Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]              [ Trang Chủ ]               [ Tác giả

Ba Lan du ký :
Đất nước của các nhân vật lẫy lừng. 
Trịnh Thanh Thủy
Có đi qua những đồng cỏ xanh ngăn ngắt, nhìn những con bò sữa tha thẩn gặm cỏ bên cạnh các căn nhà nên thơ, người ta mới thấy nét đẹp vùng quê Âu Châu an bình đến thế nào. Ba lan còn là xứ sở của họ nhà cò. Chúng hay đến Ba Lan như một nơi chốn thiên cư. Không nhắm mắt tôi cũng mường tượng được những cánh cò trắng, bay ngợp đồng xa, ngát dịu cả làn không khí đầu thu. Từ lâu tôi vẫn yêu cái hình ảnh một con cò trắng đội mũ xanh, mỏ mang một em bé gói chặt trong mảnh khăn vuông, tận tụy giao từng nhà có những bà mẹ đang giờ khai hoa nở nhụy, chờ ngắm đứa con mình. 

Có phải cái thanh bình lãng mạn của đất nước làm nên tâm hồn con người không, mà Ba Lan đã sản sinh những con người lừng lẫy. Nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm vĩ đại của xứ sở Ba Lan, Fryderyk Chopin đã chào đời tại ngôi làng Zelazowa Wola cách Warsaw chừng 60 km. Ngay từ nhỏ, tài năng của Chopin đã sớm bộc lộ và ông được so sánh với thần đồng âm nhạc Amadeus Mozart của Áo. Ông được mến mộ khắp châu Âu. Ông cũng là người có công phong cách hóa điệu Polonaise, và tạo cho điệu nhạc vũ truyền thống của Ba Lan thường được dùng trong những hội hè một tinh thần hào hiệp và phong thái mã thượng.

Đoàn du lịch chúng tôi vào thăm công viên Hoàng gia Lazienki, công viên rộng lớn, đẹp và nổi tiếng nhất của Ba Lan- đã có hơn 300 năm tuổi.  Ngay cổng vào là tượng của Chopin, tượng đài kỳ vĩ này được xây từ thập niên 20 thế kỷ trước. Bị chiến tranh hủy hoại vào năm 1940, 18 năm sau, bức tượng của đại diện xuất chúng của trường phái Lãng mạn trong âm nhạc thế giới được tái khắc họa theo hình mẫu ban đầu. Cũng tại nơi đây những cung nhạc bất tử của vị đại nhạc sư Chopin được các nghệ sĩ dương cầm đời sau trình tấu lại mỗi chủ nhật hàng tuần trong mùa hè. Trên các băng ghế đá nghỉ chân của đại lộ Phố Cổ đều có để nhạc Chopin mà du khách chỉ cần bấm vào chiếc nút nhỏ là có thể nghe được các bản nhạc giao hưởng của ông. 
 

Tượng Chopin trong công viên Lazienki
Thánh đường Holy Cross, 
nơi có trái tim của Chopin

Lúc này trời vào thu, cây lá chuyển mình đợi giờ phai úa. Công viên đại ngàn Lazienki rợp mát che cho Cung điện Mùa hè của các triều đại vua chúa Ba Lan. Những tòa dinh thự tuyệt đẹp được xây từ thế kỷ XVII nghiêng bóng trên mặt hồ, cùng soi nước. Gót chân du khách nào đã lững thững qua đây, đạp lên dấu ấn quá khứ, lòng không khỏi bâng khuâng. Bạn không thể không dán mắt vào hình ảnh những cô gái hay các phụ nữ vẻ ngoan hiền, đầu đội khăn voan, len hay lụa, tay cầm một bó hoa xinh xinh, đi về phía giáo đường. Trông họ thanh khiết và đẹp làm sao. Theo tục lệ Âu châu, người phụ nữ phải dùng khăn che tóc khi vào nhà thờ vì tóc là đầu mối của mọi tội lỗi. Tôn giáo của Ba Lan thuộc Công giáo La Mã(Roman Catholic). Tôi thấy họ chụm ba ngón tay làm dấu thánh từ trái qua phải. Ba ngón tay chụm tượng trưng cho ba ngôi. 

