Chim Việt Cành Nam             [ Trở Về  ]           [Trang chủ            [ Tác giả ]

Mấy ông bà... có vấn đề!

Nguyễn Dư

Ngày nay, bước chân ra khỏi nhà là... thấy ông bà ! Thời buổi nhố nhăng, chúng mày mang cả ông bà ra bày ngoài đường à? Dạ, con cháu không dám vô lễ đến độ đặt mấy ông bà ngoài đường ngang hàng với ông bà, ông vải đâu ạ. Bây giờ người ta quen gọi những người đã thành vợ thành chồng là ông, bà. Mấy ông bà này là người dưng nước lã, các cụ yên chí chưa?

Nước ta có vô số ông bà. Có ông bà đáng kính. Có ông bà đáng ghét. Có ông bà... có vấn đề! Không phải "vấn đề ấy" đâu. Đừng hiểu lầm. Mấy ông bà này không gian lận, không lừa đảo chiếm đoạt, thậm chí... không tham nhũng! Chuyện khó tin! Đạo đức tuyệt vời như thế mà còn có vấn đề gì vậy? Vấn đề... lí lịch! Chết! Chết! Có vấn đề lí lịch thì... bỏ mẹ cả lũ! Nghe nói mà nổi da gà. Ở đây âm khí nặng nề. Đi đâu cho thoáng...

Đi thì đi. Đi thăm mấy ông bà có vấn đề lí lịch... cho vui!

Ông Đùng bà Đà

Tên nghe nôm na, lơ lớ như ông chẳng bà chuộc. Ông bà là người Việt nội tịch. Không những thế, sách vở còn cho biết nước ta có nhiều ông Đùng bà Đà.

Ông Đùng bà Đà : (Người có) cử chỉ thô bạo (1).

Ông Đùng bà Đà : Chế người hấp tấp, vùng vằng chỉ muốn thực hiện ngay ý muốn của mình (2).

"Cũng như người ở các vùng trong nước, người Thái Bình rất yêu múa hát. Nhiều điệu múa dân gian được lưu truyền trong tỉnh như : múa Đội đèn, múa Cung múa Quạt ở Thị xã ; múa ông Đùng bà Đà, múa Lải Lê ở Thái Thuỵ, múa Đánh bệt, múa Xếp chữ ở Quỳnh Phụ ; múa Đò ở Vũ Thư ; múa Cờ ở Đông Hưng " (3).

Nguyễn Văn Ngọc sưu tầm được câu : Ông Đùng bà Đà, ông Đa bà Mít (4).

Sau ông Đa bà Mít sẽ đến lượt ai? Ông Gà bà Vịt hay ông Chó bà Mèo?

Hội vật võ Liễu Đôi có câu : Lấy tay ông Sấm, lấy đấm ông Đùng, đập tung Thiên Cống (5).

Bà Đà biết vật nhưng không biết võ, phải ở nhà lo cơm nước.

Vũ Ngọc Phan sưu tầm được một câu "hình thức là ca dao, nội dung là tục ngữ":

- Con sắt vật ngã ông Đùng
Đắp mười chiếc chiếu không cùng bàn tay
Theo Vũ Ngọc Phan thì ông Đùng bà Đà trong thần thoại Việt Nam là đôi vợ chồng khổng lồ vào thời hỗn mang, thân hình rất cao lớn và có sức khoẻ phi thường. Một hôm ông Đùng lội qua suối, bị một con cá săn sắt cắn vào chân, làm ông giật mình, ngã lăn xuống bờ suối (...).

Nghĩa bóng của câu nói là:

- Một lực lượng du kích nhỏ đánh phục kích một cánh quân của địch ở nơi hiểm yếu thì vẫn có thể thắng được (...). Không phải cứ lấy số đông ồ ạt mà đã tác động hoặc áp đảo được một thứ gì nhỏ bé, vây  kín được một vật gì 
nhỏ bé (6).

