Chim
Việt Cành Nam
[ Trở
Về ]
[Trang chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Hôm ấy bạn bè họp
mặt ăn uống. Chuyện nổ như bắp rang. Tôi khoe mình đã từng
ba lần đội trời đạp đất trên đỉnh đèo Hải Vân.
Một bạn hỏi đèo Hải Vân có gì đặc biệt? Câu hỏi bất
ngờ làm tôi cụt hứng. Ừ nhỉ... đèo Hải Vân có gì đặc
biệt?
Thú thực là lần nào qua đèo cũng chỉ hồi hộp nhìn xe cộ chơi rồng rắn. Dốc dài và cao. Trên lao xuống, dưới bò lên. Lách ra, táp vào. Còi hét, đèn chớp. Du khách lo sợ bám chặt thành ghế. Đúng là Đi bộ thì sợ Hải Vân. Rồi xe cũng lên tới đỉnh. An toàn ! Mời bà con nghỉ giải lao. Chân vừa chạm đất, mắt đã phải lấm lét tìm chỗ để giải quyết... chuyện cấp bách. Nhẹ bụng. Tỉnh trí. Sực nhớ phải tận dụng khoảnh khắc còn lại để thở hít không khí mát mẻ, co duỗi chân tay. Chụp một tấm ảnh kỉ niệm. Vừa tầm bác tài giục mọi người lên xe. Vậy là biết đèo Hải Vân rồi! Năm ngoái chúng tôi được anh bạn ở Đà Nẵng rủ đi chơi Huế bằng xe nhà. Tha hồ la cà đó đây. Thích đâu ngừng đấy. Đường vắng xe. Phần lớn xe khách, xe tải bây giờ thích đi đường hầm chui qua núi. Vừa nhanh chóng vừa an toàn hơn đường dốc. Lần này mới được ngắm cảnh. Được ngồi trong mây uống cà phê trên đỉnh đèo. Được sờ mó Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Được thấy xóm làng. Được nghe văng vẳng tiếng chuông, mõ. Lần này xe đi đường nhỏ, uốn lượn men theo vụng biển. Ghé Cảnh Dương ăn trưa. Thưởng thức hải sản tươi sống 100%. Ăn xong, có võng nằm thư giãn. Cảnh Dương chưa có tên trong chương trình thăm viếng của các tuyến du lịch. Chưa trở thành "bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á". Nhờ vậy mà thiên nhiên nơi đây còn... dễ thương. Làng chài sinh hoạt lặng lẽ, bình thường. Hàng quán chưa bắt mọi người phải nghe nhạc đinh tai nhức óc. Bãi cát mênh mông, trải dài trước mặt. - Chỗ núi nhô ra biển kia là Mũi Chân Mây. Chân Mây ! Nhà thơ nào đã tức cảnh sinh tình, khéo đặt tên cho vùng trời mây non nước ? Chân mây cuối trời. Bóng nước chân mây... Thiên nhiên đẹp, buồn man mác. Chân Mây gợi nhớ xa xôi. - Gìn vàng giữ ngọc cho hayCả năm trời đã trôi qua mà vẫn còn nhớ bữa ăn tại Cảnh Dương. Nhớ Chân Mây thơ mộng. Nhớ quá hoá... tò mò muốn tìm hiểu thêm vùng đất này. Chân Mây ngày nay thỉnh thoảng được sách báo nhắc đến vì có nhiều tiềm năng kinh tế, du lịch. Thực dân Pháp ngày xưa cũng đã từng để ý đến Chân Mây vì mục đích chiến lược quân sự. Cho đến cuối đời Tự Đức, nước ta không có địa danh Chân Mây. Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn chỉ có Cảnh Dương, vụng Chu Mãi, núi Chu Mãi, cửa biển Chu Mãi. Đại Nam nhất thống toàn đồ, bản đồ vẽ năm 1834, đời Minh Mạng, có ghi tên Cảnh Dương, Chu Mãi bằng chữ Hán. (Chữ Chu, bộ Mộc, nghĩa là màu đỏ. Chữ Mãi, bộ Bối, nghĩa là mua). Thời nhà Nguyễn, Chu là chữ huý, phải đọc thành Châu. Các giấy tờ, văn bản được nhà vua phê duyệt, đóng dấu màu đỏ, gọi là châu bản (bản được phê bằng màu đỏ). Vì vậy, Chu Mãi đôi khi còn được