần đây. Dĩ nhiên việc làm của chính phủ Noda đi ngược chiều với chính sách biển đầy tham vọng của Bắc Kinh. Qua những lý thuyết "lưỡi bò", "chuỗi ngọc" mới trình làng, rõ ràng Trung Quốc đang muốn dành quyền bá chủ biển Đông.
1.3 Cải hiến và tái võ trang: Như đã trình bày, dưới áp lực của Mỹ thời Chiến tranh Triều Tiên, Nhật Bản đã xây dựng lại quân đội mà họ gọi là Jieitai (Tự vệ đội, FAD ). Tuy con số không đông nhưng kỹ luật và tinh nhuệ lại trang bị vũ khí tối tân như tuần dương hạm Aegis, các tiềm thủ đỉnh và phi cơ chiến đấu đời mới. Cũng phải nói rằng chi phí quốc phòng của Nhật, ví dụ lấy con số của năm 2003 mà xét thì nó là thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ, Nga, trước cả Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc. Cơ sở của việc bảo vệ đất nước Nhật Bản vẫn là Hiệp ước phòng thủ hỗ tương Nhật Mỹ. Để thỏa mãn nhu cầu tham gia vào các hoạt động trợ lực cho Mỹ (Chiến tranh vùng vịnh, chiến tranh Irak và Afghanistan) hay hoạt động trong khuôn khổ lực lượng bảo an Liên Hiệp Quốc (PKO), phòng chống khủng bố quốc tế và bảo vệ biển đảo, từ năm 1996, một số luật lệ mới trong lãnh vực quốc phòng và an ninh đã được ban hành. Tháng 6 năm 2003, luật về Jieitai lại được thay đổi để giúp cho hoạt động của tổ chức này được dễ dàng hơn trước tình hình thế giới ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, hoạt động của Jieitai vẫn bị hạn chế vì vẫn còn vấp phải trở ngại là điều 9 trong hiến pháp 1946. Viễn ảnh của sự sửa đổi hiến pháp để loại bỏ điều 9 này (qui định sự từ khước tham dự vào bất cứ cuộc chiến tranh nào) và trước đó là điều 96 (quyết định sửa đổi hiến pháp cần đa số tuyệt đối 2/3 số nghị sĩ) hầu như đã trở thành một nhu cầu cấp thiết đối với chính quyền Abe 2, nhất là từ khi Liên minh Jimintô-Kômeitô được lòng dân vì thắng lớn trong 2 kỳ bầu cử thượng viện và hạ viện mới đây.Tuy nhiên, trong dư luận vẫn còn rất nhiều thành phần muốn tranh đấu để giữ lại hiến pháp mà họ xem như một bảo đảm để ngăn ngừa chế độ quân phiệt không ngoi lên lại. |
Tiết 2 - Những vấn đề trực diện: |
2.1
Xã hội lão hoá:
Không còn nghi ngờ gì nữa, hiện tượng lão hoá của xã hội Nhật Bản là một tai hại khó lòng tránh khỏi. Người Nhật gọi nó là kôreishôshi (cao linh thiểu tử) vì số người lớn tuổi càng gia tăng và con nít ít đi. Theo R. Dubreuil, tương lai Nhật Bản sẽ bớt sáng sủa kể từ năm 2.010 khi mà dân số hiện nay (khoảng dưới 130 triệu) bắt đầu giảm sút, không bảo đảm sự vận hành của một nền kinh tế năng động. Tuổi thọ của người Nhật hiện nay (2009) là 86,05 cho phụ nữ và 79,29 cho nam giới và đứng đầu thế giới. Thật đáng ngạc nhiên khi tuổi thọ trung bình của họ là 45 vào năm 1935 và 60 vào năm 1950. Tỷ lệ thụ thai ở nơi người phụ nữ cũng là điều đáng lo ngại. Trong khi trên nguyên tắc, một phụ nữ phải sinh 2,1 người con trong đời mình thì mới có thể giữ dân số không tụt, phụ nữ Nhật chỉ có khả năng sinh 1,4 người con. Con số này đáng báo động vì tỷ lệ ấy ở Nhật là 4,3 vào năm 1947. Năm 