Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]Hôm ấy vào mùa xuân năm Kỷ Dâu (1789). Mưa phùn rả rích đập tầu lá ba tiêu xiêu vẹo.
KHO VÀNG SẦM SƠN PHẦN 10 TchyA Đái Đức Tuấn Gió bể ào ào làm rầu rĩ mấy dãy thông cao vút, lại phã vào mặt lữ khách những luồng gió vừa lạnh lẽo, vừa ướt át, nặng mùi muống bể, đầy mầm sinh khí, khiến cho lữ khách, tuy bị rét ẩm thấu thịt, mà vẫn thấy nhẹ nhõm trong lòng.
Lúc đó đã khuya. Trời tối đen mù mịt, con đường cát, ban ngày trắng xoá, bây giờ chỉ còn hiện ra như một nét cong queo mờ mờ trên một nền đen xẫm. Xa xa, dưới vòm mây vô định, mặt bể mênh mông trộn lộn với màu mưa vô ảnh; đi trên đường chỉ thấy bao la bát ngát một không không gian vô tận, chỉ cảm thấy bên trái là nước, trước mặt là núi, sau lưng là gió, trên đầu là mưa, tuyệt nhiên không nhận rõ một hình một sắc nào nữa. Tuy vậy, một làn hơi nồng hắc nhưng trong sạch khiến cho tinh thần và phế phủ khoan khoái, tai được nghe đổ dồn ngay cạnh mình tiếng ồ ạt của làn sóng đập vô hồi vào bãi cát, vào bờ đá, tạo thành một thứ âm nhạc buồn rầu và hùng hổ, xui ta bất giác ví âm điệu đó với hơi thở mạnh mẽ của Tạo vật, luôn luôn nhọc mệt mà vẫn điềm nhiên gắng sức, kiên nhẫn làm việc, làm ra những công trình vĩ đại nhưng vô dụng, mà mục đích quá cao xa không ở tầm suy xét của loài người...
Thực vậy, làn nước vô hình kia đang vỗ lên vỗ xuống, nó đêm này tiến rồi lại thoái, dâng rồi lại lui, nó đã làm tốn xiết bao sức mạnh của Hoá công, nhưng không biết chủ đích của nó là để làm công cuộc gì hữu ích?
Trong lúc tối dầy như mực, trên con đường cát ngùng ngoằng bao vành bãi bể Sầm Sơn, giữa cơn nỗ lực âm thầm của gió cả, sóng cồn, một lữ khách vừa rảo bước đi, vừa ngẫm nghĩ vẩn vơ kết quả hữu dụng của làn nước đêm ngày sôi nổi, của ngọn gió sớm tối quay cuồng. Chàng tự nghĩ: "Chả qua sự nghiệp con người, rồi cũng chỉ như mục đích của sóng gió. Mãnh lực của tạo vật còn có sức nào đương nổi, thế mà những lực lượng ấy cũng chỉ dùng vào một công cuộc vô dụng. Huống chi là cái sức kém cỏi, nhỏ mọn của loài người! Có cả đời cạnh tranh bôn tẩu, rồi kết cục của mấy mươi năm cố gắng chả qua cũng chui vào hư không vô định mà thôi! Phú quý, vinh hoa, ái tình, danh nghĩa, đó toàn là những hư ảnh, những hư tự cả. Suy cho cùng lẽ, ôm làm gì một quan niệm cho đau thương, trong khi trời đất cũng còn không có quan niệm, nữa là mình!"
Vừa đi, vừa lẩm bẩm, lữ khách đương mải mê trong những vấn đề triết lý cao siêu. Bỗng chàng giựt mình đúng lại. Chàng vừa chạm phải một gốc cây mọc chìa ra quá ven đường. Lữ khách gật đầu, đi rẽ về tay trái.
Cách vài mươi bước, chàng dừng hẳn lại, dún mình nhẩy một cái rõ cao, vọt qua cái hàng rào, vào một cái sân hầu rộng. Vào tới sân, lữ khách như người rất thông thuộc đường lối trong cái nhà chàng hạ cố tới, chàng đi thẳng vào một gian phòng, gõ cửa.
