Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về ]
[ Trang chủ ]
[ Trang
sau ]
|
|
"Il
n'y a pas d'amour de vivre sans désespoir de vivre."
(Không thể biết yêu thương cuộc sống nếu không phải sống qua tuyệt vọng.) CAMUS (L'envers et l'endroit - Editions Gallimard 1958 - coll. Folio , p.107) |
Sài gòn một ngày vào cuối tháng tư 1975.Trảng Lớn, Long Giao, Phú Quốc, Suối Máu! Ôi! Những địa danh như những ngọn roi quất tàn nhẫn còn in hằn trong tôi bao vết thương dớm máu. Nhưng cũng những địa danh ấy, sao nay tôi lại nghe thân thiết gắn bó tưởng như chúng đã biến thành một phần xương thịt mình. Trảng Lớn, Phú Quốc, Long giao Suối Máu! Tên gọi của những địa ngục trần gian chọn làm lò luyện tội cho những kẻ sa cơ thất thế? Hay chúng là danh xưng các trường đại học nhân dân giúp tôi làm cuộc cách mạng đổi đời? Cái mớ danh hiệu dễ gây huyên náo ồn ào ấy đã một thời làm tôi xiết bao ê chề điêu đứng. Vậy mà cũng mớ danh hiệu ấy nay tôi nghe sao hờ hững tựa âm thanh lùng bùng của những điệu rao quảng cáo đã thuộc nằm lòng. Trảng Lớn, Phú Quốc, Long Giao, Suối máu! Cái gì còn lại? Còn lại trong tôi nay chỉ là ấn tượng sâu sắc của một chuỗi ngày gian khổ, một chặng đường thập ác kéo dài, một giai đoạn thử thách hiếm hoi để tôi được gặp lại chính tôi, biết nhìn ra giá trị đích thực nơi con người mà tìm về cuộc sống ý nghĩa cội nguồn. Trảng Lớn, Phú Quốc, Long giao, Suối máu! Ôi, những ngày đầu để tôi được biết thế nào là cuộc sống dịa ngục! Tôi bắt đầu cuộc sống địa ngục khi thời hạn mười ngày (1) đã qua đi mà ngày vẫn nối tiếp ngày, cuộc sống vẫn chỉ rặt một khôn mặt dửng dưng bình thản. Bình thản đến độ ngày càng biến thành rắn đanh độc ác. Địa ngục là những trang tự kiểm đã bao lần viết đi viết lại mà cũng đành buông bút thở dài bất lực vì không kiếm nổi một vết tích tội lỗi để ít ra cũng tìm được niềm an ủi cho thân phận mình. Địa ngục là những đêm bàng hoàng thức giấc, chân tay lạnh giá mà toàn thân lại ướt đẫm mồ hôi vì cơn đau oằn oại của nỗi tiếc hận cứ cuồn cuộn dâng trào. Nhưng đáy cùng địa ngục, chính là những buổi lên lớp để phải nghe thuyết giảng về khoan hồng nhân đạo, về hạnh phúc ấm no, về chủ nghĩa ưu việt, về tương lai nhân loại..., toàn là nhưng bức tranh thêu dệt tuyệt vời khiến ta càng thêm ngao ngán, mỗi khi bừng tỉnh, lại thấy mình hụt hẫng rơi tõm vào thực tại thế giới con người. Anh quản giáo đang đứng trên bục giảng kia, giọng nói miền bắc với cách phát âm Hà Nội tôi nghe quen thuộc quá. Nó gợi cho tôi hồ Hoàn Kiếm, đường Cổ Ngư, những hàng cây rượi bóng mát, rộn tiếng ve sầu. Tôi vẫn thích lang thang trên những con đường ấy trong những năm đàu của thập niên 50, khi còn trong lứa tuổi chỉ ham trèo me, hái sấu. Hẳn anh cũng đã từng đi lại trên những con đường đó. Nhưng còn hơn tôi, anh đã có những lúc được sánh vai chung