Chim Việt Cành Nam             [ Trở Về  ]           [Trang chủ            [ Tác giả ]

Rủ nhau đi cầu

Nguyễn Dư

 Nói chung, dân ta thích... đi cầu. Đi nhiều kiểu, dùng nhiều cầu khác nhau. Cái thì bắc qua sông, qua lạch để lối xóm qua lại thăm hỏi nhau. Cái thì dựng trên mặt nước để ngồi ngắm mây bay rác nổi, buông xả chất chứa trong lòng. Có cái dẫn dắt vào cổng hậu công đường để thầm thì bàn tính đại sự.

Xưa kia, ta chỉ làm được cầu bé và ngắn. Xây bằng đá, bằng gạch hay đóng bằng gỗ, bằng tre. Gặp khúc sông rộng khó bắc cầu thì dùng thuyền để qua.

Lâu lắm rồi, tôi được nghe 2 câu hát ru em:

Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Mấy chục năm sau, đọc sách Tục ngữ, phong dao của Nguyễn Văn Ngọc (1), gặp lại 2 câu hát trong một bài thơ 4 câu:
Bồng bồng mẹ bế con sang,
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.
Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Đọc một lần thấy hơi ngang tai. Đọc hai lần thấy bực mình như nhai phải sạn.

Bài thơ kể chuyện bà mẹ bế con sang nhà một ông thầy để xin học cho con.

- Về mặt hình thức, câu thơ thứ ba lạc vận, không đi với câu thứ nhì.

- Nội dung không trình bày đúng tình trạng xã hội phong kiến. Ngày xưa học trò phải hầu thầy, làm việc nhà cho thầy, trước khi được học chữ. Đứa bé trong câu chuyện còn phải bế ẵm, đi đái đi iả phải có người lau chùi thì thầy nào dám nhận? Một điều vô lí khác là mẹ phải lo chuyện chữ nghĩa thánh hiền cho con.

Ới cụ Khổng ơi, cái khuôn vàng thước ngọc nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô của cụ mất thiêng rồi. Bố thằng cu Tu thân, tề gia kiểu này thì làm sao mà bình thiên hạ được?

May quá, nỗi bực mình của tôi được sách 6 truyện-thơ nôm đầu thế kỷ XX(2) giải toả giùm. Sách này chỉ chép:

Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Rõ ràng Nguyễn Văn Ngọc đã ghép mấy câu thơ có nội dung khác nhau thành một bài ca dao ngớ ngẩn, đầu Ngô mình Sở.

Bây giờ xin bàn về hai câu hát ru em.

Câu thứ nhất hơi khó hiểu. Sang Kiều nghĩa là gì?

- Sang có thể được hiểu theo hai nghĩa: sang trọng hay đi sang thăm nhau.

Chữ nôm phân biệt 2 cách viết chữ Sang.

Sang (sang trọng) = chữ Cự + chữ Lang.

Sang (đi sang) = bộ Sước + chữ Lang.

Chữ Sang của câu thơ nghĩa là đi sang. Xin lợi dụng trường hợp chữ Sang để thỏ thẻ rằng không phải lúc nào cũng Nôm na là cha mách qué, trái lại đôi khi Nôm na là cha quốc ngữ.

- Kiều, ngoài nghĩa thông thường là cái cầu còn có nghĩa là cây cao (Thiều Chửu), cây cao cành cong (Đào Duy Anh).

Cầu kiều là cầu cao, cầu cong. Một kiểu cầu đẹp của ngày xưa.

Câu thơ thứ nhất muốn nói:

- Đấy muốn sang đây thì phải bắc cầu cao, cầu cong mà sang. Anh ơi, bố mẹ em muốn nhắn anh cái mục môn đăng hộ đối đấy! Anh có đủ sức, đủ điều kiện thì hãy sang chơi!

Câu thơ thứ nhì nhắn nhủ:

- Ai muốn cho con được học hành tử tế thì phải yêu thầy. Gợi ý như vậy mà vẫn chưa hiểu à? Bố mẹ chậm hiểu như vậy thì làm sao mà con thông minh cho được? Thầy muốn bồi dưỡng, phong bì đấy! Yêu thầy như thể... yêu ma. Mau lên!

Hai câu hát của những năm đầu thế kỉ 20 cho thấy tư duy của một lớp người Việt Nam chỉ biết trọng tiền bạc, giàu sang, hành xử bằng thói quen đút lót. Chắc chắn lớp người này thời nào cũng có, kể cả thời nay.