Trong nhà người vật đều ngủ say sưa cả, lúc ấy đã quá canh hai. Một hồi lâu, có tiếng người ú ớ nói mơ, rồi có tiếng nhè nhè ngái ngủ, mãi mãi mới thấy tự buồng trong phát một giọng gắt gỏng, cục cằn:
- Thằng chó nào, đến giờ này còn chui vào đây làm trò khỉ gì mà đập phá ầm ầm như vậy?
Đáp lại lời thôi bỉ ấy là một câu vắn tắt nói bằng một giọng dõng dạc, cứng cỏi, tựa như một mệnh lệnh oai nghiêm:
- Mở cửa mau, Lộc! Tao đây!
Nhận được tiếng truyền của lữ khách, tên Lộc hình như hết cả ngái ngủ, vội vàng ra mở cửa. Tiếng giầy dép lẹp kẹp, rồi tiếng then cọt kẹt, một khắc, lữ khác đã vào nhà. Trong nhà, như ngoài trời, không một tia ánh sáng làm mất vẻ đen kịt của đêm trường u ám. Chỉ nghe tên Lộc như cuống quýt nói:
- Con xin công tử xá lỗi cho. Con không ngờ cậu về. Cậu hãy tạm ngồi cho phép con xuống bếp thắp đèn lên và pha trà cậu uống.
- ƯØ, mau lên!
Đến lúc chiếc đèn lồng xé bóng tối, toả trong gian phòng một ánh sáng vàng phờ phạc, lúc bấy giờ ta mới nhận rõ hình dung và diện mạo người lữ khách bí mật kia. Chàng là một thiếu niên vạm vỡ, lẫm liệt, mình mặc áo võ ngắn, đầu đội mũ da rái cá, lưng đeo bảo kiếm và cung tên. Nào phải ai đâu xa lạ, người đó la công tử Nguyễn Anh Tề.
Nhưng ngày hôm nay, Anh Tề lộ ra một vẽ mặt buồn rầu, chán nản, mất hết nét ngang tàng khí khái khi xưa. Đặt phịch lưng xuống kỷ, chàng vẩn vơ nhìn ra quãng trời mây ảm đạm, thở dài. Dùng xong mấy chén trà nóng, chàng cũng chả thèm vào phòng thay áo, cứ ngồi yên lặng hồi lâu. Một lúc, như giật mình nhớ lại một ý nghĩ gì, chàng gọi Lộc, bảo ngồi sát lại gần chàng, sẽ hỏi:
- Lộc ơi! Từ khi cậu ra đi, trong nhà này còn bao nhiêu người ở?
- Bẩm công tử, bao nhiêu gia đình đều tản mác về cả, chỉ còn có một mình con. Cậu có dặn con phải cố công trông giữ nhà này cho đến lúc cậu về; con không dám sai lời cậu chỉ bảo. Hiện nay trong nhà, ngoài con không có một người nào nữa, cũng không có một súc vật nào. Thực là hiu quạnh, vắng vẻ, bẩm cậu.
- Lộc! Con thực là nghĩa bộc. Cậu có một câu chuyện này tối quan hệ, muốn phó thác cho con. Cậu muốn trông cậy ở lòng trung trực của con để giúp cậu làm cho trọn một sự rất cần, chả hay con có thể nhận lời với cậu, hết lòng giúp cậu, như con đã giữ nhà cho cậu, không? Như thế nghĩa là con không phụ lòng cậu thương mến con đó. Lộc ạ? Chẳng hay con nghĩ thế nào?
- Bẩm cậu , cậu bảo gì mà con chả làm theo lệnh cậu. Dẫu phải tan xương nát thịt, con cũng chẳng từ nan. Con trước kia là một phạm nhân, tội phải chết chém, nếu khôn gnhờ cậu che chở cho, đút lót các quan địa phương để gỡ tội và chuộc cái sống cho con, thời con còn đâu đến ngày nay? Con xấu số đi thì thôi, chứ trời còn để ngày nào, ngày ấy khắc xương khắc tủy ơn sâu của cậu.
- Chuyện đó là chuyện cũ, con nhắc lại làm gì? Chỉ biết nay cậu phải nhờ con, con có nhận lời giúp cậu hay không, thì nói cho cậu rõ!
