Chim
Việt Cành Nam
[ Trở
Về ]
[Trang chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Nghe
mấy ông cô-lô-nhần, tây thuộc địa hát (h) sai
tiếng Việt, người Việt nào chả bực mình. Nhưng vẫn chưa
khó chịu bằng nghe người Việt a dua theo Pháp, trọ trẹ thêm
một lần nữa. Kết quả của cuộc giao lưu văn hoá bất đắc
dĩ này là nhiều địa danh nửa tây nửa ta được ra đời.
Hồng Hải trở thành
Hòn Gai, Nam Hoa thành Nam Ô,
Hải Vân thành
Ải Vân, vân vân...(xem bài "Hát" hay
không "hát" ?). Có người đùa dai, nửa nạc nửa
mỡ : tây hát (h) sai nhưng ca (k) thì sao ? Câu hỏi
thật sáng giá, đáng đồng tiền... phật lăng ! Tội
gì không đem ra...bàn suông cho sướng miệng !
Miền Nam hát (h) khá hơn miền Bắc, miền Trung. Nhưng tài tử đờn ca (k) cũng có khi hơi lạc điệu. Chẳng hạn như bài "Kỳ Hoà hỗn chiến Chí Hoà" đầy ai oán. Sử của ta cho biết : Năm 1790 Nguyễn Ánh sai Ông Tín (Olivier de Puymanel) xây thành Gia Định, theo kiểu cách của Vauban. Năm 1832, Minh Mạng bỏ tên thành Gia Định, đặt tên mới là thành Phiên An. Năm 1833, Lê Văn Khôi nổi lên chống lại triều đình, chiếm thành Phiên An. Mãi đến năm 1835, sau khi Lê Văn Khôi bị bịnh chết, quân triều đình mới chiếm lại được thành. Minh Mạng hạ lệnh đốt thành Phiên An cho hả giận. Năm sau (1836) xây thành khác. Thành mới nhỏ hơn thành Phiên An, không có tên riêng. Sử gọi là thành tỉnh Gia Định. Sách báo của tây gọi thành xây thời Minh Mạng này là Citadelle de Saigon, ta dịch là thành Sài Gòn. Ngày 17-2-1859, thành Sài Gòn bị Pháp đánh chiếm. Ba tuần sau, ngày 8-3-1859, đô đốc Rigault de Genouilly ra lệnh đốt phá, san bằng thành Sài Gòn. Sách Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn chép : - (Năm 1859, tháng giêng) quân của Tây dương vây đánh thành tỉnh Gia Định (thành Sài Gòn). Khi ấy quân của Tây dương đã liền mấy ngày (từ ngày 11 đến ngày 14) bắn phá các đồn ven sông, rồi thẳng đến bến sông tỉnh thành (ngày 15) hướng vào thành bắn súng. Lại một toán lên bộ, quanh thành đánh sấn vào. Quan quân tan chạy cả, thành bèn bị vỡ...(1). Hai năm sau... - (Năm 1861, tháng giêng) quan Tây dương đánh phá đồn lớn và chỗ tỉnh đóng tạm của Gia Định, quân quan lui về đóng ở tỉnh Biên Hoà (...) (2). Đồn lớn là đồn nào, tên là gì ? Đại Nam thực lục không cho biết. Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép rõ hơn : - (Năm 1861) Ông Nguyễn Tri Phương cùng với quan tham tán đại thần Phạm Thế Hiển vào xếp đặt ở Gia Định một cách rất có qui củ, đắp dãy đồn Kỳ Hoà (người Pháp gọi là dãy đồn Chí Hoà) cũng hợp qui thức, để chống nhau với quân của đại tá d'Ariès. Hai bên đã từng đánh nhau hai ba trận, đều bị thiệt hại cả (3). Sực nhớ ngày xưa được nghe thầy kể trận tây đánh đồn Kỳ Hoà. Hôm nay để ý, mới biết thêm chi tiết : tên Kỳ Hoà của Việt Nam, người Pháp gọi là Chí Hoà. Nôm na toạc móng heo thì Kỳ Hoà được người Pháp ghi âm thành Chí Hoà. Hân hạnh cho khám Chí Hoà. Được tây xây, tây đặt tên. Tây từ trong ra đến ngoài. Thật là bất ngờ. Bất ngờ đến độ... khó tin. - Gớm nhỉ, nghi ngờ cả sử à? - Thưa thầy, ngày xưa học sử với thầy để... đi thi. Hôm nay, thầy nghỉ hưu rồi, mới dám hỏi thầy... Kỳ Hoà, Chí Hoà tên nào là ta, tên nào là tây? Tên nào đúng, tên nào sai ? Ôi ! Giang sơn gấm vóc! Hương hoa đất nước! Tha hồ... ta về ta tắm ao ta. Ta cùng nhau đi... nhờ các sử gia, các nhà nghiên cứu của ta trả lời giùm câu hỏi. Tiếc rằng bộ Đại Nam thực lục đồ sộ đã bỏ rơi không đả động gì đến Kỳ Hoà hay Chí Hoà. Chính sử của ta, ta không cần chép... chuyện của tây. Đại Nam dư địa chí ước biên cũng không ghi chép gì về "6 tỉnh Nam kỳ đã thuộc nhượng địa"(4). Không chơi với tây. Mất cho mất luôn. Thật oái oăm cho đời sau, phải dựa vào tài liệu của tây để... tìm hiểu chuyện của ta. Loanh quanh, luẩn quẩn như đèn cù. Có lẽ vì vậy mà các nhà "Gia Định học" vẫn chưa đồng ý với nhau. Người thì chép là đại đồn Kỳ Hoà(5)(6), người thì chép là chiến luỹ Chí Hoà (đại đồn Phú Thọ) (7), hay đại đồn Chí Hoà(8). Hàng thật, hàng giả khó phân biệt. "Bì bõm ao ta" coi bộ không xong. Thôi đành phải "quờ quạng hồ tây" vậy! Báo L'Illustration(9) có hai bài phóng sự chiến trường viết về chiến dịch Pháp đánh chiếm tỉnh Gia Định. Bài thứ nhất, của phóng viên V. Paulin, tường thuật trận tấn công thành Sài Gòn (Citadelle de Saigon), ngày 17-2-1859. Bài báo có tranh vẽ cửa chính thành Sài Gòn. Tài liệu do thư kí của đô đốc Rigault de Genouilly cung cấp. Bài thứ nhì, của phóng viên F. Roux, tường thuật trận đánh đại đồn Kỳ Hoà (Grand Fort de Ki-Hoa), diễn ra trong hai ngày 24 và 25-2-1861. Bài báo có bản đồ hành quân, địa hình khu vực. |
|
|
|
|
Sài Gòn 1795 |
So sánh bản đồ
của bài báo với bản đồ do Pháp vẽ năm 1795, và bản đồ
thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, thì thấy : Trong cùng khoảng
thời gian xây thành Gia Định (1790), Olivier cho đắp thêm một
dãy luỹ (Mur d'enceinte). Luỹ dài khoảng 10km, chạy dọc
theo rạch Thị Nghè, từ Cầu Bông đến Ngã tư Ông Tạ. Đồn
lớn
(đại đồn Kỳ Hoà, Grand Fort de Ki-Hoa)
do Nguyễn Tri Phương xây đắp năm 1861 nằm cạnh dãy luỹ
của thời Gia Long, trải dài từ Ngã tư Ông Tạ đến Ngã
tư Bảy Hiền. Bản đồ khu vực đại đồn Kỳ Hoà của báo
L'Illustration không ghi lại vết tích của dãy luỹ. Điều
này cho phép suy đoán rằng Minh Mạng đã cho phá huỷ toàn
bộ hệ thống thành Phiên An, kể cả dãy luỹ.
