Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]                  [ Tác giả ]

Giai thoại Kugelmass 

Woody Allen 
Phạm Vũ Thịnh dịch
Lời người dịch:

Woody Allen tên thật là Allen Stewart Konigsberg, sinh năm 1935, là một kịch tác gia, kịch sĩ tấu hài, nhà văn, nhạc sĩ Jazz chuyên thổi clarinet, được biết tiếng sâu rộng nhất là trong lãnh vực phim ảnh: đạo diễn, tài tử chính, viết kịch bản phim. Từ năm 19 tuổi đã viết kịch bản cho các chương trình ti-vi The Ed Sullivan Show, The Tonight Show. Sau này viết và dựng kịch trên sân khấu Broadway: "Don't Drink the Water", "Play It Again, Sam",..., chủ quản và chủ diễn chương trình ti-vi The Woody Allen Special. Thành công lớn trong sự nghiệp đạo diễn, diễn xuất, kịch bản: phim "Annie Hall" đoạt bốn giải Oscar năm 1977, kể cả giải Phim hay nhất, phim "The Purple Rose of Cairo" và phim "Vicky Cristina Barcelona" đoạt giải Golden Globe năm 1986 và 2009,... Cho đến nay đã đoạt 4 giải Oscar sau 21 lần được đề cử Oscar: 14 lần với tư cách nhà viết kịch bản, 6 lần đạo diễn, và một lần diễn viên chính.

Tác phẩm văn học thì có các tập truyện & tiểu phẩm & kịch bản "Getting Even", "Without Feathers", "Side Effects", "Mere Anarchy".

Truyện ngắn "The Kugelmass Episode" (Giai thoại Kugelmass) đăng lần đầu trên tập san văn học The New Yorker năm 1977 đã được giải thưởng O. Henry Award năm 1978, là truyện thứ 6 trong tập "Side Effects" (1980) của Woody Allen; bản dịch này từ nguyên tác trong tập hợp-tuyển "Complete Prose - Woody Allen" từ Nhà xuất bản Picador năm 1997.

 Kugelmass là một giáo sư khoa học nhân văn ở trường Cao đẳng của Thành phố (New York), kết hôn không hạnh phúc với người vợ thứ hai. Bà Daphne Kugelmass là người đần độn. Ông còn có hai đứa con trai ngốc nghếch với Flora, người vợ thứ nhất, và ngập ngụa đến tận cổ về tiền cấp dưỡng con và vợ cũ.

-"Làm sao tôi biết trước được là sẽ tàn tệ đến mức này chứ?". Một hôm, Kugelmass than thở như thế với bác sĩ phân tâm của ông ta. -"Daphne đã có nhiều hứa hẹn lắm kia mà! Ai mà ngờ bà ấy lại buông thả đến phình to như quả bóng chơi ở bãi biển thế này. Lại nữa, bà ấy có một ít tiền, tuy tự thân điều ấy chẳng phải là một lý do lành mạnh để tôi kết hôn, nhưng cũng đâu có hại gì cho người làm ăn như tôi. Ông hiểu tôi nói gì chứ?". Kugelmass sói đầu và lông lá đầy mình như con gấu, nhưng ông là người có tâm hồn. -"Tôi cần bầu bạn với một người đàn bà mới. Tôi cần phiêu lưu tình cảm. Có thể tôi không ra dáng như thế, nhưng tôi là người đàn ông cần tình yêu lãng mạn. Tôi cần sự mềm dịu, cần chuyện tán tỉnh. Tôi không trẻ lại được, nên trước khi quá muộn, tôi muốn làm tình ở Venice, tán tỉnh ở Club 21, liếc mắt đưa tình qua ánh đèn sáp và rượu vang đỏ. Ông hiểu tôi nói gì chứ?".

Bác sĩ Mandel nhích người trên ghế, nói: -"Ngoại tình không giải quyết được gì cả đâu. Ông không thực tế tí nào cả! Những vấn đề của ông sẽ lại càng nan giải thêm mà thôi".

Kugelmass cứ nói tiếp: -"Và chuyện ngoại tình này phải giữ kín mới được. Tôi không thể chi trả cho lần ly dị thứ hai đâu. Daphne sẽ triệt hạ tôi đến tàn đời luôn".

-"Ông Kugelmass..."

-"Nhưng không được dính với bất cứ cô nào ở trường Cao đẳng của Thành phố, bởi Daphne cũng làm việc ở đấy. Chẳng phải là có ai đấy ngon lành ở trường Cao đẳng, tuy vài cô sinh viên thì..."

-"Ông Kugelmass..."

-"Giúp tôi đi. Đêm qua tôi nằm mộng. Thấy mình nhảy cỡn trên đồng cỏ, tay cầm một giỏ xách đi chơi dã ngoại, trên giỏ có đề chữ "lựa chọn tùy thích". Nhưng tôi lại thấy có lỗ thủng nơi giỏ đó!"