2009, con số thiếu niên dưới 15 tuổi chỉ còn có 17 triệu từ 13% trên một dân số 127 triệu người, Như thế, họ có con số thấp nhất trong số 31 quốc gia tiên tiến. Ngoài yếu tố sức khoẻ hay di truyền, phải nói rằng những yếu tố xã hội (lấy chồng trễ, phụ nữ đi làm, thiếu nhà trẻ, tiền đi học đắt...) cũng là những rào cản quan trọng: 1) Tuổi lập gia đình: hiện nay (thời điểm 2.010) trung bình đàn ông lấy vợ vào năm 28,4 tuổi và đàn bà ở tuổi 25,9. Với cuộc khủng hoảng kinh tế, nó càng ngày càng cao thêm. Đó là hiện tượng bankon (vãn hôn). 2) Số phụ nữ đi làm: xưa kia phụ nữ chỉ ở nhà nuôi con và lo việc nội trợ, nay đã có 57% phụ nữ đi làm (lứa tuổi giữa 20 và 64 tuổi). 3) Hoàn cảnh đơn vị gia đình: xưa kia là đại gia đình với nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà nhưng từ sau 1945, khuynh hướng gia đình đông con giảm sút. Đơn vị gia đình hạt nhân (kakukozoku = nuclear family), một tiểu gia đình hiện nay trung bình chỉ có 4 người: cha mẹ và hai con. Chính phủ đã có những biện pháp giải quyết như tăng phí bảo hiểm sức khoẻ cho người già (họ phải phụ đảm 30% thay vì 20% chi phí như trước đây), đẩy lùi tuổi hưu (65 thay vì 60) để chậm trả tiền hưu trí, hạ tiền lời các quỹ tiết kiệm, dễ dãi thu nhận người trẻ ngoại quốc đến kiếm việc...nhất là trong lãnh vực 3k (kitanai = bẩn, kitsui = cực nhọc, kiken = nguy hiểm). Nhiều thực tập sinh chỉ là người lao động đội lốt. Con số 14% của những người cao tuổi ở Nhật năm 1995 sẽ trở thành 25% vào năm 2.025. Năm 2.006, số người cao tuổi (xưa được định nghĩa là là 60, nay phải là 65 tuổi) sẽ nắm giữ 37,6% trữ lượng tiết kiệm của quốc gia thay vì 27,3% ở thời điểm 1993 [1]. Khi con số người già đông lên, họ sẽ ảnh hưởng không tốt đến chính trị và kinh tế. Về chính trị, họ có khuynh hướng tự nhiên là bảo thủ, về kinh tế, họ có khuynh hướng tiết kiệm hơn là tiêu dùng hoặc đầu tư. Không những thuế, tiền hưu trí sẽ không còn được bảo đảm cho thế hệ đến sau một khi nguồn thuế của chính phủ từ thuế thu nhập bị xem như khánh kiệt vì con số người đi làm ít hơn số người hưởng tiền hưu. Sống lâu nhưng bệnh hoạn hoặc bại liệt cũng đẻ ra nhiều vấn đề như việc chăm sóc họ.Tìm đâu ra người và của để bảo đảm nếu không phải là tăng mức thuế. Sự cô độc của người già nhất là trong hoàn cảnh đô thị còn đẻ ra thị hiếu nuôi thú vật làm kiểng và nó đã trở thành thời thượng (pet boom). Cũng có những người già sống đơn chiếc và chết không ai hay biết (kodokushi = cô độc tử) 2.2 Gánh nặng nợ nhà nước: Nhà nước Nhật Bản đang gánh một món nợ công khủng khiếp. Vào thời điểm tháng 6 năm 2013, nó lên đến 1.008 chô (trillion) Yen và tương đương với 230% GNP của Nhật Bản. Trong khi ấy, tỷ lệ nợ công / GNP của các nước là trên dưới 100% ở cùng một thời điểm, (Mỹ 75%, EU 110%, Hàn Quốc 36,73 %). Ngay cả Hy Lạp là nước như đang phá sản mà tỷ lệ ấy chỉ có 200%. Tính ra mỗi gia đình Nhật Bản hiện nay đang gánh trên vai một món nợ công khoảng 2 triệu Yen, tương đương với khoảng USD 20.000. Chính phủ Abe 2 