Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập II : Làm gì cho Huế 

Võ Quang Yến

***

14-RAU CÂU HUẾ 

Hôm tôi được sống những giây phút thần tiên ở Huế không phải là hôm đi du ngoạn mà là nhân một chuyến tham quan các vùng nuôi trồng rau câu. Ở Miền Trung, xung quanh Huế - Thừa Thiên, đầm phá chiếm đến 42.000 hecta, nghĩa là bằng diện tích tất cả đầm phá miền Bắc. Về mặt nuôi tôm, các nhà kỹ nghệ Úc nghe nói đã có ký kết với các cơ quan sở tại. Bên phần rau câu, mặc dầu cố gắng của nhiều trường, nhiều sở, đến nay chưa biết sẽ phát triển ra thế nào.

Sau 1975, chính quyền đã ý thức tầm mức quan trọng của đầm phá trong cuộc kiến thiết, xây dựng xứ sở. Bên trường Đại học Tổng hợp Huế cũng như phía ty Thủy sản (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế) đều có quyết định khai thác nguồn tài sản rau câu thiên nhiên nầy. Rau câu chỉ vàng mọc ở các đầm phá miền Trung là một thứ rong gọi là đỏ thuộc loại Gracilaria verrucosa, có đặc tính chứa trong mình một chất gel, nôm na ta gọi là thạch hay thạch trắng mà các bà nội trợ trong vùng đều biết chiết xuất khi đem rau câu đun nóng trong nước rồi để nguội lại. Trên thế giới, người ta gọi nó agar-agar, hay rút gọn agar, một danh từ tiếng Mã Lai. Ngày nay, agar được dùng trong nhiều lĩnh vực, từ thực phẩm (bánh, mức, kem, đồ giải khát), kỹ nghệ (đồ hộp, phim, giấy, keo, hồ) qua dược phẩm (màng bọc thuốc, khuông đóng răng, chất nhũ tương), y học (thuốc nhuận trường, thuốc băng bó, chất ăn ít năng lượng)...Ngoài ra, và còn quan trọng hơn, nhờ tính chất trung hòa điện học, ổn định nhiệt học và sức đông cao, lại thêm có khả năng kháng cự vi sinh vật nên agar càng ngày càng được dùng nhiều trong ngành vi sinh vật để làm môi trường canh cấy tế bào động vật, thực vật và gần đây trong các kỹ thuật cấy mô. Nếu ta để ý thấy các kỹ thuật nầy đang phát triển mạnh mẽ khắp nơi thì ta thấy ngay agar, đặc biệt agar rose là một thể của agar và hỗn hợp với nó trong rau câu, rồi đây sẽ chiếm một thị trường tiêu thụ lớn.

Trường Đại học Tổng hợp Huế, tuy thiếu điều kiện, từ năm 1977, song song với cuộc khảo sát các loài tôm cua, các động vật nổi, các phytoplankton ở đầm phá, đã thực hiện một số khảo cứu căn bản về cách nuôi trồng rau câu hay rong câu chỉ vàng : ảnh hưởng cường độ ánh sáng, nhiệt độ, độ mặn môi trường, nồng độ phân bón lên hàm lượng, chất lượng, năng suất, cường độ quang hợp, hô hấp, sự sinh trưởng của rau câu. Cách đây năm năm, trường cũng đã bắt đầu xây dựng một cái pilôt để chiết xuất agar. Trên nguyên tắc, cuộc chiết xuất nầy không có gì khó, chỉ cần một nồi lớn để nấu rau câu trong nuớc, một máy lọc tinh vi và một máy đông lạnh cùng một máy ép để tách agar ra khỏi nước. Có điều ta thiếu phương tiện, thiếu kỹ thuật, thêm vào đó thiếu một cơ quan thương mãi quan sát thị trường, tính toán sản xuất và phương tiện xuất cảng. Đằng khác, nếu nhắm thị trường sinh vật học là thị trường tương lai thì agar sản xuất phải đạt mức xuất khẩu và hơn nữa phải kiếm cách sản xuất agar rose bằng phương pháp lọc hay, tối tân hơn, bằng cách ghép gen rất thịnh hành vào thời buổi nầy. Muốn vậy, bước đầu là phải thông hiểu môn hóa học agar cần thiết trong thời gian chế tạo cũng như sau nầy trong khâu kiểm tra.

