Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Bên kia vách
(Chuyện nghe qua vách)Nguyễn Thị Chân Quỳnh "Mời các cụ ra xơi cơm. Cơm chín rồi."
(Tiếng nói từ xa) "Nó nói cái gì thế ? Lại ăn à ? Vừa mới ăn "gu-tê" (1) lúc 5 giờ đã đói đâu ? Ðể tị nữa ăn cũng được, đang nói giở câu chuyện."
"Không được, phải ăn bây giờ, đến giờ ăn rồi."
"Ăn mà cũng phải đúng giờ à ? Tưởng đói lúc nào thì ăn lúc ấy ?"
"Phải ăn bây giờ để còn kịp nghe tin tức lúc 8 giờ không thì muộn mất. Mời các cụ ra ăn thôi."
"Nào thì ra." (Tiếng dép đi lại gần) "Gớm, ăn mà cũng phải có giờ giấc ! Không đói cũng phải ăn !"
"Bác ơi, kệ nó nói gì thì nói, bác chưa đói không muốn ăn thì tội gì mà ăn ? Bác cứ thong thả, muộn thì đã sao ? Không xem "tê-lê" đã chết ai chưa ? Hôm nay không xem thì mai xem, mai không xem thì ngày kia, ngày kia không xem thì ngày kìa, lo gì ? Cánh mình ngày rộng tháng dài, đi đâu mà vội ? Nó muốn xem thì cho nó ăn trước, ta nhẩn nha ăn sau."
"Con ăn trước thế nào được ? Ðể các cụ lại chê là vô phép vô tắc ấy à ? Rồi mai kia có ai lại chơi các cụ lại kể tội phải ăn sau, ăn đồ thừa, không chơi ! Với lại đằng nào con cũng phải đợi các cụ ăn xong để còn dọn dẹp, rửa bát."
"Không khiến !"
"Ðã có chúng tôi dọn, cô không phải lo."
"Nhưng các cụ không biết chỗ để mỗi thứ. Các cụ mà dọn con muốn tìm cái gì cũng hết hơi. Lấy cái gì ở đâu phải xếp nguyên lại chỗ cũ, các cụ xếp lung tung con biết đâu mà tìm ? Như cái lọ hạt tiêu xưa nay con để ngay trước mắt, mở tủ ra là thấy, đằng này các cụ đem nhét nó vào tận cái xó tít bên trong là chỗ con xếp những thứ cả đời không đụng đến, làm con phải moi cả tủ ra mới tìm thấy lọ hạt tiêu."
"Ðấy bác xem, rõ đồ vô ơn ! Mình thấy tủ nó bừa bộn, tử tế lau dọn, xếp lại gọn ghẽ, nó đã chẳng cám ơn thì chớ lại còn trách mình làm nó mất thì giờ đi tìm lọ hạt tiêu ! Lọ hạt tiêu nó vẫn ở trong tủ chứ nó có mọc chân chạy đi đâu mà tìm hết hơi không ra ? Cái tủ bé bằng cái lỗ mũi mà "tìm hết hơi" không ra lọ hạt tiêu !"
"Cho mày cứ ăn trước rồi vào mà xem "tê-lê". Chúng tao ăn sau rồi chúng tao dọn, khắc đâu vào đấy." (Ðổi giọng) "Nó làm như chỉ có nó mới biết ngăn nắp còn mình không biết thu dọn là cái gì cả." (Nói to) "Nói cho cô biết chúng tôi dọn đã mòn tay ra rồi, đừng tưởng ! Chúng tôi biết thu dọn từ khi chưa đẻ ra cô kia !"
"Thôi, thôi, con không cãi lý với các cụ nữa. Tối nay có phim trinh thám, với cái anh thám tử bẩn bẩn mà các cụ thích vẫn khen ấy mà. Mời các cụ xơi đi rồi còn vào xem."
"Nào thì ăn chẳng nó lại giục toáy mãi lên." (Tiếng bát đũa lách cách)
"Các cụ nếm thử món tây con nấu xem có ngon không ? Món này gọi là "endives au jambon", phải luộc "endives" rồi lấy "jambon" quấn quanh, nấu sốt đổ lên trên, rắc phó-mát rồi bỏ lò. Ngon lắm !"
" "Ăng-đi" là cái quái gì ?"
"Nó là cái rau trăng trắng, từng búp một ấy mà."
"Tưởng gì, sao không gọi là cái rau trăng trắng lại gọi là "ăng-đi ăng điếc" làm tao chẳng hiểu gì cả."
"Tên nó là "endives" thì phải gọi nó là "endives". Cụ nếm thử xem có ngon không ?"
"Nào thì nếm !" (Chép miệng) "Cũng được !"
" "Cũng được" là thế nào ? Ngon hẳn đi chứ lị ! Con nấu mà cụ uể oải nói "Cũng được" !"
"Tao bảo "Cũng được" là "Cũng được" !"
"Cơm tây có ra cái chết tiệt gì đâu, bác nhỉ ? Lúc nào cũng sốt với siếc !" (Ðổi giọng) "Cái món này bận sau mày băm thịt ra nhồi vào trong rau ăn dễ ăn hơn, làm thế này vụng."
"Món của nó phải để thịt bọc ngoài, nhồi vào trong là không đúng kiểu."
"Cần gì phải đúng kiểu ? Cứ ăn ngon là được rồi. Nhồi thịt vào trong ăn ngon hơn."
"Cơm tây thiếu gì món nhồi thịt vào trong, nhưng món này bắt buộc phải để thịt bọc ngoài, rau ở trong thấm nước thịt mà không thấm nước sốt, ăn thanh hơn."
"Mày đã không thích sốt thì còn bầy ra làm sốt làm gì ? Rồi lại phải quấn "giăm-bông" ở ngoài cho nó không thấm sốt ? Rõ rắc rối !"
"Sốt là để tưới lên thịt. Mỗi món nấu một khác, không phải lúc nào cũng nên nhồi thịt vào trong, hay rưới nước sốt lên trên." (Ðổi giọng) "À, con nhờ các cụ xay "carottes", thái hành, nấm hộ con để con làm chả giò, các cụ đã làm hộ con chưa ?"
"Làm rồi !"
"Thế các cụ có nhớ để riêng từng thứ để con trộn lấy không ? Hay là các cụ lại trộn lung tung như kỳ trước con không thích. Con thích tự con trộn lấy theo kiểu của con ngon hơn. Các cụ đem vắt hết nước "carottes" đi, dễ gói hơn nhưng ăn không ngon, lại mất hết "vitamines". "
"Thưa cô chúng tôi đã làm đúng như cô dặn, để riêng thịt, riêng "cà-dốt". Thịt tao lại cẩn thận cho đủ mắm muối hộ rồi, cô muốn trộn kiểu nào thì cô trộn."
"Thế là chết con rồi ! Con đã dặn để con trộn vì các cụ cho mắm muối không đúng ý con, giờ các cụ lại đi cho sẵn mắm muối hộ thì con biết đằng nào mà lần ? Con nói để con trộn theo kiểu của con tức là để con cho mắm muối lấy, chứ còn trộn thì ai chẳng trộn như nhau, làm gì có kiểu trộn nào khác ?"
"Ai biết đâu ! Tại mày bảo mày muốn trộn theo kiểu riêng của mày chứ mày có bảo tao đừng cho mắm muối đâu ? Không cho để thịt thối ra à ?"
"Vì thế con vẫn nói là con thích hầu các cụ ông hơn hầu các cụ. Các cụ ông quen ngồi cho người ta hầu nên ngồi yên, không ngứa chân ngứa tay, táy máy làm giúp như các cụ. Mỗi bận mà các cụ làm giúp con cái gì là con phải chữa lại, mệt gấp đôi !"