Chuyện bắt đầu... bé xé ra to.

Bên cạnh ông Đùng bà Đà "khổng lồ" của thần thoại, hay "thô bạo", "hấp tấp" của suy diễn cao siêu, chúng ta còn có ông Đùng bà Đà của dân gian vùng Hưng Yên. Ông bà này là người trần mắt thịt.

Thần phả của làng Đông An, tỉnh Hưng Yên cũ, cho biết ông Đùng bà Đà là hai chị em ruột, sống về thời Ngô Quyền (thế kỉ 10). Ông bà lấy nhau. Bị nhà vua kết tội loạn luân, phải chết chém. Ông bà rất linh thiêng, được dân làng lập đền thờ. Hàng năm làng mở hội vào tháng ba, diễn lại sự tích luyến ái của hai ông bà (7).

Ông Đùng bà Đà là nhân vật được dân làng Đông An thờ, hàng năm được hội làng diễn lại sự tích. Được người Thái Bình đặt điệu múa hát kỉ niệm.

Ngoài ra, ông Đùng bà Đà còn được tranh dân gian Oger ghi lại.

Ba nguồn tài liệu của ba vùng văn hoá khác nhau cho thấy ông Đùng bà Đà không phải là người khổng lồ của thần thoại. Ông bà cũng không dính dáng gì đến cử chỉ thô bạo, hành động nóng nảy, hấp tấp.

Sách vở đời sau lẫn lộn, gán cho ông bà nhiều điều viển vông. Mạnh ai nấy nói, khó tránh được tình trạng Ông Đùng nói gà, bà Đà nói vịt.
 

Ông Đùng
Bà Đà
Ông Tơ bà Nguyệt

Ông Tơ bà Nguyệt là một cặp vợ chồng người Hoa. Bà Nguyệt vốn là đàn ông, được giải phẫu thành đàn bà. Tình sử của ông bà như sau :

Ngày xưa, Vi Cố đi chơi gặp Nguyệt lão ( ông già ngồi dưới bóng trăng) đang xem sách, bên cạnh có chiếc túi đựng một cuộn dây màu đỏ (xích thằng, tơ hồng). Ông già nói rằng cuốn sách của ông chép tên những cặp trai gái sẽ lấy nhau. Cuộn dây màu đỏ dùng để buộc chân, gắn bó họ với nhau. Công việc của ông là ngày ngày xem sách, cặp nào "tới số" thì được ông kết duyên cho.

Nguyệt lão (ông Nguyệt), xích thằng (tơ hồng) của điển tích Vi Cố được văn học dùng để chỉ chuyện cưới xin, vợ chồng.

- Lạy cùng Nguyệt lão tơ hồng,
Trăm năm cho trọn chữ tòng mới an. 
                              (Lục Vân Tiên)

- Sinh rằng : " Nguyệt lão xe tơ,
Nhân duyên đã định Trần gia những ngày. 
                              (Nhị độ mai)

Nguyệt lão, người buộc chân trai gái bằng sợi tơ hồng, được ta gọi tắt là ông Tơ.
- Ông Tơ thật nhẽ đa đoan
Xe tơ, sao khéo vơ quàng vơ xiên ? 
                              (Kiều)
Nghề của ông Tơ là đi xe duyên cho trai gái. Cám ơn ông Tơ. Nhưng chính bản thân ông thì cứ vò võ ngày đêm. Chẳng lẽ cứ để ông sống độc thân, lăng xăng ăn cơm nhà, vác ngà voi cho thiên hạ sao? Phải tìm người đứng ra xe duyên cho ông Tơ chứ ! Nhà nho run sợ thoái thác. Chuyện này vượt ra ngoài... sách vở Tàu. Giới bình dân đành phải tình nguyện đứng ra gánh vác việc tìm người "xoa gối nâng râu" cho ông Tơ. Nhưng, tìm mãi vẫn chưa được em nào chịu lấy Lão Tơ. Cuối cùng, phải nghĩ đến... làm hàng giả, hàng dỏm. Bác sĩ của ta đè ông Nguyệt của Tàu ra... thiến. Khâu vá, tân trang, uốn nắn một hồi, biến ông Nguyệt thành... bà Nguyệt.

