Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
LỐI XƯA XE NGỰA
-
Nguyễn Thị Chân QuỳnhỞ đây tôi không có ý định nói chung về tất cả những người lai Việt Nam mà chỉ đặc biệt chú ý tới bốn người đã cầm bút viết về quê ngoại của họ. Những người này đều có ít nhiều tên tuổi song mỗi người phản ứng một cách khi đề cập đến người Việt hay đất Việt.
Samuel BARON nhận xét về người Việt ở thế kỷ 17 như sau : " tính tình hiền hậu nhưng hèn yếu, ưa khoác lác, hiếu học nhưng chỉ để ra làm quan... "
Michel Đức CHAIGNEAU xác nhận người Việt ở thế kỷ thứ 19 cũng hay khoe khoang, khoác lác, lại ở bẩn...những nghệ nhân tài giỏi không phải không có nhưng bị chính thể vùi dập...
Hai người này đã quan sát Việt Nam từ bên ngoài nhìn vào, trong khi ấy thì HỒ Dzếnh và Kim LEFÈVRE lại nhìn Việt Nam từ quả tim nhìn ra nên họ HỒ mới thủ thỉ : " Tôi yêu cái giải đất cần lao này, cái giải đất thoát được ra ngoài sự lọc lừa, phản trắc, cái giải đất chỉ bị bạc đãi mà không bạc đãi ai bao giờ ".
Hẳn họ HỒ không thể nào ngờ rằng chỉ mấy chục năm sau, tại Paris, lại có một người con lai khác lớn tiếng than thở một thiếu phụ vừa có học vấn vừa xinh đẹp- : " Tôi yêu nước Việt Nam nhưng Việt Nam chẳng yêu tôi ! ". Vì bị Việt Nam hất hủi mà Kim LEFÈVRE phải chọn ở lại Pháp.
Bốn người, bốn hoàn cảnh, bốn cá tính ; ba người gốc Âu, một người gốc Á ; ba nam, một nữ ; hai người dứt khoát chọn Tây phương, hai người thiên về quê ngoại.
I. Samuel BARON Samuel BARON là một người Hoà Lan lai Bắc. Cha làm đại diện cho công ty Ấn Độ Hoà Lan ở Cacho (Kẻ Chợ = Thăng Long) vào năm 1663. Lớn lên, Samuel Baron cũng giúp việc cho công ty này, sau đổi sang làm cho công ty Ấn Độ của Anh, lấy quốc tịch Anh, rồi cuối cùng bỏ đi buôn riêng quanh vùng Đông Nam Á. Những năm 1678/80/82 đều có trở lại Kẻ Chợ.
Với tư cách một người đã sinh và sống nhiều năm ở Bắc,Samuel Baron viết cuốn A Description of the Kingdom of Tonqueen (khoảng 1685/6) để giới thiệu Đàng ngoài với người Anh. Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên viết về Việt Nam của người Âu và cũng là một nguồn tư liệu quý báu của chúng ta về đời sống Đàng ngoài thời Hậu Lê. Trước đó, Tavernier cũng đã cho xuất bản một cuốn sách về Việt Nam song bị Samuel Baron chê là bịa đặt những điều hoang đường. Samuel Baron cam đoan những chi tiết trong sách mình mới đúng sự thật, vì ngoài kinh nghiệm bản thân, Samuel Baron còn nhờ người bản xứ có uy tín chỉ điểm cho những khía cạnh nào không nắm vững.
Chúng ta hãy thử theo Samuel Baron đi ngược thời gian trở về thế kỷ 17 xem đời sống của ông cha ta lúc ấy ra sao ?
Trước hết, kinh đô Thăng Long đã tỏ ra chật chội. Chợ họp mỗi tháng hai kỳ vào những ngày mồng một và ngày rầm, mỗi lần có phiên chợ người các nơi đổ về đông chật đường đi, muốn nhích lên độ một trăm bước phải mất đến nửa tiếng đồng hồ. Phố phường tụ họp theo nghề nghiệp. Các dinh thự xây cất bằng gỗ, trông bề ngoài tầm thường chứ không có gì nguy nga, tráng lệ. Nhà của thường dân bằng tre nứa. Những điều này phần đông được giáo sĩ Baldinotti xác nhận (1626) và giải thích : " Vì nhà bằng tre nứa nên Thăng Long hay bị hỏa hoạn, có lần thiêu rụi tới năm, sáu nghìn nóc nhà, song nhờ Kẻ chợ vốn có nhiều hồ ao nên dập tắt lửa dễ dàng và chỉ bốn, năm hôm sau nhà cửa lại dựng lên san sát như cũ. "
Người dân Việt tầm vóc bé nhỏ, yếu ớt, tính tình nhu hoà, không nóng nẩy nhưng ưa ganh tị, lại độc ác, sống sượng, hay mê tín, dị đoan, hay khoác lác ; dân tộc tầm thường, nghèo khốn mà lại khinh bỉ ngành giao thương, hiếu học chẳng phải vì ham hiểu biết mà vì muốn đạt mục đích ra làm quan ; không ưa du lịch mà cũng không tin lời những người đã đi xa thấy rộng, tự cao, tự đại, cho rằng Việt Nam là nhất...
Tiếng Việt thì một chữ trỏ vào đến 12, 13 vật khác nhau.
Đi thăm bạn bè phải đợi sau bữa cơm trưa, đi buổi sáng là vô lễ.
Trước khi ăn cơm không rửa tay lại súc miệng, vì miệng ăn trầu, còn ăn cơm thì đã có đũa không ăn bốc, không sợ tay bẩn.
Luật lệ bắt chước Tầu nhưng được châm chước dung hoà với phong tục cổ truyền thành ra có phần nhân hậu hơn Trung Quốc và cả Aristote nữa : Chẳng hạn đàn bà, trẻ con phạm tội không bị hành hạ chặt chân tay, hay bêu riếu nơi công cộng.
Hàng tháng vua Lê họp triều vào những ngày mồng 5 và ngày rầm ; lương vua khoảng 8000 đô la một năm. Địa vị vua Lê lúc ấy đã suy yếu đến nỗi dân gian có câu : " Mất một nghìn ông Vua không bằng mất một ông Chúa " bởi Chúa cầm quyền chính, mỗi khi thay đổi Chúa là một lần chính thể bị xáo trộn, kẻ lên người xuống, gây nên tình trạng hoang mang, bất an. Chúa Trịnh thiết triều mỗi ngày từ 8 g sáng. Khi Chúa lâm triều, quân túc vệ mang võ khí đứng ngoài sân, nội giám túc trực quanh mình để đệ đơn từ lên, hay truyền mệnh lệnh từ trên xuống. Chúa dùng tới bốn, năm trăm nội thị và rất thương yêu những người này, thường cất nhắc họ vào những chức vị quan trọng có khi lấn át cả các quan văn vỏ có thực tài.
Có điều lạ là, theo S. Baron, khi vào chầu Chúa các quan mặc quần áo rất đẹp nhưng chân thì lại đi đất. Trên nguyên tắc, mũ áo các quan đã có luật lệ ấn định từ lâu, mỗi triều dù có thay đổi ít nhiều chi tiết song vẫn phải đầy đủ lệ bộ : mũ, áo, xiêm, y, hia, hốt, vv...không lẽ hia chỉ dùng đi từ nhà đến phủ Chúa rồi đến nơi cởi ra đi chân đất ?
Tuy S. Baron khen các Chúa Trịnh là những người tốt - không cướp ngôi vua Lê, không tàn sát người trong họ - nhưng tỏ ra bất mãn với tục lệ ai muốn kêu cầu điều gì ở phủ Chúa đều phải kèm theo lễ vật.
Phủ Chúa nằm giữa kinh thành, rộng rãi, tường vây bốn phía. Trong và ngoài đều có trại lính canh. Nội tẩm được xây cất xa hoa, lộng lẫy, sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi. Nhưng giáo sĩ Amaral (1638) lại viết hơi khác : " Kẻ chợ thường bị chiến tranh thiêu rụi nên lâu đài không xây cất bằng đá cho bền vững mà xây bằng gạch, gỗ, có bị thiêu đốt xây lại cũng dễ. Vì lo hỏa hoạn, trong thành chỉ có cung vua Lê, phủ Chúa nằm ở ngoài thành ".