"Này, muốn xem "tê-lê" thì ăn nhanh lên cho xong rồi còn vào mà xem, lải nhải như thế bao giờ ăn xong ?" (Chép miệng) "Ăn mà cũng phải đúng giờ giấc !"
"Vâng, mời bác xơi. Ấy, bên này chúng nó cứ như tổng thống tương lai cả một lũ bác ạ. Làm gì cũng phải có giờ giấc, chương trình. Ngày nghỉ chúng nó cũng có chương trình ! Lúc nào cũng vội, không biết vội để làm vương làm tướng gì ? Nó đến thăm mình mà mắt trước mắt sau là nó chạy, cấm bao giờ thấy chúng nó thong thả. Cần đến đứa nào mà không bảo trước là không được. Lắm lúc muốn đi chỗ nọ chỗ kia, thăm người này người kia, nhưng tiếng tăm mình đã chả biết, phố xá lại không thuộc mà chúng nó thì có lúc nào là lúc có thì giờ để đưa mình đi ?"
(Ngạc nhiên) "Ở đây mấy chục năm rồi mà vẫn chưa thuộc đường cơ à ?"
"Thuộc thế nào nổi ?Tôi chỉ thuộc những chỗ gần gần, chỗ xa là phải nhờ chúng nó đưa đi. Bên này rộng lắm bác ơi, không như Hà-nội nhà mình đâu !"
"Ðời sống bên này là thế, đường đất đã xa mà thì giờ lại không có, muốn làm hết mọi việc thì phải sắp đặt chương trình cho đỡ mất thì giờ. Như nhà này ở gần chợ Tầu quận 13 thì mai kia chúng nó đến thăm các cụ xong là tiện đường rẽ ra đi chợ. Không chạy thi hết giờ hiệu nó đóng cửa."
"Ðấy bác xem có phải chúng nó tử tế đến thăm mình đâu ? Chúng nó đến thăm để NHÂN TIN rẽ ra đi chợ Tầu !"
(Nói cùng một lúc) "Dễ thường người khác không có việc ? Người ta không chạy thì người ta chết hết cả đấy ?"
"Tại cụ không đi làm bên này nên không hiểu. Bên này phải làm cật lực chứ không lơ mơ, tà tà được đâu? Ði muộn mấy phút hay sơ xuất một tí là chủ nó kỳ kèo khó chịu lắm. Cuối tuần tiếng là được nghỉ hai ngày nhưng chủ nhật chỗ nào cũng đóng cửa, muốn mua bán gì đều dồn hết vào ngày thứ bẩy. Chủ nhật ở nhà thì lại phải dọn nhà, làm bếp và nghỉ dưỡng sức tuần sau đi làm. Nếu đi chầu các cụ hay đi thăm bạn bè là hết chuyện nghỉ ngơi."
"Mày nói thế nào ấy, tao thấy ông Toàn ông ấy bảo con ông ấy nó đi làm sướng lắm kia. Nó muốn đi cắt tóc gội đầu lúc nào là nó cứ việc đi, chẳng ai nói năng gì cả. Làm gì có chuyện đi muộn có mấy phút mà cũng bị kỳ kèo. Mày bịa chuyện !"
"Trừ phi con ông ấy nó là chủ hay làm chủ sự thì mới tự do bỏ sở đi cắt tóc lúc nào cũng được. Mà ngay cả làm chủ sự cũng còn tùy công việc có cho đi mới được đi vì trên chủ sự lại còn có chủ nhất, chủ nhì kiểm soát, đâu mà đi dễ dàng thế ? Một phút của người ta là một phút nẩy ra tiền cả đấy, ai người ta cho tự do tung tẩy đi cắt tóc ? Ông Toàn ông ấy nói khoác."
"Láo ! Người ta là chỗ người nhớn, ai có như mày mà thích nói khoác ? Nói khoác để làm gì ?"
"Cụ không tin con thì thôi. Con nói thật cụ lại không để lọt vào tai, còn ông Toàn loè thì cụ lại tin. Bụt chùa nhà xưa nay vẫn không thiêng mà !"
"Thế có láo không ?"
"Bác chấp nó làm gì ? Nó nói gì mình cứ bỏ ngoài tai là hơn."
(Yên lặng, tiếng đặt đũa bát hơi mạnh) "Thôi ăn xong rồi. Vào xem "tê-lê" được rồi."
"Khoan đã, còn ăn "dessert" (2) mà. Hôm nay con mua được quả dứa này nhỏ nhưng ngon lắm, các cụ ăn đĩa này ngọt, đĩa kia để con trộn đường với rượu, hay các cụ không thích rượu thì con đem xào thịt."
"Nào "đét-xe". Này, tôi đố cô biết quả dứa ngọt nhất ở chỗ nào ?"
"Ở phía đuôi, con còn lạ gì ? Con đã nếm thử mãi rồi, phía cuống bao giờ cũng chua hơn."
"Ừ, thế nhưng tại sao phía đuôi lại ngọt mà cuống lại không ngọt ?"
"Con chịu. Trời sinh ra thế."
"Thế là cô dốt. Ðể tôi nói cho cô nghe : Quả dứa nó cũng như cái túi mật, mật nặng nó rơi xuống dưới, bao nhiêu mật đều tụ ở dưới nên phần đuôi ngọt, trên không có mật nên chua."
"Có thật không ? Ấy, con lại quên không mời các cụ món phó-mát. Các cụ già cần ăn nhiều sữa với phó-mát cho bổ xương. Cụ muốn sữa dê, con không mua được nên mua phó-mát sữa dê thay vào. Con chắc các cụ không thích đâu nhưng ăn một lần cho biết mùi. "Con bò cười" (3) dễ ăn hơn."
"Mời bác nếm thử phó-mát sữa dê xem sao."
(Yên lặng)
"Không ngon ! Y như có cả một đàn dê chạy qua đây ! Ăn thế nào được ? Ðem đổ đi !"
"Con đã bảo mà, có sai đâu ? Thôi, các cụ không ăn thì để đấy con ăn, đổ đi phí của." (Ðổi giọng) "Lúc nẫy cụ đố con quả dứa ngọt nhất ở chỗ nào, bây giờ con đố lại cụ nhé : Ở người thì chỗ nào ngọt nhất ?"
"Tao không biết. Chỗ nào ngọt nhất ?"
"Ở cái chân vì chân ở dưới. Cụ vừa bảo bao nhiêu mật ngọt đều tụ ở dưới thế thì cái chân ở dưới cùng phải ngọt nhất, còn cái lưỡi ở trên phải chua, có đúng thế không ?"
(Tất cả cùng cười)
"A, con này láo, nó bảo bác nói chua đấy bác ạ."
"Thôi ăn xong rồi, "đét-xe" cũng xong rồi, đi vào nghe tin tức."
(Tiếng dép lẹp kẹp xa dần)
"Ơ, cái "tê-lê" đi đâu mất rồi ?"
"Con đem sang phòng ngủ rồi. Ban nẫy các cụ mải nói chuyện nên không thấy con khiêng nó đi ngay trước mắt. Tại con thấy các cụ xem ở phòng khách phải ngồi, không được thoải mái. Ở phòng ngủ, các cụ có mệt thì ngả lưng vừa nằm vừa xem. Nào, mời các cụ sang đây."
(Tiếng giầy dép lẹp kẹp đi sang phòng ngủ, tiếng "télé" chạy)
"Ơ, nó làm cái trò gì thế kia ? Tại sao thằng ấy lại quỳ xuống như muốn lạy cái con tre trẻ kia ?"
"Bà lão này nhà quê quá ! Nó đang chào đấy mà. Nó chào thế tức là sắp hết rồi bác ạ. Nó chào khán gỉả đấy mà."
"Không phải đâu cụ ơi, chào khán giả thì phải quay mặt ra phía mình chứ. Ðây là truyện tình nổi tiếng của nước Anh, gọi là "Romeo và Juliet" (4). Thằng Romeo đang quỳ xuống để tỏ tình với con Juliet, không phải nó chào khán giả đâu."
