Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [ Tác giả

Thử tìm hiểu Côn Lôn truyện,
Cuốn sử tù Côn Lôn đầu tiên do tù nhân viết

Trần Viết Ngạc

Cuốn sử tù nổi tiếng Thi tù tùng thoại của Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng do nhà xuất bản Tiếng Dân in năm 1939 được nhiều người nghiên cứu để tiøm hiểu về Nhà tù Côn Lôn đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên đó không phải là cuốn sử tù đầu tiên do tù nhân viết về "địa ngục trần gian" này.

Cuốn sử tù đầu tiên về "trường học thiên nhiên" (chữ của Phan Hy Mã) này chính là cuốn Côn Lôn truyện của Lê Doãn Hài.

1. Tác giả

Phần dẫn nhập của Côn Lôn truyện viết:

"Bình Long huyện, Tân Thới nhì thôn, cựu hương thân Lê Doãn Hài ư Ất Hợi niên bị phạt lưu cư tại Côn Lôn ngũ niên, Kiến Lãng Sa quan trú phòng tại thử phân bất tội nhân hành chư tạp vụ thậm ư lao khổ. Chí ư Canh Thìn niên, xúc mục tâm bi ngụ tả nhất vãn dĩ chiếu hậu lai".

Nghĩa là:

"Cựu hương thân ở thôn Tân Thới nhì huyện Bình Long Lê Doãn Hài, vào năm Ất Hợi bị phạt lưu đày ra Côn Lôn năm năm. Thấy quan Lãng Sa trú phòng ở địa phận ấy bắt tội nhân làm mọi việc rất là cực khổ. Đến năm Canh Thiøn vì mắt thấy sụ kiện ấy nên động lòng thương xót viết một bài vãn để lưu lại cho đời sau" (Vũ Văn Kính phiên âm và dịch, tháng 4/1983) [1].

Lê Doãn Hài là một trong những người theo Quản Hớn (Phan Văn Hớn) lãnh đạo cuộc nổi dậy đánh chiếm dinh quận Hóc Môn, diệt tên quận trưởng Trần Tử Ca vào Tất Ất Dậu (1885). Ông bị bắt đày ra Côn Lôn. Ở đây ông đã sáng tác Thơ Quản Hớn và bài Vè Côn Nôn [2].

Cùng tham gia cuộc khởi nghĩa này còn có Nguyễn Văn Quá, Phan Văn Chất.

Trong lần điền dã, các nhà nghiên cứu Ban Văn học, Viện Khoa học xã hội, TP.HCM đã tìm thấy các sáng tác của Lê Doãn Hài ở Bàu Trai, Đức Hòa, Long An. Trước khi qua đời năm 1914, ông Lê Doãn Hài giao các sáng tác của mình cho người học trò giỏi nhất là Mai Chí Thanh. Mai Chí Thanh giao lại cho con gái là Mai Thị Tua gìn giữ. Ông Huỳnh Văn Xứng, chồng bà Mai Thị Tua, có phiên âm bài Vè Côn Lôn tức Côn Lôn truyện. [3]

2. Khảo chứng về năm sáng tác Côn Lôn truyện

Căn cứ vào các năm âm lịch ghi trong lời dẫn thiø Lê Doãn Hài bị đày ra Côn Lôn năm 1875 (Ất Hợi) và sáng tác Côn Lôn truyện vào năm Canh Thìn 1880. Đây là sự nhầm lẫn từ cách ghi năm âm lịch. Lê Doãn Hài tham gia cuộc khởi nghĩa Hóc Môn Tết năm Ất Dậu (1885) chứ không phải Ất Hợi và sáng tác Côn Lôn truyện vào năm Canh Dần (1890) chứ không phải là Canh Thìn (1880) và Côn Lôn truyện viết sau Thơ Quản Hớn (1885) [4].

Vậy, cần khẳng định lại năm sáng tác Côn Lôn truyện là năm 1890 - Canh Dần.

3. Nội dung Côn Lôn truyện

Về hình thức, Côn Lôn truyện viết theo thể thơ lục bát, gồm 128 câu.Vì thế gọi là truyện thơ hay nói là vãn hay là vè cũng được. Khi diễn xướng thì gọi là "nói thơ". Câu cuối của Côn Lôn truyện cho thấy khi đặt tên cho Côn Lôn truyện là Vè Côn Lôn cũng thích đáng:

"Lóng tai nghe đọc cái vè Côn Lôn" (câu 128).

Vè hay Vãn, theo Đại Nam quốc âm tự vị của Paulus Của là "chuyện đặt có ca vần". Lối đặt thơ lục bát để kể chuyện là hình thức phổ biến ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thơ Sáu Trọng (nhà in Xưa Nay, Sài Gòn) là một minh chứng cụ thể.