Từ ngày đó, văn học của ta có ông Tơ, bà Nguyệt. Hai tổ sư của nghề tìm bạn bốn phương.

- Ước gì anh lên được trời
Anh chôn bà Nguyệt, anh vùi ông Tơ.

- Ông Tơ, bà Nguyệt lừa ta
Lại thêm bà mối chả ra cái gì.

Có người bĩu môi chê "Bà Nguyệt ông Tơ chỉ vẽ vời" ! Vẽ vời ra sao thì chưa biết. Trước mắt chỉ thấy vào khoảng những năm 1920-1930, phong trào đòi "nam nữ bình quyền" nổi lên rầm rộ, nghệ nhân dân gian đã vẽ vời ra cặp tranh Ông Tơ se chỉ thắm / Bà Nguyệt kết tơ đào. Hai tấm tranh được bố cục đối xứng. Tên tranh cũng đối nhau từng chữ. Bên này là ông Tơ, bên kia là bà Nguyệt.

Tranh Ông Tơ bà Nguyệt phải có đôi, treo cạnh nhau, trông mới đẹp. Người chơi tranh sành điệu bắt buộc phải mua cả cặp. Mác-kết-tinh khá ra phết !

Râu ông Tơ cắm cằm bà Nguyệt cũng chả sao.

Trẻ con bập bẹ bắt chước người lớn, đặt tên ông này bà nọ, ca hát vớ vẩn:

- Ông Giăng mà lấy bà Sao
Đến mai có cưới cho tao miếng giầu
Ông Ngâu bà Ngâu

Ông Ngâu bà Ngâu cũng là người Hoa. Tình sử của ông bà lâm li, sầu thảm.

- Tục truyền tháng bảy mưa ngâu
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền
                              (Tản Đà).
Ông Ngâu vốn làm nghề chăn trâu. Tên cúng cơm của ông là Ngưu Lang (chàng chăn trâu). Bà Ngâu giỏi nghề dệt vải. Tên con gái của bà là Chức Nữ (nàng dệt vải).

Chức Nữ là con trời. Có người nói là cháu trời. Né tránh mấy ông con trời chăng ? Chức Nữ được bố gả cho Ngưu Lang.

- Hữu tình chi bấy Ngưu Lang
Tấm lòng Chức Nữ vì chàng mà nghiêng 
                              (Nguyễn Đình Chiểu).
Không ngờ... Ông Ngâu bà Ngâu yêu nhau... quá trời! Bỏ bê công việc hàng ngày. Đáng lo ngại hơn nữa là từ ngày được hú hí bên nhau, ông bà coi thường cả phép trời khiến ông trời...rụng rời, muốn sập. Không được! Sau luỹ tre xanh rậm rạp, bọn nhà quê coi Phép vua thua lệ làng thì ông còn tha thứ được. Nhưng con gái, con rể ông định chơi trò Phép trời đời săng phú giữa thanh thiên bạch nhật thì ông cho chúng mày biết tay ông!

Ông trời bèn nổi trận lôi đình, bắt đày ông Ngâu bà Ngâu mỗi người ở một bên sông Ngân. Mỗi năm cho qua cầu Ô Thước gặp nhau một lần vào đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch. Vợ chồng gặp nhau chỉ còn biết ôm nhau (vẫn chứng nào tật nấy) than khóc. Nước mắt đầm đìa, rơi xuống trần gian thành mưa dầm tầm tã. Ta gọi là mưa Ngâu (Ngưu).

