sờ
râu các cụ khảo quan |
1.
Gần
dây trên tạp chí Hợp Lưu số 63 có bài viết của bà Nguyễn
Thị Chân Quỳnh ghi lại những kinh nghiệm, những khó khăn
đã gặp phải trong quá trình nghiên cứu chế độ thi cử
tại Việt Nam thời trước.
Có
một chi tiết làm tôi chú ý. Nhà học giả nhận xét rằng
theo Quốc Triều Hương Khoa Lục thì Cao Xuân Dục là chủ khảo
kỳ thi hương năm Giáp Ngọ 1894 ở Nam Định, trong khi những
hình ảnh do Selles chụp nhân dịp xướng danh khoa Đinh Dậu1897
(xôm trò vì có mặt toàn quyền Doumer) được in lại trong
sách của Daney lại có sự hiện diện của Cao Xuân Dục ở
đấy (mà theo bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh là với tư cách chủ
khảo kỳ thi Hương này). Như vậy, theo bà, Hương Khoa Lục
(mà tác giả là Cao Xuân Dục) đã chép nhầm về khoa thi do
chính tác giả làm chủ khảo!
Sở
dĩ có sự ngộ nhận này có lẽ vì bà học giả đã quên
(hoặc chưa) đọc tiểu sử Cao Xuân Dục nên không ghi nhận
thời kỳ ông làm tổng đốc Nam Định-Ninh Bình trong thời
gian 1896-1898.
Tiểu
sử Cao Xuân Dục cho biết trong quá trình làm việc ở Bắc
Kỳ vào thập niên cuối của thế kỷ 19: "...năm 1890 ông được
thăng chức tổng đốc Sơn Hưng Tuyên... Cuối năm 1893 ông
cho xuất bản Quốc Triều Hương Khoa Lục phần chính biên.
Năm 1894 được cử làm chánh chủ khảo trường thi Hà Nam,
sau đó được phong hàm thự hiệp biện đaị học sĩ lãnh
tổng đốc Nam Định-Ninh Bình...Năm 1898 được điều về
Huế làm tổng tài quốc sử quán..."(1). Như vậy lúc ông đang
tại chức tổng đốc Sơn Hưng Tuyên thì được cử làm chánh
chủ khảo trường thi Hà Nam khóa Giáp Ngọ 1894 (nhà thơ Trần
Tế Xương đỗ tú tài khóa này); và sự hiện diện của ông
trong lễ xướng danh khóa thi Đinh Dậu 1897 chỉ có tính cách
nghi lễ trên cương vị quan đầu tỉnh (tổng đốc Nam Định-Ninh
Bình, còn gọi là Nam Ninh tổng đốc) chứ không phải với
tư cách chủ khảo khoa này.
Để kiểm chứng, khi nhìn những bức ảnh in lại trong sách của Daney, chỉ có cái ảnh Cao Xuân Dục (ông Tây ghi là le tong doc, đúng quá!) đứng một mình trơ trọi có lọng che(2) là ...Cao Xuân Dục. Còn trong số mấy ông khảo quan ngồi trên ghế cao lêu nghêu không có ông nào là Cao Xuân Dục cả, cho dù có lấy kính lúp xem lòi cả tròng, "sờ cằm đo râu" theo kiểu cảnh sát hình sự, "a-ma-tơ" kiểu Lê Phong phóng viên (3) hoặc nhờ ông Sherlock Holmes(4) điều tra với sự tiếp sức của anh bạn nối khố Dr Watson cũng chịu thua không tìm đâu ra cụ Cao! Mà cũng dễ hiểu thôi, ai mà chẳng biết mấy khi quan đầu tỉnh Nam Định lại được cử làm chánh chủ khảo ngay ở trường Nam Định, vì sợ ông sẽ thiên vị sĩ tử tỉnh nhà. Thế là đóng hồ sơ cái rụp, và Sherlock Holmes sẽ nheo mắt bảo anh bạn nối khố: "Có gì đâu mâ phải động não? It?s elementary, my dear Watson!"
2.
Và
nếu ông Sherlock Holmes buồn...ngủ vì chẳng có việc gì để
mà động não, buồn tình tôi cũng sờ... râu con kiến, nghĩ
mình cũng nên tìm hiểu về khoa Đinh Dậu 1897 này xem nó ra
làm sao. Đằng nào thì cũng phải Redde Caesari quae sunt Caesaris!
Khó gì, mở cuốn Hương Khoa Lục ra xem thì thấy ghi rành rọt
chủ khảo khoa này là Đồng Sĩ Vịnh, Tả tham tri bộ Lễ
sung biện Các vụ, từ Huế ra; phó chủ khảo là Nguyễn Quán,
Hàn lâm viện trực học sĩ kiêm toản tu Quốc sử quán cũng
từ Kinh ra. Vậy trong số mấy ông ngồi trên ghế cao lêu khêu
hoặc ngồi ăn yến chắc là có hai ngài này...Có một ông
diện mạo oai vệ, đầu chít khăn, phải chăng là Hoàng Cao
Khải kinh lược Bắc Kỳ? Xin nhờ Sherlock An Nam nào điều
tra hộ xem, bởi vì ở lễ xướng danh hai khoa thi Hương 1891
và 1894 trước đó đều có sự hiện diện của quan kinh lược
họ Hoàng (xem ở phần sau), huống chi lần này lại có toàn
quyền Doumer mới sang nhậm chức. Và nếu tiếp tục làm việc
"nghiêm túc" thì cũng nên tra cứu thêm về hành trạng quan
chủ khảo khóa Đinh Dậu 1897: Đồng Sĩ Vịnh, Cụ là ai? Hãy
trả về cho César, à quên, cụ Đồng Sĩ Vịnh những gì của
cụ, có phải không ạ?
