Bố
mẹ mất sớm, là anh cả của 6 đứa em nơi vùng quê nghèo
nhất nước, Sinh lặn lội lên thị xã B. ở nhờ nhà ông
Tuyên, ông chú họ xa bên mẹ . Vợ chồng ông Tuyên khá giả
lại không có con nên thương yêu Sinh như con đẻ. Ban ngày
Sinh phụ việc ở quán ăn của chú thím, tối đi học.
Một tối học về muộn,
vợ chồng chú đã lên phòng nghỉ, Sinh thấy chiếc đồng
hồ vàng rất xịn ông Tuyên thỉnh thoảng vẫn đeo để trên
bàn. Không kìm mình được, Sinh giấu chiếc đồng hồ vào
người rồi len lén ra phòng ngoài chùm chăn ngủ...Sáng sớm,
Sinh đem chiếc đồng hồ ra cửa hàng bán được 3 triệu,
gửi tiền về quê cho các em ăn học.
Mấy hôm sau, vợ chồng
ông Tuyên mới phát hiện mất đồng hồ. Ông bà nghĩ chắc
để quên ngoài quán, khách hàng lấy. Sinh nghe ông Tuyên bảo
vợ:
- Tôi không chỉ tiếc
giá trị cái đồng hồ mà tôi còn tiếc vì đó là vật kỷ
niệm của ông thầy dạy nghề đã tặng tôi trước khi mất...
Ông Tuyên buồn bã suốt
một thời gian. Sinh hối hận quá nhưng không thể thú nhận
với chú thím.
Năm tháng trôi qua, Sinh
đã học xong và ông Tuyên xin cho cậu vào làm việc ở một
công ty kinh doanh đồ may mặc. Sáng dạ, cần cù nên chỉ thời
gian ngắn, Sinh đã được ông chủ cho làm quản lý một đại
lý nhỏ ở thành phố S. Đại lý ngày một phát đạt. Mấy
năm sau, Sinh được đề bạt làm phó giám đốc công ty. Cậu
đi xe hơi láng coóng, tay xách lap-top, tay nghe điện thoại di
động, trông thật oai phong.
Rồi Sinh mở công ty
riêng và trở thành một Tổng giám đốc nổi tiếng. Các em
Sinh cũng đã chuyển lên thành phố, đứa lấy chồng, lấy
vợ, đứa học đại học...
Một hôm đang ngồi dự
tiệc với quan khách, Sinh nhận được điện thoại của bà
Tuyên :
- Chú bệnh nặng lắm
rồi, con nên về gặp chú...
Sinh vội lao ra cửa,
trước bao cặp mắt ngạc nhiên của các vị khách quý. Trên
đường lái xe về thị xã B., nước mắt rơi nhòe đôi mắt
của ông Tổng giám đốc trẻ. Đến thị xã, trời đã sáng,
Sinh không về ngay nhà chú mà lái xe đến cửa hàng đồng
hồ ngày nào. Cửa hàng chưa mở, cậu nhẫn nại đứng bấm
chuông. Một bà già to béo, nhăn nhúm như quả táo tàu, vừa
mở cửa vừa làu bàu:
- Khiếp! Có chuyện gì
mà cậu khủng bố cửa hàng chúng tôi sớm thế!
- Cô ơi...Cô có nhận
ra cháu không
Bà chủ tiệm nheo mắt
nhìn, lắc đầu:
- Chịu. Tôi bây giờ
quên nhiều lắm, hình như cậu là ông lớn...
- Cô ơi, cháu là thằng
bé năm xưa đã mang chiếc đồng hồ vàng bán cho cô. Khi đó
cô đã bảo là sao lại có cái đồng hồ đẹp chưa từng
thấy bao giờ ấy...
Bà già ngẩn ra một
lát rồi gật gù:
- À, nhớ rồi! Cho đến
giờ tôi cũng chưa mua được cái đồng hồ nào đẹp hơn
. Dạo ấy tôi trả cậu mấy triệu, tôi thấy cậu bán ngay
nên rất mừng...
