Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

Lời Nói Đầu

Quyển Giáo Trình Lịch Sử Nhật Bản này nhắm đối tượng khiêm tốn là tầng lớp sinh viên và người không chuyên về sử nhưng cần kiến thức sử trong công việc của mình. Sách gồm 4 phần sẽ được đăng trong 4 kỳ:

Phần I : Từ thượng cổ đến Nam Bắc Triều

Phần II: Mạc phủ Muromachi và Mạc phủ Edo

Phần III: Mở cửa và Duy Tân.

Phần IV: Thời Taishô cho đến hiện tại.

Nói chung, sách có 5 đặc điểm như sau:

1- Dựa trên giáo khoa thư được dùng trong các trường cơ sở Nhật Bản

2- Có đối chiếu tư liệu Đông Tây để nâng thêm tính khách quan.

3- Sử dụng nhiều hình ảnh, đồ biểu, phân chú và cước chú để giải thích rõ ràng.

4- Viết theo quan điểm xã hội sinh hoạt sử, nặng về văn hóa hơn chính trị.

5- Ở những mốc quan trọng, định vị trí lịch sử Nhật Bản trong dòng lịch sử thế giới.

Đây là một quyển sách mở, sẽ được sửa chữa và cập nhật thường xuyên nhưng không thông báo trước. Người viết thành tâm trông đợi phản hồi của quý độc giả để cùng nhau tiến bộ.

PHẦN I : TỪ THƯỢNG CỔ ĐẾN NAM BẮC TRIỀU
Chương 0 : Khái quát về địa lý hình thể Nhật Bản
Để tiện bề theo dõi tiến trình lịch sử Nhật Bản, chúng ta cần biết qua một số thông tin cơ bản về địa lý hình thể của nước ấy.

1-Hoàn cảnh thiên nhiên.

Nhật Bản là một quốc gia hải dương nằm ở cực đông đại lục Âu Á (Eurasia), gồm 4 đảo lớn và khoảng 4.000 đảo nhỏ. Bốn hòn đảo lớn chạy dài từ bắc xuống nam ấy có tên là Hokkaidô (Bắc Hải Đạo), Honshuu (Bản Châu), Shikoku (Tứ Quốc) và Kyuushuu (Cửu Châu).

Nhật Bản nhiều núi non. Có đến 73% diện tích là đất núi. Vì thế, sông ngòi ở Nhật tương đối ngắn và nước xiết, nhiều ghềnh thác. Nước Nhật lại nhiều mưa nên sức xâm thực của nó đã tạo nên những vạt đất hình chữ V nằm sâu trong hốc núi. Ở những hẻm núi chỉa ra thung lũng và đồng bằng, có nhiều dải đất hình cánh quạt. Vùng phụ cận các cửa sông, đất tích tụ thành lớp dày tạo ra những cánh đồng.Từ miền trung (Chuubuu) cho đến vùng đông bắc (Tôhoku), bên triền sông thường có nhiều gò đồi.

Phía đông, Nhật Bản hướng ra Thái Bình Dương bao la (thế nhưng chùm đảo Ogasawara của họ thì nhìn thẳng biển Phi Luật Tân). Phiá bắc đông là biển Okhotsk. Phía tây và nam, Nhật Bản đối diện với biển Nhật Bản và biển Nam Trung Hoa. Hai đảo Honshuu và Shikoku ngăn cách bởi biển nội địa Seto (Seto naikai). Nhật Bản có nhiều luồng hải lưu (kairyuu) bao bọc. Một luồng nước lạnh có tên Oyashio (Thân triều) - còn gọi là Chijima kairyuu - từ biển Bering miền bắc qua quần đảo Chijima chảy xuống ngoài khơi các vùng Sanriku (từ Aomori đến Miyagi) và Jôban (tức Hitachi và Iwaki). Một luồng nước ấm phía nam tên là Kuroshio (Hắc triều)[1] - còn gọi là Nihon kairyuu - có màu xanh thẩm hầu như đen, từ quần đảo Phi luật tân chảy lên đến mũi Inubôsaki (ngoài khơi Chiba) trước khi quặt ra Thái Bình Dương. Một phân nhánh của nó sẽ vòng sang eo biển Tsushima phía Hàn Quốc nên có tên là Tsushima kairyuu.

