Chim Việt Cành Nam              [ Trở Về  ]         [ Trang Chủ ]
Các công trình văn học quốc ngữ miền Nam
-
Huỳnh Ái Tông
Tiết 1: Ðại Cương
Tiết 2: Báo Chí
Tiết 3: Thơ
Tiết 4 : Truyện Tàu
Tiết 5: Tiểu Thuyết 
Tiết 6: Thơ Mới
Tiết 3: Thơ
I.- Ðại Cương

Nếu báo chí giữ vai trò khá quan trọng trong việc truyền bá chữ quốc ngữ ở giai cấp trung lưu, Thơ lại giữ một vai trò quan trọng trong việc phổ biến chữ quốc ngữ trong giai cấp bình dân ở miền Nam.

Thơ là danh từ của người miền Nam dùng, để chỉ cho các loại truyện như Thúy Kiều, Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa..., còn danh từ truyện là để chỉ cho truyện Tàu như Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Thuyết Ðường... Chúng tôi dùng từ Thơ trong tiết nầy, cốt để giữ nguyên danh từ thông dụng của nó ở miền Nam.

Tất cả thơ đều soạn theo thể thơ Lục Bát của Việt Nam ta, căn cứ vào quá trình sau đây, chúng tôi xếp thơ trước truyện và tiểu thuyết.

1. Năm 1875, Trương Vĩnh Ký xuất bản Kim Vân Kiều của Nguyễn Du bằng Quốc ngữ. Ðến năm 1889, sau khi tác giả Nguyễn Ðình Chiểu mất được một năm, ông lại cho xuất bản quyển Lục Vân Tiên, Phan Trần.

2. Văn nghiệp của Huình Tịnh Của (1834-1907), cũng có tác phẩm Quan Âm Diễn Ca bằng Quốc ngữ.

3. Theo tài liệu ông Nguyễn Văn Kiềm, trong quyển Tân Châu 1870-1964, cho biết nhà văn Tân Châu Nguyễn Chánh Sắt đã dịch truyện Tây Hớn do J. Viết Lộc & Cie ở Sàigòn xuất bản, là quyển truyện Tàu đầu tiên dịch ra Quốc ngữ, được độc giả rất hoan nghênh, nhưng ông Kiềm không cho biết truyện ấy xuất bản năm nào, nhà J. Viết Lộc & Cie được thành lập và hoạt động từ năm 1900 đến 1908, vậy truyện Tây Hớn xuất bản thời gian đó.
Tóm lại thơ in và phổ biến qua chữ Quốc ngữ có từ năm 1875, nhưng đó là Kim Vân Kiều chưa chắc nó đã được ưa chuộng vì là áng văn chương tuyệt tác, có nhiều điển tích, người bình dân khó hiểu, phải đợi đến sau năm 1889,khi quyển Lục vân Tiên và Phan Trần ra đời, người bình dân mới có thể bắt đầu ưa chuộng thơ, chính trên sách Lục vân Tiên cũng ghi thơ văn bình dân (Poème populaire).

Từ đó thơ được giới bình dân ưa chuộng, các nhà văn thời ấy đua nhau sáng tác, cho đến năm 1907, đã có thêm những quyển thơ sau đây, xuất bản tại nhà in Saigonnaise:

- Lâm Sanh Xuân Nương soạn giả Nguyễn Kim Ðính (1)
- Trần Ðại Lang -
- Dương Ngọc - Bà Huỳnh Kim Danh
- Trương Ngộ -
- Quang Âm giáng thế -
- Trần Sanh Ngọc Minh - Nguyễn Bá Thời
- Bạch Viên Tôn Các -
- Ðào Trinh Luông Sanh -
- Lý Công - Nguyễn Bá Thời
- Ngọc Cam Ngọc Khổ - Nguyễn Bá Thời
- Chiêu Quân Cống Hồ - Ðặng Lễ Nghi
- Thoại Khanh Châu Tuấn - Bà Huỳnh Kim Danh
- Thạch Sanh Lý Thông - Hà Trung
- Tống Tử Vưu -
- Lang Châu -
- Lâm Sanh Lâm Thoại -
- Tiên Bửu -
- Mục Liên Thanh Ðề - Bà Huỳnh Kim Danh
- Tam Nương -
- Trương Ngáo - Hoàng Minh Tự
- Mụ Ðội -
- Nam Kỳ -
- Học Tập Qui Chánh -
- Kiều Truyện có giải nghĩa -
- Trần Minh Khố Chuối - Nguyễn Bá Thời, Nguyễn Văn Khỏe
- Trọng Tương Vấn Hớn -
- Văn Doan -

Vì thơ thuộc loại sách phổ biến trong giới bình dân, trình bày hết sức đơn sơ, không chú trọng ấn bản, từ lúc thơ được in trong những năm đầu tiên cho đến những năm sau nầy, nó vẫn được giữ y nguyên hình thức cũ, in khổ 16cm x 24 cm, trang bìa giấy màu loại mỏng, có vẽ hình để minh họa một cảnh nào đó trong nội dung, hình vẽ và tựa in một màu, đôi khi hình vẽ in một màu và tựa in màu khác, bìa màu khác, sách dầy kể luôn cả bìa là 16 hay 24 trang, bìa sau thường in danh mục các quyển thơ đã được in. Năm 1907, giá một quyển trung bình là 35 xu, đến thập niên 50, giá 2 đồng, đến thập niên 70 giá 10 đồng đến 20 đồng tùy sách dầy hay mỏng.

