Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
*
|
|
1. Ấn bản đầu tiên năm 1965.
Ấn bản năm 1977 có thay đổi một số tình tiết, khiến "
Hiệp Khách Hành " trở nên chặt chẽ và ý vị hơn.
2. Đoạn kết của bản tu chỉnh kết thúc từ cảnh Thạch Phá Thiên thành công trong công phu giải bí kíp Thái Huyền Kinh, trở về Khô Thảo Lĩnh, núi Hùng Nhĩ, gặp "má má " Mai Phương Cô để lại niềm băn khoăn về gốc gác của chính mình : " gia gia ta là ai ? ", " má má ta là ai ? ", " Ta là ai ? ". Những câu hỏi, mà tập truyện là câu trả lời, làm dấy lên trong người đọc niềm thao thức khôn nguôi. 3. Bài cổ thi " Hiệp Khách Hành " của thi hào Lý Thái Bạch là bí kíp Thái huyền công cất giữ trên đảo Hiệp Khách. Nguyên văn bài cổ thi là : " Triệu khách mạn hồ anh ; Ngô
câu sương tuyết minh ;
Dịch nghĩa : " Khách nước Triệu phất phơ
giải mũ ; Kiếm ngô câu rực rỡ tuyết sương ;
4. Nguyên bản năm 1965 thì không có lời hậu ký. Nguyên bản tu chỉnh năm 1977 thì có lời hậu ký rằng : "... Mọi cố gắng để chú thích và bình luận đều làm tổn hại đến bản ý của tác giả, lại còn tạo ra những trở ngại nghiêm trọng. Bộ Hiệp Khách Hành này viết 12 năm trước, đã diễn giải ý kiến này khá đầy đủ. Gần đây tôi đọc nhiều kinh Phật hơn, đối với ý nầy càng tâm đắc. Kinh Bát Nhã của Đại thừa, Trung Quán luận của Long Thọ đều cực lực bài bác những luận giải phiền phức cho rằng các loại kiến thức chú giải đều do hư vọng sinh ra , chỉ làm trở ngại cho việc thấy đạo của người tu học. Khi tôi viết Hiệp Khách Hành nầy, tuy không thể nói là hoàn toàn không biết kinh Phật, nhưng chỉ mới đọc hết Kinh Kim Cang vào tháng 11 năm ngoái, tôi còn đọc Bát Nhã và Trung Quán lại còn mới hơn, mới Xuân Hạ năm nay. Nhân duyên bên trong việc này, thật không thể nào giải thích được ". Qua lời hậu ký của Kim Dung viết từ năm 1977, độc giả có thể hình dung ra một số điểm đáng lưu ý rằng : - Các giải thích, giải mã, bình luận của nhiều ý kiến đương thời đều rơi vào các định kiến, giữa khi ý của tác giả, trong truyện, thì phù hợp với giáo lý nhà Phật, phù hợp với vô ngã và vô chấp. - Lúc sáng tác Hiệp Khách Hành, 1965, Kim Dung nhìn nhận bấy giờ chưa đọc nhiều kinh điển Phật giáo, nhưng vốn tâm đắc giáo lý nhà Phật, có nghĩa là có cái nhìn nhân sinh và thế giới phù hợp với tinh thần Phật học. Lúc tu chỉnh, 1977, tác giả đã đọc kỷ Kinh Kim Cương, tạng Bát Nhã, Trung Quán Luận. Thực sự từ 1967, người viết " Bàn về Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung ", một tu sĩ Phật giáo, đã thấy rõ ảnh tượng Kinh Kim Cương khắp bốn tập truyện Hiệp Khách Hành, đã cùng các pháp hữu sôi nổi trao đổi cảm nhận ở ngoài hành lang của giảng đường Phật học Vạn Hạnh. Hẳn là có chút băn khoăn về phần kết của truyện. Nay thì phần ấy đã được tu chỉnh rất gọn. - Do vì Kim Dung tâm đắc với Phật giáo nên cái nhìn của tác giả, qua toàn truyện, toát ra nhiều hương sắc Phật giáo. Đây là phần khảo sát của người viết, không đi vào các hàm ý giá trị khác. |
|
A
. Tóm tắt hồi 1
- Tạ Yên Khách, một quái kiệt giang hồ, sinh thời đã tặng cho ba đại ân nhân ba tấm Huyền Thiết Lệnh, mỗi tấm Thiết Lệnh có thể yêu cầu Tạ Yên Khách làm bất cứ một việc gì dù khó khăn, nguy hiểm. Tạ Yên Khách đã thu về hai tấm và đã làm hai việc chấn động giang hồ. Tấm thứ ba tặng cho một đại hiệp mà có lẽ trọn đời vị đại hiệp sẽ không dùng đến. Không may vị đại hiệp đánh rơi Thiết Lệnh. Thế là giang hồ tranh nhau tìm đoạt, bao gồm cả chủ nhân Tạ Yên Khách: nhóm Kim Đan Trại, nhóm kiếm sĩ Tuyết Sơn, hai hiệp khách Thạch Thanh, Mẫn Nhu, v.v... - Kiếm sĩ Ngô Đạo Thông đang cất giữ Huyền Thiết Lệnh nầy và trở thành kẻ địch của thiên hạ. Ngô Đạo Thông vừa nuôi tham vọng nhờ cậy Tạ Yên Khách, vừa hoá trang để che mắt: làm một ông già bán bánh Tiêu ở trị trấn Hầu Giám Tập: đao kiếm đẫm máu đã xẩy ra vào một buổi hoàng hôn ... Bấy giờ có một bé ăn xin Cẩu Tạp Chủng đi lang thang tìm mẹ, kẹt giữa " trận chiến " đao kiếm, tình cờ nhặt được chiếc bánh tiêu bên vệ đường để ăn, chiếc bánh mà Ngô Đạo Thông cất giữ Thiết Lệnh. - Tạ Yên Khách tìm thấy Thiết Lệnh từ chiếc bánh tiêu của Cẩu Tạp Chủng trước sự chứng kiến của nhiều kiếm khách. Theo lời hứa, Tạ Yên Khách phải bảo vệ cậu bé, và phải làm theo một yêu cầu của bé, nhưng bé thì vâng theo giáo huấn của "má má " ở Hùng Nhĩ, trọn đời sẽ không mở miệng xin ai một điều gì. Do vậy, Tạ Yên Khách phải giữ cậu bé cạnh mình, không rời một bước, sợ bị người xấu xúi giục yêu cầu điều khó thực hiện, và chờ đợi cơ hội để đánh lừa bé... - Tạ Yên Khách đem Cẩu Tạp Chủng về sống cách ly trên đỉnh núi Ma Thiên