-"Ông Kugelmass! Cứ đóng tuồng như thế là điều tệ hại nhất ông có thể làm. Ở đây, ông nên thẳng thắn bày tỏ tâm tư, để chúng ta cùng phân tích. Ông đã trải qua thời gian điều trị lâu dài này, đủ để hiểu rằng không thể chỉ cần một đêm là có thể chữa trị xong xuôi được. Thế nào đi nữa thì tôi cũng là bác sĩ phân tâm chứ chẳng phải là nhà ảo thuật."

Kugelmass đứng dậy khỏi ghế, nói: -"Nếu thế thì tôi cần một nhà ảo thuật".

Thế là chấm dứt chuyện điều trị từ đấy.

*

Vài tuần sau, trong lúc Kugelmass và Daphne đang rầu rĩ chán ngán trong căn hộ ban đêm, cứ như là hai món đồ gỗ đã cũ, thì chuông điện thoại reo. Kugelmass nói: -"Để anh bắt cho. A-lô?"

-"Ông Kugelmass đấy ạ?". Đầu dây bên kia vang giọng nói: -"Ông Kugelmass, tôi là Persky đây"

-"Ai?"

-"Persky! Hay tôi nên xưng là Persky Vĩ đại thì hơn?"

-"Xin lỗi..."

-"Tôi nghe nói là ông đang tìm kiếm khắp phố cho ra một nhà ảo thuật nào có thể mang đến cho đời sống ông một tí hương xa xứ lạ, phải thế không?"

-"Suỵt!". Kugelmass thì thầm: -"Đừng gác máy! Ông gọi từ đâu thế, Persky?".

Khoảng sau trưa hôm sau, Kugelmass leo ba cầu thang một chung cư rệu rã trong khu Bushwick vùng Brooklyn. Nhòm kỹ qua hành lang mờ tối, ông thấy ra cửa phòng muốn tìm mà nhấn chuông. Vừa nghĩ: mình sẽ hối tiếc về chuyện này. Vài giây sau, ông được một người thấp gầy, da như sáp, chào đón.

-"Anh là Persky Vĩ đại đây à?". Kugelmass hỏi.

-"Persky Vĩ đại duy nhất đây. Ông muốn uống trà chứ?"

-"Không. Tôi muốn tình tứ lãng mạn. Tôi muốn âm nhạc. Tôi muốn tình yêu và vẻ đẹp..."

-"Chứ không muốn uống trà, hử? Tuyệt lắm! Thế thì mời ông ngồi"

Persky đi vào phòng trong. Kugelmass nghe có tiếng thùng gỗ và bàn ghế xê dịch. Rồi Persky trở lại, đẩy tới một khối gì đấy gắn bánh xe kêu kèn kẹt. Anh ta lấy xuống mấy mảnh khăn lụa cũ bên trên, và thổi bớt bụi đi. Trông như một cái tủ Trung Hoa rẻ tiền gắn sơn mài vụng về.

-"Này Persky". Kugelmass nói: -"Anh làm trò gì thế?".

-"Nhìn cho kỹ đi". Persky nói. -"Bảo vật kỳ ảo đây. Tôi đã thiết kế cho hội kín Knights of Pythias (Hội Kỵ sĩ Pythias, Mỹ) năm ngoái, nhưng rồi họ đình hoãn. Nào, ông vào trong tủ này đi".

-"Để làm gì? Anh sẽ đâm một lô lưỡi gươm vào đấy sao chứ?"

-"Ông có thấy lưỡi gươm nào đây không?"

Kugelmass nhăn nhó hầm hừ nhưng cũng chịu nhấc chân lên bước vào trong tủ. Ông không khỏi để ý có mấy hạt giả đá quý dán vào ván ép không sơn trước mặt mình.

-"Nếu là chuyện đùa bỡn thì..."

-"Đùa bỡn ly kỳ lắm chứ. Chuyện là thế này. Nếu tôi quẳng vào tủ này cho ông một cuốn tiểu thuyết rồi đóng cửa tủ lại, gõ vào tủ ba cái, ông sẽ thấy mình được phóng vào trong chính tiểu thuyết ấy".

Kugelmass nhăn mặt, không tin. Persky nói tiếp:

-"Sự thật đấy. Là bàn tay tôi với tới Trời. Mà chẳng cứ phải tiểu thuyết mới được đâu nhé. Một truyện ngắn, một vở kịch, một bài thơ cũng đều được cả. Ông có thể gặp được bất cứ nhân vật phụ nữ nào mà các tác gia tài hoa nhất thế giới sáng tạo ra. Bất cứ nhân vật nào ông đã mơ tưởng đến. Ông có thể hành xử tùy ý ông, thuận lợi thoải mái. Rồi chừng nào ông cảm thấy đủ thì cứ kêu lên, tôi sẽ đưa ông trở lại đây ngay trong vòng một giây thôi."

-"Persky, anh có phải bị bệnh tâm thần không đấy?"