Về cách trình bày bên trong, mỗi hàng in cả 2 câu Lục và Bát thành một dòng, không phân đoạn hay tiết mục gì cả. Có quyển vì ngắn, nên trong có thêm hình vẽ cho đủ số 16 trang của quyển thơ, những quyển loại nầy có chua thêm dưới tựa ‘‘ Có hình ‘’.

Thơ được sáng tác phần lớn dựa theo các chuyện cổ tích, như : Thạch Sanh Lý Thông, Nàng Út, Chàng Nhái Kiểng Tiên..., đựa theo tuồng tích truyện Tàu như Võ Tòng Sát Tẩu, Tề Thiên Ðại Thánh loạn thiên đình ...có liên quan đến thời sự như Sáu Trọng, Hai Ðẩu, Sáu Nhỏ... có liên quan tôn giáo như Quan Âm giáng thế, Mục Liên Thanh Ðề...

Mặc dù cốt chuyện soạn đúng theo quy ước, luôn luôn kết thúc có hậu, ân đền nghĩa trả, mọi gút đều được mở, nhưng vì người ta quá yêu chuộng thơ, cho nên thơ được đặt thêm ra chẳng hạn như Hậu Lục Vân Tiên, Hậu Phạm Công Cúc Hoa, Hậu Bạch Viên Tôn Các...

Một số cốt chuyện đã được 2 tác giả soạn thơ, ví dụ như nhà xuất bản Phạm Văn Cường có thơ Trần Minh Khố Chuối của soạn giả Nguyễn Bá Thời, nhà xuất bản Phạm Văn Thình cũng có thơ Trần Minh Khố Chuối của soạn giả Nguyễn Văn Khoẻ.

Ðã là thơ thì người ta không đọc, phải ngâm, nhưng giọng ngâm ấy đặc biệt có tánh cách ngâm thơ của người miền Nam, nó gần với giọng hát ru em của người miền Nam vậy.

Như đã trình bày, thơ được phổ biến trong giới bình dân miền Nam, người ta chú trọng nội dung mà không quan tâm đến hình thức, do đó những tác giả của các tập thơ đều bị lãng quên, ngày nay khó sưu tầm được.

Các tập thơ trước kia do nhà xuất bản Saigonnaise số 39-41 đường Catinat (sau đổi là Tự Do, Ðồng Khởi), hay nhà in Phạm Văn Thình số 179, rue d’Espagne (đường Lê Thánh Tôn), cho đến thập niên 60 vẫn còn có 3 nhà xuất bản : Thuận Hòa, 54 Tháp Mười Chợ Lớn, Phạm Ðình Khương 31 Bd Bonhoure và Phạm Văn Cường 171 Ðại Lộ Khổng Tử Chợ Lớn. Ðến thập niên 70, chỉ còn có hai nhà xuất bản Phạm Ðình Khương và Phạm Văn Cường.

Có quyển Lục Vân Tiên của nhà xuất bản Phạm Văn Thình, không ghi rõ năm in, nhưng có lẽ trước năm 1950, đã thấy ghi tái bản đến lần thứ 13, sau đó bản quyền nhường cho nhà Thuận Hòa in tiếp, nhà xuất bản nầy cũng như nhà xuất bản Phạm Văn Cường sau nầy không ghi lần tái bản các quyển thơ.

Các nhà xuất bản chắc có dụng ý riêng của họ là không ghi lần tái bản, để in lậu tránh việc xin cấp giấy phép. Do đó, chúng ta không thể biết được một số quyển thơ đã tái bản vào năm nào.

Cũng như truyện tàu sau nầy, phải nói người bình dân rất ưa chuộng thơ, đêm đêm bên ngọn đèn dầu, một người nằm đọc thơ cho những người khác cùng nghe, đấy cũng là cách giải trí của người bình dân ở thôn quê ngày trước, thỉnh thoảng họ mới được giải trí với những đoàn hát bộ khi ở đình làng có cúng kỳ yên, giỗ thần, năm chỉ một đôi lần, cho nên cùng nhau quây quần nghe đọc truyện ban đêm, khi mùa màng nhàn rỗi là một thú vui của họ, nhu cầu đọc truyện bắt buộc người ta phải biết chữ. Từ đó người bình dân mới cho con em cấp sách đến trường làng học đôi năm, họ không có cao vọng cho con cái học thành tài, làm thầy Thông, thầy Ký, mục dích của họ là học để biết đọc biết viết, nhất là đọc thơ cho họ nghe lúc nhàn rỗi. Ðó cũng là yếu tố góp phần vào việc truyền bá chữ quốc ngữ buổi sơ thời ở miền Nam.