- Bây giờ còn không
hả cô
Bà già luồn tay vào
túi áo, lấy ra một chùm chìa khóa, đi vào nhà trong, Sinh nghe
tiếng bà mở cẩn thận ngăn tủ bí mật nào đó. Lúc sau
bà mang ra cái hộp nhỏ màu xanh, trong đựng chiếc đồng hồ
vàng còn mới nguyên, bảo:
- Nó đẹp quá nên tôi
chẳng dám dùng, cất đi để xem ai trả giá thật hời mới
để lại...
Run rẩy vì xúc động,
Sinh vội hỏi bà chủ muốn để lại bao nhiêu, bà già hơi
lúng túng rồi đưa ra một cái giá bà vừa nghĩ ra . Không
chần chừ, Sinh rút ngay tiền trả.
Trên đường về, thỉnh
thoảng Sinh lại liếc nhìn cái hộp xanh, thầm hứa với lòng
mình sẽ thú thật tất cả với chú thím...
Sinh chạy vội vào phòng
trong nơi chú Tuyên nằm. Chú bây giờ chỉ còn da bọc xương,
không nói được nữa nhưng vẫn nhận ra đứa cháu yêu quý.
Tia vui mừng hiện ra trong ánh nhìn của chú, Sinh nắm chặt
tay chú rồi vội lấy ra chiếc hộp nhỏ, cậu vừa định
mở lời thì thấy đôi mắt chú khép lại...chú đã đi về
cõi vĩnh hằng...
Ngày nọ, người ta thấy
một người đàn ông ăn mặc sang trọng, đi chiếc xe hơi đắt
tiền, dừng trước ngôi mộ ông Tuyên, anh quỳ xuống , thầm
thì gì đó khá lâu , sau đó lấy ra một cái hộp nhỏ màu
xanh, rất nâng niu, anh châm lửa hóa. Chắc hẳn trong đó là
một vật rất quý giá.
8.6.2009
Vũ
Thanh Hoa
Lê
Trần là một đại gia thành đạt bậc nhất tỉnh T. Ông cưới
hoa hậu tỉnh T. làm vợ. Đám cưới hơn cả giấc mơ của
những cô gái trẻ. Một năm sau ông phát hiện người vợ
xinh đẹp ngoại tình với một nam người mẫu, ông lập tức
li hôn.
Ba năm sau, Lê Trần cưới
nữ doanh nhân giàu có và cũng thành đạt nổi tiếng. Sống
với nhau được vài năm thì ông phát hiện vợ ngoại tình
với chính người lái xe riêng hàng ngày vẫn đưa đón nàng.
Sau cuộc tranh luận, họ thống nhất li hôn.
Năm năm sau, Lê Trần
cưới cô bé vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, kém ông
hơn hai chục tuổi, chưa một lần yêu. Một ngày, ông cay đắng
phát hiện được cô bé ngoại tình với tay thầy dạy nhạc
do chính ông tuyển chọn cho cô học vào thứ bảy mỗi tuần.
Tức giận, ông viết cho đôi "gian phu dâm phụ" tấm ngân phiếu
và bảo họ mau biến khỏi mắt ông.
Mười năm sau, Lê Trần
cưới một cô gái vừa trẻ, vừa đẹp còn rất giàu có.
Cả tỉnh T. xôn xao, một số người ngạc nhiên, một số
cười tủm, một số bảo nhau: "Cứ để rồi xem sao!".
Với tuổi tác và bề
dày kinh nghiệm, Lê Trần bây giờ đầy đủ bản lĩnh để
giữ vợ. Ông kiểm soát mọi đường đi nước bước của
nàng. Được hơn hai năm thì Lê Trần bắt đầu thấy có "hiện
tượng khả nghi". Đó là một gã trẻ tuổi tên Tuấn, làm
cùng công ty với nàng. Hai người thường xuyên đi công tác,
ăn trưa , uống cà phê rất thân mật. Ông bảo vợ: "Chỉ
cần em thú thật, anh sẽ tha thứ, anh đã quá mệt mỏi với
các cuộc li hôn rồi." Nàng một mực chối cãi. Lê Trần ngẫm
ngợi: "Hơn hai mươi năm trước khi mình trai trẻ, người vợ
đầu còn phản bội dễ dàng đến thế thì bây giờ làm sao
tin được lũ đàn bà!" Hai vợ chồng tranh cãi rất căng thẳng,
cuối cùng là cuộc xô đẩy quyết liệt, vợ Lê Trần trượt
chân ngã từ lầu hai xuống đất và qua đời.