Persky đáp: -"Tôi nói với ông thẳng thắn rõ ràng đấy chứ..."

Kugelmass vẫn còn hoài nghi: -"Anh muốn nói là... cái tủ thô kệch này có thể đưa tôi vào cuộc chơi như anh diễn tả đấy phỏng?"

-"Với giá hai chục đấy!"

Kugelmass lấy ví ra. -"Thử xem có đáng tin không."

Persky nhét mấy tờ giấy bạc vào túi quần rồi quay sang phía tủ sách của anh ta.

-"Thế ông muốn ai nào? Sister Carrie chăng? Hester Prynne? Orphelia? Hay là nhân vật nào đấy của Saul Bellow? À, Temple Drake thì sao nào? Tuy ở tuổi ông thì khá tốn sức với cô ấy đấy".

-"Người Pháp cơ! Tôi muốn phiêu lưu tình ái với một tình nhân người Pháp!"

-"Nana nhé?"

-"Tôi không muốn phải trả tiền mới được!"

-"Thế Natasha trong Chiến tranh và Hoà bình thì sao nào?"

-"Tôi đã bảo phải là người Pháp kia mà! Đây này! Emma Bovary được không? Đối với tôi thì hoàn hảo!"

-"Ông sẽ được toại nguyện. Kugelmass à, chừng nào thấy đủ thì kêu tôi một tiếng".

Persky quẳng vào trong tủ ấy một cuốn bìa mỏng tiểu thuyết của Flaubert [1].

-"Anh có chắc là an toàn không đấy?". Kugelmass hỏi khi Persky bắt đầu đóng các cánh cửa tủ lại.

-"An toàn à? Có thứ gì thật sự an toàn trong thế giới điên cuồng này?"

Persky gõ ba lần vào tủ rồi mở toang các cánh cửa tủ ra. Kugelmass đã biến đâu mất.

*

Cùng lúc ấy, Kugelmass xuất hiện trong phòng ngủ của Charles và Emma Bovary trong căn nhà ở Yonville. Trước mắt ông là một người đàn bà đẹp đứng quay lưng về phía ông, đang gấp xếp những tấm khăn trải giường. Kugelmass sững sờ ngắm đăm đắm vào người vợ đẹp tuyệt trần của ông bác sĩ, chẳng tin nổi mắt mình. Kỳ diệu quá! Mình đây, và nàng kia!

Emma quay lại, ngạc nhiên: -"Ồ, ông làm tôi hoảng kinh! Ông là ai?". Nàng nói bằng tiếng Anh trôi chảy giống hệt như bản dịch in thành sách bìa mỏng.

Kugelmass nghĩ: đúng là mình đã choáng váng chứ chẳng gì khác hơn được. Rồi nhận ra người được nàng hỏi chính là mình, ông đáp: -"Xin tha lỗi. Tôi là Sidney Kugelmass, giáo sư khoa học nhân văn ở trường Cao đẳng của Thành phố, City College, New York... Phố trên... Tôi... Ôi chao!"

Emma mỉm cười tình tứ, nói: -"Ông dùng tí rượu nhé! Hay là một cốc rượu vang?"

Nàng đẹp quá! Kugelmass nghĩ. Thật khác hẳn với người tiền sử nằm chung giường với mình! Ông chợt có xung động muốn ôm ngay thân hình diễm tuyệt ấy mà thổ lộ rằng nàng là mẫu người mà ông mơ tưởng suốt đời.

-"Vâng, rượu vang...". Ông nói, giọng khàn đặc. -"Trắng... Không, đỏ... À, không, trắng. Xin cho vang trắng".

-"Charles đi vắng suốt ngày hôm nay". Emma nói, giọng nàng đầy hàm ý trêu ghẹo.

Sau khi cùng uống rượu vang, hai người tản bộ trong vùng thôn dã yêu kiều của nước Pháp.

-"Em hằng mơ ước có người lạ bí mật nào đấy xuất hiện cứu em ra khỏi sự đơn điệu của đời sống thôn quê đần độn này". Emma nói, nắm chặt tay Kugelmass. Họ đi qua một ngôi nhà thờ nhỏ. -"Em yêu thích những gì ông đang mặc". Nàng thầm thì. -"Em chưa bao giờ thấy thứ gì như thế ở đây cả. Sao mà... tân tiến thế!"

Kugelmass nói, giọng tình tứ: -"Đây là bộ đồ mặc đi chơi. Đã được hạ giá đấy!".

Đột ngột ông ôm hôn nàng.

Suốt một giờ sau, hai người nằm dưới bóng cây, thầm thì với nhau, nói bằng mắt với nhau những lời có ý nghĩa sâu sắc. Rồi Kugelmass đứng lên. Ông nhớ ra là đã hẹn gặp bà vợ Daphne ở hiệu Bloomingdale. Ông bảo Emma: -"Anh phải đi. Nhưng đừng lo, anh sẽ trở lại".

