Chim Việt Cành Nam           [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]            [   Tác giả  ]

QUANG DŨNG

Thu Tứ

Tây tiến
Đôi bờ
Mắt người Sơn Tây
Đường trăng
Nhớ
Trắc ẩn
Lính râu ria
Thu
Trưa hè
Đêm Bạch Hạc
Em mãi là hai mươi tuổi
Quang Dũng là một trong những nhà thơ lính nổi tiếng đầu tiên. Ông là lính thực sự, một đại đội trưởng trong trung đoàn Tây Tiến (khoảng 1947-1948).

Lính đang đánh giặc chắc thơ bừng bừng tính chiến đấu? Không phải lính này đâu. Ngay bài Tây Tiến rất được hâm mộ, tuy vẫn hào hùng nhưng rõ ràng không phải là một tiếng thét xung phong kiểu "Chiến sĩ Việt Nam" của Văn Cao. Quang Dũng căm thù giặc như ai, nhưng ông làm thơ chủ yếu để diễn những tình cảm nhớ thương trong thời giặc giã hơn là để diễn lòng căm thù...

Quang Dũng nhớ quê và thương "em". Em đây điển hiønh là những em gái tội nghiệp ông gặp dọc đường hành quân, chứ không phải người yêu. Hình ảnh người yêu trong thơ Quang Dũng khá mơ hồ. Cụ thể nhất có lẽ "em mãi là hai mươi tuổi". Nhưng em ấy khi vào đến thơ thì đã thành "dáng thời gian qua", đã mất hết đường nét nguyên thủy trong "mùa xanh xưa" rồi...

Quả thực thơ Quang Dũng hiền quá, thiếu giá trị động viên tinh thần chiến sĩ. Nhưng lính dù đang đánh giặc cũng đâu phải chỉ bắn và bắn, nên ngay trong khói lửa cũng cần có nghệ sĩ chú ý đến tâm tình của lính. Hùng ca giúp chiến sĩ quyết chiến, còn "tình thi" giúp ta nhớ lính vẫn là người.

Sau đây mấy vần thương nhớ thiết tha sáng tác chủ yếu trong một "mùa chinh chiến cũ"...

Tây tiến

Trong kháng chiến chống Pháp, mãi về cuối Tây Bắc mới trở thành chiến trường thực sự sôi động. Nhưng hình ảnh Tây Bắc thì đã nổi tiếng từ năm 1948 nhờ bài thơ Quang Dũng.

"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống..."

Lên lên xuống xuống cứ hàng ki-lô-mét cao độ, mà bồi dưỡng thiếu thốn, trách sao "Tây tiến đoàn binh không mọc tóc". Vật chất thiếu, nhưng tinh thần chiến đấu thừa: "Quân xanh màu lá dữ oai hùm".(1)

Quân đánh giặc hăng hễ chợp mắt lại mơ "Hà Nội dáng kiều thơm", nhưng "xưa nay ra trận mấy ai về"...(2)

"Rải rác biên cương mồ viễn xứ
(...) Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi"...

Nắm xương đành gửi lại nơi Tây tiến, nhưng hồn thì bay về Hà Nội chứ, về xuôi chứ, hồn ơi.

---------

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi. (1948)

Đôi bờ

Chiều bến sông vắng, rét, "giăng giăng mưa bụi", có là chiến sĩ Tây tiến thì cũng phải nhớ em.

Nhớ là thả hồn vào dĩ vãng. Nếu trong lúc hồn bay, mà người nhớ lại sẵn thuốc lá để đều đều nhả khói "xanh dòng", thì hồn dễ tìm về đúng "lối xưa" lắm.

Đã có khói làm hướng đạo, nếu lại có thêm... cốc làm gương soi, thì sẽ tha hồ cùng em đối mắt "nói cười như chuyện một đêm mơ"!

Nói mắt, vì Quang Dũng nhớ em nào, hình như bao giờ cũng trước tiên là nhớ mắt...

---------

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến tề

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ

Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào. (1948)

Mắt người Sơn Tây

"Buồn viễn xứ", "chiều lưu lạc"...

Ơ, thế cái "xứ Đoài mây trắng lắm" của "tôi" và "em" nó không ở bên trong nước Việt Nam à?! Hay là tôi và em đã chạy ra khỏi nước?