Lê Trần ngồi bất động
như pho tượng trong đám tang vợ. Khi mọi người về hết,
ông vào phòng ngủ mở tủ quần áo của nàng. Mùi hương dịu
dàng thân thuộc vẫn phảng phất làm ông ứa nước mắt,
bỗng một cái bọc nhỏ rơi ra. Ông mở bọc thấy chiếc đầm
ngủ màu đỏ tuyệt đẹp bên trong cuộn một lá thư đề
gửi nàng. Lặng người, Lê Trần chậm rãi mở thư xem:
"Tôi đi khắp các cửa
hàng tơ lụa trong thành phố mới tìm được cái váy ngủ
này tặng em..." - Ông ngừng lại, thở hắt ra rồi run rẩy
đọc tiếp - "Tôi nhớ có lần em nói là muốn có một bất
ngờ nhỏ dành cho ông xã vào đêm sinh nhật tới, tôi thật
sự ngưỡng mộ tình yêu bấy lâu em luôn dâng trọn cho chồng.
Món quà nhỏ này thay lời chúc phúc cho hai người. Tuấn"
Ông khó nhọc quay lại
nhìn khuôn mặt xinh đẹp của nàng lẩn khuất trong làn khói
trắng rồi tất cả nhòa đi...
19.5.2009
Vũ
Thanh Hoa
Tình
trạng thằng Bo đáng ngại: Béo phì độ một và có triệu
chứng trầm cảm! Học lớp 3 rồi nhưng ăn nói rất ngớ ngẩn.
Cô giáo hỏi: "Bố em làm nghề gì " Bo trả lời: "Nghề sếp!"
Cô cười: "Đó không phải là một nghề em ạ. Em thử nhớ
lại xem mọi người xung quanh thường gọi bố em là gì " Bo
nghĩ ngợi rồi đáp: "Gọi là... đại gia!". Cô giáo thở dài,
kiên nhẫn: "Vậy mẹ em làm nghề gì nào " Bo ngần ngừ một
chút rồi tự tin hơn: "Mẹ làm nghề... phu nhân!" Cô giáo lắc
đầu. Bo cố cãi: "Ai cũng bảo thế mừ...!"
Bo học càng kém. Ở
lỳ trong phòng. Không ăn cơm mà đòi ăn quà vặt, chỉ tiếp
xúc với cô "osin". Bố mẹ lo lắng quá. Bố lên mạng tham
khảo các ý kiến của các chuyên gia toàn cầu. Mẹ bỏ hẳn
khóa học Thẩm mỹ để nhiều thời gian bên Bo hơn nhưng vẫn
không ăn thua. Bo chỉ giao lưu mỗi cô "osin". Hôm nọ, bố mang
ô tô đón ông nội đến ở hai ngày với gia đình nhỏ, mong
ảnh hưởng chút gì đến thằng cháu đích tôn. Ông nội giải
thích rất nhiều về đạo lý, về trách nhiệm và ý nghĩa
của một bé trai ngoan với dòng họ. Ông nhấn mạnh: Bố cháu
là người thành đạt, mẹ cháu là một phu nhân cao quý. Cháu
phải trở nên một "người xứng đáng".
Nhưng xem ra "nước đổ
đầu vịt". Bo ngồi như phỗng, ngáp vặt rồi lại nghĩ ra
"mưu" đau bụng, khó thở... làm cả nhà nháo nhào lên, thế
là... thoát! Chuyên gia tâm lý khuyên gia đình đừng ép cháu
điều gì. Cứ để Bo thích gì làm nấy, thích ai thì để
người ấy gần gũi và tỉ tê dần dần... Chỉ mỗi cô osin
chăm sóc Bo từ 21 tháng tuổi đến giờ "trúng tuyển" thôi.