đang định tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014 và lên 10% vào đầu 2015. Nếu ông không có biện pháp như vậy thì chính phủ không có tiền xây dựng lại vùng Tôhoku sau vụ Fukushima và thực hiện mộng số chương trình thổ mộc công cộng khác. Việc tăng thuế tiêu dùng cũng sẽ giúp các ngân hàng trên thế giới thôi hạ độ tin cậy khi đánh giá (kakutsuke) quốc trái Nhật (JGB) và không phạt họ phải nâng lãi suất (premium) cho chúng. Tuy nhiên, việc tăng thuế ấy dù hợp lý trong bối cảnh toàn cầu (xem trọng thuế chế gián thu hơn trực thu) nhưng sẽ là một rào cản cho kinh tế Nhật Bản. Chính phủ Abe 2 đã không lựa chọn giải pháp khắc khổ.Những nhà kinh tế trong Jimintô cố vấn cho ông nghĩ rằng phải dạn dĩ (daitan) mới thoát tình trạng giảm phát kéo dài đã quá lâu. Thống đốc Kuroda của Ngân Hàng Trung Ương Nichigin, trong vai trò đồng minh đáng tin cậy, cũng đồng ý mua đến 70% tất cả quốc trái do chính phủ phát hành để đổ tiền vào thị trường. 2.3 Kinh tế rỗng ruột: Khi một bộ phận lớn của guồng máy kinh tế dời ra nước ngoài để hưởng giá nhân công rẻ và ở gần nơi có nguyên liệu (Trung Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á...) thì trong nước sẽ phải lâm vào tình cảnh rỗng ruột (không động hoá = kuudôka). Không những các khâu đầu tư kỹ nghệ mà cả đầu tư vào thị trường tài chánh đều hướng ra ngoài. Kinh tế Nhật Bản ở quốc nội gặp khó khăn. Kể từ năm 1992, các nhân viên hãng xưởng không còn tiếp khách một cách thoải mái bằng cách xài tiền hãng nữa. Bọn người ăn bám vào chi phí điều hành của hãng (shayô-zoku = xã dụng tộc) trong các buổi tiệc tùng, dã cầu, chơi golf, xem đấu sumo ... đã phải đạp thắng gấp. Các tiệm ăn, quán rượu thành ra ế ẩm. Ở các hộ gia đình, người ta cũng phải bắt đầu sống dè sẻn. Những nhà đầu tư cá nhân mất bộn tiền trong những lần chứng khoán sụt giá. Giá bất động sản cũng bắt đầu rơi xuống không phanh (năm 1992, -15% trong các thành phố lớn) sau khi đã thường xuyên đi lên từ năm 1975. Mấy bà nội trợ cũng đi tìm những món ăn đúng 3 tiêu điểm: rẻ (yasui), ngon (umai) và no (manpuku) chứ không dám vung tay quá trán. Từ năm 1994 đến 1996, chính phủ không ngừng đưa ra những kế hoạch tổng hợp giúp kinh tế đi lên. Ngoài việc hạ lãi xuất công từ 1,75% (1993) xuống 0,5% (1996), họ còn châm mỗi năm 670 tỷ đô la Mỹ, và như thế trong vòng 5 năm, vào những chương trình chấn hưng kinh tế. Thế nhưng sự thâm thủng gây ra do nợ công của nhà nước đã tăng từ 80% GNP trong năm 1996 đến 100% GNP trong năm 2005. Những giải pháp phụ khác là, vào năm 1994, nông dân được hưởng một trợ cấp đặc biệt. Kèm theo đó, thời giờ làm việc trong tuần rút xuống còn 40 giờ mà thôi. Điều này là cả một cuộc cách mạng đối với người Nhật, những kẻ nổi tiếng làm việc nhiều. Tuy nhiên những liều thuốc nói trên không chữa nổi một con bệnh trầm kha. Thị trường chứng khoán năm 1994 có hồi phục nhưng giá đồng Yen lại lên cao (endaka, USD 1 = JPY 97,6 vào ngày 1/7/1994) làm cho hàng xuất khẩu không bán được. Các hãng phải nghĩ đến việc tái cấu trúc mà việc trước tiên là thải người. Thời ông cầm quyền, Thủ tướng Hosokawa đã khẩn cấp thành lập một Ủy ban chuyên môn để giải quyết nạn thất nghiệp. Tuy không thể so sánh với những con số ở Âu châu nhưng trong một quốc gia nổi tiếng có truyền thống ai nấy đều có việc làm thì tỷ lệ 3,4% thất nghiệp (1994), đặt biệt 6% nơi lớp người trẻ, đã là một thảm họa. Năm 1996, những xí nghiệp gạo cội và nổi tiếng vững chãi đã bắt đầu thải người hàng loạt: 7000 trong vòng 3 năm ở Nippon Steel, 5000 người ở ô tô Nissan [2] và 2600 ở hãng ô tô Mitsubishi. Huyền thoại tương thân tương liên của người Nhật không chịu nổi cú "sốc" của suy thoái kinh tế. 2.4 Thờ ơ và vô cảm chính trị: Tuy con số chính đảng ở Nhật khá nhiều những "đảng" lớn nhất vẫn là "Mutôha" (Vô đảng phái) tức là nhóm rất đông đảo những nguời thờ ơ với chính trị, hoặc vì họ không còn tin tưởng vào lời hứa hẹn của chính trị gia, hoặc vì bản chất của họ là phi chính trị, vô cảm (gọi là "chủ nghĩa nonpoli"). Lớp người thứ hai không nói làm gì, chứ lớp người thứ nhất thì xem việc chính quyền nào lên thì kết quả vẫn xấu hay vô hiệu như nhau. Những kẻ đó hoặc vì tham lam tiền bạc, thiếu chính sách, giữ độc quyền thông tin hay thiếu tài lãnh đạo mà đã và sẽ không được việc. Do đó, con số người có quyền đi bầu mà thực hành quyền của mình rất ít. Thật là ngao ngán khi biết rằng quyền lợi này đã được các thế hệ đi trước tranh đấu với máu và nước mắt để giành lấy cho được. Nhật Bản cũng còn khổ vì tệ nạn amakudari nghĩa là "kẻ trên trời rơi xuống". Các viên chức hành chánh cao cấp trong thời gian cầm quyền đã biết nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp bằng cách ban bố ân huệ với các hãng xưởng để sau đó, đổi lấy một địa vị trên trước được hứa hẹn nơi ấy lúc về hưu. Số thành viên mutôha từ 20% vào năm 1970 đã tăng lên đến 35% vào thập niên 1990. Ngày nay (thập niên 2010) nó đã lên trên 40%. Một số ứng cử viên bèn tìm cách ra tranh cử với tư cách không đảng phái, những mong qui tụ được lá phiếu của lớp người này. 2.5 Phòng chống thiên tai và nhân tai. Vào năm 1974, một số địa điểm trên đất Nhật đã được chọn lựa để xây thêm nhà máy điện hạt nhân cho dù quần đảo luôn luôn bị đe dọa bởi những trận động đất cũng như sự chống đối các lò nguyên tử do những phong trào quần chúng muốn bảo vệ môi trường sinh thái. Thế nhưng, thêm một số lò hạt nhân đã hoạt động từ năm 1977. Những phong trào chống đối đã lên tiếng từ vụ xây cất phi trường quốc tế Narita năm 1978 và vụ rò rĩ phóng xạ của chiếc tàu nguyên tử thí nghiệm Mutsu được đưa ra dùng thử vào năm 1974. Lúc đó, Nhật đã ký kết hiệp ước với Úc để nước này cung cấp quặng uranium cho họ. Đồng thời, Pháp cũng đã chi viện kỹ thuật để từ năm 1995, Nhật có thể mở một trung tâm chuyên xử lý nhiên liệu này. Trong việc sản xuất năng lượng, phần do năng lượng hạt nhân đã bước từ 0,1% 1968 sang 2,2% 1975, 30% 1988 và có lẽ sẽ đạt đến 58% năm 2030 nếu không xảy ra vụ rò rĩ ở Fukushima mà chúng ta đều biết.
