Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trang chủ  ]

Chuyện Khỉ năm Thân
___

Đặng Tiến

Miệt Bặc Liêu, Cà Mau có câu hát, về sau phổ biến khắp miền Nam, rồi lan truyền khắp nước :
Tháng ba cơm gói ra Hòn,
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn Hang Mai.

Nhiều người không hiểu chính xác, cho rằng Hang Mai có nhiều hoa mai thơ mộng, hay nhiều rắn hổ mai tàn độc. Thật ra, " mai " tiếng địa phương có nghĩa là " khỉ ". Hang Mai tức là " hang của loài khỉ ". Phi Vân đã giải thích như vậy, ngay trang mở đầu cuốn phóng sự Đồng Quê, giải thưởng hội Khuyến Học Cần Thơ năm 1943. Và ông ấy miêu tả căn cơ :

" Kinh Hang Mai ở làng Khánh Lâm, Cà Mau, bắt đầu từ kinh Biện Nhi trổ ra Tiểu Dừa. ( ... ) Ở hai bên bờ người ta có thể gặp những con trúc, rái, kỳ đà, chồn, ong mật và vô số cá " (1).Dĩ nhiên là nhiều khỉ. Từ điển phương ngữ Nam Bộ của Nguyễn văn Ái, 1994, cũng có ghi chữ mai nghĩa là khỉ.

Không biết vì lý do gì, và từ thời nào, trong tiếng Hán Việt, người ta phát âm chệch từ khỉ thành khởi (cũng như quý thành quới) : ngày nay ta nói khởi nghĩa, khởi hành, nhưng các từ điển xưa ghi là khỉ hành, khỉ nghĩa. Trong khi đó, trong tiếng thuần Việt, thành ngữ dân gian vẫn nói : khỉ khô khỉ mốc, khỉ ho cò gáy, rung cây nhát khỉ. Và thơ Tú Xương có câu :

Ới thi ơi là thi
Ới khỉ ơi là khỉ
Không rõ từ khỉ phát âm chệch thành khởi có liên quan gì đến tên loài động vật không. Chỉ biết rằng ở Việt Nam, khi đưa ra lý thuyết khỉ là thủy tổ của loài người, thì có sử gia đã dùng từ " hầu nhân " để tránh chữ chính xác là " người khỉ " - ngày nay người ta dùng chữ " người vượn " - thân thuộc hơn, nhưng cũng là tránh chữ Khỉ.

Hầu là Khỉ, giai thoại kể lại : vào thời Trịnh Khải, 1783, thế lực Chúa Trịnh đang suy tàn, nhưng vẫn còn kẻ nịnh bợ. Đặng Kim đã làm đến tước hầu, mà còn xin làm con nuôi nhà Chúa, đổi tên là Trịnh An. Một hôm, trên tường vôi nhà Hầu, có người đến vẽ một cây cổ thụ đang xiêu đổ, lá cành trơ trụi, gốc rễ ngả nghiêng. Trên chạc có con khỉ đang nằm ngủ, bên cạnh câu thơ nôm :

Khỉ ơi tỉnh dậy đi thôi
Đừng chờ cây đổ, đi đời nhà mi.
Hầu tỉnh ngộ, từ quan, lấy lại tên cũ. Về sau, khi Trịnh Khải đổ, ông tránh khỏi nạn cháy nhà vạ lây.

Trong thi ca, từ khỉ ít được dùng, vì không " thi vị ", gợi ý mắng mỏ. Thỉnh thoảng mới gặp một câu hiện thực như trong cảnh chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp : bao nhiêu là khỉ ngồi. Đinh Hùng tiếp xúc với rừng núi Việt Bắc, vùng Bắc Kạn đã tả không khí hoang dã thời 1940 :