Nhai cô vắng . B. Ý kiến 1. Hiệp sĩ, hay hiệp khách, là người thường cứu giúp người, cứu giúp đời, thoát khỏi các áp bức , bất công. Xa hơn, Hiệp khách còn trừ khử các cường tặc, các tham quan ô lại để bảo vệ dân lành, bảo vệ các quan trung chính vì nước, vì dân. Nhân vật chính của truyện kiếm hiệp vì thế đầy tiết khí, hấp dẫn người đọc. Kim Dung đã mượn tiểu thuyết kiếm hiệp như là phương tiện tốt nhất để chuyên tải tư tưởng, tâm sự, cảm xúc, tiết khí của mình đối với nhân quần và quốc gia xã hội, xây dựng một hệ văn hoá đầy tính nhân văn và trí tuệ. 2. Nền văn hoá nào cũng nói về điều thiện, đề cao điều thiện, nhưng quan niệm về lẽ thiện thì có điểm khác nhau. Kim Dung nói : " Bậc thông minh tài trí, kẻ hùng cường dũng cảm đại đa số đều tích cực tiến thủ. Tiêu chuẩn đạo đức đã chia họ ra làm hai loại người : mưu cầu hạnh phúc cho nhiều người, đó là người tốt; chỉ chú ý đến quyền lợi và địa vị, dục vọng của riêng mình mà làm hại người khác, đó là người xấu. Mức độ tốt xấu căn cứ vào mức độ họ đem lại hạnh phúc hay gây tai họa cho người khác để xác định ". 3. Về quan niệm về Truyền thống, giáo sư triết Lý Đỗ, trong dịp thảo luận với Kim Dung tại Đại học Tân An, Hồng Kông, đã hỏi: " Tôi đọc Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ, v.v... Tôi đoán, phải chăng tiên sinh cảm thấy văn hóa của chúng ta phát triển đến ngày nay, những cái tốt đẹp của truyền thống đã rơi rụng mất rồi, cần phải tìm ở bên ngoài, như vậy hơi có ý vị phủ định truyền thống ," Kim Dung đáp : " Có mấy bộ tiểu thuyết, xuất phát điểm của tôi lúc ấy là phủ định cách nghĩ giáo điều chủ nghĩa. Tôi tín phục lý tính... Tôi nghĩ bản thân chân lý cũng có tính tương đối của nó. Xã hội biến thiên, chân lý cũng có thể thay đổi. Đạo lý ngàn vạn năm bất biến, đó là điều mà tôi không tin. Sự thực, những kẻ cuồng tín rất nhiều, thậm chí trong lãnh vực khoa học cũng có, những lý thuyết khoa học đã từng được người ta cho là chân lý nhưng rồi lại hóa ra không hoàn toàn đúng ". 4. Về quan niệm Nhân quả - Nghiệp giản đơn ở đời, như " ở hiền thì gặp lành, ác giả ác báo " - khác với nhân quả ba đời ( quá khứ, hiện tại và vị lai : sanh báo, hậu báo và laibáo, của Phật giáo thì Kim Dung nghĩ khác hơn : " Tôi muốn mượn tiểu thuyết để phản ảnh nhân sinh. Ở đời không nhất thiết ' ở hiền gặp lành, ác giả ác báo '. Cuộc đời thật ra rất phức tạp, số phận cũng thiên biến vạn hóa. Nếu cứ theo mô thức nhất định mà mô tả thì quá giản đơn hóa cuộc đời. Cờ vây có công thức nhất định mà nhân sinh thì không có định thức. Đem Kinh kịch để biểu hiện nhân sinh thì thường định thức hóa, chức năng nghệ thuật của Kinh kịch thường thiên về giáo huấn, khó lòng thể hiện chân thực đời sống ". ( Ibid.tr.330 ) Các điểm vừa nêu trên, từ mở đầu, là ánh sáng rọi vào " Hiệp Khách Hành " để người viết nhận ra tư duy mới và tư tưởng Phật học của Kim Dung. 5. Các nhân vật trong Hồi 1 biểu hiện các mẫu hình tâm lý về thiện, ác, bất định ở nhiều cấp độ, như : - Tạ Yên Khách là một quái kiệt võ lâm bất câu thiện, ác, đã tặng ba tấm Huyền Thiết Lệnh và hứa sẽ làm theo một yêu cầu của người có Thiết Lệnh, nhưng khi một tấm rơi vào tay cường đạo, ông ta đã bằng mọi thủ đoạn để đoạt lại tấm Thiết Lệnh ấy. Ông thuộc loại mẫu tâm lý bất định. - Nhóm Kim Đao Trại thì hung hãn, đầy ham muốn vị kỷ, xem mạng sống của tha nhân như cỏ rác : nhóm nầy thuộc tâm lý xấu ác. - Thạch Thanh - Mẫu Nhu suốt đời trọng nghĩa, làm việc nghĩa giúp người : thuộc tâm lý thiện, tốt. - " Má má " của Cẩn Tạp Chủng do hận tình mà một lần đã gia hại gia đình Mẫn Nhu : theo tâm lý Phật giáo, nàng thuộc hạng tâm lý si và hận, thuộc ác tâm, hại tâm ... - Tên giúp việc trong tiệm tạp hóa quen thói " lý sự cùn ", khi nghe một tay đao kiếm hung hãn nói : " Còn ai muốn nếm mùi đao thì cứ việc chạy ra ". liền buột miệng bép xép : " Đao thì làm gì có mùi ?" liền bị tên hung hãn vung roi giật bắn người ra đường chết toi. Cái chết rẻ rúng, lạt nhách như thế là sự cảnh tỉnh cái thói quen hư đàm, huyền luận vô bổ. - Cẩu Tạp Chủng là mẫu tâm lý thuần thiện : trong sáng, chân thật rất nguyên sơ, thông tuệ, nhân ái. Đây là mẫu tâm lý mà Kim Dung xây dựng niềm tin phát triển sẽ đi về chân, thiện, mỹ : chàng sống vô cầu, vô dục từ thân phận kẻ ăn xin, rồi đời sống dẫn dắt đến điểm nhặt được Huyền Thiết Lệnh, thân cận quái khách, đi vào phương trời mới. Qua Hồi 1, người đọc có cảm nhận rõ : ai sống thiểu dục tri túc thì tốt đẹp cho bản thân và xã hội; sống đa dục, vị kỷ thì làm khổ mình, khổ người, thể hiện triết lý sống của nhà Phật. |
|
A.
