Chim Việt Cành Nam             Trở Về   ]           [ Trang Chủ          [ Tác giả ] 

Những điều trông thấy
----

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Ngày 21/11/2011, có mấy người bạn ở Pháp sang rủ tôi cùng đi xem Hoàng thành và Văn Miếu Hà nội. 
Tới Hoàng thành chẳng may gập ngày giỗ vua Trần Nhân Tông, khách thập phương đông đảo, các hiện vật mới đào được cất hết trong nhà khóa kín không vào xem được, chỉ có Cổng Đoan Môn và Điện Kính Thiên không cất được nên chúng tôi tự do tha hồ chiêm ngưỡng. Tôi giảng cho người bạn Pháp là cái Thềm Rồng trước Điện Kính Thiên gồm có chín (9) bậc -con số 9 tượng trưng cho ngôi vua, ngai vàng của vua đặt trên chín bệ- bỗng cảm thấy Thềm Rồng có vẻ khác lạ, cao hơn năm ngoái, quả nhiên chúng tôi đếm được mười một (11) bậc ! Hỏi ra mới biết các nhà "khảo cổ" vừa phát hiện thêm hai bậc nên xếp chung vào đấy. Tôi cảm thấy xếp thế không ổn nhưng vốn không có Hán học nên hoang mang tự hỏi tôi có nhầm không ? Xưa nay tôi vẩn yên trí con số chín (9) tượng trưng cho ngôi vua nên  Thềm Rồng chỉ có chín bậc :
"Trên chín bệ có hay chăng nhẽ,
 Khách quần thoa mà để lạnh lùng"... (Tần Cung Oán)
Và :
"Chín từng gươm báu trao tay,
  Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh"... (Chinh Phụ Ngâm)
nay đột nhiên Thềm Rồng có mười một bậc thì nó tượng trưng cho cái gì ? Tôi nghĩ nó chẳng có nghĩa gì cả. Nếu quả con số mười một  tượng trưng cho ngôi vua thì phải sửa những câu thơ trên là :
 "Trên mười một bệ có hay chăng nhẽ"
Và :
"Mười một từng gươm báu trao tay "
thì mới hợp cảnh, nhưng nghe rất chói tai !

Hơn nữa , xem ảnh của Bác sĩ Hocquard chụp Thềm Rồng trước Điện Kính Thiên hồi cuối thế kỷ 19 thì thấy rõ tám bậc, phía trên ảnh tối quá khg nhìn rõ nhưng trông chỉ đủ chỗ cho thêm một bậc chứ không thể cho ba bậc để thành mười một bậc được. Còn tranh của Hocquard vẽ và in trong Une Campagne au Tonkin, trang 103, thì rõ ràng chỉ có chín bậc. 
Xưa nay tôi vẫn cho hai chữ "cửu trùng" (chín bệ, chín bậc, chín từng) trỏ vua, tranh ảnh của Hocquard đều chứng minh tôi không sai, thế thì chẳng hóa ra các nhà "khảo cổ" nhầm ? 

Hoàng thành là nơi đã được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa thế giới" khách ngoại quốc đến Hà nội không thể bỏ qua không đi xem, hẳn không thiếu gì những người các nước đồng văn hóa với ta như Trung quốc, Hàn quốc, Nhật bản, họ thừa hiểu tượng trưng cho ngôi vua phải là con số chín chứ khg thể là số mười một, đứng trước Thềm Rồng mười một bậc của Việt Nam chắc họ sẽ ngớ ra.


Palais Royal 1873-1874

Thềm rồng - 1884
Xem : http://chimviet.free.fr/lichsu/chquynh/chqyn_dienkinhthien.htm
*
Sau khi chúng tôi chiêm ngưỡng "di tích" Thềm Rồng mười một bậc thì chúng tôi ghé thăm Văn Miếu. Tôi giảng cho người bạn Pháp rằng bia Tiến sĩ chỉ mới dựng thời Lê Thánh Tông,  từ năm 1484  kể cả tấm bia khoa 1442 mở đầu cho những bia các khoa sau- mặc dầu Khoa cử đã được tổ chức từ nhà Lý. Trải qua bao nhiêu chiến tranh, tai biến, Hà nội còn giữ được khoảng 83 bia, không kể ba bia các khoa đầu của triều Nguyễn (bia các khoa sau để ở Quốc Tử Giám ở Huế). 