Đông cung Thế tử hàng ngày cũng họp các quan ở phủ riêng nên chỉ vào chầu Chúa mỗi tháng một lần. Thường nhật cho đại diện túc trực ở phủ Chúa để theo rõi tình hình mà liệu bề hành sự cho ăn khớp (1).
Vua, Chúa rất ít khi ra ngoài. Lên ngôi cũng không cử hành đại lễ linh đình vì phong tục Việt Nam vốn kiệm ước.
Khi Vua băng hà, cả nước phải để tang không được dùng xa xỉ phẩm như đeo vàng ngọc hay mặc gấm vóc. Quân sĩ vận toàn đồ đen.
Người dân khi chết, đàn ông mặc bẩy cỗ áo đẹp đẹp nhất của mình, đàn bà chín cái. Trong miệng người chết bỏ vàng ngọc để sang thế giới bên kia có tiền chi dụng. Người nghèo không có vàng ngọc thì cắt móng chân móng tay bỏ vào miệng người chết, tin rằng miệng dơ bẩn thì người quá cố không thể trở về tác yêu tác quái với người sống.
S. Baron đưa ra nhiều chi tiết khá lạ : ví dụ bức họa vẽ cảnh chúa Trịnh thiết triều lại ngồi trên võng, trông rất lạ lùng khó hiểu mà cũng khó tin. Song trong Ký Sự Lên Kinh của Hải Thượng Lãn Ông, một danh y thời ấy, được vời lên Thăng Long chữa bệnh cho cha con Trịng Cán, phủ Chúa được tả như sau : " Gian giữa đặt một sập ngự thếp vàng, trên sập mắc một chiếc võng điều. Trước võng và bàn ghế hai bên bầy toàn những thứ mà người đời chưa từng thấy...Thánh thượng xuống võng ngồi trên nệm gấm, nghiêng người sang phía trái, đặt tay lên trên chiếc gối đệm rồi bảo quan Chánh đường xem bệnh trước... " Như vậy là trong nội tẩm của Chúa quả có mắc võng bên trên sập, song không rõ khi thiết triều Chúa có ngồi võng thực sự hay không ? Ngồi võng có lẽ thoải mái hơn nhưng e thiếu nghiêm chỉnh.
Tuy S. Baron tin mình viết toàn sự thật, song cuốn A Description of the Kingdom of Tonqueen chứa đựng khá nhiều điều sai lầm mà ta có thể kiểm chứng dễ dàng, tỉ như bảo Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh chỉ mấy tháng sau cả hai cùng bị một người khác giết chết để chiếm ngôi. S. Baron sai lầm ngay cả những khi bắt bẻ Tavernier, có lẽ vì không am tường, lại làm việc cẩu thả.
S. Baron tỏ ý không tin người Việt biết chữ Hán từ trước khi nhà Đinh lên cầm quyền và cũng chẳng tin Việt Nam thắng nổi Trung Quốc mấy trận. Theo ý S. Baron, đó là vì người Việt ưa khoác lác, nếu Tầu quả thực có lui quân về thì hẳn vì họ bị nội loạn hay ngoại xâm, chứ nhất định người Việt không đủ tài cán đánh bại một cường quốc, chẳng qua nói khoác để giữ thể diện với ngoại quốc và con cháu. Rõ ràng vì thiên kiến nếu sự thật đã bị S. Baron bóp méo.
Về y dược, thời ấy dường như ta có một thứ lá chữa bệnh gẫy xương rất thần hiệu. Giáo sĩ Christophe Borri, sống ở Đàng trong cùng thời, kể chuyện chính ông bị ngã gẫy xương, chữa theo phương pháp Âu Tây không lành, sau nhờ một thầy lang lấy lá giã nhỏ băng bó, ít lâu sau khỏi. Giáo sĩ thử thí nghiệm, bẻ gẫy chân gà, rồi cũng y theo cách của thầy lang bó lại, thấy rất hiệu nghiệm đến nỗi khi về nước ông cũng đem theo một bó lá trong hành trang, tiếc rằng về đến nơi, lá khô, hết hiệu lực. Tuy giáo sĩ ca ngợi y khoa Việt Nam, nhưng S. Baron vẫn một mực hoài nghi, cho đó cũng chỉ là một chuyện khoác lác của người Việt, dẫu rằng công nhận lấy hành nướng giã nhỏ đắp rốn thì khỏi bệnh chướng bụng, và thưở ấy người Việt đã biết dùng hấp giác rất thường (2).
Về đạo Phật ở Trung Quốc, S. Baron nêu ra một giả thuyết rất kỳ quái : vua Tầu nghe đồn có một đạo ở Tây phương nhiều người hâm mộ bèn sai các quan đi tìm. Ba năm sau, các quan Tầu đi đến Ấn Độ, gặp đạo Phật bèn cho ngay là đã tìm đến nơi, và thỉnh 72 cuốn kinh về, nhờ đó đạo Phật có dịp bành trướng ở Trung Quốc. Theo ý S. Baron thì cái đạo được nhiều người hâm mộ ấy chính ra phải là đạo Thiên chúa, đã làm ra nhiều phép lạ. Chỉ vì các quan Tầu lười biếng, làm việc không đến nơi, đến chốn cho nên đạo Phật giành mất đất của đạo Thiên chúa. Đạo Thiên chúa mới là chánh đạo, còn cái đạo Phật hoang đường kia chỉ mê hoặc nổi những bọn ngu dốt, vô học như phụ nữ hay hoạn quan.
Tóm lại A Description of the Kingdom of Tonqueen ghi chép nhiều điều chính xác song lại chen lẫn với những điều sai lầm do tác giả hoặc không nắm vững vấn đề, hoặc vì thiên kiến. Hồng Lam, trong Trung Bắc Chủ Nhật số 144 đã tỏ ra nhẹ dạ cả tin khi tuyên bố : " S. Baron quan sát phong tục Việt Nam khá đúng và ngòi bút công bình hơn cả ".
II. Michel Đức CHAIGNEAU (1803-1894) Michel Đức là con đầu lòng của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1832), tức Chúa tầu Long, một trong hai người ở lại làm quan lâu dài với vua Gia Long sau khi giúp vua thắng quân Tây Sơn. Cả hai đã " vâng mệnh " Gia Long cưới vợ Việt : Vannier lấy Nguyễn thị Sen, Chaigneau lấy Benette Hồ Thị Huề, một con chiên ngoan đạo ở Huế. Lễ cưới cử hành tại nhà thờ Phủ Cam đầu năm 1802, đến 1803 thì Michel Đức ra đời. Mười một năm sau khi cưới và sinh hạ được chín người con, bà Huề mất. Người vợ Pháp mà Crawfurd đã gặp ở Huế năm 1823 có lẽ là vợ sau của Jean Baptiste Chaigneau.
Jean Baptiste rời Pháp lần đầu vào năm 1791. Con nhà dòng ở đất Lorient (Bretagne), thuộc phe bảo hoàng, J. Baptiste bất mãn với chính thể mới bỏ nước ra đi, khi ấy chỉ là một sĩ quan trẻ tuổi, vô danh. Sau thời gian làm quan với Gia Long, năm 1819, J. Baptiste về thăm quê, đến 1821 lại rời Pháp đi Việt Nam lần nữa, nhưng lần này với tư cách một vị Lãnh sự của vua Lộ y 18. Khi đến nơi thì vua Gia Long đã mất (25/1/1820), vua Minh Mệnh lên cầm quyền có ý xa lánh ngoại quốc, không trọng vọng Chaigneau và Vannier như Gia Long, lại thêm sự ganh tị của các quan đại thần ngày một lớn, nên đến 1824 thì cả Chaigneau lẫn Vannier cùng đem gia quyến về Pháp.