Tóm tắt hồi 2
- Hai hiệp Khách Thạch Thanh và Mẫu Nhu ký thác con trai là Thạch Trung Ngọc làm môn nhân của kiếm phái Tuyết Sơn. Năm 15 tuổi, Thạch Trung Ngọc là một thiếu niên năng động, láu lỉnh, đa tình, hay chọc ghẹo A - Tú, 13 tuổi, con gái của Bạch Vạn Kiếm ( Cháu nội của bang chủ Tuyết Sơn ); A Tú chưa bị hạ nhục, nhưng tức mình tự vẫn ( được kể lại ). Mẹ nàng bị trách cứ, và vì thương con mà sanh cuồng trí. Phong Vạn Lý, thầy dạy kiếm của Thạch Trung Ngọc, bị bang chủ tức mình chặt đứt một cánh tay. Bang chủ phu nhân bị vạ lây, bỏ Tuyết Sơn ra đi. Hai người sư thúc khác của Thạch Trung Ngọc bị Đinh Bất Tam giết vì lý do khác cũng được kết vào tội do lỗi Thạch Trung Ngọc gây ra. Từ đó Bạch Vạn Kiếm dẫn một toán kiếm sĩ hạ sơn tìm kiếm Thạch Trung Ngọc để giết, và đốt Thạch gia trang để rửa hận. - Bạch Vạn Kiếm đòi Thạch Thanh - Mẫn Nhu đến gặp bang chủ Tuyết Sơn ( Bạch Tự Tại ) để nhận trách nhiệm làm cha làm mẹ. Giọc đường cả toán Tuyết Sơn bị Tạ Yên Khách tấn công thu hết kiếm, lại vô minh chồng chất, kết oán cho rằng Thạch Thanh và Mẫn Nhu ám hại họ. B. Ý kiến 1. Ở tuổi 15, Thạch Trung Ngọc chỉ là một thiếu niên " quậy phá ", trêu chọc A Tú, dễ dàng được các võ sư, kiếm sĩ uốn nắn, nhất là khi A Tú suýt bị hại. Vậy mà gia đình bang chủ Bạch Tự Tại đã để mình rơi vào một số sai lầm mà giáo lý nhà Phật gọi là vô minh : - Có các người ganh ghét và đố kỵ Thạch Trung Ngọc ( do vì Thạch Trung Ngọc có bố mẹ thân tình với bang chủ, giàu có và tiếng tăm ) đã dựng chuyện thêu dệt, chuyện bé xé ra to. - Có những bàn tay quái nghịch trong bóng tối như Đinh Bất Tam, Đinh Bất Tứ, A Đang nhúng tay vào khiến cho sự việc rối rắm. - Quan niệm sai lầm về giá trị " đứng đắn ", " tiết trinh ", đức hạnh " của người con gái của gia đình Bạch Tự Tại đã " đổ dầu vào lửa " cho sự việc cháy bùng, đáng tiếc ! - Các tướng trạng, hay các sự kiện, biểu hiện do rất nhiều nguyên nhân xa, gần tác động, nhưng " vô minh " đã giục gia đình Bạch Tự Tại quy tội về cho Thạch Trung Ngọc, một mình Thạch Trung Ngọc. - Từ nhìn sai sự việc, dẫn đến hành động sai lầm; các hành động sai lầm dẫn đến sự kết nối sai lầm dây chuyền. Hầu như Kim Dung đang phô diễn cái hư huyễn của các tướùng trạng, và cái nguy hại của các tâm lý xấu của con người mà Kinh Kim Cang nhà Phật gọi là " Các tướng trạng đều không thật " ( " Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng " ) 2. Cục diện Tuyết Sơn khởi đầu rối rắm do nhìn sai, thấy sai và nghĩ sai : thuật ngữ Phật giáo gọi là tà kiến và tà tư duy ; từ đó kéo theo các sai lầm khác như báo cáo sai ( tà ngữ ), hành động sai ( tà nghiệp ), tưởng nghĩ sai ( tà niệm ), nỗ lực giải quyết sai ( tà tinh tấn ) do thiếu sáng suốt, định tỉnh ( tà định ). Tại đây Kim Dung bắt đầu gợi mở ra nếp sống, nếp văn hóa "Bát Chánh Đạo" của Phật giáo : nếp sống của sự đúng đắn, ổn định. 3. Cảnh tượng Cảnh Vạn Chung của Tuyết Sơn chạm vào nội lực của Thạch Thanh mới nhận ra nội lực quá yếu kém của mình, sợ hãi đến toát mồ hôi lạnh : sự việc nầy các người chung quanh không nhận ra, rằng giá trị của sức mạnh của một kiếm khách nằm ở nội lực, mà không ở bên ngoài kiếm thuật. Cũng vậy, giá trị của một hành động là dựa vào cái tâm tác động lên hành động ( tốt xấu )...) mà không nằmở bên ngoài của biểu hiện hành động. Đây là nội dung định nghĩa chữ Nghiệp (Karma ) của nhà Phật. 4. Thạch Thanh và Mẫn Nhu là hai đại hiệp khách chân chính mà liên tục gặp tai ương : con, Thạch Trung Ngọc bị nạn; Thạch Gia Trang bị đốt; các gia nhân của Thạch Gia Trang bị khốn đốn; một đứa con trai khác, Thạch Trung Kiên, bị " Mai Phương Cô " ( tình địch ) bắt đi mất tích từ năm lên một. Đây là trường hợp ở ngoài sự thật " ác giả ác báo, ở hiền gặp lành " mà người đương thời tin tưởng. 5. Đời sống thì dẫy đầy các tác nhân vô thường, bất định : - Các sân hận thì phản ứng đột ngột, tai hại bất định, khó lường. - Các tâm lý tham thì hành động âm thầm, mưu thâm đầy nguy hiểm. - Các tâm lý bất định hành động tùy hứng như Tạ Yên Khách, Đinh Bất Tam, Đinh Bất Tứ, A Đang... thì khó lường. Giữa môi trường sống đó thì con người dễ mắc vào các tai họa, rủi ro không do mình gây ra. Đây là nỗi khổ vô thường, theo Phật học, gắn chặt với thân phận con người ở ngoài mọi " logic ". Chỉ có sự thuần túy thuật chuyện về một hồi truyện ngắn của Kim Dung đã ảnh hiện rất nhiều điểm về Phật học, rất ý vị ! |
|
A.
Tóm tắt hồi 3
- Tạ Yên Khách thu hồi được Huyền Thiết Lệnh từ Cẩu Tạp Chủng ; sợ nguy hại đến tánh mạng nếu có người xúi giục Cẩu Tạp Chủng yêu cầu Tạ Yên Khách tự vẫn hay phế bỏ võ công, nên ông đã đem Cẩu Tạp Chủng từ thị trấn Hầu Giám Tập về sống trên đỉnh Ma Thiên Lĩnh, ngày đêm giám sát cậu bé. - Trên đường đi, Tạ Yên Khách dùng đủ mưu mô dụ dỗ, uy hiếp buộc Cẩu Tạp Chủng cầu xin ông một điều gì cho làm xong lời hứa, nhưng cậu bé thì tuyệt nhiên không mở miệng cầu xin bất cứ ai một điều gì. Đây là lý do mà cậu bé được sống lâu dài bên cạnh quái khách Tạ Yên Khách trên Ma Thiên Lĩnh để hầu hạ ông ta và luyện tập bí pháp "La hán phục ma thần công ". - Trên đường đi, chứng kiến ba cao thủ Trường Lạc bang đang uy hiếp, bức tử Đại bi lão nhân, Cẩu Tạp Chủng nổi tâm nghĩa hiệp, lên tiếng bảo vệ lão nhân mà không sợ liên lụy. Bấy giờ thì lão nhân đã kiệt sức, sắp trút hơi thở cuối cùng, cảm nghĩa cậu bé bèn cho cậu pho tượng đất gồm 18 tượng La hán trong túi của ông ta. Đây là pho bí pháp " La hán phục ma thần công " do các thần tăng Thiếu Lâm sáng tác và để lại. - Tạ Yên Khách bèn nghĩ ra một kế kín đáo hại chết Cẩu Tạp Chủng bằng cách chỉ dạy cho Cẩu Tạp Chủng luyện tập bí pháp trên pho tượng, không theo thứ tự, để tẩu hỏa nhập ma. Nhưng Cẩu Tạp Chủng không có tạp niệm nên không bị tẩu hỏa trong thời gian dài luyện công. Cuối cùng thì luyện xong 18 đường dương công và 18 đường âm công, sắp đến thời điểm thành tựu một võ công " siêu thế " B. Ý kiến 1. Cẩu Tạp Chủng là trẻ thuần lương, thông tuệ là nhân vật chính sẽ mở ra bí kíp Thái Huyền Kinh, mở ra chân lý, lại từ năm một tuổi lớn lên ở Khô Thảo Lỉnh, một đỉnh núi cô vắng, xa thế sự, một đỉnh núi của các loài cỏ khô; rồi năm 13 tuổi đến sống trên đỉnh Ma Thiên Nhai, cũng cô vắng, lạnh lùng của " phương trời ma quái " ( Ma Thiên Nhai ) và nội lực phát triển, trưởng thành ở đây. Hệt như giải thoát phải đến từ khổ đau; chân lý vượt ra từ cõi tà vạy : phải hiểu rõ khổ đế ( sự thật của khổ ) mới thấy con đường đi ra khỏi khổ, đến với giải thoát (diệt đế) của giáo lý nhà Phật. 2. Sự thật Tạ Yên Khách dấu mặt lấy đi hai thanh bảo kiếm của Thạch Thanh và Mẫn Nhu mà nhóm Tuyết Sơn đang giữ làm tin, khiến nhóm nầy quả quyết rằng đây là mưu gian của Thạch Thanh và Mẫn Nhu. - Sự kiện " má má " đặt tên Cẩu Tạp Chủng khiến Tạ Yên Khách nghĩ rằng " má má " Mai Phương Cô bị chồng theo gái, bỏ rơi . Hai sự kiện đó nói lên ý nghĩa : Kinh nghiệm thường nghiệm và tư duy logic rất dễ lầm lẫn : nó đúng mà không thật . Ở nhà Phật thì chân lý là cái gì vừa đúng ( chân ) và vừa thật ( như ) gọi là chân như. 3. Tạ Yên Khách và Cẩu Tạp Chủng là hai hình ảnh văn hóa tương phản : - Tạ Yên Khách thì bận tâm về giá trị hình thức " quân tử ", " trượng phu ", mà hành xử lại bá đạo. - Cẩu Tạp Chủng tự xem là phàm phu mà hành xử chân chất, hiền thiện, thể hiện đạo lý của Thánh hiền : " Hợp nội ngoại chi đạo " của Đại học. Hình ảnh của chàng gợi lên ở người đọc một chút gì ngậm ngùi khi nhìn lại giá trị hình thức của nền văn hoá cũ. 4. Tạ Yên Khách đi vào giang hồ lâu ngày đã đánh mất cái tính chân chất thuần phác như được thể hiện ở con người Cẩu Tạp Chủng. Đây là ý nghĩa của " Tánh tương cận, tập tương viễn " mà đạo đức mang màu sắc Phật giáo ở Cẩu Tạp Chủng (tẩy sạch tâm lý cấu uế ) có thể làm sống lại ý nghĩa " cận đạo ": - Ở Tạ Yên Khách, cái " ta " ( tự ngã ) và cái " của ta " được phát triển mạnh. - Ở Cẩu Tạp Chủng, cái " ta " và cái " của ta " thì vắng mặt một cách tự nhiên. Hai hình ảnh văn hóa tương phản ấy đã mở ra một cuộc đối thoại dài của Hồi truyện thứ ba, rất triết lý : Kim Dung đang nói triết lý bằng ngôn ngữ kiếm hiệp đầy thú vị . Thử nghe lại một mẫu đối thoại ngắn giữa hai người ấy : " Gã ăn xin ăn xong cái này lại lấy cái khác, ăn hết thảy bốn cái bánh bao mới nói: "Cháu no rồi, không ăn nữa '. Tạ Yên Khách ăn hết hai cái bánh rồi thôi, quay lại hỏi chủ quán : ' bao nhiêu tiền ' Chủ quán đáp :' Hai đồng một cái. Cả thảy sáu cái, cộng lại là mười hai đồng ' Tạ Yên Khách đáp : ' Không được. Phần ai ăn người ấy trả tiền. Ta ăn hai tấm, vậy ta trả bốn đồng là đủ. Lão thò tay vào bọc toan móc tiền ra trả, nhưng sờ đi sờ lại mà chẳng còn một đồng nào ... Trong lúc Tạ Yên Khách chưa biết giải quyết cách nào, thì gã ăn xin đã móc trong bọc ra một thỏi bạc, đưa cho chủ quán nói : ' Tất cả mười hai đồng, để cháu trả cho '. Tạ Yên Khách chưng hửng hỏi : ' Sao ? Ngươi lại trả tiền cho ta ư ?' Gã ăn xin cười đáp : ' Ông không có tiền mà cháu có, cháu mời ông ăn mấy cái bánh bao phỏng có chi đáng kể ? '. Chủ quán cũng lấy làm kinh ngạc, lấy mấy miếng bạc vụn và mấy xâu tiền đồng thối lại. Gã ăn xin thu tiền cất vào bọc, rồi nhìn Tạ Yên Khách xem lão sai bảo gì. Tạ Yên Khách bất giác nở một nụ cười chua chát, nghĩ thầm : ' Tạ mỗ cố chấp thành tính, trước nay dù là một miếng cơm, một ly nước cũng chẳng chịu ơn ai, không ngờ hôm nay lại để một gã ăn xin mời ăn hai cái bánh bao... ' ( tập I.tr.92-93) Nụ cười chua chát ấy của Tạ Yên Khách là nụ cười về tinh thần bảo thủ, cố chấp của một nét văn hóa cũ ! 5. Nếp văn hoá ở núi Hùng Nhĩ của Mai Phương Cô " má má ", hình như có sự hiện diện của bồ tát Quán Thế Âm, trí tuệ vô ngã và lòng từ bi cứu khổ, đã để lại ảnh hưởng trong tâm thức hồn nhiên của Cẩu Tạp Chủng khi Cẩu Tạp Chủng phát ngôn rằng : " Gã ăn xin đáp : Sao lại ăn cắp ? Vừa rồi một vị thái thái giống Quan Âm áo trắng đã cho cháu " ( tr. 94 ) và :" Ông ăn táo đi ! Ông ( chỉ Tạ Yên Khách ) không phải là người, cũng không phải ma quỷ, chẳng lẽ lại là Bồ Tát ? Nhưng cháu thấy cũng không giống " ( tr. 97 ). Nét văn hóa Phật giáo nhẹ nhàng ấy dần dần in đậm vào tâm thức Cẩu Tạp Chủng, trước khi khởi động công phu " La hán phục ma thần công ", để thành tựu việc khai mở chân lý của Thái Huyền Kinh trên đảo Hiệp Khách ! 6. Ý Nghĩa biểu tượng của 18 tượng La hán : Trong Phật giáo, La hán là hàng đệ tử Đức Phật đã hàng phục được lòng tham dục cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc, và hàng phục được sự đắm trước ( chấp thủ ) lòng dục, thấy biết, giới luật sai lầm, và các học thuyết chủ trương có tự ngã ( dù dưới bất cứ dạng thức nào ). Kinh Phật dạy có 18 dòng Ái ( và Thủ ) liên hệ nội tâm, và 18 dòng Ái ( và Thủ ) liên hệ ngoại cảnh : Liên hệ nội tâm : Khi nào có ý niệm ta có mặt thì sẽ có những tư tưởng : ta có mặt trong đời này; ta có mặt như vậy, ta có mặt khác như vậy; ta không thường hằng; ta thường hằng; ta phải có mặt không ? ta phải có mặt trong đời này không ? ta phải có mặt như vậy; ta phải có mặt khác như vậy; mong rằng ta có mặt; mong rằng ta có mặt trong đời này; mong rằng ta có mặt như vậy; mong rằng ta có mặt khác như vậy; ta sẽ có mặt; ta sẽ có mặt trong đời này; ta sẽ có mặt như vậy; ta sẽ có mặt khác như vậy. Liên hệ ngoại cảnh : Khi nào có tưởng: ' Do cái này, ta có mặt; thì sẽ có các tư tưởng : do cái này, ta có mặt trong đời này ( tương tự trên ) ( Tăng chi kinh, II, PTS, London, 1992, tr.226 ) Nội dung của 18 dòng Ái ( Thủ ) trên là nội dung của Tập đế ( nguyên nhân của khổ ) trong Tứ Diệu đế của Phật giáo ( được biểu tượng qua chuổi hạt tay 18 hạt hay 36 hạt ). Đại bi lão nhân tặng cho Cẩu Tạp Chủng 18 Tượng La hán là trao cho công phu loại trừ hết thảy các loại chấp thủ ngã tưởng mà Kinh Kim Cang Bát Nhã của Đại thừa Phật giáo đã đề cập, bao gồm tám loại : ngã