Chim Việt Cành Nam     [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]         [ Trang trước ]

DẤN BƯỚC THĂNG TRẦM
- 2 -
NGUYỄN BẢO HƯNG
"L'homme se découvre quand il se mesure avec l'obstacle." A. de Saint-Exupéry 
(Oeuvres-Terre des hommes, p.139 - Bibliothèque de la Pléïade - Editions Gallimard 1959 )
(Con người phát hiện được mình khi phải đương đầu với thử thách.)
Trảng lớn, Phú quốc, Long giao, Suối máu!

Ôi! Những năm tháng sống phấn đấu để khỏi bị nhận chìm trong vũng lầy tuyệt vọng.

Năm giờ kẻng báo thức. Tập họp điểm danh. Phần ăn tiêu chuẩn chưa kịp giắt lưng đã nghe tiếng thúc giục cuốc sẻng lên đường. Lại những con đường cỏ ngập lối đi. Lại những mảnh đất sỏi đá chưa hề mang dấu vết khẩn hoang. Thế là một ngày lao động cải tạo lại bắt đầu. Và vẫn chỉ là một động tác liên tu bất tận?: cuốc. Hôm nay thứ hai hay thứ bảy? Cuốc. Đây là Phú quốc hay Long giao? Cuốc. Mùa hè nắng thiêu đỏ lửa? Cuốc. Mưa dầm gió bấc lạnh căm? Cuốc. Cuốc nữa đi. Cuốc mạnh vào. Còn phải phấn đấu cuốc nhiều hơn nữa. Cuốc! Cuốc! Cuốc! Cuốc miệt mài... Cuốc vô vọng...

Năm giờ chiều. Lại tiếng kẻng báo hiệu thu gom cuốc sẻng. Lại tập họp điểm danh. Lại chờ lệnh di chuyển về trại. Thế là một ngày trong đời sống cải tạo lại sắp chấm dứt. Một ngày như mọi ngày. Một ngày không buồn nhớ. Một ngày chỉ muốn quên. Như một ngày không tên. Một ngày chỉ mong chóng tới giây phút được coi đáng kể nhất trong một ngày?: Cái giây phút được quyền để cho thân xác rớt bịch trên khoang chiếu mà nằm. Nằm. Nằm. Nằm... Nằm bải hoải. Nằm rã rượi. Nằm đầu óc trống rỗng để được nghe rõ niềm hoan lạc của cơn mệt nhừ tử rần rần lan khắp cơ thể như một chất độc dược giúp ta sớm được thiếp đi trong một giấc ngủ vùi... Đã tự bao lâu rồi, như một người mắc bệnh mang thú đau thương, tôi tự hành xác trong ngày cho cơ thể rã rời để có thể tìm lẩn trốn trong những giấc ngủ mệt nhọc. Để rồi sớm hôm sau khi nghe tiếng kẻng báo thức tôi lại bật dậy và, như con chó pavlop (4), vội vàng đi kiếm cuốc sẻng để tiếp tục thêm một ngày hành xác. Cứ thế, cứ thế... Ngày này qua ngày khác. Tôi như đi tìm ở nơi hành xác này một món linh dược hay đúng ra một thứ cháo lú để quên đi thân phận hiện tại của mình, để chấp nhận được chỉ còn là sự tồn tại của một thân xác. Tôi e sợ những giây phút tâm trí thảnh thơi, đầu óc bắt đầu phải suy nghĩ là những lúc tôi phải đương đầu với những trận bão tố khốc liệt của những câu hỏi lại dồn dập hiện ra. Tại sao ta bị đăt trong hoàn cảnh này? Ta đã làm gì nên tội? Vợ con ta giờ này ra sao? Đến ngày nào ta mới thoát ra khỏi trại này? Liệu ta có thể chịu đựng nổi mãi cảnh sống này không? Tôi biết rằng nếu cứ để những câu hỏi này cứ luẩn quẩn xoáy mãi trong não, sẽ có lúc chúng làm đầu óc tôi muốn nổ tung, làm tôi bỗng lên cơn khùng xé quần xé áo, la hét om sòm, chửi rủa văng mạng để rồi bị đem nhốt vào nơi dành riêng cho những thành phần bị coi là điên dại. Hoặc đêm khuya tôi sẽ lao thẳng ra hàng rào như là một thách đố để hoặc là trốn thoát hoặc là bị bắn hạ, coi đó cũng là một con đường giải thoát. Nhiều lần tôi đã xiêu xiêu như muốn ngả theo lời kêu gọi mời mọc này. Nhưng tự đáy lòng dường như có tiếng thân quen nào đó lại vọng lên, ân cần nhắc nhở tôi chớ có dại dột, hãy kiên nhẫn chờ đợi. Và cuối cùng lời kêu gọi thì thầm nhưng tha thiết ấy đã làm sống dậy bản năng sinh tồn nơi tôi. Nhờ vậy mà tôi còn sống, vẫn sống, tiếp tục sống... Nếu ta có thể gọi như thế cũng là sống!