-"Em mong thế". Emma nói.

Ông ôm hôn nàng đắm đuối, rồi hai người bước trở lại nhà. Ông ôm khuôn mặt nàng gọn trong lòng tay, hôn nàng lần nữa, rồi kêu lên: "Ô kê, Persky! Tôi phải đến Bloomingdale trước ba giờ rưỡi!".

Nghe một tiếng "bốp", Kugelmass xuất hiện trở lại ở Brooklyn.

-"Thế nào? Có phải tôi bịa chuyện đấy không?". Persky hỏi, giọng đắc thắng.

-"Này Persky. Ngay bây giờ thì đã muộn, tôi phải trở lại với cùm xích ở Lexington, nhưng khi nào thì tôi có thể đến lần nữa? Ngày mai được không?"

-"Hoan nghênh ông. Cứ mang tờ hai chục đến là được. Mà nhớ là đừng có hé môi cho ai biết cả đấy"

-"À, tôi đang định gọi cho Rupert Murdoch [2]đây chứ!"

Kugelmass lấy taxi phóng lên phố. Tim ông ta nhảy múa liên hồi. Ông nghĩ mình yêu rồi! Mình là chủ của một bí mật tuyệt vời. Ông ta đâu ngờ rằng ngay lúc ấy, mấy đám sinh viên trong nhiều phòng học khắp nước đang nêu thắc mắc với giáo sư của họ: -"Nhân vật này trong trang 100 là ai thế? Một trự Do Thái sói đầu lại ôm hôn Madame Bovary à?". Một giáo sư ở Sioux Falls tiểu bang South Dakota thở dài mà nghĩ: Chúa ơi! Bọn trẻ ngày nay với cần sa và ma túy của chúng! Đã có chuyện gì trong đầu óc của chúng thế không biết!

Bà Daphne đang ở trong gian hàng vật dụng phòng tắm khi ông Kugelmass đến, thở không ra hơi. Bà gặn hỏi: -"Vậy chứ anh đã đi đâu thế? Bốn giờ rưỡi rồi đấy".

Kugelmass đáp: -"Đường bị kẹt xe đấy mà!"

*

Kugelmass đến gặp Persky ngày hôm sau, và chỉ vài phút sau đã lại được phóng vào Yonville, cứ như là ảo thuật! Emma không giấu được nỗi hân hoan khi gặp ông. Hai người khắng khít bên nhau, cười vui kể cho nhau những dị biệt về hoàn cảnh sinh sống. Trước khi Kugelmass rời đi, họ làm tình. Kugelmass thầm nhủ: Trời đất ơi! tôi làm tình với Madame Bovary đây này! Tôi, người đã hỏng môn Anh văn năm thứ nhất!

*

Ngày tháng trôi qua, Kugelmass đã đến Persky nhiều lần, và xây đắp quan hệ thân mật nồng nàn với Emma Bovary. Một ngày nọ, Kugelmass bảo nhà ảo thuật: -"Nhớ luôn luôn phóng tôi vào trước trang 120 đấy nhé. Tôi bao giờ cũng phải gặp Emma trước khi nàng móc nối với Rodolphe đấy"

-"Vì sao chứ?" Persky hỏi. -"Vì ông không thể phá được kỷ lục của anh ta à?"

-"Phá được kỷ lục của hắn? Hắn thuộc dòng dõi quý tộc đấy! Bọn ấy có gì làm ngoài chuyện tán gái và cưỡi ngựa đâu. Đối với tôi thì hắn chỉ là một trong những bộ mặt anh thấy trong mấy trang báo Trang phục Phụ nữ ấy. Với mái tóc Helmut Berger đấy. Chứ đối với Emma thì hắn là gã trai ngon lành lắm!"

-"Ông chồng không nghi ngờ gì cả sao?"

-"Ông ta chả biết tí gì cả. Một gã trợ y thấp bé khù khờ bị ném vào giữa đám nhảy nhót giật gân. Ông ta đi ngủ trước mười giờ đêm, là lúc cô vợ bắt đầu mang giày đi nhảy. Ôi thôi, chả trách được. Mà thôi, gặp lại nhé".

Rồi lại một lần nữa, Kugelmass lách vào trong chiếc tủ và ngay tức khắc được phóng vào nhà Bovary ở Yonville.

-"Mạnh khoẻ chứ, em cưng?". Ông chào hỏi Emma.

-"Ồ, anh Kugelmass!" Emma thở dài. -"Anh nghĩ xem em đã phải chịu đựng đến mức nào! Đêm qua, trong bữa ăn tối, con người lịch thiệp ấy đã gục ngủ ngay giữa phiên tráng miệng đấy. Em đang kể chuyện nhà hàng Maxim và vũ ba-lê thì đột nhiên nghe tiếng ngáy!"