Cũng may, từ xưa đến giờ dân ta luôn có nhiều tình cảm sâu đậm hơn:

- Ai về cầu ngói Thanh Toàn / Đợi đây về với một đoàn cho vui
- Ước gì sông rộng một gang / Bắc cầu giải yếm, để chàng sang chơi
- Chắc về đâu đã hẳn hơn đâu / Cầu tre vững dịp hơn cầu thượng gia.
Cầu giải yếm là cầu hẹp. Cầu thượng gia, tên đầy đủ là cầu thượng gia hạ trì (trên là nhà dưới là ao), còn gọi là cầu (lợp) mái hay cầu (lợp) ngói. Huế có cầu Thanh Toàn, Hội An có cầu Nhật Bản...

Hai bên vào chùa Thầy (Hà Tây) mỗi bên có một cầu thượng gia hạ trì. Đáng tiếc là người viết bài giới thiệu lịch sử chùa Thầy lại gọi là cầu thượng gia hạ kiều (trên là nhà dưới là cầu). Dưới cái cầu là... cái cầu ! Ngày xưa ta không có cầu... hai tầng như vậy.

Thôn quê có cái cầu ao gần gũi, gắn bó với mọi người.

Giã ơn cái cối cái chày
Đêm đêm giã gạo có mày có tao
Giã ơn cái nhịp cầu ao
Đêm đêm giã gạo có tao có mày
Cầu ao không bắc từ bờ này sang bờ kia để qua lại mà chỉ bắc từ bờ nhô ra mặt nước độ một, hai mét để ngồi rửa rau, vo gạo, giặt giũ, tắm gội.

Ta có một kiểu cầu tre đặc biệt là cầu khỉ. Tên nghe ngộ nghĩnh. Tự điển Génibrel dịch là: Pont de singes. Pont difficile à passer.

Cầu khỉ khó đi thì ai cũng đồng ý. Nhưng nói rằng cầu khỉ là cầu của khỉ, hay được khỉ dùng để qua lại thì nước ta từ xưa đến nay chưa hề có. Làng quê Việt Nam chưa được thấy khỉ... đi cầu bao giờ.

- Khỉ (hay Khởi, bộ Tẩu), nghĩa là đứng dậy (khởi nghĩa, quật khởi), bắt đầu (khởi hành, vạn sự khởi đầu nan).

Con vật đứng dậy được được ta gọi là con khỉ. Cái cầu có từng cặp thân tre bắt tréo nhau, trông như người đứng dạng chân, được ta gọi là cầu khỉ. Cầu khỉ không dính dáng gì với con khỉ.

Miền Nam có một kiểu cầu độc đáo là Cầu tiêu.

Thuở ban đầu, cầu tiêu là một bộ phận của nhà sàn trên sông lạch, được dùng làm chỗ đi đại tiện, đi iả, đi cầu. Ngày nay, cầu tiêu được hiểu theo nghĩa rộng. Máy bay trên trời, xe lửa dưới đất, nhà cao tầng ngất ngưởng, chỗ nào cũng dùng cầu tiêu.

Cho mãi đến những năm 1965-1970, xóm Thị Nghè vẫn còn cầu tiêu công cộng lộ thiên. Trên là trời, dưới là... rau muống.

Văn học có cầu Ô Thước tưởng tượng trên trời.

Tục truyền, Chức Nữ là cháu trời, làm nghề dệt vải rất siêng năng. Trời đem gả cho Khiên Ngưu làm nghề chăn trâu. Hai vợ chồng quá âu yếm nhau, không giữ được đúng phép trời. Trời phạt, đem đày mỗi người ở một bên sông Ngân Hà. Mỗi năm trời chỉ cho phép hai vợ chồng qua sông gặp nhau một lần vào đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch do cái cầu của chim ô thước bắc. Vợ chồng gặp nhau khóc than về cảnh li biệt. Nước mắt chan chứa, rơi xuống trần gian thành mưa dầm tầm tã, tục gọi là "mưa Ngâu tháng bảy" (3).