Dĩ nhiên đều không phải. Chẳng qua, quê hương có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Quê hương là nước Việt Nam, quê hương cũng là cái địa phương nào đó nơi mỗi người Việt Nam đã lớn lên. Quê trong "Mắt người Sơn Tây" là quê ở trong Quê...

Cũng dĩ nhiên không phải chỉ "Mắt người Sơn Tây" mới "u ẩn". Trong đoàn quân "Tây tiến" cứu Quê, bao nhiêu "mắt trừng" chắc chắn đều có lúc trở nên u ẩn, khi nhớ những quê Hà Nội, quê Bắc Ninh, quê Nam Định, quê Hải Dương v.v.

Quang Dũng nhớ quê thành thơ, rồi bao nhiêu người khác đọc thơ nhớ xứ Đoài của Quang Dũng mà chạnh nhớ quê mình...

----------

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương

Mẹ tôi, em có gặp đâu không
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan

Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta. (1949)

Đường trăng

"Những người quân" đang "lớp này lớp khác" theo nhau xuống thuyền sang sông có lạ gì con "đường trăng". Họ đã bao lần bước trên nó trước khi thành quân. Họ chính là những đứa con hiếu thảo của làng quê muôn thuở, ra đi vì nước vì làng...

Sang sông đêm nay, có người rồi sẽ không thấy lại những đá bờ giếng "ướt trăng", lá tre xanh trong như ngọc, thuyền nằm phơi ánh trăng vàng bao giờ nữa. Họ thôi thấy, để người khác được tiếp tục thấy.

----------

Đường ấy sao khuya đằm nước mắt
Trong vời như ngọc lá tre xanh
Giếng làng còn ướt trăng trên đá
Chim ngủ xôn xao động lá cành

Là những người quân qua bến làng
Hoa nhài thơm ngõ đượm quân trang
Lớp này lớp khác người sang hết
Thuyền lại nằm phơi dưới nguyệt vàng.(3)

Nhớ

Lại một em gái tội nghiệp của Quang Dũng. Có cần phải "chạy", phải "lưu lạc", mới đáng thương đâu.(4)

Người lính ấy ba-lô không biết còn bao nhiêu gạo nhưng lòng thì lúc nào cũng đầy trắc ẩn...(5)

---------

Nhà tranh hốc hác
Cuối làng chơ vơ
Đường xa công tác
Người lính ghé nhờ
Mẹ già đầu tóc bạc phơ
Dăn deo nét khó

Người vào run sốt
Giữa trưa đòi đắp chăn
Mẹ già hối đun nước
(Nhà uống nước lã quen)
Lấy thêm chiếu đắp
Kiếm thêm mền
Mền nâu rách mướp
Cháu mồ côi - cháu gái
Mắt sáng trong đang tập đánh vần
Tuổi em mười bốn chớm mùa xuân
Muối vừng hương thơm ngậy
Cua đồng canh rau đay
Mâm cơm đến bữa
Kẻng vừa đánh
Cày cấy tập đoàn cũng ngừng tay

Chiều rồi ba-lô lại ra đi
Bâng khuâng hồn lính vấn vương gì
Nhớ mẹ già tiền cơm chẳng lấy
Nhớ em khó nghèo giữa vườn hoang dại
Nhớ bát muối vừng, nồi cơm trộn sắn
Kẻng vừa đánh lên, cày tập đoàn cũng vãn. (1949)

Trắc ẩn

Đọc Trắc Ẩn, ngờ ngợ, đọc lại Đôi Bờ, thấy quả có mấy chỗ giống nhau: cũng "khói thuốc chiều sông", cũng ai "thương nhớ ai", cũng có em mắt "u ẩn" hay "sầu cô quạnh". Nhất là, em hoặc "đi áo mỏng buông hờn tủi" hoặc thui thủi một mình "đi về chân núi xanh", cùng rất tội nghiệp...

Mắt u ẩn dĩ nhiên còn làm nhớ "người Sơn Tây". "Một chút linh hồn nhỏ" có phải quê xứ Đoài, lưu lạc đến đâu mà lại có cả nhà thờ cả núi thế này...