Gần một thế kỷ đã qua rồi, thơ khôn còn được sáng tác thêm nữa, trong danh mục chủng loại của thơ, chúng ta có thể tổng kết được số lượng sau đây :

- Lục Vân Tiên của Nguyễn Ðình Chiểu
- Phạm Công Cúc Hoa - Nguyễn Bá Thời, Nguyễn Văn Khỏe
- Lâm Sanh Xuân Nương - Nguyễn Kim Ðính
- Thoại Khanh Châu Tuấn - Bà Huỳnh Kim Danh
- Bạch Viên Tôn Các
- Tống Tử Vưu
- Nàng Út
- Chàng Nhái - Nguyễn Bá Thời
- Ðơn Hùng Tín I & II
- Dương Ngọc - Bà Huỳnh Kim Danh
- Thạch sanh Lý Thông - Hà Trung
- Con Tấm Con Cám - Nguyễn Bá Thời
- Nam Kinh Bắc Kinh - Bà Huỳnh Kim danh
- Trần Ðại Lang
- Lang Châu cùi
- Lý Công - Nguyễn Bá Thời
- Lâm Sanh Lâm Thoại
- Trò Ðông - Ðặng Lễ Nghi
- Tam Nương
- Trần Minh Khố Chuối - Nguyễn Bá Thờ, Nguyễn Văn Khỏe
- Ngọc Cam Ngọc Khổ - Nguyễn Bá Thời
- Ông Trượng Tiên Bửu
- Mục Liên Thanh Ðề
- Chiêu Quân Cống Hồ - Ðặng Lễ Nghi
- Trần Sanh Ngọc Anh - Nguyễn Bá Thời
- Nhị Thập Tứ Hiếu
- Ðương Dương Trường Bản
- Sáu Trọng Hai Ðẩu
- Sáu Nhỏ
- Túy Kiều đời nay
- Vân Tiên cờ bạc
- Tiết Giao đoạt ngọc
- Tiết Cương khởi nghĩa
- Phụng Kiều Lý Ðáng
- Năm Tỵ
- Phan Công - Nguyễn Bá Thời
- Quan Âm thơ
- Ân tình
- Mụ Ðội
- Nữ Trung báo oán - Ðặng Lễ Nghi
- Hoàng Trừu (Công chúa đội đèn) - Nguyễn Bá Thời
- Chàng chuột Lệ Tiên
- Trần Nhựt Chánh hội tam thê
- Cậu Hai Miêng
- Thơ đi Tây
- Sử Công
- Tiết Ðinh San
- Phàn Lê Huê - Hoàng Minh Tự
- Tống tửu Ðơn Hùng Tín
- Triệu Tử đoạt ấu chúa
- Phụng Nghi Ðình
- Võ Tòng Sát Tẩu - Nguyễn Bá Thời
- Lưu Bị cầu hôn Giang tả
- Hạng Võ biệt Ngu Cơ
- Tề Thiên Ðại Thánh loạn thiên đình - Hoàng Minh Tự
- Tam Tạng Thỉnh Kinh
- Bá Áp Khảo dạy đờn Ðắc Kỷ
- Mộc Quế Anh dưng cây
- Ông phò nhị tẩu - Nguyễn Thành Long
- Tiết Nhơn Quí lấy Ma Thiên Lãnh
- Trụ Vương mê Ðắc Kỷ
- Xử Bàng Quí Phi
- Chung Vô Diệm hội Kỳ Bàn
- Quan Công thất thủ Hạ Bì
- Thôi Tử thí Tề quân
- Quốc Trì giả điên
- Giang Ðông phó hội
- Tam khí Châu Du
- Phật Tổ ra đời
- Bà Quan Âm
- Trương Ngáo - Hoàng Minh Tự
- Lãnh bán heo
- Lưu Bình Dương Lễ gả vợ cho con
- Cha mẹ dạy con
- Mạnh Lệ Quân

Các loại thơ đặt tiếp theo :

- Hậu Lục Vân Tiên - Nguyễn Bá Thời
- Hậu Phạm Công Cúc Hoa
- Hậu Lâm Xanh Xuân Nương - Thanh Tâm
- Hậu Trần Minh Khố Chuối - Ðinh Công Thống
- Hậu Thạch Sanh - Nguyễn Bá Thời
- Hậu Thoại Khanh Châu Tuấn - Nguyễn Bá Thời
- Hậu Bạch Viên Tôn Các
- Hậu Tống Tử Vưu
- Hậu Nàng Út
- Hậu Chàng Nhái - Thanh Tâm

