Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

CUỘC BỂ DÂU CHƯA TỪNG 
(1)

Thu Tứ

Theo Tây như điên!
Tại sao phải băn khoăn
Tệ ngoài sức tưởng tượng
Hy vọng rất mong manh...
*
Theo Tây như điên ! 

Năm 1971, sốt ruột trước hiện tượng quanh ông người Việt Nam đua nhau chạy theo văn hóa Tây phương, Nguyễn Hiến Lê kêu gọi: "Chúng ta (...) mặc cảm tự ti (...) mù quáng bắt chước người, chỉ mong theo gót được người, không dám có một ý muốn riêng của mình, một quan điểm của mình, một đường lối của mình (...) Ðã đến lúc chúng ta phải tư tưởng lại".(1)

Năm 2014, việc bắt chước Tây đã trở nên tệ hại hơn bao giờ hết. Trong thời Pháp thuộc, nhờ căm thù giặc cướp nước ta đỡ mù. Bây giờ hoàn toàn độc lập, ta đang quáng mắt học lấy học để tất cả mọi thứ của Tây.

Cái bệnh bắt chước, gốc nó ở cái bản năng hướng về vật chất.(2)

"Thua vật chất, mất tinh thần (sợ), bỏ tinh thần (riêng của mình), rước tinh thần (của người)".(3) 

Còn thua, còn bỏ. Trong tình thế đất nước đang phải mở rộng cửa để cải thiện kinh tế hiện nay, không có cách nào giữ cho dân khỏi biết là dân đang "sướng" thua Tây!(4)

Người Việt "khát" văn hóa Tây. Còn Tây thì lợi dụng thế thượng phong kinh tế mà ép nhà nước ta phải để cho Tây tha hồ "rót" văn hóa Tây cho dân ta "uống"! Thông qua các phương tiện truyền thông cực kỳ tối tân, "rượu Tây" đang chảy ro ro tới khắp nơi trên quê hương ta, chảy thẳng vào tận lòng dạ của mọi tầng lớp nhân dân ta!

Chưa bao giờ văn hóa ngoại lai có cơ hội xâm nhập xã hội Việt Nam cách sâu xa như bây giờ. Chưa bao giờ sự độc lập văn hóa của dân tộc Việt Nam bị đe dọa mạnh mẽ như bây giờ.(5) 

(Thực ra nào chỉ văn hóa. Ngay mái tóc, trên đầu lắm phụ nữ Việt nó cũng đã từ màu đen trời sinh đổi sang màu nâu, đỏ, vàng! Con Rồng cháu Tiên đang tự làm nhục mình đến chốn!)

Tại sao phải băn khoăn 

Cuộc Âu hóa đang tiến hành khẩn trương và triệt để.

Thế chẳng tốt cho ta sao? Chẳng phải Tây đã chứng tỏ có một nền văn hóa ưu việt đáng cho cả nhân loại bắt chước đấy sao? Tây đã lên cung trăng, đã chế ra đủ thứ máy móc giúp con người hiện đại có khả năng của "thần tiên". Việc gì phải băn khoăn? 

Năm 1930 Trần Trọng Kim viết: "Xét ra cho kỹ, sự tiến hóa thái quá về đường vật chất vị tất đã hay cho sự sinh hoạt của loài người" (...) Văn hóa phương Tây (...) làm (...) sự cần dùng càng ngày càng thêm ra, sự cạnh tranh rất kịch liệt, sự sinh hoạt có lắm điều phiền phức, nhân sinh hình như lúc nào cũng chật vật vất vả, không mấy khi trong bụng được nhàn hạ thư thái" (...) Biết đâu là khi ta quá thiên về khoa học lại không có điều hại? (...) Ta nay thấy người cường thịnh, thì ai ai cũng háo hức theo người, biết đâu rằng cái cường thịnh ấy lại không có cái nguy cơ đã nằm sẵn đó rồi".(6)