"Thế à ? Tao lại cứ tưởng..."
"Ứ Ứ, Ứ Ứ... Thôi, không xem nữa ! Tắt máy đi !"
(Ngơ ngác) "Tại sao lại thôi không xem nữa ? Lại tắt máy đi ?"
"Nhảm nhí ! Cứ ôm lấy nhau mà hôn hôn hít hít ! Rõ dơ !"
(Cười) "Cái bà lão này mới sang đây có khác, bên này thế là chuyện thường bác ơi. Ấy, cứ thế cả ngày, cả ở ngoài đường nữa chứ không phải chỉ ở trên "tê-lê" đâu. Cả ngày cứ hết khoác tay lại ôm nhau hôn. Chúng nó không biết lấy thế làm xấu hổ. Con giai con gái cứ cặp kè nhau chẳng phân biệt nam nữ gì cả. Rồi những ngữ này tưởng hay, lại cũng bắt chước cho mà xem !"
"Rõ dơ dáng dại hình !"
"Thôi, các cụ không thích xem nó hôn hít thì thôi, mình nghe tin tức ở đài khác. Các cụ có mệt thì nằm xuống cho thoải mái."
(Tiếng sột soạt)
"Sao cụ không ngồi yên trên giường lại tụt xuống đất làm gì ? Cứ giẫm thẳng xuống đất, nhà giải "moquette" sạch lắm, đi chân đất cũng không sao đâu, không cần phải nhón gót."
"Thế à ? Tao sợ giẫm đất bẩn chân lại phải đi rửa. Xê ra cho tao đi kiếm cái tăm xỉa răng."
"Nhà này làm gì có tăm ? Cụ chịu khó đánh răng vậy."
"Cứ mặc tao, tao kiếm khắc có tăm."
"Cụ đào đâu ra tăm mà kiếm ?"
"Tao kiếm cái bình hương là có tăm ngay chứ có khó gì ? Chân hương xỉa thay tăm cũng được. Chúng mày không biết biến báo, không có tăm là chịu chết !"
"Nhưng nhà này cả bình hương cũng không có thì làm gì có chân hương để cụ xỉa thay tăm ?"
(Ngạc nhiên) "Ðến cái bình hương mà cũng không có à ? Thế mọi khi mày cúng giỗ thì cắm hương vào đâu ? Nhà gì mà lại đến cái bình hương cũng không có thì còn có cái gì ?"
"Con sang đây đi học, rồi đi làm, có bao giờ cúng giỗ mà có bình hương ? Cúng giỗ là phần các ông con trai. Xưa nay các cụ vẫn chê "con gái là con người ta", sao lại hỏi con chuyện cúng giỗ ? Phải hỏi các ông quý tử của các cụ chứ !"
"Ðây bác, tôi có tăm đây. Ði đâu tôi cũng phải giắt mấy cái tăm trong túi. Ðến nhà chúng nó réo mãi thì nó đưa ra mấy cái tăm phải gió bằng gỗ, chưa xỉa đã gẫy, có ra cái chết tiệt gì ?"
"Các cụ ơi, có xỉa răng thì nhớ bôi vào khăn giấy, đừng vẩy ra nhà nhé. Nhà giải "moquette" vẩy nó dính chặt vào, máy hút bụi cũng không đi mà thuê giặt "moquette" mỗi lần cả ngàn quan là ít, tốn lắm !"
"Chúng tôi biết rồi, cô không phải dặn. Có mỗi cái tăm xỉa răng mà ngày nào, bữa nào cũng nheo nhéo, điếc cả tai !"
"Tại các cụ hay quên, cái gì cũng vứt xuống đất nên con phải nhắc."
"Tao vứt xuống đất bao giờ ?"
"Thì vừa rồi chính mắt con trông thấy cụ vẩy xuống đất nên con mới nhắc."
"Chỉ có mỗi một cái giắt răng !"
"Thế là chết con rồi ! "Mỗi một cái giắt răng" cũng không được vẩy xuống "moquette". Thà cụ vẩy lên bàn hay lên cả giường nữa con cũng không ngại. Giặt khăn bàn hay giải giường dễ, "moquette" giải khắp nhà, không bóc lên đem giặt được."
"Ối giời ! Cái nhà hay là cái nợ ? Ðến xỉa răng mà cũng không được !"
"Con có bảo không được xỉa răng đâu ? Con chỉ nhắc các cụ đừng vẩy ra "moquette" thôi."
(Tiếng "télé" đột nhiên to)
"Này, im mà nghe. Nó nói cái gì mà to thế ?"
"Cụ phải lặng yên thì con mới nghe hiểu mà dịch lại được chứ ?"
(Cười) "Thế thì còn nói chuyện gì nữa ! Tưởng cô biết hóa ra cô cũng "mắm-sốt" (5) ! Cô cũng chẳng biết gì hơn chúng tôi !"
"Thì con không biết nên mới phải nghe. Các cụ muốn hiểu thì đừng nói cùng một lúc với người trên đài thì con mới nghe rõ. Có hỏi thì đợi người ta nói xong hẵng hỏi."
"Không hiểu mới hói. Ðợi người ta nói xong thì còn hỏi cái gì ?"
"Ðấy, cụ lại nói lấp đi nữa rồi !"
"Tao có nói gì đâu ?"
"Suỵt ! Ðừng nói nữa, để yên con nghe."
"Bác xem đấy, nó cứ đấm mình thùm thụp ! Thằng Yên cũng thế. Mình xem không hiểu mới hỏi, nó đã chẳng giảng cho mình hiểu lại còn đấm mình nữa !" (Ðổi giọng) "Ðấy, bây giờ nó thôi nói rồi đấy, cô giảng đi cho chúng tôi nghe."
"Bây giờ nó không nói thì con dịch cái gì ? Ðúng cái lúc quan trọng nhất thì các cụ lại nói lấp đi ! Mà con có đấm cụ đâu ? Con đập nhè nhẹ để ra hiệu cụ đừng nói chứ đấm cụ để làm gì ?"
(Cười) "Chẳng qua là cô dốt thì có. Nghe không hiểu lại đổ tội cho người khác."
"Con nói thật đấy mà, tại các cụ nói lấp con không biết họ nói gì."
"Kià, cái thằng kia lúc nẫy mặc áo tơi, bây giờ lại mặc áo len ? Ðúng, chính nó không sai. Sao nó lại mặc áo khác ?"
"Nó quảng cáo mẫu quần áo đấy mà. Lúc nẫy mặc áo đi mưa, giờ mặc áo len. Cụ đợi rồi nó còn mặc nhiều kiểu áo khác nữa."
"Bên này thật vẽ chuyện. Cả đời tao cứ đánh cái áo cánh, đi đâu mặc thêm cái áo dài vào là tươm rồi. Bầy vẽ kiểu nọ kiểu kia !"
"Ðúng thế bác nhỉ ? Tôi có cái áo kép may mấy chục năm nay rồi, ở nhà đi chơi đâu tôi mới mặc, bây giờ còn tốt nguyên, thế mà chúng nó chê ! Bên này cứ bịa ra mốt nọ mốt kia, thế mới ăn tiền. Các cậu thích theo mốt là phải bỏ tiền ra, có gì đâu ? Này, nhiều cái áo còn mới đáo để, thế mà chúng nó đem đi cho, kêu hết mốt. Thật phí của !" (Ðổi giọng) "Nhưng mà kể ra xứ Tây họ cũng có cái văn minh bác ạ. Họ nể trọng người già lắm, muốn làm gì thì làm, người già không bao giờ bị ở tù đâu !"
"Thật thế à ? Người già không bao giờ bị vào tù à ?"