Ngoài ra, trận động đất lớn cuối cùng xảy ra ở vùng thủ đô Tôkyô vào năm 1923 có thể bộc phát trở lại trong những nằm sắp đến vì số lượng nước biển ứ đọng do sự va chạm của thềm lục địa gây ra dưới các địa tầng ven bán đảo Chiba đã cao lên đến mức bất thường cần phải được thiên nhiên tự giải tỏa. Nếu có một trận địa chấn siêu tầm cỡ (mega earthquake) như thế thì - căn cứ trên kinh nghiệm quá khứ - thiệt hại về người về của sẽ không thể nào lường được nhất là khi nó xảy ra ở một vùng nằm sát một đại đô thị dân cư trên 11 triệu người, cũng là đầu não kinh tế không những của Nhật Bản mà của cả thế giới. Với sự biến đổi dị thường về khí hậu, địa cầu đang chịu những trận bão càng ngày với uy lực càng lớn. Trong những năm gần đây, bão lại thường đổ bộ trên đất liền, gây thiệt hại vì đất sụt, nhà đổ và đê vỡ. Với trên 20 trận bão như thế hằng năm, Nhật Bản phải thường xuyên cảnh giác, nhất là đối với những cơn lốc xoáy (tornado) đến bất chợt. 2.6 Khó khăn trong tư duy hội nhập: Người Nhật muốn hội nhập vào cộng đồng thế giới, chơi lá bài toàn cầu hoá (globalization) nhưng cũng e ngại đánh mất bản sắc dân tộc. Như một nghịch lý, tư trào quốc tế hoá cũng có thể dẫn đến sự vùng dậy của chủ nghĩa quốc gia. Trong thập niên 1930, người Nhật vẫn nghĩ rằng Nhật Bản có cái gì khác người và sự thành công của họ trên trường quốc tế là do sự đặc thù của dân tộc tính cũng như sự năng động của nó trong cách biểu hiện. Tuy có mang mặc cảm tự ti vì thua trận trong thập niên 1950 nhưng họ đã mau lấy lại tự tin để rồi kể từ năm 1960, đi đến một mặc cảm tự tôn. Trong một số thành phần dân chúng, sự thuần chất của nòi giống Nhật vẫn là điều họ tin như đinh đóng cột. Không những đối với người burakumin, các dân tộc Á Đông mà cả đối với người Tây Phương, những kẻ đó cũng nuôi dưỡng một thứ tin cảm cao ngạo. Tuy phải tiếp đón người ngoại quốc vì nhiều lý do nhưng sự phân biệt bên trong, phe ta (uchi) và bên ngoài, phe hắn (soto) vẫn không vì thế mà suy giảm. Bata kusai (hoi mùi bơ), henna gaijin (người ngoại quốc là kỳ cục), shimaguni konjô (căn cơ đảo quốc), Nihonjinron (nét đặc thù Nhật Bản), Nihon ichi sekai ichi (Nhất ở Nhật là nhất trên thế giới) ... một số từ khóa phản ánh được lối đối xử phân biệt đó. Ngay cả một nhà lãnh đạo lão luyện trong chính trị như Thủ tướng Nakasone ngày 22 tháng 9 năm 1986 mà đã có thể tuyên bố: "Trình độ tri thức trung bình