Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
|
Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri (1915-1951), quê làng Đại Hoàng, nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Xuất thân từ một gia đình bậc trung, Nam Cao được học sơ học ở trường làng. Đến cấp tiểu học và bậc trung học, ông được gia đình gửi xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung.Nam Cao từng vật lộn kiếm sống và xuất hiện khá sớm trên văn đàn. ở Sài Gòn, ông nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết các truyện ngắn "Cảnh cuối cùng", "Hai cái xác". Ông gửi in trên Tiểu thuyết thứ bảy, trên báo ích hữu các truyện ngắn "Nghèo", "Đui mù", "Những cánh hoa tàn", "Một bà hào hiệp" với bút danh Thúy Rư. Có thể nói, các sáng tác "tinh tường" của Nam Cao thời kỳ đầu còn chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu "văn học lãng mạn" đương thời.
Trở ra Bắc, Nam cao dạy học ở Trường tư thục Công Thành, đường Thụy Khuê, Hà Nội. Nhật vào Đông Dương, trường bị trưng dụng, Nam Cao thôi dạy học. Ông đưa in truyện ngắn "Cái chết của con Mực" trên báo Hà Nội tân văn và in thơ cùng trên báo này với các bút danh Xuân Du, Nguyệt.
Năm 1941, tập truyện đầu tay "Đôi lứa xứng đôi" (tên trong bản thảo là "Cái lò gạch cũ") của Nam Cao do Nhà xuất bản Đời mới Hà Nội ấn hành được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này, khi in lại, Nam Cao đã đổi tên là "Chí Phèo".
Rời Hà Nội Nam Cao về dạy học ở Trường tư thục Kỳ Giang, tỉnhThái Bình, rồi về lại làng quê Đại Hoàng. Bút lực và tài năng của Nam Cao bước vào độ chín. Nhà văn hiện thực xuất sắc dũng cảm đối mặt với cái ác, cái vô luân, cái nhâng nháo hủ lậu, cái bất công đè lên những người dân thấp cổ bé họng, bị lũ bất lương truyền kiếp đè đầu cưỡi cổ. Một thằng lý dịch có thể thẳng tay đánh chết người như bỡn, một tên ác bá có thể cướp trắng tay thước vườn, mảnh ruộng của người nghèo khó như không. Tầng lớp trí thức nghèo phải bấm bụng trong cảnh "sống mòn", "chết mòn".
Thời kỳ này, Nam Cao cho ra đời nhiều tác phẩm. Năm 1942, in các truyện ngắn "Cái mặt không chơi được", "Nhỏ nhen", "Con mèo", "Những truyện không muốn viết", "Nhìn người ta sung sướng", "Đòn chồng", "Giăng sáng", "Đôi móng giò", "Trẻ con không được ăn thịt chó", "Đón khách". Các truyện thiếu nhi đăng tải trên sách Hoa Mai: "Những trẻ khốn nạn", "Người thợ rèn", "Nụ cười", "Con mèo mắt ngọc", "Ba người bạn". Tháng 4-1943, Nam Cao gia nhập Hội Văn hóa Cứu quốc. Ông in tập truyện ngắn "Nửa đêm". Viết các truyện ngắn "Mua nhà", "Quái dị", "Từ ngày mẹ chết", "Làm tổ", "Thôi về đi", "Truyện tình", "Mua danh", "Một chuyện xú-vơ-nia", "Sao lại thế này?. "Mong mưa", "Tư cách mõ", "Bài học quét nhà", "Chuyện buồn giữa đêm vui", "Điếu văn", "Cười", "Quên điều độ", "Xem bói", "Lão Hạc", "Rửa hờn", "Rình trộm", "Nước mắt", "Đời thừa", "Đầu đường xó chợ", "Phiêu lưu", "Lang Rận", "Một đám cưới", "Bẩy bông lúa lép". Ông in truyện dài nhiều kỳ "Truyện người hàng xóm" trên Trung Bắc chủ nhật, viết xong tiểu thuyết "Chết mòn (sau đổi là "Sống mòn").
Năm 1945, Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân, rồi nhà văn được cử làm Chủ tịch xã của chính quyền mới ở địa phương, in truyện ngắn "Mò sâm-banh" trên tạp chí Tiên Phong.
Ngày 30-11-1951, rên đường công tác, ông bị quân Pháp giết trên cánh đồng Mưỡu Giáp, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, vùng địch hậu Liên khu III (cũ).
Truyện ngắn Nam Cao có nghệ thuật trong kết cấu và ngôn từ . Nhiều truyện của ông mang tính cách tâm lý đến bây giờ vẫn còn là những khuôn thước tốt cho người muốn bước vào lãnh vực truyện ngắn. Với Nam Cao, ta có thể nói như với Edgar Poe, truyện ngắn đã thành hình và có quy luật riêng của nó .
Giá trị con người được đề cao trong truyện của Nam Cao, nhất là trong truyện ngắn nổi danh Chí Phèo mà trước đây ít người được biết.
Có người nói Nam Cao nổi tiếng nhờ truyện Chí Phèo . Đúng, nhưng thiếu, Chí Phèo là tuyệt đỉnh văn chương của Nam Cao, và các truyện khác của ông cũng là những tác phẩm rất có giá trị trong văn chương Việt.
[ Trở Về ]