người địa phương gọi là Châu Mãi. Từ ngày nước ta bị Pháp cai trị, chữ Hán được thay thế bằng chữ quốc ngữ. Tiếng Việt được người Pháp ghi âm theo cách phát âm của tiếng Pháp. Tiếng Pháp lại được thông ngôn người Việt ghi âm bằng chữ quốc ngữ, theo cách phát âm của người Việt. Ngôn ngữ bất đồng, ghi âm thiếu chính xác, không thống nhất. Ngộ nhận, nhầm lẫn là điều khó tránh. Năm 1749, Chu Mãi được Pierre Poivre ghi âm thành Chu-mée (đọc là Chu Mê). Tiếp đến thời kì thực dân Pháp thăm dò vẽ bản đồ vùng đèo Hải Vân để mở đoạn đường bộ Đà Nẵng - Huế. Chu Mãi được Besson và nhiều người khác ghi âm là Choumay (Chu Mai). Vịnh Chu Mãi được Pháp phân biệt thành mũi Chu Mãi Đông và mũi Chu Mãi Tây (cap Est de Choumay và cap Ouest de Choumay). Tháng 2 năm 1886, bác sĩ Hocquard đi qua Chu Mãi, trên đường từ Huế vào Đà Nẵng. Hocquard cũng ghi âm Chu Mãi là Choumay (Chu Mai). Năm 1920, Henri Cosserat đưa ra một cách giải thích mới : " Choumay, viết đúng chính tả là Châu Mới. Châu Mới là đất thời người Việt mới đến chiếm đóng " (1). Philippe Papin cũng ngả theo thuyết của Cosserat, cho rằng mũi Chaumay (Châu Mai) có thể là do Châu Mới mà ra (2). (Hocquard chép là Choumay, Papin đổi thành Chaumay để giải thích). Nguyễn Đắc Xuân cho biết "người dân địa phương gọi (là) Chu Mới" (3). Sử chép rằng ngày xưa, vua Chế Mân nước Chiêm Thành đã dâng châu Ô, châu Lí cho vua Trần Nhân Tôn để xin cưới công chúa Huyền Trân. Châu Ô, châu Lí được nhà Trần đổi tên thành châu Thuận và châu Hoá. Ngoài ra, thời nhà Trần không có châu mới nào khác nằm giữa Huế và Đà Nẵng. Cũng cần nói thêm là chữ Châu (Châu Mãi, bộ Mộc) viết khác chữ Châu (Châu Mới, bộ Xuyên). Đại Nam nhất thống toàn đồ khẳng định là không có Châu Mới hay Chu Mới. Chu Mãi ban đầu được người Pháp ghi âm khá đúng thành Choumay. - Âm u ( u mê) của tiếng Việt giống âm ou của tiếng Pháp. (Chu Ân Lai được tiếng Pháp ghi là Chou An Lai). - Âm ai (em là ai?) của tiếng Việt tương đương với âm aï, gần giống âm ay của tiếng Pháp. Mãi đúng ra phải ghi là Maï, nhưng để tránh chữ ï rắc rối, người ta ghi thành May. (Hải Phòng = Haï Phong, Yên Bái = Yen Bay, Móng Cái = Mon Cay. Vì vậy mà thỉnh thoảng chúng ta được nghe, được thấy... Yên Báy, Móng Cáy. Mấy cái tên "tây giả cầy"). Chu Mãi hay Châu Mãi được Pháp bóp méo thành Choumay hay Chaumay. Đến lượt mấy ông thông ngôn người Việt nhập cuộc, uốn nắn... tiếng Pháp. May rõ ràng là... Mây. Chou Mây hay Chau Mây chỉ có thể là... Chân Mây bị viết sai! Từ đấy, nước ta có Mũi Chân Mây (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), có vịnh Chân Mây. Tên rất lãng mạn ! Nhưng không phải là chân mây của thơ văn. Chu Mãi chỉ là một trường hợp cho thấy người Pháp và người Việt đã cùng chung tay bóp méo, nhào nặn thành Chân Mây, Châu Mới hay Chu Mới. *** Trên bản đồ nước ta ngày nay có 3 tỉnh miền Trung (Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận) có Mũi Kê Gà. Tên nghe ngộ nghĩnh. Vừa Kê vừa Gà. Nhưng Kê Gà được ba tỉnh khác nhau dùng thì phải có lí do chính đáng nào chứ ? Mang tiếng là thích du lịch mà cứ ngậm tăm sao? Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn chép : - Mùa đông tháng 10 năm 1794, " Lấy Phó Hậu chi dinh Trung thuỷ là Lưu Tiến Hoà quản đạo Ma Li, kiêm lĩnh ba thủ Kê Khê (Khe Gà), La Di, Phù Mi (...) " (4). - Mùa đông tháng 10 năm 1797, " Lấy khâm sai thuộc nội thống binh cai cơ quản đạo Ma Li là Võ Văn Lân quản đạo Phan Rang, kiêm hai thủ Ma Vằn và Du Lai. Khâm sai thống binh cai cơ cựu chánh Hậu chi Hữu quân là Nguyễn Văn Cẩm quản đạo Ma Li kiêm ba thủ Khe Gà, La Di và Phù Mi " (5). - Mùa hạ tháng 4 năm 1854, " Giặc biển giết người, cướp bóc thuyền buôn ở cửa biển Long Hưng về Biên Hoà ; lại cướp thuyền đại dịch và thuyền buôn ở phận biển khe Kê Chuỷ về Bình Thuận " (6). Khe Kê Chuỷ dịch đầy đủ là khe Mỏ Gà. Gọi như vậy vì địa hình tại đây trông giống cái mỏ gà. Khe Mỏ Gà gọi tắt là Khe Gà, thuộc tỉnh Bình Thuận. Năm 1876, Trương Vĩnh Ký soạn một bài học địa lí rất dài bằng thơ, dành cho bậc tiểu học, đặt tên là Nhựt trình đàng biển nước Annam (từ Vạn Ninh kể vô cho tới cửa Cần Giờ) (7). Từ Huế vào đến Cần Giờ có hai nơi mang tên Khe Gà: Chốn Khe-đào, nhà Rô, mũi Mác,Tên Kê Gà từ đâu ra? Bản đồ La Cochinchine française en 1878 có địa danh Pointe Trăng Lợi (Kéga) thuộc Bình Thuận, nằm gần Phan Thiết, La dỳ (La Gi ngày nay). Người Pháp đã khai sinh ra Kéga (đọc là Kê-Ga). Khe Gà của tiếng Việt bị người Pháp đọc là Kéga. Khe được ghi âm thành Ké (Kê). Trăm tội chỉ vì chữ h câm, hát(h) không ra tiếng của tiếng Pháp. Kéga của Pháp lại bị thông ngôn người Việt diễn giảng ngược qua tiếng Việt. Các ông nhào nặn Kéga thành Kê Gà. Lợn lành chữa thành lợn què. Khe Gà biến thành Kê Gà. Vừa kê vừa gà. Khôn ngoan đối đáp người ngoài / Kê Gà một mẹ chớ hoài đá nhau ! Ngộ nghĩnh. Nghe mãi cũng quen. Khe của tiếng Việt chữ Hán là khê. Khê là khe nước ở chân núi (Đào Duy Anh). Khe nước, dòng nước trong núi không thông ra đâu gọi là khê (Thiều Chửu). Khe và sơn khê (núi và khe) được văn thơ dùng để chỉ rừng núi xa xôi. - Liêu Dương cách trở sơn khêKhe núi (sơn khê) nào có hình cong cong như mỏ gà đều được gọi là Khe Gà. Tiền thân của Kê Gà sau này. *** Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông năm xưa, có khu phố Dakao (Đa Kao, có bản đồ viết là Đa Cao), thời Tây còn được gọi là Đất Hộ. Đa Kao nằm trong đất của thành Sài Gòn thời Minh Mạng. Lịch sử của thành phố Sài Gòn đã được Vương Hồng Sển nghiên cứu rất sâu xa. Ông cho biết nhiều chi tiết quan trọng, đặc biệt là nguồn gốc của nhiều địa danh. Đáng tiếc là khi nói đến Đa Kao, Đất Hộ, Vương Hồng Sển không cho biết nguồn gốc của hai tên này (8)(9). Xin được bàn... Đa Kao, Đất Hộ từ đâu ra? Trở lại thời
Nam
Kì lục tỉnh bị mất về tay thực dân Pháp. Người Pháp
một mặt ráo riết tổ chức guồng máy cai trị. Mặt khác
đổ tiền ra xây dựng thành phố Sài Gòn mới. " San vùng đất
cao, lấp vùng trũng thấp để mở đường, xây nhà".