Về khí hậu, vì có một vùng núi non chạy dài như sống lưng trên toàn quốc nên khí hậu phía biển Nhật Bản và Thái Bình Dương khá khác nhau. Phía biển Nhật Bản có gió mùa tây bắc nên mùa đông lạnh lẽo và nhiều tuyết. Phía Thái Bình Dương thường thường nắng ráo. Vùng cao nguyên của Hokkaidô và Honshuu thuộc khu vực khí hậu á hàn đới, các đảo phía nam thuộc nhiệt đới. Phần lớn các vùng khác đều có khí hậu ôn đới nhưng nói chung, nhiệt độ khá chênh lệch giữa miền bắc và miền nam.

Nhiệt độ thay đổi dần từ nam lên phía bắc từ đông sang xuân, xuân sang hạ. Sau một thời kỳ mưa dầm (nagame) còn gọi là tsuyu (hay bai.u, mai vũ, vì mưa vào tháng quả mơ chín) khoảng tháng 5, tháng 6, trời tạnh ra và nhiệt độ lên cao, Nhật Bản bước vào mùa hè ẩm thấp, có khi đến 70% độ ẩm. Cuối tháng 8, hơi nóng còn sót lại nhưng sau đó Nhật Bản bước vào mùa thu với nhiều cơn bão từ biển phía Nam (Đài Loan, Okinawa) thổi lên.

Vị trí

Nhật Bản có hình thù như một cánh cung, nằm giữa vĩ tuyến 30 đến 45 bắc bán cầu, kinh tuyến 123-146 đông. Cực bắc là thành phố Wakanai thuộc Hokkaidô, chưa kể 4 đảo thuộc chùm đảo Chijima vẫn do người Nga chiếm đóng từ khi Nhật bại trận còn nằm ở bên trên nữa. Cực nam là đảo Okinotorishima thuộc quần đảo Ogasawara. Cực tây là đảo Yonagunijima tỉnh Okinawa và cực đông là đảo Minamitorishima, một hòn đảo trơ vơ giữa Thái Bình Dương. Tuy ngăn cách bởi biển nhưng có thể xem như Nhật tiếp giáp Nga ở phiá bắc, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc phía tây, quần đảo Bắc Mariana thuộc Mỹ phía đông và đảo Đài Loan ở phía nam.

Diện tích

Lãnh thổ rộng 377. 929,99 km2, bờ biển dài 33.889 km. Diện tích đứng hàng 62 trên thế giới, hẹp thua tiểu bang Montana (Mỹ) hay nước Na Uy, hơi rộng hơn Mã Lai và Việt Nam một chút.

 Dân số

Theo thống kê năm 2000, toàn thể dân số có 126.925.843 người, trong đó 62.110.764 nam và 64.815.079 nữ. Khoảng 50% dân số sống trên 14% diện tích, đặc biệt trong 3 thành phố lớn nhìn ra Thái Bình Dương: Tôkyô, Ôsaka và Nagoya.

Địa thế

Vì lắm núi, dân chúng thường tụ tập ở các giải đồng bằng hẹp. Từ năm 1970 đã có kế hoạch phân tán cho hợp lý nhưng chưa có thể thực hiện.

Sông dài nhất là Shinanogawa (367km), lưu vực sông lớn nhất là lưu vực sông Tonegawa (16.829km2), hồ rộng nhất là hồ Biwa (70,33km2), hồ sâu nhất là Tazawako (-423,0m).Núi cao nhất là Fujisan (3.776m). Vực sâu nhất -10.535m nằm ở phiá đông quần đảo Kouriles, mang tên Tuscarora, chiếc tàu Mỹ dùng cho hải dương học đã khám phá ra nó năm 1874.

Rừng chiếm 66,4% diện tích, đất canh nông 13,2%, đất xây cất 4,7%, đường sá 3,3%, mặt nước 3,5% và các mặt bằng khác 8,9% (thống kê 1999).

Thảo mộc ở Nhật phong phú. Trong khi ở Âu châu có chừng 85 giống cây thì Nhật Bản có đến 168. Các loại thực vật nói chung lên đến 2.700 loại, cũng nhờ địa hình trải dài và lượng mưa nhiều.

Nguồn lợi thiên nhiên

Phần lớn là khoáng sản nhưng đá vôi, khí đốt thiên nhiên và dầu khí đều phải nhập. Xưa kia, có nhiều mỏ vàng, bạc và đồng. Marco Polo đã từng ca tụng Nhật như “quốc gia hoàng kim Jipangu”. Đời Edo cho đến Meiji có xuất khẩu một số quí kim đáng kể. Dưới đáy biển hiện có khí đốt thiên nhiên và kim loại hiếm chưa khai thác.

