Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
|
|
Tập II : Làm gì cho Huế Võ Quang Yến *** |
Nhận lời mời của Hội Henri de Toulouse, với sự hỗ trợ của Hội CODEV Việt Pháp, bốn họa sĩ Vĩnh Phối, Trương Bé, Phạm Đại và Nguyễn Đức Huy, giáo sư và giảng viên tại trường Đại học Nghệ thuật Huế, đã qua Pháp làm việc ba tháng hè (1994) vừa qua. Truyền thống của Hội Saint-Henri là hằng năm mời một số họa sĩ quốc tế lại sáng tác vài tuần hay vài tháng ở vùng Lauragais miền nam nước Pháp. Sau các buổi sáng tác trong xưởng dựng lên giữa cánh đồng hoa hướng dương, ven rừng chập chờn bóng mát, là giờ trao đổi ý kiến, những buổi tranh luận say mê về các trào lưu nghệ thuật hiện đại, có khi quanh bàn ăn nức mùi phó mát hay nước mắm phương xa. Đây là lần đầu tiên các họa sĩ Việt Nam được mời tham dự. Tuy đã từng tiếp xúc với nghệ thuật Tây phương, thông thạo kỹ thuật tân tiến, các anh đã học thêm được nhiều kinh nghiệm qua mấy tháng với Hội Saint-Henri. Và hôm 11.9 một số tranh của các anh đã được đem triển lãm trong số hơn 100 tác phẩm được sáng tác trong vùng của các bạn đồng nghiệp quốc tế. Các anh đã bán được hơn 30 tác phẩm tranh và tuợng, tiền bán đấu giá sau đó thu được sẽ giúp Hội tổ chức cho những cuộc gặp gỡ sau. Phòng tranh Saint-Henri vừa đóng cửa thì bốn anh bạn lên ngay Paris để khánh thành cuộc triển lãm ở Trung tâm Văn hóa Pháp Việt hôm 13.9. Đây là một tòa nhà khá rộng nằm ngay giữa xóm La Tinh : ngoài phòng tranh còn có quầy bán sách, báo, băng nhạc, có quán cơm phục vụ phở, cháo hằng ngày. Suốt tuần còn có tổ chức những buổi học tiếng Việt, dạy đàn tranh, những buổi diễn thuyết trên các đề tài văn hóa Việt Nam. Nếu hai bạn Phối và Huy có chuẩn bị đem từ bên nhà sang một số tranh và đưa ra trình bày cùng những bức vừa vẽ, hai anh Bé và Đại chỉ có triển lãm vài bức vừa mới sáng tác. Tranh của hai anh nếu là số ít thì lại là toàn kích thước khổ lớn và thuộc thể loại trừu tượng. Những bức Rừng sâu thẳm (đã được giữ mua ngay), Hồn Tạo hóa, Cánh đồng xanh của anh Đại cũng như những bức Trăng, Thu, Hạnh phúc, Phố cũ ,... của anh Bé "đã dẫn dắt người thưởng ngoạn vào thế giới sâu thẳm của tâm hồn, của tư duy tư tưởng ". Ngày nay, nhiều họa sĩ đã từ hiện thực bước qua trừu tượng vì họ cho " đó là nghệ thuật có sức biểu hiện nội tâm phong phú và đa dạng, có khả năng khái quát cao ". Tuy vậy người xem tranh, muốn tận hưởng cái đẹp lối vẽ nầy, cũng cần được huấn luyện ít nhiều như khi nghe nhạc cận đại của Tôn Thất Tiết hay Nguyễn Thiện Đạo ngày nay rất có tiếng ở Âu châu. Huy có lẽ là họa sĩ trẻ tuổi nhất trong số bốn anh. Anh chuyên môn về sơn mài nhưng cũng sử dụng các chất liệu khác, từ sơn dầu qua pastel, acrylic. Anh sáng tác đủ các thể loại : phong cảnh, chân dung, tĩnh vật,... nhưng đề tài luôn hướng về quê xứ Việt Nam, chủ đề ngày xưa hay có tư tưởng của đời sống xã hội ngày nay. Những bức Mùa xuân đi chùa, Phụ nữ, Ngôi miếu, Bà già, Sinh nhật hay Cánh đồng quê, Bé chăn trâu, Lăng Tự Đức,...mang đậm tính chất Việt Nam. Người xem thấy rõ anh đã phát triển và cách tân các mô típ vào hình thức truyền thống để xây dựng các tác phẩm của mình. Rất dễ thông cảm khi biết tất cả các sáng tác của anh ở Pháp của anh đều lấy đầu đề chung là Nostalgie (Tình hoài hương). Anh Phối là người đã lăn lộn nhiều trong giới hội họa và có nhiều kinh nghiệm. Tiếp thu nghệ thuật phương Tây hơn 30 năm nay, anh đã sáng tác nhiều tranh lụa, sơn dầu, theo nhiều thể loại khác nhau, từ biểu hiện lập thể siêu thực qua phi hình thể trừu tượng. Anh đã tham dự nhiều cuộc triển lãm ở trong và ngoài nước, đã được trao tặng nhiều giải thưởng và có nhiếu tác phẩm lưu trữ ở các viện bảo tàng. Anh thường sáng tác trên chủ đề hòa bình, trở về cội nguồn với truyền thống văn minh gốc. Nhiều tranh của anh đã thể hiện Thời đại đồ đồng, Văn hoá Đông Sơn, Hùng Vương dựng nước. Những bức tranh Thánh Gióng hay Âu Cơ Lạc Long Quân, Rồng ba - Văn minh cổ nói lên tất cả tâm tư của anh. Ngày nay anh sáng tác theo chiều hướng đổi mới : lập thể biểu hiện, trừu tượng có chủ đề như phản ảnh cuộc sống xã hội hay trở về cội nguồn dân tộc. Tuy sử dụng kỹ thuật mới, " tư duy sáng tạo của anh vẫn còn giữ tính Đông Phương hiện đại ". Tôi là người xem tranh gốc cố đô, ở xa xóm cũ, thì những bức Ngọ Môn hay Huế vẫn luôn gây trong lòng tôi một nỗi thích thú thầm kín, một tia nắng sưởi ấm tâm can. Sau Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Dương Đình Sang, lại bốn họa sĩ Huế có dịp trình bày tác phẩm ở kinh thành ánh sáng. Chuyến Pháp du của các bạn tuy tương đối ngắn hạn và có lẽ cũng chẳng đem lại được bao nhiêu lợi nhuận tài chánh, đã giúp các bạn tiếp xúc với hội họa, văn hóa phương Tây. Hai cuộc triển lãm Saint-Henri và ở Paris dù sao đã đưa ra công chúng tên tuổi các bạn tuy ở bên nhà các bạn không phải là những họa sĩ mới nhập làng, và từ đấy dễ vươn cao lên.
|
|
|
[
trang trước ] / [
trang
sau ]
|