II.- Kết cấu nội dung

Qua danh mục trên, chúng ta thấy một số lớn thơ được sáng tác theo chuyện cổ tích, hay truyện Tàu. Nhân vật được xây dựng đặt trên căn bản quan niệm xây dựng con người của Khổng giáọ Trai thời : Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa; gái thời : Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Bối cảnh được xây dựng từ đồng quê cho đến triều đình, cốt chuyện đi từ hoàn cảnh nhân vật nghèo khó, rồi dần dần bước lên đường công danh sau khi nhân vật chánh gặp nghịch cảnh trớ trêu, cay nghiệt do những kẻ có ác tâm hoặc nịnh thần ở triều đình tạo ra, dù cho nghịch cảnh thế nào đi nữa, phần kết chuyện cũng phải có Hậu, nghĩa là người ngay được hưởng vinh quang, ân đền nghĩa trả, kẻ gian ác phải bị trừng phạt. Như Lục Vân Tiên sau cùng được lên ngôi thiên tử, sau khi trãi qua những nghịch cảnh bị mù lòa, bị Trịnh Hâm gạt gẩm xô xuống biển Ðông, bị Võ Công đưa vào hang núi Thương Tòng, nhưng những nghịch cảnh như thế, đều được Tiên, Phật ra tay tế độ cho, rồi Vân Tiên cũng được thuốc Tiên chữa cho mắt sáng, rồi ứng thí đỗ Quốc trạng, đi dẹp giặc Ô Qua, gặp lại Nguyệt Nga, cuối cùng một nhà đoàn tụ vinh hiển. Còn những kẻ ác tâm như Trịnh Hâm thì bị đắm thuyền chết đuối, mẹ con Thể Loan (gia đình Võ Công) bị cọp tha.

Bối cảnh, nhân vật, tình tiết mỗi chuyện dù có khác nhau, nhưng nó đều có chung một mô thức như truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Ðình Chiểu.

Thật ra thì thơ hầu hết là chuyện cổ tích trong dân gian Việt Nam, một phần là truyện Tàu, chính Nguyễn Ðình Chiểu sáng tác Lục Vân Tiên cũng phải phỏng theo mô thức xây dựng con người Việt Nam chịu ảnh hưởng Trung Hoa về Tam Cang và Ngũ Thường của nam giới hay Tam Tòng và Tứ Ðức của nữ giới.

Chẳng hạn như chuyện Trần Minh Khố Chuối.

Trần Công một phủ quan giàu có, đã trộng tuổi mà chưa có con để nối dõi tông đường, rồi một hôm đi cầu tự ở một ngôi chùa danh tiếng kia. Nơi dây, Trần Công gặp một viên quan Thị vệ cũng đi cầu tự, hai bên đồng cảnh ngộ nên kết nghĩa với nhau, họ hẹn ước gian khổ có nhau, và nếu hai nhà sau nầy kẻ sanh con trai, người sanh con gái, họ sẽ kết nghĩa thông gia.

Sau khi cầu tự về, Trần thị có mang, Trần công từ ấy gia công thi ân bố đức, rồi Trần Minh chào đời, gia đình Trần công lại thi ân bố đức nhiều hơn, cho đến năm Trần Minh được 7 tuổi, Trần công mất, gia cảnh sa sút nghèo nàn, Trần Minh phải xin ăn nuôi mẹ, ngày thì bửa đói bửa no, thân không mảnh vải che thân phải đóng khố.

Rồi Trần Thị nhớ tới lời hẹn ước xưa, mới cùng Trần Minh đi tìm quan Thị Vệ, nhưng viên quan Thị Vệ nầy thấy cảnh nghèo của Trần Minh, bèn ngảnh mặt làm ngơ, mẹ con Trần Thị lại phải dắt díu tiếp tục ăn xin., rồi Trần Thị mất. Trần Minh tiếp tục sống tha phương cầu thực và đến huyện Võ Khê tầm thầy học đạo.

Ở trường học, con nhà giàu có ỷ lại vào sự giàu sang của cha me chúng hiếp đáp Trần Minh đủ điều, chàng cam tâm nhẫn nhục cố gắng học với mục đích bảng hổ đề danh sau nầy.

Còn viên quan Thị Vệ sau khi xô đuổi mẹ con Trần Thị, muốn thử lòng con gái là nàng Ðệ Nhất, bèn thuật lại mọi chuyện của gia đình Trần Minh và mối giây liên hệ với nàng, ông ta cho biết rằng nếu nàng đồng ý, ông sẽ gã nàng cho Trần Minh. Nàng tỏ bày bằng lòng với số phận theo lời giao ước ngày xưa của cha mẹ hai bên. Ông ta giận dữ, phân tách thiệt hơn cho nàng nghe, sợ làm phật ý cha, nàng xin cha cho mở một cửa hàng với dụng tâm tìm cho gặp mặt để giúp đỡ Trần Minh. Nhờ đó nàng tìm ra manh mối Trần Minh, giúp Trần Minh phương tiện học hành, đi ứng thí, kỳ thi ấy chàng đỗ Trạng nguyên. Nam vương liền gả công chúa cho chàng.