Michel Đức sống ở Việt Nam đến năm mười sáu tuổi mới theo cha sang Pháp lần đầu, và mười chín tuổi lại theo về Việt Nam. Năm 1863-64, sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết để chuộc lại ba tỉnh miền Đông, có gặp gia quyến của hai viên sĩ quan này. Bà Vannier khi ấy đã ngoài 80 tuổi, nhà tận miền Nam nước Pháp cũng chống gậy lên Paris ra mắt sứ bộ và ở lại cho đến hôm tiễn biệt. Mấy năm sau thì mất, chôn ở Toulon.
Michel Đức, cũng đã trên 60, thân hành đến tận sứ quán thăm hỏi và khi sứ bộ về còn gửi dâng vua Tự Đức một bức truyền thần, song sứ bộ không dám nhận vì hình vẽ bán thân, sợ mang tội khi quân.
Năm 1867, Michel Đức cho xuất bản cuốn Souvenirs de Huế. Khác với S. Baron, Michel Đức nhìn nhận ngay mẹ mình là người Việt, và không quên hóm hỉnh nhắc lại lời vua Gia Long bình phẩm, sau khi gặp " cậu Đức " lần đầu. Nhà vua ngắm nghía kỹ càng rồi ngoảnh lại bảo J. Baptiste : " Công trình của ông được lắm, chỉ phải tội ông nặn cho nó cái mũi hơi tẹt, giống người Nam ".
Là con một vị quan nhất phẩm, đã từng ăn sung mặt sướng, ở nhà sang, kẻ hầu người hạ tấp nập, đi đâu có kiệu có lọng, kẻ đón nguời đưa, từng được theo cha đi xem tế Nam giao, theo vua Gia Long du thuyền trên sông Hương, gặp Hoàng hậu cùng các phi tần, dự buổi trình diễn của ban hát hoàng cung...cuộc đời thơ ấu của Michel Đức là cuộc đời hưởng thụ tột bực, cho nên khi đáp tầu về Pháp, Michel Đức phải cố nín mới khỏi bật khóc khi thấy mình sắp phải lìa xa những người thân yêu : bạn bè, gia nhân, thầy giáo Bửu...Nhưng khi vừa đặt chân lên đất Pháp thì Michel Đức choáng váng trước đời sống đầy xe ngựa nhộn nhịp, lâu đài nguy nga. Chỉ hai năm sau, khi vua Minh Mệnh ướm hỏi Michel Đức có muốn ở lại làm quan thì Michel Đức đã kiếm lời từ chối khéo : " Tôi không dám tự quyền định đoạt phải hỏi ý cha tôi, tuỳ người sắp xếp ". Ngoài miệng nói vậy, nhưng trong thâm tâm Michel Đức nghĩ " Nước Pháp đã chinh phục tôi, quả tim tôi đã thuộc về nước Pháp rồi ". Michel Đức đủ sáng suốt để viết thêm : " Người ta có thể cho tôi là bạc " song biết làm sao bây giờ ? Nhà cửa Việt Nam thì lụp xụp, tối tăm, lâu đài kiến trúc chẳng có gì đồ sộ ; tuy vua Gia Long có hậu đãi cha con Michel Đức, nhưng vua Minh Mệnh lại tỏ vẻ thờ ơ, lạnh nhạt...Dù sao Michel Đức cũng còn trẻ tuổi, lại sẵn thán phục cha, một người mà đến vua Gia Long còn hết lòng trọng vọng, mà cha Michel Đức chẳng do nước Pháp đào tạo ra là gì ? Huống hồ Michel Đức lại được một nhà Nho là thầy Bửu giáo huấn, Michel Đức phục tùng cha và chọn nước Pháp là phải. Tất nhiên đây là một sự lựa chọn theo lý trí vì Michel Đức quả có cảm tình với Việt Nam, còn nước Pháp tuy choáng lộn, song thực sự đã làm gì cho " cậu Đức " chưa ? Cho nên tuy chọn ở lại Pháp, nhưng khi phái đoàn Phan Thanh Giản sang, thì Michel Đức đã đến thăm ngay và gửi cả quà tặng, rõ ràng nhìn nhận và bày tỏ cảm tình với quê mẹ, dù lúc ấy mẹ đã mất từ lâu.
S. Baron sống ở Bắc thì viết về đời sống ở Bắc ; Michel Đức sinh trưởng ở Huế tất nhiên viết về Huế : địa thế, phong tục...vẽ cả bản đồ nữa. Cụ Vương Hồng Sển đã có lần đặt câu hỏi chợ Dinh ở đâu ? Đọc Michel Đức sẽ thấy chợ Dinh nằm bên một chiếc cầu phía Đông sông Trường Tiền (tức sông Hương, bản đồ Bulletin des Amis du Vieux Huế). Chợ Dinh to hơn chợ Được, sở dĩ mang tên này vì họp gần các dinh thự.
Bàn về công nghệ ở nước ta, Michel Đức đưa ra một nhận xét khá xác đáng : " Việt Nam sở dĩ không có những tay thợ danh tiếng chỉ vì chính thể quá bất công, hễ người nào khéo liền bị sung công, bắt làm quần quật mà lương lại rẻ ủng, bị bóc lột hết mức, và chỉ được thả về với gia đình khi nào già yếu hay bệnh tật, cũng không được hưởng một đồng xu đền bù. Cho nên dù có khả năng cũng không mấy ai chịu học nghề cho tinh xảo, kẻ có tài thường dấu tài. Ở Bắc thuở ấy có một nhà làm đồ sứ rất khéo, không kém gì đồ sứ Tầu, mạo danh một hãng sản xuất của Trung Quốc chứ không dám đứng tên thật của mình, sợ lại bị sung công. Do chính sách ngược đãi những người thợ khéo ấy mà ngành công nghệ của Việt Nam không sao phát đạt, không sao ngóc đầu dậy được.
Là con quan nhất phẩm, thường được ra vào nơi cung cấm nên những chi tiết do Michel Đức kể có lẽ lý thú nhất là về hai vua Gia Long và Minh Mệnh. Theo con mắt quan sát của " cậu Đức ", lần đầu gặp vua Gia Long khi mới lên 8 tuổi, thì nhà vua cao trên bậc trung, thân hình vạm vỡ, da trắng, mắt sắc, hai má có hai nốt ruồi đen, chung quanh mỗi nốt ruồi có một túm lông dài mọc lan ra tận chùm râu bạc vừa dài vừa rậm. Dáng người đĩnh đạc, tác phong oai nghiêm, khi vui khi giận bất thường...Gia Long rất am tường guồng máy hành chánh, thường khi bắt bẻ các viên đại thần làm sai trái.
Điều mà Michel Đức nhấn mạnh là Gia Long ưa đùa cợt và nói chuyện nhảm những lúc vắng người. Khi " cậu Đức ", theo tục lệ Việt Nam tung hô " Thiên tử muôn năm " thì Gia Long chặn ngay lại hỏi : " Mi tưởng ta là con Trời thực chăng ? Ta cũng có cha, có mẹ như ai. Cha ta đã làm như thế này...mẹ ta làm thế này... " Tóm lại, Gia Long đã ban cho " cậu Đức " một bài học vỡ lòng về phương pháp cấu tạo hài nhi, vừa bằng lời nói, vừa bằng cử chỉ. Michel Đức không dám thuật lại tường tận sợ người đọc đỏ mặt.
Michel Đức cũng biết Minh Mệnh không phải là con Chánh cung hoàng hậu như Thiệu Trị. Khi ở Pháp về, nhiều lần Michel Đức được Minh Mệnh vời vào cung để hỏi chuyện nước Pháp và nhờ dịch những chữ ghi trên mấy bức họa vẽ cảnh nước Pháp. Trước hết, Michel Đức phải đọc to lên, sau dịch từng chữ, cuối cùng mới dịch nghĩa toàn câu. Để Michel Đức khỏi nhẩy những chữ khó, Minh Mệnh lấy ngón tay chỉ từng chữ một. Mỗi khi dịch xong, viên quan ngồi cạnh phải ghi ngay lại bằng chữ Hán. Gặp những chữ tên người hay tên tỉnh không dịch được, viên quan lúng túng thì chính Minh Mệnh chỉ điểm cho nên dùng chữ gì.