Tranh Ông Ngâu bà Ngâu (được vẽ vào khoảng năm 1930) đánh dấu một thay đổi trong xã hội Việt Nam.

Thời Tây, phần đông các ông sống ở thành thị đều ước mơ được làm ông thông (thông ngôn), ông phán (fonctionnaire, công chức). Các bà hãnh diện "ăn theo", được làm bà thông, bà phán. Người ta bắt đầu gọi các bà theo chức tước, nghề nghiệp của chồng. Ngày nay đi lễ chùa hay đi chợ vẫn thường thấy bà bác sĩ này, bà đại tá nọ vồn vã chào hỏi nhau... Người vẽ tranh Ông Ngâu bà Ngâu còn đi xa hơn cách xưng hô của xã hội đương thời. Không gọi Chức Nữ là "bà chăn trâu" mà lại gọi bà bằng tên Nôm cúng cơm của chồng.

Trẻ con ê a cập nhật, hứng thơ nổi lên như ngựa bất kham :

- Ông Nhang mà lấy bà Nhang
Đẻ ra con rắn thằn lằn cụt đuôi
Ông Nhang bảo để mà nuôi
Bà Nhang đánh chết đem vùi đống gio...
Người lớn tha hồ nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá ông Nhang bà Nhang của trẻ con!

30 năm sau Ông Ngâu bà Ngâu, bà con trong Nam mới có ông Nhu bà Nhu!

Ông tây bà đầm

Ông tây bà đầm là thực dân Pháp. Sử gọi là đám Bạch quỷ, Tây dương, Phú Lang Sa (France). Dân gian gọi ngắn gọn là ông tây, người Pháp. Vợ của ông tâybà đầm (dame).

- Con gái đời nay, gái mới ngoan,
Quyết lòng ẩu chiến với Tây quan.
...
Trời đất khéo thương chàng bạch quỷ
Giang san riêng sướng ả hồng nhan...
                              (Nguyễn Khuyến, Lấy Tây)
Nguyễn Khuyến còn làm bài thơ chữ hán Tây kĩ (Đĩ Tây(8), có kèm lời tiểu dẫn:

Nghe biết ngày sứ bộ về nước, vài chục con đĩ Tây trần truồng kéo đến, đứng ngay giữa cửa, các ông lặng thinh không ai nói gì. Lúc ấy trước mặt ông bồi sứ họ Nguyễn có một lọ nước hoa và cái lược ngà, chúng liền lấy nước hoa rảy vào âm hộ rồi lấy lược chải.

Hai câu cuối của bài Tây kĩ :

- Cánh thủ nha sơ, hương hạp khứ,
Tư mao địch cấu vị tằng sai.
Hoàng Tạo dịch:
- Nước hoa sẵn đấy, lược ngà đấy,
Rửa ghét cào lông chẳng sượng sùng.
Đúng như các cụ vẫn thường nói Đứa dại cởi truồng, đứa khôn xấu mặt.
- Có thuở nào như thuở ấy không,
Nóng mặt che đầu kín quạt lông?
Tây Lang Sa mang thêm Tây đen (Ấn Độ, Phi châu) vào nước ta. Tây đen được dân Hà Nội phân chia, xếp hạng theo sắc độ. Từ phơn phớt đen, "nhuôm nhuôm", "cà phê sữa", đến đen đậm, "tượng đồng đen", sau cùng là đen kịt, "cột nhà cháy". Dân quê sợ chết đi được mấy ông lính lê dương (légionnaire) người Sénégal, Dahomey (Bénin ngày nay), cột nhà cháy lại còn được chạm trổ chằng chịt. Mọi người vừa mời vừa đuổi đám "Tây đen rạch mặt" này ngồi chiếu riêng!

Người Ấn Độ được xem là thành phần khá nhất của làng Tây đen.