Ngoài báo L'Illustration, H. de Bizemont (10), Paul Bonnetain (11) cũng cho biết nhiều chi tiết về trận đánh đại đồn Ki-Hoa. Các tài liệu (bản đồ, sách, báo) đương thời đều cho thấy vào những năm đầu của cuộc xâm chiếm Việt Nam (giai đoạn 1860-1890), người Pháp ghi âm các địa danh của nước ta còn tuỳ tiện, thiếu chính xác. Chẳng hạn như Nam Định thì ghi là Name Digne, An Cựu là Ane-Keuou , Chợ Lớn là Cho-len v.v.. Tuy nhiên, khi nói đến trận đánh chiếm tỉnh Gia Định thì các tài liệu đều chép là Ki-Hoa. Sang đầu thế kỉ 20, người Pháp bắt đầu nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam. Dần dần, các địa danh được viết theo lối phát âm của tiếng Việt. H-L Jammes nhiều lần nói đến làng Chí Hoà và đồn luỹ Chí Hoà(12). Trong bài biên khảo về Đồn điền và bài viết về Tổng đốc Thuận Khánh Trần Bá Lộc, George Dürrwell cũng nhiều lần dùng địa danh Chí Hoà (13). Làng Chí Hoà ngày xưa ở gần trường đua ngựa, khoảng góc đường Thuận Kiều và Général Lizé (14). (Đường Thuận Kiều sau đổi thành Lê Văn Duyệt, ngày nay là Cách Mạng Tháng Tám. Đường Lizé đổi thành Phan Thanh Giản, ngày nay là Điện Biên Phủ). Nếu không để ý đến năm tháng của các bài viết thì có thể nói rằng chính người Pháp đã lẫn lộn Kỳ Hòa và Chí Hoà... trước người Việt. Nhạc trưởng Tây đã hướng dẫn ban nhạc "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" chơi bài "Kỳ Hoà hỗn chiến Chí Hoà" ! - Bà thấy chưa ? Hồ tây đâu có hơn gì ao ta. Tui chịu thua mấy ông... học giả. - Chuyện gì mà kì cục vậy. Tui học thiệt, ông còn không coi ra gì. Bây giờ lại chịu thua cả mấy thằng... học giả sao ? Chu choa, đến nước này thì phải nhờ trạng mẹo giúp một tay mới xong! - Thông thường thì ch của tiếng Pháp được phát âm [s], giống chữ s của tiếng Việt miền Trung, miền Nam (miền Bắc phát âm sai chữ s). Chien (siêng, con chó). Chat (sa, con mèo). Cochon (cô-sông, con heo). Chocolat (sô-cô-la). Cochinchine (cô-sanh-sin, Nam kì)... - Nhưng, nhiều khi ch lại được phát âm [k], giống chữ k của tiếng Việt. Chaos (ka-ô, hỗn độn). Choléra (kô-lê-ra, dịch tả). Orchidée (O-ki-đê, hoa phong lan). Chiromancie (ki-rô-măng-xi, xem tướng tay)... - Tiếng Pháp không có âm ch của tiếng Việt. Con chiên của ta không phải là con chó tây. Rượu chát không phải là... rượu con mèo Dubonnet. Cháu chắt của mấy vị sáng chế ra chữ quốc ngữ bị lúng túng với ch của tiếng Việt. Cái thuở ban đầu lơ láo và vênh váo ấy, có người hiến kế : mang cách đọc ch thành k của tiếng Pháp áp dụng cho tiếng Việt. Diệu kế! Không cần oong đơ gì cả, mấy ông Lang Sa liền rủ nhau ghi âm ch của tiếng Việt bằng chữ k. Thí dụ điển hình là Chí Hoà của ta được nhà báo, nhà văn Pháp ghi âm thành Ki-Hoa. Tuy không hoàn toàn đúng, nhưng... "cười gượng còn hơn mếu". Bây giờ xin bàn thêm về câu nói của Trần Trọng Kim. - Nếu Kỳ Hoà là tiếng Việt, như Trần Trọng Kim nghĩ, thì người Pháp chỉ việc chép lại là Ky-Hoa. Vừa đúng chữ vừa đúng âm. Pháp Việt ca (k) giống nhau. Và chắc chắn người Pháp sẽ không vặn vẹo viết là Ki-Hoa. - K (Việt) hoàn toàn khác ch (Pháp). Không bao giờ người Pháp lại chọn giải pháp "lợn lành chữa thành lợn què", ghi âm Kỳ Hoà thành Chi-Hoa (Si-Hoa). "Đường quang không