-"Không sao đâu, cưng. Có anh đây". Kugelmass ôm nàng nói. Mình xứng đáng được thế này, ông nghĩ khi dúi mũi vào tóc nàng mà ngửi mùi nước hoa Pháp. Mình đã đau khổ đủ rồi, mình đã trả công quá đủ cho các bác sĩ phân tâm, mình đã tìm kiếm đến mòn mỏi. Nàng trẻ đẹp và khiêu gợi, mà mình đang ở vào khoảng vài trang sau khi nàng gặp Leon và ngay trước Rodolphe. Xuất hiện vào chương sách đúng lúc thế này là mình chủ động được tình hình rồi.

Và Emma chắc chắn cũng hân hoan như Kugelmass. Từ lâu rồi, nàng đã khao khát cảnh sống lý thú hào hứng, những chuyện Kugelmass kể cho nàng nghe về những thú vui ban đêm, xe hơi cao tốc, Hollywood và siêu sao ti-vi khiến nàng mê mẩn. Đêm ấy khi hai người tản bộ qua trước nhà thờ Abbé Bournisien, nàng van nài Kugelmass:

-"Kể cho em nghe chuyện O.J. Simpson đi anh".

-"Anh còn nói được gì hơn? Anh ấy vĩ đại quá mà. Đạt được đủ thứ kỷ lục về tốc độ. Động tác thần kỳ. Chẳng ai chạm tay vào anh ấy được!".

-"Thế còn giải Oscar thì sao?". Emma hỏi, giọng mơ tưởng. -"Em mà được giải ấy thì bắt em làm gì cũng được cả!"

-"Trước nhất là phải được đề cử đã chứ em!"

-"Em biết chứ! Anh đã giải thích rồi mà! Nhưng em tin là em diễn xuất được. Tất nhiên, em muốn học một lớp diễn xuất. Với Strasberg chẳng hạn. Rồi em phải có một người đại diện giỏi..."

-"Để đấy anh lo cho. Anh sẽ bàn với Persky..."

Đêm ấy, khi đã trở lại an toàn trong căn phòng của Persky, Kugelmass đề cập đến chuyện đưa Emma đến với ông ở thành phố to lớn này (New York). Persky nói: -"Để tôi nghĩ xem. Có thể tôi thực hiện được. Những chuyện ly kỳ hơn nữa đã xảy ra rồi đấy". Tất nhiên, cả anh ta lẫn Kugelmass đều chẳng nghĩ ra được chuyện gì xảy ra ly kỳ hơn.

*

-"Anh đã đi những chỗ quái quỷ nào suốt thời gian này?". Daphne Kugelmass quát hỏi ông chồng vừa trở về đêm ấy. -"Anh giấu con đĩ nào đâu đó hả?".

-"Ừ, đúng thế đấy. Tôi là mẫu người như thế mà!". Kugelmass đáp, mệt mỏi. -"Tôi đã đi gặp Leonard Popkin, thảo luận về nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan. Bà biết Popkin đấy. Anh ta điên cuồng về chủ đề này mà".

Daphne nói: -"Nhưng mà dạo này anh lạ lắm kia. Có vẻ xa cách thế nào ấy. Đừng quên sinh nhật bố em đấy nhé. Thứ Bảy này..."

-"Ồ... tất nhiên, tất nhiên rồi". Kugelmass nói, vừa đi về phía phòng tắm.

-"Cả nhà em sẽ đến đấy. Chúng ta sẽ gặp cặp sinh đôi. Cả anh họ Hamish nữa. Anh phải lễ độ với anh Hamish mới được, anh ấy thích anh mà".

-"Phải rồi, cặp sinh đôi ấy". Kugelmass nói, đóng cửa phòng tắm, chận luôn tiếng nói của bà vợ. Ông tựa vào cánh cửa, thở thật dài, tự nhủ chỉ vài giờ nữa thôi, mình sẽ trở lại Yonville, trở lại với người yêu. Và lần này nếu mọi chuyện suôn sẻ, mình sẽ đưa được Emma về đây.

Ba giờ chiều hôm sau, Persky đã thực hiện được màn ảo thuật của anh ta. Kugelmass xuất hiện trước Emma, tươi cười hớn hở. Hai người trải qua vài giờ ở Yonville với Binet rồi lại lên xe ngựa của nhà Bovary. Theo đúng chỉ dẫn của Persky, hai người ôm chặt lấy nhau, nhắm mắt đếm đến mười.

Khi họ mở mắt ra, chiếc xe vừa dừng lại trước cửa hông của khách sạn Plaza, nơi mà ngày hôm ấy, Kugelmass đã lạc quan giữ trước một căn phòng đầy đủ tiện nghi.

-"Thích quá! Đúng như tất cả những gì em mơ tưởng!". Emma kêu lên, vừa xoay mình vui sướng khắp phòng ngủ và quan sát thành phố qua cửa sổ. -"Kia là toà nhà F.A.O. Schwars chứ gì. Và kia là công viên trung ương Central Park. Thế toà nhà Sherry đâu nhỉ? À, em thấy rồi. Kỳ diệu quá!"