Cả nhà bị "loại" hết. Căn phòng riêng của Bo nhìn vào ngỡ
là một góc phim trường Hollywood: người Dơi, Người Nhện,
Siêu nhân, chuột Mickey, vịt Donnal... hàng chục loại máy bay,
xe hơi, tàu chiến điều khiển từ xa... bố mua từ khắp nơi
trên thế giới nhưng nó chẳng đụng đến. Nó chống cằm
nhìn từ cửa sổ xuống con đường đông đúc, mặt buồn
rười rượi. Cô osin mang ly sữa để trước mặt. Bo chỉ
buông một câu: "Không uống!". Nhớ lời bác sỹ tư vấn, cô
osin nhỏ nhẹ: "Bo có muốn xuống phố chơi không " Bo đi theo
osin vẻ miễn cưỡng nhưng không khó chịu.
Một tiếng sau, trở
về, Bo có dấu hiệu dễ chịu hơn. Tối hôm sau, Bo bảo osin:
"Xuống phố chơi mừ..." Bố mẹ xúc động quá. Lâu lắm rồi,
cu cậu mới có chút biểu hiện muốn gì. Liên tục một tuần
, Bo bắt đầu cởi mở hơn với mọi người, làm các bài
tập ở nhà và... ăn cơm. Đợi Bo ngủ say, mẹ gọi cô osin
ra thì thầm: "Mày đưa nó đi đâu thế " Cô osin cười cười:
"Con đưa Bo đi vòng quanh phố rồi ghé vào xóm trọ của chúng
con chơi tí..." Mẹ nhíu mày : Xóm trọ của dân nhập cư cực
kỳ phức tạp, không khéo sinh ra đủ chuyện... Mẹ bàn: "Bo
vui vẻ trở lại, có lẽ ngày mai bảo nó ở nhà, bố mẹ
chở xe hơi ra khu Vui chơi giải trí lớn nhất thành phố ăn
buffet!" Cô osin "dạ" rất lễ phép.
Tối hôm sau, thằng Bo
hỏi cô osin: "Đi chưa " Cô osin nhìn mẹ cầu cứu. Mẹ dịu
dàng giải thích. "Hu hu hu" thằng Bo lăn ra sàn nhà "Không đi
Khu vui chơi đâu!" "Con muốn gì " Bố tái mặt vì giận. Mẹ
thì thầm: "Đừng anh. Chuyên gia bảo..." Bố nhớ ra, dịu giọng:
"Thôi được. Hoãn chuyến đi Khu vui chơi".
Bo nín khóc. Cô osin lại
tung tăng dắt Bo xuống phố. Mẹ đưa mắt. Bố gật đầu.
Thay bộ đồ bình dân, bố bí mật bám theo. Đi qua con đường
đông. Rẽ trái vào một con đường nhỏ rồi lại rẽ phải
vào một ngõ hẹp xập xệ và đông vui của dân lao động,
bố thấy hai cô cháu đi chậm lại rồi dừng trước một
xe hủ tiếu gõ. "Ôi dào, thằng khỉ, tưởng gì!" Bố thở
phào, cười. Một thằng bé cỡ tuổi Bo, có lẽ là con của
người bán hủ tiếu ra đón tiếp Bo rất thân thiết. Hai thằng
kín đáo vào bụi cây ven đường, Bo cởi ngay bộ đồ "xịn"
đổi bộ đồ cháo lòng của thằng kia vẻ rất thành thạo.
