Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Tác giả ]
Thư ngỏ gửi ông Cao Xuân Tứ
(Muộn còn hơn không)
Vẫn chuyện chủ khảo Cao Xuân Dục Nguyễn Thị Chân Quỳnh Vì mục lực kém tôi không đọc được trên mạng nên đến bây giờ, cuối tháng 3/2009, tôi mới được một người chuyển cho bài "Sờ râu các cụ khảo quan" của ông Cao Xuân Tứ (CXT), viết từ năm 2002, phê bình tôi sau khi đọc bài "Vì sao tôi nghiên cứu Khoa cử" của tôi (Hợp Lưu số 63, năm 2002).
Bài dài tới 13 trang, chia làm 5 phần, song chỉ ba phần đầu có liên quan đến tôi, phản bác ý kiến của tôi là Quốc Triều Hương Khoa Lục (HKL), mà tác giả là Cao Xuân Dục, đã chép sai. Dựa vào ảnh của Salles chụp lễ Xường danh trường Hà Nam khoa Đinh Dậu, mà Daney in lại một phần trong Quand les Francais découvraient l'Indochine (Khi người Pháp khám phá ra Đông Dương) tôi chứng minh CXD mới là Chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu (1897) chứ không phải là Chủ khảo khoa Giáp Ngọ (1894) như HKL đã chép.
Sau đây xin trích lại những ý chính của ông CXT :
- "muốn bàn chuyện khoa cử ngày xưa trước hết mình cũng cần tí vốn liếng chữ Hán (để tra khảo sách Hán Nôm qua văn bản gốc mỗi khi cần) ít ra như cỡ ông Trần văn Tích (...) Nếu không biết chữ Tàu, chữ Nôm thì nhờ người khác đọc hay dịch hộ, chẳng chết ai..."
- "Nhà học giả nhận xét rằng theo HKL thì CXD là chủ khảo kỳ thi Hương năm Giáp Ngọ 1894 ở Nam Định, trong khi những hình ảnh của Selles chụp nhân dịp xướng danh khoa Đinh Dậu 1897 (...) in lại trong sách của Daney lại có sự hiện diện của CXD ở đấy (mà theo bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh là với tư cách chủ khảo kỳ thi Hương này). Như vậy, theo bà, HKL (mà tác giả là CXD) đã chép nhầm về khoa thi do chính tác giả làm chủ khảo (...) Sự hiện diện của ông (CXD) trong lễ Xướng danh khoa 1897 chỉ có tính cách nghi lể trên cương vị quan đầu tỉnh (tổng đốc Nam Định-Ninh Bình) chứ không phải với tư cách chủ khảo khoa thi Hương này. Để kiểm tra, khi nhìn những bức ảnh in lại trong sách của Daney chỉ có cái ảnh CXD (ông Tây ghi là le tong doc, đúng quá) đứng một mình trơ trọi, có lọng che là...CXD (...) Còn trong số mấy ông khảo quan ngồi trên ghế cao lêu nghêu không có ông nào là CXD cả cho dù có lấy kính lúp xem lòi cả tròng (...) cũng chịu thua không tìm đâu ra cụ Cao".
- Nếu muốn tìm hiểu sự thật thì "Khó gì, mở cuốn HKL ra xem thì thấy rành rọt chủ khảo khoa này là Đồng Sĩ Vịnh, Phó Chủ khảo là Nguyễn Quán. Trong số mấy ông ngồi trên ghế cao lêu khêu hoặc ăn yến chắc là có hai ngài này (...) Có một ông diện mạo oai vệ, đầu chít khăn, phải chăng là Hoàng Cao Khải, Kinh Lược Sứ Bắc kỳ ? Xin nhờ Sherlock Holmes An Nam nào điều tra hộ".
- " bà học giả đã quên hay chưa đọc tiểu sử CXD", nhưng ông đã đến Viện Hán Nôm đọc "An Xuân Nam CXD lý lịch" và đọc "Notices nécrologiques S.E. CXD" của Charles Patris trong Bulletin des Amis du Vieux Hue, 1923, nên biết năm 1897 CXD đang làm Tổng đốc Nam Định-Ninh Bình ắt không thể đồng thời làm Chủ khảo trường Nam được.