Năm 1938 Ðào Duy Anh: "Ở Tây phương, từ trong gia tộc ra ngoài xã hội việc gì cũng lấy pháp trị làm chủ, là thói khắc bạc phi nhân tình (...) Cái văn hóa phú cường chỉ đem cho người ta đến những cuộc xung đột ghê gớm, ở trong thì giai cấp tranh đấu, ở ngoài thì quốc tế chiến tranh, văn hóa phú cường càng tiến bộ chừng nào thì nó lại cung cho những cuộc xung đột ấy những lợi khí tàn ác khốc liệt chừng ấy".(7)

Thập kỷ 1950 Cao Xuân Huy: "Con người phương Tây càng ngày càng bị giam hãm trong ý thức của mình".(8)

Năm 1971 Nguyễn Hiến Lê: "Phương Tây khác chúng ta nhất ở điểm họ có bản tính cực đoan, cuồng tín, không bao dung (...) Lịch sử phương Tây trong thời hiện đại vẫn là lịch sử của sự bất bao dung, sự kỳ thị (...) Không còn kì thị tôn giáo (...) thì người ta kỳ thị chủng tộc (...) kỳ thị cả ý thức hệ (...) Cái xã hội Âu, Mỹ sản xuất để tiêu thụ, tiêu thụ để sản xuất có đáng làm mẫu cho ta không?".(9)

Những học giả uyên bác này không hề chủ trương bài ngoại, thậm chí còn ra sức truyền bá cái hay của văn hóa Tây. Nhưng vừa truyền cái hay, các cụ vừa hết sức băn khoăn về cái dở. 

Tệ ngoài sức tưởng tượng 

Ðầu thế kỷ 21, những linh cảm không lành của tiền nhân đang chứng nghiệm.

Văn hóa tinh thần Tây phương hiện đại, xét theo quan hệ giữa người với người và theo thành quả văn hóa, rõ ràng đang thoái hóa, chứ không phải tiến hóa.(10)

Năm xưa Ðào Duy Anh nhắc văn hóa Tây dẫn đến xung đột giai cấp và xung đột quốc tế. Hơn thế, nó lại còn dẫn đến xung đột cá nhân sâu sắc đến nỗi làm tan rã một quan hệ vốn hết sức cơ bản. Do cái tôi cứ mỗi ngày mỗi to, bây giờ ngay chỉ hai cái - tức cái tôi chồng và cái tôi vợ - cũng không sao có thể chung sống hòa bình dưới một mái nhà!

Tôi to đùng, cùng lúc giá trị những văn hóa phẩm do tôi làm ra cứ ngày càng bé lại! Kết quả tự nhiên, khi đủ thứ quyền kết hợp với kinh tế thị trường, khi thị hiếu thấp của số đông trở nên yêu cầu của "Thượng Ðế"!

Nhưng nói làm chi chuyện quan hệ lủng củng với chuyện văn hóa cao tầm cỏ nữa.

Ðã thấy rồi, những dấu hiệu con người đang bắt đầu một quá trình biến chủng hết sức lớn lao!

Nhân loại phương Tây đang vừa chế phi thuyền bay đi tìm... Thượng Ðế, vừa nhanh chóng hóa gay hàng loạt.(11) Nếu bao giờ họ có gặp Thượng Ðế của họ và đến trước Người mà xưng tên A-đam và E-và, chắc chắn Người sẽ ngạc nhiên: "Con... con thật đấy ư?"!!!

Người mà đến thế thì đâu còn là người.

Đang mắc bệnh chí nguy, nhưng do còn rất giàu và rất mạnh, Tây vẫn tiếp tục cuồng tín vào "chính nghĩa" của mình và hung hăng tìm mọi cách giải thể cho được tất cả các cách tổ chức xã hội khác trên thế giới. Coi chừng có ngày nước Việt Nam bị Tây đem quân đánh vì không chịu để cho "bóng" chính thức kết hôn! Tưởng tượng bị xâm lăng bởi một quân đội vũ trang siêu đẳng gồm những tướng tá lại cái chỉ huy những chiến sĩ lại cái!
 