Sau khi bái tổ vinh qui, sum họp với nàng Ðệ Nhứt, quan Thị Vệ bị sét đánh chết, sau khi cư tang, vợ chồng Trần Minh trở lại triều đình, được Nam Vương truyền ngôi, nàng Ðệ Nhứt lên ngôi chánh hậu và công chúa giữ phận thứ phi.

Chuyện Trần Minh không có nhiều tình tiết, nghịch cảnh trớ trêu dồn dập như Lục Vân Tiên. Trần Minh chỉ có nghèo và đi tới cùng cực của cảnh nghèo là phải đóng khố chethân, xin ăn qua ngày, phải chịu những cảnh ức hiếp của bọn học trò con nhà giàu, ấy là bối cảnh xã hội thời nào cũng có. Cũng cùng chung cái cảnh đoạn trường bị từ hôn như Lục Vân Tiên, nhưng Trần Minh chỉ gặp khổ chớ chẳng gặp cảnh hiểm nguy.

Như đã nói trên, chuyện xưa đều có chung mô thức, kết thúc phải đi đến chỗ tốt đẹp cho người Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa, phải ân đền oán trả, những cái oán mà con người chỉ trả trong giới hạn nào đó, nó không tương xứng với hành động đã gieo, thì những kẻ gây oán phải trả theo luật nhân quả nhãn tiền, kết cục hết sức rõ ràng và minh bạch, nhằm mục đích ‘’ khuyến thiện, trừng gian ‘’.

Ðứng về mặt tôn giáo mà nói, nội dung các chuyện có ảnh hưởng các tôn giáo lâu đời ở nước ta như Phật, Khổng, Lão, nó luôn luôn thích hợp với người bình dân. Họ tin tưởng vào đức Phật Tổ để sống đời sống ăn hiền ở lành hay làm lành lánh dữ. Ðề cao Trung, hiếu, tiết, nghĩa của đạo Khổng và cũng tin tưởng vào pháp thuật của tiên gia để trừ tà, ếm quỷ, cầu phong, đảo võ những hình thức mà đời sống nông dân cần đến.

Ðọc qua thơ, sẽ thấy nội dung trình bày triết lý sống phổ quát của người miền Nam, nó cũng là triết lý sống của người Việt vậy.

III.- Văn Chương thơ

Thơ như đã đề cập trước, chính danh nó là truyện, như truyện Kiều, truyện Nhị Ðộ Mai trong chủng loại của Văn học Việt Nam. Vậy Thơ là truyện bằng thi ca, kể theo thể lục bát, hình thức của Thi ca bình dân, cũng có thể nói Thơ là truyện hay chuyện diễn ca, nghĩa là người ta dùng hình thức thi ca bình dân, để diễn các chuyện cổ tích và trích những đoạn truyện Tàu thành một khúc ca, vì vậy mà cùng một chuyện có thể có vài ba tác giả.

Chẳng hạn như thơ Phạm Công Cúc Hoa có bổn do Nguyễn Bá Thời soạn, có bổn do Nguyễn Văn Khỏe soạn, thơ Trần Minh khố chuối cũng vậy, một vài chuyện do hai tác giả soạn như thế, tựa và lời diễn ca tuy có khác nhưng nội dung chỉ là một.
Ví dụ :

Thơ Chàng Nhái hay Thơ Chàng Nhái Kiểng Tiên
Thơ Lý Công hay Thơ Lý Công Thị Hươu
Thơ Trương Ngáo hay Thơ Trương Ngáo đòi tiền Phật
...
Thể lục bát rất thích hợp cho hình thức diễn ca cho chuyện và cốt chuyện có sẵn, soạn giả chỉ dụng công diễn thành thi ca, nhiều khi diễn ca có tiết điệu mà không chú trọng về vần, cho nên nhiều vần bị gượng ép hay thất vận.
Ví dụ :
Phạm Công ngẫm nghĩ gần xa,
Không thi thì uổng công ta sách đèn.
Chàng bèn ứng thí đậu liền.
Bèn vào yết kiến bệ tiền Hoàng gia (2)
hoặc :
Thà anh thác xuống suối vàng,
Ðể em ở lại cho nhàn tấm thân.
Em về ở với song thân
Ðể chi mà chịu nhọc nhằn thế ni ( 3 )
hoặc :
Mãng đương bàn bạc sự tình,
Lang vương đắc ý rượu đào giao bôi.
....
Chiêu Quân liếc ngó Vương Long,
Bèn trao mê dược tửu trung bỏ vào.
...
Chiêu Quân thôi mới tâu vào,
Người Mao Diên Thọ Hớn trào gian hung.
Vốn tôi có sự cừu nhân,
Cho tôi tẩy oán thành thân mới đành.
Cừu nầy tôi trả chẳng xong,
Tôi nguyền mạng một trôi giòng biên giang. (4)
Trong số các soạn giả thơ - trừ Nguyễn Ðình Chiểu - chỉ có Hoàng Minh Tự gieo vần nghiêm chỉnh hơn cả.