Hương
Khoa Lục ghi Đồng Sĩ Vịnh trúng cử nhân khoa Tự Đức Tân
Dậu (1861) ở trường thi Thừa Thiên (do Phan Huy Vịnh làm chủ
khảo), đỗ thứ 26 trong số 30 ông cống, nhưng không ghi lúc
ấy ông bao nhiêu tuổi. Tra thêm Quốc Triều Khoa Bảng Lục,
thì không thấy ông đỗ tiến sĩ hay phó bảng(5). Ông quê
quán làng Mậu Tài, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.
Sẵn
có Đại Nam Thực Lục(6) đầy đủ 38 tập trong nhà, bèn mở
ra xem có thêm dữ liệu gì không, thì được biết hoạn lộ
của ông cũng ba chìm bảy nổi, tuy chưa phải lên voi xuống
chó như Nguyễn Công Trứ. Năm Tự Đức thứ 27 (1874) Đồng
Sĩ Vịnh giữ chức viên ngoại lang ở Cơ Mật viện bị giáng
cấp vì việc chiếu chỉ ban hành bất cập (tên hoạn quan
dính líu trong vụ này bị đánh 80 trượng!) Cũng năm ấy ông
làm khoa đạo, đàn hặc sứ bộ Phan Sĩ Thực, sau 2 năm đi
sứ ở nước Tàu trở về lại đi thẳng về nguyên quán chứ
không vào Kinh chầu vua ngay. Năm 1876 Đồng Sĩ Vịnh làm bố
chính Nam Định, thành bị quân Pháp đánh hạ, ông bị cách
chức, phải phạt làm lính đi tiên phong để chuộc tội. Năm
1885 ông lại được triều đình cử làm tuần phủ Ninh Bình
nhưng chẳng bao lâu bị quân Pháp bắt giam một thời gian.
Về Kinh năm 1887 ông được cử làm phó quản đốc "thông
bảo chuyên nha" phụ trách đúc tiền (Đồng Khánh Thông Bảo).
Đại Nam Thực Lục tập cuối cùng chép đến 1888 là năm vua
Đồng Khánh mất. Như ghi trong Hương Khoa Lục, với tư cách
Lễ bộ Tham tri dưới đời Thành Thái ông được cử làm
chủ khảo thi Hương trường Hà Nam năm 1897 (lúc này trường
Nam (đã) thi lẫn với trường Hà - thơ Tú Xương - từ khoa
1886). Với cái đà này chắc ông phải lên tới chức thượng
thư trước khi về hưu chẳng chơi! Lục những cuốn "từ điển
danh nhân" không thấy ghi chép gì về Đồng Sĩ Vịnh. Chỉ
thấy trong Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam (7) có chép
về ông Đồng Sĩ Bình (1904-1930) quán làng Mậu Tài, có hoạt
động cách mạng (không nói rõ theo đảng phái hay khuynh hướng
nào) và bị cầm tù, đày ải trong nhiều năm.
Họ Đồng Sĩ là một dòng họ lớn ở Thừa Thiên. Tôi nhớ hồi còn bé ở Huế có ông Đồng Sĩ Nga làm tỉnh trưởng vào khoảng 1950 là bạn của thân phụ tôi. Thế nào chẳng có thân thuộc dòng họ này lưu lạc sinh sống ở hải ngoại. Làng Mậu Tài thuộc huyện Phú Vang nằm gần thành phố Huế, tên làng đã đi vào tâm thức dân gian qua những câu ru hời đậm đà mà kẻ sinh đẻ ở Huế như tôi vẫn nhớ hoài:
Ru em cho théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua cau ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón Mậu Tài bán kim.
Giả sử vào một ngày đẹp trời ông (bà) khách (Việt kiều?) quay gót về thăm chốn Thần Kinh. Sau mấy màn tham quan lăng tẩm, "ngủ đò", bún bò, cơm hến, bia hơi, khách bắt đầu... chán, cảm thấy ngứa ngáy, định cất bước giang hồ đi nốt chặng đường đất nước, chợt nhớ cái "vấn nạn" thi cử năm xưa: Đồng tiên sinh, cụ là ai? Đất nước đổi mới, đi lại cũng dễ, khách bèn rời khách sạn (nhà nghỉ, nhà khách??), bỏ dăm ba đôn (euro còn ít người xài), mướn chiếc xe (ôm) phóng về làng Mậu Tài - không phải đi mua kim chỉ đâu nhá mà để làm một chút "điền dã". Vâng, tìm đến từ đường họ Đồng Sĩ, biết đâu trên bàn thờ lại chẳng có bức chân dung của cụ Đồng Sĩ Vịnh. Nhẩn nha đọc một vài câu đối (nếu biết chữ Hán!), ngắm bức hoành phi, hỏi chuyện với hậu duệ 3, 4 đời của cụ, tò mò xin cho xem cuốn gia phả, chắc là có vài dòng ghi lại chặng đường khảo quan của tiên sinh ở xứ Bắc kỳ Bảo hộ vào thời kỳ "quá độ tây-ta" thủa xa xưa ấy... Việc này thực hiện dễ như chơi, nếu... muốn.
3.