- Con đã bẩm hầu cậu: cậu bảo gì con cũng xin vui lòng nhận hết, dẫu cho khó nhọc hay thiệt mạng đi nữa, con cũng xin làm cho đạt ý cậu thì thôi. Vậy xin cậu bảo rõ cho con biết.
- Lộc ạ, nói đến lòng cậu như xé ra muôn mối. Lòng cậu đã tan nát cả, nhưng càng nhắc lại, khối lòng kia vẫn còn đầy đoạn đau thương. Nhưng cậu cứ phải nói để con hiểu rõ. Có hiểu, con mới làm được việc cậu dặn cho tới đích. Con hãy lắng nghe cho kỹ Lộc nhé!
- Vâng!
- Con đã biết mợ con xưa kia là con quan Phò mã Tả quân Đô đốc của vua Tây Sơn, tên là Võ Văn Nhậm. Mà cậu là con quan Hữu quân Đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh. Cậu quen mợ con từ ngày ở Qui Nhơn, cách đây vài bốn năm rồi. Cậu có phen thí võ với mợ con, thấy mợ con có bản lĩnh cao cường, cậu bỗng đem lòng yêu dấu. Gia dĩ, sau được biết mợ con, con nhà quý phái, lại thấy mợ con có nhan sắc lạc nhạn trầm ngư, cậu mê mợ con. Mợ con cũng có lòng yêu cậu nên hai vợ chồng cậu, lén nhà, thề bồi gắn bó với nhau. Những tưởng như thế ắt sẽ được thành một đôi uyên ương tốt lứa, có ngờ đâu ông Cao xanh ác nghiệt hay ghen ghét với những kẻ được hưởng mùi hạnh phúc, rồi bày ra cảnh trớ trêu!
"Một mối thâm thù, mà căn nguyên không rõ ở từ đâu, đã dựng đứng một bức tường oán hận giữa hai gia đình họ Võ và họ Nguyễn. Quan Tả quân không bao giờ có lòng dung Hữu quân, cũng như Hữu quân nếu có dịp, thì khổng để Tả quân yên ổn.
"Cậu chẳng may còn trẻ, không được rõ các lẽ ấy, hoá nên khi thấy An Trinh quận chúa, mợ con, thì cậu thương yêu ngay. Cũng vì hai bên có tư tình, khi phụ thân cậu và nhạc phụ cậu ra Bắc Hà đánh Trịnh, thì cả cậu cả mợ con, cố sống cố chết theo ra cho kỳ được, ngõ hầu sum họp cùng nhau.
"Từ Bắc Hà trở đi, lại bao nhiêu tai nạn tự nhiên xảy đến. Quan Tả quân gặp khi vua Thái Đức ra Thăng Long, bèn xúc xiểm nói xấu phụ thân cậu, rồi xui vua cùng Uy quốc công Nguyễn Huệ nửa đêm lén rút quân về, để một mình họ Nguyễn chơ vơ ở lại. Quân sĩ về cả, duy có một mình mợ con, lúc ấy ăn mặc giả làm bộ tướng quan Tả quân, bỏ nhà lén báo tin cho cậu biết. Cậu vội vàng lên bẩm cụ, cụ hoảng hốt cho xếp cả gia sản và đồ đạc xuống thuyền, đêm ngày theo riết quân Tây Sơn, vào Nghệ An bằng đường thủy. Cậu và mợ con lúc ấy được coi giữ chiếc thuyền thứ ba, là thuyền chứa nặng những rương tiền và vàng bạc châu báu. Không may cậu bị bão, lại gặp giặc Tầu Ô, bốn tên gia đinh đều bị giặc giết chết; cậu mợ lâm thế cô phải đục thuyền cho đắm, rồi nhảy xuống bể, lặn vào bờ lánh nạn. Tiền và vàng bạc mất cả, lúc đắm thuyền, chỉ tẩu được một ít châu ngọc và đồ tư trang mợ con bó thành một bó nhỏ, thắt vào lưng.
"Cậu và mợ con, sẵn có ba bốn tội nặng, không dám trở về quê quán nữa. Đành ở ngụ cư tại đây, định lấy ái tình khăng khít để quên cả gia đình, quên cả mọi sự phú quí công danh trên trần thế nữa. Cậu và mợ con định sống một cuộc đời thanh đạm an nhàn.
"Nhưng, hỡi ôi! Trời cao xanh cay nghiệt nào có để cho hai chúng ta được hưởng hạnh phúc cho tới buổi da mồi tóc bạc. Một việc quan trọng xảy ra giữa cuộc chung tình của cậu và mợ con, khiến mợ con, vì quá yêu cậu, phải hy sinh cả ái ân lẫn sinh mệnh! Việc ấy, tức là kết quả của một sự thâm thù chia rẽ họ Võ và họ Nguyễn, nó làm cho cậu không dưng bồ côi cha, không dưng goá mợ; nó tức là sự Tả quân hành tội Hữu quân ở Thăng Long thành đó! Cậu ở yên phận trong vùng Sầm Sơn vắng vẻ này, xa hết cả mọi việc đời túi bụi, còn làm sao biết cái tin đau đớn thảm khốc ấy? Thế mà, không hiểu vì đâu, mợ con biết được rõ ràng đích xác; ba hôm sau khi hai cụ và cậu Hai nhà ta bị hại, hung tin đến tai mợ con. Mợ con một mặt sai cậu lên tỉnh dò la sự thể, một mặt tụ dân làng lại chia của cải trong nhà.
"Cậu ở Thanh Hoá về, thì mợ con đã là người thiên cổ. Ở Thanh Hoá cậu cũng được tin mang máng rằng cụ nhà ta phò triều Lê mà đương bại trận, nhưng có hay đâu ngài đã bị nhạc phụ cậu là Võ Văn Nhậm giết rồi!
"Mợ con chết đi, là có ý muốn để cậu đừng vì tình mà quên cốt nhục. Mợ muốn cho cậu được tùy tâm hành thích phụ thân nàng. Lộc ơi! Mợ con đã tỏ ra nàng là một phụ nhân hiếm có trên đời; cậu dù đối với cha nàng đeo một mối tử thù, nhưng nàng đã xử sự như thế, thì cậu nỡ quyết liệt làm sao cho được? May thay! Sự vật ngày nay lại hoàn toàn đổi hẳn, khiến cậu trả được thù mà không phải giết Tả quân...
"Có lẽ trời xanh, sau khi đày đoạ cậu, đã hồi tâm thương cậu, không muốn cậu phạm vào một tội lỗi mà ngàn thu cậu vẫn ghê sợ, e ngại, không nỡ làm. Mợ con đã quá yêu cậu, tự hủy thân đi để giữ mối chung tình cho trong sạch đầy đủ, cậu nỡ lòng nào không thưong vợ, hung ác cầm dao đâm vào cổ họng cha nàng, nhúng tay vào vũng máu đã tạo ra nàng? Một kẻ phụ mình là anh hùng, cũng không có gan ấy được. Chỉ có loài mãnh thú mới đang tâm tàn nhẫn mà thôi! Nhất là khi cậu được giáp mặt Tả quân, thì đương lúc ông sắp bị đầu rơi khỏi cổ dưới lưỡi gươm đao phủ!
"Song le không báo thù một cách bạo động, cậu đã làm cho tâm hồn nhạc phụ cậu, trước khi lìa khỏi xác, bị đoạ đày trong một niềm hối hận vô biên. Thế là đủ.
"Giờ đây, giũ sạch được một gánh nặng nề mà ân oán đã gây nên, cậu còn phải lo trả sạch một chút nợ nam nhi trước khi liều mình tự tận. Phải, vì thế nào cậu cũng phải chết, cậu sẽ chết! trên bàn cờ, mợ con đã nhẫn tâm xoá cuộc, có lẽ đâu cậu còn gan ngồi đánh mãi một mình! Vả chăng, cậu là người thứ tư còn sống sót sau một cuộc phong ba hủy hoại cả gia đình cậu, cậu còn ham cầu hoạt làm gì?
"Nhưng, cậu còn chút bổn phẩn phải làm trọn vẹn trước khi theo cha, theo em, theo vợ, vào cõi hư linh bát ngát. Cậu sẽ sống thêm ít tuần nữa, sống để đuổi theo một mục đích tối thiêng liêng.