Không nhớ tôi đọc ở đâu nói rằng mặt trước bia đề danh các Tân khoa Tiến sĩ  của khoa Thi Hội (1) năm ấy, mặt sau có bài ký tả tỉ mỉ khoa thi ấy cùng những lời tán dương công đức nhà vua mở khoa thi để cho nho sĩ có cơ hội tiến thân, đem tài năng ra phụng sự đất nước. Chỗ khác lại nói bài ký ở mặt trước , phía dưới là tên các ông Tân khoa.

Bà bạn tôi nghe xong lập tức đi vòng ra đằng sau hai dẩy bia bên phải giếng Thiên Quang để xem rồi quay lại bảo tôi không thấy bia nào có chữ mặt sau. Tôi bảo bà bạn đi xem nốt những tấm bia bên trái giếng Thiên Quang, tôi mắt kém khg nhìn rõ nên để bà đi một mình. Một lúc sau bà trở lại quả quyết khg có tấm bia nào có bài ký ở mặt sau, chỉ có mấy bia còn lờ mò nét chữ. Tôi không tin mình nhầm, chuyện văn bia là có thực vì chính tôi đã lựa chọn một số bài ký để trích in lại trong Thi Hội - Thi Đình (2), và trong bài viết về Khoa cử cho số đặc biệt về Việt Nam (1997) báo La Jaune et La Rouge của sinh viên Trường Bách Khoa Paris, bị hạn chế số chữ, tôi đã phải cân nhắc rất lâu trước khi quyết định trích câu :"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia..." của Thân Nhân Trung soạn cho tấm bia khoa 1442, một phần vì câu văn hàm súc, một phần vì bản thân Thân Nhân Trung là người lỗi lạc (3). Chính nhờ những bài ký ấy mà tôi đã giải đáp được vài nghi vẩn về Thi Đình. Chẳng hạn các Cống sinh thời Lê thi Đình cả mầy trăm người thì ngồi ở đâu ? Thời nhà Nguyễn số người thi ít hơn, chỉ mấy chục người, thì ngồi trong cung điện cũng đủ chỗ nhưng thời Lê nhiều người thì phải ngồi ở Sân Rồng lộ thiên trước cung điện cho nên Phan Huy Chú, trong Lịch Triều Hiến Chương - Khoa Mục Chí, mới viết là sau khi các Cống sinh lĩnh đầu đề và lạy tạ ơn vua thì ai về lều nấy để làm văn bài. Nếu dựa theo cách tổ chức thi Đình triều Nguyễn thì vô nghĩa vì đã thi trong cung điện việc gì còn phải mang lều vào ?

Tôi nhớ từng đọc sách báo thấy nói có một thời các nhà "bảo tồn" văn hóa đã cho lấy xi măng trét lên những bia chữ đã mờ, tôi tưởng trét độ trên dưới một chục bia thôi, nếu tất cả những bia bầy trong Văn Miếu đều bị xóa thì chuyện này có chỗ không ổn. Rất tiếc là tôi không nhớ đã đọc ở đâu và tủ sách của tôi đã bị phân tán chưa tra cứu ngay được.
Nếu bài ký chỉ viết ở mặt trước thì những nét chữ lờ mờ ở mặt sau vài bia là cái gì ? Hay là  có bia khắc bài ký ở mặt trước, có bia khắc mặt sau ? Nếu chuyện trét xi măng lên bia mờ chữ là có thực thì ai là người đang tâm ra lệnh này ?

Thêm hai bậc vào Thềm Rồng hay trét xi măng lên những tấm bia Tiến sĩ bằng đá đã mờ nét chữ có phải là những phương pháp độc đáo của Việt Nam để "bảo tồn" văn hóa lịch sử ?
 

Hà nội, Tháng 12/2011
Nguyễn thị Chân Quỳnh


1- "Thi Hội" thường được dùng để gọi chung Thi Hội và thi Đình vì Thi Đình được coi là kỳ thi cuối của thi Hội, mục đích để xếp người đỗ theo thứ bậc cao thấp.
2- Thi Hội - Thi Đình (Văn Học và Trung Tâm Nghiên cứu xuất bản, 2007).

http://chimviet.free.fr/vanhoc/chquynh/thihoi/A00-thihoi00.htm
3- Thân Nhân Trung (1418-1499) đỗ Hội nguyên khoa 1469, làm đến Thượng thư bộ Lại, Tế tửu Quốc Tử Giám, đứng đầu Viện Hàn Lâm, cùng với Đỗ Nhuận là Phó Soái "Tao đàn nhị  thập bát tú’ mà Lê Thánh Tông là Đô Nguyên Soái.