Gần
đây có dịp về Việt Nam tôi thử làm một chuyến "giang hồ
văn hóa vặt", gọi là lần theo dấu chân của tiền nhân,
để xem dấu vết còn lại có đúng như đã ghi trong hành trạng
cụ cố tôi là Cao Xuân Dục khi ông làm việc ngoài Bắc. Tôi
đã "khám phá" được gì? Có ông bạn (thông thạo chữ Hán
là cái chắc rồi) chỉ cho tấm bia ở chùa Đồng Quang (Hà
nội) cạnh gò Đống Đa, ghi lại việc tu sửa chùa này với
sự góp sức của Cao Xuân Dục khi ông làm bố chính Hà nội
(1886) cùng với tổng đốc Lê Đĩnh và khâm sai Nguyễn Trọng
Hợp (8). Thời gian ông làm Sơn Hưng Tuyên tổng đốc còn để
lại di tích ở chùa Thầy, và ở động Hoàng Xá hiện nay
vẫn còn tượng Cao Xuân Dục được khắc ở vách. Trong Long
Cương Văn Tập (9) lưu ở viện Hán Nôm (Hà nội) có ghi lại
bài văn bia ông soạn nhân dịp trùng tu văn miếu ở Sơn Tây.
Tôi chưa có dịp tìm xem và không rõ bia này có còn không.
Thời
gian ông làm tổng đốc Nam Định-Ninh Bình (1896-1898) còn để
lại khá nhiều vết tích: những bi ký do ông soạn trong dịp
trùng tu các di tích lịch sử rải rác đó đây, như ở nền
nhà Hưng Đạo Đại Vương (Tức Mặc), đền Không Lộ (nội
thành Nam Định cũ).... Đặc biệt là văn bia do Cao Xuân Dục
soạn năm Thành Thái thứ 13, 1901 (lúc này ông đã vào Huế
làm việc ở Quốc Sử Quán) nhân dịp trùng tu xong Phủ Giầy
Vân Cát ở ngoại thành Nam Định. Tên bia là "Thánh Mẫu Cổ
Trạch" (nhà ở ngày xưa của Thánh Mẫu - Liễu Hạnh, CXTứ
chú), "Linh Từ Bi Ký" (bia ghi chép về ngôi đền thiêng), nội
dung cho biết: "Phủ Vân Cát ...dựng từ đời Lê Cảnh Trị
(10) , đời Cảnh Thịnh (11) mở rộng ra, đến năm kỷ mão
(1879) đời Tự Đức được sửa sang, lợp mái lại. Năm Thành
Thái thứ 10 (1898) đền bị hư hại vì mưa gió, quan huyện
hợp sức với quan tỉnh vận động quyên góp công đức, cùng
với thân hào đứng ra tu sửa, đến năm Thành Thái thứ 12
(1900) thì xong..."
Văn
bia này dựng ở Ngũ Vân Lâu phía trước Phủ Giầy, là một
trong những địa điểm thờ Mẫu nổi tiếng ở miền Bắc
(ngang hàng với Phủ Tây Hồ ở Hà nội, đền Sòng ở Thanh
Hóa...) Qua bao lớp sóng phế hưng, cải cách ruộng đất, đấu
tố, bom đạn...Phủ Giầy Vân Cát (Vân Cát nữ thần: mẫu
Liễu Hạnh, CXTứ chú) vẫn còn đó, văn bia vẫn còn đây
(mới 100 năm thôi mà!). Công trình kiến trúc hiện nay theo
dạng trùng thiềm, hình chữ "quốc", là kiểu phổ biến đời
Nguyễn. Ngày nay trong bầu không khí đổi mới, thời "nhang
khói thị trường", vào dịp hội lễ hàng năm vào tháng Ba
âm lịch, hàng ngàn người đổ xô về Phủ Giầy cầu xin
lộc thánh (mẫu), chen lấn xem lên đồng, làm mồi rất ư
là ngon cho... bọn móc túi!
Tôi
đến đây một chiều đông giáp Tết, trời rét căm căm, thành
ra không được thấy cảnh nhộn nhịp này, nhưng lại được
thưởng thức mấy quả chuối ngự mua ở cổng đền, đặc
sản xứ Sơn Nam Hạ ("ăn chuối ngự, đọc thơ...Xương"),
bé bằng ngón tay mà cực kỳ...ngon. Lác đác mấy bà sồn
sồn phấn son lòe loẹt vào đền khấn vái (cầu tài? giấc
mơ hồi xuân?) và một cặp còn trẻ dáng điệu ngơ ngác,
hỏi ra thì họ đến đây để cầu tự.
Chẳng
phải vì tình cờ mà bài thơ "Phủ Giầy" của tôi (Hợp Lưu
số 65) có mấy câu:
...
tình đói ăn xin
mút mùa chiêm
từng bát từng bát
đong nỗi cô đơn vàng mã
em phủ phục
huyền thoại mẫu nào cụ thể hơn
giấc mơ phồn thực
và tôi chở khói hương
đi vào vận hội
...
4.
Có
thể nói cuộc đời ngắn ngủi (37 năm) của nhà thơ Trần
Tế Xương đã nổi trôi theo những mùa thi ở thành Nam, nơi
ông sinh trưởng: ông đi thi những tám lần mà chỉ được
mỗi một chân Tú tài. Những khoa thi này vẫn còn sống mãi
trong tâm tưởng (một vài) chúng ta cũng nhờ những vần thơ
trào lộng của ông.