- "...mong rằng các nhận xét cụ thể, kinh nghiệm "thực địa", chút khơi mào về tư liệu có thể mở ra hướng nghiên cứu mới".
Tuy ông CXT chỉ điểm những chỗ "sai lầm" cho tôi song lại mở đầu bằng câu :"Thân gửi tác giả Sự muôn năm cũ" (tức BS Trần văn Tích), và sau khi cho biết ông đã đi các Thư viện để đọc bản gốc chữ Hán ông kết thúc bài với câu :"Cũng may mà mình mù Hán tịt Nôm".
Xin trả lời ông CXT :
Rất tiếc là những "cao luận" của ông chưa thuyết phục được tôi, tôi vẫn giữ y nguyên kết luận bài "Ai là Chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu ?" (Thế Kỷ 21, số 2, 1989) : CXD chính là Chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu (1897) chứ không phải Chủ khảo khoa Giáp Ngọ (1894) như HKL đã chép.
Dưới đây là những lý do khiến tôi không phục những "cao luận" của ông CXT :
1- Ảnh : Trông gà hóa cuốc : Salles không phải là Daney
Ông CXT nhận xét :"Sự hiện diện của CXD trong lễ Xướng danh khoa 1897 chỉ có tính cách nghi lễ trên cương vị quan đầu tỉnh (tổng đốc Nam Định-Ninh Bình) chứ không phải với tư cách chủ khảo (...) Xem ảnh của Daney chỉ có cái ảnh CXD (ông Tây ghi là le tong doc, đúng quá) đứng một mình trơ trọi, có lọng che là... CXD (ảnh 1, tr 92) ...còn trong số mấy ông khảo quan ngồi trên ghế cao lêu nghêu không có ông nào là CXD cả cho dù có lấy kính lúp xem lòi cả tròng (...) cũng chịu không tìm đâu ra cụ Cao (...) Dễ hiểu thôi, ai mà chẳng biết mấy khi quan đầu tỉnh lại được cử đi làm chánh chủ khảo ngay ỏ trường Nam Định (...) Thế là đóng hồ sơ cái rụp".
Nhưng thưa ông, hồ sơ chưa đóng được : Cái ảnh ông quan một lọng (tr 92) mà ông nhìn nhận là CXD lại... không phải là CXD ! Tuy Daney chú là "le tong doc" nhưng (như ông đã viết trong chú thích 17 của ông) "tổng đốc ngang với hàm thượng thư", vậy thì nghi vệ phải đủ bốn lọng che chứ không thể chỉ một lọng như một Tân khoa quèn vừa mới thi đỗ (ảnh 3, tr 95). CXD lúc ấy, theo ông, là Tổng đốc Nam Định sao lại chỉ có một lọng che, ba lọng kia cụ Cao cất giấu ở đâu mà kỹ thế ?
Nếu ông xem kỹ hơn sẽ thấy tr 95 cũng có "le tong doc" ngồi dự yến hạng nhất với Công sứ Lenormand, khuôn mặt "le tong doc" tr 95 khác hẳn "le tong doc" tr 92, khác đến nỗi ông không nhận ra, và phải mô tả là một ông quan "chít khăn" và "diện mạo oai vệ", ông đoán có lẽ là Hoàng Cao Khải, Kinh Lược Sứ, nhưng không dám chắc nên kêu gọi Sherlock Holmes An Nam tìm hộ xem đích xác là ai. S. Holmes có mặt và xin thưa :"Chính là cụ cố nhà ta đấy ạ". Sở dĩ tôi dám cả quyết thế vì đã đến tận kho ảnh của Salles xem và chọn thêm mấy cái mà Daney không in trong sách ông ta, trong đó có ảnh chụp một ông quan cũng đứng một mình, nhưng che bốn lọng, được Salles chú rõ là "Chủ khảo CXD, chụp ngày 27/12/1897", và một ảnh chụp trưởng nam của CXD là Cao Xuân Tiếu, cùng chấm thi một khoa với cha, với tư cách là Giám khảo. Cả hai ảnh này tôi đều in lại trong quyển Thi Hương (Paris : An Tiêm, 2002 và TPHCM, Trung Tâm Nghiên cứu Quốc học, 2003), riêng ảnh cụ Thượng Cao còn in trong bài "Ai là Chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu ?" (Thế Kỷ 21 số 2, 1989 và "Lối Xưa Xe Ngựa..." , tập 1, Paris : An Tiêm, 1995). Tôi đã gửi tặng ông CX Hạo hai quyển "Lối Xưa Xe Ngựa..." tập I và Thi Hương do An Tiêm xuất bản. Năm 2003 tôi về Việt Nam có lại thăm ông Hạo và khi ông biết tôi chưa được thấy quyển Thi Hương do Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học in, đã vào nhà lục tìm cho tôi xem nhưng một lúc sau ông trở ra nói tiếc rằng "chi trưởng" đã mượn. Có nghĩa là ông CX Hạo có cả mấy quyển sách của tôi chụp lại ảnh Chủ khảo CXD. Ông CXT đã đi tìm văn bản gốc trong các Thư viện nhưng dường như Thư viện gia đình thì ông lại không ngó đến. Ông lầm ở chỗ trong "Ai là chủ khảo..." cũng như trong "Vì sao..." tôi đều cẩn thận viết rất rõ là tôi dựa vào ảnh của Salles, song ông lại chỉ căn cứ vào ảnh của Salles do Daney in lại để viết bài phê bình tôi, mà Daney lại chú thích sai nhiều chỗ ông CXT không nhìn thấy, không thế thì ông CXT đã "không có chuyên để động não chắc sẽ... buồn ngủ" như S. Hlomes chính hiệu !
Daney không in lại ảnh Chủ khảo CXD bốn lọng nhưng không phải không in ảnh CXD. Sự thật, CXD xuất hiện tới ba lần trong sách của Daney, tại ông CXT không xem kỹ nên không nhận ra cụ cố. Nếu ông nhìn khuôn mặt người ngồi giữa bức ảnh chụp "Toàn ban Giám khảo" (Le jury au grand complet) ở hai trang 86-87 mà dường như ông không trông thấy (vì không có kính lúp ?) nên không đả động tới, sẽ thấy rất giống khuôn mặt người ngồi dự yến hạng nhất với Lenormand "diện mạo oai vệ" (tr 95), giống cả ông quan đứng nhận lễ tạ ơn của các Tân khoa tr 93 và cũng rất giống... Chủ khảo CXD bốn lọng. Chỉ vì ông quá tin vào câu chú thích cái ảnh tr 92 của Daney "M. Se le tong doc de la province" (mà ông khen "đúng quá") rất hợp với tiểu sử CXD ông đã dẫn nên "quên" không nhìn đến cái ảnh số 2 tr 95, cũng được Daney chú là "le tong doc" song khuôn mặt "le tong doc" này đã không giống "le tong doc" trang 92, mà lại giống ông quan ngồi giữa ảnh "Toàn ban Giám khảo". Tôi đã chỉ cho Daney những chỗ sai lầm của ông ta và Daney nhìn nhận có biết mình sai nhưng là sau khi sách đã in ra.
Tóm lại, CXD được Salles chụp ít nhất bốn lần (song Daney chỉ in lại có ba, và chú thích sai lầm) :
- Đứng một mình che bốn lọng (Daney không in lại)
- Ngồi dự yến hạng nhất với Lenormand (tr 95)
- Ngồi chính giữa ảnh chụp toàn ban Giám khảo (tr 86-87)
- Đứng nhận lễ tạ ơn của các Tân khoa (tr 93, ảnh 3)
toàn là những ảnh chứng tỏ vai trò quan trọng của người trong ảnh, và cả bốn cùng một khuôn mặt. Salles ghi chú ảnh ông quan bốn lọng là Chủ khảo. Tôi tin Salles không sai lầm vì
Chủ khảo đi bốn lọng là phải, dự yến hạng nhất với Công sứ cũng đúng bởi đây là bữa tiệc ăn mừng kết thúc khoa thi, Chủ khảo mới là vai chính chứ không phải "le tong doc", trong toàn ban Giám khảo thì Chủ khảo phải được xếp ngồi chính giữa và dĩ nhiên người đứng nhận lễ tạ ơn của các Tân khoa cũng phải là Chủ khảo không thể là quan Tổng đốc đầu tỉnh được.