Trảng lớn, Phú quốc, Long giao, Suôi máu!

Năm giờ chiều. Kẻng báo hiệu thu gom cuốc sẻng. Thế là một ngày lao động cải tạo sắp chấm dứt. Một ngày rồi cũng như mọi ngày. Nhưng một ngày lại không hẳn như mọi ngày. Một ngày tưởng không buồn nhớ. Nhưng một ngày chắc gì đã dễ quên. Tuy cũng chỉ là một ngày không tên.

Bữa nay nhờ sớm hoàn tất công tác khai quang, chúng tôi được phép ngưng tay cuốc dễ có đến gần một giờ trước khi có lệnh về trại. Trong đời cải tạo viên có thêm một giờ nghỉ xả hơi trong ngày lao động thật không khác gì gặp ngày lễ lớn, tới giờ chia cơm may mắn bốc thăm trúng được phần thịt có dính lẫn cục xương (5). Cũng như mọi người, vừa buông tay cuốc tôi vội tìm một bóng mát làm chỗ ngả lưng. Tiếp đến là bắn một bi thuốc cối để tận hưởng cái khoái lạc do món quà một giờ nghỉ phụ trội khi không đùng đùng dẫn xác đến. Phải đã từng nếm mùi đói khổ trong đời sống cải tạo mới biết đến cái sướng đã đời chỉ nhờ có bi thuốc nhỏ nhoi hèn mọn. Khói thuốc rít vào làm bụng ta đang cơn đói càng thêm cồn cào, chân tay đã bải hoải càng thêm rã rời. Nhưng cũng chính nhờ cái đói mệt sẵn có mà ta càng dễ bị đảy tới giới hạn tận cùng của hiệu quả say khiến mọi cảm xúc rã rượi cồn cào hầu như tan biến. Còn lại chỉ là một cảm giác lâng lâng sảng khoái tưởng như hồn ta đang tách rời cái thân xác hệ lụy và cõi lòng ta đã có lúc sớm dược phiêu diêu nơi miền cực lạc... Không biết tôi đã nằm trong tư thế này để kéo dài niềm hoan lạc ấy từ bao lâu rồi. Năm phút? Mười phút? Nửa giờ đồng hồ. Rất có thể... Cuối cùng biết không thể lẩn trốn mãi trong ảo tưởng được, tôi đành mở mắt để lại phải nhìn ra cái thực tại đang sống của mình. Đây rồi, mảnh đất vừa được cuốc xới vẫn còn ánh lên một chất nâu non màu mỡ. Nhưng hình ảnh những người bạn cùng tổ đang nằm rúm ró quanh quất khiến tôi lại rơi vào tâm trạng chán chán nản rã rời hơn bao giờ hết. Mảnh đất mới đây còn hoang dại, nay đã trở thành màu mỡ, cũng là do công sức lao động của tôi đó. Nhưng thành quả lao động này phỏng có ích gì và liệu có giải quyết cho tôi được gì? Tôi đã phải đổ mồ hôi để chân được thêm cứng, đá phải trở nên mềm không biết tự bao lâu rồi? Vậy mà công dã tràng vẫn hoàn công dã tràng; và mọi hứa hẹn khuyến khích cũng chỉ là những bãi bọt biển. Có ra sức cầy cuốc cho lắm thì sáng sáng vẫn thấy mình đứng trước một mảnh đất tưởng như trải dài bất tận. Và cuộc sống, rút cục, vẫn chỉ gom thành động tác duy nhất : cuốc. Bất chợt tôi liên tưởng tới nhân vật trong tập tiểu luận của A. Camus và tự nhủ : "A thỉ ra mình cũng đang làm công việc của Sisyphe đây." Ý nghĩ hiện ra bất chợt trong khoảnh khắc được nghỉ bất thường này không ngờ cứ lởn vởn trong óc tôi để trở thành một ám ảnh không rời. Suốt chặng đường về và ngay cả sau khi đã ngả lưng trên chiếu, ý nghĩ này vẫn bám riết lấy tôi như một con đỉa đói bắt tôi phải thao thức. Thế là tôi hết tìm lại được giấc ngủ lấp lú như thường lệ. Thế là tôi lại bắt đầu phải trực diện với điều mà cho tới nay tôi vẫn tìm cách lẩn tránh. Tôi buộc phải đi tìm giải đáp cho những câu hỏi mà tôi không muốn thấy đặt ra. Cớ sao ta lại lâm vào cảnh sống này? Ta có thể chấp nhận tồn tại trong thân phận hiện nay bao lâu? Việc làm hàng ngày của ta liệu có mang một ý nghĩa cứu rỗi nào chăng? Càng tự vấn tôi càng đâm bế tắc và cảm thấy mình còn mang thân phận bi đát hơn cả Sisyphe.