 Khí hậu

Bốn đặc tính:

1 Vì là một quần đảo nên mưa nhiều (1.000mm/ năm) nhiều khi đến 2.000mm/năm như ở vùng ven biển và có khi lên đến 4.000mm/ năm như ở các đảo ngoài khơi.

2 Hình thể kéo dài từ bắc xuống nam nên có các vùng khí hậu khác nhau. Bình quân nhiệt độ miền bắc (Sapporo) là 9 độ C, trung (Tôkyô) là 16 độ C, nam (Naha) là 22 độ.

3 Có núi cắt làm đôi nên khí hậu phía biển Nhật Bản trái ngược với khí hậu phía Thái Bình Dương.

4 Vì vị trí nằm ở trung vĩ tuyến phiá đông nên cũng chịu ảnh hưởng của gió mùa.

Hoàn cảnh thiên nhiên

Nằm một lượt gần nhiều đường nứt của vỏ địa cầu nên có nhiều ngọn núi lửa đang thời kỳ hoạt động, chịu động đất mạnh và thường xuyên, đôi khi có hiểm họa sóng thần. Từ 684 đến 2011, Nhật Bản đã bị gần 10 trận động đất chấn độ từ 8 đến 9 và 5 đợt sóng thần lớn. Cũng nhờ địa hình như thế mà có nhiều suối nước nóng nhưng lại chịu nạn đất sụt đá lở thường xuyên.Trận động đất năm 1923 ở vùng Tôkyô tuy không có độ chấn động cao nhất (chỉ có 7,9) lại gây thiệt hại nhiều hơn cả (140 nghìn người chết) vì nhà đổ và hỏa tai.Trận động đất ngày 11 tháng 3 năm 2011 có chấn độ 9 chưa từng thấy, sóng thần cao trên 12 m làm chết và mất tích trên 20.000 người và tạo ra sự cố rò rỉ lò hạt nhân phát điện là nguy hiểm nhất.

Từ tháng 6 đến tháng 10, khí áp xuống thấp, đó là mùa bão tố. Những cơn bão thổi từ vùng biển Đài Loan lên phía bắc, gần đây có khuynh hướng “đổ bộ” lên quần đảo thay vì ra ngoài khơi như trước. Do nhiều mưa bão, thường xảy ra lụt lội vào hè và thu. Phía biển Nhật Bản lắm khi có tuyết lớn, gây nhiều tai hại về người và của, gây khó khăn cho việc đi lại.

Trong những năm gần đây, do công nghiệp hóa, còn thêm vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái.

2- Các đảo, vùng miền và đặc trưng địa lý.

Hokkaidô

Diện tích 77.981,87km2. Đảo lớn thứ 2 trong 4 đảo chính nhưng chỉ bằng 1/3 Honshuu. Các tỉnh lớn: Sapporo, Asahigawa, Hakodate, Kushiro, Tomakomai, Otaru, Ebetsu...

Honshuu

Hòn đảo lớn nhất với diện tích 227.942,83 km2. Hòn đảo lớn thứ 7 trên thế giới. Chia thành các vùng Tôhoku (Đông bắc), Kantô (Quan đông), Chuubu (Trung bộ), Kinki (Cận kỳ) Chuugoku (Trung Quốc). Các thành phố lớn: Sendai, Tôkyo, Nagoya, Kyôto, Ôsaka, Kobe, Hiroshima...

Shikoku

Về diện tích, nhỏ nhất trong 4 đảo chính với 18.297,74km2, chỉ bằng 1/2 Kyuushuu.Vì xưa kia bao gồm bốn địa phương (tiểu quốc) nên gọi là Shikoku (Tứ quốc). Các thành phố lớn: Matsuyama, Takamatsu, Kôchi, Tokushima...

Kyuushuu

Đứng hàng thứ 3 về diện tích trong 4 đảo chính: 36.731,56km2, cỡ 1/2 Hokkaidô. Các thành phố lớn: Fukuoka, Kita-kyuushuu, Kumamoto, Kagoshima, Miyazaki, Beppu, Nagasaki...

 Các đảo phụ thuộc

1 Gồm chòm đảo Tây Nam thuộc hai tỉnh Okinawa và Kagoshima, các chòm đảo Okuma, Tokara rettô, Amamishima, Sakishima...Vùng đảo Senkaku hãy còn đang tranh chấp với Trung Quốc (Điếu ngư đài). Đảo Takeshima trong quần đảo Oki ở phía tây đang tranh chấp với Hàn Quốc (Dokudo, Độc đảo).