Minh Mệnh đặc biệt chú ý đến quân đội, nhung phục của Pháp, hỏi rất cặn kẽ và dựa theo Pháp chế tạo ra một loại ngù đeo hai vai cho các võ quan. Những viên quan này thường nói trộm sau lưng vua : " Chúng mình là sĩ quan của Pha lang cha ".
Minh Mệnh không quên hỏi về xã hội Pháp và đặc biệt sửng sốt khi nghe nói trong những buổi họp công cộng đều có mặt phụ nữ. " Như thế thì còn gì là trật tự nữa ? "
Nhà vua cũng tò mò muốn hiểu tại sao người Pháp hay sưu tầm những con thú chết, lột da, nhồi trấu, cùng là những loài sâu bọ vô giá trị. Khi biết để đem về trưng bày tại Bảo tàng viện thì nhà vua lại càng kinh ngạc : " Dùng lâu đài để chứa những con sâu ấy ? Thật là điên rồ ! Thật là trẻ con ! Chẳng lẽ người Pháp hết việc làm rồi ư ? ".
Sách của Michel Đức ít sai lầm hơn S. Baron, có lẽ vì Michel Đức không quá khinh rẻ quê ngoại nên chịu tìm hiểu một cách khách quan, lại am tường tiếng Việt, và có một người thầy giáo là người Việt, thầy Bửu, một nhà Nho chân chính, cho nên sự hiểu biết của Michel Đức về nước Việt cũng thấu đáo hơn.
Theo A. Brébion, Michel Đức về Pháp làm việc ở sở Thuế từ 1827 đến 1852, đồng thời cũng làm Trợ giáo dạy Việt ngữ tại trường Langues orientales (Ngôn ngữ Đông phương). Năm 1876, Michel Đức cho ra hai cuốn : Thơ Nam kỳ và Thơ tiếp theo thơ Nam Kỳ cùng nói về chiến tranh Việt Pháp, do nhà A. Challamel xuất bản.
III. HỒ Dzếnh (1916-1991) Chính tên là Hà Triệu Anh, sinh và mất ở Việt Nam. Cha là người Trung Hoa lánh nạn từ Quảng Đông sang đến bờ sông Ghép thì gặp mẹ Hồ Dzếnh, một cô lái đò người làng Ngọc Giáp. Là con trai út, khi ra đời gia đình đã sung túc nên Hồ Dzếnh rất được yêu chiều. Lên 9, cha qua đời, gia cảnh dần dà sa sút, Hồ Dzếnh phải vừa đi làm vừa đi học cấp trung học ở Hà Nội.
Từ 1945, Hồ Dzếnh sống ở Thanh Hoá, sau mới ra Hà Nội.
Bắt đầu viết từ 1937. Đã xuất bản : Dĩ Vãng (1940), Quê Ngoại (1942), Chân Trời Cũ (1943), Một Truyện Tình Mười Lăm Năm Về Trước (1943), Hai Mối Tình ( ?), Những Vành Khăn Trắng ( ?), Hoa Xuân Đất Việt (1945), Cô Gái Bình Xuyên (1946).
Việt Nam dưới ngòi bút của Hồ Dzếnh
Thẳng thắn mà nói, Hồ Dzếnh không thành công về mặt tiểu thuyết. Một Truyện Tình Mười Lăm Năm Về Trước, Hai Mối Tình, Những Vành Khăn Trắng, nội dung đạo đức có thừa, nhưng nghệ thuật yếu kém. Bút pháp bình thường, cách dựng chuyện quá đơn giản, tâm lý lại không có gì sâu sắc. Nhân vật chỉ là những mẫu người rập khuôn hay tiêu biểu cho những mẫu người lý tưởng của Hồ. Người goá phụ trong Lạnh Lùng của Nhất Linh " thực " hơn là các quả phụ trong Những Vành Khăn Trắng. Có lẽ vì cũng nhận ra nhược điểm ấy nên Hồ Dzếnh đã chọn một bút hiệu khác - Lưu Thị Hạnh - cho những tiểu thuyết của mình ?
Truyện ngắn - đặc biệt loại tự truyện - của Hồ Dzếnh hay hơn. Tác giả viết với giọng thành thật, không bị gò bó trong một khuôn khổ cứng nhắc của luân thường đạo lý nên dễ đi thẳng vào lòng người. " Em Dìn " vượt ra ngoài lễ giáo nhưng lại là một nhân vật đứng vững.
Thơ Hồ Dzếnh thuộc loại trữ tình, thích hợp với tâm hồn đa cảm của tác giả nên cũng khá thành công. Tập Quê Ngoại mở đầu bằng ba chữ " Kính dâng mẹ " đã nói lên ngay vị trí của người mẹ trong tâm hồn nhà thơ : cuốn sách đầu tay trân trọng dành cho mẹ. Hồ Dzếnh yêu mẹ, Hồ Dzếnh cũng rất yêu Việt Nam :
Tôi yêu nhưng chính là " say "
Tình quê Nam Việt, bàn tay dịu dàng.
Thơ tôi đê thắm, bướm vàng,
Con sông be bé, cái làng xa xa..."
"Lũy tre xanh", Quê Ngoại"Be bé", "dịu dàng", đó là hình ảnh Việt Nam trong tâm khảm Hồ Dzếnh. Song bảo nó là hình ảnh người mẹ mà Hồ yêu quý cũng không sai. Trong thơ Hồ, hình ảnh người mẹ và hình ảnh đất nước Việt Nam thường khi lẫn lộn, người mẹ nhỏ bé, dịu dàng, lặng lẽ cam phận, chăm chỉ làm ăn thì hình ảnh Việt Nam cũng thế "con sông be bé...bàn tay dịu dàng...giải đất cần lao..."
Vì yêu mẹ, không bao giờ Hồ Dzếnh nghĩ đến chuyện phủ nhận nguồn gốc Việt của mình, va điềm nhiên công nhận : " Tôi đã từng uống nước và nói thứ tiếng Việt Nam" (Chân Trời Cũ, tr. 166).
Dĩ nhiên khi so sánh, Hồ thừa biết quê cha đẹp đẽ, huy hoàng hơn :
Nhưng khi cần lựa chọn giữa hai tổ quốc thì chưa hẳn quê cha đã thắng vì trong lòng Hồ Dzếnh có một cuộc xung đột : trí nói quê cha hùng mạnh hơn song tận đáy lòng Hồ cảm thấy quê mẹ gần gũi, thân thiết hơn. Cậu bé Hồ không biết phân xử ra sao đành chỉ trốn sau dòng nước mắt : Ôm tôi chị bảo luôn rằng :
Chấp trăm Hà Nội không bằng quê ta !"
"Giang tây", Hoa Xuân Đất Việt"Có ai hỏi tôi yêu nước Việt Nam hay nước Trung Hoa hơn thì tôi chỉ còn biết...khóc". ("Thằng cháu đích tôn", Chân Trời Cũ).
Thế nhưng rồi Hồ cũng phải dứt khoát chọn lựa. Trên tiêu chuẩn nào nếu sự huy hoàng, rực rỡ đã không cám dỗ nổi Hồ ? Song thân Hồ Dzếnh đại diện cho hai tổ quốc, thì đây là hình ảnh của song thân qua mắt nhà thơ :
"Tôi không làm nũng cha tôi vì người nghiêm, ít nói...lòng mẹ tôi mới thực là địa hạt tình cảm của tôi" (Chân Trời Cũ, tr. 139).
Đối với cha, Hồ Zdếnh kính và uý, với mẹ Hồ mới thấy thoải mái, yên vui. Cha đã nghiêm, ít nói, quê nội lại xa vời nên chỉ gây được trong lòng Hồ một chút tình cảm không lấy gì làm thắm thiết :
"Mây ơi, nếu lạc về phương Bắc
Chậm chậm cho ta gửi mấy lời:
Từ thuở ly hương ta vẫn nhớ,
Nhưng tình...xa lắm gió mây ơi".