"Không phải đâu cụ ơi, nói thế không đúng. Người già mà giết người thì cũng vào tù như thường."
(To giọng) "Mày nói láo ! Tao thấy ai cũng bảo người già bên này được đối đãi tử tế lắm, có nhân đạo lắm cơ, có tội cũng được tha không phải vào tù." (Cười) "Già cả mà ! Này, người già như bác với tôi ở đây đi tầu xe không mất tiền, xem "tê-lê" không phải đóng thuế, người nào nghèo quá còn được lĩnh cả trợ cấp nữa. Lễ "No-en" được mời đi ăn tiệc, lại có cả hộp "xúc-cù-là" to tướng gửi đến tận nhà."
"Cái ấy thì có nhưng giết người thì vẫn ngồi tù. Mà cụ nói se sẽ chứ không có hàng xóm người ta kêu."
(Ngạc nhiên) "Mình nói ở nhà mình cơ mà ?"
"Ấy, cứ thế ! Chúng nó bên này cái gì cũng sợ ! Ăn cũng không dám ăn, sợ béo ! Nói cũng không dám nói, sợ hàng xóm !" (Nói to) "Tao ở nhà tao, tao nói, việc gì phải sợ ai ? Tao có mồm thì tao nói, tao có đi ăn trộm ăn cắp đâu mà phải nói se sẽ ?"
"Suỵt ! Cụ nói nhỏ đủ nghe thì thôi không có hàng xóm họ kiện cho. Mình ở nhà mình thật nhưng ở chung cư, không có quyền làm ồn buổi tối. Bên này có luật lệ chứ không phải ai muốn làm gì thì làm. Người ta đi làm cả ngày mệt nhọc, đầu óc căng thẳng, tối phải để yên cho người ta tĩnh dưỡng. Mình nói to người ta không nghỉ được là mình có lỗi."
(Chép miệng) "Cái xứ này thật lắm cái lạ ! Ăn cũng phải ăn đúng giờ, làm thì phải có chương trình, đến ở nhà mình lại cũng không có quyền noi to, sợ hàng xóm mệt ! Tao thấy cụ Mai cụ ấy kể chuyện ban đêm khát nước, muốn uống hụm nước, gọi ông con dậy nhờ rót hộ chén nước thôi mà nó cứ cằn nhằn nào là ban đêm phải để cho nó nghỉ, nào là nó đã ngoài sáu mươi tuổi chứ có ít ỏi gì đâu mà bắt nó đêm nào cũng phải dậy rót nước ! Cái ấm nước để ngay đầu giường, có một chén nước thì cụ rót lấy cũng được can gì phải dựng nó dậy ? Rõ thật ông quý tử ! Rót cho mẹ có một chén nước mà cũng kêu ca !"
"Ông ấy mệt thật đấy cụ ạ. Ði làm bên này mệt lắm không như ở nhà đâu. Thứ nhất ông ấy đã ngoài sáu mươi, gần về hưu rồi, dậy đêm mệt là phải, ông ấy không nặn chuyện đâu."
"Rót có một chén nước thì làm gì mà mệt ? Ai bắt nó đi bổ củi, gánh nước đâu mà kêu mệt ? Các người làm như chỉ bên này mới có người đi làm, còn người ta cả đời ăn không ngồi rồi, chỉ tay năm ngón chắc ?"
"Vẫn biết các cụ không ăn không ngồi rồi nhưng làm ở nhà khác, mệt là nghỉ, xong lại làm tiếp, còn ở đây mệt mấy cũng phải cắm đầu làm. Ngày xưa ở nhà các cụ còn có người gíúp việc quét dọn, giặt rũ, có đi làm thì sở cũng ở gần. Ở đây có khi phải đi cả tiếng đồng hồ mới tới sở, làm việc lơ mơ là mất việc như chơi. Nhà mình mua chịu, trả góp, mất việc không có tiền trả thì nó bán nhà đi trừ nợ, lấy chỗ đâu mà ở ? Mất việc lấy gì mà sống ? Thế cho nên mới phải cắm đầu làm chứ ai chẳng thích thong thả ? Thời buổi này thất nghiệp đầy rẫy, mình là ngoại quốc sểnh ra là nó thải mình trước tiên."
(Tiếng chuông điện thoại)
"Này, nghe như có tiếng ai gọi cửa."
"Không phải, tiếng "tê-lê-phôn", a-lô, a-lô !"
"Ðể con ra chứ cụ nói ở đây người ta có nghe thấy đâu ?" (Tiếng dép đi xa, giọng từ xa) "Allo, Minh đấy à ? ž, để hỏi các cụ đã." (Tiếng dép lại gần) "Con Minh nó hỏi ngày mai được nghỉ cuối tuần, các cụ có cần gì thì để nó lên ?"
"Không cần gì cả ! Lên mà nó cứ vội vội vàng vàng như thế thì làm được cái gì ? Không cần !"
"Ấy, bác nói thế không được. Ngày mai nó được nghỉ thì cứ gọi nó lên đây, có việc thì mình sai, không có việc thì mình lại cho nó về, mất gì ? Nó đã tình nguyện đến mà bác lại cự tuyệt nó thì bận sau nó không đến nữa, thế là dại. Ở bên này mình cần nó chứ nó không cần mình. Lắm khi cần gọi nó hết hơi, khản cổ nó còn không đến nữa là. Ðằng này nó tình nguyện mà bác lại xua nó đi là hỏng bét !" (Ðổi giọng) "Cứ bảo nó lên đây, khắc có việc cho nó làm."
"Có thật không ? Không thì để cho nó ở nhà nó nghỉ. Gọi là nghỉ chứ nó có ngồi không đâu ? Nào đi chợ, nào nấu ăn, nào dọn nhà, thiếu gì việc !"
"Nhà như thế việc gì phải dọn ? Gọn ghẽ chán ! Các cô các cậu cứ thích bắt chước Tây, nhà lúc nào cũng phải sạch bóng lên. Lau nhà, dọn nhà cả ngày, mất thì giờ, mệt là ở chỗ ấy ! Thế là cái tội cái nợ, là làm tôi tớ cho cái nhà. Nhà là để cho mình ở, ở thì nó phải bừa bộn, phải bẩn, sạch mãi thế nào được ? Cái nhà chứ có phải cái bàn thờ đâu ? Mà sạch để làm gì ? Tao hãy hỏi : Chúng mày sính sạch, liệu chúng mày có sống lâu được hơn chúng tao không ? Các cậu giẫm phải cứt Tây mất rồi !"
"Không phải thế. Ở đây phải giao thiệp với ngoại quốc. Họ đến nhà mình thấy bừa bãi, luộm thuộm, bẩn thỉu, họ khinh. Không phải khinh riêng chúng con mà là khinh cả nước Việt-Nam nhà mình. Sạch cũng là để giữ thể diện quốc gia nữa đấy cụ ạ. Với lại ở bẩn thấy ghê ghê là. Con đến nhà cụ, thấy gián bò con hết hồn. Sao con đã mua thuốc trừ gián mà cụ không xịt cho hết gián ?"
"Con gián nó bé bằng cái tí việc gì mà hết hồn ? Nó có giết được mày đâu ? Nó không làm gì mày, không giết mày, tại sao mày lại đòi giết nó ? Tao thích sống hòa bình với tất cả. Mình muốn sống tại sao lại muốn nó phải chết ?"
"Khốn nhưng nó bò lên bàn ăn, chui vào đồ ăn kinh lắm !"
"Việc gì mà kinh ? Hôm nọ tao nằm đọc sách có một cô gián bò từ chăn lên tay tao rồi bò cả lên trang sách đang đọc, lại còn ngoe nguẩy hai cái râu nữa. Tao kệ nó, có sao đâu ?" (Ðổi giọng) "À, này, nhớ bảo con Minh mang cái chăn len lên cho bà lão này đắp."