của Mỹ thấp hơn Nhật. Lý do là bên đó họ còn có các sắc dân da đen, Puerto Rico và Mễ tây cơ". Ông ta chắc đã suy nghĩ thành thực như thế chứ không phải là lỡ lời. Điều đó làm nhiều khi người ngoại quốc đâm ra e sợ trước một sự trổi dậy của khuynh hướng tân bảo thủ (neocon) tại Nhật tuy rằng các lực lượng tiến bộ trong nước cũng đang canh chừng thường xuyên sự trổi dậy đó và một may mắn khác là số lớn các người trẻ thì vẫn tỏ ra thờ ơ với những hành động quá khích. 2.7 Ô nhiễm và phá hoại môi sinh Là một dân tộc yêu mến thiên nhiên, Nhật Bản cực kỳ quan tâm đến môi trường. Trên con đường cận đại hoá, từ vụ mỏ đồng Ashio, họ đã biết thế nào là ô nhiễm. Năm 1967 Nhật đã ban hành đạo luật cơ bản về môi trường và kể từ ngày đó, một chuỗi những đạo luật phòng chống ô nhiễm trong đó có ô nhiểm khí trời năm 1968 và về ô nhiễm vì chất độc Dioxin năm 1990. Nhật là nơi tổ chức Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu. Kết quả là một Qui ước đã được thành lập tại Kyôto mang tên Kyoto Protocol (12/1997), có hiệu lực từ 16/02/2005. Tuy nhiên, qui ước này đã không được các nước lớn phê chuẩn và ngay các thành viên cũng không triệt để tuân thủ. Ngoài ra, hai mối lo hiện tại của Nhật là vấn đề ô nhiễm không khí đến từ nước ngoài (bụi cát vàng và phân tử MP25 từ Trung Quốc) cũng như tìm không ra chỗ để chôn những chất thải của các lò nguyên tử mỗi lúc càng nhiều. Nó sẽ gây những tai hại khổng lồ lúc có địa chấn lớn, khi mà các chất phóng xạ hòa lẫn vào những mạch nước ngầm. 2.8 Các thế lực phản xã hội: Các thế lực này là Nhóm xã hội đen có tên là Yakuza. Đó là một thế lực tiềm ẩn tổ chức chặt chẽ. Lúc đông nhất, họ có đến 184.000 người 1960, sang đến 1991 chỉ còn 91.000 và năm 2009 thì còn khoảng 43.000 hội viên. Ngoài ra còn có thêm 40.000 nhân viên bán chính thức trợ lực. Ba tổ chức quan trọng nhất là Yamaguchi-gumi, Sumiyoshi-kai và Imagawa kai. Từ khi kinh tế khó khăn, họ đã chuyển hướng làm ăn, nhiều khi làm công cụ gây áp lực (gọi là Sôkaiya) để phá đám những cuộc họp đại hội đồng cổ đông, gây khó dễ ho lãnh đạo hãng. Họ cũng dính líu nhiều đến việc giật giây giới chính trị và giới truyền thông. Tôn giáo tân hưng như giáo phái Aoum cũng là một thế lực phản xã hội cần phải lưu ý. Vụ rãi chất độc trong xe điện ngầm Tôkyô năm 1995 vẫn còn gây xúc động trong dân chúng. Phiên tòa xử họ kéo quá dài cho thấy nhà đương cục hãy còn rất