- Nhác trông xam xám màu da
Líu lo, rủng rỉnh, xe nhà... Gượng vui!
Phần đông người Ấn sống bằng nghề bán vải (tây Bombay), hay cho vay tiền (tây Chetty). Nhiều chàng được đời ưu đãi:
Nước trong xanh lơ lửng con cá vàng,
Cây ngô cành bích con chim phượng hoàng nó đậu cao.
Anh tiếc cho em phận gái má đào,
Tham đồng bạc trắng mới gán mình vào cái chú Tây đen.
Sợi tơ hồng ai khéo xe duyên,
Treo tranh tố nữ đứng bên anh tượng đồng !
Chị em ơi, ba bảy đường chồng...
                              (Tản Đà, Con cá vàng)

Những người con dõi cháu dòng
Tây đen lắm chị đem lòng thương yêu
Chỉ yêu vì nỗi tiền nhiều
Thấy đồng bạc trắng quyết liều môi son
                              (Tranh dân gian)

Bên cạnh ông Tây tất nhiên phải có bà Đầm (Dame).
Trong ba tháng hạ, lắm người chơi,
Lại nhất chiều mát càng đông đủ.
Ông Tây, bà Đầm, Nhật Bản, Khách,
Phán, Ký, làng Nho, bồi, bếp, vú.
                              (Tản Đà, Chơi trại Hàng Hoa)
Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng
                              (Tú Xương, Giễu người thi đỗ)
Ông tây bà đầmđưa mốt nhảy đầm vào Việt Nam. Người chê cũng lắm, người mê cũng nhiều. Rồi cũng tới ngày ông tây bà đầm dắt nhau về nước. Nhưng nhảy đầm cứ nằm ăn vạ tại Việt Nam, không chịu về cố quốc. Có tin đồn Nhảy đầm sắp được ta vinh danh là một bước nhảy vọt của nền "văn hoá truyền thống"!

Thời Tây còn có Ông via bà via. Dễ nhận diện ông bà này.

Via là biến âm của vieux (già). Ông via bà via là ông già bà già. Nghĩa rộng phổ biến là cha mẹ.
Cụ Hồng (biết rồi, khổ lắm, nói mãi) nói với ông con trai:
- Moa đi tìm toa có việc cần. Cụ via nhà ta dễ sắp... về. Bây giờ tưởng đã đến lúc tìm một vị y khoa bác sĩ để trước khi cụ via chết, cụ via cũng được hưởng một chút khoa học Thái Tây... (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ, 1936).
Ba hồn bảy vía cụ via ơi!

Ông Bô bà Bô

Ông Bô bà Bô xuất hiện tương đối trễ. Ông bà là ai?
Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) có từ Bô.
: Bậc chí tôn, đời thượng cổ nước ta gọi vua là "bô". Ông cụ già đáng tôn kính cũng gọi là "bô".

chỉ dùng cho các cụ ông. Các bô lão được mời dự hội nghị Diên Hồng đời Trần hay các bô lão được ngồi chiếu trên ăn uống ngoài đình làng, tất cả đều là... cụ ông. Tiếng Việt không có bà bô hay bà bô lão. Ta chỉ nói bà cụ hay bà lão.

Năm 1931, tiếng Việt chưa có ông Bô bà Bô. Phải chờ đến năm 1971, Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí mới có ông bô, bà bô:

: Cụ già. Nghĩa rộng của là bố, cha. Thí dụ: ông bô, bà bô.

Quái lạ! là bố, là cha. Bà bô là... bà bố, bà cha à? Thí dụ đưa ra không đúng với định nghĩa.

Tự điển Việt Nam bị lúng túng với từ . Điều này cũng cho phép suy đoán là thành ngữ ông bô bà bô chưa được dùng phổ biến.

Có người cho rằng ông bô bà bô là người Pháp, là les beaux parents (bố mẹ vợ hay bố mẹ chồng). Nếu đúng như thế thì cứ chịu khó tìm biết đâu một ngày kia sẽ thấy cả anh bô chị ben (beau frère, belle soeur: anh em rể, chị em dâu). Mặt khác, beaux parents không phải là cha mẹ đẻ, vì vậy không thể là ông bô, bà bô của Tự điển Việt Nam được.