"Tư hương", Hoa Xuân Đất ViệtRõ ràng cái "nhớ" ở đây chẳng có gì là sôi nổi, bồng bột, quả là thứ tình..."xa lắm". Ngược lại, hướng về quê mẹ, Hồ thường có những dòng cảm động dù chỉ là những chi tiết tầm thường. "Đê thắm, bưóm vàng, con sông be bé..." thì ở đâu mà chẳng có, song dưới ngòi bút Hồ Zdếnh, chúng có một giá trị đặc biệt vì Hồ đã trút lên cảnh vật lòng thương yêu thắm thiết của mình.
Như một người Việt Nam thuần tuý, Hồ Zdếnh cũng xót xa thấy Việt Nam bị giày xéo dưới gót thực dân :
"Tám mươi năm đô hộ, tám mươi năm !"
Và mơ cho Việt Nam một ngày mai tươi sáng hơn :
Trái với Samuel Baron, hay Michel Đức Chaigneau, chính cái bé nhỏ, kém cỏi của Việt Nam đã khiến chàng "quân tử Tầu" này thiên hẳn về quê mẹ : "Bao giờ cho sáng lều tranh nhỏ..."
"Mái lều tranh", Hoa Xuân Đất Việt"Chính sự khó và chậm ấy khiến tôi yêu nước Nam của tôi bằng một tấm lòng trọng đại, một mối tình vô song, nhất là quê hương thứ hai cua tôi lại không được huy hoàng, rực rỡ." ("Em Dìn", Chân Trời Cũ).
"Nước Nam Của Tôi", đọc Hồ Zdếnh ta thấy nhan nhản những dòng bộc lộ tình yêu Việt Nam :
"Hỡi vô cùng yêu dấu - Nước ta ơi ! " ("Trang sách xưa", Hoa Xuân Đất Việt).
"Lòng tôi thương sâu xa đất nước Nam" (Chân Trời Cũ, tr. 151).
"Nước Nam yêu quý của tôi" (Chân Trời Cũ, tr. 151).
Hồ Zdếnh yêu thương Việt Nam qua hình ảnh người mẹ, nhưng lại cũng yêu Việt Nam như mẹ yêu con, con càng xấu xí càng thương nhiều hơn để bù đắp.
Hồ Zdếnh không chỉ yêu Việt Nam mà "chính là say" Việt Nam, cho nên rất chủ quan khi nhắc nhở đến quê hương của mẹ :
"Nước Nam, quê hương thứ hai của tôi còn đẹp lắm, người nước Nam rất đỗi hiền lành..." ("Chị Yên", Chân Trời Cũ).
Dân tộc Việt Nam có thật hiền lành hơn hẳn các dân tộc khác không ? Muốn tin tưởng Hồ Zdếnh, chúng ta phải quên đi những "ngoại lệ"; những bà mẹ chồng, những bà mẹ ghẻ, những cường hào, ác bá...dưới ngòi bút các nhà văn khác.
Hồ còn đi xa hơn nữa, không những người Việt Nam hiền lành mà đất nước Việt Nam cũng hơn đời :
"Tôi yêu vô cùng cái giải đất cần lao này, cái giải đất thoát ra được ngoài sự lọc lừa, phản trắc, cái giải đất chỉ bị bạc đãi mà không bạc đãi ai bao giờ ("Sáng trăng xuông", Chân Trời Cũ).
"Khi yêu trái ấu cũng tròn...". Hồ Zdếnh không quan sát Việt Nam bằng đôi mắt, Hồ Zdếnh ngắm nhìn Việt Nam bằng quả tim thiên tư.
Chúng ta đã đánh giá văn tài của Hồ Zdếnh, nhưng hình như ít quan tâm đến công dân Hồ Zdếnh. Hồ Zdếnh không chỉ yêu Việt Nam bằng đầu lưỡi, Hồ Zdếnh thực sự đã "sống gửi thịt, thác gửi xương" ở Việt Nam. Đối với Hồ Zdếnh, chỉ có tấm lòng mới "đáng kể" :
"Nhưng trên cả tình và tài...đó là tấm lòng" Hồ Zdếnh đã viết như thế và còn trích thêm một câu Kiều :
"Chữ "tâm" kia mới bằng ba chữ "tài",
khi đề tựa Chân Trời Cũ.
Văn tài của Hồ Zdếnh khiến ta quý trọng, tấm chân tình của Hồ Zdếnh làm cho ta cảm động.
IV. Kim LEFEVRE (1937 ? - ) Sinh tại Hà Nội, có lẽ vào năm 1937 : Kim không có khai sinh thực sự. Cái tên Lan Kim Thu do cha dượng đặt và khai cho khi Kim lên mười để có giấy tờ đi học.
Cha đẻ là một quân nhân Pháp, Jean Tiffon, song hai cha con chưa bao giờ gặp nhau : Kim là con vô thừa nhận. Mẹ Kim người Bắc, có một trình độ học vấn cao so với phụ nữ thời xưa (Certificat détudes), vì trót sinh con hoang nên bị gia đình hất hủi. Thời thơ ấu của Kim là một chuỗi ngày đau khổ, lọt lòng mẹ đã bị gửi đi ở vú, rồi nhờ họ hàng, hết nhà này đến nhà kia - mẹ còn phải nhọc nhằn kiếm tiền. Đi đến đâu Kim cũng toàn nghe những lời cay đắng :"Cái giống lai nó bạc lắm". Năm lên 6, mẹ bị gia đình ép phải bỏ Kim vào Viện mồ côi, đời sống lại còn cay cực hơn đến nỗi có lần Kim toan tự tận. Năm 1945, vì thời cuộc, Viện phải giải tán, Kim đuợc mẹ đón về, song vì không nhận ra mẹ, bà phước không chịu giao trả. Người mẹ buồn tủi, khóc lóc, trông cái dáng sụt sùi, thiểu não của mẹ, một hình ảnh quen thuộc chợt lóe ra trong ký ức Kim, cuối cùng hai mẹ con cũng được đoàn tụ. (Nếu quả Kim sinh năm 1937, 1943 vào Viện, 1945 xuất Viện thì mới ở có hai năm sao Kim đã có thể quên được mẹ ?). Tiếng gọi là "đoàn tụ", thực ra xuất Viện là Kim lại tiếp tục cuộc đời "ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô" một thời gian nữa rồi mới được mẹ đón về ở với cha dượng, một người Tầu ở Chợ Lớn, hết sức lạnh nhạt với Kim mặc dầu cô bé tìm đủ mọi cách để lấy lòng. Không thành công, Kim dám xoay ra ăn cắp tiền cốt để bị trừng phạt, ít nhất như thế người ta cũng có đếm xỉa đến Kim, nhưng Kim vẫn thất bại. Năm 12 tuổi cha bán đi làm con ở.
Cũng may mẹ Kim đủ sáng suốt để nhận định Kim cần phải có học vấn để tự tạo một tương lai sáng sủa. Người đàn bà vốn rất phục tòng chồng này đã không ngần ngại, lén lút xin cho con riêng đi học, và Kim đã đi học trong một tình trạng khác người : học bài vụng trộm trong bếp, cặp sách dấu trong đống củi...Mặc dầu gặp nhiều trở ngại, song nhờ trí thông minh và nhất là nhờ sự giúp đỡ tận tình của mẹ, Kim đã giành được một địa vị trong xã hội : tốt nghiệp hạng ba trường Đại học sư phạm và được bổ nhiệm ngay tại Saigon. Mấy tháng sau, được học bổng sang Pháp (1960) Kim đã chọn ở lại Pháp, đi dạy học các trường trung học một thời gian rồi chuyển sang ngành ca kịch. Đã từng trình diễn ở các nước Âu, Á và Phi châu.
Năm 1989, Kim cho ra đời cuốn Métisse blanche (Đứa con gái lai bạch chủng) và được Bernard Pivot mời lên đài truyền hình phỏng vấn. Nhờ cuốn sách này Kim đã nối lại được liên lạc với Việt Nam mà Kim cố tình tránh né từ lâu : Việt Nam gợi cho Kim những ngày thơ ấu đầy đau khổ. Ngày nay Kim đã trở về thăm gia đình và thăm Việt Nam, Kim đã giải tỏa được nỗi sợ hãi Việt Nam mà Kim vừa yêu lại vừa hận.