tưởng, nhân tưởng, chúng sanh tưởng, thọ giả tưởng, pháp tưởng, phi pháp tưởng, tưởng và phi tưởng : - Ngã tưởng : tin tưởng có mặt một tự ngã khác với năm uẩn như khi nói : cái này là của tôi, tôi là cái này, cái này là tự ngã của tôi. - Chúng sinh tưởng : tin tưởng có một cá thể độc lập, liên tục và đồng nhất với chính nó qua thời gian; cá thể đó phân biệt các phần tố bên trong cá thể khác biệt với những gì ở bên ngoài. - Thọ giả tưởng : tin tưởng có một sức mạnh hợp nhất và sinh động bên trong cá thể, tồn tại từ khi sinh cho đến khi chết. - Nhân tưởng : tin tưởng có một thực thể thường hằng, luân hồi, tái sinh từ kiếp nầy qua kiếp khác. - Pháp tưởng : tin tưởng có sự hiện hữu thật sự của các pháp độc lập. - Phi pháp tưởng : ( không pháp tưởng ): tin tưởng có không pháp độc lập với hiện hữu - Tưởng : Tưởng thường quyết định tính chất cho sự vật vốn không có trong thực tế. - Phi tưởng : nếu biết tưởng là không thật mà chủ trương không có tưởng, không tác tưởng-các bậc Thánh, Bồ Tát vẫn tác tưởng mà vẫn giác tỉnh vô ngã, vẫn không chấp thủ. Đây là công phu tu tập chủ yếu của Phật giáo nói chung, và Kim Cang Bát Nhã nói riêng. 7. Tu tập công phu loại trừ các tưởng tự ngã : - Bước đầu hành giả cần tẩy sạch các tâm lý cấu uế, bất thiện như tham lam, sân hận, si ám, đố kỵ, kiêu mạn, dối gạt, ác hại, v.v nếu không thì không thể tu tập thành tựu các tâm thiền định ở bước thứ hai. Đây là nội dung mà Kim Dung giới thiệu Cẩu Tạp Chủng với tâm lý trong sáng, giản đơn, không có thất tình, lục dục, hành " La hán phục ma thần công " dễ dàng thành tựu, không bị tẩu hỏa, như Tạ Yên Khách đã nhận xét : " Thằng bé này đầu óc chưa được mở mang, chuyện đời hoàn toàn không biết, trong lòng không có tạp niệm, vì thế mới không bị tẩu hỏa nhập ma "( tr. 136 ) Công phu " La hán phục ma " quả là công phu giáo dục các tâm hồn, các cá nhân cho một xã hội đạo đức, nhân ái, đầy tình người ! |
|
A.
Tóm tắt hồi 4
-Tại Ma Thiên Lãnh, Cẩu Tạp Chủng vừa luyện xong 18 đường âm công và 18 đường dương công của " La hán phục ma thần công ", do không biết điều hòa kinh mạch âm dương nên bị "tẩu hỏa", may kịp lúc Bối Hải Thạch, và thêm các đại cao thủ Trường Lạc bang, xuất hiện cứu cấp, tạm thời qua được cơn nguy cấp ; Bối Hải Thạch lầm tưởng Cẩu Tạp Chủng là Thạch Phá Thiên, bang chủ, nên rước về điều dưỡng ở cung Trường Lạc. - Tại cung Thường Lạc, Bối Hải Thạch tiếp tục trị liệu mỗi ngày. Đinh đỉnh Đang đang, người tình của Thạch Phá Thiên, cho uống Huyền Băng Bích Hỏa Tửu ( loại rượu rất trân quý của võ lâm, dùng để trì hoãn lại sự tương giao của hai luồng khí âm dương trong nội thể ), nên Cẩu Tạp Chủng hồi tỉnh. - Vào lúc hai luồng âm dương khí dâng đầy ở huyệt Đản Trung ( giữa ngực ) thì Triển Phi hương chủ, kẻ thù bị cướp vợ của Thạch Phá Thiên, xuất hiện đánh một chưởng mạnh vào huyệt Đản Trung để kết liểu đời Thạch Phá Thiên. Không ngờ, chưởng nầy đã giúp Cẩu Tạp Chủng điều hòa được khí huyết, thành tựu thần thông " La hán phục ma " lên đến đỉnh điểm. Triển Phi hương chủ thì bị phản lực mà bị gảy một cánh tay và trọng thương. Cẩu Tạp Chủng, với từ tâm, vô hại tâm, đã bao che cứu tội và trị thương cho Triển Phi. Thật là sự lạ đầy kinh dị ! B. Ý kiến 1. Lạc bang là từ ngữ Phật học chỉ cõi nước của Đức Phật A-Di-Đà. Ở đó, vắng mặt mọi thứ khổ đau, mãi mãi hạnh phúc, yên vui nên gọi là Trường Lạc. Bối Hải Thạch và các Hương chủ bang nầy thì bản chất hành ma đạo. Do vì tránh nạn dự hội yến Lạp Bát ở Hiệp Khách đảo nên tráo dựng bang chủ Thạch Phá Thiên; sau khi Thạch Phá Thiên ( Thạch Trung Ngọc ) ẩn trốn, Bối Hải Thạch lại mạo dựng Cẩu Tạp Chủng. Thật là ý vị ! tâm chân của Cẩu Tạp Chủng lại cần được nuôi dưỡng, phát triển tại ma xứ nầy ! 2. Cẩu Tạp Chủng : sức mạnh của vô dục,vô chấp : - Bản tính của Cẩu Tạp Chủng là minh mẫn, chân thật, thuần lương, vô dục và không chấp nệ các thị phi. - Mọi người đều lầm chàng là Thạch Phá Thiên ( trừ Bối Hải Thạch sau khi điều thương cho chàng ) và bày tỏ thái độ tương hệ khác nhau : Cùng một đối tượng mà mỗi người ở vị trí khác nhau thì nhìn khác nhau. Cả tự thân Cẩu Tạp Chủng cũng không thật sự biết rõ gốc gác của mình, chỉ lờ mờ chàng là chú bé ở đỉnh Hùng Nhĩ, đùa giỡn với chó A-hoàng. Nhờ có tâm lý vô dục, vô chấp ấy, Cẩu Tạp Chủng đã thành tựu không khó khăn thần thông siêu đẳng của " La hán phục ma ". Bước thành tựu còn tiến xa, xa nữa khi chàng không chấp thủ cả kết quả thành tựu. Khi Bối Hải Thạch nói : " Chúc mừng bang chúa! Thần công cái thế của bang chúa đã luyện thành rồi " Cẩu Tạp Chủng đã hồn nhiên hỏi lại : " Cái gì ... cái gì là cái thế thần công ? " Đây, thực sự là ngôn ngữ của Kinh Kim Cang khi diễn đạt sự chứng đắc bốn Thánh quả : Tu-đa -hoàn, Tư-đà-hàm , A-na-hàm, và A-la-hán : " Đức Phật hỏi :' Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, vị Tu-đà-hoàn có nghĩ rằng : Ta đã chứng đắc Tu-đà-hoàn quả chăng ?-Tôn giả Tu-bồ-đề đáp : Quả thật không, bạch Thế Tôn. Tại sao? Bởi vì, bạch Thế Tôn vị ấy không có chứng đắc bất cứ pháp nào. Cho nên vị ấy được gọi là Tu-đà-hoàn... - " Bởi vì chưa có một pháp nào chứng đạt được quả Tư-đà-hàm. Đấy là lý do tại sao vị ấy được gọi là Tư-đà-hàm " - ... ( Tương tự đối với quả A-na-hàm, A-la-hán ... ) 3. Hai cảnh giới thiền định : - Tạ Yên Khánh, trên Ma Thiên Lãnh, khổ luyện nội công đạt đến mức " thân, ý, khí " điều hợp, vật ngã đều quên : đây là một loại thiền định có sức mạnh tập trung và có thần lực của một cảnh giới định sâu, nhưng tâm ý của ông còn vướng vào thị phi, tự ngã, nên theo Phật học gọi là tà định. Loại định nầy vắng mặt trí tuệ và tâm đại bi. - Cẩu Tạp Chủng đạt định " La hán phục ma " với trí minh mẫn, không dục vọng, không dính mắc, đầy nhân ái, theo Phật học đây là loại chánh định. Chỉ loại thiền định nầy mới có thể phát triển đến cao điểm, giáp mặt chân lý, giải mã được " Thái huyền kinh " |
|
A.