Tra tìm trong sổ hộ tịch của Tây thì được biết gốc gác khá li kì của Ông Bô bà Bô.

Ông bà là nhân vật của tiểu thuyết Madame Bovary của Gustave Flaubert. Năm 1856, Madame Bovary của Flaubert được báo Revue de Paris đăng nhiều kì. Truyện bị nhà thờ phản đối, dư luận xã hội lên án. Thậm chí chủ báo bị đưa ra toà với tội danh "phổ biến văn hoá đồi truỵ", "xúc phạm thuần phong mĩ tục". Nhưng cuối cùng ông được toà xử trắng án.

Năm 1857, Madame Bovary được xuất bản thành sách. Bán rất chạy. Flaubert nổi tiếng từ đấy.

Sau báo, sách, đến lượt xi-nê-ma khai thác Madame Bovary. Vào khoảng năm 1955-1960, phim Madame Bovary lần mò sang "hòn ngọc Viễn Đông". Madame Bovary lập tức trở thành Bà Bô của thanh niên, trí thức Sài Gòn.

Ban đầu, ông Bô bà Bô (tên riêng, viết chữ hoa) là tiếng lóng ám chỉ các cặp vợ chồng có lối sống ông ăn chả, bà ăn nem. Buông thả, xì-căng-đan. Chẳng bao lâu, ông Bô bà Bô bị biến tướng, trở thành ông bô, bà bô. Tên người trở thành tên chung. Ông bà Bovary vô tình trở thành cha mẹ. Thành ngữ ông bô, bà bô ra đời tại Sài Gòn vào khoảng năm 1960.

Văn hoá giao lưu chồng tréo tưng bừng. Nhớ thuở Sài Gòn có Nắng lên xóm nghèo, hay Mưa trên phím ngà, thỉnh thoảng được nghe trộm tâm sự của người lớn:

- Ông bô bà bô moa không chịu en. (Bố mẹ tao không chịu em).

- Luý xăng phú ông bô bà bô. (Hắn coi thường bố mẹ).

Cùng là nhưng rõ ràng tây khác ta.

***

Trai gái lớn lên hầu như tất cả đều mơ được trở thành ông bà. Nhưng thực hiện được giấc mơ này không phải là dễ. Phải... có tiền! Có tiền mua tiên cũng được, huống hồ là mua em. Ngày xưa, muốn có tiền phải làm quan. Muốn làm quan phải thi đỗ. Vậy, thi đỗ là được... chọn vợ. Tam đoạn luận chắc như cơm nếp nát!

Rồi thời gian lặng lẽ trôi... Người ta đòi môn đăng hộ đối. Bên này có ba bò chín trâu thì bên ấy cũng phải có ao sâu cá mè cho xứng đôi vừa lứa.
Sang đầu thế kỉ 20, cụ Khổng, cụ Mạnh bị đám bạch quỷ cạnh tranh. Xã hội tân thời đẻ ra mốt "phi cao đẳng bất thành phu phụ". Tốt nghiệp cao đẳng là... sướng rồi.

- Xưa kia có một thứ tham
Là ông "tham biện" bực sang tột vời.
Từ khi cao đẳng ra đời
Nước ta lại được thêm vài thứ "tham".
Tú Mỡ gọi đùa mấy trường Cao đẳng Canh nông, Lục lộ, Thương mại, Mĩ thuật... là lò đào tạo các ông tham cày, tham đạc, tham buôn, tham vẽ.
- Nghìn năm vạn vật cố đô
Đất Thăng Long mới được mùa "ông tham"
Biết bao gái đẹp, giàu sang,
Cũng đương tấp tểnh "bà tham" sau này.
                              (Tú Mỡ, Được mùa tham).
Rước dâu bắt đầu cồng kềnh, ầm ĩ. Ô tô mười chiếc nghênh ngang, Tránh sao ngõ, hẻm, đường làng quanh co (Tú Mỡ).

