Chim Việt Cành Nam            [ Trở Về  ]           [Trang chủ            [ Tác giả ]

Hai cái tháp Rùa... soi bóng hồ Gươm 

Nguyễn Dư

- Hai cái tháp Rùa... soi bóng hồ Gươm ! Sao lại hai ? Soi bói, bóng gió gì đây?

- Chả soi, bóng gì cả. Sách vở nói như vậy đấy!

Sách viết về tháp Rùa, hồ Gươm rất nhiều. Sách tây, sách ta, sách xưa, sách bây giờ. Nhiều người viết nên tình trạng 
"ông viết gà, bà viết vịt ", " đỉnh tháp nọ gắn đầu tháp kia " cũng khó tránh. Vì vậy mà lịch sử tháp Rùa cứ rối như mớ bòng bong.

Cũng may. Nhờ mớ bòng bong mới có cớ để mời các bạn... vào bàn. Không ! Không ! Chỉ bàn chay, bàn suông thôi.

Chuyện tháp Rùa bắt đầu từ ngày...

Tháng 4 năm 1886, Paul Bert nhậm chức Tổng Trú sứ Trung-Bắc Kì. Ông mời Gustave Dumoutier tham gia vào guồng máy cai trị thành phố Hà Nội. Dumoutier (1850-1904) xuất thân là một nhà nhân chủng học và khảo cổ học, thông hiểu tiếng Tàu và tiếng Việt, nhận làm thông ngôn cho Paul Bert và lãnh trách nhiệm tổ chức, thanh tra các trường học.

Paul Bert và Dumoutier tới Hà Nội vào thời điểm thành phố đang " thay da, đổi thịt ". Địa ốc đang... lên cơn sốt. Đình chùa bị phá huỷ, đầm hồ được lấp để mở đường, xây dinh thự. Nạn đập phá bừa bãi bắt đầu lan rộng.

Dumoutier cho thành lập một ban chuyên môn để nghiên cứu lịch sử đình chùa Hà Nội xem cái nào nên trùng tu, cái nào nên " giải phóng mặt bằng ". Các kết quả nghiên cứu của Dumoutier được công bố và được xuất bản thành sách Les pagodes de Hanoï (Chùa Hà Nội) (1). Sách này được hầu hết các học giả, các nhà " Hà Nội học " đời sau dùng làm tài liệu tham khảo.

Trong sách Les pagodes de Hanoï, cuối bài biên khảo về Đền Ngọc Sơn, Dumoutier nói đến tháp Rùa :

" Ở giữa hồ còn một cái chùa khác. Đó là một công trình bé nhỏ, có nhiều tầng, các vòm cửa hình cánh cung nhọn. Công trình này mới có khoảng từ chục năm nay. Nó được xây trên vị trí một ngôi đền nhỏ trước đó thờ thần hồ.
Bên trong, trên tường sơn hai chữ Vinh-bao (Vĩnh Bảo), đó là tên của viên quan đã xây công trình này. Ông ta trước đây ba năm làm Tri phủ phủ Thường Tín, rồi về làm Thương biện phủ Hoài Đức, sau dính vào một vụ chính trị, nên năm 1886 bị cách chức và quản thúc ở Hà Nội.
Trên đỉnh công trình, một bên có chữ Vong-dinh (Vọng Đình) và bên kia chữ Quy-son thap (Quy Sơn tháp) (2).

Đoạn văn (dịch) ngắn này được các học giả đời sau lí giải và đi đến hai kết luận :

- Sách Les pagodes de Hanoï  xuất bản năm 1887. Câu " Công trình này mới có khoảng từ chục năm nay " có nghĩa là tháp Rùa (Dumoutier gọi là cái chùa) được xây năm 1877. André Masson suy ra là năm 1875 (3).

- Tháp Rùa " được xây trên vị trí một ngôi đền ", nghĩa là trên đảo Rùa đã có xây cất từ trước năm 1877.

Chúng ta có nhiều tài liệu để đối chiếu và xét lại hai kết luận này.

Trước hết, Trương Vĩnh Ký là người có thẩm quyền để bác bỏ thuyết cho rằng trên đảo Rùa có đền thờ thần từ trước năm 1877, hay tháp Rùa có từ năm 1875 ( Masson).