Nội dung Côn Lôn truyện cung cấp cho chúng ta biết về nhà tù Côn Lôn trong những năm 80 thế kỷ 19.

3.1.Tù nhân, ngoài người Việt Nam, còn có người Cao Miên, Ma Ní, Đồ Bà, Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, La Du (?).

Rất nhiều tù nhân người Việt là tổng binh, đốc binh, cai đội và các viên chức cấp phủ huyện. Đây là các "quốc sự phạm" thuộc các cuộc kháng chiến Nam Kỳ (1861 - 1875) và các cuộc khởi nghĩa về sau.

3.2. Côn Lôn truyện cho chúng ta biết các cơ sở của nhà tù như Huỳnh Thúc Kháng viết trong Thi tù tùng thoại.

Đó là: 

- Lò ngói, Lò gạch, Lò vôi.

- Kho gạo, nhà thương (bệnh viện).

- Các Sở Rẫy (vườn rau, phiên âm nhầm là Sở Rễ), Sở cây, Sở củi, Sở đá, Sở cưa, Sở xẻ, Sở Cà phê, Sở Chuồng bò, Sở Chuồng trâu, Sở Chuồng dê, Sở lưới (đánh cá).

- Nhà cư (đốt than) và Chỉ tồn (Tạp dịch).

- Sở cây: đan các loại đồ đựng như thúng, dần, nia. Sở cây còn đan gầu, bện chảo và qua đầu thế kỷ XX còn làm xa lông bằng mây, gọi là Sở ghế.

- Các loại cây trồng: Do việc tiếp tế cho Côn Lôn rất hạn chế cho nên ở đảo trồng đủ thứ: lúa, mít, dưa, bắp, đậu, bông, thuốc lá, khoai, hành, cà phê ...

Xem như thế cây cà phê du nhập vào Việt Nam đầu tiên, phải chăng là ở Côn Đảo?

Toàn văn Côn Lôn truyện (có minh họa bằng hình ảnh)

1. Côn Lôn trời đất sẵn dành
Lãng sa tối chiếm làm thành trú binh
Dọc bề biển rộng mênh mênh
Ầm ầm sóng bủa, bãi ghềnh lao xao

5. Chập chùng đá dựng núi cao
Mù mù xanh hết biết bao nhiêu đời
Kể từ giặc nó tới nơi
Tình lề ở chắc bắt người làm tôi
Ai ai thấy cũng thương ôi.

10. Tội nặng tội nhẹ khó hồi cố hương
Kể ra các nước cho tường
Cao Miên, Ma Ní cũng vương ở tù
Đồ Bà lại với La Du
Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu những là.

15. Các nước thì đã tính qua
Sau này phải nói vậy mà tới ta
Kẻ làm quản đốc ma tà
Người làm phủ huyện nước nhà dày công.
Chẳng may có tội không dung

20. Kéo cây vác đá xưng hùng với ai
Tổng bình, đốc chiến, đội cai
Hương thân xã trưởng mang tai một đoàn
Hừng đông trống khứ vừa tan
Hai người một cặp thành hàng lập binh.

25. Ai mà đứng lẻ một mình,
Roi mây nó quất bất kinh trên đầu
Ai ai thấy cũng buồn sầu,
Lo mà ở sở đặng hầu nương thân.
Người nào biết tính biết cân

30. Cấp coi kho gạo toan phần phát lương
Kẻ thì cấp ở nhà thương
Bệnh đau cho thuốc, toan phương an lành.
Hai nơi sung sướng đã đành,
Nói tới Sở rễ trồng hành, trồng dưa.

35. Đắp bùn trồng mít, trồng dưa
Đào hồ chẻ bắp chẳng chừa đất không
Lại thêm trồng đậu trồng bông,
Khai hàng trồng thuốc, vun vồng trồng khoai
Sớm trưa mưa nắng chẳng nài,

40. Trồng mau tới buổi nằm dài nghỉ lưng.
Còn như Sở cây không chừng,
Hoặc khi đan thúng, đan dần, đan nia.
Đan gầu, bện chảo nhiều bề,
Ngày làm lếu láo tối về khám trong

45. Sở cửa, Sở đá, long đong
Rày đây mai đó chẳng xong chỗ nào
Sở cưa, sở xẻ làm sao,
Kẻ đục người đẽo ào ào như giông.
Lò gạch, lò ngói quá đông

50. Kẻ in người vỗ, ai phòng đỡ che.
Nhưng còn một sở cà phê,
Len cây trong núi tiếng nghe ào ào.
Người người thấy cùng kinh nao,
Cam thân cực khổ biết sao bây giờ.