thận trọng vì những phản ứng khó lường của giáo phái này. 2.9 Những vấn đề khác: Nói chung, xã hội Nhật Bản có cơ sở Nho giáo và Phật giáo đại thừa nên đời sống tinh thần vững chãi và an định hơn xã hội Âu Mỹ. Điều đó có thể chứng tỏ qua con số tử vong vì sát thương (năm lần ít hơn), số cảnh sát (hai lần ít hơn) và số con tư sinh (hai mươi lần ít hơn) xã hội Âu Mỹ. Tuy nhiên cuối thế kỷ 20 bước qua đầu thế kỷ 21, xã hội Nhật Bản hãy còn tiềm tàng một số hiện tượng tiêu cực đáng cho ta theo dõi. Trước hết là người Nhật vẫn còn sống trong áp lực của học hành thi cử nếu muốn có một chỗ đứng dưới ánh sáng mặt trời. Xã hội vẫn còn đặt tiêu chuẩn học lực (gakureki shakai = học lịch xã hội). Trẻ em vẫn thường xuyên đi học bổ túc ở các lớp tư nhân (juku =thục) vào ngày cuối tuần. Trong năm 1993, 60% học sinh trung học đều phải đi học thêm để có thể vào được các đại học tốt như Tôdai, Kyôdai, Keiô, Waseda, Hitotsubashi, Sophia.... Còn các trường thì chỉ chủ trọng đến hensachi tức thành tích của sinh viên từ các cuộc thi thử có qui mô toàn quốc, tùy theo đó mà ấn định danh giá của cơ quan giáo dục. Tỷ lệ ly dị cũng cao lên dần trong những năm gần đây. Từ 1993 đến 2003, tỷ lệ đó lên 48% chỉ trong khoảng 10%. Hơn 20% cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị. Ngoài ly dị, còn có vấn đề bạo lực trong gia đình (DV = domestic violence) và hành hạ con cái (child abuse). Không biết có phải vì tinh thần bị ảnh hưởng vì đời sống quá cạnh tranh mà trường học Nhật Bản có hiện tượng bạo lực học đường gọi là hiếp đáp (ijime) khiến cho học sinh nhiều khi chán ghét trường học (gakkô-girai) hay từ chối đến trường (futôkô = bất đăng hiệu, 77.000 vụ vắng mặt trên 1 tháng trong năm 1994), nhiều khi dẫn đến tự sát. Nhiều người trẻ trở thành cô lập, khép kín và vùi đầu vào một sở thích nào đó như trò chơi điện tử, phim ảnh hay âm nhạc. Triệu chứng này gọi là O-taku. Những kẻ cô độc và trầm cảm đó được gọi là những con người thực vật (yasai-mono). Nó làm cho người trẻ tuổi trở thành xa lạ ngay giữa gia đình của mình. Cuộc sống nhiều khi chỉ giới hạn chung quanh 3 chỗ tối cần thiết: cái giường ngủ, tủ lạnh chứa thực phẩm và phòng vệ sinh. |
Tiết 3 - Ước vọng tương lai. |
Với những khó
khăn trùng điệp đang phải trực diện như vừa mới trình
bày trong những trang trên, ta thấy Nhật Bản thật khó lòng
có thể vượt qua nếu không đủ kiên nhẫn và lòng can đảm.