Thằng kia ngồi nghỉ ngơi trên ghế cùng cô osin, chuyện trò
rặc tiếng địa phương nghe rất rôm rả. Còn Bo, ánh mắt
long lanh, hoan hỉ, vừa cầm đoạn tre gõ "cắc cắc cắc" rất
hứng thú vừa chạy qua chạy lại bưng bê mấy tô hủ tiếu
cho đám khách hỗn độn xung quanh. Bố còn nghe rõ cô osin ngưng
nói chuyện, quay lại dặn Bo rất "trách nhiệm": "Tranh thủ
gõ và bưng bê đi nghe con. Chỉ được làm một tiếng là phải
về rồi!"
29.8.2007
Vũ
Thanh Hoa
Đứa
bé nhấc điện thoại và quay sang hỏi anh trai: "Chúng mình
nói gì với ba đây " Thằng anh nhắc: "Nói ba cho đi ăn kem,
đi bơi, đi tàu lượn" Con em tròn mắt: "Nói ba mua siêu nhân
nữa chứ " Hai đứa nhất trí . Ba đến. Xe hơi mới cáu cạnh
dừng trước cổng khu chung cư cao cấp, áo lụa hồng trông
thật trẻ và phong độ so với tuổi. Một phụ nữ ăn mặc
rất model dắt xe tay ga ra, mặt che khẩu trang, ba đoán đó
là mẹ.
Mẹ thật, mẹ dừng
lại, gật đầu chào ba nhã nhặn rồi hỏi:" Bao giờ trả
chúng nó về bên này " Ba gật đầu chào lại, trả lời: "Có
lẽ tối mai!" Mẹ nổ máy xe, kết thúc bằng câu tiếng Anh:"
Ok. Bye!" Ba đưa hai đứa đi vòng quanh thành phố, ăn kem và
bánh humbeger. Mỗi đứa vừa đi vừa tu hai lon Coca rồi rẽ
vào quầy đồ chơi. Cơ man là đồ chơi. Hai anh em cứ tròn
mắt rồi tít mắt lại. Hôm nay ba hào phóng quá, hai đứa
thích gì mua nấy. Thằng anh vênh mặt nhìn một đứa bằng
tuổi nó đang lăn ra khóc với bố mẹ vì không được mua
con siêu nhân "cực xịn" như mình. Ba còn hứa cho hai đứa
đi tắm hồ và tàu siêu tốc thì điện thoại chợt reo: "Alô!
Anh Tư ơi, có hai sếp từ Bộ ghé vào đột xuất. Mọi người
đang chờ anh cả rồi!" Giọng cậu trưởng phòng hối hả.
Ba bấm ngay số điện thoại của mẹ đã mặc định trong
máy: "Về nhà đón chúng nó. Tôi có việc đột xuất phải
đi ngay đây!" "Cái gì vậy, sao ngang xương thế - Giọng mẹ
rít lên trong điện thoại - Tôi nuôi chúng nó suốt mấy năm
nay, cả tuần anh mới ghé một lần bảo đưa chúng nó đi
chơi đến mai mới trả. Anh tưởng tôi là "osin" của anh mãi
sao Tôi đang ở xa lắm không về đươc!" Nói rồi mẹ cúp
máy. Hai đứa chỉ nghe điện thoại reo đã đoán được tình
hình, chúng im lặng, không cười, không khóc. Ba bối rối và
sốt ruột buông một câu chửi thề. " Ba gọi cho bà nội vậy
" Thằng con gợi ý. Ba thở phào vội bấm máy. Bà nội đi
vắng. Chỉ còn cô "osin" ở nhà. Thế là tốt rồi.
Ba đưa hai đứa vào
tận phòng bếp nhà bà nội cùng một đống đồ chơi và bánh
kẹo. Ba rút ví cho cô "osin" tờ 100 ngàn mới cứng. Cô "osin"
lễ phép cám ơn và cất ngay vào túi áo. Xe ba lao vút đi, để
lại làn khói trắng mờ mờ, con bé gái nhìn theo rơm rớm
nước mắt. Thằng anh bảo con em : Mình rủ chị Bé (tên osin)
chơi trò gì đi!" Con bé nín khóc nhoẻn cười. Chị Bé bảo:
"Chơi trò bán hàng là vui nhất!" "Ok!" Hai đứa cùng gật đầu.