Tóm tắt Hồi 5
- Sau khi luyện xong phần nội lực theo các huyệt đạo và kinh mạch của 18 tượng La hán đất, tình cờ Cẩu Tạp Chủng đánh vỡ lớp đất bọc ngoài tượng, khám phá ra 18 tượng gỗ ở bên trong, chỉ thuần kẻ đường kinh mạch để vận hành công lực. Chàng liên tục ba ngày đêm luyện nhuần nhuyễn hết chỉ dẫn của 18 tượng gỗ và thực sự thành tựu " Phục ma thần công ", vận công theo ý muốn - nhiều cao tăng Thiếu Lâm, do quá ham muốn luyện công đã từng thất bại trong việc luyện tập La hán phục ma thần công nầy. - Các người ở Trường Lạc bang vẫn đinh ninh Cẩu Tạp Chủng là Thạch Phá Thiên, nên thường sợ hãi chàng vì kinh nghiệm về xử xự thất thường và tàn ác của Thạch Phá Thiên, hoặc vì tánh " đa tình " ( trăng nguyệt ), háo sắc của chàng Phá Thiên. Tất cả cung cách và ngôn ngữ hiền hòa, lịch sự của Cẩu Tạp Chủng vì thế bị hiểu lầm là ngôn ngữ trêu chọc, mỉa mai, độc địa. v.v... khiến chàng không thể hiểu ai, và không ai hiểu chàng . - Đinh đinh Đang đang đến kéo chàng ra ngoài đùa cợt, vì vị nể nàng đã từng săn sóc chàng khi điều thương, chàng đi theo nàng về gặp lão gia gia Đinh Bất Tam. Nhận ra nội lực hùng hậu, kỳ đặc của chàng, Đinh Bất Tam hoan hỷ chấp nhận chàng là bạn trai của cháu gái Đinh Đang của lão và ngõ ý kén chàng làm cháu rễ... B. Ý kiến 1. Hai công phu hành thiền : - 18 pho La hán, phần đất là phần chỉ dẫn vận khí qua các huyệt đạo và kinh mạch để thành tựu nội lực. Đây là hình thức hệt với công phu tu tập Thiền chỉ ( Samatha ) của Thiền định Phật giáo. Phần này, trong công phu Thiền định tà giáo cũng có. - 18 pho La hán bằng gỗ là phần chỉ dẫn kinh mạch để luyện công, vận dụng nội lực đã có theo các đường kinh mạch. Phần nầy, tâm tập chú và tỉnh giác sâu hơn. Đây là bước công phu hành Thiền quán (Vipassana ), hay Chỉ-Quán song hành, của Thiền định Phật giáo. Kim Dung giới thiệu : nếu hành giả biết cách thu phát nội lực theo ý muốn, thì chỉ lực phóng ra sẽ như là đường kiếm báu, biểu hiện một sức mạnh vô song. Đây là biểu tượng của trí tuệ giải thoát có thể trực tiếp cắt đứt các phiền não, các tâm lý trói buộc, mà không chỉ chế ngự chúng. Phần thiền quán nầy nếu liên tục được phát triển, thì sẽ đi tới điểm giải mã bí kíp của "Thái Huyền Kinh ". 2. Ý nghĩa " Phục ma " - Ma là chỉ các việc làm của thân, lời, ý sai lầm dẫn đến hại mình, hại người, đem phiền não, khổ đau đến cho mình và người. - Ma còn có nghĩa là chỉ những gì ngăn che tâm thức con người khỏi sự thật, chân lý, giải thoát. Dục vọng, chấp ngã, chấp trước các cảm thọ, tri kiến, đều thuộc đường ma, theo nghĩa rộng hơn. Phục ma là hàng phục, chế ngự, loại trừ các tác nhân vừa đề cập ở trên. Thần Công " La hán phục ma ", vì thế, là loại sức mạnh của tâm lý, định lực giúp hành quả phát triển thiền quán, trí tuệ để cắt đứt các nhân tố gây ra khổ đau cho mình và người, được diễn đạt như võ công siêu đẳng có thể đánh bại dễ dàng các loại võ công khác trên giang hồ. Tác giả " Hiệp Khách Hành "đã giới thiệu " La hán phục ma thần công ", do các thần tăng Thiếu Lâm sáng tạo, chói sáng trên võ lâm như là văn hóa tâm thức của Phật giáo chói sáng giữa vùng văn hóa của xưa nay, phải chăng ? 3. Sự chân thật và định kiến : - Cẩu Tạp Chủng sau khi hành " La hán phục ma thần công " theo 18 hình tượng gỗ thành công thuần thục, tâm thức trở nên rất định tỉnh, sáng suốt, đã cố gắng nói lên sự thật chàng không phải là Thạch Phá Thiên, nói lên một cách rất chân thành, nhưng không được mọi người tin tưởng lời nói của chàng, mà phản ứng bất thuận lợi đối với chàng : - Thị Kiếm thì cho rằng chứng " tẩu hỏa " đã khiến chàng quên mất quá khứ, cứ đề phòng các tật xấu của Thạch Phá Thiên xuất hiện nơi chàng. - Trần Hương chủ thì hiểu những lời lẽ thân tình của chàng như là quyết định cắt đứt mạng sống của chính mình... - Hoa Vạn Tử thì nhìn chàng như là kẻ " hái hoa " và phản ứng rất là khó hiểu... - Đinh Đang thì cứ nhất quyết đối xử với chàng như Thạch Trung Ngọc, dù chàng đã nhiều lần chân thật xác nhận chàng là Cẩu Tạp Chủng ... Tình cảnh trở nên rối rắm : Cẩu Tạp Chủng ngạc nhiên, bức tai về những gì người chung quanh xử sự với chàng. Những người chung quanh cũng đầy kinh ngạc về thái độ xử sự của chàng. Tất cả rối rắm chỉ do định kiến của mọi người về Thạch Phá Thiên, và xem chàng là Thạch Phá Thiên. Cũng thế, khi con người đã bị ảnh hưởng sâu đậm về các giá trị của một nền văn hóa cũ, thì khó mà tiếp thu tiếng nói mới mẻ dù là thật, chân và hay. Theo thuật ngữ của Phật học, đây được gọi là " điên đảo tình " ( sentimental inversion ). |
|
A.