nhịp bước đi. Rồi anh đã làm chồng. Rồi anh được làm cha. Rồi bỗng dưng anh lại rời bỏ tất cả những cái đó?: những cái thân thiết nhất đem lại cho đời anh ý nghĩa. Anh rời bỏ trong tiếc nuối. Nhưng anh sẵn sàng rời bỏ để chấp nhận hi sinh. Anh sẵn sàng hi sinh ý nghĩa đời mình để hiến dâng cho điều mà anh cho là có ý nghĩa cao đẹp hơn?: đem lại cuộc sống ý nghĩa cho tất cả mọi người. Anh tin tưởng như vậy. Hay đúng ra người ta đã làm anh tin tưởng như vậy. Niềm tin đó khiến anh hăng hái ra đi. Ra đi chấp nhận gian lao đói khổ. Ra đi bất chấp bom đạn hiểm nghèo. Ra đi để thực hiện điều mà anh cho là sứ mạng lịch sử. Chiến thắng tại miền Nam càng làm tăng niềm tin ảo tưởng nơi anh. Bởi vậy anh đã nói, anh nói rất say sưa. Bởi vậy anh đã nói, anh nói với nhiệt tình. Tôi tin là anh thành thật. Tôi không hề cho anh muốn làm một diễn viên đại tài. Tuổi mới ngoài ba mươi, trán anh đã hằn lên những vết nhăn vì gian lao đói khổ. Khuôn mặt anh cũng đã sạm đen vì mưa nắng dãi dầu. Nhưng đôi mắt anh vẫn ánh lên một niềm tin vời vợi. Những cơn sốt rét ác tính trên dãy Trường Sơn đã tô đậm môi anh một màu xám xịt. Nhưng cặp môi anh vẫn nở đều, nở đẹp. Đẹp như có một ngày trong đời, lần đầu tiên chúng giúp anh run run xúc động bật lên thành lời để nói đến yêu thương. Hôm nay anh lại đem tấm lòng đó ra để nói với chúng tôi. Anh nói về chính sách khoan hồng nhân đạo. Anh nói về những điều Bác Đảng dạy răn. Anh nói về độc lập tự do. Anh nói tới cả ấm no hạnh phúc. Rồi còn chủ nghĩa mác-lê thần thánh, chế độ chủ nghĩa xã hội ưu việt, thế giới đại đồng, thiên đường cộng sản... Ôi có điều nào mà anh không nói tới! Anh nói miệt mài. Anh nói say sưa. Cả giờ rồi đứng trên bục giảng mà tiếng anh vẫn vang vang, giọng anh vẫn trầm ấm. Anh nói. Anh nói. Anh nói. Càng nghe anh nói, tôi càng ái ngại cho anh. Anh nói, anh nói, anh nói. Càng nghe anh nói, tôi càng xót xa cho tôi. Anh có người vợ và những đứa con. Tôi cũng có người vợ và những đứa con. Tiếng súng đã chấm dứt từ lâu rồi. Vậy mà sao giờ này anh vẫn đứng mãi trên bục kia để mà nói? Vậy mà sao hàng trăm con người chúng tôi còn phải tụ tập bên trong hàng rào kẽm gai này để buộc phải nghe? Ngoài kia cuộc sống đã trở lại yên bình quá. Mảnh đất khô cằn bao quanh khu trại đã mượt mà một màu cỏ non. Bên trên bụi gai nay đã trổ bông, đàn bướm đang nhởn nhơ khoe sắc trong nắng vàng rực rỡ. Đằng xa kia, trong dãy rừng cao su, các hàng cây mới đây còn xơ xác tiều tụy, nay đã xanh tươi màu lá. Chỉ riêng có mấy trăm con người chúng tôi là phải bó gối trong căn phòng ngột ngạt này để nghe anh nói. Anh nói! Anh nói! Anh nói! Phá bỏ gông cùm, độc lập tự do, anh vừa nói. Nhưng sao cả giờ rồi tôi vẫn ngồi đây mơ tưởng tới giải mây trắng lững thững trên bàu trời xanh ngắt? Anh nói! Anh nói! Anh nói! Tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Anh