Sisyphe, nhân vật thần thoại Hi lạp, vì can tội chống lại các thần linh nên bị đày xuống địa ngục và chịu thêm hình phạt là phải đẩy một khối đá nặng từ chân một ngọn núi lên tới đỉnh. Nhưng vì mỏm núi nhọn hoắt nên tảng đá khi được vần sắp tới đỉnh, do sức nặng của nó, lại lăn trở về vị trí cũ. Vì thế Sisyphe cứ phải hì hục làm mãi công việc đảy đá một cách vô ích và vô vọng. Các thần linh đã chọn hình phạt này để trừng phạt đích đáng tội cả gan nghịch thượng của Sisyphe. Họ cho rằng không có gì nghiệt ngã cho bằng bắt tội nhân phải kéo lê một cuộc sống đọa đày vô nghĩa. Sisyphe đã phạm tội gì để các thần linh muốn trả thù độc địa như vậy?

Truyền thuyết Hi lạp lưu lại cho ta rất nhiều sự tích nhưng lại không nhất quán về hành vi phạm pháp của Sisyphe. Theo lời Homère kể thì Sisyphe, chẳng đặng đừng trước cảnh thần Pluton để mặc cho đàn em là thần Chết gây tang tóc nơi cõi trần, nên đã tìm cách trói tay thần Chết lại. Bực tức vì thần Chết làm mất đi của mình một trò đùa vui mắt, Pluton bèn ra lệnh lùng bắt Sisyphe đày ải địa ngục. Nhưng có sự tích lại kể rằng Sisyphe, để cứu nhân dân thành Corinthe khỏi nạn hạn hán, có mách cho cho thủy thần Asophe là chính Jupiter đã bắt cóc con gái ông ta. Tức giận vì Sisyphe dám tiết lộ hành vi xấu xa của mình, Jupiter mới buộc Sísyphe phải lãnh án đảy đá để trả thù. Lại còn một sự tích khác theo đó Sisyphe khi sắp chết, muốn thử vợ, đã căn dặn là phải đem xác mình ra bêu nơi công cộng. Bất mãn vì vợ thi hành y lời, như vậy là ăn ở không đúng tình người, Sisyphe bèn xin với Pluton được một lần trở về cõi dương để trừng trị vợ. Nhưng khi thấy lại ánh sáng mặt trời, Sisyphe đâm ra luyến tiếc cuộc sống thế gian nên tìm cách trốn ở lại để tận hưởng thú vui trần thê. Cũng vì sự đam mê hạnh phúc thế gian này, bất chấp mọi đe dọa của thần linh, nên Sisyphe mới phải chịu cực hình của tên nô lệ khổ sai chung thân. Sự tích tuy nhiều, nhưng tựu trung ta vẫn chỉ có một mớ giả thuyết trái ngược về hành vi phạm pháp của Sisyphe. Chính tình trạng hỗn tạp mơ hồ này mới là yếu tố kích thích trí tưởng tượng dân gian khiến câu chuyện càng được thêu dệt hoang đường và tăng thêm tính huyền thoại của nhân vật Sisyphe. Nhưng huyền thoại phát sinh không cốt để được nuôi dưỡng bằng óc tưởng tượng hoặc để thỏa mãn nhu cầu về fantasme. Huyền thoại vẫn sống động trong không gian với thời gian bởi vì nó còn mang một ý nghĩa biểu tượng: đằng sau những sự tích hoang đường, số phận của mỗi nhân vật huyền thoại còn muốn nhắc nhở ta cần tra vấn ý nghĩa bí ẩn của cuộc đời. Là đứa con của mảnh đất Địa Trung Hải, dĩ nhiên là Albert Camus không thể không chú ý tới số phận của Sisyphe. Và cuốn tiểu luận "Le mythe de Sisyphe"ông viết ra không ngoài chủ đích đi tìm giải đáp cho một trong những tra vấn này.