Trên giường đã để sẵn mấy hộp từ các hiệu Halston và Saint Laurent. Emma mở một hộp, lấy ra chiếc quần nhung đen, so ướm vào thân hình tuyệt mỹ của nàng. Kugelmass nói:

-"Bộ quần áo ấy là hàng hiệu Ralph Lauren đấy nhé. Em mặc vào là trông ra dáng một triệu đô-la ngay. Nào, em cưng, hôn anh đi chứ".

-"Em chưa bao giờ hạnh phúc như lúc này!". Emma đứng trước gương, nói như hét. -"Đưa em ra phố đi anh. Em muốn xem nhạc kịch Chorus Line với viện bảo tàng Guggenheim và nhân vật Jack Nicholson mà anh đã nhắc nhở lắm lần ấy. Có phim nào của ông ấy đang chiếu không?"

Đúng vào thời điểm ấy, một giáo sư ở Đại học Stanford nói: "Tôi không sao hết thắc mắc về chuyện này. Bắt đầu là có thêm nhân vật tên là Kugelmass, rồi bây giờ thì Madame Bovary lại biến mất khỏi cuốn tiểu thuyết. Hừm, tôi đoán rằng dấu ấn của một tác phẩm cổ điển hẳn là cho dù có đọc hàng ngàn lần đi nữa, mỗi lần đọc vẫn thấy ra được điều gì đấy mới lạ".

Đôi tình nhân trải qua một cuối tuần thật hạnh phúc. Kugelmass đã nói với Daphne rằng ông sẽ đi Boston dự một cuộc hội thảo, và sẽ trở về vào thứ Hai. Tận hưởng mỗi giây phút bên nhau, ông và Emma đi xem chiếu bóng, ăn tối ở Chinatown, nhảy disco suốt hai giờ, rồi ngủ sau khi xem một phim ti-vi. Họ ngủ cho đến trưa chủ nhật, đến thăm khu SoHo, chiêm ngưỡng các siêu sao tài tử ở quán ăn Elaine. Họ gọi trứng cá caviar và rượu champagne mang lên phòng tối chủ nhật, và trò chuyện cho đến sáng. Trong xe taxi đưa họ trở lại chung cư của Persky sáng hôm ấy, Kugelmass nghĩ: Thật là những ngày bận rộn sôi động, nhưng hoàn toàn xứng đáng. Không thể đưa nàng đến đây hoài được, nhưng thỉnh thoảng thì cũng là dịp có những thay đổi dễ thương so với Yonville.

Đến chỗ Persky, Emma leo vào trong chiếc tủ ấy, sắp xếp các hộp xiêm áo đã mua gọn gàng quanh mình, rồi hôn Kugelmass thắm thiết. Nàng nháy mắt nói: -"Lần sau ở chỗ em nhé!"

Persky gõ ba lần vào tủ. Chẳng có gì xảy ra cả!

-"Hừm...". Persky gãi đầu. Anh ta gõ ba lần nữa, nhưng vẫn không thấy ảo thuật gì cả. Anh lẩm bẩm: -"Có trục trặc gì rồi!"

Kugelmass hét lên: -"Persky! Đừng đùa chứ! Sao lại thế này?"

-"Bình tĩnh, bình tĩnh! Cô vẫn còn trong ấy chứ, Emma?"

-"Vâng"

Persky gõ thêm ba lần nữa, mạnh tay hơn trước.

-"Tôi vẫn còn đây, Persky!"

-"Tôi biết. Gắng ngồi yên đi!"

Kugelmass thì thầm: -"Persky, phải làm sao trả cô ấy về mới được. Tôi có vợ rồi, và sắp có lớp dạy trong vòng ba giờ nữa đấy. Vào lúc này, tôi không sẵn sàng cho chuyện gì khác hơn là một cuộc tình thận trọng đâu đấy!"

Persky lầm bầm: -"Thật chẳng hiểu nổi. Màn ảo thuật nhỏ đáng tin cậy là thế mà!". Nhưng anh ta chẳng làm gì hơn được. Anh bảo Kugelmass: -"Cần một ít thời gian. Tôi phải mở cả ra xem lại. Tôi sẽ gọi cho ông sau vậy".

Kugelmass đẩy Emma vào một chiếc taxi, đưa nàng đến khách sạn Plaza. Sau đó ông chạy hộc tốc đến lớp vừa kịp giờ. Suốt ngày hôm ấy, ông bận túi bụi điện thoại cho Persky và cho vợ. Nhà ảo thuật bảo có thể phải mất vài ngày nữa mới tìm ra cách giải quyết.

Daphne hỏi chồng tối hôm ấy: -"Cuộc hội thảo ra sao rồi?".

-"Suôn sẻ cả". Ông đáp, châm lửa nhầm vào đầu lọc của điếu thuốc.

-"Sao thế? Anh căng thẳng như con mèo thế kia!"