Ta mê tiếng vượn sầu muôn kiếp
Chim núi cầm canh, hoẵng gọi bầy
( ...)
Rồi những đêm sâu, bỗng hiện về
Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya
Hoặc tiếng vượn có tính cách tượng trưng, trong hoang tưởng một trời tình thái cổ :
Trải sông nước vượt qua từng châu thổ
Ta đến đây nghe vượn núi kêu sầu.
Tính cách tượng trưng còn rõ nét hơn nữa ở hình tượng Đười Ươi trong thơ Bùi Giáng, có khi ông tự xưng là Đười Ươi Thi Sĩ. Đười Ươi ở đây, là hoài vọng con người tiền sử, tâm hồn " dã nhân " chưa tiêm nhiễm tập tục, lề luật và thành kiến :
Đi về giũ áo đười ươi
Đăm chiêu khách địa từ người tặng ta
Nhưng rồi trong một hoàn cảnh xã hội khác, Bùi Giáng lại mặc lại xiêm lốt đười ươi :
Ấy là thơ thuở chưa điên
Ở trong dấu ngoặc quàng xiêng reo cười
Bây giờ xoang điệu đười ươi
Diệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân
Trong trí tưởng sáng tạo của nhà văn, con vượn có khi là một hình tượng đẹp. Trong Chùa Đàn, 1946, mà nhiều người xem như là đỉnh cao của nghệ thuật Nguyễn Tuân, người phụ nữ lý tưởng tên là Sấu Viên ... Vượn Gầy. Nàng chết sớm trong một tai nạn xe lửa, trên chuyến xe vu quy về nhà chồng, làm chủ ấp Mê Thảo. Người chồng tuyệt vọng, cho cất một thứ rượu tên Mê Thảo Hầu, rồi một thứ rượu khác tên Ức Sấu Viên - Nhớ Vượn Gầy - và cuồng điên trong men Rượu Tương Tư. Nàng tên như thế vì có đôi cánh tay dài. Và có lẽ từ đó mà về sau nhân vật Cổ Giả Trường, người hùng trong vở kịch Thành Cát Tư Hãn, 1961, của Vũ Khắc Khoan, đã có đôi " tay vươn ra như tay vượn" : Vũ Khắc Khoan thân thiết và chịu ảnh hưởng Nguyễn Tuân.

*

Trong văn học Việt Nam cổ điển, tên Vượn đã xuất hiện rất sớm, tự bình minh của chữ Nôm đời Trần, trong bài Phú vịnh chùa Hoa Yên trong Thiền Tông Bản Hạnh. Bài này được gán cho thiền sư Huyền Quang (1254-1334), tả cảnh chùa ở núi Yên Tử :

Chim óc (=gọi) bạn, cắn hoa nâng cúng
Vượn bồng con, cời cửa nghe kinh
Cảnh Vượn bồng con là một hình ảnh văn chương, nhưng cũng có thể có thực, vì núi rừng thời ấy nhiều khỉ. Nhà thơ khoa bảng Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) cùng thời đã tả cảnh Chùa Long Động núi Yên Tử :
Cách lâm hữu hận viên đề nguyệt (a)
Ỷ tháp vô ngôn tăng đối san (b)

Dịch : Tựa tháp không lời ...  sư ngắm núi (b)
Cách rừng u hận, vượn gào trăng (a)

Bài phú cổ ấy trong Thiền Tông Bản Hạnh, còn có một hình ảnh vượn khác, nhưng lần này có tính cách điển cố :
Chẳng những vượn hạc thốt thề
Lại phải cỏ hoa thuể thỏa
Vượn và hạc biểu trưng cho tâm hồn quân tử, theo chuyện Dương Hựu đời Tống , một người phóng khoáng chỉ làm bạn với vượn và hạc ở chốn lâm tuyền, nơi tu hành, ẩn dật.

Trong tập thơ Nôm đầu tiên của nước ta, Nguyễn Trãi (1374-1442) đã tả cảnh nhà mình :

Cửa song giãi xâm hơi nắng
Tiếng vượn vang kêu cách non
Như vậy, thời ấy trong thực tế, vượn còn sống gần với người. Và cạnh đó, Nguyễn Trãi nhiều lần dùng chữ viên hạc theo điển cố :
Thề cùng viên hạc trong hai ấy
Thấy có ai han chớ đãi đằng
Han : nghĩa là hỏi han

Ý nói : chớ có thiết tha với những quan hệ xã hội

Vào giữa thế kỷ XVI, trong một bài phú tả cảnh ẩn dật miền rừng núi Tuyên Quang, Nguyễn Hãng cũng đã dùng chữ vượn theo nghĩa hiện thực :