lại nói. Nhưng sao mấy người vệ binh vẫn lăm lăm tay súng nhìn chúng tôi hằn học nghi ngờ? Anh nói! Anh nói! Anh nói! Hạnh phúc nhân dân, cơm no áo ấm, anh còn nói. Nhưng sao tiêu chuẩn của anh vẫn chỉ có mấy lạng gạo mỗi ngày? Còn tôi, khói thuốc của nửa bi thuốc lào mà sáng nay tôi cố ém để dằn lòng đang làm ruột gan tôi phải cồn cào vì cơn đói đã tới giờ hành hạ. Anh nói! Anh nói! Anh nói! Thế giới đại đồng, thiên đường cộng sản, anh cố nói. Anh nói liên tu bất tận như không biết mệt. Căn phòng bắt đầu hầm hập nóng. Trán anh đã lấm tấm mồ hôi, nhưng anh vẫn mải mê nói. Nhìn anh gân cổ lên mà nói, tôi bỗng nảy sinh ý nghĩ thầm phục. Tôi phục anh, tôi phục tôi. Tôi phục cái lũ giống người chúng ta quả đáng được tôn vinh làm chúa tể muôn loài. Thử hỏi có loài động vật nào nếu không phải là lũ người chúng ta mới có thể nghĩ ra được các ý niệm nào là độc lập tự do, nào là dân chủ dân quyền, nào là công bằng xã hội... Và nhờ trí tuệ thông minh, giàu óc sáng tạo chúng ta mới chế ra được nhiều cách hiểu khác nhau về các ý niệm cao siêu ấy. Bởi vậy mà anh và tôi, chúng ta mới phải bỏ cửa bỏ nhà, bỏ vợ bỏ con đi rúc bờ rúc bụi lùng chém giết nhau để tìm đường giải phóng cho nhau. Chém giết nhau chán, thấy không giải phóng đến kỳ cùng cho nhau, chúng ta lại tìm ra thêm chân lý là phải đem nhân nghĩa đạo đức để giảng cho nhau nghe. Vì vậy tôi mới được gặp anh trong căn láng oi bức chật chội này. Anh thì mồ hôi nhễ nhại cố đứng trên bục giảng dài cổ ra mà nói. Còn tôi cái bụng xẹp lép cứ phải nghiêm chỉnh ngồi nghe. Thiệt quả là tài. Càng nghe anh nói thao thao bất tuyệt, tôi càng thấy phục anh, tôi càng thêm phục tôi. Phục đến sát đất mà vẫn cứ phải ngồi nghe, tôi chỉ có nước quay ra hậm hực với lũ chim kia. Cái đôi chim ngốc nghếch đang rỉa lông rỉa cánh cho nhau trên hàng rào kẽm gai quả là đồ vô tích sự. Không biết chúng sinh ra để làm cái khỉ mốc gì? Suốt ngày chỉ lêu lổng chơi bời chẳng chịu học hành làm ăn gì cả. Hết líu lo ca hát lại chọn khoảng trời trong xanh mà bay mà lượn. Bay lượn chán lại sà xuống mặt đất bạ cái gì nhặt ăn cái đó. Aên uống no nê lại rủ nhau đú đởn, làm như được sống hòa hợp vô tư với thiên nhiên như vậy là sung sướng lắm đấy. Rõ thật sống mà không biết nhục. Đúng là quân bất học bất tri lý. Ừ, mà sao Đảng và Cách mạng lại không đem bắt nhốt chúng lại? Sao không bắt chúng đi học tập cải tạo như tôi để chúng được sáng mắt ra. Cứ để chúng mặc tình bay nhảy thế kia làm sao chúng thấm thía nổi bài học không có gì quí hơn độc lập tự do? Không bắt chúng đi cày đi cuốc, phải đổ mồ hôi như tôi đổi lấy khoai sắn mà ăn làm sao chúng hiểu nổi lao động vinh quang là gì? Vả lại công tâm mà xét, mấy con chim này đâu phải là không có tội. Còn nhiều hơn tôi nữa là đằng khác. Này nhé . Trong lúc tôi phải ngồi