Xã hội Sài Gòn được " chia " thành mấy khu dân cư. Người Tàu thích sinh sống tại vùng đất thấp mé bờ sông, kênh rạch. Người Ấn Độ thích ở vùng đất cao ráo trong Chợ Lớn. Công chức Pháp thích xây nhà vườn ở vùng đất cao phía Sài Gòn. Đất người Pháp chọn cao hơn vùng đất thấp phía bờ sông Sài Gòn độ 10 mét. Con đường đầu tiên của Sài Gòn là đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay), chạy từ bờ sông đến quảng trường nhà thờ Đức Bà (10). " Đường Catinat dài hơn một cây số, thoai thoải dốc, hai bên đường trồng hai dãy me, xoài để lấy bóng mát" (11). Các cơ quan, công sở chính đều nằm xung quanh đường Catinat. Lên hết dốc đường Catinat là tới vùng đất cao (zone de plateau) của thành Sài Gòn (thời Minh Mạng). Người Pháp xây nhà thờ Đức Bà, xây tháp nước (château d'eau)... Khu phố Đa Kao sau này cũng nằm tại vùng đất cao này. Zone de plateau của Pháp được ta gọi là vùng đất cao. Đất cao được người Pháp phát âm là Dakao (Đa cao). Thế là bà con ta bưng nguyên mâm Đa Kao ra sài. Cái tên thuần Việt trở thành rất tây. Kết quả của giao lưu văn hoá... bất đắc dĩ. Bạn bè tôi ơi, còn nhớ Casino Đakao không ? Rạp thường trực, có máy lạnh. Mười đồng, có ngày hạ giá chỉ còn năm đồng, hai phim. Cao bồi đấm đá, bắn súng tưng bừng. Còn nhớ rạp A.Sam Đakao nóng như cái lò không ? Đa Kao còn có tên khác là Đất Hộ. Không phải vì đất này đông dân, nhiều hộ khẩu mà được đặt tên như vậy. Khi mở đường xây dựng thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn, thực dân Pháp đã làm 2 con đường chiến lược (routes stratégiques), nối liền hai khu vực đông dân. Một đường dưới phía bờ sông, đất thấp (route basse) và một đường trên phía đất cao (route haute). Route haute được người Việt sính tiếng Pháp gọi là đường hô (haut). Đất cao được gọi là đất hô. Tiếng tây tiếng ta vật lộn, bất phân thắng bại cho tới ngày Đất Hô lột xác, biến âm thành Đất Hộ. " Tiếng ta " toàn thắng... Méc ai kiếm đất cất nhàXin bà con cho một tràng pháo tay, hoan hô các chuyên gia ngoại ngữ đã thêu dệt, trang điểm cho giang sơn gấm vóc này! (1) - Henri Cosserat, La route mandarine de Tourane à Huế, BAVH, 1-3/1920, tr. 57. (2) - Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 643. (3) - Nguyễn Đắc Xuân, Văn hoá cố đô, Thuận Hoá, 1997, tr.196. (4) - Đại Nam thực lục, tập 1, Giáo Dục, 2004, tr. 313. (5) - nt, tr. 360. (6) - Đại Nam thực lục, tập 7, tr. 307. (7) - Trương Vĩnh Ký, Manuel des Écoles primaires, Imprimerie Gouvernement, Saigon, 1876, tr. 24-26). (8) - Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa (1968), Xuân Thu tái bản, tr.140, 198. (9) - Vương Hồng Sển, Sài Gòn tạp pín lù, Văn Hoá, 1997, phần 2, tr. 46. (10) - La Cochinchine française en 1878, Challamel, 1878, tr. 67-73. (11)
- George Dürrwell, Ma chère Indochine, Mignot, 1911, tr. 84.
|