Khóa thi Đinh Dậu 1897 thiên hạ nháo cả lên vì có tân toàn quyền Đông Dương Paul Doumer dùng đường thủy tới dự lễ xướng danh, nào lính nào tàu chiến hộ tống, đại bác bắn chỉ thiên ra oai, chả là lúc ấy dư luận xôn xao về vụ Kỳ Đồng khởi nghĩa. Ngoài Doumer còn có sự hiện diện của thống sứ Bắc Kỳ Fourrès và công sứ Nam Định Lenormand. Cái hoạt cảnh Tây Ta "giao lưu" được ghi lại thật sống động, như những hình ảnh của một bài phóng sự chớp nhoáng hay một cuốn phim thời sự đập ngay vào mắt:
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra
Hoặc:
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngoảnh đầu rồng.
Theo Nguyễn Văn Hoàn (12) thì ngay ở khoa Tân Mão (1891) đã có "Tây" về dự: thống sứ Bắc Kỳ Neyret đi cùng với kinh lược Hoàng Cao Khải. Nhà văn Nguyễn Tuân đã ghi lại lễ xướng danh khoa Giáp Ngọ (1894) là khóa Tú Xương đỗ tú tài, cũng có Tây đến "quậy". Với giọng khinh bạc thường lệ, chả cần tuân thủ một quy luật văn bản học nào hết, ông viết: (13)
"Ở
một đống giấy lộn trong thúng một bà đồng nát bán rong
sách báo Tây cũ làm giấy gói hàng ở dọc phố Lãn Ông Hà
Nội, thấy có những tờ rời nói về khoa thi hương Giáp Ngọ
(1894) ông Xương đỗ tú tài rằng:
"Trường thi Nam Định năm 1894 đông như kiến cỏ...Kỳ đệ nhất vào ngày 25-10-1984, kỳ đệ nhị ngày 15-11. Kỳ đệ tam 25-11. Vào kỳ phúc hạch đệ tứ là ngày 2-12-1984. Ngày 8-12-1894 là lễ xướng danh những người đỗ. Tiếng loa ran lên, ồm ồm lanh lảnh. Tiếng í ới gọi nhau lạc đường của các thầy khóa, của tiểu đồng lão bộc quản gian nhổ lều đội chỏng ra về. Đám đông lên tới hai mươi nhăm ngàn người. Lễ xướng danh từ sớm cho đến chiều. Quan toàn quyền (De Lanessan, CXTứ chú) bận không đến, có quan cai trị (thống sứ) Moren thay mặt...Xướng xong tên 60 cử nhân tân khoa thì quan Moren về. Các ông tân khoa phục lạy. Ở tỉnh đường quan tổng đốc, quan kinh lược Bắc Kỳ (Hoàng Cao Khải, CXTứ chú) ban mũ, ban áo tấc xanh, ban ô, ban tráp sơn nó là những huân hiệu cụ thể của người men chân lên cái thang hoạn lộ...Ngày yết bảng ấy được kết thúc nhốn nháo la đà ở toà sứ Nam Định bằng một tiệc rượu, nhảy đầm có mặt đủ các thứ tai họng tai mũi thực dân nứt mắt cũng như xồm xoàm (...)
Tú Xương đỗ tú tài thiêm thủ (lấy thêm) khoa Giáp Ngọ 1894 do Cao Xuân Dục làm chủ khảo. Chỉ có một lần nhà thơ nhắc đến "thượng Cao" trong bài tứ tuyệt:
Này này hương thí đỗ khoa nào
Nhân hậu thay lòng quan thượng Cao
Người ta thi chữ ông thi phúc
Dù được dù không cũng muốn vào (14)
Đối
tượng "ông" ở đây được hiểu khác nhau. Lãng Nhân Phùng
Tất Đắc (nhà báo lão thành gốc Nam Định) cho rằng đây
là nói về một vị họ Từ, "quan thượng Cao Xuân Dục làm
chủ khảo thi Hương đã rộng rãi cho ông đỗ, nay ông thi
tiến sĩ nữa thì ra ông thi bằng phúc ấm tổ tiên..." Ông
này vào kinh đỗ luôn tiến sĩ, sau lần lượt làm tri phủ
(Xuân Trường), đốc học (Nam Định), tuần phủ (Ninh Bình)
(15).... Tựa đề mỗi người đặt một cách: "Thi Phúc" (Nguyễn
Văn Huyền et al), "Gửi bạn đi thi" (Sở Cuồng Lê Dư), "Gửi
bạn thi đỗ" (Vũ Đăng Văn; Hoàng ngọc Phách, Lê Thước &
Đỗ Đức Hiểu) (16)
Thượng
(17) Cao là "Cao Xuân Dục, một vị chánh chủ khảo hồi bấy
giờ được sĩ tử ca ngợi là nhân hậu" (theo Nguyễn Văn
Hoàn) (18). Nguyễn văn Huyền et al ghi: "từng làm tổng đốc
Nam Định, thượng thư bộ học. Khoa thi hương này ông được
cử làm chánh chủ khảo, có tiếng là nhân hậu, chấm nới
tay."
Chắc Tú Xương cũng có thiện cảm đối với chủ khảo khoa thi đã chấm cho mình đỗ lần đầu (và cũng là lần cuối) trong cái nghiệp lều chõng, dù chỉ đỗ tú tài vớt. Nhân hậu là phải. Ai chả biết nhà thơ đã không tiếc lời đả kích các học quan, khảo quan mà ông cho là "xí trai", dốt hoặc tham nhũng.(19)
Ở phố hàng Song thật lắm quan
Thành thì đen kịt, đốc thì lang
Thành
là quan giữ thành tên là Pháo. Đốc là quan đốc học tên
Kinh (hay Uông?), ông này da mặt loang lổ (dân Huế gọi là
bị "lác").