Cũng có câu vần được dời từ chữ thứ 6 câu 8, sang chữ thứ 4 câu 8 như :

Ðoạn nầy nói việc mụ già,
Cưới dâu về nhà, tính đã ba năm. (5)
hay :
Gieo tiền thầy nói vội vàng,
Hoàng hậu rõ ràng, mình mới thọ thai (6)
Cách gieo vần nầy, chúng ta thấy một số câu trong Chinh Phụ Ngâm :
Ngập ngừng lá rụng cành trâm,
Buổi hôm nghe dậy tiếng cầm xôn xao.
Hẹn nơi nao, Hán Dương cầu nọ,
Chiều lại tìm nào có tiêu hao.
Ngập ngừng gió thổi áo bào,
Buổi hôm tuôn đẩy nước trào mênh mông.
Ngay chính trong Ca dao cũng có gieo vần như vậy :
Chị Xuân đi chợ mùa ,
Mua cá Thu về, chợ hãy còn Ðông.
hay :
Ðèn nào cao cho bằng đèn Châu Ðốc,
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công.
Thổi ngọn Ðông phong, lạc vợ xa chồng,
Nằm đêm nghĩ lại, nước mắt hông tuôn rơi.
Về tiểu đối hay bình đối thì rất hiếm, nhưng cũng có :
Ầm ầm nổi trận phong lôi,
Sấm rền gió dập, sóng dồi mưa chang (7)
hay:
Ngày đêm lội suối qua đò,
Băng truông tuyết đượm, qua đò nắng chan (8)
Cũng dùng lối hồi văn như :
Nhìn nhau bốn mắt ròng ròng,
Nhìn nhau chạnh dạ xót lòng biết bao. (9)
dùng lối điệp ngữ như
Tạc thù chén lại chén qua
Càng phân việc trước, càng hòa chén sau. (10)
Như lối hồi văn và điệp ngữ trong Chinh Phụ Ngâm :
229 Chẳng hay muôn dặm ruỗi dong,
Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng.
Lòng chàng ví cũng bằng như thế,
Lòng thiếp đâu dám nghĩ gần xa.
Hướng dương lòng thiếp dường hoa,
Lòng chàng lẫn thản e tà bóng dương.
Và :
225 Hoa trải nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng.
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau.
Trong Ca dao cũng có :
Thiếp than cha mẹ thiếp nghèo,
Thiếp than phập thiếp như bèo trôi sông.
hay :
Gió đưa gió đẩy về rẩy ăn còng,
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua.
Ðôi chỗ có những câu thất luật như:
Gian nan bậu chịu trăm đường,
Thảm sầu luống những đoạn trường xiết chi.
Anh muốn hạ tờ phân ly,
Lại e thất hiếu lễ nghi sanh thành. (11)
Nếu như soạn giả cẩn thận trao chuốc câu văn, chỉ cần đảo vị, đã tránh được thất luật :
Hạ tờ anh muốn phân ly,
Lại e thất hiếu lễ nghi sanh thành.
Nhưng đặc tính bình dân của Thơ là ở chỗ không dùng hay ít dùng đến điển tích, nhờ vậy người bình dân đọc dễ hiểu, chính chỗ đó, Thơ đã được họ ưa chuộng. Tuy nhiên không phải hoàn toàn không dùng điển tích và từ Hán Việt:
Xuân Nương phân hết đuôi đầu,
Lâm Sanh nghe nói hột châu tuôn dầm.
Tưởng là dứt giải đồng tâm,
Hay đâu lại đặng sắt cầm sánh đôi.
Truyền quân vội chước kim bôi,
Cha con chồng vợ vầy vui một nhà (12)
Những từ như Phụ vương, Hoàng Hậu, Thái Tử ... được dùng nhiều, cho nên người bình dân cũng dễ hiểu, tính chất bình dân còn ở chỗ hành văn bình dị, dùng từ thông dụng, có tánh cách địa phương như :
Thầy Viên vội vả vái vang,
Lâm dâm miệng vái tứ phan chư thần (13)
Công Nương cũng dự hồng nhan,
Muốn đưa cho Trạng dượuvàng kết đôi (14)
Ta đem nàng lại tòa chương,
Tâu cùng vương phụ cho tường sự dươn(15)
Hành văn, người ta cố tránh những chữ thì, mà, là .. nhưng trong thơ không thiếu gì những chữ ấy. Ðặc biệt soạn giả hay dùng: kia là, thay là như từ đệm :
Dặn nhau cho chiếc chiếu manh kia là (Phạm Công Cúc Hoa)
Gắng công đèn sách thảo ngay kia là (PCCH)
Về ai nấy mặc mới xongkia là (PCCH)
Học trò cười nói đã vang kia là (PCCH)
Ðẹp thay cảnh vật kia là (Hậu Lâm Sanh)
Khen rằng như thế vẹn trinh thay là (HLS)
Vẹn toàn ở lại đông phương kia là (Hậu Thoại Khanh)
Máu hồng tuôn chảy hãy kinh kia là (HTK)
Binh thuyền ước hạn chật sông kia là (Dương Ngọc)
Nàng hồi tiên cảnh đắng cay thay là (Bạch Viên Tôn Các)
Tôn Hương, Tôn Lượng đẹp xinh kia là (BVTC)
Mỹ vị quí lại cao lương thay là (Con Tấm Con Cám)
Và cũng hay dùng từ ni :
Cớ nào mà chạy theo rừng thể ni (Hậu Chàng Nhái)
Mặc tình trai gái phỉ nguyền lòng ni (Dương Ngọc)
Tôi muốn đoán thật quẻ ni (DN)
Nào hay nhơn đạo tình đời thế ni (Trần Minh Khố Chuối)
Sử dụng những từ đệm như trên, nó giúp cho soạn giả hành văn dễ dàng, nhưng chính ở chỗ đó làm hại văn chương, nó đã đẩy soạn giả tới chỗ không cần trao chuốc câu văn, lập đi lập lại một từ rất thông thường, như vậy làm cho bản văn trở nên tầm thường, thiếu tánh cách văn chương trao chuốc.