Dù sao cũng nên nhớ rằng khó khăn mà Nhật Bản đang gặp phải cũng là khó khăn chung của rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Hơn nữa, Nhật Bản đã nhiều lần tỏ rằng mình có nội lực để chuyển bại thành thắng trong quá khứ mỗi khi gặp nguy cơ một mất một còn. Ít nhất có 4 lần đáng đề cập tới: Cuộc cải cách chế độ cnăm Taika sau thất bại quân sự ở Triều Tiên (646), sự thành lập Mạc phủ Tokugawa (1603) sau hai chuyến viễn chinh thảm hại của Hideyoshi, cuộc Duy Tân Meiji (1868) khi liệt cường ép buộc khai cảng và cuộc phục hưng kinh tế, thành lập nhà nước dân chủ sau khi chịu hai quả bom nguyên tử trong Thế chiến thứ hai (1945). Giáo sư Yamanaka Shinya (sinh năm 1962) đoạt Giải Nobel 2012 sau khi tìm ra được tế bào gốc nhân tạo (artificial stem cell), phi hành gia vũ trụ kiêm nhà thiên văn Doi Takao (sinh năm 1954) đã du hành hai chuyến trong không gian, nữ vận động viên Takahashi Naoko (sinh năm 1962) từng thắng giải marathon tại Thế Vận Hội Sydney... chỉ là vài ví dụ về tiềm năng con người Nhật Bản. Chứ thực ra, dân tộc đã xây nên những đền đài và tượng Phật mỹ thuật, viết những áng thi văn trác tuyệt, có những thú vui thanh cảnh như trà, hoa, hương đạo..., làm nên những chiếc ô tô bền và đẹp, những con tàu cao tốc đi đúng giờ và không tai nạn, những rôbốt tinh xảo, những con người không tham lam nhặt của rơi, cúi đầu chào ngay cả người không quen, biết nhường cơm sẻ áo cho nhau trong hoạn nạn, trước thiên tai...nhất định sẽ đủ tự tin và thừa tài năng để bắt được nhịp tiến hóa của thời đại nếu không nói sẽ đi tiên phong trong công cuộc đó. Giáo sư Yamanaka, phi hành gia Doi, nữ vận động viên Takahashi Mặc dầu có những giới hạn nhất định trong cung cách hành xử như mọi dân tộc, Nhật Bản là một quốc gia có tương lai nhờ tiềm năng con người. Ước vọng của nhà nước Nhật Bản dân chủ ngày nay có lẽ là duy trì phát triển bền lâu (sustainable development) cho nước mình, bảo vệ được hòa bình trường cửu và cống hiến nhiều cho cộng đồng quốc tế. Suốt dòng lịch sử lắm thăng trầm, không phải lúc nào họ cũng hành động đúng đắn nhưng người Nhật đã tỏ cho chúng ta họ là một dân tộc ưu tú, giàu phẩm chất. Trong thời đại hội nhập toàn cầu, họ có thể là những người bạn đồng hành tốt và hiếm có. Nhưng dầu sao, muốn đi chung đường phải hiểu rõ cả những điều tốt và xấu của nhau. Và như thế, chúng ta cần tìm hiểu lịch sử Nhật Bản và lịch sử thế giới, không phải để chấp nê và thù hận, nhưng để không bao giờ cho vào quên lãng cái quá khứ tối tăm lúc nào cũng sẽ được dùng để soi sáng tương lai. Vì như có nhà viết sử từng nói: "Người ta hay hối hận về những sai lầm mình đã phạm trong quá khứ nhưng chẳng có mấy ai chịu nghiền ngẫm những bài học lịch sử để tránh được những sai lầm tiềm ẩn đó". (Hết) |
PHỤ LỤC |
Đối chiếu
lịch sử Âu Á và Nhật Bản từ cuối đời Duy Tân cho đến
hiện tại (2013)
|
Tư Liệu Tham Khảo Chính |
Tư Liệu Tham
Khảo Chính
1) Aida Yasunori, Kawai
Atsushi et al., 2001, Nabigetaa Nihonshi B (Hướng dẫn học lịch
sử Nhật Bản B, 4 quyển từ 1 đến 4), Nhà xuất bản Yamakawa,
Tôkyô.
Ngoài ra hình ảnh minh họa đều vay mượn từ các trang mạng Internet. |
------------------------------
[1] - R. Dubreuil, sđd, trang 180. [2] - Chắc có lẽ vì thế mà doanh nhân Pháp Carlos Ghosn, tổng giám đốc Nissan đương thời và người mạnh tay cải tổ xí nghiệp, sa thải nhân công đã được xem là người ngoại quốc thứ 3 quan trọng nhất đối với đời sống của người Nhật kể từ Perry và MacArthur. |