- Nọ thì ả Chức, chàng Ngâu
Tới trăng thu, lại bắc cầu qua sông (Chinh phụ ngâm)
- Đưa thơ tính đã nhiều lần,
Cầu Ô rắp bắc sông Ngân cùng nàng (Phạm Tải Ngọc Hoa)
Tỉnh Thiểm Tây bên Tàu có cầu Lam (Lam kiều). Tục truyền nơi đây Bùi Hàng được gặp tiên. Do đó, cầu Lam thường được thơ văn dùng để ám chỉ việc trai gái gặp nhau.
- Chày sương chưa nện cầu Lam
Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng (Kiều)
- Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang (Kiều)
Nước ta cũng có cầu Lam (La Sơn, Nghệ An). Cầu Lam của ta không phải là nơi trai gái hẹn hò.

Sử nhà Lê, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đều chép:

Năm 1413, mùa hạ, tháng 4, bọn Trương Phụ nhà Minh đánh vào Nghệ An.

Vua (Trần Quý Khoáng) chạy về châu Hoá, sai đài quan là Nguyễn Biểu làm sứ cầu phong, mang sản vật địa phương tới Nghệ An. Trương Phụ giữ lại. Biểu tức giận mắng Phụ rằng : "Trong bụng thì mưu đánh lấy nước, bên ngoài giả làm quân nhân nghĩa ; đã hứa lập con cháu nhà Trần, lại đặt quận huyện không những chỉ cướp lấy vàng bạc châu báu, lại còn giết hại nhân dân, thực là giặc tàn ngược". Phụ giận lắm đem giết (4).

Sách Nghĩa sĩ truyện của Hoàng Trừng (cháu ngoại của Nguyễn Biểu) cho biết thêm nhiều chi tiết: "Khi tới trước quan Trương Phụ bọn giặc bảo Ngài lạy. Ngài đứng trơ không nhúc nhích. Nhân thế giặc đặt tiệc thết, nấu một đầu người mà mời, cốt để dò cho rõ ý Ngài. Ngài tức thì lấy đũa khoét hai mắt, hoà với giấm mà nuốt (trong bản chép có chua thêm rằng: Lúc tiệc bày ra, Ngài cười mà nói: đã mấy lúc mà người Nam lại được ăn đầu người Bắc).

Trương Phụ than rằng: "Thực là một tráng sĩ, thấy thế mà không kinh sợ". Giặc biết ngài không chịu khuất, lấy lễ phép mà mời Ngài về.

Ngài về tới cầu Lam. Có tên Phan Liêu là con Phan Quý Hựu, người làng Bàn Thạch, huyện Thạch Hà, trước đã hàng với giặc, được làm tri châu Nghệ An và hay cùng giặc vào ra bàn bạc. Nhân đó, Trương Phụ hỏi Liêu rằng Ngài là người thế nào ? Liêu vốn cùng Ngài không thích hợp, nên nói rằng: "Người ấy là một người hào kiệt nước An Nam. Nếu Ngài muốn lấy nước An Nam mà lại thả người ấy ra thì việc làm sao xong được". Trương Phụ cho là phải, tức thì sai người đuổi bắt trở lại (...) . Trương Phụ trói Ngài vào dưới cầu Lam, trước chùa Yên Quốc, rồi đánh chết.

Dân gian còn truyền rằng lúc cỗ đầu người đã dọn ra, ông nói đùa một câu (người Nam được ăn đầu người Bắc) và ngâm bài thơ này :

Ngọc-thiện, trân-tu đã đủ mùi,
Gia-hào thêm có cỗ đầu người.
Nem cuông chả phượng còn thua béo,
Thịt gũ gan lân hẳn kém tươi.
Ca lối lộc-minh so cũng một.
Vật bày thỏ-thủ bội hơn mười
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn,
Tráng-sĩ như Phàn tiếng để đời (5).
Sử không chép truyện Nguyễn Biểu "ăn cỗ đầu người" và làm bài thơ nôm như sách Nghĩa sĩ truyện và truyền thuyết dân gian.

Nhiều người khen truyện "ăn cỗ đầu người" hay. Đảm lược đến thế là cùng. Nhưng cũng có nhiều người chê. Không tin chuyện Trương Phụ nuôi người để ăn thịt. Không tin chuyện trước khi  nhâm nhi món "giò thủ" xào nấu kiểu Yên Kinh, Nguyễn Biểu còn trêu tức Trương Phụ bằng một bài... thơ nôm! Nghi ngờ cả chuyện người hầu bàn vô danh nào đó chỉ nghe qua một lần mà thuộc lòng được bài thơ để kể lại, chép lại cho đời sau.