Tóm tắt Hồi 6
- Liên tiếp nhiều sự hiểu lầm chết người, nhiều cuộc xung đột lời lẽ và đao kiếm xẩy ra do sự nhận lầm cái thân tướng giống nhau giữa Cẩu Tạp Chủng và Thạch Phá Thiên (Thạch Trung Ngọc ) : Dù thành thật xác nhận chàng không phải là Thạch Ca của Đinh Đang, Đinh Đang cũng nhất mực đòi cưới chàng, nhất là khi nhận ra vết thẹo trên vai Cẩu Tạp Chủng nằm đúng vị trí mà Đinh Đang đã một lần cắn vào vai Thạch Trung Ngọc ( vết thẹo trên vai Cẩu Tạp Chủng là do Bối Hải Thạch giả tạo khi chàng đang cơn sốt mê ) Dù Cẩu Tạp Chủng rất chân thật nói chàng không có mối liên hệ nào với bang Tuyết Sơn, thì vô minh ( do tin đồn và thị giác đánh lừa ) của nhóm Bạch Vạn Kiếm vẫn cho là lời lẽ của chàng là xảo ngôn, bội nghĩa... - Sự dối gạt của Bối Hải Thạch, và sự mê muội, sân si, hẹp lượng của các người khác đã dựng nên bi kịch về cái tướng dẫn đến cảnh máu rơi... B. Ý kiến 1. Cái tướng trạng là hư dối : - Cái na ná của thân tướng Cẩu Tạp Chủng và Thạch Trung Ngọc chưa có cơ sở để kết luận cả hai là một người duy nhất. - Dù hai chàng ấy giống nhau cho đến từng vết thẹo trên thân thì hai người vẫn là hai cá thể khác biệt, có hai thế giới cảm xúc và tâm thức hoàn toàn khác nhau. Việc nhận diện con người qua ngoại hình, hay việc xác định giá trị hành động qua các biểu hiện bên ngoài của hành động, là một bi kịch của máu và nước mắt. Vết thương trong Hồi truyện thứ 6 nầy không phải là vết thương trên vai, trên chân của Cẩu Tạp Chủng, mà là vết thương trong nhận thức và văn hóa con người ! Đây là điều mà Kinh Kim Cang đã dạy : sự thật là ở thực tại, ở cái tâm, mà không ở nơi cái tướng. Các tướng trạng đều là không thật ( Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng ) Sự nhận lầm về giá trị của các hiện hữu qua các tướng trạng ấy, giáo lý nhà Phật gọi là vô minh. Chính vô minh là đầu mối của các rối ren của con người và xã hội phát sinh ra vạn nổi sầu khổ, hệt như sự nhận lầm lừng lựng về Cẩu Tạp Chủng ! 2. Chủ quan của các quan điểm và giới hạn của các quan điểm : - Như Đinh đinh Đang đang với chủ quan qua kinh nghiệm các giác quan của mình đã nhận lầm rất lớn về Cẩu Tạp Chủng dẫn đến cảnh ngộ cưới hỏi, yêu thương lỡ khóc lỡ cười; cũng thế, các chủ trương của các lý thuyết ở đời cũng chỉ dẫn đưa con người đến một kết cục lỡ khóc lỡ cười ! - Như Bạch Vạn Kiếm và nhóm kiếm sĩ Tuyết Sơn với chủ quan qua kinh nghiệm các giác quan, qua các báo cáo điều tra, và qua cả vết thẹo tình cờ mang dấu hoa mai nơi chân của Cẩu Tạp Chủng, đã dẫn đến bi kịch xung đột đao kiếm rất tang tóc; cũng thế, các chủ trương của các lý thuyết dựa vào kinh nghiệm, chứng nghiệm giới hạn cũng chỉ dẫn dắt con người đến các kết cục bi kịch đầy bi thương ! Giáo lý nhà Phật nói về sự thật vô ngã, thái độ sống vô chấp, nhân ái, từ bi chỉ nhằm vào mục đích diệt trừ nguyên nhân của khổ đau, đem lại hạnh phúc, an lạc cho đời, mà không nhất thiết dừng lại ở một chủ trương, chủ thuyết nào, nên sẽ không dẫn dắt con người đến một kết cục ki bịch nào. Đây là những gì mà người viết nghe âm vọng từ ngôn ngữ tiểu thuyết Hiệp Khách Hành của Kim Dung. 3. Nguyên nhân của các hiện hữu : - Quần hào nhận lầm Cẩu Tạp Chủng là Thạch Trung Ngọc đặc biệt là qua vết thẹo hoa mai do kiếm pháp của Tuyết Sơn để lại trên chân của Thạch Trung Ngọc. Nếu tìm hiểu rõ nguyên nhân của vết thẹo trên chân của Cẩu Tạp Chủng là do Bối Hải Thạch giả tạo thì sự thật sẽ phơi bày. Cũng vậy, nếu biết rằng vết thẹo trên vai của Cẩu Tạp Chủng là do Bối Hải Thạch tạo ra, thì Đinh Đang đã không nhầm lẫn " đấng " lang quân ! Đây là bài học tìm hiểu rõ nguyên nhân của một hiện hữu : theo giáo lý nhà Phật, khi chưa hiểu rõ nguyên nhân của Khổ thì chưa hiểu rõ sự thật của Khổ, và do đó chưa thể thấy con đường dẫn ra khỏi khổ. 4. Các duyên tạo nên vô minh hay sự nhận lầm : - Bạch Vạn Kiếm nhận lầm là do tức giận, nóng vội chưa kiểm chứng và lập luận kỷ về sự việc và nguyên nhân của sự việc. - Đinh đinh Đang đang nhận lầm là do dục ái, nông nổi khiến mù quáng qua các lập luận. - Triển Phi hương chủ nhận lầm là do lòng căm hờn sâu nặng đánh mất sự thận trọng và sáng suốt. - Thị Kiếm nhận lầm là do dễ dãi, lười biếng phân tích, suy luận, và do cả lòng đầy nghi ngờ đối tượng. - Tất cả bị nhận lầm là do bị ám ảnh bởi các tướng, mà xem nhẹ cái tâm ( tà kiến, tà niệm ). Các duyên ấy, theo Phật học, là nội dung của các tâm lý bất thiện, cấu uế do năm thứ ngăn che tâm, thức gây ra đó là : - Trạo cử, tâm lý thiếu ổn định. - Hôn trầm : tâm lý thụ động, mệt mõi, lười biếng. - Dục : tâm lý ham muốn sắc, thanh, hương, vị, và xúc chạm... - Sân : tâm lý nóng nảy, sân hận. - Nghi : tâm lý si ám, nghi ngờ, do dự. |
|
A.