Năm Ất Hợi (1876), Trương Vĩnh Ký ra thăm Bắc Kì. Thời gian ở Hà Nội, ông đi thăm nhiều nhân vật Pháp, Việt và đi xem nhiều thắng cảnh. Trương Vĩnh Ký được thấy tận mắt :

" Chùa Nguyễn Đăng Giai
Trong chùa đàng trước để tượng Phật đứng bàn cả đám hình lớn to, quang-thếp cả. Hai bên sau có làm động và tháp điện, đều bong hình noi ra hết. Đàng sau đền, có tạc hình cốt ông Nguyễn Đăng Giai.
Phải chi nhà nước lo tu-bổ giữ gìn thì ra một cái kiểng rất xinh rất đẹp. Mà nay thầy chùa thầy sãi ở đó, dở ngói, cạy gạch bán lần đi mà ăn, nên hư tệ đi uổng quá.

Hồ Hoàn Gươm
Ngoài cửa có cái hồ Hoàn Gươm rộng lớn ; giữa hồ lại có cái cù lao nho nhỏ có cất cái miễu Ngọc Sơn, cây cối im-rợp huyền-vũ coi tươi tốt. Nhà thiên hạ, phố-xá ở bao lấy miệng hồ (4).

Trương Vĩnh Ký cho biết năm 1876, hồ Gươm có miễu (đền) Ngọc Sơn nhưng không có đền thờ thần, không có tháp Rùa. Nói cách khác, tháp Rùa chỉ có thể có sau năm 1876. Sớm nhất là từ năm 1877 (như Dumoutier viết " từ khoảng chục năm nay ").

Vậy, câu hỏi quan trọng phải trả lời là: tháp Rùa xây vào khoảng năm 1877 là tháp nào, hình dáng ra sao, có phải là tháp đang thấy năm 2011 không ?

Mời các bạn cùng đi tìm câu trả lời.

Năm 1884, nước Pháp chiếm đóng Việt Nam. Dân buôn, nhà báo, văn sĩ, những kẻ thích phiêu lưu mạo hiểm của mẫu quốc lục đục rủ nhau sang thăm thuộc địa mới. Chiếc tàu chở nhà báo Paul Bourde cập bến Hải Phòng ngày 1/2/1884. Vài ngày sau ông đến Hà Nội, ở cạnh Hồ Gươm.

Phòng Bourde ở trông sang đền Ngọc Sơn và tháp Rùa.

Tháp Rùa của tháng 2/1884 là " một cái chùa, hình thù chắp nối như một tác phẩm của một nhà làm bánh ngọt người Tàu. Chùa có 3 tầng, trổ cửa hình cánh cung nhọn trông thật bất ngờ đối với cảnh quan nơi đây". (Dans le lointain, un îlot plus petit porte une autre pagode en forme de pièce montée, chef d'oeuvre à trois étages de quelque pâtissier chinois, fenestré d'ouvertures ogivales fort inattendues en pareil lieu)(5).

Bourde bị bệnh, phải trở về Pháp ngày 15/5/1884.

Năm 1948, Trần Hàm Tấn dựa vào sách của Dumoutier, và có thể còn dựa cả vào tài liệu khác, để viết về đền Ngọc Sơn và tháp Rùa. Ông cho biết vài chi tiết :

" Vào năm 1877, người ta xây lên một toà hình lục lăng có từng gác và cửa tò vò trông bất thành cái đình, bất thành cái tam quan, bất thành cái tháp. Trên từng gác có ngấn hai chữ " Vọng Đình " nghĩa là " đình hồ Tả Vọng" (...).

Trần Hàm Tấn chú thích thêm:

" Ở trong tháp trên tường có vẽ hai chữ " Vĩnh Bảo " tức là tên ông quan đứng cho xây cái tháp này (...). Phần trên toà này có chữ "Vọng Đình " (đình để trông) và một bên " Qui-sơn-tháp " (lầu hay tháp Núi-Rùa) (xem tập Les pagodes de Hanoi của ông G. Dumoutier trang 23 về đầu đề Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn)(6).