Con cháu viết gia phả, kể truyện để ca tụng cha ông thì nhiều khi chỉ có chính cha ông mới kiểm chứng được.

Lịch sử còn có cầu Giấy (Hà Nội) là nơi ghi 2 chiến công : giết Francis Garnier năm 1873, giết Henri Rivière năm 1883.

Các bạn ơi, chắc trong đám tụi mình đứa nào cũng còn nhớ dăm ba câu :

- Đây sông Gianh, đây biên cương thống khổ
Đây sa trường, đây nấm mộ trời Nam
Đây dòng sông, dòng máu Việt còn loang
Máu dơ bẩn muôn đời không rửa sạch... (Hận sông Gianh)
Chia cắt, chết chóc.
 
Cầu Hiền Lương (Ảnh Văn Bảo)

Có ai ngờ mấy trăm năm sau, lịch sử lại có thêm sông Bến Hải, thêm cầu Hiền Lương. Lại chia cắt, chết chóc suốt 21 năm trời (1954-1975).

Vợ nhớ chồng:

- Cách một con sông mà đó thương đây nhớ
Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa
Chồng nhớ vợ:
- Cầu nối nhịp duyên ta tròn vẹn
Dòng Hiền Lương mát bến xuôi đò
Con sông vẫn đẹp đôi bờ
Tấm lòng có một, cơ đồ không hai
               (Nguyễn Bính, Gửi người vợ miền Nam, 1956)
Nam Bắc cùng mơ ngày:
- Con sông Bến Hải xoá mờ ranh giới
Non sông nước Việt ngày hết chia đôi
Tình Trung Nam Bắc thống nhất giang san
Nắm tay kết đoàn niềm vui hân hoan...
Vào những năm 1960, chương trình Nhắn qua Bến Hải của đài phát thanh Sài Gòn réo rắt Tung cánh chim tìm về tổ ấm. Bố nói với mẹ: Ngày về của Hoàng Giác nghe thật thấm thía. Bà còn nhớ Hoàng Giác, con rể bác Thanh Hàng Lọng không ? Chả biết hai bác bây giờ ra sao, có còn xưởng làm đồ chơi cho trẻ con không? Mẹ chép miệng, thở dài...

Một chiếc cầu lịch sử khác của thời kì chia cắt thỉnh thoảng được nhắc tới:

Năm 1964, Nguyễn Văn Trỗi mưu tính gài mìn cầu Công Lý (Sài Gòn), chờ lúc xe hơi chở bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ McNamara đi qua thì cho nổ. Nhưng chuyện không thành, Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Việt Nam Cộng Hoà bắt và xử bắn tại khám Chí Hoà.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, hơn nửa thế kỉ rồi mà hình ảnh 2 cái cầu Thị Nghè năm xửa năm xưa vẫn còn chập chờn trong trí nhớ.

Cái cầu Thị Nghè thứ nhất nằm trên đường Hồng Thập Tự (Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày nay). Suốt năm học đệ thất trường Trần Lục, tôi đi bộ qua lại không biết bao nhiêu lần trước cái cổng có lính gác, được người ta "ghi nhớ mãi hình ảnh của em Lê văn Tám tự tẩm dầu xăng châm lửa đốt thành cây đuốc sống xông thẳng vào thiêu huỷ kho xăng, đạn của giặc (Pháp) ở Thị Nghè" (6).

Một vài sử gia đã lên tiếng đính chính, sửa sai chuyện này. Không biết đã ngã ngũ chưa?

Dân Thị Nghè ngày xưa được chứng kiến nhiều biến cố. Mỗi lần đảo chính, quân đội từ Biên Hoà, Thủ Đức ầm ầm qua cầu Thị Nghè, tiến về Dinh Độc Lập. Máy bay bỏ bom Dinh Độc Lập cũng bay qua đây. "Phụ nữ bán quân sự" của bà Nhu cũng chọn Thị Nghè làm chỗ đóng trại, tập luyện.

Cái cầu Thị Nghè thứ hai toạ lạc trong sở thú (thảo cầm viên). Tuy chẳng đóng vai trò gì quan trọng nhưng cầu cũng nổi tiếng... kinh khủng! Cầu nối sở thú với làng Thạnh Mỹ Tây, nằm gần trường tiểu học của làng. Nhớ lại những lần tan học, đi vòng sang sở thú. La cà. Thủng thẳng. Thú ơi là thú!