"Cậu con nhà dòng dõi trâm anh, lại còn trẻ không thể chết tối tăm như mợ con được, phải có chút công danh sự nghiệp để lại cho mai hậu, ngõ hầu thoả nguyện bình sinh, và đoạt ý chí của phụ thân cậu. Cậu hẳn phải sống. Bao giờ nguyện vọng của cậu hoặc đạt được, bây giờ sẽ chết cũng không muộn gì.
"Cụ nhà ta sinh thời ăn lộc nhà Lê, vừa đây lại thụ tước nhà Lê, mà đến chết cũng giữ vững được cơ đồ cho vua Chiêu Thống. Cơ đồ ấy nay đã về tay kẻ khác, vua Lê đã trốn sang Tàu. Cậu sẽ là người nối lòng ước muốn của ông cha, khôi phục lại xã tắc cho Lê triều đó! Cậu sẽ là một bầy tôi trung thành tận tụy, giúp vua trong buổi long đong. Cậu sẽ xây vững ngôi bảo tộ cho nền chính thống.
"Dù thắng, dù bại, cậu cũng sẽ cố làm. Cậu sẽ làm cho đến buổi, sức yếu, lực tàn, cậu ngậm cười mà chết giữa chốn sa trường đẫm máu! Nếu không được hạnh phúc lấy da ngựa bọc thây, cậu lại tìm về đây cùng mợ con lấy đáy bể làm mồ. Cậu sẽ chết cạnh mợ con cho phỉ tình ân ái.
"Bây giờ cậu phải cùng con vĩnh quyết; ngày nay con trông thấy cậu, ấy là trong buổi cuối cùng. Từ buổi này trở đi, thầy trò ta sẽ không bao giờ gặp mặt nhau nữa. Trước khi tương biệt cậu cần dặn con mấy việc rất cần. Con nên nghe kỹ mà ghi lấy trong lòng, để sau này làm cho đúng lời cậu bảo!
Bao nhiêu đồ đạc của cải trong nhà, cậu cho con cả. Sau khi cậu đi rồi, con sẽ đem hai bức thư này, một bức về Nghệ An, một bức về Phú Xuân. Con sẽ tìm về làng Châu Lộc, hỏi thăm cụ Nguyễn Hữu Bằng, tức là chú ruột cậu đó. Trong hai bức thư, con giao cho cụ một bức, còn bức nữa con sẽ giao cho Thọ Huê công chúa, tức là Võ Văn Nhậm phu nhân, ở Phú Xuân.
"Trong hai bức thư đó có kể rõ cuộc tình duyên giữa cậu và mợ con, lại thuật rõ những lẽ đã làm cho cậu mợ phải nửa đường chia rẽ. Những dấu vết và sự tích kho vàng cậu làm chìm nơi đáy bể, cậu đã biên chép rõ ràng. Người đời sau ai có duyên thì cứ đến đúng chỗ mà khai lên, một gia sản lớn sẽ về tay người đó!...
Con nên nghĩ đến ân nghĩa thầy trò, giúp cậu đem thư này cho tới đích, đừng nên để thất lạc đi. Ơn ấy, dù dưới suối vàng, cậu cũng ghi tâm mãi mãi...
"Thôi, con ở lại, cậu đi!...
Dứt lợi, như một cái bóng lẹ làng, Nguyễn Anh Tề đã nhảy vọt ra ngoài, đi biến vào cõi tối mịt mùng thăm thẳm.
Ngoài trời, mưa vẫn tuôn gió vẫn phả, sóng cồn vẫn nổi lên dào giạt, tung những làn bọt trắng xoá giữa vùng nước thẳm đen sì...
Tên gia đinh Lộc, tựa cửa đứng trông, tưởng tượng như cố chủ đem thân vào cõi chết...
Lời Nói Đầu PHẦN 1 PHẦN 2 PHẦN 3 PHẦN 4 PHẦN 5 PHẦN 6 PHẦN 7 PHẦN 8 PHẦN 9 PHẦN 10 PHẦN 11 PHẦN 12 PHẦN 13 PHẦN 14 PHẦN 15