"Thôi, không cần, chăn đắp đủ rồi."
"Bác gàn lắm, cứ nghe tôi. Bảo nó mang chăn lên, thích thì bác đắp mà chẳng thích thì lại cho nó mang về, có mất mát gì đâu mà sợ ?"
"Cụ nói thế không được. Có mất công nó chứ. Các cụ có định dùng thì mới bảo nó khiêng chăn lên, không thì thôi chứ nó hỏng xe, phải đi "métro", bắt nó tha cái chăn cồng kềnh đi cả tiếng đồng hồ mới tới nơi mà không dùng lại bắt nó mang về, khổ nó. Các cụ không đi "métro" nên không biết cái khổ của những người đi "métro". Thôi, để con ra chứ bắt nó chờ từ nẫy đến giờ." (Tiếng dép xa dần, giọng nhỏ ở xa) "Các cụ bảo cứ lên khắc có việc, nếu tiện thì mang cái chăn len lên nữa."
(Tiếng nói gần) "Tao ở đây từng ấy năm mà mày lại bảo tao không biết đi "mê-tô" ?"
"Cụ có đi "métro" rồi nhưng chỉ đi vào những giờ vắng người, không phải giờ người ta đi làm về chen chúc."
"Mày nói thế nào ấy. Thằng Yên nó bảo lái xe vào "Ba-li" mới là khổ, mỗi lần tìm chỗ đỗ xe phải lái quanh có khi cả nửa tiếng không có chỗ đỗ. Nó bảo hễ nó vào "Ba-li" là nó để xe ở ngoại ô rồi lấy "mê-tô" đi sướng hơn. Người ta đi xe người ta mới khổ, mày đi "mê-tô" việc gì mà mày khổ ?". (Ðổi giọng) "Ngày tao còn ở nhà, thư nào mày viết về cũng kêu ở bên này thức ăn không ngon, thịt không ngon, rau không ngon, tao lộn cả ruột ! Tao sang đây có phải để ăn đâu ?"
(Cười) "Con có bảo cụ sang đây để ăn đâu ? Nhưng con biết cụ khó tính nên con báo trước để cụ sang đây khỏi thất vọng."
"Việc gì tao phải thất vọng ? Cho tao ăn cơm không hay ăn với tí muối tao ăn cũng được !"
"Thôi đi, con xin cụ ! Giỏi lắm cụ xơi được độ nửa bát cơm với muối. Ðến con làm cơm tử tế, nấu món nọ món kia mà cụ còn chê lên chê xuống !"
"Thì tại thịt ở đây hôi hôi là, nuốt không trôi. Mày cầu kỳ nấu sốt với siếc khó ăn quá."
"Ðấy, con nói có sai đâu ? Cơm tây thì nó hay có sốt. Cụ sang đến cái xứ Tây này thì thỉnh thoảng cũng phải nếm cơm tây cho biết mùi vị chứ ? Nhưng các cụ lại không thích món lạ. Vịt nấu cam là món nổi tiếng của Tây thế mà các cụ lại chê không bằng vịt quay !"
"Tại mày làm không ngon thì tao chê. Cứ cho tao ăn rau muống luộc tao lại thích hơn, chẳng sốt với siếc gì cả ! Rau muống vừa ngon lại rẻ."
"Con lạy cụ, rau muống bên này mà rẻ ! Ðắt như vàng đấy cụ ạ. Người ta phải chở máy bay sang chứ bên này làm gì có ? Cụ đòi rau muống, lần trước con phải chịu mua đắt, đem về thấy đầy trứng sâu bám vào lá đỏ lòm, con phải vặt hết lá vứt đi, luộc lên cụ lại chê là rau toàn cuống ! Rau già !"
"Thì tại rau già thật."
"Nhưng nó chỉ có thế thì làm thế nào được ?"
"Bác hơi đâu mà cãi với nó. Chúng nó bên này lắm mồm lắm miệng lắm, cứ y như thầy kiện cả một lũ ! Cái gì cũng lý sự chứ không phải như mình ngày xưa "gọi dạ bảo vâng" đâu. Ngày xưa mình hầu các cụ, bây giờ mình lại hầu chúng nó chứ không phải chúng nó hầu mình đâu ! Ấy thế mà cũng không xong ! Có lần nghe nó phàn nàn bận quá không có thì giờ làm cơm, phải ăn bánh mì phó-mát, tôi nghĩ thương hại nó, cặm cụi làm cơm, gọi nó đến ăn, nó có đến đâu !"
"Tại sao nó không đến ?"
"Nó kêu nó không có thì giờ ! Hừ, cơm mình đã làm, nó chỉ việc cắp miệng đến ăn, ăn xong lại cắp đít về, thế mà cũng không có thì giờ !"
"Khổ lắm, cụ không hiểu. Con đã nói rõ thì giờ con đi từ nhà con đến nhà cụ, ăn với cụ bữa cơm rồi rửa dọn, lấy tầu xe về là hết ngày. Thà con làm cơm lấy ở nhà nhanh hơn."
"Mày rõ lắm giọng ! Vừa mới nói không có thì giờ làm cơm, bây giờ lại giở giọng "thà làm lấy". Nói thì lại bảo các cụ không hiểu ! Con Minh cũng thế, chúng mày nói như hệt nhau, như đúc một lò mà ra ! "Không hiểu" ! Trứng lại cứ đòi khôn hơn vịt !"
(Cười) "Thì chúng con chẳng cùng đúc trong một lò của các cụ mà ra là gì ?"
(Cười) "Mày phải "mét-xì" bà ấy mất công làm cơm cho mà ăn, không thì bà ấy còn hậm hực !"
(Cũng cười) "Ở đây bác nói "mét-xì" thì được chứ nay mai bác sang Anh chơi mà nói "mét-xì" lại hỏng kiểu."
"Thế không nói "mét-xì" thì nói cái gì ?"
"Bác phải nói "thành kíu !" (Cười) Ấy, sang đây là phải học cả tiếng Tây lẫn tiếng Anh mới được. Không biết tiếng người khổ lắm, có miệng cứ như câm, đi đâu cũng phải nhờ chúng nó thông ngôn."
"Thế bây giờ cụ đã nói chuyện bằng tiếng tây với bà hàng xóm được chưa ?"
"Tao không biết nhiều nhưng tao cũng nói chuyện được."
"Thật thế à ? Cụ nói những gì ? Bà ấy có hiểu không ?"
"Tao gập ban ngày thì tao nói "Bông-xua", chiều tối thì tao nói "Bông-xoa". Chỗ nào không biết thì tao chêm tiếng ta vào, bà ấy hiểu tất."
"Sao cụ biết bà ấy hiểu ?"
"Thì bà ấy cười cười tức là bà ấy hiểu. Bà ấy lại còn chào lại tao nữa, thân thiện ra phết đấy ! Này, người ta tử tế lắm, lắm hôm thấy tao đi chợ về xách nặng là bà ấy cứ giằng lấy xách hộ."
"Thế còn tiếng Anh ngoài hai chữ "Thanh you", cụ có học được chữ nào khác không ?"
"Mới học được có hai chữ ấy thôi."
"Thế thì để con dậy cụ nhé ? "To sleep" là đi ngủ. Sắp đến giờ đi ngủ, các cụ học chữ ấy là vừa."
"Cái gì ? Mày nói cái gì là đi ngủ, nói lại tao nghe."
"Ði ngủ là "To sleep". "
" "Sì-líp" ? Thế ra là cái quần lót à ? Tao thèm vào học cái thứ tiếng nhảm nhí, thô tục ấy !"
(Cười) " "To sleep" khác với "slip". Tiếng Anh "To sleep" là đi ngủ, còn "slip" tiếng Pháp mới có nghĩa là cái quần lót. Hai chữ đọc khác nhau."