Nhưng một ngày kia, một tai nạn khủng khiếp, thảm thương đã xảy ra tại cầu Thị Nghè này.

Năm đó, không nhớ rõ năm nào, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức Hội chợ Thị Nghè tại khu vực trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây. Quảng cáo rầm rộ cả tháng trời. Ngày khai mạc, rất đông người đi xem. Lối vào hội chợ được đặt tại đầu cầu phía Thạnh Mỹ Tây. Người đi xem bắt buộc phải vào sở thú, đi qua cầu.

Anh em tôi len lỏi mãi mới tới được chân cầu. Nghển cổ nhìn, bốn phía chỉ thấy người.

- Không lên được đâu. Chờ cho bớt người...

Nhưng người đi xem cứ ùn ùn đến. Chẳng bao lâu, cả trên cầu lẫn dưới chân cầu đều chật cứng người. Cười đùa vui nhộn. Nhạc vang trời.

Bỗng có tiếng kêu, tiếng hét phía trên cầu. Dường như có người bị ngạt thở. Nhưng dưới cầu vẫn tiếp tục cười đùa, chen lấn lên cầu.

- Trời đất ơi! Có người bị dẫm chết! Có người rớt xuống sông! Đừng lên! Đi xuống!

Kêu gào, xô đẩy mãi mới chặn được dòng người chen lên cầu. Người ta khiêng người chết, người bị thương xuống, đặt nằm cạnh chân cầu.

Tôi hoảng sợ, nắm tay anh đòi đi về.

Hôm sau, báo chí cho biết nguyên nhân chỉ vì ban tổ chức chỉ cho mở một cửa nhỏ để dễ kiểm soát người ra vào. Báo chí không cho biết số người chết và bị thương.

Tín ngưỡng dân gian có cầu Vòng, cầu giải oan.

Những kẻ độc ác, giết người lúc chết hồn bị đày xuống âm phủ, phải đi qua cầu Vòng. Cầu trơn, ai ngã xuống sẽ bị thuồng luồng, chó ngao cắn chết.

Cầu giải oan là cầu làm cho hồn người chết đuối dùng. Cầu gồm 2 phần:

- Một chiếc cầu bằng vải, bắc từ bàn thờ đặt trên bờ ra đến chỗ người bị chết đuối.

- Một cái thang bằng thân chuối, bắc từ dưới nước lên đến chiếc cầu vải.

Pháp sư, thầy cúng làm lễ. Hồn người chết đuối, chết oan, sẽ leo thang chuối, lên cầu vải, đến trước bàn thờ để được cầu siêu, được giải oan.

Thời bình, cầu được bắc để đi.

- Qua cầu dừng bước trông cầu / Cầu bao nhiêu dịp em sầu bấy nhiêu
Cầu là nơi trai gái hẹn hò, gặp gỡ :
- Yêu nhau cởi nón trao nhau / Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay
Nhiều người táo bạo hơn, cởi cả áo, cả nhẫn trao nhau. Về nhà mẹ hỏi, thưa rằng qua cầu gió bay. Bà mẹ nào ngây thơ mới tin cô con gái... phải gió, để bay cả áo, cả nhẫn. Cứ đà này thì coi chừng có ngày bay cả quần đấy. Mẹ con chỉ còn nước nhìn nhau cười trừ.

Thời chiến, phải phá cầu để địch không tải lương, chuyển quân được.

Ngày diệt quân Pháp tan
...
Dân tưng bừng chặt tre, phá cầu
Đào hào đắp luỹ xây hầm sâu
Giặc chưa tan chiến đấu chưa thôi
Đồng quê chào đón ngày mai
               (Văn Cao, Làng tôi)
Cầu Hàm Rồng (làm năm 1904) bắc qua sông Mã của tỉnh Thanh Hoá chiếm một vị trí rất quan trọng. Thời bình thì :
Ai xui ta nhớ Hàm Rồng,
Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây.
Từ ta trở lại Sơn Tây,
Con đường Nam, Bắc ít ngày vãng lai.
Sơn cầu còn đó chưa phai ?
Non xanh còn đối ? sông dài còn sâu ?
Còn thuyền đánh cá buông câu ?
Còn xe lửa chạy trên cầu như xưa ?
(...)
               (Tản Đà, Nhớ cảnh Hàm Rồng)
Thời chiến, cầu cần thiết cho vận chuyển quân sự. Vì vậy mà cầu lập được "kỉ lục" bị bom đạn đánh phá nhiều lần nhất, và lần nào cũng được sửa chữa nhanh chóng nhất để việc chi viện quân sự không bị gián đoạn.