Bài viết của Trần Hàm Tấn đăng trong tạp chí song ngữ Pháp-Việt Dân Việt Nam. Tiếng Pháp tiếng Việt không giống nhau : cái tháp hình lục lăng, cửa tò vò tiếng Pháp lại viết là hình bát giác (octogonal), cửa hình cánh cung nhọn (ouvertures ogivales).

Bourde và Dumoutier đều viết rằng tháp Rùa có cửa hình cánh cung nhọn. Điều này cho thấy thuật ngữ của bài viết bằng tiếng Pháp chính xác hơn bài bằng tiếng Việt.

Trần Hàm Tấn cho biết tháp Rùa hình bát giác, 3 tầng (tầng dưới cùng có chữ Vĩnh Bảo, tầng trên có chữ Vọng Đình và Quy Sơn Tháp, và tầng mái), không giống cái đình, cũng chẳng giống cái tam quan hay cái tháp (thường thấy tại các chùa).

Trần Hàm Tấn và Bourde cùng tả cái tháp Rùa 3 tầng, hình bát giác, của tháng 2/1884.

Tháp Rùa ngày nay 4 tầng, hình chữ nhật.

Chắc chắn tháp Rùa Vĩnh Bảo do Bá hộ Kim xây năm 1877 và tháp Rùa ngày nay là hai cái tháp khác nhau. Khác từ móng đến đỉnh.

Vậy, tháp Rùa ngày nay được xây năm nào ?

Rất may mắn, chúng ta... không còn bài viết đáng tin nào để dẫn chứng ! Chúng ta chỉ có một tấm ảnh để bàn.
 
 

Tháp rùa, 1884

Cũng vào năm 1884, bác sĩ Hocquard được nhà binh Pháp phái đến Việt Nam. Con tàu chở ông đến vịnh Hạ Long ngày 15/2/1884, và tiếp tục chạy đến Hà Nội. Trong hơn hai năm sống tại Việt Nam, ông đi thăm, đi làm việc tại rất nhiều nơi ở miền Bắc (từ tháng 3/1884 đến tháng 11/1885), và miền Trung (từ tháng 1 đến giữa tháng 4/1886). Chỉ có 2 lần ông "rảnh rỗi", có mặt lâu dài tại Hà Nội là tháng 5, tháng 6/1884, và từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1885. Ông lên tàu rời Hà Nội, trở về Pháp ngày 19/4/1886 (7). Đi đến đâu Hocquard cũng ghi chép chi tiết công việc hàng ngày. Ngoài ra ông còn chụp được hơn 200 tấm ảnh tài liệu lịch sử như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, tháp Rùa, chùa Quan Thượng (Trương Vĩnh Ký gọi là chùa Nguyễn Đăng Giai, sách báo gọi là chùa Khổ Hình, Liên Trì, hay Báo Ân) v.v.. Tháp Rùa được Hocquard chụp ảnh là tháp 4 tầng, vừa xây xong, đang được quét vôi (8). Rõ ràng tháp này là tháp Rùa ngày nay, không phải cái tháp 3 tầng bị Bourde chế giễu.

Tấm ảnh của Hocquard được chụp lúc nào ?

Nhà báo Bourde phải lên tàu trở về Pháp ngày 15/5/1884 để chữa bệnh. Trong suốt thời gian sống tại Hà Nội và các vùng phụ cận, Bourde không viết gì thêm về hồ Gươm và tháp Rùa. Điều này cho phép suy đoán rằng cái tháp Rùa 3 tầng bị Bourde chê cười vẫn còn cho đến ngày ông rời khỏi Việt Nam.

Tháp Rùa 4 tầng chỉ được xây sau ngày 15/5/1884.

Ghi chép của Hocquard cho biết ông thăm chùa Quan Thượng, chung quanh hồ Gươm, chùa Một Cột trong thời gian từ tháng 5 đến hết tháng 6 năm 1884. Vậy là, chỉ trong khoảng từ giữa tháng 5/1884 đến cuối tháng 6/1884 người ta đã phá cái tháp 3 tầng của Bá hộ Kim và xây cái tháp 4 tầng của ngày nay. Tiến độ xây cất xứng đáng làm gương cho con cháu đời sau.