đây học hành nghiêm chỉnh mà chúng vẫn nhởn nhơ bên ngoài, đúng là chúng đã trốn tránh không ra trình diện. Đó là một tội. Không ra trình diện tức là không tin tưởng vào chính sách khoan hồng nhân đạo do Đảng và Cách mạng đề ra. Đó là hai tội. Không ra trình diện còn có nghĩa là chúng không chịu ăn năn hối cải, không muốn học tập cải tạo để trở thành công dân lương thiện. Đó là ba tội. Mà đã không chịu ra trình diện học tập để quay về với nhân dân, thử hỏi chúng còn con đường nào khác là tiếp tục cuộc sống bất lương bằng các hành động chống phá Cách mạng, chống phá nhân dân. Bằng chứng là hàng ngày chúng vẫn lén lút tìm nhặt các hạt thóc giống để ăn. Tội này mới tày trời , đáng chết làm sao! Thử nghĩ coi. Chỉ cần mỗi đứa hàng ngày đánh cắp vài hạt giống thôi. Mỗi hạt giống, nếu không bị đánh cắp, sẽ trở thành cây lúa trổ bông và nở ra thành hàng ngàn hạt thóc mới. Mỗi hạt thóc mới dùng làm hạt giống sẽ lại nở ra thành hàng ngàn hạt thóc khác. Và cứ thế theo đà sinh sôi nảy nở theo cấp số nhân, mới tính sơ ta cũng thấy chỉ cần một hạt giống bị đánh cắp tài sản Nhà nước đã bị hao hụt biết chừng nào. Vậy mà chúng lại đánh cắp mỗi đứa tới hàng chục hạt giống mỗi ngày. Ra quân này ghê gớm lắm đây, không có hiền lành tử tế gì đâu. Đúng là chúng có mưu đồ đánh cắp qui mô nhằm gieo rắc nạn đói khắp nơi, gây bất mãn trong quần chúng để tạo mầm mống nổi loạn chống phá Cách mạng. Âm mưu phá hoại này còn hiểm độc hơn chủ trương đốt sạch, giết sạch của giặc Mỹ trước đây bội phần. Tội của chúng, nếu đem xét xử, cho dù có chặt hết trúc ở Trường sơn dùng làm bút, tát cạn nước biển Đông pha làm mực cũng không kể xiết được. Thế nhưng đôi chim lại như không hề biết đến tội lỗi tày trời của chúng là gì cả. Chúng vẫn thản nhiên bay lượn tìm kiếm thức ăn, rồi còn cả gan sà tới hàng rào gần phòng học của tôi mà đậu. Đã thế, hết mớm mồi, chúng lại rỉa lông rỉa cánh cho nhau, rồi còn lên giọng hót chiu chiu nheo mắt ngó tôi ngồi học nghiêm chỉnh như muốn chọc quê tôi một cách hỗn xược. "Có câm họng đi để yên cho tao học tập hay không, bớ lũ chim kia ? Bộ tưởng sung sướng lắm sao mà hót ngậu sị lên thế! Đời chúng mày rồi sẽ khổ lắm các con ạ. Chúng mày có biết tương lai là gì đâu. Hãy căng tròn cặp mắt ti hí lươn của bay ra để nhìn cho rõ cái hạnh phúc to lớn của tao đây. Tao phải ngồi trong phòng học này đâu có phải Đảng và Cách mạng muốn bắt nhốt tao. Trái lại Đảng và Cách mạng thương tao lắm nè. Đảng và Cách mạng giữ tao bên trong hàng rào kẽm gai này là muốn bảo vệ tao khỏi bị nhân dân ghét bỏ đánh đập trả thù tao nè. Đảng và Cách mạng còn nuôi cho tao ăn học để trở thành công dân chân chính nữa nè. Mỗi ngày tao được phát hai chén bo bo tiêu chuẩn để khỏi phải đi ăn cắp thóc gạo của nhân dân nữa nè. Nay mai học tập tiến bộ tao sẽ được Đảng và Cách mạng tha cho