Rất nhiều cầu bị bom đạn, chiến tranh tàn phá. Nhưng bom đạn không huỷ diệt được sức sống và niềm tin của người Việt.

Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm,
Tôi sẽ đi thăm, cầu gãy vì mìn
Đi thăm hầm chông và mã tấu...
               (Trịnh Công Sơn, Tôi sẽ đi thăm)
Hố bom rộng toang hoác được dân làng "thời kì đồ đá" chứa nước mưa thay cái ao làng. Bắc cầu hố bom để ngồi rửa bát.

Tất cả các cầu to lớn bằng sắt thép bắc qua sông Hồng, sông Hương, sông Sài Gòn... đều là do thực dân Pháp làm vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20.

Năm 1954, tôi được qua cầu Gia Lâm (cầu Doumer, Long Biên, làm năm 1903).

Sau ngày kí kết hiệp định Genève, sở Vô tuyến điện Hà Nội tuyên bố sẽ chuyển vào Sài Gòn. Nhân viên ai đi theo sở thì sẽ được bảo đảm tiếp tục công việc đang làm. Bố mẹ và anh Ph. bàn tính, không cho trẻ con biết, cuối cùng quyết định cả nhà di cư vào Nam. Anh Ph. sẽ đi trước với tổ chức của học sinh, sinh viên. Bảy đứa từ anh D. trở xuống sẽ đi với bố mẹ. Còn lại anh Đ. chờ giải ngũ, sẽ đi sau.

Tôi chưa hiểu được những lo buồn của người lớn. Chỉ thấy từ Bờ Hồ xuống phố Huế, từ Lò Đúc sang chợ Hôm đến tận hồ Ha-Le (Halais, hồ Thiền Quang) mọc lên nhiều chợ trời. Hà Nội... vui quá ! Người qua lại ồn ào, nhốn nháo. Tối tối xe nhà binh chạy qua nhà, rẽ sang phố Trần Hưng Đạo. Có tối thấy cả lính tây, lính ta tụ tập trên vỉa hè gần nhà. Sáng ra, thấy nhiều viên đạn còn mới toanh vứt ở gốc me, có viên rơi xuống miệng cống.

Một hôm tôi được bố chở bằng xe đạp Peugeot ghé vào chợ trời, xì xào với mấy người lạ. Đến ngã năm Gia Long, bố lại ngừng xe, nói chuyện với một người. Rồi bố đưa xe cho người này. Hai bố con đi bộ về nhà. Bố nói xe bán rồi.

Tôi được mẹ dắt về Hoàng Mai thăm bà nội và hai bác dưới làng. Mẹ nói sở đổi bố đi xa một thời gian. Bà nội vừa khóc vừa bù lu bù loa.

- Bà biết vợ chồng chúng mày dắt nhau vào Nam. Chúng mày đưa cháu bà vào "bãi cháy" cho mà chết hết.

Mẹ nói lảng sang chuyện khác. Hỏi thăm hai bác độ này ra sao. Trước khi ra về, mẹ đưa tiền cho bà.

Độ một tuần sau, hôm ấy trời chưa tối mà bố mẹ đã đóng cửa. Bố mẹ và anh D. lục đục lôi hai cái hòm, mấy cái gói, từ phòng trong ra xếp vào một góc phòng khách. Sau bữa cơm chiều bố mẹ dặn tối nay không đứa nào được đi ngủ, phải sẵn sàng chờ ôtô đến đón. Tôi nôn nao, thấp thỏm chờ được đi ôtô. Thích quá! Chưa bao giờ được đi ôtô.

Tối khuya, một chiếc ôtô nhà binh che bạt xịch đỗ trước cửa. Gia đình tôi khuân đồ đạc, leo lên. Trên xe có nhiều người cùng đi. Tôi bị nhét lọt thỏm giữa đám người lớn. Xung quanh được nêm chặt, có bị xô đẩy cũng không ngã.