Chúng tôi vào thánh đường Holy Cross là nơi cất giữ trái tim của Chopin. Trái tim người nhạc sĩ thiên tài này đang được bảo quản sau một phiến đá hoa cương bên trong nhà thờ nằm ngay bên cạnh lối đi chính giữa. Năm 1939, khi quân phát xít Đức tiến vào chiếm đóng Ba Lan, trái tim Chopin được mang đi cất giấu để tránh rơi vào bàn tay nhơ nhuốc của đội quân giết người không ghê tay dưới trướng nhà độc tài Adolf Hitler. Mùa Thu năm 1949, khi chiến tranh thế giới thứ hai đã đi qua, trái tim của Chopin được đưa trở lại Ba Lan trong một chiếc hộp bằng gỗ sồi, cuối cùng được đưa đến an nghỉ tại Holy Cross. Thánh đường của những con tim này cũng cất giấu trái tim các danh hoa và nhân vật lừng lẫy của Ba Lan như Władysław Reymont, Juliusz Słowacki, Józef Ignacy Kraszewski, Bolesław Prus, Władysław Sikorski.

Viện bảo tàng Marie Curie hay căn nhà cổ nơi bà sinh ra cũng là đích đến của chúng tôi. Vị nữ bác học hai lần đoạt giải Nobel này có quốc tịch Pháp và Nga nhưng sinh tại Ba Lan, nhà số 15 con đường Ulica Freta, Warsaw. Trên tường trước căn nhà có đề hai chữ tắt Po(Polonium) và Ra (Radium) là hai chất hoá học mà bà nghiên cứu, khám phá ra. Phần đầu của chữ Polonium mang tên Poland do bà đặt để kỷ niệm nơi sinh của mình. Bà là người phụ nữ đầu tiên được chấp nhận vào làm giảng sư đại học ở Sorbornne, Pháp. Tài năng sáng chói của bà đã mở đường và làm gương cho phụ nữ trên con đường học lên cao hơn sau này. Bà mất vì bịnh ung thư do tiếp xúc quá lâu và nhiễm hoá chất của bà thí nghiệm. Bà thọ 66 tuổi.

Ngày hôm sau chúng tôi rời Warsaw đi về Krakow, trên đường đi chúng tôi ghé Wadowice, thị trấn bé nhỏ cách Krakow 30 dăm về phía Tây Nam. Nó là nơi sinh của cố Đức Giáo Hoàng John Paul II. Đoàn du lịch được dẫn vào thăm ngôi giáo đường nơi Đức thánh cha đã từng ở đó. Nhà thờ cổ này có nét đẹp rất xưa của kiến trúc Gô-tích thời Trung Cổ từ thế kỷ thứ 15. Du khách có thể mua quà lưu niệm giá rất rẻ ở đây. Có những bức tranh, tượng hay chuỗi có tạc hình ĐGH Paul II. 
 

Nơi sinh của Marie Curie
Krakow

Sau đó chúng tôi ghé Krakow, thành phố cổ kính và đậm nét văn hoá nhất của Ba Lan, phát triển từ thời đồ đá. Thành phố này biến thành thủ đô của chính phủ Đức Quốc Xã khi quân đội Nazi xâm lăng, nên ít chịu tổn thất tan hoang như Warsaw. Ngày xưa nơi đây được chọn làm thủ phủ của Kraków Voivodeship từ thế kỷ 14 và từng là nơi sinh sống của những nhà vua qua các triều đại. Các lâu đài của vua Ba Lan được dựng trên đồi Wawel nhìn xuống dòng sông Wisla thơ mộng. Krakow trầm lắng, tĩnh mịch là một trong những trung tâm hàng đầu về khoa học, văn hóa và nghệ thuật của quốc gia này. Nó được người Ba Lan coi là thủ đô tinh thần do lịch sử của thành phố hơn 1000 năm và cũng là một trung tâm lớn về du lịch nội địa và quốc tế, thu hút 7 triệu khách mỗi năm.