"Tao nghe nó cũng na ná như nhau. Thèm vào học những cái nhảm nhí ấy ! Mình là người lịch sự, tử tế, ai lại đi học cái thứ tiếng thô tục như thế ?"
(Cười) "Thôi, cụ không thích học tiếng Anh thì thôi. Thế còn mấy câu tiếng Pháp để đi chợ, con chép cho các cụ, các cụ đã thuộc chưa ?"
"Thuộc từ lâu rồi ! Dào ! Có mỗi một trang giấy làm gì mà không thuộc ? Cô làm như chúng tôi ngu dốt lắm ! Chẳng gì chúng tôi cũng đẻ được ra cô ! Ấy, hôm qua tao đi mua sữa nhưng lại bỏ quên tờ giấy ở nhà, đi đường nghĩ mãi không ra sữa tiếng tây là gì ? Sau nhớ lại ngày xưa những hàng bán cà phê sữa buổi sáng ở nhà hay rao "Cà-phê ô lê" (6), tao biết chữ "cà-phê" không phải nghĩa là sữa, tao vào hỏi nó "ô-lê, ô-lê" thế là nó mang sữa ra." (Cười)
(Cũng cười) "Con chịu cụ !"
"Chứ sao ! Cô đã khảo tôi, giờ đến lượt tôi khảo lại cô nhé ? Cô có biết tiếng tây "Chào cụ" là gì không ?"
"Thì "Bonjour Monsieur" hay "Bonjour Madame" chứ gì ?"
(Cười) "Thế là cô không biết rồi ! Tôi nghe nói thế là tôi hiểu cô không biết. "Bông-xua ma-đam" là "Chào bà" chứ không phải "Chào cụ". "Chào cụ" khác."
"Tiếng tây làm gì có phân biệt "Chào bà" với "Chào cụ" ?"
"Thế tôi mới nói là cô dốt ! Cô đi học mà cô không biết gì cả ! "Chào cụ" người ta nói là "Bông-xua mê-mê" (7). Bà Nghĩa bà ấy dậy tao đấy. Các cậu đi học đỗ bằng nọ bằng kia rút cục tiếng tây vẫn dốt ! Không bằng bà Nghĩa !"
"Bên này rởm, cứ thích khoe tiếng tây ! Hôm nọ con Thu dẫn thằng con độ 7, 8 tuổi đến đây, hai mẹ con cứ giở tiếng tây ra nói nhặng xị cả lên? Ra điều ta biết nói tiếng tây !"
"Không phải đâu cụ ơi. Tại thằng con không biết tiếng ta nên mẹ nó phải nói với nó bằng tiếng tây chứ có phải khoe đâu ? Bên này ai cũng nói tiếng tây thì có gì mà khoe ? Có khoe là khoe con nó biết nói tiếng ta kia !"
"Con nó là Việt-Nam tại sao lại không biết tiếng ta ?"
"Tại nó sinh đẻ ở bên này, chung quanh người ta toàn nói tiếng tây. Bố mẹ nó đi làm cả ngày, gửi con cho tây đầm giữ hộ nên nó biết tiếng tây. Ðến chiều về bố mẹ còn phải cơm nước, dọn dẹp, không có thì giờ dậy nó tiếng ta nên cũng nói tiếng tây với nó cho nhanh. Có nhiều đứa lúc bé ở với cha mẹ thì nói được tiếng ta, đi học, nói tiếng tây với thầy, với bạn, về nhà không chịu nói tiếng ta nữa. Muốn cho con nói được tiếng ta thì bố mẹ ngày nào cũng phải uốn nắn. Con mà nói được tiếng ta là công của bố mẹ nhiều lắm. Dân Việt sang đây lớp đầu cho là học tiếng tây khó, sợ bắt con cái học hai thứ tiếng một lúc chúng nó sẽ học chậm nên chỉ dậy con tiếng tây, nghĩ là tiếng Việt dễ, sau này nó học lúc nào chẳng được ? Biết đâu sau nó không chịu học nữa. Lớp sang sau rút kinh nghiệm, dậy cả hai thứ tiếng một lúc, chúng nó nói được như thường, nhiều đứa học còn giỏi hơn cả con Tây nữa."
"Này, tiếng tây với tiếng ta mãi. Cái anh thám tử bẩn bẩn đã ra kia rồi. Bác thích xem nó thì phải yên mà nghe."
"Ơ, cái thằng này làm cái gì mà hết giơ tay lại gãi đầu thế kia ?"
"Nó giả vờ đấy. Nó đang tìm cách bắt nọn hung thủ. Tại mình mải nói chuyện nên nó bắt đầu phim từ lúc nào không biết."
"Nó nói cái gì thế ?"
"Ðể yên thì con nghe mới biết nó nói gì."
"Ðấy, nó lại đấm mình thùm thụp !"
"Tôi thích cái anh thám tử bẩn bẩn này. Giỏi ! Giỏi thật ! Chỉ phải cái tội bẩn bẩn là. Khiếp ! Sao không giặt cái áo tơi đi cho nó sạch sẽ một tị ?"
"Tại đầu óc anh ta để hết vào việc đi tìm hung phạm."
"Bên này chúng nó giết người như ngoé ấy bác ạ. Bố mẹ đi làm cả ngày không dậy dỗ con cái gì cả. Chúng nó đã không biết dậy con lại có phần sợ con, nể con hơn là nể bố mẹ ! Sợ con mà lại lấy làm văn minh ! Ở cái xứ này hỏng, con cái mà thờ hơn thờ bố mẹ ! Con phán cái gì là bố mẹ tuân theo răm rắp ! Còn mình muốn đi thăm bà hàng xóm nằm nhà thương, bảo nó đưa đi nó cứ chối đây đẩy ! Nó bảo nó còn phải đưa con nó đi học ! Người ta là hàng xóm láng giềng, người ta ốm đau nằm nhà thương, mình cũng phải đi thăm người ta một tí mới ra người tử tế. Nhưng mình đã chẳng biết tiếng lại cũng không biết đường, chúng nó không dẫn đi là mình chịu chết ! Nói chứ chúng nó bên này ích kỷ lắm ! Này, bác cứ để ý mà xem, chúng nó vong bản hết ! Vào nhà chúng nó cấm thấy đứa nào để riêng một buồng bầy cái bàn thờ cho tử tế đâu ! Chỉ thấy chúng nó chia buồng này cho vợ chồng nó, buồng kia cho con nó, còn bàn thờ thì chớ kể ! Không như mình, bàn thờ phải chọn cái buồng rộng nằm chính giữa nhà đâu !"
"Thì tại bên này chỗ ở còn không có, lấy đâu ra buồng riêng bầy bàn thờ ?"
"Ấy đấy, bác nghe có lọt tai không ? Chúng mày thế là vong bản con ạ. Làm người thì phải có cha mẹ, có tổ tiên. Uống nước thì phải nhớ nguồn."
"Con có nói không đâu ? Nhưng muốn có buồng riêng bầy bàn thờ thì nhà phải rộng, nghĩa là phải có tiền mua nhà rộng mà chúng con đi làm, phần nhiều ba cọc ba đồng, lấy đâu ra tiền mua nhà rộng ? Có phải không có bàn thờ là chúng con quên các cụ đâu ? Ðức thánh Khổng của các cụ còn dậy "nhập gia tùy tục" mà tục của Tây làm gì có bàn thờ ?" (Cười)
(Cũng cười) "Láo ! Ðức thánh Khổng là đức thánh Khổng ! Làm gì có đức thánh Khổng của chúng tao ?"
"Tại con thấy hơi một tị là các cụ lại giở đức thánh Khổng ra nên con chặn trước."
"Có lễ có nghĩa vẫn hơn !"