Tóm tắt hồi 7
- Bạch Vạn Kiếm yêu cầu Thạch Phá Thiên ra khỏi sảnh đường Mãnh Hổ để đấu kiếm nhằm thanh lý môn hộ. Nhóm Trường Lạc, Đinh Bất Tam và Đinh Đang đều giục Cẩu Tạc Chủng nhận lời, bởi tin rằng với nội lực quá hùng hậu của chàng thì chỉ trong vài chiêu đã có thể đánh gục Bạch Vạn Kiếm. - Ngoài sảnh đường, với bản tánh hồn hậu, Cẩu Tạp Chủng cầm thanh kiếm do Trần hương chủ trao mà tần ngần chưa biết xử lý ra sao ( chàng chưa hề học kiếm pháp ) thì Bạch Vạn Kiếm đã lẹ tay xuất kiếm áp đảo, điểm huyệt chàng và uy hiếp bang Trường Lạc. Bạch Vạn Kiếm kẹp Cẩu Tạp Chủng phi hành về phía thành Lăng Tiêu. Uông Vạn Dựt và tám tay cao thủ Tuyết Sơn đều bị Bối Hải Thạch khống chế, điểm huyệt, bắt giữ. Do huyệt đạo bị phong tỏa nhẹ, Uông Vạn Dựt tự giải huyệt và phi hành theo Bạch Vạn Kiếm để hỗ trợ. - Một nhóm, gần 20 kiếm sĩ, của Tuyết Sơn đang đóng quân ở một thảo am giọc đường chờ Bạch Vạn Kiếm trở về. Nhóm nầy đã luyện kiếm qua đêm để gia tăng khả năng đối phó khi hữu sự. Cẩu Tạp Chủng, rất thông tuệ, chỉ quan sát mà đã làu 72 kiếm chiêu của Tuyết Sơn, dù trước đó chưa từng tập luyện. - Bấy giờ Thạch Thanh-Mẫn Nhu xuất hiện dòi lại hai thanh bảo kiếm mà nhóm Tuyết Sơn đã đánh mất. Cuộc đọ kiếm bắt đầu. Bạch Vạn Kiếm không địch lại song kiếm của Thạch Thanh-Mẫn Nhu. Cẩu Tạp Chủng tự giải khai huyệt đạo và đòi đứng về phía Bạch Vạn Kiếm để hai đấu hai cho cân. Cuộc đấu giữa Thạch Thanh và Bạch Vạn Kiếm thì cân tài, càng đấu càng nể vì nhau. Mẫn Nhu và Cẩu Tạp Chủng thì so kiếm như là cảnh mẹ dạy kiếm cho con đầy tình cảm chan chứa. - Lúc ngọn đèn cầy chợt tắt ( cạn ), Cẩu Tạp Chủng vô ý sấn người tới lúc bà Mẫn Nhu chưa kịp rút nhanh kiến về, nên bị thương nhẹ ở ngực. Bấy giờ, Đinh Bất Tam và Đinh Đang đang phục ở gầm bàn chờ cứu Cẩu Tạp Chủng. Đèn tắt là thời điểm thuận lợi để Đinh Bất Tam hành sự. Cẩu Tạp Chủng bắt đầu một bước " nổi trôi " mới. B. Ý kiến 1. Điều nghich lý : - Từ thái độ sàm sỡ của thiếu niên Thạch Trung Ngọc dẫn đến việc cô A-Tú ( 13 tuổi ) tự vẫn để bảo toàn danh tiết người con gái; thân mẫu A-Tú trở nên cuồng trí; Bạch Phu nhân giận lẫy chồng bỏ nhà ra đi bbiệt tích; Bạch Tự Tại tức bực lấy đứt một cánh tay của người đệ tử giỏi nhất của mình ( thầy dạy kiếm cho Thạch Trung Ngọc ); Bạch Vạn Kiếm dẫn nhiều kiếm sĩ Tuyết Sơn đi đốt phá Thạch gia trang ( nhà của bố mẹ Thạch Trung Ngọc ) và lùng kiếm Thạch Trung Ngọc để thanh lý môn hộ đã hy sinh mất thêm nhiều cao thủ huynh đệ... Hầu như con người phải chết và phải khổ vì một giá trị ước lệ rất mơ hồ của văn hoá Tuyết Sơn. Thật là điều nghịch lý ! - Cẩu Tạp chủng, một thiếu niên thuần lương, nhân ái và thông sáng, vô cớ trở thành nạn nhân của các thái độ hành xử nghịch lý trên. Hầu như niềm tin của tác giả để hoá giải điều nghịch lý ấy còn dấu kín ở mười tám tượng La hán phục ma ? 2. Tám cơn gió lay động tâm thức : - Các cao thủ võ lâm trên giang hồ thường giáp mặt với tám cuồng phong ở đời là : phải, trái; được, mất; khen chê, khổ, lạc. Tám ngọn cuồng phong ấy đã dấy lên ở kiếm phái Tuyết Sơn, Ttrường Lạc Bang và nhiều vùng liên hệ như ở thị trấn Hầu Giám Tập, tạo nên các rối ren dây chuyền. Chỉ duy có một thiếu hiệp thành tựu " La hán phục ma thần công " là có tâm hồn phẳng lặng để lại một ấn tượng sâu sắc nhất. Thuật ngữ nhà Phật gọi tám cơn cuồng phong ấy là " Bát phong " và " Bát phong xuy động ", hẳn là có mối liên hệ cảm xúc của tác giả lúc xây dựng các hồi truyện Hiệp Khách Hành ! 3. Nghìn năm tay trắng hay Bài học về gốc gác của Cẩu Tạp Chủng : - Cẩu Tạp Chủng vốn là bé Thạch Trung Kiên, con đẻ của Thạch Thanh và Mẫn Nhu; bị người hận tình Mai Phương Cô trên núi Hùng Nhĩ bắt đi từ năm một tuổi, và tráo vào xác chết bầy nhầy của một em bé khác. Điều nầy khiến Thạch Anh và Mẫn Nhu đinh ninh rằng Thạch Trung Kiên đã chết. - Cẩu Tạp Chủng có thân tướng hao hao giống Thạch Trung Ngọc. Trong thời gian Thạch Trung Ngọc bị Bối Hải Thạch bắt và dựng lên làm bang chủ Trường Lạc Bang để đi dự hội yến Lạp Bát ở Hiệp Khách đảo, rồi trốn biệt tích ở một lầu xanh, Cẩu Tạp Chủng đã bị nhiều phái nhận lầm là Thạch Trung Ngọc ( hay Thạch Phá Thiên, bang chủ Trường Lạc ). Các cuộc tranh cải và tranh giành Cẩu Tạp Chủng xẩy ra với các nhân chứng, vật chứng, luận chứng có vẻ hợp lý đến độ Cẩu Tạp Chủng cũng mơ hồ về gốc gác của chính mình, nghĩ rằng " má má " của mình là Mai Phương Cô ở Hùng Nhĩ. Với một con người cụ thể như thế mà qua vài sự " tráo trở, lằng nhằng " giang hồ đã khó xác định gốc gác, huống nữa là cuộc đi tìm " hạt nguyên sơ " giữa một vũ trụ mênh mang qua một hệ thống máy móc và tư duy phức tạp ? (!) Cuộc đi tìm ấy sẽ mãi là nghìn năm tay trắng ! Thế giới vốn là một trường tương quan của nhân duyên. Đây là bài học kinh nghiệm của tập truyện, và của Phật giáo . |