Ví chi mằn mò mất công, một giải pháp công hiệu là đi học nước ngoài. Thì đây, phòng thí nghiệm Equipe Polysaccharides Pariétaux des Végétaux ở viện Đại học Lille Flandre Artois, bây giờ có Laboratoire de Cytophysiologie Végétale et de Phycologie tiếp tục, chịu nhận hợp tác với trường Đại học Tổng hợp Huế trong chương trình nuôi trồng rau câu, chiết xuất agar. Cũng nên biết là Pháp cần agar mà rong tảo chứa agar lại hiếm ở Pháp. Nhờ sự hỗ trợ của AUPELP (Hội các Viện Đại học dùng Tiếng Pháp) và bộ Ngoại giao Pháp, ba cán bộ giảng dạy ở Huế đã qua tham quan hai tuần và thực tập sáu tháng ở Lille, trong luôn hai năm 1989-1990. Hy vọng còn sẽ có các thực tập sinh khác qua Pháp nếu Ủy ban Hỗn hợp Hợp tác Khoa học Kỹ thuật Pháp - Việt tiếp tục chấp nhận và ủng hộ chương trình.

Bước qua giai đoạn áp dụng thì hãng Pronatec, một công ty khảo cứu và phát triển kỹ nghệ công nghiệp rong tảo ở Lille, có khả năng cùng ta xây dựng một đơn vị sản xuất tại chỗ. Đề nghị là kỹ sư ta qua Lille với một số rau câu cùng chuyên viên của họ chiết xuất agar trên pilôt, sau đó mới xác định các thành phần của nhà máy tương lai, từ nồi nấu qua máy lọc, máy lạnh, máy ép. Nếu ta muốn, họ có thể giúp ta quản lý cuộc nuôi trồng vì đầm phá lớn, mỗi nơi có một phẩm chất môi trường khác nhau, nhiệt độ thay đổi quanh năm nên nồng độ agar cũng từ đó mà tăng gia hay giảm bớt,...nên cần biết ở nơi nào, vào lúc nào là cần gặt lượm rau câu, chưa kể phải chỉ định tính chất, số lượng và thời gian rắc rải phân bón. Ngoài ra, họ cũng có thể cùng ta tìm kiếm vốn đầu tư và, rất quan trọng, thăm dò mặt thị trường.

Hiện nay chưa thấy có một thống kê rõ rệt về sản xuất agar trên thế giới nhưng phỏng chừng cũng khoảng 8.000 tấn mỗi năm, trong số ấy Nhật Bản chiếm gần 40%. Về mặt tiêu thụ thì người ta chỉ biết mỗi năm gia tăng 4-5%, Hoa Kỳ đứng hàng đầu với trên 500 tấn mỗi năm, trị giá khoảng 10 triệu đôla. Bên Âu Châu thì tổng số dùng chỉ nằm trong vòng 1.000 tấn mỗi năm. Trước một thị trường như vậy, vị trí của agar ta đứng vào đâu ?

Những năm gần đây, vùng Huế - Thừa Thiên chỉ khai khẩn 200 hecta để trồng rau câu, phơi khô bán cho Nhật Bản rồi sau đó Việt Nam mua lại agar chất lượng tốt của họ. Tương lai gần là ta có thể tăng diện tích trồng lên 300-800 hecta. Đến nay, năng suất rau câu khá thấp : 0,5-0,7 tấn/hecta ở các hợp tác xã và 1-1,5 tấn/hecta ở các nông trường quốc doanh. Vài năm nữa, năng suất nầy có thể tăng lên 1-1,8 tấn/hecta mỗi năm (rau câu ráo nước). Về chiết xuất thì tùy theo hiệu năng của nhà máy, nhưng có thể tính 20-40% agar từ rau câu khô. Tính trên diện tích 1.700 hecta thì hằng năm có thể thu hoạch 1.700-3.100 tấn rau câu, chiết xuất ra được 340-1240 tấn agar. Nếu tính theo năng suất quốc tế, số lượng agar sản xuất hằng năm có thể đạt đến 1.380-3000 tấn. Lẽ tất nhiên con số nầy còn nằm trong mong ước, nhưng nếu chỉ lấy phân nửa, 1.500 tấn mỗi năm so với số sản xuất thế giới 8.000 tấn thì cũng không có chi đáng thẹn.

Trong một lúc mà tình hình nước ta đang cần phát triển gấp, ở một chương trình mà ta có sẵn tài nguyên, chỉ cần máy móc, dụng cụ chứ khỏi đem ngoại tệ đi mua nguyên liệu ở nước ngoài, thì dự án nuôi trồng rau câu chiết xuất agar phải nằm trong danh sách các công cuộc cần được thực hiện ưu tiên. Chính quyền đã thấy rõ lợi ích thì vì sao đã mấy năm rồi chẳng thấy đồ án tiến triển được bao nhiêu ?

Hắc Ký Ni Sơntháng 3.1991
Tuổi tré Chủ nhật 17 1991

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]