Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

Thơ Hồ Xuân Hương 

Thu Tứ

Người thật nhưng việc không...
Đâu phải chỉ dân gian mới...
Hình dung một quá trình sáng tạo
Một loại ca dao "nho gian"...
*
Người thật nhưng việc không...

Thơ Hồ Xuân Hương dĩ nhiên độc đáo. Nhưng ai là tác giả?

Cho đến cuối thập kỷ 1950, đa số cho rằng chùm thơ ấy cơ bản là sáng tác của một nữ sĩ. Xuân Diệu từng viết Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ nôm.

Một trong những người bất đồng mạnh mẽ nhất với hướng nghĩ trên là Hoàng Xuân Hãn. Như đối với những đề tài khác, ông "khảo" chuyện này rất kỹ, rồi đưa ra kết luận: quả thực đã có một nữ sĩ tên Hồ Xuân Hương, nhưng bà không phải là tác giả chính của những bài thơ nổi tiếng kia. Nữ sĩ họ Hồ có thể đã góp vài bài, số còn lại là do "những người đàn ông đặt ra (...) rồi gán cho".(1)

Lời vừa dẫn của Hoàng Xuân Hãn phát biểu năm 1993, coi như lời chót của ông về một nghi vấn văn học. Năm 1999, Đào Thế Tôn in sách Hồ Xuân Hương - tiểu sử, văn bản, tiến trình huyền thoại dân gian hóa, nội dung chủ yếu chia xẻ ý kiến của Hoàng Xuân Hãn.(2)

Đâu phải chỉ dân gian mới...

Hoàng Xuân Hãn đã đến rất gần sự thực.

... Thế vẫn còn đường để đi nữa hay sao?

Thiết nghĩ còn một chút đấy.

Học giả Hoàng bảo một số bài Hồ Xuân Hương phổ biến là "thơ dân gian hóa".(3)

E rằng không thể!

Bởi lẽ thơ Hồ Xuân Hương toàn làm theo luật Đường, là thứ luật thơ sau bao nhiêu thế kỷ rút cuộc vẫn chưa đi được nửa bước vào chốn dân gian Việt Nam.(4) Hoài Thanh từng nhận xét: "trong văn học dân gian không thấy có một bài thơ nào làm theo luật Đường".(5)

... Nhưng cái ý thơ Hồ Xuân Hương là thơ dân gian hóa, nó từ đâu ra?

Chắc từ cái nội dung "tục".

Thực ra, tục là một đặc điểm văn hóa Việt Nam bền đến mức sau bao nhiêu thế hệ theo Nho giáo kỵ tục, giới trí thức ở ta vẫn cứ thấy thoải mái với nó chẳng kém người bình dân là mấy. Trước Hồ Xuân Hương lâu lắm, ông Nghè Nguyễn Bá Lân đã làm bài phú Ngã Ba Hạc rất đậm đà mùi dân tộc rồi.

Tưởng không thể vì thơ Hồ Xuân Hương tục mà tự động gán nó cho dân.

Hình dung một quá trình sáng tạo

Đọc những kết quả nghiên cứu của Hoàng Xuân Hãn v.v., đọc lại thơ nôm của các danh sĩ trong thế kỷ 19, thấy có thể hình dung chuyện xẩy ra đại khái như sau:

Trong nước Việt Nam, vào khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, có một người đàn bà biết chữ và có tài làm thơ. Người ấy rất đa tình, hay làm thơ tình, tính tình lại hết sức bạo dạn, khi còn trẻ có làm chơi mấy bài thơ phóng túng, dám đả động đến sinh hoạt tình dục...

Thứ văn chương cởi mở ấy, sau đó một số nho sĩ có sáng tác. Chẳng hạn Nguyễn Khuyến từng làm ít nhất bốn bài. Đọc những Gái Góa Than Lụt, Gái Rửa Bờ Sông, Cò Mổ Trai, Bỡn Cô Tiểu Ngủ Ngày ta nghĩ ngay đến thơ Hồ Xuân Hương. Nếu xưa ai đấy đã đem bỏ nhầm chúng vào với Bánh Trôi Nước, Đèo Ba Dội, Thiếu Nữ Ngủ Ngày, Sư Bị Ong Châm v.v., e nay chửa chắc có ai giành chúng lại được cho Tam Nguyên Yên Đổ!