Chị Bé giả làm người
bán hàng. Tiền giả vờ là mấy tờ lịch cũ. Thằng anh kiếm
ở đâu ra lắm lịch, nhét đầy túi. Nó nói, giống hệt ba
nó : "Này chị bán hàng, chị có đủ hàng bán không mới là
quan trọng, bao nhiêu tiền tôi cũng mua!" Chị Bé nhiệt tình:
"Thì đi coi hàng đi, có tiền thì gì cũng có!"
Rất galăng, thằng bé
dắt con em đi một vòng ngó nghiêng "quầy hàng" của chị Bé
và bảo: "Em thích mua gì, nói ngay, anh mua cho!" Con em ngúng nguẩy
lắc đầu trước bất cứ món hàng nào chị Bé gợi ý. Thằng
anh bắt đầu sốt ruột, mắng giống hệt ba: "Anh không có
nhiều thời gian nhé. Anh phải về đi họp đây. Muốn mua gì
nói ngay đi!" Con em nhìn anh rụt rè: "Hay bảo chị Bé làm thế
nào để cho ba mẹ tí nữa về ăn cơm cùng, mình sẽ trả
tiền " "Ok!" Thằng anh gật đầu, đoạn móc toàn bộ số "tiền"
trong túi ra bảo chị Bé: "Tôi sẽ trả giá cao nhất nếu chị
làm được điều này!" Chị Bé thộn mặt ra, nghĩ một lúc
rồi nhe hàm răng vẩu ra cười bảo: "Tụi này ngốc ghê không.
Đó đâu phải là món hàng, mà tiền tụi bây đưa là tiền
giả bộ mà!".
11.7.2007
Vũ
Thanh Hoa
Suốt
quãng đường đến bến tàu, chốc chốc chị lại mỉm cười.
Từ khi li dị đến nay gần ba năm, có lẽ giờ chị mới gặp
lại cảm giác hạnh phúc. Người đàn ông chị đón là người
yêu đầu tiên thuở Đại học. Người đã ngọt ngào, đắm
say bước vào cuộc đời con gái của chị. Tuổi trẻ, chỉ
vì chút tự ái nho nhỏ, họ đã chia tay. Chị lấy chồng,
anh lấy vợ. Nay anh có dịp đi công tác qua thành phố quê
hương chị và ghé thăm chị.
Dù đã 15 năm trôi qua,
chị vẫn nhận ngay ra anh. Anh hơi mập nhưng vẫn rất đẹp
trai. "Em còn đẹp hơn xưa đấy!" Anh cũng đắm đuối nhìn
chị.Họ dạo bước trên công viên cạnh biển. Gió mơn man
tóc và những tia nắng cuối chiều nhảy nhót trên vai áo.
Rồi họ đón taxi và ngồi bên nhau. Anh nhè nhẹ nắm bàn tay
chị, bàn tay chị im lặng nằm gọn trong tay anh nhưng đôi
vai nhỏ thì run rẩy xúc động. Từng đôi trai gái chở nhau
bằng xe máy vụt qua, chị thầm thì:
- Anh nhớ ngày xưa anh
đã từng chở em bằng xe đạp suốt 120 cây số từ Sài gòn
về nhà em không Thế mà về đến nơi, ăn cơm xong, mẹ em
nhất quyết không cho ngủ nhờ nhỉ...
Anh bật cười:
- À, ừ. Ngày ấy điên
thật!
Chị hơi sững. Anh bảo
taxi ghé vào khách sạn sang nhất Thành phố biển. Anh đặt
bàn ăn với đôi nến trắng, hoa hồng và rượu Sâmbanh. Họ
dùng bữa tối, chuyện trò và cụng ly như trong xinê. Anh say,
chị cũng bắt đầu say. Chiếc đầm đen cổ trễ khiến chị
càng quyến rũ.
Anh dìu chị lên căn
phòng hạng nhất, nơi có những rèm cửa lãng mạn và ánh
sáng mờ ảo dìu dịu hắt từ chiếc chao đèn sang trọng.