Ðôi khi, cách hành văn bỗng trở nên ví von như :

Anh nên day lại xem rành,
Ngựa xe em đã sắm sanh sẵng sàng.
Bây giờ anh kiếp sữa sang,
Ðặng mà xuống chốn Tràng an kịp thì.
(Trần Minh Khố Chuối)
Như người ta nói đùa một câu toàn là vần ‘’ s ‘’: Sáng sớm sắm sanh sữa sang sáng sủa sẵn sàng xuống sở ‘’.

Thơ nói chung, soạn giả đua nhau sáng tác, nhà xuất bản đua nhau phát hành, không chú trọng về hình thức trình bày, về hành văn cho sáng sủa mang tánh chất văn chương, có những quyển đã tái bản 15 hay 20 lần, nhưng nó cứ y : ‘’ Bổn cũ soạn lại ‘’, nhiều lầm lỗi đáng trách, như tập Hậu Vân Tiên có hình của Nhà Xuất bản Phạm Văn Cường, in trọn trang 22 cũng là trang chót, in nhầm một đoạn của truyện Lục Vân Tiên từ câu 1943 đến câu 1996, cho nên bản Hậu Vân Tiên nầy không có đoạn chót.

Các nhà xuất bản cũng không sữa chửa lỗi chánh tả, vì chữ Quốc ngữ lúc còn phôi thai, chánh tả chưa phân minh hoặc do thợ nhà in sắp chữ sai.

Ngày nay muốn nghiên cứu về thơ, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn do các nhà xuất bản không chú trọng về sản phẩm của họ, trước năm 1975 nhà phát hành Phạm Văn Cường, 171 Khổng Tử, Chợ Lớn vẫn còn in ấn phát hành các lọai Thơ, Truyện, Tuồng. Nhưng độc giả đã hiếm rồi, sách in giấy xấu, khó lưu trữ, sau nầy sưu tập sẽ hết sức khó khăn.

IV Kết luận

Sau khi nghiên cứu qua thơ, chúng ta thấy rằng nó đã được phổ biến một cách rộng rãi trong giới bình dân, vì từ ngữ và nội dung thơ mang tính chất bình dân, đặc trưng nầy không thể phủ nhận được.

Theo luật cung cầu tự nhiên, giới bình dân thuở trước giải trí khi làm việc thì có câu hò, giọng hát, lúc ngày mùa nhổ mạ, cấy lúa, gặt hái, những đêm trăng thanh gió mát, xay lúa giả gạo. Lúc nhàn rỗi nằm nghe kể chuyện đọc thơ, thỉnh thoảng xem hát bội ở đình làng. Những thứ giải trí ấy, không chỉ thuần tính chất giải trí, nó còn mang tính cách giáo dục nữa.