Có thể nói chính xác hơn được không ?

Nếu mọi người đồng ý rằng thời gian phá tháp cũ, xây tháp mới, trên một hòn đảo nằm giữa hồ, bình thường phải mất độ một tháng hay hơn thì có thể nói rằng tấm ảnh "Hồ Gươm buổi sáng " (chụp tháp Rùa nhìn từ tháp Hoà Phong) của Hocquard được chụp vào cuối tháng 6/1884.

Nói tóm lại :

- Cho đến năm 1876, trên đảo Rùa chưa có xây cất (Trương Vĩnh Ký).

- Năm 1877 Bá hộ Kim xây tháp Rùa hình bát giác, 3 tầng (Bourde).

- Khoảng cuối tháng 5/1884, tháp của Bá hộ Kim bị phá. Tại cùng địa điểm, người ta xây một tháp khác hình chữ nhật, 4 tầng. Tháp Rùa này xây xong cuối tháng 6/1884, hiện đang được thấy trong hồ Gươm (Hocquard).

***

Tháp Rùa ngày nay bị nhầm với tháp Rùa của Bá hộ Kim, bị gánh nhiều oan trái.

Từ điển Hà Nội của Bùi Thiết chép :

(Đình Tả Vọng là) Ngôi đình do các chúa Trịnh sai xây trên gò Rùa giữa hồ Tả Vọng (tức hồ Hoàn Kiếm) để làm nơi hóng mát và duyệt quân thuỷ. Vì đình nằm trong hồ Tả Vọng nên có tên gọi. Cuối thế kỷ XIX Bá Kim xin được xây thêm một tầng trên toà đình Tả Vọng để có quy mô như tháp Rùa ngày nay(9).

Dường như Bùi Thiết và nhiều học giả khác (Doãn Kế Thiện, Trần Huy Liệu, Chu Thiên, Nguyễn Khắc Ngữ...) đã dựa vào ghi chú của " Bản đồ Hà Nội 1873 " do Phạm Đình Bách vẽ năm 1902 để đưa các chúa Trịnh vào cuộc. Tiếc rằng bản đồ của Phạm Đình Bách (10) được vẽ và ghi chú theo trí nhớ, nên có nhiều thiếu sót và sai lầm(11).

Xây thêm một tầng để biến tháp hình bát giác thành tháp hình chữ nhật là một thành tích chưa có kiến trúc sư nào đạt được.

Hoàng Đạo Thuý " giận cá chém thớt " :

" Bang Kim biếu Tây cái tháp Rùa. Cái tháp này nhìn mãi cũng quen mắt, nhưng dưới thì cửa lối gô-tích, trên thì nóc vụn vặt, kiến trúc không ra lối gì "(12).

Hoàng Đạo Thuý bắt chước Bourde và Trần Hàm Tấn chê cái tháp " kiến trúc không ra lối gì ". Nhưng người xưa chỉ chê cái tháp của Bang Kim thôi. Nếu bình tĩnh so sánh thì Hoàng Đạo Thuý sẽ thấy cái nóc vụn vặt của tháp Rùa cũng na ná như nóc phương đình trước tượng đài vua Lê (Hà Nội), hay nóc lăng Hùng Vương (Phú Thọ). Chả nghe ai chê hai cái nóc này bao giờ.

Nguyễn Vinh Phúc " thương vay, khóc mướn ", lo giùm cho tháp Rùa :

" Tầng đỉnh (của tháp Rùa ngày nay) chỉ như một vọng lâu, vuông vức, mỗi bề 2m. Trên tường mặt phía đông, bên trên cửa tròn của tầng ba, có ba chữ Quy Sơn tháp tức tháp Núi Rùa. (Tuy nhiên ba chữ này đã mòn nhiều. Ngành bảo tồn mà không chú ý bảo vệ thì chỉ một hai lần quét vôi là ba chữ sẽ biến mất như các chữ Vĩnh Bảo Vọng Đình đã mất tăm) "(13).

Vĩnh Bảo, Vọng Đình là chữ của tháp do Bá hộ Kim xây năm 1877. Tháp ngày nay, xây năm 1884, không có bốn chữ này. Khỏi lo bị biến mất tăm.