Dù bản thân là tay chơi có hạng ("bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ", "cao lâu ăn qu?/ thổ đĩ chơi lường" "ăn chơi liều lĩnh, tứ đốm tam khoanh"), ông lại căm ghét hạng học quan ham vui cờ bạc:
Ông về đốc học đã bao lâu
Cờ bạc rong chơi rặt một màu
Và dù tự trào đi thi "sờ bụng không một chữ gì", ông chê một khảo quan gốc gác tỉnh nhà gia đình vốn làm nghề bán thuốc bắc:
Sơ khảo khoa này bác cử Nhu
Thực là vừa dốt lại vừa ngu...
Một ông buôn sắt giả danh thầy đồ bị nhà thơ giễu tơi bời:
Hỏi thăm quê quán ở nơi mô
Không học mà sao cũng gọi đồ
...
Hỏi mãi mới ra thằng bán sắt
Mũi nó gồ gồ, trán nó giô.
Một ông huyện được cử phụ trách việc trường quy ở kỳ khảo (thi thử) cho thí sinh sắp đi thi Hương, dốt quá đến nổi có chuyện tráo bài mà không hay:(20)
Thánh cắt ông vào chủ việc thi
Đêm ngày coi sóc chốn trường quy
Chẳng hay gian dối vì đâu vậy?
Bá ngọ thằng ông biết chữ gì!
Có bản chép "đù mẹ" thay vì "bá ngọ" (tiếng nhà chùa).
Khoa Canh Tý (1900) Tú Xương lại hỏng. Kỳ này có hai tay hay chữ là Vũ Tuân và Lê Sĩ Nghị tranh nhau ghế khôi nguyên:
Hai đứa tranh nhau cái thủ khoa
Tuân khoe văn hoạt, Nghị văn già
Vũ
Tuân đỗ giải nguyên, năm sau vào kinh lại đỗ phó bảng.
Khoa thi hội Tân Sửu (1901) này do Cao Xuân Dục làm chủ khảo.
Cái tiếng "nhân hậu" của ông được biểu hiện một lần
nữa khi ông "vớt" thêm bốn người cho vào thi Đình trong dó
có Nguyễn Sinh Huy là thân phụ Hồ Chí Minh. Ông còn xin vua
(Thành Thái) cho những người đỗ phó bảng như các ông Tuân,
Huy (trước tên là Sắc) và Phan Chu Trinh cũng được ban áo
mão, cấp ngựa trạm vinh quy bái tổ. Đây là một tiền lệ
trong chế độ khoa cử triều Nguyễn (21).
Còn Lê Sĩ Nghị á nguyên sau này không đỗ đại khoa, mặc dù tăm tiếng ông dã nổi như cồn từ sáu năm trước. Lãng Nhân viết (22):
"(...)
Năm Giáp ngọ (1894) mới 17 tuổi, đã về thi hương tỉnh Nam
Định. Sĩ tử nghe tiếng ông đều lấy làm ngại. Kỳ đệ
nhất ông làm tới bảy bài kinh nghĩa. Lệ thi hương chỉ bắt
buộc có 2 bài, một bài kinh làm theo điển cố Ngũ Kinh, một
bài truyện lấy Tứ Thư làm tài liệu, ông đã làm tất cả
5 bài kinh và 2 bài truyện, bảy bài đều được phê ưu, thật
là một kỷ lục. Nhưng sau xét lại một bài truyện, đầu
bài là: Đạo chi tương hành dã dư (đạo của ta nếu gặp
lúc được thi hành) lấy chữ Luận ngữ, ông chép đầu bài
vô ý bỏ mất chữ dã. Như thế là phạm trường quy, dẫu
văn hay đến đâu cũng phải ra bảng con, nghĩa là hỏng.
"Song quan trường có ý tiếc tài. Ngày ra bảng kỳ đệ nhị, chánh chủ khảo Cao Xuân Dục cho loa gọi ở cửa trường: thí sinh Lê sĩ Nghị ở Hưng Yên, vào cho quan trường hỏi. Ông vào thì chủ khảo phàn nàn cho ông bị hỏng, ủy lạo và tặng ông bài thơ:
Vũ trụ vô hoàn cục
Giang sơn tái tú linh
Kim quân di nhất dã
Ngô
đạo ký chung thành
"(Trong
vũ trụ không có cuộc nào hoàn toàn/ non sông ta vẫn còn linh
khí/nay phải bỏ sót ông là một vậy/đạo ta mong có lúc
được thịnh hành)
"Bài thơ có ý dụng tâm, câu thứ nhất thứ hai rút ở chính bài kinh nghĩa của họ Lê làm:
Vũ trụ hoàn toàn chi cục
Giang sơn bằng tái tú chi linh
"Câu
thứ ba: tiếc ông là bậc nhân tài bị rớt lại và ngụ ý
đầu bài ông bỏ sót chữ dã.
"Câu
thứ tư: mong ông sau này thành đạt.
"Thi hỏng ông trở về cố gắng học thêm. Đến khoa Đinh Dậu (1897) lại hỏng. Cách ba năm sau, khoa Canh tý (1900) đỗ á nguyên (...)