Qua ngòi bút Camus, tôi tưởng như tìm thấy ở Sisyphe hình ảnh một con người tha thiết với cuộc sống thế gian. Nhưng hạnh phúc cõi trần lại nằm trong tay các thần linh chuyên quyền dộc doán với những sở thích tai ngược của họ. Bởi thế Sisyphe mới sinh nổi loạn. Sự nổi loạn này được coi như biểu tượng cho thái độ phản kháng trước những quyết định phi lý và Sisyphe, nạn nhân của các thần linh, cũng chính là nạn nhân của tính phi lý ở đời. YÙ nghĩa biểu tượng của huyền thoại là thế đó: bi kịch của Sisyphe cũng có thể là bi kịch của mỗi chúng ta ở đòi. Có khác chăng là thần linh thời đại chúng ta thiên hình vạn trạng không dễ gì nhận diện ngay được. Họ có thể là những chủ nghĩa, học thuyết, ý thức hệ mang khuôn mặt của những từ có tiếp vĩ ngữ isme như impérialisme, capitalisme, nazisme, communisme, stalinisme, maoisme, polpotisme...Cũng như Pluton trong truyền thuyết Hi lạp lấy cảnh Thần chết ra tay sát hại sinh linh làm thú tiêu khiển, mấy ông thần linh hiện đại thuộc dòng dõi họ nhà isme đã không ngần ngại ném hàng triệu sinh linh vào lò thí nghiệm cho cái lý thuyết mà họ cho là hay ho và tưởng rằng, nếu đem ra thực hiện, chúng sẽ biến họ thành những bậc cứu thế. Nhưng các thần linh đương đại còn có thể là những khối quyền lực, những liên minh tài phiệt, những tổ hợp buôn vũ khí, những chúa trùm ma túy, những băng đảng mafia... Thuộc thành phần nhân loại xuất chúng nhưng cao ngạo, đầy dục vọng và vị kỷ như các thần linh trong thuần thoại Hi lạp, họ đeo đuổi mộng bá quyền nên chỉ thích tạo dựng lên những vương quốc hòng được nghênh ngang trị vì. Để thực hiện tham vọng, họ thường cấu kết với nhau và không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả đảo lộn các bậc thang giá trị, thay đổi luật tạo hóa hay đúng hơn đặt ra những luật chơi mới cốt sao phù hợp với quyền lợi, tham vọng đeo đuổi... Và cho dù các thủ đoạn ấy có gieo rắc tai ương, gây ra chiến tranh, đem lại bịnh tật, đói khổ cho đồng loại họ cũng không cần biết; miễn sao thỏa mãn được ý đồ phô trương thanh thế hoặc dụng vọng sân si của họ. Nhưng khôn ngoan hơn các thần linh thuộc dòng dõi họ nhà isme, các thần linh thuộc loại sau này không chỉ có dựa trên bạo lực để mà đàn áp, thống tri. Trái lại họ khéo léo ngụy trang các mưu đồ vị kỷ bằng những mặt nạ nhân nghĩa mang chiêu bài đẹp đẽ như thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ nhân quyền, tái lập tự do dân chủ, cứu trợ nhân đạo, mưu cầu hạnh phúc thế gian... để khuyến dụ, mê hoặc hay ru ngủ quần chúng thành những thần dân tự nguyện hay làm con rối trong bàn tay phù thủy của họ. Bởi vật ta thường thấy các thần linh này xuất hiện với khuôn mặt đạo mạo khả kính. Và, cũng như Jupiter, chỉ khi nào ý đồ đen tói, hành vi ám muội bị tật tẩy, họ mới để lộ rõ bộ mặt thật gian ác của mình.

Nhưng cuốn tiểu luận của Camus không chỉ đem ánh sáng soi tỏ nhằm giúp ta ý thức hơn về những vấn đề của thời đại chúng ta. Chủ đích của ông là đi tìm giải đáp cho vấn đề mà ông cho là cơ bản nhất: đó là xác định thái độ sống thích đáng trước ý thức về phi lý cuộc đời. Và ông đã dành trọn chương chót mang tiểu đề "Le mythe de Sisyphe" như tựa cuốn sách, để xác định một thái độ cho Sisyphe trước ý đồ trừng phạt của các thần linh. Theo ông chính thái độ này mới là chìa khóa cho vấn đề nêu lên. Camus cho rằng trước quền uy của các thần linh, Sisyphe không thể làm khác hơn là đành thọ phạt. Nhưng không vì thế mà Sisyphe chịu khuất phục. Đành rằng Sisyphe không thể phá bỏ sợi xích cột chặt mình với tảng đá, cũng như không thể khước từ công việc đảy khối đá mỗi ngày. Nhưng có coi việc làm nặng nhọc như một nhục hình khổ sai hay không điều này lại tùy thuộc vào thái độ lựa chọn của Sisyphe. Tảng đá kia có thể là khối nặng ngàn cân các thần linh muốn dùng để đè bẹp Sisyphe đấy. Nhưng Sisyphe cũng có thể bằng nghị lực, bằng ý chí biến tảng đá kia thành thước đo khả năng đương đầu với thử thách của mình. Tảng đá càng nặng, ý chí phấn đấu càng cao và chiến thắng của Sisyphe càng hiển hách thêm bấy nhiêu. Bởi thế mỗi lần tận lực vần được tảng đá lên tới đỉnh là một lần là một lần Sisyphe có thể tự hào đã chiến thắng bản thân, khắc phục được nỗi tuyệt vọng để đánh bại các thần linh trong ý đồ trả thù của họ. Và như vậy, thay vì là một nhục hình khổ sai, từ nay Sisyphe có thể tìm thấy ở công việc đảy đá một lẽ sống, một nguồn hi vọng, lấy đỉnh cao ngọn núi làm mục tiêu chiến thắng để động viên tinh thần. "Ta phải tưởng tượng Sísyphe có hạnh phúc" (Il faut imaginer Sisyphe heureux), đó là lời kết cho cuốn tiểu luận và cũng là thông điệp nhà văn Albert Camus muốn gửi đến chúng ta. Tôi có thể rút tỉa gì được ở bài học này?