Tôi viết rõ trong "Ví sao..." là tôi dựa vào ảnh do Salles chụp và chú thích, ông không đọc kỹ, lầm lẫn Salles với Daney, chỉ sử dụng ảnh và chú thích của Daney. Ông đã đi các Thư viện để đọc bản gốc, tại sao không tìm đến kho "ảnh gốc" của Salles mà lại nghĩ xem ảnh Daney in lại cũng đủ ? Phải chăng ông cho chỉ văn bản gốc mới đáng tin cậy ? Xin hỏi đây có phải là thái độ của một "ông học giả" nghiêm túc ?
Tôi còn viết trong bài "Vì sao..." là Trần văn Giáp (TS Khai Trí Tiến Đức, 1941) đã nhận ra sự không thống nhất giữa ảnh của Salles và HKL"nên mới chú thích lọat ảnh của Salles kiểu "nước đôi" :"Kỷ niêm thi Nam khoa, Thành Thái Giáp Ngọ và Đinh Dậu". Chú thích như thế tỏ ra tác giả thận trọng, chưa giải quyết được thì tồn nghi, nhưng không ổn ở chỗ mỗi khoa người ta đề cử một ban Giám khảo mới, không thể nào cùng một ban Giám khảo lại được cử đi chấm hai khoa thi liên tiếp cùng một trường". Do tình cờ đọc Hồi ký của Toàn quyền Paul Doumer, tôi biết P. Doumer chỉ được cử sang làm Toàn quyền Đông Dương từ 1897, ảnh của Salles có một cái chụp P. Doumer ở cổng trường, dự lễ Xướng danh khoa 1897, lại có ảnh chụp Chủ khảo CXD vậy thì rành rành CXD làm Chủ khảo khoa 1897 bởi 1894 P. Doumer còn ở Pháp, Salles không thể chụp ảnh được. Ông CXT cũng bỏ qua nhận xét của Trần văn Giáp, một mực vin vào Daney, không đếm kể đến Salles. Xin "Hãy trả cho César, à quên, cho ...Salles cái gì của Salles" !
Cụ Thượng Cao có linh thiêng mà biết có ông chắt (?) giỏi giang, thông kim bác cổ (thông thạo Hán Nôm, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng La tinh và cả quốc ngữ nữa, không những đã biết Sherlock Holmes, Dr Watson, Lê Phong mà các tác giả như Nguyễn Tuân, Lãng Nhân, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Sĩ Giác, Tú Mỡ, Vũ Bằng v.v...cũng không xa lạ đối với ông, trong nhà lại có trọn bộ 38 quyển dịch Đại Nam Thực Lục) thì hẳn cụ "ngậm cười nơi chín suối", song nếu cụ lại phát hiện ra ông chắt này khăng khăng không nhận ảnh Salles chụp cụ la cụ lại kiên quyết nhận "ông một lọng" thì không biết cụ sẽ cười hay khóc ? Ảnh cụ sờ sờ ra đấy tới ba cái mà ông không nhìn thấy dù là "bộ râu rất đẹp" của cụ mà ông thích, phải chăng vì ông lại quên kính lúp hay chưa xem đến "lòi tròng mắt" ?
2- Văn bản : HKL với "Lời nói đầu" của các dịch giả và "Tiểu dẫn HKL" (HKL, dịch giả Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn thị Lâm, TPHCM, 1993). Tôi đã chứng minh qua ảnh của Salles là HKL chép sai nhưng ông không chấp nhận lại dậy tôi muốn biết sự thật thì "Khó gì, giở HKL ra xem sẽ thấy chép rành rọt...". Xác minh HKL không chép sai khoa 1897 bằng cách giở HKL khoa 1897 ra làm bằng chứng, thành thật mà nói tôi không theo kịp cái "lô-gích" loanh quanh của ông !
