Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang Chủ
Thả thơ

Nguyễn Tuân

Cụ Nghè Móm thường dạy học vào buổi sớm. Cô Tú săn sóc mọi việc trong nhà cũng vào buổi sớm.

Buổi chiều đến, cô Tú đi chợ, làm cơm và mua luôn cả đồ ăn thức dùng cho buổi sớm hôm sau nữa. Cụ Nghè Móm ở nhà nhàn rỗi, dùng thời giờ vào việc sao một lá số, gieo một quẻ bói hay là kê một đơn thuốc cho người làng. Có một buổi chiều, một người bạn đồng song cùng ở vùng ấy, nhân bị trời mưa dầm giữ lại nhà cụ Nghè Móm, đã nói với chủ nhân :

- Dăm ba tên học trò nhép này, lấy gì làm đủ sống. Trà tàu, rượu cúc, cây cảnh và hình như bác vẫn chưa bỏ được cái chứng thắp nến bạch lạp để đọc Đường Thi sách thạch bản thì phải. Lâu nay có đi đâu xa không ?

Cụ Nghè Móm cười. Người bạn già rịt mồi thuốc chặt xuống nõ điếu, tiếp :

- Tôi có một chuyện này muốn nói với bác từ lâu lắm, nhưng chỉ sợ bác chê là cô lậu.

Cụ Nghè Móm ngừng tay mài hòn son trong đĩa, chăm chăm nhìn bạn.

- Bây giờ tổ chức những cuộc chơi thả thơ, ý bác nghĩ thế nào ?

- Cũng khó lắm. Hồi tôi còn tại chức, có lúc thì tôi đánh thơ ở nhà, có lúc thì lên quan Đốc trên tỉnh, không mấy tháng là không có một cuộc hội họp. Mà tôi nghiệm, cái giống thả thơ càng hay chữ càng hay thua cay. Có lắm đêm tôi mất đến muời mấy quan tiền đồng mà không trúng lấy được một chữ.

- Cụ dạy như thế thì nhầm rồi. Cứ gì phải được tiền. Vả chăng, người thua có mấy khi là người dốt chữ đâu, và kẻ được thường cũng không dám tự đắc lên mặt sành thơ. Ở vùng đây lắm người cũng muốn chơi lắm nhưng tự xét không đủ tư cách để thả thơ cho ra hồn, nên chưa có cái lối hội họp như vậy. Tôi muốn được biết ý cụ về việc thả thơ này.

- Tôi bỏ đã lâu ngày rồi. Nếu có định chơi thì phải đọc lại thơ mất một dạo và vòng cho đủ chữ một túi thơ, kể cũng công phu lắm. Điều tôi ngại nhất nữa là bây giờ tuổi tác rồi, bây giờ lại bày trò vui đó, e có mệt cho tinh thần. Đã thả thơ thì phải ồn ào mới vui. Còn trẻ trung gì cho nó cam. Mà cụ tưởng ở đây ai đánh nổi. Chữ nghĩa đâu mà làm cái vốn. Họ dốt chữ, họ thua thơ, mình ăn tiền của họ đã không lấy gì làm hứng thú mà lại còn mang tiếng rất nhiều nữa.

- Nếu mình cứ thả thơ luôn ở đây, những người ở vùng quanh sẽ tới. Tôi sẽ reo lên. Cụ kêu người đây ít chữ ; kệ họ. Họ mất tiền mà được lạm dự vào làng thơ phú, họ phải lấy làm sung sướng. Mà bọn nhà nho nghèo như anh em mình, nhiều lúc cũng nên cho họ chơi trèo một chút, miễn là họ phải trả tiền. Tục lệ ở hương thôn, khi bán nhiêu bán xã, mua quan viên cũng không ra ngoài cái ý đó. Vậy bác để tâm đến việc này. Từ mai bác đọc lại các tập thơ cổ, tìm sẵn những chữ " vòng " chữ " thả " và cho cháu gái tập ngâm những chữ " thả " thì vừa. Cô Tú nhà ta giọng trong và ấm tiếng lắm.

- Để tôi xem xem có nên không đã.