về nè. Chỉ cần chấp hành nghiêm chỉnh các mệnh lệnh do trên đề ra là tao sẽ được hoàn toàn tự do nè. Tao còn được vinh dự đóng góp vào việc xây dựng một xã hội mới đem lại hạnh phúc muôn đời cho con cháu mai sau nữa nè. Đã sáng mắt ra chưa các con. Sức mấy chúng mày bằng tao được. Quân khốn kiếp, đồ phản động! Chúng mày tưởng cứ được nhởn nhơ ngoài đó làm tao ham lắm phỏng. Ông đâu có thèm. Rồi ông cho chúng mày sẽ được biết tay ông...". Tối nay thế nào tôi cũng phải làm báo cáo kể tội lũ chim mét ban chỉ huy trại mới được. Cho chúng đi tù rục xương cho bõ cái tội cứ hót líu lo làm tôi phát nhức cả đầu. Biết đâu tôi lại chẳng được dịp lập công với Cách mạng mà khỏi mang tiếng làm ăng ten phản bội các bạn đồng trại. Không biết có phải đoán được ý đồ hắc ám của tôi hay không mà đôi chim bỗng vụt bay đi. Nhưng chúng không bay xa, chỉ lượn quanh quẩn vài vòng rồi lại chiu chiu lên tiếng gọi mấy con chim khác đến họp thành bày. Sau đó chúng sà xuống tung tăng nô đùa trên bãi cỏ non lung linh ánh nắng. Nhìn chúng đùa rỡn vô tư như vậy, tôi cảm thấy vui lây với cái hạnh phúc hồn nhiên của chúng. Nhớ lại những ý nghĩ đen tối vừa qua, tôi đâm hối hận và tự nhủ: "Ừ mà thôi, chẳng nên bắt nhốt mấy con chim ấy làm gì, tội nghiệp. Thử nhìn lại đôi chân chúng mà coi. Nhỏ síu cỡ đó cày cuốc sao nổi. Còn khối óc chắc chỉ bằng đầu tăm thôi, hệ số QI phỏng có là bao. Sức mấy mà chúng tiếp thu nổi ánh sáng chân lý Cách mạng.Thà cứ để chúng được sống tự do bay nhảy còn hơn.Cho dù chúng có lỡ ăn lầm một vài hạt giống thì chúng cũng loại trừ được không ít sâu bọ phá hoại mùa màng.Như vậy là chúng cũng đã biết đoái công chuộc tội rồi. A, có vậy chứ! Thì ra Đảng không bắt chúng đi lao động cải tạo, đâu phải là không có lý do. Đảng đâu cần nhờ tới tôi làm báo cáo.Với tai mắt nhân dân ở khắp nơi chúng làm gì mà Đảng không biết. Sở dĩ Đảng tha tội cho chúng vì biết rằng, ngoài cái công diệt trừ sâu bọ, chúng còn cần thiết cho việc đem lại ý nghĩa cho cuộc sống này. Giả thử không có tiếng hót líu lo của bày chim kia, biết tìm đâu những những nốt nhạc tươi vui làm tan loãng cái không khí ngột ngạt của đời sống tẻ ngắt này. Nếu không có những bước chân xinh xinh rỡn nắng của chúng, trước mắt tôi chỉ thấy sừng sững dựng lên những hàng rào kẽm gai nhọn hoắt, hình ảnh của một thế giới đày rãy ngục tù do con người, ở bất cứ đâu, chỉ chực tìm cách dựng lên. Và cuộc sống chỉ là một sự vận động đơn điệu, được lên giây cót bằng những khẩu hiệu bất di bất dịch: gia tăng sản xuất, phấn đấu vượt chỉ tiêu, gian lao khắc phục... Thế mới biết Đảng ta quả là biết trông xa nhìn rộng, xử lý chẳng những chí công vô tư mà lại có tình có lý nữa." (2). Mấy ý nghĩ này làm tôi nhẹ nhõm, cảm thấy tìm được hòa giải với chính mình. Tâm hồn lâng lâng thơ thới, tôi như đang chắp cánh mon men lại