2 Chòm đảo Đông Nam tức 2 nhóm Izu và Ogasawara.

3 Chòm đảo 4 đảo phương bắc (Habomai, Shikotan, Kunashiri, Etorofu) gọi là Hoppô ryôdo (Bắc phương lãnh thổ), đang tranh chấp với Nga.

Thành phố lớn: Okinawa, Naha ở trên chòm đảo Tây Nam.

 3- Biến đổi của địa danh qua các đời.

Ngoại trừ Hokkaidô (Bắc Hải Đạo) là đất mới được đặt tên từ năm 1.869 (Meiji 2), tất cả các vùng khác trên nước Nhật đều có địa danh cổ, thay đổi qua các đời. Kiến thức này rất cần thiết để đọc sử. Nhân đây cũng nói thêm rằng Hokkaidô là đất cũ của nguời Ezo (Hà Di). Dân Nhật mới lên đây khai khẩn từ đời Muromachi (1392-1573) mà thôi. Đến đời Edo, Shôgun Tokugawa đặt nó nằm dưới quyền quản hạt của lãnh chúa phiên Matsumae (Tùng Tiền), lãnh địa duy nhất ở phía nam đảo ấy.

Trong bản trình bày dưới đây, khi nói Thời Edo, xin hiểu là cột đó ghi tên các tiểu quốc cho đến thời Edo. Thời Meiji có nghĩa là lúc thực hiện việc cải tổ hành chánh, bãi bỏ phiên trấn của chế độ phong kiến để lập huyện tỉnh (haihanchiken =phế phiên trí huyện, 1871) tập trung vào vương quyền.

Đông Sơn Đạo (Tôsandô) - gồm Tôhoku và khu vực trung ương vùng Kantô.
Trước đó Thời Edo Thời Meiji Hiện tại
Mutsu Mutsu Aomori Aomori
Mutsu Rikuchuu Morioka (Akita) Iwate (Akita)
Mutsu Rikuzen Mizusawa
Sendai
Miyagi
Mutsu Iwaki Iwasaki Fukushima
Mutsu Iwashiro Fukushima
Wakamatsu
Fukushima
Dewa Ugo Akita Akita
Dewa Uzen Sakata
Okitama
Yamagata
Shimotsuke Shimotsuke Utsunomiya
Tochigi
Tochigi
Kôzuke Kôzuke Tochigi
Gunma
Gunma
Shinano Shinano Nagano
Chikuma
Nagano
Hida Hida Chikuma Gifu
Mino Mino Gifu Gifu
Ômi Ômi Nagahama
Ôtsu
Shiga

Bắc Lục Đạo (Hokurikudô) - Honshuu phiá nhìn ra biển Nhật Bản


 
  Thời Edo Thời Meiji Hiện tại
  Echigo Wakamatsu
(Niigata)
Kashiwasaki
Niigata
  Sado Aikawa Niigata
  Etchyuu Niikawa Toyama
  Noto Nanao Ishikawa
  Kaga Kanazawa Ishikawa
  Echizen Asuwa Fukui
  Wakasa Tsuruga Fukui

Đông Hải Đạo (Tôkaidô) - Honshuu phía nhìn ra Thái Bình Dương


 
  Thời Edo Thời Meiji Hiện tại
  Awa
Kazusa
Kisarazu Chiba
    Inba Chiba
Ibaraki
  Hitachi Niihari
Ibaraki
Ibaraki
  Musashi Saitama
Irima
Tôkyô
Saitama
Tôkyô
  Sagami Kanagawa Kanagawa
  Izu Ashigara Shizuoka
  Suruga Shizuoka Shizuoka (Tôkyô)
  Tôtômi Hamamatsu Shizuoka (Tôkyô)
  Kai Yamanashi Yamanashi
  Mikawa Nukata Aichi
  Owari Nagoya Aichi
  Iga Anotsu Mie
  Ise Anotsu
Watarai
Mie
  Shima Watarai Mie

Kinki (Cận Kỳ) - San.indô (Sơn Âm Đạo) - San.yôdô (Sơn Dương Đạo)
Khu vực chung quanh Kyôto và Miền tây Nhập Bản