Xét cho cùng việc làm cuốc đất hàng ngày tôi thấy nó cũng vô vọng vô ích không khác chi việc làm của tên nô lệ khổ sai Sisyphe cả. Nhưng liệu tôi có đủ nghi lực can cường để dám phấn đấu nổi loạn như Sisyphe và tìm ra hạnh phúc trong lao tác cuốc đất hàng ngày hay không? Cha mẹ ôi! Câu hỏi bỗng hiện ra khơi khơi vậy mà căng lắm, đâu có phải chuyện chơi. Tôi phải ráng trả lời cho khách quan và chính xác mới được. Biết đâu trong thân phận một tên tù cải tạo tối ngày chỉ mơ tưởng tới bữa chia cơm bốc thăm trúng được phần thịt dính thêm cục xương, tôi lại chẳng là nhân vật đang được đi vào huyền thoại mà không hay. Nhưng hãy tự hỏi tôi có được cốt cách của một Sisyphe hay không trước đã?

Áp dụng phương pháp đánh giá bản thân mới tiếp thâu qua học tập, trước tiên tôi thấy có điểm mạnh cho phép tin tưởng rằng, nếu không phải là con cháu đích tôn, thì ít ra tôi cũng có giây mơ rễ má với dòng họ nhà ông Sisyphe: đó là sự đam mê hạnh phúc trần thế. Tôi yêu đời lắm các bạn ơi! Cũng như Sisyphe, tôi chỉ mong tồn tại mãi trên thế gian này để được hưởng đầy đủ các mục du hí đớp hít ở đời. Tôi vẫn nhớ cái lần đầu tiên tôi nhận được lệnh trình diện nhập ngũ. Hồi đó mặt tôi đang mọc mụn, giọng nói chưa hết ồm ồm, còn chân tay thì hễ gặp đàn bà con gái lại ngứa ngáy quíu quáo cả lên chỉ chực vồ bắt cào cào mà không biết đặt vào đâu cả: Nghĩa là hồi đó tôi mới ở cái tuổi đang thòm thèm muốn biếtsự đời là cái chi chi, chứ tôi đâu đã được biết:đời, c'est cái la vienó như thế nào. Bởi thế tôi ham sống sợ chết lắm, chỉ tính chuyện kiếm cách để được gài số de thôi. Sẵn có vóc dáng thư sinh nho nhã, tôi cố nhịn ăn lại còn mỗi ngày tập đốt hơn bao thuốc với hi vọng biến nó thành tấm thân cò vạc và một buồng phổi lủng để được xếp vào loại bị lính chê (chứ không phải là chê lính), tha hồ mà ở nhà vi vút. Nhưng rút cục sau hai lần được hoãn dịch, tới lần tái khám thứ ba, mắc dù chỉ nặng có ba mươi lăm kí mốt và một bên phổi có lỗ chỗ chấm đen, tôi vẫn được ban giám định ưu ái tuyên bố trúng tuyển cuộc thi chọn người hùng kiểu mẫu đứng ra bảo vệ thế giới tự do.

Khỏi phải nói, các bạn cũng đoán ra là khi được gọi tên lãnh ấn tiên phong, cái bu di của tôi nó bị teo đi mất chừng nào. Ta thường nghe nói: "Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh". Lúc đó, tự xét mình tôi mới thấy chỉ đáng thừa hưởng của nhà ông Sisyphe có cái lông thôi; chứ tôi đâu có đủ uy dũng để mà vỗ cánh vẫy vùng như ổng ấy được. Bởi vì đam mê cuộc sống thì có, còn như cả gan cưỡng lại mệnh lệnh thần linh thì không. Cũng vì thế nên khi mấy ông đại diện cho thần linh quốc gia bảo tôi phải cầm súng ra tuyến đầu để bảo vệ quê hương dân tộc, chính nghĩa quốc gia, bụng dạ tuy nghi hoặc nhưng tôi đâu dám chống lại. Tôi chỉ thi hành lệnh miễn cưỡng thôi. Hễ có tiếng hô xung phong, bao giờ tôi cũng lon ton xách súng chạy sau anh em dăm ba thước và chỉ chực kiếm chỗ nào có mô cao là nhào xuống nằm thủ thế. Tôi ghìm súng hé mắt chờ, thấy ai sấn tới tôi mới xả súng tự vệ; bằng không tôi cứ nín thinh để khỏi lộ mục tiêu. Khoan khoan, xin ai chớ có vội cười. Tôi biết rằng hành động như vậy là hèn nhát, là sống trên xương máu đồng đội, là không dám liều mình cứu chúa. Nhưng các bạn cũng nên thông cảm dùm. Tôi mới tròm trèm hai mươi tuổi. Tâm hồn tôi hãy còn ngây thơ trong trắng, tấm thân tôi vẫn chưa được lấm bụi trần. Dại gì mà xung phong hăng tiết vịt. Chẳng may trúng phải hòn tên mũi đạn, ngỏm mất củ tỏi, có phải là uổng phí một đời trai tơ không? Mà chết như thế liệu được ăn cái giải rút gì? Để được gắn thêm một cục (6) và truy tặng anh dũng bội tinh với nghành dương liễu? Chỉ được có vậy thôi à? Thế còn mấy người em gái ở hậu phương Sài Gòn, em nào em nấy đều thơm phưng phức cứ như là múi mít cả í, chết đi để các em lại cho ai hưởng? Để cho mấy tay hoạt đầu chính trị chuyên cấu kết với gian thương lũng đoạn thị trường, để cho đám tướng tá bất tài tối ngày chỉ lo tính chuyện áp phe, để cho con cháu họ được quyền trốn lính nhởn nhơ ăn chơi ấy à? Bảo tôi di thí tấm mạng cùi để bảo vệ cho mấy người ấy được sống phây phây tha hồ mà đớp hít thụ hưởng? Còn lâu í, tôi đâu có ngu gì. Ít ra tôi cũng đậu nổi tú tài một mới được cho đi học trường sĩ quan Thủ Đức chứ bộ. Bởi vậy, mặc dù bất mãn tôi cũng chỉ lo thủ cẳng thôi. Tôi chỉ biết lo thủ cẳng vì tôi sợ uy các ông thần linh quốc gia lắm. Tôi sợ uy các ông thần linh quốc gia đến độ mà khi họ đã leo lên máy bay trực thăng, noi gương ông đại sứ nước cờ huê giàu mạnh tới phút chót chỉ kịp ôm vội lá cờ biểu tượng để bảo toàn danh dự cho chính nghĩa tự do còn lại đành bỏ của chạy lấy người, tôi vẫn mắm môi mắm lợi ôm súng tử thủ. Tôi vừa ôm súng vừa run muốn vãi đái ra quần nhưng vẫn cố tử thủ vì chót được nghe một ông tướng huênh tuyên bố quyết tâm sẽ biến Sài Gòn thành một Stalingrad thứ hai, thề sống chết một lòng một dạ với quốc gia dân tộc. Để rồi phút chót ổng vụt đổi ý, nhảy phóc lên chiếc trực thăng áp dụng bài bản "tẩu vi thượng sách". Rút cục chỉ có đám lau nhau chúng tôi dại khờ ở lại, nhưng không có được cái hào khí của các vị tướng lãnh như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ ...đã chọn cái chết vinh quang để trung thành với lý tưởng và bảo toàn danh dự, nên đành ôm phận tép riu lãnh nguyên cái cán búa.