Lãng
Nhân Phùng Tất Đắc là nhà báo kỳ cựu ở Bắc kỳ, thông
thạo tiếng Pháp lẫn chữ Hán. Ông là người đã chỉnh lại
họ tên chính thức của Tú Xương là Trần Tế Xương (chứ
không phải Kế) trên báo Đông Tây năm 1932 (23). Di cư vào
Nam ông nổi tiếng với Kim Lai Ần Quán và Nam Chi Tùng Thư,
in ấn đẹp (nhất?) Sài Thành một thời. Sau 1975 ông sang tị
nạn ở Anh. Bài viết trong Giai Thoại Làng Nho (in lần đầu
năm 1966) không biết trước đấy đã đăng ở báo nào chưa,
nhưng những chi tiết về Lê Sĩ Nghị, các khoa thi, chủ khảo...khi
đối chiếu đều đúng rập theo nguồn tư liệu "gốc" cũng
như qua thơ Tú Xương. Thế thì nội dung cụ thể các bài thi,
ngay cả đầu đề ở khoa thi Giáp Ngọ 1894, về trao đổi
giữa chủ khảo Cao Xuân Dục và thí sinh Lê Sĩ Nghị, Lãng
Nhân lấy từ đâu ra nhất là bài thơ đầy ý nhị: vũ trụ
vô hoàn cục?
Trong dịp về Việt Nam gần đây, tôi được biết ở viện Nghiên Cứu Hán Nôm còn một số sách tựa đề Hà Nam Hương Thí Văn Tuyển. Đây là những tuyển tập nhiều bài kinh nghĩa, văn sách, thơ phú chọn lựa trong các kỳ thi Hương của trường Hà Nam được in ra thành sách, liên quan đến các khoa thi Giáp ngọ (1894), Đinh Dậu (1897) Canh Tý (1900), Canh Tuất (1909) và một cuốn chép tay về khoa thi Bính Tuất (1886). (24) Trong Long Cương Văn Tập (25) có một bài sớ của Cao Xuân Dục tâu vua xin cho khắc in những bài văn làm trong các khoa thi, như vậy việc cho in các tập văn tuyển về các kỳ thi này là do ông khởi xướng. Tôi chưa có dịp khảo chứng ngọn ngành về cuộc trao đổi giữa Cao Xuân Dục và Lê Sĩ Nghị như Lãng Nhân ghi lại, nhưng cũng đoán là từ Hà Nam Hương Thí Văn Tuyển mà ra. Đây là nguồn tư liệu phong phú cho những ai muốn đào sâu vào nội dung đề tài khoa cử vào những năm đầu thời kỳ thuộc Pháp.
5.
Nam
Định, ngày cuối đông...Buổi sáng mờ sương, lạnh buốt,
tôi rời nhà khách đi lang thang. Vào quán cóc mần một bát
cháo lòng cho ấm dạ. Hỏi mãi không tìm đâu ra quán cà phê
nhâm nhi một cái "phin" cho tỉnh người, cùng lắm nước sôi
cà phê bột cũng cam. Thoáng nhớ Tú Xương chỉ thích "một
trà một rượu một đàn bà", biết đâu dân Nam Định theo
gương ông không xài cà phê. Rượu, đàn bà thì sớm quá,
mới tám giờ sáng. Lại không quen cái tật "chén trà trong
sương sớm" của Nguyễn Tuân. Đi bộ hơn cây số thì đến
bờ hồ. Dưới vòm cây rậm rạp hiện ra một quán lợp lá
quảng cáo các món nhậu. Ngoài hiên là mấy cái bàn ghế plastic
thấp lè tè. May quá ở đây có cà phê, lại "phin". Ông chủ
ngồi chồm hổm nhổ lông con ngan vừa cắt tiết xong, đựng
trong một cái chậu. Lạnh thế này mà chỉ mặc độc cái
mai-ô. Có tiếng cười khúc khích. Phóng mắt nhìn quanh. Một
cặp trai gái đang đú đởn trên chiếc võng mắc ở góc sân,
cạnh chiếc xe máy hiệu Dream mới toanh. Nhìn chiếc giày cô
gái gót cỡ một tấc nằm chỏng gọng trên cỏ, đầu tôi
bỗng vang lên chí cha chí chát khua giày dép, đen thủi... Cô
chủ bưng cà phê tới, mắt đá lông nheo: "Anh hai đi chơi đâu
sớm thế!" Ôi quê hương Tú Xương! Sinh hoạt thị dân thành
Nam một thế kỷ sau, bước vào thiên niên kỷ mới, vận hội
mới, bụi ơi là bụi. Tự hỏi phố hàng Thao ông chơi ả
đào ngày xưa bây giờ nằm đâu. Gì chứ hát caraôkê thì
ngõ ngách nào mà chẳng có. Định chiều nay tìm đến phố
hàng Nâu (bây giờ là phố Minh Khai) đến thăm nhà cũ cụ
Tú. Quay mặt nhìn ra hồ. Một vài sợi nắng thoi thóp. Nước
Vị Hoàng có thời đã liếm láp bờ cỏ này? Trường thi Mỹ
Lộc thủa trước bây giờ ở đâu? Chợt nhớ đêm qua ông
bạn đọc cho câu thơ Nguyễn Bính: lỡ duyên búi tóc củ hành,
trường thi Nam Định biến thành trường bay...Úi cha!
Lần bước đến viếng mộ nhà thơ nằm cạnh hồ. Mộ làm bằng đá xây hình chữ nhật, khá bề thế, xung quanh hoa cỏ tươi mát. Sáng nay chỉ có mỗi mình tôi. Tấm bia cẩm thạch mầu xanh lục sáng loáng, một mặt khắc hai câu trong bài thơ cảm hoài:
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
Mặt kia ghi lại hai câu Yên Đổ phúng Tú Xương:
Này ai chín suối Xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn
Lãng
Nhân ghi "miệng vẫn còn". Vâng, lại vấn đề văn bản học.