---------

Chưa gặp sao đành thương nhớ nhau?
Đòi phen số mệnh cũng cơ cầu
Người đi mang nửa hồn đơn lẻ
Tôi về hoài vọng một đôi câu

Khói thuốc chiều sông, hỡi dáng người!
Phương nào đôi mắt ngó xa xôi
Nào ai biết được niềm u ẩn
Từng lắng nhiều trong những mảnh đời

Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
Làm thơ mình lại tặng riêng mình
Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

Thời đại bao lần khô nước mắt
Hoa đèn riêng gửi chút tâm tư
Ngắn dài đã học người thiên cổ
Vạn đại sầu lên chẳng bến bờ

Chiều ấy em về thương nhớ ai?
Tôi chắc đường đi đã rất dài
Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai

Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh
Màu tím chiều chầm chậm
Hoàng hôn nghe một mình

Giáo đường chuông rời rạc
Tan vỡ nhiều âm thanh

Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh. (1949)

Lính râu ria

Lính vào quán, có lính kêu cà-phê, lính gọi thuốc lá, lính "Chị ơi! Ly rượu nhỏ!", lại có lính hỏi bà chủ quán (hẳn quen) một món rất lạ: "Chị ơi! Cháu..."!

"Rượu nhỏ một ly thôi" đủ "lên hương cuộc đời". Cháu nhỏ một ôm thôi, đủ lên tinh thần chưa hỡi "lính râu ria"?

Giờ ôm tạm "con người ta", muốn có ngày ôm con mình, lính phải bước qua xác giặc.

---------

Khuya khoắt sông bờ vắng
Lửa hồng quán tản cư
Lính mấy chàng vất vả
Tìm sống một đêm thơ

Một người kêu cà-phê
Một anh gọi thuốc lá
Một người nhìn sau trước...
- Chị ơi! Ly rượu nhỏ!
Rượu nhỏ một ly thôi
Một ly cho đỏ mặt
Cho lên hương cuộc đời

- Chị ơi! Cháu ngủ đâu
Rồi anh bế con chị
Anh lim dim cúi đầu

Cô bé cười chúm chím
Mắt non nhìn như sao

Đôi mắt nhìn như sao
Má hồng như trái mận
Mùa đang độ ngọt ngào!

Bàn tay như rễ cây
Bộ râu hơn bàn chải
Anh ôm con người ta
Anh ôm ghì nó mãi

Cô bé năm tháng trời
Tuổi anh vừa ba mươi
Vợ anh giờ này đâu?
Anh mỉm cười rười rượi

Khi anh về đã xa
Chị dọn hàng đi ngủ
Chép miệng trong hơi chăn
Chị buồn chi không rõ

Khuya khoắt sông bờ vắng
Tiếng súng rền xa xa
Lính mấy chàng phanh ngực
Hát nhẹ lên bài ca... (1949)

Thu

Nơi sông núi xa xôi nào đó, trên bãi vắng có một người ngồi trong "nắng thu", trong "gió heo", trong tiếng lá rì rào, ngồi trông chuồn chuồn bay "rỡn từng ngọn cỏ", trông "cánh nhạn tung trời", trông mây "hồng nhạt nhạt", trông "mái (...) nắng xiêu xiêu", mà "vời tưởng (...) quê hương"...

"Bướm nhẹ cánh vàng mơ lá cải
Trời thu không rượu cúc mà say"...

Trời thu dễ say, nhưng người quê được ở quê say khác, còn ở xa quê say khác.

"Quạnh quẽ sắn nương rờn nắng ấm
Ngõ trúc người ơi! Tịch mịch chiều!"

Chiều tịch mịch có "tiếng sung rơi đo lặng lẽ", chao ơi thu!

--------

I

Gió heo nổi sớm nắng thu về
Chuồn chuồn cánh mỏng lại bay đi
Rỡn từng ngọn cỏ may khô úa
Cánh nhạn tung trời thêu biệt ly.

Nắng nửa sông xa mờ khí núi
Cánh hồng nhạt nhạt mây phiêu lưu
Lá mùa (?) rì rào trên bãi vắng
Mái nhà ai đó nắng xiêu xiêu?