Rồi cách mạng mùa thu, kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Lịch sử sang trang... ngày hôm nay.

Ngày nay, có tiền là... còn hơn làm quan. Có nhiều cách hái ra tiền. Tuy vậy, người ta vẫn thích có mảnh bằng làm bùa hộ mệnh, che mắt thánh. Cao đẳng nhường chỗ cho tiến sĩ. Tiến sĩ thật càng tốt. Tiến sĩ giả cũng chả sao. Dễ gì đã phân biệt được!

Thời mới, cô dâu nhí nhảnh đòi mặc váy. Phải gió cái nhà anh này, ai lại mặc váy sồi, váy đụp của các cụ. Chú rể mặc vét, thắt cổ. Thế à, gọi là thắt... cà-vạt à? Còn vét? Vét-tông chứ không phải vét nồi, vét niêu đâu.

Rước dâu nhất định phải đẳng cấp, phải... khủng. Rôn Roi (Rolls-Royce) rồng rắn rình rang. Phất phơ Pho (Ford) phủi phố phường.

Ăn uống vài trăm người. Có sân khấu vui nhộn. Bia, rượu, ga-tô. Khán giả ngất ngưởng, nôn oẹ. Vô tư, thoải mái.

Văn hoá, văn minh. Đắt khách. Giá phải trả cũng khá đắt.

Tình sử của các ông bà Việt Nam có một trường hợp ngoại lệ: Công chúa Tiên Dung, cô con gái rượu của vua Hùng Vương dám cãi lời cha, tự ý lấy Chử Đồng Tử, một anh chàng không bằng cấp, gia tài không có nổi cái khố che thân.

Các nhà sử học, xã hội học, đạo đức học, đánh giá rất cao mốt "Tắm tiên" ấn tượng của công chúa Tiên Dung. Hành động "đổ nước, trôi cát" của bà đã mở đường cho các phong trào "nước chảy, hoa trôi" sau này.

Tuy vậy, công chúa Tiên Dung vẫn bị giới bình dân phê bình là... hơi ngu. Rước dâu không đòi kiệu vàng. Dạ tiệc không có siêu sao ngước trông lên anh đếch thấy gì giúp vui... Xin lỗi bà con cô bác, lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỉ (Vũ Hoàng Chương), thời công chúa Tiên Dung chưa có mốt đú đởn như vậy!

Thời nào nước ta cũng có một cặp ông bà nổi tiếng. Nổi tiếng nhưng... đáng ngại. Ai cũng biết tên nhưng chẳng ai muốn gặp ông bà này. Ông bà không hề có vấn đề lí lịch hay lí luận gì cả.

Ông bà ngày ngày... ông đi qua, bà đi lại giữa "rừng vàng biển bạc" của các đại gia. Chính ông bà đã đặt ra một vấn đề nan giải cho xã hội.

Nguyễn Dư
(Lyon, 4/2012)
(1) - Nguyễn Lực, Lương Văn Đang, Thành ngữ tiếng Việt, KHXH, 1978.

(2) - Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Văn Hoá, 1989.

(3) - Văn học dân gian Thái Bình, tập 1, Khoa Học Xã Hội, 1982, tr. 14-15.

(4) - Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao, tập trên, Mặc Lâm, 1967, tr. 274.

(5) - Khảo sát Văn hoá truyền thống Liễu Đôi, Khoa Học Xã Hội, 1982, tr.357.

(6) - Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, in lần thứ tám, KHXH, 1978, tr. 67.

(7) - Toan Ánh, Hội hè đình đám, quyển hạ, tr. 233-236.

(8) - Thơ văn Nguyễn Khuyến, Văn Học, 1971, tr. 220.