1990 Kim cho ra tiếp cuốn thứ hai Retour à la saison des pluies (Trở lại mùa mưa).
Hai tổ quốc mà không một chỗ đứng
Kim chưa ra đời đã bất hạnh : mẹ Kim vừa có thai thì người cha đột ngột bỏ đi không một lời từ biệt. Có lẽ ông ta cũng yêu mẹ Kim, nhưng chưa đủ để vượt qua những trở ngại của xã hội để đi đến hôn nhân.
Cha không nhận, người Pháp ở Việt Nam cũng không mấy ai muốn có liên hệ xa gần gì với giọt máu rơi này. Khi còn làm bếp cho một ông Giám đốc Viện Hải học ở Nha Trang, thấy ông có ý săn sóc dạy Kim tiếng Pháp, mẹ Kim đánh bạo xin ông giúp Kim đi học, Kim chẳng cũng thuộc nòi giống của ông đấy ư ? Lập tức ngày hôm sau bức tường phân chia chủ tớ lại được vạch ra phân minh. Rồi đến khi Kim đi học ở Đà Lạt, bà Mẹ Nhất cũng lộ vẻ khó chịu khi Kim tỏ lòng biết ơn theo kiểu Việt Nam mà bà cho là quỵ luỵ.
Cha không ngó ngàng đến, người Pháp không nhìn nhận, thậm chí cả những người lai như Kim cũng khinh bỉ Kim là " annamite ". Đối với Kim, nước Pháp đại diện cho người cha mà Kim thù hận. Kim tưởng tượng cha mình là một thực dân hống hách, thuộc " phe bên kia ". Tóm lại, Kim không có cảm tình với quê cha, tuy nhiên, đôi khi ngắm những tấm hình phụ nữ Pháp trẻ đẹp treo trên tường Kim cũng có lần ao ước mình là một cô gái Pháp, và cảm thấy tủi hổ vì thân phận " annamite " của mình !Nhưng giấc mơ trở thành người Pháp chỉ thoáng qua vì những người thực lòng yêu thương Kim toàn là người Việt, dù đếm được trên đầu ngón tay : mẹ, bà Tư, bà Pho...cho nên Kim thường vui vẻ nhận mình là Việt Nam, thích ăn cơm ta, thích mặc áo dài hơn áo đầm, thích đi chùa hơn đi nhà thờ, và còn tự hứa lớn lên sẽ nhuộm răng thật đen...Kim mong muốn trở thành một cô gái Việt thuần tuý và tự lừa dối mình bằng cách tránh soi gương để khỏi phải đối chiếu với sự thực. Có lúc Kim cũng ao ước cha mẹ mình là người Việt, nếu không thì cũng mong mỏi gặp một tai nạn lớn để có thể trút bỏ hết những giọt máu Pháp trong mình. Song dù Kim có tự lừa dối đuợc mình thì bạn bè, kể cả những người thân nhất, đôi khi cũng thốt ra những lời làm Kim tủi cực : " Mày là con lai, chúng tao tin mày thế nào được ? ". Người lớn cũng một luận điệu : " Nuôi làm gì cái giống lai, ngày sau lớn lên, cái máu Tây mạnh hơn, nó sẽ bỏ mình ngay. Giống lai là chúa bạc ".
Bên cha không nhận, bên mẹ hất hủi, Kim lại mơ ước đến một giải pháp thứ ba : tìm ra một xứ trong đó chỉ có toàn người lai ở, từ cha mẹ đến cô giáo đều lai tuốt. Ở đó Kim sẽ không thấy mình lạc loài và cô đơn.
Là một cô bé nhạy cảm, thèm khát yêu thương mà chỉ tiếp nhận những cử chỉ lạnh nhạt, những lời nói phũ phàng, Kim rất hận Việt Nam, hận đến nỗi từ khi định cư ở Pháp, trong suốt 30 năm, Kim hầu như tuyệt tình với người Việt, tránh né tất cả những gì liên quan đến Việt Nam.
Ngày nay bình tâm nghĩ lại, Kim đã thận trọng cân nhắc : " Việt Nam đã nuôi dưỡng tôi, những tình thương đầu tiên tôi đã tiếp nhận là ở Việt Nam. Tôi nói tiếng Việt, thấm nhuần văn hoá Việt. Tôi thiết tha với Việt Nam, tổ quốc của tôi. Tôi đã hết lòng hoà mình vào đời sống Việt Nam, nhưng Việt Nam không yêu tôi và sẽ chẳng bao giờ chấp nhận tôi. Tuy vậy tôi cũng không lên án Việt Nam. Việt Nam với tôi là hình ảnh người mẹ dịu hiền " (Métisse blanche). " Phụ tình án đã rõ ràng... ".
Còn đối với nước Pháp đã giang tay đón cô sinh viên du học, những ác cảm và thành kiến ban đầu đã hết ngay từ ngày Kim đặt chân đến Paris. Duy đối với người cha thì Kim dứt khoác giữ vững lập trường : " Có thể sau này tôi sẽ tìm gặp đứa em cùng mẹ khác cha, nhưng bắt liên lạc với người cha ấy thì không bao giờ ! ".
Xã hội Việt Nam qua tác phẩm của Kim Lefèvre
Có người từng đặt câu hỏi : " Cái xã hội mà Kim Lefèvre mô tả có đúng sự thật không ? ".
Tôi nghĩ rằng khi viết, Kim Lefèvre đã chân thành và cố gắng tỏ ra khách quan song có thể Kim còn bị giới hạn vì hai điểm :
- " Giáo dục " gia đình.
- Mặc cảm làm con lai.
Cái xã hội mà Kim Lefèvre mô tả có rất nhiều người lấy Pháp và rất nhiều người lai, cậu Albert, anh Yves, bốn người cô họ lai, cùng mẹ nhưng khác cha...Chính mẹ Kim không phải chỉ " xẩy chân " có một lần với cha Kim mà sau đó còn sinh thêm một đứa con trai với một người quân nhân Pháp khác. Và cũng chính mẹ Kim đã từng mơ ước Kim được một người Pháp để mắt tới dù khi ấy Kim chỉ mới có hơn 10 tuổi. Lấy Tây tuy chưa hẳn là một chuyện bình thường nhưng cũng là chuyện thường xảy ra trong gia đình và chung quanh Kim. Đối với ngoại quốc người Việt thường tỏ ra rất cởi mở, riêng về vấn đề hôn nhân dị chủng thì người Việt thời xưa lại rất kỳ thị, đặc biệt với người Pháp sự kỳ thị còn đèo thêm mặc cảm của người dân bị đô hộ. Những cuộc phối hợp dựa trên tình yêu như trường hợp mẹ Kim rất hiếm, phần đông chỉ là chuyện bị cưỡng ép, và nếu có " tự nguyện " thì cũng dựa trên căn bản lý tài, cho nên những người lấy ngoại quốc thường bị khinh bỉ, con nhà " nền nếp " đến bước đường cùng cũng không chịu làm " me tây ". Gia đình Kim, cái " nền nếp " đã trở nên lỏng lẻo, do đó có nhiều điều Kim không hiểu hoặc hiểu lầm, tỉ như chuyện bóp cổ con gái khi mới đẻ ra, Kim nhắc đi nhắc lại mấy lần trong cả hai cuốn sách. Tôi chỉ nghe người Tầu giết con gái, chưa từng nghe người Việt bóp cổ con gái bao giờ, có nghèo thì cũng chỉ đến bán con là cùng. Cái xã hội Việt Nam xưa tuy có trọng nam khinh nữ thật nhưng chưa đi đến chỗ bóp cổ con gái.
Cái xã hội Việt Nam ấy cũng rất giả dối, nghĩ một đằng làm một nẻo, đặc biệt trong quan hệ nam nữ. Người con gái muốn được kính nễ thì phải " treo giá ngọc ", Kim là con lai càng phải " gìn vàng giữ ngọc " gấp bội để xoá bỏ thành kiến rằng con lai thuộc loại dễ dàng. Cho nên Kim cương quyết né tránh anh chàng phi công tài hoa khi nhận ra lòng mình " dường đã xiêu xiêu ". Có lẽ mẹ Kim đã điêu đứng vì trót nhẹ dạ cho nên nhồi nhét vào đầu Kim " làm thân con gái chữ trinh làm đầu " ngay từ khi Kim còn bé, và Kim đã ghi lòng tạc dạ mà chẳng hiểu gì, đến nỗi lần đầu tiếp nhận một luồng mắt đưa tình, cô bé sợ hãi bật khóc vì tưởng mình đã mất trinh !