- Cụ không phải nghĩ nữa. Vậy đệ xin đính ước với bác đến tuần trăng sau. Ừ, bây giờ là cuối hạ. Bắt đầu sang thu mát trời thả thơ thì tuyệt. Nhà lại ở bên sông, còn chờ gì mà không làm một cái nhà bè trên mặt nước. Kể cũng đủ đi dưỡng tính tình và đỡ cho khoản nhật dụng.

Khách đi rồi, cụ Nghè Móm nghĩ đến hồi trước, cụ đi lại với bạn đồng liêu, những lúc thừa nhàn, không đánh tổ tôm chơi cờ tướng thì lại bày một cuộc thả thơ hay là leo lên một đôi trái núi đá. Cái buồn thấy đời là ngắn là ít chớm qua lòng một ông già đã muốn yên phận với chữ bài.

 Bắt đầu từ hôm ấy, những tập thơ cổ được rũ lớp bụi ngầu và ra khỏi cái níp sách sơn son. Cụ Nghè Móm bắt đầu nghiền lại tập thơ của người xưa. Đường Thi, Tống Thi, Minh Thi ; đọc đến một bài, đọc hết một câu, gặp được một chữ đột ngột, cụ ngừng lại, ghé sát mắt kém vào mặt chữ nhỏ như con kiến, cụ vắt tay lên trán, nghĩ ngợi và lẩm bẩm. Rồi cụ ngồi nhổm dậy, sao cả bài thơ ấy vào một cuốn sách giấy bản mới mẻ. Nhưng thường cụ chỉ trích lấy một câu ở những bài thơ đọc rất kỹ lưỡng đó, Ngày năm câu, ngày ba câu, một ngày gần đấy, cuốn sách đã đặc những dòng chữ thảo chép những câu thơ rút ở cổ thi. Cô Tú theo lời cha dặn, đã đi mua sẵn rất nhiều tờ giấy tàu bạch và rọc giấy ra từng mảnh dài bằng chiếc đũa và ngang to bằng hai ngón tay. Đám học trò nhỏ, đầu còn để cái chỏm dài lẩn thẩn hỏi cô Tú, cô vui vẻ trả lời :

- Đừng nghịch, thầy trông thấy, thầy mắng chết. Giấy này để làm gì à ? Thầy sẽ viết những câu thơ cổ vào đấy để bày ra giữa chiếu những lúc thả thơ.

- Thả thơ ? Có làm thơ thì có, chứ thầy và các anh ấy có nói thả thơ bao giờ.

Cô Tú vốn yêu những cậu học trò nhỏ tuổi của cha mình như một người chị lớn đối với em út, cô không khỏi mỉm cười để giảng :

- Thầy sẽ viết vào mảnh giấy trắng này một câu thơ bảy chữ mà chỉ... có sáu chữ thôi. Còn một chữ thì để trống và thay vào đấy một cái khuyên tròn. Cái khuyên tròn thay chữ đó thường gọi là chữ vòng. Đây này, chị lấy một câu làm thí dụ thì các em rõ ngay. Các em biết câu : " Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần "  đấy chứ ? Ừ, thí dụ bây giờ định thả câu thơ ấy. Và định vòng chữ " hướng " ở đoạn dưới. Thầy sẽ viết vào mảnh giấy nhỏ này : " " Quân hướng Tiêu Tương, ngã ... Tần " . Và khi ngâm câu thốt ngôn có sáu chữ ấy lên thì thường phải ngâm : " Quân hướng Tiêu Tương, ngã ... " vòng " ... Tần ". Chữ " vòng " đây thay vào chỗ để trống. Bây giờ mới nói đến những chữ " thả " ra. Thí dụ thầy thả năm chữ : cố, tại, vọng, phảnvà luôn cả cái chữ hướngtrong nguyên văn. Thường chỉ thả có năm chữ thôi.

Tụi trò nhỏ thấy chuyện thả thơ ngộ nghĩnh, nghe lấy làm khoái trí, trố mắt nhìn cô Tú, dục cô nói tiếp.

- Muốn đánh chữ gì thì chọn lấy một trong năm chữ mà đánh. Đánh trúng thì một đồng ăn ba đồng. Nhưng mà đây là chuyện của người lớn tuổi. Các em ra tập bài đi, bao giờ thành người lớn rồi sẽ biết.