Ngồi đây vời tưởng đường quê hương
Lúa đã xanh xanh mấy nẻo làng
Cốm đã thơm mùi, hồng đã chín
Ao sau vườn cũ nước xanh trong

Cữ này bưởi đào đang chín cây
Mía đỏ vườn hoang mang bóng ngày
Bướm nhẹ cánh vàng mơ lá cải
Trời thu không rượu cúc mà say

II

Nhẹ tóc khô da hồn trong xanh
Rộng vời tầm mắt dáng vàng hanh
Nghe nhạc muôn đời trong gió lá
Vào thu khói biếc đã xây thành

Long lanh bóng núi in sông biếc
Buồn nhớ thương ai lòng hiu hiu?
Quạnh quẽ sắn nương rờn nắng ấm
Ngõ trúc người ơi! Tịch mịch chiều!

Diều sáo vang không hồn ấu thơ
Bèo lạnh cầu ao ai đợi chờ?
Một tiếng sung rơi đo lặng lẽ
Mùa thu xào xạc lá tre khô. (1950)

Trưa hè

Tại sao "em soi bóng" em trong "vại mưa in dáng mây trời" lại nhớ "người xa em"?

Hẳn vì em với người từng chung bóng, mà nay em lẻ bóng. Cái bóng lẻ trong vại nó nhớ cái bóng lẻ phương xa...

"Trưa hè" nơi nào đó bắt người đi nhớ người ở lại làng, rồi bắt nhớ cả "mây làng về trưa"...

---------

Trưa hè bỗng nhớ sông quê
Nước xa không bóng thuyền đi đôi dòng
Thóc nhà ai có phơi không?
Chói chang lửa thóc sân trông bóng người
Vại mưa in dáng mây trời
Em soi bóng có nhớ người xa em?
Bờ tre gió đánh lả mềm
Thoảng say mùi nái bên thềm ai giăng

Xa quê dầu chẳng võ vàng
Trông mây núi nhớ mây làng về trưa. (5-1960)

Đêm Bạch Hạc

Có lẽ tương đối ít người biết bài thơ này. Và có lẽ trong số những người bây giờ mới đọc không ít người sẽ dám... cược nó là thơ Quang Dũng, bằng vào nội dung đi công tác tạt vào nhà dân, vào chuyện nhà gần bờ sông (!), và vào cái giọng thơ trầm, tình cảm...

Đêm Bạch Hạc làm sau Tây Tiến gần hai mươi năm. Hẳn làm để nhớ "những người xa vô cùng"...

--------

Có những chiếc giường lạ
Nhìn ra mảnh sân nào
Nửa đêm chợt thức giấc
Thấy ta nằm ở đâu

Như cánh chim mỏi cánh
Tạt vào rừng không quen
Không chọn cành ngủ đỗ
Nào mong gì ấm êm

Đêm nay đêm Bạch Hạc
Ta tạt vào nhà ai
Nghe sông Lô cuộn nước
Dềnh lên suốt đêm dài

Sáng mai rồi tiễn biệt
Tóc đẹp nhường bâng khuâng
Một đêm dài để nhớ
Những người xa vô cùng

Mái nhà đêm Bạch Hạc
Có nhớ người đi không? (1967)

Em mãi là hai mươi tuổi

Hoàng Cầm năm 68 tuổi viết "anh đưa em nhẹ gót về xanh xưa".(6)

Khi làm bài thơ sau đây, Quang Dũng mới 49 tuổi, "tóc anh (...) thành mây trắng" sớm vậy sao? Ờ nhưng dù tóc chưa hóa mây, thì lòng con người ta vẫn có thể cảm thấy... xưa chứ.

"Em mãi là hai mươi tuổi", em xưa nhưng em mãi xanh, trong anh!

--------

Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Những cây ổi thơm ngày ấy
Và vầng hoa ngâu mưa thu
Tóc anh đã thành mây trắng
Mắt em dáng thời gian qua.(7) (1970)

__________

(1) Đâu đó QD có lần kể đoàn quân Tây tiến bị thiếu lương thực khá trầm trọng, nhưng nhấn mạnh tuy vậy tinh thần đánh giặc vẫn rất cao.

(2) "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi", trong bài Lương Châu Từ của Vương Hàn đời Đường.

(3) Trích từ bài Đường Trăng - hai đoạn không liền nhau.

(4) Chữ trong bài Mắt Người Sơn Tây.

(5) QD có bài thơ Trắc Ẩn.

(6) Trong bài Xanh Xưa.

(7) Đây là sáu câu đầu của bài thơ này.