Cái xã hội Việt Nam ấy đã kỳ thị lại bất công, trút lên đầu những người lai, những đứa trẻ vô tội, tất cả hận thù của một nước bị đô hộ. " Ở Việt Nam tôi chưa hề thấy ai lên tiếng bênh vực cho những đứa con lai như tôi bao giờ ".
Đâu là sự thực ?
Viết xong Métisse blanche Kim đã giải toả được mối hận và những mặc cảm về Việt Nam, song tận đáy lòng Kim vẫn ẩn náu một cô bé đã bị Việt Nam ngược đãi, Kim không tài nào quên được.
Thuở nhỏ Kim quả có một đời sống cay cực, nhưng nói rằng " Việt Nam không yêu và sẽ không bao giờ chấp nhận " Kim thì có phần oan cho Việt Nam. Ngay thời ấy Kim cũng vẫn có những người thành thật yêu Kim : mẹ, bà Tư, bà Pho, lũ bạn ở nhà quê đã từng mời mọc Kim về nhà...thế không là " chấp nhận " thì là gì ? Dĩ nhiên người ta không thể quên đi được sự khác biệt của Kim rành rành in trên nét mặt. Sự khác biệt ấy có thể là một khuyết điểm (như Kim nghĩ), song bà Tư đã chẳng giảng cho Kim hay rằng nó có thể trở nên ưu điểm đấy ư ? Quả nhiên khi Kim vừa lớn lên ; biết bao nhiêu người đã cảm cái sắc đẹp của Kim song vì mặc cảm Kim yên trí những người này chỉ muốn lợi dụng mình. Như vậy không đúng, cái anh chàng Hồ đã chẳng hết lòng yêu và giúp đỡ Kim ngay từ ngày Kim mới bắt đầu bước chân vào Đại học cho tới khi sang Pháp ? Trường hợp này phải nói chính Kim đã phụ Hồ : tuy không yêu nhưng để mặc cho Hồ săn sóc mình như một vị hôn phu chính thức.
Việt Nam bị đô hộ, hận thù tích lũy, gặp dịp phát tiết là trút ra, có kể gì đến phải trái hay bất công ? Đành rằng hành động như thế chẳng có gì là quang minh chính đại, nhưng thử hỏi có dân tộc nào bị giày xéo, áp bức mà không cảm thấy nhục nhã, uất hận ? Ngay như nước Pháp mà Kim chọn để định cư vì " người Pháp không kỳ thị " thử hỏi sau Thế chiến Hai, họ đã đối xử ra sao với những phụ nữ đã từng thân cận với người Đức ? Họ không gọi những người này là " me Đức " nhưng họ đã gọt đầu bêu riếu những người đàn bà khốn khổ này. Lòng kỳ thị phát sinh ra từ cuộc sống bấp bênh nhiều hơn do sự khác biệt chủng tộc. Sự khác biệt chỉ gây tính hiếu kỳ nếu quyền lợi của người quan sát không bị đe dọa. Nước Pháp ngày nay không còn như nước Pháp khi Kim mới bước chân sang, hẳn Kim cũng đã nhận thấy nạn thất nghiệp ngày một gia tăng cùng với chính sách bài ngoại của Le Pen ?
Kim nhận xét ở Việt Nam mình bị lạc loài, sang Pháp được đón nhận ngay. Nhưng hai trường hợp khác hẳn nhau. Nước Pháp giang tay đón tiếp một thiếu nữ trẻ đẹp, có học vấn, có nghề ngghiệp, tương lai. Việt Nam, trái lại, phải bắt buộc cáng đáng một đứa con rơi của kẻ thù, có thể lớn lên nó sẽ hùa theo những đứa con lai khác quay lại ức hiếp, khinh khi người nuôi dưỡng nó. " Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ "...Đã thế Việt Nam lại nghèo khổ, " ốc đã chẳng mang nổi mình ốc ", còn đèo bòng cọc rêu sao được ? Kim phàn nàn ở Việt Nam không có ai bênh vực những đứa con lai, nhưng thời đô hộ, con lai thừa quyền uy để ức hiếp người Việt thì họ còn cần gì ai bênh vực ? Tại sao kẻ bị áp chế lại phải lên tiếng bênh vực cho người ức hiếp mình ? Trường hợp những người lai bị khốn khổ như Kim cũng có nhưng hiếm, số người Việt bị ngược đãi nhiều hơn.
Có lẽ Kim đã đặt sai trọng tâm của vấn đề. Thật ra Kim chỉ khổ khi còn nhỏ, từ khi bắt đầu đi học và " trổ mã " thì Việt Nam không " bạc đãi " Kim nữa, trái lại người ta ưa chuộng và quý trọng Kim. Ngay cả người cha dượng cũng thay đổi thái độ, trọng Kim hơn cả con riêng mình. Kim đã có nhiều người bạn thân, Kim đã chẳng từng thề thốt " sống chết có nhau " (à la vie, à la mort) với cô bạn Lê An là gì ? Khi lĩnh bằng Đại học, chính Kim đã nhận xét, rằng không còn ai , kể cả Kim, phân biệt Kim là con lai nữa.
Kim chọn ở lại Pháp vì đời sống ở Paris thích hợp với Kim hơn. Đây là vấn đề lựa chọn tự do chứ không phải vấn đề tránh né kỳ thị. Ở Saigon, ai làm gì mọi người đều biết, ở Paris mạnh ai nấy sống, không ai có thì giờ dòm ngó đến ai. Lòng ưa chuộng tự do của Kim đã thể hiện ngay từ khi Kim hứa với mẹ sẽ xin đi dạy học ở tỉnh nhà (Tuy Hoà) song lại nộp đơn xin dạy ở Saigon, vì tự biết ở Saigon không bị gia đình kiềm thúc. Kim bỏ Việt Nam, chọn Pháp cùng một lẽ ấy. Sự kỳ thị của Việt Nam đối với Kim chỉ có thực khi Kim còn nhỏ và trong ký ức Kim.
Bốn người con lai, bốn hoàn cảnh, bốn tâm tình. Samuel Baron chỉ nhận mình đã sinh và sống ở Đàng ngoài, đủ để gây lòng tin của độc giả, tuyệt nhiên không bao giờ đả động đến người mẹ Việt. Samuel Baron tách hẳn mình ra khỏi Việt Nam, gọi dân Việt là " dân bản xứ " . Ở thế kỷ 17, Á châu chìm đắm trong đạo Nho, lại là thứ Nho suy vi, trọng văn khinh võ, trong khi Âu Châu hùng mạnh, vũ khí tối tân, rầm rộ đi chinh phục các nước Á, Phi. Việt Nam vốn đã yếu kém về binh bị, lại đèo thêm nạn Nam Bắc phân tranh càng suy nhược. Không cần phải cân nhắc cũng thấy ngay ai mạnh ai yếu. Samuel Baron chọn Tây phương cũng dễ hiểu. Đến quê cha là Hoà Lan mà Samuel Baron cũng từ bỏ để xin gia nhập quốc tịch Anh thì còn nói gì đến quê mẹ hèn yếu ? Chỉ đáng trách là muốn tỏ lòng sùng kính Âu châu, Samuel Baron đã không ngần ngại bóp méo sự thật, kể cả những điều rất dễ kiểm tra khiến người ta đem dạ hoài nghi luôn cả những điều Samuel Baron viết đúng sự thực. Mặc dầu chúng ta cần đến A Description of the Kingdom of Tonqueen chúng ta không thể không dè dặt, biết rằng những nhận định của tác giả đôi khi lệch lạc vì thiên kiến.