Không ai bỏ nhầm được, là bởi Nguyễn Khuyến làm thơ rồi ký luôn tên mình chứ không như đa số nho sĩ khác vì ngại thành kiến của Nho giáo mà rủ nhau cứ hễ sáng tác loại thơ ấy xong là "ký giả" tên Hồ Xuân Hương!

Nữ sĩ họ Hồ vốn chỉ mấy bài, nhưng nhờ quần nho cùng xúm trút vào mà gánh thơ nàng dần hóa nặng!

Hoàng Xuân Hãn bảo tác giả thơ Hồ Xuân Hương cơ bản là "những người đàn ông".

Tưởng có thể nói rõ hơn: đó là một đám nho sĩ. Toàn nho sĩ thôi, vì người bình dân Việt Nam không làm thơ luật Đường.

Một loại ca dao "nho gian"...

Nho cùng nhau xây dựng sự nghiệp thơ Hồ Xuân Hương, xong nho lại cùng nhau thêu dệt một huyền thoại tiểu sử tác giả cho xứng với sự nghiệp!

Năm 1892 khi người Pháp Landes bỏ tiền ra thuê kẻ đi nhặt, chép thơ nôm, những người nào đó nhận làm việc ấy dĩ nhiên có nhớ đến thơ Hồ Xuân Hương vì cả tác phẩm lẫn huyền thoại tác giả bấy giờ trong rừng nho đã gây được nhiều chú ý lắm rồi. Người đi nhặt những thơ Bánh, thơ Mít, thơ Quạt v.v. được truyền tụng là của một nữ sĩ lừng danh ưa nghịch ngợm, chắc chắn họ đã nhặt từ mồm nho nọ nho kia chứ không phải từ miệng người bình dân đâu, vì người bình dân Việt Nam không nhớ thơ luật Đường, bất kể của ai.

Thơ Hồ Xuân Hương thực ra là tác phẩm khuyết danh. Và vì khuyết danh nên chắc chắn nó mang luôn cả tính tập thể: ai đó sáng kiến "nặn" ra Bánh Trôi Nước, rồi ai ai đó tự ý nặn lại theo ý mình v.v., y như cái lối ca dao sinh ra, lớn lên trong quần chúng!

Do hai đặc điểm ấy, có thể gọi đùa nó là một loại ca dao nho gian!

Ca dao dân gian gồm cả câu đố. Ca dao nho gian cũng hay đố.

Một đằng đố tục giảng thanh:

"Ba bà mà dạng chân ra,
Một ông đứng giữa mà tra c. vào".

Một đằng đố thanh giảng tục:

"Chành ra ba góc da còn méo,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa".

____________

(1) Xem bài phỏng vấn do Thụy Khuê thực hiện đầu tháng 5-1993, đăng trên tạp chí Hợp Lưu, Mỹ, số 13, tháng 10&11-1993, in lại trong sách Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 2002, tr. 225-244.

(2) Nxb. Hội Nhà Văn, VN, 1999.

(3) Hoàng Xuân Hãn, Thiên tình sử Hồ Xuân Hương, nxb. Văn Học, VN, 1995, tr. 280. Tên sách này đặt không chính xác, vì sách gồm ba công trình nghiên cứu không có liên hệ gì với nhau: về Nguyễn Biểu, về Thái hậu Ỷ Lan và về Hồ Xuân Hương. Nhà xuất bản chọn đặt tên như thế hẳn vì xem phần viết về Hồ Xuân Hương là quan trọng nhất. Phần này vốn được công bố lần đầu trong tập san Khoa Học Xã Hội bên Pháp năm 1983.

(4) Xem bài Thơ Ta, Thơ Tàu (1) của TT.

(5) Hoài Thanh, Chuyện thơ, nxb. Tác Phẩm Mới, VN, 1978, tr. 59.