Tuy vậy, tôi cũng vui lòng chứng minh thêm một lần nữa là HKL có chép sai và lần này dựa vào HKL, đúng như ý ông muốn. Trong "Lời nói đầu" (tr 8 và 9) các dich giả cho biết :
"Mặc dù là sách in HKL vẫn có nhiều sai sót về nội dung mà xét ra do cả khâu biên soạn lẫn việc in ấn (...) Chúng tôi có đối chiếu với các sách sử như Đại Việt lịch triều Đăng khoa lục, Đại Việt sử ký tòàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Khoa mục chí, Việt sử thông giám cương mục ... để đính chính (...) Nhưng khả năng bao quát cũng như điều kiện tư liệu của chúng tôi không đủ để phát hiện cũng như đính chính tất cả những sai sót (...) Có khá nhiều trường hợp mà ghi chép của HKL không thống nhất với một số sử sách cũng được biên soạn đồng thời như Đại Nam Thực lục (Chính biên và Tiền biên) chẳng hạn (...) Chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc phiên dịch cho đúng chứ không xác lập một bản chính xác về mặt lịch sử".
- HKL chia ra hai phần : Chính biên, dừng lại năm 1893 và Tục biên chép từ 1894 cho đến 1919, khi Khoa cử bị bãi. Phần Chính biên do CXD chép và xác nhận (tr 47) ở cuối sách : .
"Ngay sau tiết Trùng cửu tháng cuối thu năm Quý Tị, Thành Thái thứ 5 (11-10-1893, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, An Xuân Nam, Cổ Hoan Long Cương Cao Xuân Dục, tự Tử Phát, viết ở hiên tây dinh thự.
(Hương á là Bạng Sa Cao Xuân Tiếu, con trai, và Mã Phong Đặng Văn Thụy, con rể hiệu đính)"
Phần Tục biên có nhiều dị bản, không thấy ghi rõ ai chép nhưng tôi nghi không phải là CXD viết tuy lúc ấy ông còn sống. Chỉ vì ông đứng tên là tác giả HKL nên có sự ngộ nhận lúc đầu là CXD chép sai, đúng ra phải viết là HKL chép sai. Tôi đã viết trong "Ai làm Chủ khảo..." (1989) là lúc ấy tôi chưa có HKL (sách chưa xuất bản) nên đã nhờ người tới Thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ ở Paris (Ecole francaise d'Extrême Orient) tìm hộ trong HKL, bản chữ Hán, thành phần khảo quan khoa 1897 xem ai là Phó Chủ khảo vì theo Salles là Thân Trọng Koái nhưng Trần văn Giáp lại chú thích cái ảnh ấy của Salles là "Phó Chủ khảo Nguyễn Gia Thoại" (TS Khai Trí Tiến Đức số 2 và 3, 1941). Tuy chưa có bản dịch HKL nhưng tôi dã có bản Quốc Triểu Đăng Khoa Lục do Lê Mạnh Liêu dịch nên đã biết HKL chia làm hai phần : Chính biên và Tục biên và đã nghi là phần Tụcbiên có thể do người khác chép chứ không phải CXD vì "chữ viết ở hai phần khác nhau", theo lời người bạn đọc hộ bản chữ Hán.
Bây giờ thì có thể tạm "đóng hồ sơ cái rụp" !
- Ông CXT còn viết :"bà học giả quên hay chưa đọc tiểu sử CXD" nên không biết CXD làm Tổng đốc Nam Định-Ninh Bình từ 1896 đến 1897, do đó không thể được cử làm Chủ khảo trường Nam khoa 1897."
Khi viết bài "Ai là Chủ khảo..." (1989) thì tuy chưa có kinh nghiệm nhưng tôi có dành một đoạn giới thiệu CXD, có điều không đi sâu vào chi tiết, chẳng hạn CXD làm Tổng đốc Nam Định từ 1896 đến 1897, theo ông CXT. Ông tin chắc vào chi tiết này vì đã đọc ở Thư viện Hán Nôm "An Xuân Nam CXD lý lịch" và "Notices nécrologiques S.E, CXD" của Charles Patris trong Bulletin des Amis du Vieux Hue. Rất tiếc là nó không phù hợp với những bằng chứng của Salles. Tôi chưa từng nghiên cứu tiểu sử CXD chưa thể hoặc không thể dứt khoát nói sự lầm lẫn do đâu mà ra mà chỉ có thể phỏng đoán hoặc giả CXD được đặc cách cử đi chấm khoa 1897 (điều này có thể xẩy ra) hoặc tiểu sử của CXD mà ông đã đọc trong Thư viện chép sai. Trong chú thích 1 của ông, chính ông CXT đã sửa tiểu sử ông đã đọc :"Thực ra, lúc mới về Huế năm 1898 ông (CXD) chỉ làm phó tổng tài Quốc sử quán, đến 1903 mới giữ chức tổng tài". Còn dựa vào ông Tây Patris thì chưa chắc đã hơn vì tôi nghi ông ta cũng chỉ đọc tiểu sử CXD trong Thư viện như ông CXT.