"Con nói thật với cụ chứ cái anh Khổng Tử của các cụ anh ấy nói nhiều cái chướng tai lắm. Chẳng hạn anh ấy bảo "Chiếu giải lệch không ngồi, miếng thịt thái không vuông vắn không ăn". Ừ thì chiếu lệch giải lại cho ngay ngắn cũng không sao nhưng con hỏi cụ : Con gà nó chỉ có thế, làm thế nào để chặt cho miếng nào cũng vuông vắn được ? "Không vuông không ăn" ! Bao nhiêu miếng vuông anh ấy xơi hết thì những miếng méo anh ấy để cho ai ăn ? Sao anh ấy khôn thế, vừa được ăn miếng ngon lại vừa thành người quân tử, ai chả muốn ?"
(Gắt) "Chúng mày chỉ hỗn ! Khổng Tử mà lại gọi bằng "anh" ! Người ta dậy thế là người ta nói bóng : Làm người lúc nào cũng phải cho ngay thẳng, không tà xiên, đã hiểu chưa ? Chúng mày ngu lắm, thế mà cũng đòi cắp sách đi học !"
(Cười) "Con trêu cụ đấy mà. Thế con hỏi đứng đắn nhé ? Ðức thánh Khổng có bắt người ta nhắm mắt tuân lệnh cha mẹ mới kể là có hiếu đâu ? Tăng Sâm là học trò Khổng Tử một hôm bị cha say rượu đánh đến ngất đi. Lúc tỉnh dậy Sâm còn múa hát để cho cha yên lòng là mình không việc gi. Khổng Tử nghe chuyện liền cấm cửa Tăng Sâm. Sâm tự cho mình vô tội, nhờ bạn bè hỏi, Khổng Tử giảng rằng như thế không phải là hiếu mà là khuyến khích cha làm bậy. Nhỡ cha quá tay đánh chết thì có phải khiến cha mang tội sát nhân không ?"
(Cười) "Chúng tao không phải con cháu Khổng Tử !"
(Cững cười) "Sao các cụ khôn thế ? Toàn vơ vào những cái lợi cho mình ! Lúc muốn bắt con cháu tuân lệnh thì lôi Khổng Tử ra, lúc con chứng minh Khổng Tử không dậy thế thì các cụ lại chối không phải là con cháu Khổng Tử !"
(Cười) "Chúng tao không phải con cháu Khổng Tử vì rằng chúng tao là người Việt-Nam."
"Cụ mới sang thì đúng vẫn là người Việt-Nam nhưng còn cụ đây với con sang từ lâu thì không phải là Việt-Nam nữa."
"Không phải là người Việt-Nam thì là người gì ? Dễ thường là tây đầm chắc ?"
"Không phải tây đầm, tây đầm thì phải da trắng, mũi lõ. Người Việt sống lâu năm ở ngoại quốc thì người ta không gọi là Việt-Nam nữa mà lại gọi là Việt kiều. cụ ở đây lâu rồi cũng thành Việt kiều."
"Ở đây thì có gì hay mà ở lâu ? Hết rét lại tuyết ! Ði ra ngoài đường phải mặc áo nặng chình chịch, về thì ngồi ru rú xó nhà cả ngày ! Chúng mày đi biền biệt từ sáng đến tối, tối về lo ăn, lo xem "tê-lê", có nói chuyện gì được đâu ?"
"Tại mình không biết tiếng, lại không biết đường chứ ở bên này cũng nhiều cái đáng xem bác ạ. Như đi xem lâu đài ở "Véc-say" (8) của cái ông vua "Mặt Giời" (9) này, đi xem "Găng ma-ga-gianh" cũng thích lắm, to mà đẹp lắm bác ạ. Ít nữa chúng nó nghỉ lễ "No-en" bác bảo chúng nó dẫn bác đi xem các cửa hiệu người ta bầy đồ chơi, quần áo, phố xá treo đèn kết hoa đẹp lắm. Người đi cứ nườm nượp như đi xem hội." (Cười) "Nhưng mà chúng nó yếu như sên, chưa đi đã kêu mỏi với mệt !"
"Cụ ơi, có phải tại chúng con yếu như sên đâu ? Tại Paris có đến mấy cái "Grands Magasins", ngày cụ mới sang, con giắt cụ đi trong một ngày cả từng ấy cái là giỏi lắm đấy. Ði từ Samaritaine, Bon Marché rồi lấy "métro" đến Printemps, Lafayette, mỗi cái ba bốn tòa nhà, tòa nào cũng năm bẩy từng. Hồi ấy con là sinh viên mới có thì giờ và sức khỏe chứ bây giờ đi làm mệt, con chịu, đi chỗ nào thì di một chỗ thôi. Ði một chỗ cũng đủ khướt rồi ! Thế mà ngày ấy cụ xem xong còn đòi con dẫn cụ giở lại Bon Marché ! Con thử hỏi cụ ở cái đất Paris này có ai đi được như thế không mà cụ chê con yếu như sên ?"
"Ừ, ở bên này xem ra đường xá có vẻ xa lắm, chẳng thế mà hôm nọ bà Lan đến chơi ngồi cả buổi không chịu về, còn nói ngồi cho bõ công đi ! Người ta đi chơi thì cũng chỉ một chốc một nhát chứ có ai lại ngồi lì cả buổi ở nhà người ta, mọc rễ ra như thế ? Mất cả công cả việc !"
"Bên này đường xa, người ta đã cất công đến thì phải ngồi nói chuyện lâu lâu một tị chứ ai lại ngồi 15 phút chưa nóng chỗ đã về ? Về rồi biết bao giờ lại có dịp đi nữa ? Người ta thu xếp thì giờ đến chơi với mình như thế là quý lắm đấy. Paris rộng chứ có như Hà-nội nhà mình đâu !"
"Ai bảo thế ? Hà-nội bây giờ to lắm. Tao nhớ có cái phố... ý gì ấy, hình như phố Trần Hưng Ðạo thì phải, dài dài là. Ði thăm ai ở phố ấy mà không biết số nhà là đành chịu chết, không tìm ra nhà ! Cái phố ấy dài lắm, dễ thường bằng từ nhà con Minh lên đây."
(Cười) "Cụ nói bậy. Paris có 20 quận, Hà-nội giỏi lắm bằng vài quận, có khi không bằng một quận nữa ! Nhà con Minh ở ngoại ô, từ nhà nó đến đây là giữa Paris xa lắm, cụ ví với phố Trần Hưng Ðạo thế nào được !"
"Từ nhà nó lên đây lấy gì làm xa ? Tao thấy nó lái xe chỉ thoáng cái là đến nơi."
"Tại vì cụ ngồi trên xe không nhận ra chứ xa lắm." (Ðổi giọng) "Thế hôm nay lúc con đi làm các cụ có bật "télé" lên mà xem xiếc không ?"
"Có bật lên nhưng nào có thấy xiếc ở đâu ?"
"Con đã dặn ở đài số 1 mà."
"Nào ai biết được đài nào là đài số 1 với đài số 2 ? Cứ bật lên, có cái gì xem cái ấy. Làm gì có xiếc ?"
"Thế là nhầm đài rồi. Sao cụ không vặn sang đài khàc thử ?"
"Vặn đài khác làm gì ? Xem đài ấy cũng hay hay."
"Cụ thấy những gì mà khen "hay hay" ?"
"Tao xem nó quảng cáo."
"Xem quảng cáo thì có gì mà hay ? Quanh đi quẩn lại chỉ có chừng ấy chuyện."
"Vì thế tao mới thích xem. Tao hiểu hết không cần ai thông ngôn ! Tao lại còn giảng cả cho bà lão này nghe nữa."
"Thế là cả buổi các cụ chỉ xem quảng cáo thôi à ?"
"Không, cũng có lúc nó chiếu cái gì như đưa đám ma ấy. Có phải đưa đám ma không ? Ðưa ma ai thế ?"
"Con có xem đâu mà biết ?"