Coi chừng Tây sẽ khỏi phải đánh vì tự ta đã hóa cũng như thế rồi!

Tiền nhân dù sáng suốt đã không thể ngờ sự tình sẽ tệ đến bực này. 

Hy vọng rất mong manh...

Trở lại với cơn sốt cải thiện vật chất của dân tộc.

Muốn giàu bằng Tây cần nhiều thời gian. Ta còn bắt chước mù quáng dài dài.

Hễ san bằng xong chênh lệch vật chất thì tinh thần truyền thống sẽ phục hồi chứ lo gì.

Không đâu!

Bởi nỗ lực "lên đời" đang thay đổi hết sức sâu xa môi trường sống. Từ một nước Quê, Việt Nam đang vùn vụt biến thành một nước Tỉnh.(12) 

Không đừng được, toàn bộ văn hóa Việt Nam đang vùn vụt biến theo. Sau khi Mẹ Quê về với ông vải, "bốn nghìn năm văn hiến" chắc chắn chẳng bao lâu cũng về chầu... Hùng Vương. 

Mất truyền thống coi như định mệnh. Tuy vậy trên lý thuyết vẫn còn hy vọng. 

Biết đâu giàu bằng Tây xong, thôi phục lăn Tây, dân tộc Việt Nam sẽ dần xây nên một văn hóa mới vừa cạnh tranh được với thiên hạ về vật chất, lại vừa không khuyết điểm quá đỗi nặng nề về tinh thần như văn hóa Tây... 

Không đơn giản chút nào đâu. Nếu họ "bệnh" thật đông đảo, ta cần phải "cách ly" hoàn toàn mới đủ bảo đảm khỏi lây. Nhưng "cách" làm sao được, khi ta sẽ vẫn cần giao thương, thậm chí có thể phải chính thức liên minh quân sự với Tây để khỏi bị Tàu xâm lược! 

"Thuốc chữa" còn mơ hồ, xa xôi lắm, mà "bệnh Tây" thì nhiễm vào xương tủy tới nơi rồi!...
_______________

(1) Nguyễn Hiến Lê, Ðể tôi đọc lại, nxb. Văn Học, VN, 2001, tr. 118.

(2) Chúng tôi cho rằng bản năng này là một biểu hiện của Ðức (trong Ðạo đức kinh). Xem Một Cách Hiểu Đức trên trang gocnhin.net.

(3) Trong "Lời nói đầu", Tìm tòi và suy nghĩ (2005) (TT).

(4) Thực ra dân biết thua người về vật chất thì dân không chỉ bỏ văn hóa đâu; nếu có cơ hội, nhiều người sẽ bỏ tổ quốc, sang bên nước giàu hơn mà xin làm dân!

(5) Dưới thời Bắc thuộc, do thiếu phương tiện truyền thông, văn hóa Tàu chỉ phổ biến được đến một thiểu số nhỏ người Việt, chủ yếu là những người giúp Tàu cai trị đất Việt. Hầu hết nhân dân ta sống ở làng, ngoài vòng ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Tàu. Chính nhờ tình trạng "mất nước, còn làng" này mà sau hàng nghìn năm bị ngoại nhân đô hộ, văn hóa Việt cơ bản vẫn còn đó để làm cơ sở tinh thần cho nỗ lực giành lại độc lập. Dưới thời Pháp thuộc, do vẫn chưa xuất hiện những phương tiện truyền thông hữu hiệu đúng mức, việc phổ biến văn hóa Pháp đến tận gốc rễ của dân tộc ta cũng không thực hiện được.

(6) Trần Trọng Kim, Nho giáo, in lần đầu năm 1930, nxb. Văn Học, VN, tái bản năm 2003, tr. 36, 347, 682.

(7) Ðào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, in lần đầu năm 1938, nxb. TPHCM, VN, tái bản năm 1992, tr. 360, 372.

(8) Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương Ðông - Gợi những điểm nhìn tham chiếu, nxb. Văn Học, VN, 1995, tr. 148.