Giờ tới lượt ông thần linh cách mạng lại trăm dâu đổ đầu tầm. Chúng tôi bị kết đủ thứ tội: nào là làm lính đánh thuê, nào là theo chân đế quốc bán nước, nào là cầm súng chống lại nhân dân, nào là các anh đã giết bao nhiêu chiến sĩ cách mạng để được mang quân hàm sĩ quan... Càng nghĩ càng đau, càng ngẫm càng thấy chỉ có dân thấp cổ bé miệng là luôn luôn chịu thiệt thòi. Hồi đó tôi có khoác bộ quân phục chẳng qua cũng vì cái lệnh gọi nhập ngũ cứ nhất định được nhét vào tay. Có vậy thôi. Tôi có ôm mộng công hầu khanh tướng gì đâu mà bảo là thích hăng say giết giặc. Thực ra tôi chỉ giỏi đánh võ mồm thôi. Nếu được trổ tài đáu hót với ăn tục nói phét tôi đâu có chịu thua kém ai. Còn hơn nữa là đằng khác. Nghề của chàng mà. Chứ bảo tôi lao đầu vào nơi dầu sôi lửa bỏng ý à. Xin lỗi nhờ anh tí, không có em đi hàng đầu. Của đáng tội, hồi đó thỉnh thoảng tôi cũng khoái lên bộ rằn ri làm ra vẻ ta đây cũng thuộc loại lính ngầu; nhưng thực ra chỉ cốt để lấy le mỗi lần xuống thăm các em dưới xóm thôi. Tôi có định gây gổ ức hiếp ai đâu. Tôi con nhà lành mà. Tôi hiền như ma sơ í. Và tôi cũng hãy còn ngây thơ lắm. Không ngây thơ sao được mà khi có lệnh tập trung trình diện mang theo mười ngày cơm, tôi lại dặn vợ phải sắp đủ mười lăm ngày, nghĩa là cộng thêm năm ngày trừ hao để được chắc ăn như bắp. Đã thế bữa ra đi tôi còn phấn khỏi hồ hởi ngoái cổ lại dặn vợ nhớ kiếm mua con gà thật béo nuôi để dành, chờ mai mốt học tập thành tài được thả về sẽ đem ra làm thịt, trước là để tạ ơn cúng tổ, sau cho cả nhà ăn mừng tôi đã học tập thành tài nên người. Vậy là tôi ngon. Tôi chịu chơi. Tôi đi tiền rất đẹp. Thế mà ông thần linh cách mạng lại đi nỡ tháu cáy tôi. Vậy mà ông thần linh cách mạng lại nỡ đem ngâm tôm tôi hết năm này qua năm khác thử hỏi làm sao tôi không oai oái kêu trời như bọng cho được? Tôi bị thua đau quá các bạn ơi! Đời tôi ba chìm bảy nổi cũng nhiều. Tôi đã từng bị đời và các em đá lên đá xuống không biết bao lần; tấm thân có lúc tơi tả bèo nhèo còn hơn cả tấm mền rách nữa. Nhưng chưa bao giờ tôi lại thua đau thê thảm bằng cái vố này. Các bạn thử nghĩ coi. Vợ con với đời sống gia đình này. Sinh hoạt Sài Gòn nay trở lại bình thường vì đất nước đã sạch bóng quân thù, giang sơn đã thu về một mối này. Niềm tin vào chính sách khoan hồng nhân đạo trước sau như một của Cách Mạng này. Hi vọng sẽ được góp phần vào việc làm cho đất nước tươi sáng hơn này. Ngần ấy thứ tôi nhất nhất gom góp đem đặt hết lên chiếu bạc. Vậy mà nay tôi còn lại có thân xác tả tơi, bao tử lúc nào cũng trống rỗng, chỉ biết lấy khói thuốc cầm hơi ngậm ngùi ca bản "chiều mưa mút chỉ anh đi về đâu?", thử hỏi tôi không cay cú sao được? Đôi lúc tôi cố lấy giọng định cất lời ca "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng!", nhưng chỉ có toàn hơi thở phều phào không còn nghe ra tiếng nữa.