"Thế ở sở cô không có "tê-lê" à ?"
"Không có. Mà dù có cũng chẳng ai cho xem. Mình đi làm lĩnh lương thì phải kéo cầy giả nợ, ai người ta cho mình ngồi xem "télé" ?"
"Mày đã bận thế sao sáng nay tao đang tắm lại còn gọi "tê-lê-phôn" về làm gì ? Tao vừa mới sát xà-phòng vào là "tê-lê-phôn" réo tứ tổng ! Chạy vội ra tưởng có việc gì hóa ra chẳng có chuyện gì cả ! "Hỏi thăm" ! "
(Cười) "Ðấy là tại con nghe thiên hạ xui dại. Bà bạn đồng nghiệp bảo mẹ mới sang thì nên chốc chốc gọi về hỏi thăm cho cụ đỡ buồn. Con nghe cũng phải, lại nghĩ gọi sớm các cụ còn ngủ, gọi muộn thì vào giờ ăn nên tính gọi lúc 10 giờ là tốt nhất. Ai biết đâu giờ ấy cụ lại đi tắm ! Gọi cụ đã chẳng đỡ buồn lại còn kỳ kèo ! Nhưng cụ tắm thì cụ kia đâu, sao không nghe hộ ?"
"Bà ấy còn phải leo xuống bẩy từng thang để đổ rác cho cô. Xuống đến nơi lại không phải giờ, nó không cho đổ !"
"Con quên không dặn các cụ là chỉ từ 6 giờ chiều ở đây nó mới mở cửa ra sân cho đổ rác. Thế cụ lại phải mang rác lên à ?"
"May mà thằng "công-xéc" (10) nó tử tế, thấy tao già cả đứng tần ngần xách cái thùng rác nó mới lấy chià khòa mở cửa cho tao ra sân đổ. Nó còn nói xì xồ những gì tao không hiểu. Tao chắc nó giao hẹn bận sau không được thế nữa. Tao cười bảo "Uẩy me-xừ". Nhà cô bẩy từng thang leo hết hơi, công đâu mà mang lên mang xuống ? Cầu thang thì dốc dốc là !"
"Thì tại đây là nhà lối cổ, từng nào cũng cao nên thang phải dốc."
"Nhà cô không có thang máy, lại không có cả cái ống đổ rác thông xuống như nhà con Minh."
"Nhà con Minh là nhà mới, đây là nhà cổ. Mà cụ đổ rác làm gì ? Con đã dặn để con về con đổ mà. Cụ leo thang nhỡ ngã thì sao ?"
"Tại tao thấy mày nhiều việc nên tao đỡ được cái nào hay cái ấy."
"Nhưng nhỡ cụ ngã thì sao ? Có phải nguy không ?"
"Tao đi cẩn thận việc gì mà ngã ? Mày chỉ nhiễu chuyện !"
(Cười) "Kể ra con cũng nhiễu chuyện thật. Tự dưng đi gọi "téléphone" về vấn an làm các cụ bực mình. Hôm cụ chưa đến chơi đây, con sợ cụ con ngồi nhà buồn mới bịa chuyện nhờ cụ gọi "téléphone" hộ cho con Minh để cụ có chuyện làm trong lúc con đi vắng, cho đỡ buồn. Ai ngờ cụ đang ăn, buông đũa đứng ngay dậy để gọi, sợ quên ! Con bới việc ra cho cụ làm đỡ buồn chứ có phải con không gọi được cho con Minh đâu ! Con biết ngay mình tính sai bét, từ hôm ấy con không bịa chuyện nhờ cụ cái gì nữa."
"Ơ, cái bà này làm gì mà ngoáy ngoáy tay thế ?"
(Cười) "Tôi trêu nó đấy mà. Bên này chúng nó trêu tôi cả ngày nên bây giờ tôi trêu lại nó. Khi nào chúng nó nhìn mình, lấy ngón tay trỏ ngoáy ngoáy vào thái dương như thế này là nó bảo mình gàn dở, nó gọi là "ga-ga, tốc tốc" !"
(Cười) "Cụ ấy báo thù con đấy, đang bảo con "gaga, toctoc" đấy."
(Cũng cười) "Dì cháu mày cứ như phường tuồng cả một lũ ! Tưởng sang Tây sang Tầu học được cái gì hay, lại đi học làm phường tuồng ! Ở nhà cứ tưởng là sang Tây sung sướng lắm ! Thấy chúng mày chụp ảnh gửi về đứa nào cũng có nhà cửa ô tô bảnh chọe, ai biết đâu toàn là đi mua chịu ! Rồi phải è cổ đi làm trả nợ cả chục năm chưa hết. Ốm cũng không được nghỉ ! Biết thế này tao không sang !"
(Cười) "Cụ không sang thì không thành Việt kiều được."
"Thành Việt kiều thì quý hóa gì ? Thèm vào !"
(Cười) "Cụ "thèm vào" chứ có "thèm ra" đâu ?"
"Chỉ láo ! Thôi tắt máy rồi còn đi rửa ráy đi ngủ, mai dậy sớm."
"Dậy sớm để làm gì ? Mai cuối tuần con được nghỉ cơ mà."
"Cô được nghỉ nhưng chúng tôi không được nghỉ."
"Các cụ còn có việc gì làm mà không được nghỉ ?"
"Khối việc !"
"Việc gì cụ nói thử con nghe ?"
"Dậy rửa ráy xong còn đi đun sữa pha cà phê ăn sáng."
"Ăn sáng xong thì các cụ làm gì ?"
"Ăn sáng xong thì dọn dẹp, rửa bát đĩa."
"Rồi gì nữa ?"
"Rửa bát đĩa xong có việc gì thì làm, mà chẳng có thì ta xem "tê-lê", chán lại lên giường đi ngủ !"
"Lại đi ngủ thì lục đục dậy sớm làm gì ? "
"Ðàn bà con gái không ai nằm ườn đến 8, 9 giờ sáng mới dậy !
Con gái ngủ đến giờ thìn,
Mẹ chồng gọi dậy, rằng :"Min nhức đầu !""Giầu đâu đến kẻ ngủ trưa" !"
"Cụ nói như Ăng-lê ấy, nó cũng bảo ngủ sớm, dậy sớm thì sẽ giầu có, lại còn thêm "khỏe mạnh với khôn ngoan" nữa" (11).
"Nó nói thế mà hay đấy."
"Cụ đã khen nó hay thì nên học tiếng của nó." (Cười) "Ði ngủ là "To sleep" cụ ạ."
"Nhảm nhí ! Không nói chuyện nữa !Tắt máy, tắt đèn đi ngủ !"
(Tiếng "télé" im bặt, tiếng giầy dép sột soạt, tiếng vặn máy nước xa xa, tiếng giật nước cầu tiêu ào ào một lúc rồi yên lặng).
Châtenay-Malabry, tháng 1, 2002
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
1 - Goûter = ăn quà trưa, khoảng 5 giờ. Ở Pháp, đi làm về tối ăn muộn nên trưa phải ăn lót dạ cho đỡ đói.2 - Dessert = ăn tráng miệng.
3 - "La vache qui rit" là nhãn hiệu một loại phó mát.
4 - "Romeo and Juliet", bi kịch nổi tiếng của Shakespeare, thế kỷ 16-17.
5 - "Même chose" = cũng thế, tiếng tây bồi gọi thành"mắm-sốt ".
6 - Café au lait = cà phê sữa.
7 - Bonjour Mémé : một lối chào các bà già, thân thiện nhưng hơi suồng sã.
8 - Versailles.
9 - "Roi-Soleil" tức vua Louis XIV.
10 - Concierge = người canh cửa, trông coi một tòa nhà gồm nhiều căn hộ.
11 - "Early to bed, early to rise,
Make a man wealthy, healthy and wise".
[ Trở Về ]