Tiếng thì tốt mà miệng lại độc. Bia miệng mà. Miệng thì
cần gì văn bản chính xác. Cứ nhớ mà chép ra. Thơ Tú Xương
cũng thế, không còn bản gốc, dù chỉ mới trăm năm ("trong
cõi người ta"). Tam sao thì thất bản. Sàng lọc "nghiêm túc"
còn được hơn trăm bài. Theo phương pháp sờ ngọn tìm gốc.
Mở cuốn sách Tú Xương: Tác phẩm - Giai thoại (26) in năm
1986 đã long gáy ông bạn biếu làm quà, ở ngay trang đầu
phần giới thiệu Nguyễn Đình Chú trích hai câu Này ai chín
suối...Nhưng ông giáo sư lại "bật mí": "...gần đây đã
có người cải chính rằng đó là hai câu đối ở cột lăng
của Đoàn Triển (27) tại làng Hữu Thanh Oai, nhưng từ lâu
nhiều người vẫn tin là của Nguyễn Khuyến viếng Tú Xương.
Sự lầm lẫn này nếu đúng là lầm lẫn, thì cũng đã dựa
trên một điều rất đáng có, rất muốn có" (chữ nghiêng
của tôi).
Vâng,
dù gì cũng đã khắc vào bia rồi. Tam nguyên Yên Đổ viếng
ông Tú Vị Xuyên hai câu để đời. Ông nghè hiển đạt nửa
đường từ quan về già ngả nón chào ông tú một đời lận
đận chết yểu. Giao tình giữa hai đại thụ thơ quốc âm
cuối thế kỷ 19, mỗi người một vẻ "rất đáng có". Cái
bốp chác thị thành và cái yên ắng nông thôn, yin yang hài
hoà, hai mặt của cùng một cái mề đai văn chương, thật
là "rất muốn có" cho một chặng đường văn học chính thống
đang độ chuyển mùa sang thế hệ Tản Đà. Sờ ngọn tìm
gốc làm chi cho mệt. Truyền thống phải thế. Có gắp nhầm
chút xương cũng chẳng sao, bởi vì máu thịt thì đã ngấm
vào mạch thơ dân tộc rồi...Biện chứng là phải thế...
Cũng may là mình mù Hán tịt Nôm.
Cao
Xuân Tứ
Amsterdam tháng 8. 2002
CHÚ THÍCH
(1)
Quốc Triều Hương Khoa Lục, tác giả Cao Xuân Dục; Nguyễn
Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và
giới thiệu, NXB TPHCM, 1993. Phần tiểu sử tác giả dựa trên
tài liệu (chữ Hán) An Xuân Nam Cao Xuân Dục lý lịch (còn
lưu lại ở Viện Nghiên Cứu Hán Nôm) và bài "Notices nécrologiques
S.Ẹ Cao Xuan Duc" củ? Charles Patris (Bulletin des Amis du Vieux Hue,
1923). Thực ra lúc mới về Huế năm 1898 ông chỉ làm phó tổng
tài quốc sử quán, đến 1903 mới chính thức giữ chức tổng
tài.
(2)
Lúc còn ở Saigon tôi đã được xem một số ảnh Cao Xuân
Dục ở nhà bà cô là Cao Ngọc Anh (1877-1970), và tại nhà một
số họ hàng như các anh Cao Xuân Thiệu (đã mất), Cao Xuân
Vỹ (hiện ở Mỹ), khi thì ông mặc triều phục, khi áo the,
lúc mũ cánh chuốn, lúc khăn đóng. Có điều làm tôi chú ý
nhất là bộ râu thật đẹp, thật sum suê của ông chẳng
thua gì "Tây", hơn xa các vị đồng liêu trong phủ phụ chính
chụp chung trong một tấm ảnh đầu đời Duy Tân (cố ngoại
tôi là Tôn Thất Hân râu cũng vào hạng khá, ông Nguyễn Hữu
Bài rõ ràng "no hair", có lẽ ông không (để?) râu). Sau này
Bác sĩ Cao Xuân Cẩm (1906-198?) sinh thời ở Paris lúc xem cuốn
sách của Daney có chỉ cho tôi cái ảnh Cao Xuân Dục đứng
một mình (lúc ông mới ngoài ngũ tuần) và đề nghi nên chụp
lại, in ra nhiều tấm để phát cho bà con. Trong bài của Charles
Patris cũng có in lại một số ảnh Cao Xuân Dục ở nhiều
thời điểm khác nhau.
(3)
Nhân vật trong truyện trinh thám của Thế Lữ
(4)
Nhân vật trong truyện trinh thám của Sir Arthur Conan Doyle
(5)
Quốc Triều Khoa Bảng Lục của Cao Xuân Dục, Trúc Viên Lê
Mạnh Liêu dịch, Nguyễn Đăng Na hiệu đ6nh, NXB Văn Học, Hanoi
2001. Cuốn này trước đây dưới tựa đề Quốc Triều Đăng
Khoa Lục đã được Trung Tâm Học liệu Bộ Văn Hóa Giáo Dục
& Thanh Niên in lần đầu 1962, tái bản 1972 tại Saigon.