55. Lại làm một cái nhà cư
Cấp hai người ở, giờ giờ đốt than.
Đốt rồi gánh nộp cho quan,
Phòng khi nấu nướng dọn bàn ai lo.
Nói qua một Sở chuồng bò

60. Kẻ đi bò nước, người lo kéo rào.
Vò rơm vò lúa ào ào,
Cùng vò đất đỏ (sét) trộn vào với vôi
Nói qua ít chuyện mà thôi,
Để na sở khác một hồi mà nghe

65. Chuồng dê ở cũng gần kề
Cấp cho hai lão trọn bề đều coi.
Mé biển lập cái lò vôi
Cong lưng vác đá mồ hôi ướt đầm.
Chuồng trâu ở chỗ âm thầm,

70. Trời hầu mưa xuống chất phần cày gieo.
Một nơi cỏi lá cheo leo,
Đường đi quanh quất lên đèo trèo non,
Bên trôm một chỗ thon von,
Người nào qua thúc héo đon buồn sầu (rầu)

75. Lập làm một sở bên cầu,
Phòng khi kéo lưới lại hầu buông câu.
Kể đà khắp hết đâu đâu,
Lòng hằng tha thiết thương âu chỉ tồn.
Tam canh thức dậy bồn chồn.

80. Gầu men nón lá xách dồn một tay
Bước ra cửa khám bằng nay,
Giờ thùng người phát cơm rày mà ăn.
Kẻ sau người trước lăng xăng,
Liều nghe quan đội cắt phân việc mần.

85. Ma tà thúc hối rất cần
Cong lưng đãi đất nào từng nghỉ ngơi.
Ai ai đều chẳng dám chơi
Nắng mưa phải chịu từ mai tới chiều.
Chia làm chỗ ít chỗ nhiều,

90. Kẻ đi xuống biển, người trèo lên non,
Cơm thùng với lại canh soong,
Cành cây treo móc mới còn mà ăn.
Ai mà chẳng có làng hàng,
Để người cắp mất nhăn răng nhịn thèm.

95. Mình thì lầm lỗi lem nhem
Da đen như mọi ai phen sánh tày.
Áo quần chẳng có đổi thay,
Rách dơ một cái, ăn mày như nhau.
Có trầu mà lại không cau,

100. Có thuốc không giấy bàu nhàu ruột gan.
Thương thay mắc chốn tai nàn,
Dẫu người quân tử như đoàn tiểu nhân.
Cá chậu cá thớt chi sờn,
Nói nhơ, nói nhách, giận hờn làm chi.

105. Xưa nay những đứa vô nghĩ,
Nói vây nói vá làm gì nên thân.
Trách ai nhắm mắt cầm cân,
Vàng thau lộn lạo chia phân khôn tường.
Đêm ngày ai tuất tự lương,

110. Lòng hằng cảm động, chín thương cho đòi.
Ngữa than trời hỡi là trời
Làm chi khổ đọa con người nước Nam.
Tội mình mình chịu đã cam,
Cám thương cha mẹ cũng đau lòng sầu.

115. Anh em cô bác lo âu,
Con thơ vợ yếu biết đâu cậy nhờ
Phần thì thiên tổ phụng thờ,
Không ai săn sóc một giờ đèn hương.
Mộ phần ngày nắng đêm sương,

120. Không ai tảo sái đoạn trường thương bi.
Khúc nhôi kể hết vân vi
Mấy người có tội chép ghi vào lòng.
Ai mà án đã mãn xong,
Xem chơi cho biết, đục trong cho trường

125. Coi rồi lòng hãy xin thương,
Chép làm một bản mấy chương chỉnh tề,
Ai mà lòng biết kiêng dè,
Lóng tai nghe đọc cái Vè Côn Lôn.

Vũ Văn Kính phiên âm và dịch (tháng 4-1983)
[1] - Côn Lôn truyện, bản đánh máy do Vũ Văn Kính và Nguyễn Văn Kim sưu tầm tại huyện Đức Huệ, Long An ngày 1.4.1983.

[2] - Xem Huỳnh Ngọc Trảng, Vè Nam Bộ, NXB Tổng hợp, Đồng Nai, 2006 và Thơ Vè lịch sử - xã hội Nam Kỳ, Trung tâm Văn hóa TPHCM, xuất bản, 2007.

[3] - Vè Nam Bộ, sđd, trang 435.

[4] - Giả thiết là năm Ất Hợi và Canh Thìn là đúng thì Lê Doãn Hài đã ở tù Côn Lôn đến hai lần từ 1875 đến 1880 và từ 1885 đến 1890.
 


Xay lúa ở làng An Hải

Sở Rẫy (Vườn rau)


Lò Vôi (hiện nay không còn)

Chuồng Bò

Sở Lưới

Chuồng Heo