Anh ôm vòng eo thon thả của chị, chị gục đầu vào vai anh.
Bỗng dưng mùi nước hoa sành điệu từ anh làm chị khựng
lại, ký ức chợt ùa về mùi mồ hôi hăng hắc giữa trời
nắng của anh khi gò lưng chở cô bạn gái 15 năm trước, mùi
đàn ông quyến rũ...Bàn tay anh dịu dàng, thành thạo ve vuốt
chị lại làm chị liên tưởng cũng bàn tay ấy ngày xưa run
rẩy, lóng ngóng, vụng về...Khi anh cúi mái tóc chải óng mượt
xuống chị, chiếc áo sơmi đắt tiền đang được anh cẩn
thận mở từng chiếc cúc thì ký ức lại một lần nữa đưa
chị về với mái tóc quăn quăn và cử chỉ nồng nhiệt cởi
phăng chiếc áo phông bạc màu ngày nào của chàng sinh viên...Ký
ức làm chị tỉnh hẳn rượu, chị thấy chân tay mình lạnh
toát...
- Em xin lỗi nhưng em
không thể...
Chị ngồi bật dậy,
kéo lại váy.
- Có chuyện gì vậy
Anh xúc phạm em chăng " Anh ngạc nhiên. Chị bối rối lắc
đầu. Ký ức thật bất nhã.
- Em không còn yêu anh
nữa! - Anh nói giận dỗi.
- Tha lỗi cho em- Chị
rút bàn tay khỏi tay anh, nước mắt lăn trên má - Tình yêu
vẫn nguyên vẹn nhưng là anh của ngày xưa...
Rồi chị chạy vội
khỏi căn phòng khách sạn.
10.7.2007
Vũ
Thanh Hoa
Chúng
tôi yêu nhau suốt thời sinh viên. Ra trường, vì một hiểu
lầm nhỏ, tôi bỏ người tôi yêu , lấy chồng. Thời gian
trôi, tôi đã thành đàn bà. Sáng nay trên đừơng tới chợ,
xe tôi bỗng "xì" như một tiếng thở dài. Tôi dắt xe vào
căn nhà ven đừơng có tấm biển "VÁ ÉP HONDA,XE ĐẠP". Nào
ngờ đó chính là nhà chàng. Phút gặp lại choáng váng. Chàng
vẫn đẹp nhưng phong trần hơn xưa. Bàn tay kỹ sư sửa xe
thô ráp, thơm thơm mùi nhựa vá, đưa những đừơng kéo sành
sỏi trên miếng ruột xe đen đủi. Cái áo bảo hộ lao động
bạc phếch, đứt nút, lộ đầy vẻ đàn ông quyến rũ...
Buổi tối, đang ngồi coi " Hồng lâu mộng" với chồng, tôi
"À" lên rồi nói: " Em phải đến nhà ngoại lấy thêm len rồi
ngủ lại đấy với cái Thoa". Chồng tôi vẫn dán mắt vào
ti-vi, bảo:" Nhớ mặc thêm áo. Mai về sớm gọi anh đi làm."
Tôi cài lại nút áo pijama cho chồng rồi ra đi như một con
trộm. Tôi núp bên gốc me xù xì gần cổng nhà chàng, đợi
duyên may chàng có dịp ra phố. Phố chợ về đêm vắng tanh.
Một gã say loạng choạng dừng xe, ném vào tôi hơi men:" Dù
không em "...Rồi cũng đến lúc chàng bứơc ra. Dừơng như
cảm đựơc ánh mắt tôi vuốt ve, chân chàng luống cuống.
Tôi run rẩy rón rén bứơc theo. Tôi muốn khẽ kêu tên chàng
nhưng lại muốn gần hơn nữa. Đến gần. Trời ơi! Tôi sững
người : Chàng đang rải những chiếc đinh xuống đừơng!
Những cái gai thép đâm thẳng lên trời, nhòe nhoẹt ánh trăng,
ánh điện.
12.6.1993
Vũ
Thanh Hoa.
|