đi, đâm quàng bụi rậm". Vừa rắc rối, vừa sai! Nói rằng Kỳ Hoà của ta được người Pháp ghi âm thành Chí Hoà là vô căn cứ, là sai. Trần Trọng Kim và những người bắt chước ông, đã đặt cái cày trước con trâu. Địa danh Chí Hoà của Việt Nam bị mấy ông cô-lô-nhần bóp méo thành Ki-Hoa (Kí Hoà). Người Việt nhanh nhảu thêm mắm thêm muối (các đại gia thời tây gọi là thêm bơ thêm ma-di) kéo dài chữ i, xoay dấu sắc sang dấu huyền. Rốt cuộc, Ki-Hoa bị sửa sai, sai thêm một lần nữa, thành Kỳ Hoà. Trên đây chỉ là một trường hợp tây ta đồng ca (k)... lạc điệu. Ngoài ra, đó đây thỉnh thoảng lại ngân lên điệp khúc Bắc Kạn, Đa Kao, K. K. tùm lum! Lỗi tại các vị cố đạo ! Tại sao khi sáng chế ra chữ quốc ngữ, các vị không chỉ rõ cách phân biệt cu (q), ca (k), xê (c). Dân cày sâu cuốc bẫm vùng Bắc Kạn lo xoay xở chống khô cạn, dân Đa Kao lo vác đồ lên cao ngừa ngập lụt, ai hơi đâu để ý ca (k) cho đúng, xàng xê (c) cho hay, cái mớ chữ như lăng quăng của các vị. Cũng may, người Việt vốn dễ tính. Ca (k), hát (h), trọ trẹ lâu ngày cũng thành quen tai. Ai không thích thì... đừng nghe. Trên nền cũ của thành Sài Gòn, Pháp cho xây Caserne du Onzième Régiment de l'Infanterie Coloniale, viết tắt 11è R.I.C. (Trại Bộ Binh Thuộc địa, đội thứ mười một). Pháp đi, 11è R.I.C. trở thành Thành Cộng Hoà. Rồi thành Cộng Hoà cũng thành bình địa. Xưa kia, khám Chí Hoà của Sài Gòn nổi tiếng không thua gì Hoả Lò của Hà Nội. Thế rồi, trời đất nổi cơn gió bụi.Hoả Lò được dập tắt. Đống tro tàn hoá thân thành khách sạn đẳng cấp. Máy lạnh mát rượi. Trong khi Chí Hoà vẫn trơ trơ với cái nóng nung người. Trước sau vẫn "lòng ta sắt đá, há lung lay". Dửng dưng với cây xanh, bóng mát của công viên Kỳ Hoà gần bên. Thế à! Thiệt sao? Kỳ Hoà được nằm cạnh Chí Hoà ! Tình tứ, lãng mạn hết chỗ chê. Chí Hoà, Kỳ Hoà tuy gần nhau nhưng vẫn chưa được... đề huề bên nhau. Có lẽ vì đàn còn ngang cung, ca (k) còn lạc điệu.
|
Chú
thích :
(1)(2) - Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Giáo dục, 2006, tr. 594, 699. (3) - Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Bộ Giáo Dục, tập 2, Miền Nam, tr. 258. (4) - Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên, bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Văn Học, 2003, tr. 17. 5) - Phạm Văn Sơn, Việt sử toàn thư, Khai Trí, 1960, tr. 634, 635. (6) - Cao Tự Thanh, Đoàn Lê Giang, Tác phẩm Nguyễn Thông, Sở Văn Hoá và Thông Tin Long An, 1984, tr. 18). (7) - Sơn Nam, Đất Gia Định xưa, nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1984, tr. 112. (8) - Ca Văn Thỉnh, Bảo Định Giang, Nguyễn Thông, con người và tác phẩm, nxb Thành Phố Hồ Chí Minh 1984, tr. 24. (9) - Les Grands Dossiers de l'Illustration-L'Indochine (1843-1944), Le Livre de Paris, 1987, tr. 18-23. (10) - H. de Bizemont, L'Indo-Chine Française, Paris, Librairie de la Société Bibliographique, 1884, tr.28. (11) - Paul Bonnetain, L'Extrême Orient, Paris, Maison Quantin, 1887, tr. 108. (12) - H-L Jammes, Souvenirs du pays d'Annam, Challamel, 1900. (13) - George Dürrwell, Ma chère Cochinchine, Paris, La Renaissance du Livre, 1911. (14) - Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Khai Trí, 1968, tr. 78. |