(9) NHL, sđd., tr. 111-115: "Do-thái giáo và Ki-tô giáo vốn là anh em với nhau, đều thờ Chúa Trời, đều tuân những luật của Moise, một vị thánh của Do-thái, đều tụng một Thánh kinh; hơn nữa, chúa Ki-tô cũng là Do-thái (...) vậy mà tín đồ hai tôn giáo đó trong non hai ngàn năm coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Khắp châu Âu, Do-thái bị giết chóc (...) pogrom, không thế kỷ nào không xảy ra dăm ba lần (...) nhốt vào trong các ghetto (...) tước đoạt hết của cải rồi trục xuất. Càng về gần thời hiện đại, các cuộc tàn sát càng dã man (...) trong thế chiến vừa rồi, châu Âu đã thành một lò sát sanh khổng lồ, kinh khủng: nội trong trại giam Auschwitz, ba triệu người Do-thái đã bị thiêu ra tro! Chính bi kịch Do-thái trong non hai ngàn năm đó đã là đầu mối cho bi kịch ở bán đảo Ả-rập ngày nay (...) Ngay trong Ki-tô giáo nữa, từ khi Luther (1483-1546) ở Ðức, rồi Calvin (1509-1564) ở Pháp, tách ra khỏi giáo hội La-mã, cải cách Ki-tô giáo, lập một tân giáo, thì những kẻ ngày đêm tụng niệm lời của Chúa: "Con không được giết người", "Con phải yêu người khác như anh em của con", nổi điên lên như một bầy thú dữ, cấu xé nhau, chém giết nhau, gây những cuộc chiến tranh tôn giáo trong hơn một thế kỷ ở gần khắp Tây Âu. Riêng ở Pháp, từ 1562 đến 1598, có tới tám lần chiến tranh tôn giáo, mỗi lần kéo dài vài năm, chết hằng chục vạn người. Kinh khủng nhất là cuộc tàn sát đêm lễ Thánh Barthélemy (24-8-1572): nửa đêm, khi chuông giáo đường Thánh Germain L"Auxerrois đổ, do lệnh của vua Charles thứ IX, hằng đoàn quân lính và tín đồ Công giáo võ trang túa ra ở khắp Paris để tận diệt bọn Tân giáo. Chỉ nội một đêm đó, không biết bao nhiêu tín đồ Tân giáo bị tàn sát (...) Sự bất bao dung, sự kì thị (...) làm (...) nổi lên phong trào chống sự bất khoan dung, chống sự kì thị (...) bọn "triết gia" của thế kỷ XVIII (...) kiện tướng là Voltaire (...) trong mấy chục năm, Voltaire không ngớt dùng ngọn bút sắc bén, giọng mỉa mai hóm hỉnh, cay độc để đả đảo tinh thần kỳ thị tôn giáo (...) Ông cùng với Rousseau, Diderot và một số "triết gia" khác (...) đã mở đường cho cuộc cách mạng 1789, hạ chế độ quân chủ và những đặc quyền của tôn giáo ở Pháp (...) Nhưng người phương Tây bao giờ cũng không bỏ được tinh thần cực đoan, bất bao dung của họ, cho nên chính những người đả đảo sự bất bao dung tôn giáo cũng mắc cái tật bất bao dung (...) Họ chỉ trích người, mà khi người chỉ trích lại, thì họ đòi bịt miệng" (...) Qua thế kỷ XIX (...) ở châu Âu không còn những vụ xung đột tôn giáo nữa, nhưng lịch sử phương Tây trong thời hiện đại vẫn là lịch sử của sự bất bao dung, sự kỳ thị (...) Không còn kì thị tôn giáo (...) thì người ta kỳ thị chủng tộc (...) kỳ thị cả ý thức hệ".

(10) Xem Xin Chớ Ai Làm Trời trên trang gocnhin.net.

(11)Gay là tiếng Anh, nghĩa là đồng tính.

(12) Xem Thôi Một Nước Quê (tđd).