-"Tôi à? Ha, đùa đấy chứ? Tôi bình tĩnh như đêm hè đây! Tôi đi tản bộ một tí nhé".

Ông lẻn ra cửa, gọi taxi chạy bay đến khách sạn Plaza.

-"Thế này thì bậy quá!". Emma nói. -"Charles sẽ thấy vắng em cho mà xem"

-"Chịu khó với anh đi cưng". Kugelmass nói, khuôn mặt nhợt nhạt toát mồ hôi. Ông hôn nàng lần nữa rồi chạy ra thang máy, xuống tiền sảnh khách sạn, nắm ống điện thoại cho thuê, quát lên với Persky, rồi khổ nhọc trở về nhà ngay trước nửa đêm.

-"Porkin bảo là giá lúa mạch ở Krakow chưa bao giờ an định đến mức này kể từ năm 1971 đấy". Ông nói với vợ, rồi mỉm cười gượng gạo leo lên giường ngủ.

Trọn một tuần lễ trôi qua như thế. Tối thứ Sáu, Kugelmass bảo Daphne là ông phải đi hội thảo, lần này ở Syracuse. Ông hối hả đến khách sạn Plaza, nhưng tuần lễ thứ nhì hoàn toàn không còn giống gì tuần lễ đầu nữa. Emma bảo Kugelmass:

-"Trả em về tiểu thuyết, còn không thì phải cưới em. Và em muốn có việc gì làm, hoặc đi học gì đấy, chứ cứ xem ti-vi cả ngày thì tồi tệ quá!"

-"Được rồi. Chúng ta có thể dùng tiền em kiếm được nữa. Chứ em tiêu thụ gấp đôi trọng lượng của em về các món em gọi mang lên phòng mà".

Emma nói: -"Hôm qua, em gặp một nhà sản xuất, anh ấy bảo là em có thể thích hợp cho một kế hoạch phim ảnh của anh ấy đấy".

Kugelmass hỏi: -"Thằng hề ấy là ai?"

-"Anh ấy có phải là hề đâu! Tế nhị, tử tế, và dễ thương nữa. Tên anh ấy là Jeff gì gì đấy, đã được đề cử lãnh giải Tony đấy chứ!"

Sau đó, vào buổi chiều, Kugelmass đến phòng Persky trong cơn say rượu. Persky bảo ông ta:

-"Thư giãn đi nào. Chứ không thì nhồi máu cơ tim mà chết đấy ông".

-"Thư giãn! Anh lại bảo tôi thư giãn! Tôi đang phải giấu diếm một cô nàng nhân vật hư cấu tiểu thuyết trong khách sạn đấy, và tôi nghĩ là vợ tôi đang thuê thám tử tư theo dõi tôi sát nút nữa"

-"Được rồi, được rồi. Tôi hiểu là chúng ta đang có vấn đề đây"

Persky chui xuống phía dưới chiếc tủ và bắt đầu đập cái mỏ-lết lớn vào vật gì đấy.

-"Tôi cứ như là con thú hoang ấy. Chui nhủi khắp phố. Emma và tôi đã ớn nhau đến tận cổ. Chưa kể giấy nợ khách sạn trông cứ như là ngân sách quốc phòng ấy"

Persky nói: -"Thế ông bảo tôi phải làm sao? Đây là thế giới ảo thuật kia mà. Tất cả tùy thuộc vào khả năng cảm thụ đấy chứ!"

-"Cảm thụ quái gì! Tôi đã phải đổ bao nhiêu là champagne Dom Pérignon và trứng đen caviar đắt tiền vào cô chuột nhỏ này, lại thêm xiêm áo đầy tủ, chi trả cả việc cô ấy tham gia Nhà Giải trí trong khu phố, rồi đột nhiên lại cần ảnh chụp nhà nghề nữa. Lại thêm chuyện giáo sư Fivish Kopkin dạy So sánh Văn học vốn ghen tỵ với tôi từ lâu, đã nhận ra tôi chính là nhân vật thoạt biến thoạt hiện trong tác phẩm ấy của Flaubert nữa chứ. Ông ta doạ là sẽ báo cho Daphne biết đấy. Tôi nhìn thấy đổ vỡ và cấp dưỡng ly hôn, thậm chí tù tội nữa. Vì thông gian với Madame Bovary mà tôi sắp bị vợ biến cho thành thằng ăn mày đấy!"

-"Chứ ông muốn tôi nói gì nào? Tôi đang gắng tìm giải pháp, cả ngày lẫn đêm đây. Chuyện lo âu cá nhân của ông thì tôi làm gì được chứ? Tôi là nhà ảo thuật chứ có phải là bác sĩ phân tâm đâu!"