Michel Đức Chaigneau sống ở Việt Nam 16 năm, sung sướng tột bực, thế mà vừa đặt chân đến nước Pháp, quả tim Michel Đức đã bị chinh phục ngay. Dĩ nhiên sự lựa chọn này không thể dựa trên ân tình : nước Pháp chưa từng nuôi Michel Đức một ngày, bất quá " cậu Đức " choáng mắt vì đời sống xa hoa, rực rỡ ở Pháp. Có điều khác với Samuel Baron, Michel Đức không vì thế mà khinh rẻ quê mẹ, chối bỏ gốc Việt của mình. Trong gia đình, nếu người mẹ bị coi rẻ thì tất nhiên quê mẹ cũng không được trọng vọng. Rất có thể địa vị bà Benette Huề cao hơn địa vị người mẹ của Samuel Baron. Bà Huề được vua Gia Long và cả đạo Thiên chúa ở đằng sau hậu thuẫn. Người cha Michel Đức, Jean Baptiste Chaigneau, lại con nhà thế tộc, khác với cha Samuel Baron là nhà buôn, nên cách đối đãi của Jean Baptiste Chaigneau với vợ có thể cũng khác. Cho nên dù Michel Đức chọn ở lại Pháp nhưng đối với Việt Nam vẫn còn " vương tơ ". Đôi khi tôi tự hỏi sau khi đã nếm mùi vị đời sống văn minh có bao giờ " cậu Đức " thấy tiếc cái đời sống hủ lậu nơi quê mẹ ?
Trái với Samuel Baron và Michel Đức Chaigneau, Hồ Dzếnh và Kim Lefèvre đều tỏ lòng thương yêu Việt Nam, yêu qua người mẹ. Cuốn sách đầu tay của Hồ Dzếnh mang dòng chữ " kính dâng mẹ " thì cuốn sách đầu tay của Kim Lefèvre cũng mang hàng chữ " A ma mère ".
Tuy không có một thời thơ ấu vàng son như Michel Đức, nhưng may mắn hơn Kim Lefèvre, đời sống thuở nhỏ của Hồ Dzếnh cũng tràn đầy hạnh phúc. Gia cảnh đã hơn mà về nhiều phương diện khác Hồ cũng hơn Kim : về màu da cũng như văn hoá, Hồ Dzếnh dễ hoà đồng với người Việt, ít khi bị phát giác, bị chỉ trỏ...dường như chỉ có một lần cậu bé Hồ đã hậm hực khi bị thầy giáo tiểu học nhiếc là " cái đồ Tô Định " (Chân Trời Cũ, tr. 144) cho nên Hồ yêu thương Việt Nam cũng là tự nhiên.
Hồ là người sống hoàn toàn bằng tình cảm. Tình cảm giúp Hồ tạo nên những dòng thơ xúc động, nhưng cũng chính tình cảm đôi khi dẫn dắt Hồ đi quá đà :
" Tôi tự tạo ra đau khổ để sống, để sung sướng vì thấy mình đau khổ hơn người ". (" Chị Yên ", Chân Trời Cũ ).
Đời sống nội tâm tuy phong phú nhưng Hồ đã mon men đến bên bờ vực thẳm của não bệnh :
" Thường thường tôi chỉ sống bằng mộng. Tôi không bằng lòng ai cả. Hình như tôi không bằng lòng cả tôi. Cái đau khổ tôi tự tạo lấy, dần dần trở nên mãnh liệt. Tôi phải kiếm cớ luôn luôn cho lòng mình thắc mắc, trong cái tin tưởng quái gở là mọi người không ai yêu tôi. Đó thực là một cực hình cho kẻ nào, như tôi, chịu ảnh hưởng sự khủng hoảng tinh thần do chính mình gây ra, do chính mình ham thích ". (" Lòng Mẹ ", Chân Trời Cũ ).
Tuy cũng nhạy cảm, nhưng Kim Lefèvre không để cho tình cảm lấn át lý trí, trừ những lúc ôn lại quá khứ. Không phải thiếu phụ trung niên đã than trách " Việt Nam chẳng yêu tôi " mà chính là cô bé Kim đang hậm hực. Sự thực không phải Việt Nam không chấp nhận Kim mà là Kim không chấp nhận Việt Nam thì đúng hơn. Trong ký ức Kim chỉ có một nước Việt Nam hất hủi Kim chứ không có nước Việt Nam quý trọng Kim, yêu thương Kim.
Hồ Dzếnh chọn Việt Nam vì thương xót, Kim Lefèvre chọn Pháp vì tự do. Vấn đề đặt ra trong Métisse blanche không phải chỉ có một mà là hai ; con lai và tự do. Nhan đề " Đứa con gái lai bạch chủng " đánh lạc hướng người đọc, song lại hấp dẫn hơn một nhan đề loại " Tôi chọn tự do " .
Viết xong Métisse blanche mối hận thù Việt Nam coi như giải tỏa. Kim đã trở về thăm gia đình và Việt Nam. Kim còn dịch Tướng Về Hưu của Nguyễn Huy Thiệp và ký tên vào danh sách những người đòi trả lại tự do cho Dương Thu Hương. Quả nhiên Kim Lefèvre vẫn quan tâm đến quê mẹ.
Châtenay Malabry, tháng hai, 1992(Thế Kỷ 21, số 33, 34 và 36, 1992)
Chú thích
1. Theo Nguyễn Triệu Luật (Bốn con yêu và hai ông Đồ, tr. 155) thì phủ chúa Trịnh ở trước nhà Bảo cô Saint Antoine, phố hàng Bột ; phủ đệ của Thế tử ở chỗ nhà Tế sinh, quay về tây nam, nhìn sang phủ Chúa.Hải Thượng Lãn Ông cũng nói phủ Chúa nằm ở bên trong thành (tr. 32, 146).
2. Quán Chi (Trung Bắc Chủ Nhật, số 13, 26/5/1940, tr. 22-24) cho biết hồi đầu thế kỷ 20 có Thiện Minh Tiên nghiên cứu y học lấy thuốc Nam thay dần thuốc Bắc, đã chữa một đứa bé ngã gãy xương bằng lá với xương gà tán nhỏ, nửa tháng thì khỏi.
Sách tham khảo
- BARON Samuel, Description du Royaume du Tonkin, bản dịch của H. Deseille. Không đề năm xuất bản.
- BREBION A., Dictionnaire de Bio-Bibliographie générale, ancienne et moderne de lIndochine française. Paris : Société déditions géographiques, maritimes et coloniales, 1935.
- CHAIGNEAU Michel Đức, Souvenirs de Hué. Paris, 1867.
- CRAWFURD John, Journal of an Embassy from the Governor general of India to the Courts of Siam and Cochinchina. London : Henry Colburn, 1828.
- Hải Thượng Lãn Ông, Ký Sự Lên Kinh, Hà Nội, 1977. Dịch giả Bùi Hạnh Cẩn.
- Hồ Dzếnh, Quê Ngoại + Hoa Xuân Đất Việt. Saigon : Hoa Tiên tái bản 1969. Tái bản ở Mỹ.
. Một Truyện Tình 15 Năm Về Trước. Saigon tái bản 1969. Tái bản ở Mỹ.
. Chân Trời Cũ. Tái bản ở Mỹ.
. Hai Mối Tình. Saigon tái bản 1967. Tái bản ở Mỹ.
. Những Vành Khăn Trắng. Saigon : Hoa Tiên tái bản, 1968. Tái bản ở Mỹ.
- Hồng Lam, " Booa Dee Yaw và Thekydaw (Vua đi Giao và Tế kỳ đảo) là hai ngày quốc lễ long trọng của ta dưới triều Lê ", Trung Bắc Chủ Nhật số 144.
- Hồng Lam và Văn Hoè, " Thành Hà Nội vào thời cố A. de Rhodes ", Trung Bắc Chủ Nhật số 64.
- LEFÈVRE Kim, Métisse blanche. Paris : B. Barrault, 1989 ; Jai lu, 1990.
. Retour à la saison des pluies. Paris : B. Barrault, 1990.
- Quán Chi, " Người ngoại quốc làm quan ở Việt Nam ", Trung Bắc Chủ Nhật, 3-6-1945.
- Trần Hữu Tá, " Hồ Dzếnh ", Từ Điển Văn học, Hà Nội : KHXH, 1983