Hình ảnh Sisyphe toàn thân ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt dán chặt vào phiến đá tưởng như đã hóa đá, chân tay gân guốc cuồn cuộn ra sức vần cho được tảng đá lên tới đỉnh núi lại hiện ra trong tâm trí. Tôi cũng nghe như vọng lên lời kết trong cuốn tiểu luận của Camus: "Ta phải tưởng tượng Sisyphe có hạnh phúc". Nhưng tôi đâu có phải là một Sisyphe. Tôi thấy mình thuộc loại dân quèn như ai và cũng chỉ mong được an phận với những hạnh phúc nhỏ nhoi hàng ngày. Phải chi tôi có được cái bản lãnh với khí phách hiên ngang của một Sisyphe nổi loạn. Như vậy ít ra tôi cũng hiểu được lý do của sự trừng phạt để tìm ra nguồn an ủi. Và ít ra, cũng như Sisyphe, tôi có thể lấy quyết tâm đánh bại ý đồ trả thù của các thần linh làm nguồn vui lẽ sống. Đằng này... Còn nhớ khi ông thần linh quốc gia bảo tôi nhập ngũ, tôi cũng cắn răng cầm súng nói là để bảo vệ quê hương. Rồi đến lượt ông thàn linh cách mạng quyết định gửi tôi đi học tập để rèn luyện cho thành người, tôi cũng hăng hái ghi tên theo học. Như vậy là tôi biết điều, tôi ăn ở phải đạo. Kế thừa truyền thống giáo dục của ông bà, tôi cũng tâm niệm rằng thế giới này trật tự đã an bài: mọi sự trên đời đều do một Đấng tối cao quyết định và trao quền sinh sát thưởng phạt cho các đại diện là những vị thần linh. "Con ơi, tôi vẫn nhớ lời bà tôi khuyên nhủ, người ta ở đòi ai cũng có số cả. Con ráng ăn ngay ở hiền, Trời Phật thương, rồi con sẽ được mọi chuyện tai qua nạn khỏi." Tôi ngoan ngoãn, tôi biết nghe lời và tôi tin tưởng sẽ được sống yên ổn. Bởi vậy tất cả những điều được nghe giảng dạy, từ tôn giáo đến chủ nghĩa, lý thuyết, ý thức hệ... tôi đều cho là hay là đẹp. Thậm chí những lời thề thốt yêu thương trọn đời của mấy vị thần linh ái tình tôi được gặp tôi cũng tin tuốt luốt. Tôi cứ nghĩ lời phán của thần linh bao giờ chẳng là công bằng, chẳng là lẽ phải. Dại gì ta không phó mặc sự đời cho thần linh lo liệu giải quyết, lấy thần linh làm nơi nương tựa gối đầu. Như vậy ta sẽ được sống an tâm, khỏi phải ưu tư thắc mắc với những câu hỏi ấm ớ hội tề thuộc loại sao ta lại có mặt trên cõi đời này, cứu cánh hành động của ta là gì, cuộc sống này có ý nghĩa gì chăng?