Tôi tin là ống kính rất trung thực, thấy gì chụp nấy, quyết không thêm không bớt, cũng không "quên " điều gì trong khi văn bản do người sao chép, dù cẩn thận cũng có thể bị "tam sao thất bản".
Tuy ông CXT đã đi các Thư viện song nếu ông đọc các bản gốc cũng kỹ lưỡng như ông đã đọc bài "Vì sao ..." của tôi hay xem ảnh của Salles in trong sách của Daney thì, xin lỗi ông, tôi có quyền nghi ngờ, cổ nhân nói "sai một ly đi một dậm". Và mạo muội khuyên ông kiểm tra lại tiểu sử CXD, chẳng hạn trong sổ sách của bộ Lại hay các sắc chỉ vua ban v.v... hoặc đổi sang viết truyện hư cấu có lẽ thích hợp hơn.
3- Tìm hướng mới : Trong phần dẫn nhập ông CXT tỏ ý muốn "khơi mào về tư liệu (đọc bản gốc chữ Hán để đối chiếu) để có thể mở ra một hướng nghiên cứu mới", đó là ý kiến hay dù đã sáo cũ.
Mặt khác, ông lại khẳng định "Muốn bàn chuyện Khoa cử ngày xưa trước hết mình cũng cần có tí vốn liếng chữ Hán để đọc văn bản gốc", nếu không biết thì không nên bàn về một đề tài khó như Khoa cử. Đồng ý là muốn nghiên cứu sử sách cũ của Việt Nam thì rất nên "có tí vốn liếng" về Hán Nôm vẫn hơn song đấy có phải là điều kiện "sine qua non" (không có không được) ? Sinh thời cụ Lãng Nhân cũng đã khuyên tôi chỉ nên tin vào HKL nhưng sau khi đọc bài "Ai là Chủ khảo..." thì cụ không ngần ngại đổi ý. Sự thật là sự thật, dù nó do một người "mù Hán tịt Nôm" hay do một người "không có tí vốn liếng" nào phát hiện. Tôi biết đọc và biết viết từ 1 đến 10 không hiểu có thể xếp vào hạng "có tí vốn liếng" không ?
Nếu cứ khoanh tay ngồi đợi người có đủ vốn liếng Hán Nôm để viết về Khoa cử thì không chừng chúng ta còn phải đợi dài dài. Khoa cử bãi từ 1919 mà đến nay chỉ thấy lác đác vài ba người viết rất sơ lược như Dương Quảng Hàm, Trần văn Giáp, hay Nguyễn Q. Thắng (sách ông N.Q. Thắng xuất bản năm 1993 nghĩa là sau khi tôi quyết định viết về Khoa cử năm 1986). Vì Khoa cử là một đề tài quan trọng mà không thấy có ai viết nên tôi mới bất đắc dĩ "sắn tay áo" làm việc này chứ không phải tôi tự cho mình có đủ tư cách, bản lĩnh để viết về Khoa cử. Tôi chỉ làm cái việc "don dẹp cho quang", tránh cho những người đi sau khỏi mất thì giờ tìm hiểu những sai lầm tôi đã thấy, trong thì giờ chờ đợi một cuốn sách do một người có đầy đủ khả năng viết.