(6)
Đai Nam Thực Lục Chính Biên, từ quyển 33 đến 38, Quốc Sử
Quán triều Nguyễn, Bản dịch Viện Sử Học, NXBKHXH, Hanoi
1975, 1976, 1977
(7)
Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam của Nguyển Q.Thắng
& Nguyễn Bá THế, NXBKHXH, Hà nội 1992
(8)
Về sau Cao Xuân Dục và Nguyễn Trọng Hợp trở thành thông
gia: bà Cao Ngọc Anh (tên thật Cao Thị Hoà) là kế thất của
án sát Nguyễn Duy Nhiếp và là kế mẫu của tiến sĩ Hán
học Nguyễn Sĩ Gíac có thời giảng dạy ở Đại học văn
khoa Sài gòn). Về tiểu truyện Cao Ngọc Anh, xin xem "Giai Thoại
Làng Nho Toàn Tập" của Lãng Nhân , Nam Chi Tùng Thư, Saigon,
1966.
(9)
Sách chữ Hán. Ký hiệu VHv. 1573h Viện Hán Nôm (Hà Nội), gồm
các bài biểu, sớ, tựa sách, văn tế, văn bia... của Cao Xuân
Dục.
(10)
Lê Huyền Tông (1663-1671)
(11)
Vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) nhà Tây Sơn (1793-1800)
(12)
Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam - giai đọan nửa cuối
thế kỷ 19, NXB Văn Học Hànội, 1964, in lại trong Trần Tế
Xương, về Tác Gia và Tác Phẩm, NXB Giáo Dục, Hà Nội 2001.
(13)
Thời và Thơ Tú Xương, tạp chí Văn Nghệ, 5-1961, in lại trong
Trần Tế Xương, về Tác Gia và Tác Phẩm, SĐD.
(14)
Đây là theo Lãng Nhân. Các bản khác chép :"Dù dở dù hay ông
cũng vào".
(15)
Chơi Chữ, tái bản ở Mỹ, Zieleks Co, Houston, Texas, 1978
(16)
Xem Tú Xương: Tác phẩm-Giai thoại, Nguyễn văn Huyền chủ
biên, Đỗ Huy Vinh và Mai Anh Tuấn sưu tầm và khảo dị văn
bản, Nguyễn Đình Chú giới thiệu. Hội Văn học Nghệ Thuật
Hà Nam Ninh, 1986
(17)
Gọi "thượng" là vì tổng đốc ngang với hàm thượng thư
(chánh nhị phẩm dưới triều Nguyễn bắt đầu đời Minh
Mệnh, theo Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim). Mãi đến
1907 Cao Xuân Dục mới được cử làm thượng thư bô học.
(18)
Xem chú thích 11, SĐD
(19)
Về những câu thơ trích và chú giải kèm theo, chủ yếu tôi
dựa theo cuốn Tú Xương: Tác phẩm - Giai Thoại (SĐD) mà văn
bản, theo Đoàn Hồng Nguyên trong kỷ yếu Trường ĐHSP TPHCM
1999, là đáng tin cậy hơn cả.
(20)
Tú Mỡ: Tính chất trào lộng trong thơ Tú Xương, Tạp chí
Văn Học, Hà nội số 11, 1969, trích trong Tú Xương: Tác phẩm
- Giai thoại, SĐD
(21)
Quốc Triều Khoa Bảng Lục, SĐD. Về chút ơn thừa vua ban ngày
tàn dư của nền Hán học, người con cả của ông là Cao Xuân
Tiếu (1865-1939 ) đỗ phó bảng khoa Ầt mùi (1895) sáu năm trước
không được hưởng. Sau này hai con rể ông là Lê Xuân Mai
(1874-1945) và Hoàng Tăng Bí (1881-1939) cùng đỗ phó bảng khoa
Canh Tuất (1910) được hưởng vinh dự này. Người con rể
đầu là Đăng Văn Thụy đỗ hoàng giáp đình nguyên khóa Giáp
Thìn (1904) đương nhiên được hưởng quy chế vinh quy bái
tổ. Những chi tiết này được chép theo gia phả.
(22)
Giai Thoại Làng Nho, SĐD
(23)
Theo Vũ Đăng Văn trong Thân Thế và thơ văn Tú Xương, Cây
Thông. Hà Nội 1951, trích trong Tú Xương: Tác phẩm và Giai
thoại, SĐD trang 49.
(24)
Ký hiệu ở thư viện Viện Hán Nôm: VHv 323 Khoa Bính Tuất
(1886) bản viết tay; VHv 1125 Khoa Giáp ngọ (1894) bản in; VHv
656 khoa Đinh Dậu (1897) bản in; VHv 658 khoa Canh Tí (1900) bản
in; VHv 1632, VHv 2607 và A 3014 khoa Quí Mão (1903) là 3 bản in
dày mỏng khác nhau của Gia liễu Đường. Trong một vài cuốn
còn có thêm phần phụ lục về một số bài văn chọn lọc
ở các khoa thi hội và thi đình, ví dụ VHv 658 khoa Canh Tí
(1900) có thêm hội thi văn tuyển khoa Tân Sửu (1901) v.v... Nhân
đây tôi xin cảm ơn cô Nguyễn Thu Hương ở Khoa Sử trường
Đại Học KHXH và Nhân Văn Hà Nội đã vào viện Hán Nôm thu
thập giùm những thông tin này, đồng thời ghi chép và dịch
hộ bài văn bia ở Phủ Giầy Vân Cát (Nam Định).
(25)
Xem chú thích 9, SĐD
(26) Theo Nguyễn Đình Chú: Đoàn Triển 1854-1919), hiệu Mai Viên, quê làng Hữu Thanh Oai. đậu cử nhân, làm quan đến hàm hiệp biện đai học sĩ, có trước tác. Theo Hương Khoa Lục ông đỗ cử nhân năm 1886 trường Hà Nam-Ninh Bình, có lần làm viên ngoại lang ở nha kinh lược Bắc Kỳ, gia đình đỗ đạt nhiều.