Tới Âu châu mà không thử các món đặc sản và bia, rượu của từng vùng thì du khách còn  thiếu sót rất nhiều. Chúng tôi ăn trưa ở một trong các quán cà phê có bàn ghế ngoài trời dưới bóng rợp của các lọng dù và thưởng thức món xúc xích Ba lan ăn kèm với bắp cải chua, khoai tây. Nó tương tự món xúc xích của Đức. Còn món Pierogi dồn thịt, khoai hay cheese thì không hợp khẩu vị người Việt mình cho lắm. 

Du khách đến Ba Lan không thể không ghé thăm mỏ muối Wieliczka. Mỏ muối này được khai thác liên tục từ thế kỷ thứ 13 cho đến nay và là một trong những mỏ muối lâu đời nhất thế giới. Mỗi năm có trung bình khoảng 800.000 khách mỗi năm.

Khách được đưa xuống mỏ bằng thang máy chứa được mỗi lần 36 người. Xuống sâu khí hậu hơi lành lạnh. Khi tới đất, mỗi chặng đường, mỗi bước đi vào lòng đất(dài 1.9 dặm=3 kí lô mét), khách đều được hướng dẫn viên của mỏ giải thích và kể lại lịch sử của từng giai đoạn hình thành. Khách được xem những trục gỗ và ròng rọc lớn là cách vận hành cổ xưa đưa muối lên, xuống của người thợ mỏ. Rải rác đây đó hai bên vách, hình ảnh các nhân vật thần thoại được chạm khắc trên các tảng muối mỏ kết tinh. Muối kết tinh giống nhũ thạch trong các thạch động theo nhiều  hình dáng khác nhau nhưng nhỏ và mịn hơn. Thiên nhiên diệu kỳ, con người cũng tài tình khi khách thấy những căn phòng, những điện thờ, nhà thờ nhỏ, cùng mọi vật dụng của thợ mỏ trong vòng 700 năm để lại, tạo nên nét kỳ vĩ hiếm có. Cuối cùng khách được vào một sảnh đường có những bức tranh, những bức tượng chạm khắc bằng đá muối trên tường theo những huyền thoại và di tích lịch sử của Ba Lan. Một bức tượng của DGH John Paul II bằng đá muối cũng được chạm khắc. Tôi có hỏi sao Ba Lan không khai thác muối từ biển mà phải khai thác từ mỏ khổ sở đến thế. Người hướng dẫn viên nói rằng. Ngày xưa muối rất hiếm và đắt giá. Vì đi lại khó khăn nên việc vận chuyển muối biển đến Âu châu xa hơn và giá thành cao hơn nên muối mỏ rẻ hơn. Chính quyền đế quốc La mã khi đó đã kiểm soát kinh tế bằng cách tăng và giảm giá muối. Binh lính thời đó được trả lương bằng muối. Đá muối ngày đó rất quý và giá trị hơn cả vàng. 

Bức họa chạm nổi bằng đá muối trên tường mỏ muối Wieliczka

Chúng tôi ra khỏi mỏ muối, mọi người đều ghé lại quầy lưu niệm mua những món đồ lưu niệm làm bằng đá muối, vì nó rất đặc biệt. Sau này, mỗi lần nếm những hạt muối, tôi không khỏi hình dung được công khó của bao người thợ mỏ ngày xưa. Người đã khai thác và đem chất hoá học cần thiết của con người là muối từ lòng đất sâu lên trên mặt đất. 

Xin đón đọc kỳ tới Văn hóa Ba Lan và Người Việt.

Trịnh Thanh Thủy