- Có điều khó hiểu là tuy ông CXT "muốn mở một hướng mới..." nhưng lại khăng khăng đòi phải "có tí vốn liếng" Hán Nôm để đọc bản gốc, tức là phải đi theo... con đường cũ. Ông chỉ chấp nhận đối chiếu giữa các văn bản, còn đối chiếu giữa ảnh và văn bản thì ông lại quay mặt đi ! Ảnh của Salles là chứng cớ rành rành nhưng ông tìm đủ cách để không đếm kể đến, hoặc chỉ nhắc đến một cách nửa vời qua sách của Daney. Ảnh do Salles chụp và chú thích hẳn phải đúng hơn Daney chú thích. Salles là người làm việc nghiêm túc, ghi rất rõ ngày, tháng, năm chụp, hơn nữa, tên người trong ảnh được bỏ đầy đủ các dấu sắc, huyền, hỏi vv... Ông ta là người Pháp tất nhiên không thể bịa đặt ra những tên như CXD hay CXTiếu song ông CXT lại không tìm xem kho ảnh của Salles. Còn Daney không phải chuyên gia về Việt học mà chỉ là một giáo sư dậy triết trong một trường trung học ở Paris, được quản lý loạt ảnh của Salles nên mói viết quyển Quand les Francais découvraient l'Indochine. Daney đã sai lầm mấy chỗ tuy chúng ta có thể " châm chước" được nhưng cũng cần nêu ra cho độc giả biết :
- tr 92, ảnh 1, Daney đưa ra ảnh "le tong doc" đứng một mình, có một lọng che (mà ông CXT phê "đúng quá" và cho biết ông Cao Xuân Cẩm còn đinh sao lại nhiều bản để chia cho họ hàng). Thật ra đấy chắc chắn không phải là ảnh một ông Tổng đốc vì chỉ có một lọng che.
- tr 95 ảnh 2 cũng chú là "le tong doc" đang dự yến nhưng ông này lại không giống ông tổng đốc tr 92. Hơn nữa, trong bữa tiệc ăn mừng kết thúc khoa thi thì Chủ khảo mới là vai chính, sao Lenormand lại ngồi với "le tong doc" ? Còn Chủ khảo, theo ông CXT đoán có lẽ ngồi chung trong các bàn tiệc khác, nghĩa là ngồi chung với các Tân khoa (cỗ hạng ba, bốn người một cỗ) hoặc các lại phòng giúp việc trong khoa thi (cỗ hạng ba, sáu người một cỗ) ? "Ai mà chẳng biết" Khoa cử kén người hỏi về đạo Nho, nếu xếp Chủ khảo ngồi ăn lẫn lộn với Tân khoa hay lại phòng thử hỏi còn gì là tôn ti trật tự, rất quan trọng đối với cụ Khổng ?
- Một sai lầm nữa của Daney ở tr 68, ảnh 2, ông ta đã chú là ảnh Phan Thanh Giản do Tran Nguon Han chụp năm 1873. Đúng là ảnh Phan Thanh Giản thật nhưng do người Pháp chụp khi ông là Chánh sứ sang Pháp (1863) điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Đông. Phan Thanh Giản đã uống thuốc độc tự tử từ năm 1867, lẽ nào sống lại năm 1873 cho Tran Nguon Han chụp ?.
Phần kết :
Tôi đã chứng minh qua ảnh của Salles và HKL là HKL quả có chép sai về khoa 1897.Ông CXT không chấp nhận lập luận của tôi, tuyệt đối chỉ tin HKL và văn bản gốc chữ Hán, ông "nói có sách", nhưng tôi lại "mách có ảnh" tin vào ống kính của Salles hơn. Đối với tôi chuyện Chủ khảo khoa 1897 đã ngã ngũ từ lâu, ông CXT không đồng ý, đó là quyền của ông. Ai sai ai đúng đã có công luận.
Sau cùng, có một điều hơi kỳ quặc mà S. Holmes An Nam chậm hiểu, nghĩ mãi không ra là bài "Sờ râu..." có câu :"không biết chữ Tàu thì nhờ người đọc, dịch hộ..." nhưng lại gửi cho,,, BS Trần văn Tích ! Rõ ràng ông ám chỉ tôi, nếu ông thực tình muốn chỉ điểm những "sai sót" để tôi sửa lỗi thì sao không gửi thẳng cho tôi ?
Hà Nội, tháng 4, 2009
Nguyễn Thị Chân Quỳnh[ Trở Về ]
Khảo quan trường Hà-nam - Lễ Xướng Danh khoa Đinh Dậu (27/12/1897)
Ở giữa: Phó chủ khảo Đồng Sĩ Vịnh, Chủ khảo Cao Xuân Dục, Giám khảo Cao Xuân Tiếu