Vượn chào, hòa khướu hót, cách ngàn đưa khúc xướng khúc ca
Và theo điển cố :
Bạn viên hạc quen tìm, hoa cười đón khách
                                   Tịch Cư Ninh Thể Phú
Mà không cứ gì miệt núi rừng Yên Tử, Côn Sơn, Tuyên Quang mới có khỉ, vượn. Vào cuối thế kỷ 18, giữa kinh thành Thăng Long, " mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề " theo Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ (1768-1839). Nhưng đây là vượn do Chúa Trịnh nuôi trong phủ Chúa. Tuy nhiên, mãi đến đầu thế kỷ 19, Nguyễn Công Trứ (1778-1858) còn tìm thấy " đất kinh kỳ riêng một áng lâm tuyền " rồi tự vấn, bùi ngùi :
Nào vương cung đế miếu ở đâu nào
Mỉa mai vượn hót oanh chào
Oanh, vượn ở đây có thể hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Trong văn học dân gian, có truyện nôm Bạch Viên Tôn Các, còn gọi là Lâm Tuyền Kỳ Ngộ, kể chuyện tình duyên giữa chồng người vợ vượn một tiên nữ giáng trần dưới hình dạng một con vượn trắng. Nội dung dựa vào một truyện cổ tích đời Đường bên Trung Quốc. Đây là một truyện nôm xuất hiện sớm, vào thế kỷ 17 vì còn làm theo thể thơ Đường Luật, gồm có 146 bài thất ngôn bát cú. Một chuyện tình lãng mạn vượt ra khỏi thành kiến, giáo điều. Nhiều câu thơ bây giờ đọc còn thấy hay, ví dụ đoạn Bạch Viên khi trở về Thiên Đình nhớ chồng và hai con nơi hạ giới :

Một mối thắm nồng, nguyền chửa phỉ
Hai phen nâng bế, nghĩa nào nguôi
Nhớ xuân dễ khiến hoa rơi lệ
Tủi phận cho nên nguyệt ngậm ngùi
Và nàng xin trở lại trần gian sống đoàn tụ với chồng con. Tình mẹ con nhắc đến câu ca dao :
Con vượn thương con lên non hái trái
Anh thương nàng phận gái mồ côi
Nhưng chuyện Vượn, trong tình mẹ con làm tôi cảm xúc và nhớ đời, là một bài tập đọc lớp Ba, bậc tiểu học, cách đây hơn nửa thế ky². Chuyện kể có người thợ săn muốn bắt sống một chú vượn con, đã dùng tên độc để giết vượn mẹ :
"Vượn mẹ bị tên, biết mình không thể sống được bèn vắt sữa ra rừng cho con uống. Xong rồi lăn ra chết.
Người thợ săn quay về phía vượn con, cầm roi quất vào xác vượn mẹ. Vượn con thấy thế, kêu gào thương xót, chạy ngay lại gần, người đi săn bắt sống được.
Lúc về nhà, cứ đêm đêm, vượn con nằm phục bên xác mẹ thì mới yên ; một hai khi lại ôm lấy kêu gào, vật vã, rất thảm thiết. Không được mấy hôm, vượn con cũng chết.(2)
*

Năm Thân là cầm tinh con Khỉ nói chung. Từ chú khỉ con đến khỉ đột, đười ươi và con vượn tiền thân của loài người, khoa học gọi là Homo Erectus Erectus. Tại Việt Nam, từ Bắc vào Nam, nhiều nơi còn di tích Người Vượn với những công cụ, bằng đá, tại Núi Đọ (Thanh Hóa), Xuân Lộc ( Đồng Nai). Tại Thẩm Ồm (Nghệ An), Hang Hùm ( Yên Bái) đã có những di chỉ chứng tỏ thời kỳ Người Vượn chuyển sang thành Người Khôn (Homo Sapiens) cách chúng ta khoảng 100 000 năm.

Trong mười hai con giáp, Rồng là biểu tượng gần chúng ta nhất về mặt tâm linh, tình cảm. Gần mà xa, vì con Rồng, tổ tiên dân tộc, chỉ là huyền thoại. Khỉ là biểu tượng gần chúng ta nhất về mặt vật chất, thân xác. Gần mà xa vì không mang ý nghĩa " dân tộc ", tín ngưỡng và phong vị lãng mạn.

Năm Khỉ, nói chuyện khỉ, tuy là để vui Xuân, nhưng nói từ đầu đến đuôi, cũng là không đơn giản, quả là khỉ.
 

Đặng Tiến
Orléans, Xuân Giáp Thân 2004
(1) Phi Vân, Đồng Quê, 1943, tr. 4. Sud Est Asie, tái bản 1981, Paris.
(2)Tình Mẹ Con, Sách Tập Đọc Lớp Ba, tr. 10, một Nhóm Giáo Viên, 1949, Sài Gòn..


Trở Về  ]