Đến chiều chủ nhật thì Emma đã tự giam mình trong phòng tắm, khoá cửa, từ chối không đáp ứng lời khẩn cầu của Kugelmass. Kugelmass nhìn trừng trừng qua cửa sổ xuống sân trượt băng Wollman và nghĩ đến chuyện tự tử. Tiếc là tầng lầu này thấp, chứ không thì ta đã nhảy ngay xuống mà chết cho xong. Hay là mình trốn sang Âu châu làm lại cuộc đời! Hay là mình đi bán báo Diễn đàn Quốc tế như mấy cô gái trẻ thường làm?

Điện thoại reo. Kugelmass nhấc ống nghe lên tai một cách máy móc.

-"Mang cô ấy đến đây đi. Tôi nghĩ là đã sửa chữa được rồi đây".

Tim Kugelmass nhảy vọt lên. -"Anh nói thật đấy chứ?" Ông nói. -"Anh sửa chữa được thật à?"

-"Hỏng tí chút trong hệ thống truyền động ấy mà. Nghĩ xem có chán không chứ!"

-"Persky! Anh là thiên tài đấy! Chúng tôi sẽ đến ngay trong vòng một phút! Sớm hơn một phút nữa kia!"

Đôi tình nhân hối hả trở lại căn hộ của nhà ảo thuật và Emma lại leo vào trong chiếc tủ ấy với mấy hộp xiêm y. Lần này thì không có ai hôn ai. Persky đóng các cánh cửa tủ, thở một hơi thật sâu rồi gõ ba lần vào tủ. Vang lên tiếng "bốp" quen thuộc làm vững lòng, rồi khi Persky nhòm vào trong tủ thì tủ hoàn toàn trống không. Madame Bovary đã trở về với tiểu thuyết.

Kugelmass thở một hơi dài nhẹ người, nắm chặt tay nhà ảo thuật lắc liên hồi. Ông nói: -"Thế là xong! Tôi học được bài học nhớ đời. Sẽ không ngoại tình nữa đâu, tôi xin thề như thế"

Ông ta bắt tay Persky thật chặt lần nữa và tự dặn mình sẽ gửi tặng anh ta một cái cà-vạt.

*

Ba tuần sau, cuối một buổi chiều xuân êm đẹp, Persky nghe có tiếng chuông cửa, bước ra thì thấy Kugelmass với vẻ mặt e dè. Nhà ảo thuật hỏi:

-"Được lắm, ông Kugelmass. Lần này thì ông muốn đi đâu?"

Kugelmass đáp: -"Chỉ một lần này thôi. Trời đẹp quá chừng, mà tôi thì chẳng trẻ lại được. Này, anh đã đọc Portnoy's Complaint [3]chưa? Nhớ The Monkey chứ?"

-"Giá bây giờ là hai mươi lăm, bởi chi phí sinh hoạt đã tăng lên rồi. Nhưng lần đầu thì tôi cho không, đền bù vào chuyện phiền nhiễu tôi đã gây ra cho ông"

-"Anh là người tốt!". Kugelmass nói, vừa leo vào trong chiếc tủ vừa chải mấy sợi tóc còn sót lại trên đầu. -"Vẫn còn chạy tốt đấy chứ?"

-"Hy vọng thế. Chứ tôi chẳng chạy thử gì nhiều sau lần trục trặc ấy"

Kugelmass nói từ trong tủ: -"Tính dục và phiêu lưu tình ái! Chúng ta phải trải qua bao nhiêu gian khổ chỉ vì một khuôn mặt đẹp!"

Persky quẳng một cuốn Portnoy's Complaint vào tủ và gõ ba lần. Nhưng lần này, thay vì tiếng "bốp" nhỏ quen thuộc, lại là một tiếng nổ trầm nặng và tiếp theo sau là một loạt tiếng "răng rắc" kèm theo chùm tia lửa bắn tung toé. Persky nhảy lùi lại, đứng tim, gục xuống chết. Chiếc tủ bùng cháy, rồi cả căn nhà cháy rụi luôn.

Trong lúc đó, không hay biết gì cả, Kugelmass đang phải đối đầu với những khốn khổ của riêng ông. Ông ta bị phóng vào, không phải Portnoy's Complaint hay tiểu thuyết nào khác, mà vào trong một cuốn sách giáo khoa cũ mèm là Remedial Spanish (Chữa trị lỗi tiếng Tây-ban-nha). Ông ta đang chạy thục mạng hòng sống sót trên mặt đất khô cằn lổn nhổn đá; đuổi sát theo sau ông là mấy cẳng chân khẳng khiu xương xẩu của chữ "tener" ("to have"), một động từ tiếng Tây-ban-nha bất quy tắc, lớn và khó chịu.

 Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 04/11
Chú thích:
[1]"Madame Bovary" : tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Gustave Flaubert, Pháp, năm 1856.

[2]Rupert Murdoch : gốc Úc, chủ tập đoàn truyền thông Fox-News hay loan tin dung tục ở Mỹ.

[3]"Portnoy's Complaint" : tác phẩm mang danh vọng đến cho nhà văn Philip Roth, Mỹ, năm 1969.