gần bày chim. Mấy con chim tỏ vẻ không hề thù nghịch, trái lại chúng còn ra vẻ mừng rỡ, vồn vã mời tôi tham dự cuộc chơi của chúng. Tôi hân hoan phơi phới thấy mình được là chú chim sẻ đang sống cái hạnh phúc hồn nhiên của bày chim non vô tội... "Không có gì quí hơn độc lập tự do..." Tiếng nói bỗng rống lên phá tan bàu không khí nặng chĩu làm mọi người đang mơ màng gật gù phải sực tỉnh. Ủa! Ra anh cứ nhất định đứng đó để nói mãi sao ? Bây giờ đã sang trưa rồi; những tia nắng rọi thẳng lên mái tôn đang biến căn phòng này thành một lò lửa. Hơn trăm con người tập trung nơi đây đã trở thành những pho tượng sáp trong tư thế ngồi chịu đựng. Riêng tôi, cơn đói lại trở về hành hạ khiến tôi chỉ mơ tưởng tới chén bo bo tiêu chuẩn đang chờ đợi ở chỗ chiếu nằm. Thế nhưng anh quản giáo vẫn không chịu ngưng nói. Anh nói. Anh nói. Anh nói. Độc lập Tự do, mặt đỏ bừng anh hăm hở nói. Vâng! Hạnh phúc ấm no. Tôi nghe. Tôi nghe. Tôi nghe. Cái bụng xẹp lép, toát mồ hôi tôi nghe. Từ nãy tôi nghe đến ù tai chóng mặt, mắt đổ hào quang mà anh vẫn cứ mải mê nói. "...Dưới ánh sánh của chủ nghĩa mác-lê vô dịch, Đảng sẽ lãnh đạo nhân dân ta tiến lên chủ nghĩa xã hội ưu việt. Mai mốt khi học tập tiến bộ trở về rồi các anh sẽ thấy. Trong xã hội mới mọi người đều bình đẳng, và sẽ vĩnh viễn xóa bỏ mọi bất công xã hội . Sẽ không bao giờ có chuyện kẻ chỉ biết móc ngoặc, làm ăn lươn lẹo được ngồi mát ăn bát vàng, còn người lương thiện chân chính cứ phải nai lưng lao động tối ngày vẫn không đủ sống. Cũng sẽ chẳng bao giờ ta còn phải chứng kiến cảnh con cháu những kẻ cửa quyền nghênh ngang xe ngựa, còn con cái thường dân phải bỏ học đi moi rác kiếm miếng ăn như thời Mỹ-Ngụy trước đây. Vậy anh em hãy an tâm học tập cho tốt. Mai mốt khi được Cách mạng tha cho, anh em trở về sẽ thấy..." Nhìn anh hăm hở nói, khuôn mặt đỏ gay như anh say rượu, còn cặp mắt giờ đây muốn bốc lửa như người bị đồng nhập, tôi chợt lên cơn thịnh nộ. Tôi giận anh. Tôi giận tôi. Tôi giận lây cả đến lũ chim kia. Tôi muốn trái đất này nổ tung để khỏi phải thấy anh, thấy tôi, khỏi phải chứng kiến cái hạnh phúc hồn nhiên của bày chim hèn mọn đó. Tôi muốn vạn vật đều tan thành tro bụi để được quên đi hết thảy. Quên anh, quên tôi, quên cái không khí ngột ngạt trên mảnh quê hương rách nát này, nơi đó có những khối óc, có những con tim, nơi đó có những con người biết nói đến tình, đến nghĩa, biết nói dến yêu thương, biết lựa lời hay ý đẹp để nói cho nhau nghe; nhưng thực tê lại là cuộc sống địa ngục với hận thù còn chồng chất và đói khổ, dốt nát, bệnh tật vẫn tràn lan. Ôi ! Địa ngục ! Ôi ! Địa ngục ! Thì ra địa ngục không phải chỉ là tha nhân như ta vẫn thường hiểu qua câu nói của một triết gia (3). Địa ngục nhiều khi do ta tự tha hóa nơi ta để trở thành một tha nhân với chính ta và đem reo rắc địa ngục cho kẻ khác.