Chúng ta có dân tộc tính, nhưng không thể chối cải ảnh hưỡng sâu đậm và lâu dài của tư tưởng học thuật Trung Hoa đối với đời sống tinh thần và vật chất của người Việt Nam, dân tộc chúng ta luôn luôn chống tính đồng hóa của người Trung Hoa, nhưng chấp nhận thu thái những tinh hoa văn hóa Trung Hoa và Ấn Ðộ và các nước khác. Cho nên quan niệm ‘’ Văn dĩ tải đạo ‘’ của Hàn Dũ, vẫn là quan niệm hàng đầu của những nhà văn thuở trước, điều nầy trong một số tập thơ cũng có nhắc tới như :

Trời kia hữu nhãn rất tài,
Bao giờ nở phụ độc rày thơ nhơn.
Tích xưa truyện cũ đành rành,
Cho hay muôn việc học hành phải lo.
(Trần Minh Khố Chuối của Nguyễn Bá Thời)

Xem qua tích cũ ngậm ngùi,
Chí công thiên địa đầu đuôi tích nầy.
Thiện ác hữu báo cho hay,
Khá xem chuyện cỗ người nay giữ mình.
(Hậu Thạch Sanh của Nguyễn Bá Thời)

Ở cho biết ngải biết nhân,
Biết Trung biết hiếu quỷ thần cũng kiên.
Tu nhơn tích đức lòng hiền,
Lễ nghi trọn giữ lòng thiền hiếu trung.
(Mục Liên Thanh Ðề của Bà Huỳnh Kim Danh)

Hiếu trung người thế giữ toàn,
Theo hiền lánh dữ tầm đàng chánh ngay.
Hoàng Trừu dứt tích từ đây,
Giúp chư liệc vị giải khuây đêm tràng.
(Hoàng Trừu của Nguyễn Bá Thời)

Ðến đây chúng ta đã thấy quá trình của chữ Quốc ngữ nó đi từ phiên âm đến ghép câu, điển chế, báo chí, diễn ca rồi nó sẽ đi đến dịch truyện Tàu và sáng tác tiểu thuyết sau nầy.

Thơ đã trải qua giai đoạn phát sinh, hiện hữu và suy tàn, nó đã làm tròn nhiệm vụ một cách xứng đáng. Nó đã để lại trong văn học miền Nam một thời kỳ, như một cành hoa cỏ dại nở ven cánh rừng, bởi vì nó là giai đoạn chập chửng, dò dẫm từng bước, để tiến nhanh khi đến giai đoạn trưởng thành của chữ Quốc ngữ.

Ðứng về mặt văn hóa, thơ là bước đầu tiên rồi sang truyện Tàu là nền tảng để xây dựng cho tiểu thuyết sau nầy, kể cả các mặt sáng tác và thưởng ngoạn, thơ đã góp phần vào nền văn hóa đặc thù miền Nam.

Ngày cuối năm 2000
Ghi chú :

1.- Một số soạn giả còn được ghi trên các quyển thơ tái bản sau nầy.
2.- Nguyễn Bá Thời, Phạm Công Cúc Hoa, trang 11, Nhà Xuất Bản Thuận Hòa, Sàigòn, Việt Nam.
3 & 5.- Nguyễn Kim Ðính, Lâm Sanh Xuân Nương, trang 1, NXB Phạm Văn Cường, Sàigòn, VN.
4.- Ðặng Lễ Nghi, Chiêu Quân Cống Hồ, trang 9, NXB Phạm Văn Thình, Sàigòn, VN
3 & 5.- Nguyễn Kim Ðính, Lâm Sanh Xuân Nương, trang 1, NXB Phạm Văn Cường, Sàigòn, VN.
6.- Bà Huỳnh Kim Danh, Dương Ngọc, trang 2, NXB Phạm Văn Cường, Sàigòn, VN
7.- Nguyễn Bá Thời, Hoàng Trừu, trang 11, NXB Phạm Ðình Khương, Sàigòn, VN
8.- Nguyễn Văn Khoẻ, Trần Minh Khố Chuối, trang 5, , NXB Phạm Văn Thình, Sàigòn, VN
9 & 10.- Nguyễn Văn Khoẻ, Trần Minh Khố Chuối, trang 13, NXB Phạm Văn Thình, Sàigòn, VN.
9 & 10.- Nguyễn Văn Khoẻ, Trần Minh Khố Chuối, trang 13, NXB Phạm Văn Thình, Sàigòn, VN.
11.- Nguyễn Kim Ðính, Lâm Sanh Xuân Nương, trang 1, NXB Phạm Văn Cường, Sàigòn, VN.
12.- Nguyễn Kim Ðính, Lâm sanh Xuân Nương, trang 16, NXB Phạm Văn Cường, Sàigòn,VN.
13.- Bà Huỳnh Kim Danh, Dương Ngọc, trang 2 NXB Phạm Văn Cường, Sàigòn, VN. 1958
14.- Nguyễn Văn Khoẻ, Trần Minh Khố Chuối, trang 16, NXB Phạm Văn Thình, Sàigòn, VN
15.- Bà Huỳnh Kim Danh, Nàng Út, trang 7, NXB Phạm Văn Cường, Sàigòn, VN

( * ) Trở về Mục Lục



 [ Trở Về  ]