- Nhưng mà biết thế nào là được, là trúng hả chị ? Lạy chị, chị giảng cho một chút nữa, rồi các em xin đi ra bục học bài ngay, để chị rọc giấy.

- Trên đầu mẩu giấy con này, thầy sẽ viết cái chữ thả, thí dụ là chữ phản. Rồi thầy cuộn tròn đầu giấy lại, giấu chữ ấy đi, chỉ còn để hở cái khoảng viết mấy chữ : quân hướng Tiêu Tương ngã... Tần, với một cái khuyên tròn vẽ thay vào chỗ trống. Nếu trong năm chữ cố, tại, vọng, phản, hướng, em chọn lấy chữ phảnmà đánh mà làm thành ra câu : Quân hướng Tiêu Tương ngã phản Tần, thì là em trúng đấy. Đặt một tiền thì được ăn thành ba tiền ...

Tụi trò nhỏ nhìn nhau cười khúc khích và khi bị cô Tú xô đuổi lên nhà học trên đều ngoái cổ lại cười, nói một loạt với người con gái lớn của thầy học :

- Bao giờ các em nhớn, học giỏi được lên tập bài trên trường quan Đốc tỉnh, mỗi khi về thăm lại thầy, chị thả thơ cho các em đánh với nhá !

... Đêm mười bốn tháng tám là cuộc thả thơ lần thứ hai của cụ Nghè Móm, lần trước thả vào thượng tuần tháng bảy ; lần này cụ Nghè Móm chọn ngày mười bốn, có người hỏi tại sao không để đến ngày rằm, cụ nói :

- Trăng mười bốn bao giờ cũng khéo hơn trăng rằm. Ngày mười bốn là ngày vừng trăng đi tới chỗ toàn thịnh. Ngắm vừng trăng rằm, người tinh ý sẽ nhận thấy cái vẻ sắp tàn của một vật gì đã mãn khai trong có một thì.

Những người có chút kinh nghiệm, đều chịu lời ông già nhận xét là chí phải.

Vừng trăng mười bốn lúc chếch về đoài đã in một cục bóng thẫm và dài lên mặt con sông trắng và lạnh như thỏi thiếc vừa nguội. Đấy là bóng chiếc nhà bè lợp lá gồi mà trong đó, cụ Nghè Móm đang ngồi làm nhà cái, thả thơ cho hàng chục nhà con đánh. Người ta đang sát phạt nhau bằng tiền, đem cái may rủi cả vào đến cõi văn thơ và trên mặt nước sông thu, tiếng ngâm một câu thơ được cuộc, tiếng ngâm một câu thơ thua cuộc mất ăn tiền, những tiếng đó đều âm hưởng trên làn nước lạnh, thanh âm nghe trong trẻo, du dương và thái bình như tiếng vang của một hội tao đàn nào.

Mỗi buổi tối thả thơ, cô Tú đều ngồi bên cạnh cha. Cô bận tay đỡ cái túi thơ của cụ Nghè Móm mở lấy ra từng lá thơ đặt vào lòng chiếu cho làng chọn chữ đặt hàng chọn chữ đặt tiền. Đôi khi có kẻ chọn phải một chữ rất quê kệch mà lại trúng vào chữ ăn tiền, cô Tú tủm tỉm nhìn mãi nhà con đang vơ tiền, chừng như muốn bảo thầm người được tiếng bạc đố chữ đó : " Đấy ông xem, ở đời ăn nhau ở may rủi, chứ chữ nghĩa tài hoa mà đã làm gì, phải không ông ? "

Tháng lại tháng, cụ Nghè Móm thả thơ trên mặt sông đã là một chuyện mà một vùng đấy nhắc nhỏm đến luôn luôn. Nhưng có kẻ ác miệng đã phao lên cái tin cụ Nghè Móm định mượn cuộc thả thơ để cho con gái lớn gần quá lứa kén chồng.

Từ đấy không thấy cô Tú theo kèm cha xuống bè nữa. cụ Nghè Móm không cho cô Tú theo mình đi thả thơ. Từ đấy, không rõ tại đâu, cụ Nghè Móm hay thua luôn.

Nguyễn tuân


 [  Trở Về   ]