Hữu Ngọc mỉa mai Bá hộ Kim, một ông quan nhỏ làm tay sai cho thực dân, (petit mandarin à la solde des administrateurs coloniaux qui l'employaient comme agent à tout faire) đã đứng ra xây tháp Rùa năm 1886 (14).

Dumoutier cho biết năm 1886, Bá hộ Kim bị tây cách chức và quản thúc ở Hà Nội. Thì giờ và đầu óc đâu mà xây tháp. Hơn nữa, nếu tháp Rùa được xây năm 1886 thì chắc chắn Dumoutier đã thấy, đã biết rõ vì ông có mặt, làm việc tại Hà Nội từ ngày 8/4/1886. Ông không thể viết nhầm lẫn, thiếu sót về tháp Rùa như vậy.

Có người băn khoăn : tháp được xây trong khoảng từ tháng 1 đến đầu tháng 4/1886, trước khi Dumoutier đến Hà Nội thì sao ? Thì... không ổn. Trong khoảng thời gian này Hocquard đang ở Huế-Đà Nẵng. Sau đó, ông trở ra Hà Nội, sửa soạn lên tàu về Pháp. Chúng ta sẽ không được thấy " tấm ảnh ngày xưa " của tháp Rùa !

Trước khi... dẹp bàn, đề nghị sửa lại đoạn văn (dịch) trên kia :

" Ở giữa hồ còn một cái chùa khác, xây trên vị trí một ngôi đền nhỏ trước đó thờ thần hồ. Đền được xây khoảng chục năm trước đây, có nhiều tầng, các vòm cửa hình cánh cung nhọn. Bên trong đền, trên tường sơn hai chữ Vĩnh Bảo, đó là tên của viên quan đã xây công trình này. Ông ta trước đây ba năm làm Tri phủ phủ Thường Tín, rồi về làm Thương biện phủ Hoài Đức, sau dính vào một vụ chính trị, nên năm 1886 bị cách chức và quản thúc ở Hà Nội. Trên đỉnh đền, một bên có chữ Vọng Đình và bên kia chữ Quy Sơn tháp ".

Đoạn văn chỉ thiếu một chữ " đền ". Phá cái này, xây cái khác mà không " đền " thì tha hồ mà cãi nhau.

Lịch sử tháp Rùa " không có gì đáng kể " (Nguyễn Vinh Phúc). Thế mà đã... điên cái đầu. Lịch sử " 1001 năm Thăng Long-Hà Nội " chắc còn rắc rối hơn nhiều !

Nguyễn Dư
(Lyon, 11/2011)
(1) - Gustave Dumoutier, Les pagodes de Hanoï, F.H. Schneider, 1887.

(2) - Nguyễn Vinh Phúc, Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn, Hà Nội, 2009, tr. 139-140.

(3) - André Masson, Hanoï pendant la période héroïque 1873-1888, Geuthner, 1929, tr. 159.

(4) - Trương Vĩnh Ký, Chuyến đi thăm Bắc Kì năm Ất Hợi (1876), BSEI, 1929, tr. 7.

(5) - Paul Bourde, De Paris à Hanoï, Calmann Lévy, 1885, tr. 128.

(6) - Trần Hàm Tấn, Đền Ngọc Sơn, Dân Việt Nam, số 2, EFEO, 1948, tr. 45.

(7) - Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr.13.

(8) - Philippe Papin, Histoire de Hanoi, Fayard, 2001, trang bìa.

(9) - Bùi Thiết, Từ Điển Hà Nội, Văn Hoá-Thông Tin, 1993, tr. 393.

(10) - Les Cahiers de l'Ipraus, Hanoï, Editions Recherches / Ipraus, 2001, tr. 98-99.

(11) - André Masson, sđd, tr. 23.

(12) - Hoàng Đạo Thuý, Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, Hội Văn Nghệ Hà Nội,1971, tr. 75.

(13) - Nguyễn Vinh Phúc, sđd, tr. 144.

(14) - Hữu Ngọc, À la découverte de la culture vietnamienne, Thế Giới, 2006, tr. 57.