Ai ngờ vận nước nổi trôi, vật đổi sao dời, các biến cố thời sự dồn dập đã làm sụp đổ mọi niềm tin ảo tưởng nơi tôi. Các bức màn ngụy trang đều bị xé toạc, tôi nay đã thấy mọi tín điều, tất cả những lý thuyết chủ nghĩa, ý thức hệ, thậm chí cả tình yêu đều không giải quyết được cho tôi vấn đề ý nghĩa của sự sinh tồn. Thực ra cho tới nay tôi chưa dám sống với mình cho trung thực. Cho tới nay tôi chỉ biết tồn tại bằng cách tìm thỏa hiệp với cuộc sống hàng ngày. Cho tới nay tôi chỉ sống theo kiểu tầm gửi bằng cách bám vào các lý thuyết, chủ nghĩa, ý thức hệ như là những giải pháp sẵn có ở đời để tìm ra một lẽ sống, một cứu cánh cho hành động. Thực ra cho tới nay tôi chỉ tìm cách tự ru ngủ, tự phỉnh phờ trong sự ngụy tín (la mauvaise foi) để khỏi phải trực diện đương đầu với vấn đề thân phận con người. Nhưng vấn đề đó nay đã hiện lên với tất cả những sần sượng của thực tế phũ phàng. Tới nay tôi đã ý thức được rằng mọi hành động đều là vô ích và cuộc sống, thực ra, không có ý nghĩa gì hết. Trong thân phận của một cải tạo viên giờ này tôi chỉ thấy dựng lên, sừng sững, một bức tường phi lý dày đặc. Tôi phải có thái độ sống ra sao đây? Tôi có thể chấp nhận cuộc tiếp tục cuộc sống vô nghõa với động tác cuốc đất liên tu bất tận? Làm sao tôi có thể khoát khỏi nỗi tuyệt vọng trước công việc vô bổ nhàm chán ấy? Phải chi tôi dám có hành động hiên ngang khí phách như Sisyphe. Đằng này... Càng nghĩ tôi càng thấy bế tắc và ý tưởng tự tử lại hiện lên. Nhưng lần này nó không chỉ hiện ra để rồi biến mất. Trái lại nó cứ lởn vởn quanh quất trong đầu, mỗi lúc thêm có xương có thịt để trở thành giải pháp ngày càng tăng sức quyến rũ. Ta có nên quyết định tự tử hay không? Câu hỏi hiện lên đột ngột phũ phàng làm tôi hoang mang bối rối. Và tôi chợt hiểu tại sao Camus đã dành nguyên chương đầu cuốn tiểu luận để bàn về vấn đề tự tử(7), coi đó là câu hỏi triết học nghiêm túc hàng đầu. Đúng vào lúc này tôi bỗng thấy hiện lên mồn một nhưng dòng, những đoạn của một số chương mà trước đây tôi đọc không mấy quan tâm, chỉ đọc lướt qua, nhiều khi đọc cốt để được khoe là đã có đọc. Và giờ đây tôi mới thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc của những dòng, những đoạn chữ ấy. 

[ Trang trước ]

(Còn tiếp...)

---------------------------------------------------------------------------

(4) Ý nói đến con chó được nhà sinh lý học Nga Ivan Petrovich PAVLOV (1849-1936) dùng để thể nghiệm phản xạ có điều kiện hay phản xạ qui định (réflexe conditionné): Cứ mỗi lần cho chó ăn, Pavlov lại đánh trước một tiếng kẻng. Dần dà do thói quen, chỉ cần nghe tiếng kẻng là con chó lại tiết ra nước bọt.

(5) Thời gian đầu sau ngày trình diện học tập cho tới khi được phép thăm nuôi, toàn thể cải tạo viên đều bất đắc dĩ theo chế độ ăn chay trường. Họa hoằn gặp ngày lễ lớn (như ngày 2-9) mới đặc biệt được phát thịt heo (lợn) để ăn bồi dưỡng. Mỗi trại được phát một con heo. Cái thủ, bộ đồ lòng, và chỗ thịt ngon lành dành cho ban Chỉ huy trại. Phần còn lại được đem chia cho học viên toàn trại. Khi chia ra mỗi tổ được phần thịt khoảng bàn tay để chia đều cho tổ viên từ tám đến mười người. Riêng tổ nào phần thịt có thêm miếng xương thì kẻ may mắn nhất trong tổ là người bốc thăm trúng được phần có dính cục xương : Tuy số lượng thịt ít hơn là các phần khác, nhưng người trúng thăm có cái lợi là một mình được hưởng phần cốt tủy trong cục xương được coi là yếu tố bồi dưỡng hiếm quí trong giai đoạn này. Đặc biệt có người, sau khi đã gặm hết tí thịt rồi, vẫn giữ lại miếng xương bỏ vào lon gô, mỗi lần lại đem ra hầm với rau thêm ít muối để nuôi ảo tưởng là mình đang được ăn cơm với canh thịt. Có người, do cục xương bị hầm đi hầm lại lâu ngày, đã trắng phếch còn hơn là xương bốc mộ nữa, nhưng vì luyến tiếc vẫn không chịu rứt bỏ. Chi tiết này nghe ra có vẻ khôi hài, nhưng cũng đáng được nêu lên để nhắc nhở rằng, trong thế kỷ trước (thoạt nghe tưởng xa xôi lắm, thực ra cũng mới đây thôi), trên đất nước Việt có một số người dân Việt đã phải trải qua những điều kiện sống khắc nghiệt như thế nào.

(6) Gắn thêm một bông mai, tức là lên một cấp bực theo quân hàm của sĩ quan quân đội VNCH.

(7) A. Camus, "?Le Mythe de Sisyphe?: L'absurde et le suicide, pp.17-25 - Collect. Folio, Edit. Gallimard 1942.