|
---------------------------------------------------------------------------
(1) Chỉ hơn một tháng sau ngày 30 - 4 - 1975, ỦyBanQuân Quản thành phố Hồ Chí Minh ra lệnh kêu gọi tất cả cựu sĩ quan VNCH từ cấp đại úy trở xuống đều phải ra trình diện học tập mang theo 10 ngày lương thực. Trước đó tất cả các hạ sĩ quan và binh sĩ cũng phải đi học tập ba ngày, rồi sau đó được bình an trở về tự do sinh sống. Do biện pháp này mà hầu hết các cựu sĩ quan miền nam đều tin rằng sau 10 ngày học tập cũng sẽ được tự do trở về. (2) Nhân dịp này tưởng cũng nên nhắc lại mẩu chuyện vui tưởng rằng khó tin mà hóa ra có thật, xảy ra vào thời cách mạng văn hóa tại Trung quốc, nói lên căn bịnh vĩ cuồng của những kể vẫn tự xưng là lãnh tụ vĩ đại cho rằng mình có quyền làm mưa làm gió, thay đổi luật tạo hóa để mưu cầu hạnh phúc cho loài người: "Mấy anh bác học nhà quê trình lên Mao một con toán lập theo qui tắc tam xuất rằng nếu một con chim sẻ một ngày ăn hết bằng này hột thóc thì toàn bộ chim sẻ ở Trung quốc trong một năm sẽ ăn hết bao nhiêu. Một con số khủng khiếp. Người cầm lái vĩ đại bèn hạ bút ký một nhát ra lệnh tiêu diệt bằng hết lũ chim ăn hại. Gần một tỉ dân đã ra đồng, khua chiêng, gõ mõ, thúc trống, đạp mẹt, đập thùng, đót pháo... làm cho trăm họ chim tróc kinh hồn thất đảm bay tán loạn, bay mãi, bay mãi mà không dám đáp xuống, không còn chỗ nào yên để đáp xuống, cho tới khi rã cánh thì rơi xuống mà chết, hoặc để bị đạp chết. Tôi rùng mình khi nhìn thấy những bức ảnh xác chim cao như đống rạ trên bìa báo Trung quốc. Thiên nhiên lập tức cho Mao một cái tát trời giáng.Mất mùa. Sâu bệnh. Không còn chim để bắt sâu. Cùng với chim sẻ mất giống, chim biến mất trên đại lục mênh mông. Nạn đói hoành hành. Chẳng bao giờ người cầm lái vĩ đại lẫn đám đệ tử của ông ta nhận sai. Cái vụ tàn sát chim, cũng như những vụ tàn sát người, rồi bị lờ tít, cho chìm vào quá khứ, coi như chưa từng xảy ra." (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày - NXB Văn Nghệ, California 1997, tr. 110) (3) "L'enfer c'est les autres" (J.P. Sartre , Huis-clos, p. 92 Collect. Folio, Gallimard 1972). Với câu này, ý Sartre muốn nói rằng có sự tha hóa trong tương quan giữa người với người nói riêng hay trong tương quan xã hội nói chung?: Trước cái nhìn tra vấn, soi mói của kẻ khác, ta trở nên lúng túng vụng về, đôi khi còn muốn biến đổi cách biểu hiện của ta để đóng vai nhân vật trước mắt kẻ khác. Cung cách ứng xử này làm mất đi phần nào cái ta trung thực, khiến cái ta bị tha hóa ít nhiều. Bởi vậy ta cần tự giải phóng ta khỏi ảnh hưởng chi phối của tha nhân để phục hồi cái ta trung thực và hiện hữu với ý thức tự do. (Nhưng để khẳng định cái ta trung thực không nhất thiết phải làm ra vẻ lập dị, tỏ ra sống bất cần đời không giống ai. Cái đó nhiều khi cũng là biểu hiện một hình thức nhân vật). |
|