 
Khu vực Thời Edo Thời Meiji Hiện tại
Kinki (chung quanh Kyôto) Yamato Nara Nara
  Yamashiro Kyôto Kyôto
  Kawachi
Izumi
Sakai Ôsaka
  Setsu Ôsaka Ôsaka
  Setsu Hyôgo Hyôgo
San.indô (miền tây phía biển Nhật Bản) Tajima
Tanba
Tango
Toyooka
(Kyôto)
Hyôgo
Kyôto
  Inaba
Hôki
Tottori Tottori
  Oki
Izumo
Shimane Shimane
  Iwami Hamada Shimane
San.yôdô (miền Tây phiá biển nội địa Seto) Harima Shikama (Hyôgo)
  Mimasaka
Bizen
Bichuu
Hôjô
Okayama
Fukazu
Okayama
  Bingo Fukazu Hiroshima
  Bingo
Aki
Hiroshima Hiroshima
  Suô
Nagato
Yamaguchi Yamaguchi

Tây Hải Đạo (Saikaidô) và Nam Hải Đạo (Nankaidô)
Đảo Kyuushuu và đảo Shikoku

Khu vực Thời Edo Thời Meiji Hiện tại
Saikaidô 
(Kyuushuu)
Chikuzen
Chikugo
Buzen
Fukuoka
Mizuma
Kokura
Fukuoka
  Bugo Ôta Ôta
  Hizen Imari Saga
  Iki
Tsushima
Nagasaki
(Imari)
Nagasaki
  Higo Yatsushiro
Kumamoto
Kumamoto
  Hyuuga Mimitsu Miyazaki
  Ôzumi
Satsuma
Miyakonojô
Kagoshima
Kagoshima
Nankaidô
(Shikoku)
Kii Wakayama
Watarai
Wakayama
(Mie)
  Awaji
Awa
Myotô (Hyôgo)
Tokushima
  Tosa Kôchi Kôchi
  Iyo Uwajima
Matsuyama
Ehime
  Sanuki Kagawa Kagawa

Những thời kỳ lịch sử đối tượng của Phần I quyển sách này:


 
Niên đại (dấu - có nghĩa là trước công nguyên) Thời kỳ
-30.000 đến -10.000 Cựu thạch khí
-10.000 đến -8.000 Jômon nguyên thủy 
-8.000 đến -6.000 Cổ Jômon
-6.000 đến - 3.000 Tiền Jômon
-3.000 đến -2.000 Trung Jômon
-2.000 đến-1.000  Cận Jômon
-1.000 đến -500 (-300) Cuối Jômon
-500 (-300) đến 300 / -310-710 Yayoi / Kofun
593 đến 670 Asuka
670 đến 710 Hakuhô
710 đến 974 Nara
794 đến 1.185 / 894-1.185 Heian / Fujiwara
1.185 đến 1.333 Kamakura
1.333 đến 1.392 / 1.333-1.568 Nanbokuchô / Muromachi

Nhật Bản có hình thể như ngày nay mới từ năm 1945 nếu không nói là từ 1972 khi Hoa Kỳ giao trả quần đảo Okinawa cho họ. Vào thế kỷ thứ 6 và thứ 7, sân khấu lịch sử cổ đại Nhật Bản chỉ diễn ra trên “bát trọng châu” (yaesu) tức 8 vùng đất quan trọng (tám còn có nghĩa là nhiều) của Nhật Bản mà không hề dính dáng đến Tôkyô ngày nay, vùng Đông Bắc (Tôhoku) lẫn Hokkaidô. Đó chỉ là miền tây Honshuu, Kyuushuu, Shikkoku và các hòn đảo nhỏ như Iki và Tsushima. Kinh đô lúc đó hoàn toàn chi phối bộ phận ngoại vi của nó. Trong khi đó, có một thời như giữa Thế chiến thứ hai, Nhật Bản được quan niệm rộng rãi hơn. Đó là quan niệm Dainihon (Đại Nhật Bản) thời quân phiệt, bao trùm cả miền nam đảo Sakhaline, bán đảo Triều Tiên lẫn đảo Đài Loan.

Người Nhật vẫn cho mình là một dân tộc thuần nhất nhưng điều đó tương đối nhiều hơn họ tưởng. Nếu như đến năm 1945, lối nghĩ đó được xem là một chân lý thì ngày nay người ta đã bớt xác tín về nó. Thời cổ đại, ngoài người vùng Yamato, đã có các nhóm thiểu số Emishi (sau là Ezo) ở miền bắc, Kumaso, Hayato ở miền Nam, đó là chưa kể những đợt di dân lớn đến từ đại lục. Ngày nay, Nhật Bản hãy còn có 680.000 người gốc Triều Tiên không nhập tịch và khoảng 500.000 người Okinawa mà sự kết hợp với dân bản đảo chưa hẳn đã thông suốt hoàn toàn.


[           ] / [  trang sau  ]