Chiếc xe chật ních người được lệnh chạy. Thỉnh thoảng lại lắc lư như người say rượu. Mấy tấm bạt bị gió thổi, đánh phần phật. Tôi nghển cổ nhìn nhưng không thấy rõ đường phố. Mẹ lẩm bẩm nói một mình. Phố Ngô Quyền nhà mình... Sắp tới bờ sông... Cầu Gia Lâm... Chịu, không biết đây là đâu...

Một lát sau, xe ngừng. Có tiếng nói:

- Đến sân bay Gia Lâm rồi. Ai muốn iả đái thì xuống xe, đi cho nhanh, rồi về ngay kẻo lạc. Nhớ, xe mình là xe số 4.

Bạt xe được vén lên. Trời tối om. Không thấy nhà cửa, chỉ thấy lấp ló ôtô.

Gần sáng bỗng mọi người nhốn nháo. Có lệnh xuống xe để ra máy bay. Tôi lại được một phen khấp khởi mừng vì sắp được đi máy bay. Ồ ! Máy bay to quá. Bên trong có hai hàng ghế vải hai bên nhưng cái nào cũng bị móc lên, không cho ai ngồi. Lòng máy bay rộng thênh thang, tha hồ chất người và đồ đạc. Người ngồi, nằm, đứng. Đồ chất lộn xộn, ngổn ngang.

Máy bay cất cánh. Chóng mặt, buồn nôn. Chẳng hiểu tại sao thỉnh thoảng máy bay lại bình bồng, tụt xuống, ngoi lên làm nhiều người nôn oẹ, khạc nhổ, mật xanh, mật vàng. Tiếng quát mắng trẻ con, tiếng khóc mếu đòi đi tè... Thế rồi... máy bay chúc đầu, hạ cánh. Mọi người thở phào, mặt mày bơ phờ.

Ngoài trời nắng chang chang. Nhiều người, nhiều xe dưới sân...

Gia đình tôi được đưa về "trại di cư Phú Mỹ" (Thị Nghè).

Lần đầu tiên tôi được đi ôtô, được qua cầu Long Biên, được đi máy bay.

Tháng 7 năm 1990, tôi mới được tận tay sờ thành cầu Long Biên. Cầu hư hỏng nhiều, nhưng xe cộ và người đi bộ vẫn qua lại tấp nập. Hà Nội xây thêm cầu Chương Dương. Đứng trên cầu Chương Dương nhìn cầu Long Biên, nhìn nước lũ dâng cao xấp xỉ mái nhà ven sông. 36 năm trời xa cách. Hà Nội ơi!

Học trò năm xưa rỉ tai nhau một... giai thoại.

Thời còn trường Pháp. Trong một kì thi vấn đáp, thầy Lang Sa hỏi trò An Nam : cầu dài nhất Đông Dương do Pháp xây là cầu nào ? Trò lầm bầm: "Đ.M...". Vừa buột miệng thì biết là lỡ lời, trò bỏ dở câu nói. Thầy đập tay xuống bàn, trò giật mình, hết hồn. "Très bien! Le pont Doumer" (Giỏi ! Cầu Đu Me).

Ra khỏi phòng thi, trò phấn khởi khoe bạn bè:

- Đ.M. hên thiệt ! Định chửi thề "Đ.M. hỏi gì mà khó dzậy". Chưa nói hết câu đã được khen !

Cầu Tràng Tiền (1899) bắc qua sông Hương,

Ở đây có nước sông Hương
Có cây núi Ngự có đường Nam Giao
Bồng bồng sáu nhịp cầu cao
Thờ ơ bóng mát nơi nào cũng xanh
Thâm u một dải hoàng thành
Đình suông con én không đành bay đi
               (Nguyễn Bính, Vài nét Huế)
Huế đẹp, Huế thơ... Đẹp quá! Nhưng cái đẹp còn tuỳ vào cách nhìn của thi nhân, nghệ sĩ. Cô gái sông Hương văng vẳng điệu hò:
- Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch,
Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng.
Tháp bảy tầng, Thánh miếu, Chùa Ông,
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam toà.
Cầu Trường Tiền mười hai nhịp bắc qua,
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, đợi khách âu ca thái bình. (Hò Huế)
Chàng trai hờn trách người yêu:
- Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp
Anh theo không kịp
Tội lắm em ơi
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Em có xa anh đi nữa
Cũng tại ông trời nên xa.
Huế có 2 cầu Tràng Tiền à ? Ai chưa đến Huế thì khó mà hiểu nổi. Cầu Tràng Tiền do Pháp làm năm 1899, ngày nay vẫn còn đó. Nguyễn Bính đếm được sáu nhịp. Nhưng dân gian vùng sông Hương núi Ngự đếm đi đếm lại vẫn thấy mười hai nhịp. Nói có sách, mách có chứng. Nhưng sách nào đúng, chứng nào sai ? Nguyễn Bính không biết đếm hay dân gian "nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ" đã nhìn một hoá hai ? Xem ảnh, nhìn tận mắt thì rõ ràng cầu Tràng Tiền chỉ có sáu vòm sắt thép uốn cong. Đang phân vân thì được nghe Bách Khoa Toàn Thư giải thích:

- Nhịp là khoảng cách giữa hai mố cầu hay khoảng cách của một đoạn cầu, vài vốn là "vì" (nghĩa là kèo) đọc trại mà thành (...). "Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp" là câu nói tu từ của tác giả dân gian, không nên hiểu đơn thuần theo nghĩa tường minh là cầu có sáu vài mười hai nhịp (câu này ít nhiều có ảnh hưởng của triết lý Phật Giáo) (7).

Tu từ, tường minh, triết lý... Nói tóm lại, dân gian hò, hát "mười hai nhịp" nhưng không nên hiểu mười hai nghĩa là... mười hai. Câu hò, câu hát có vần có điệu, lãng mạn du dương là đủ rồi. Lại còn vẽ vời, đòi hỏi phải đúng sự thật làm gì cho mệt ! Tu từ, tường minh, triết lý... chỉ biết là Nguyễn Bính nói đúng, dân gian hò hát sai.

Xưa kia, thỉnh thoảng bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đạp xe qua cầu Bình Lợi (1902), rẽ vào chơi núi Châu Thới, suối Lồ Ồ. Rồi thong dong vào thành phố Biên Hoà. Ngồi bờ sông ngắm nhìn thuyền bè...

Năm 1990, con tàu Thống Nhất khởi hành từ Hà Nội từ từ qua cầu Bình Lợi... Lữ khách bùi ngùi, cảm động...

Thiên nhiên nước ta nhiều sông lạch. Gây khó khăn, trì trệ cho giao thông.

- Xe lửa, ôtô chạy ầm ầm như vậy mà ông còn chê là trì trệ à ? Ông thử chạy bộ xem có nhanh hơn không ? Khó khăn à? Xây cầu cho nhiều là xong tuốt!

- Vái trời cầu đừng sập, đừng lún...

Cầu xiêu, cầu đảo, cầu tài
Cầu tiêu vung vãi, cầu khai thật nồng
Đi cầu gặp phải quan ông
Phân trần không đủ, vỗ mông cười trừ.
Nguyễn Dư
Lyon, Tết Nhâm Thìn 2012
________________
(1) - Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ, phong dao, Mặc Lâm tái bản, 1967.

(2) - 6 truyện-thơ nôm đầu thế kỷ XX, nxb Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006, tr. 89.

(3) - Đinh Gia Khánh, Điển cố văn học, KHXH, 1977, tr. 105.

(4) - Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2, KHXH, 1967, tr. 246.

(5) - Hoàng Xuân Hãn, tập 2, Giáo Dục, 1998, tr. 565-598.

(6) - Sài-Gòn thành phố Hồ Chí Minh, nxb Sài-Gòn Giải Phóng tái bản, 1975, tr.40.

(7) - Internet, Wikipedia, tháng 7 năm 2011.


 Cầu Giấy (Ảnh Hocquard)
Cầu Long Biên
Cầu Bình Lợi - Sài Gòn
Cầu Mái - Phát Diệm (Ảnh Võ An Ninh)
Cầu Ngói - Huế
 Cầu Tràng Tiền - Huế
Cầu khỉ
Cầu treo Lao Chai (Ảnh Võ An Ninh )
Cầu Đá - Hát Giang (Ảnh: Võ An Ninh)
Cầu Hiền Lương (Ảnh Văn Bảo)
Cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa
Cầu hố bom - Quảng Trị  (Ảnh Văn Bảo)
Cầu Thượng Gia Hạ Trì
Cầu Giải Oan 
(Nguyễn Văn Khoan)