Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

Phú Yên Bốn trăm năm trước : 
Những người anh em

Mai Siêu Phong

Người anh em H'roi
 
Bốn trăm năm trước vùng đất phú Yên hiện thời 
không chỉ có một mình người Việt (Kinh) sanh sống, 
nhân kỷ niệm bốn trăm năm khai sanh vùng đất, xin nhắc lại đôi chút 
về những người anh em cộng cư thời đã xa xăm ấy. 
Do hiểu biết có hạn, xin được nhắc tới đầu tiên : Người anh em H'roi
Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết về đạo Phú Yên "xưa là đất Việt Thường thị, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Hán là Lâm Ấp, đời Tùy là quận Lâm Ấp, đời Đường đổi làm Châu Lâm, sau bị Chiêm Thành chiếm cứ, tức là đất Bà Đài và Đà Lãng".

Ở một chỗ khác, Đại Nam nhất thống chí viết: "... Nhưng từ núi Cù Mông về Nam vẫn là người Man, người Lạo ở, chưa có thì giờ kinh lý đến". "Bản triều Thái tổ Gia dụ Hoàng đế năm Mậu Dần thứ 21 (Lê Quang Hưng năm thứ 1 - 1578) bổ Lương Văn Chánh làm tri huyện Tuy Viễn, để dẹp yên biên trấn và chiêu tập dân xiêu tán đến Cù Mông, Bà Đài và khai khẩn ruộng hoang ở sông Đà Diễn".

Trong Phủ Biên tạp lục Lê Quý Đôn viết: "Nước ấy có chừng 50 thôn, trong nước có núi Bà Nam rất cao lớn, là trấn sơn một phương, Thủy Vương ở phía đông núi, Hỏa Vương ở phía tây núi, đều có địa phận riêng, gác cây làm nhà, bộ thuộc đều vài trăm người, cày bằng dao, trồng bằng lửa... không biết ngày tháng... Hai vua mặt đều đen xấu, vợ và thiếp thì chẳng ai là không đẹp, đều mặc áo vải Chiêm Thành sặc sỡ...".

Một chút hồi cố
Từ những gì mà sử sách Việt Nam ghi lại có thể thấy, vùng Phú Yên 400 năm trước gồm vài tộc người, trong đó có cả người Chiêm và những tộc người sau này gọi là người Thượng.

Sử liệu Trung Quốc và Việt Nam, tuy có đôi chút khác nhau, song đều cho biết là vào cuối thế kỷ thứ II, một nhân vật tên là Khu Liên, thừa lúc nhà hậu Hán suy yếu, liền chiếm một phần đất của quận Nhật Nam thuộc nhà Hán, xưng Vua trong một huyện cực nam là Tượng Lâm, mà theo nghiên cứu của nhà sử học Đào Duy Anh, "huyện Tượng Lâm ở miền Quảng Nam, phía nam đèo Hải Vân. Miền Nam huyện ấy vào đến Đại Lãnh giáp với thuộc quốc của Phù Nam". Nhà sử học Đào Duy Anh còn viết: "Chúng ta có thể đoán rằng biên giới phía bắc của Phù Nam là núi Đại Lãnh. Nước Lâm Ấp bây giờ hẳn gồm cả miền đất từ Hải Vân đến Đại Lãnh, trong miền đất ấy không còn có nước nào khác nữa".

Theo lịch sử Chăm: Trong suốt 200 năm từ thế kỷ thứ 7, Champa là một quốc gia hùng mạnh, nắm quyền cai trị trên một lãnh thổ rộng lớn, chạy dài từ cửa An Nam (núi Hoành Sơn, Quảng Bình) ở phía bắc đến đồng bằng sông Ðồng Nai ở phía nam. Nhà nước này chia thành 5 địa khu hay tiểu quốc, gọi là: Inrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga.

Tuy không xác định được vai trò quan trọng như vùng Inrapura, Kauthara, nhưng vùng đất Phú Yên hôm nay ngày trước hẳn cũng có vị trí không nhỏ trong lịch sử Champa. Qua các tài liệu lịch sử và khai quật, sưu tầm các hiện vật văn hóa tại Phú Yên cho thấy: những bia ký đầu tiên của Champa hiện được biết là hai bia ký có tên là bia ký chợ Dinh. Hai bia ký được khắc thẳng vào vách đá ở chân núi Nhạn (Phường Nhứt,Tuy Hòa). Một bia ký có 3 dòng và một bia ký chỉ có 1 dòng, chữ viết là chữ Phạn cổ và có thể có niên đại vào khoảng năm ± 400. Bia ký đầu có tên vua Bhadravarman và nói về việc cúng tế cho thần Siva với hiệu là Bhadresvaravaman do Maharaja (đại vương) Bhadravarman hoặc một trong những người kế vị của ông tiến hành. Bia ký thứ hai nói về một cuộc hiến sinh bằng người sống.

Nội dung hai bia ký (1) :

1- Với lòng tôn kính thần ! dưới chân Bhadrervaravaman, con sẽ dâng vật cúng cho lửa (hiến tế). Miễn là, như mặt trời và mặt trăng che phủ, ngài (thần lửa Agni) hãy bảo vệ con cháu của Dharma - Maharaja Sri Bhadravarman. Cầu mong cho công việc hiến tế thành công vì sự tốt lành của mặt đất.

2- Siva ! tên nô lệ đã bị trói (vào chiếc cột)

Bhadravarman, vị vua được bia chợ Dinh nhắc tới chính là ông vua đầu tiên có tên trong bia ký Chămpa và cũng là ông vua sáng lập ra thánh địa Mỹ Sơn.

Sử ta gọi các bộ tộc ở phía Nam Hoan châu là Chiêm thành . Tuy nhiên, danh từ Champa xuất hiện lần đầu tiên vào năm 658 sau công nguyên trên một bia đá tìm thấy ở miền trung Việt Nam. Kể từ năm đó, danh từ này thường được dùng trong nhiều tư liệu lịch sử như ở Kampuchea vào năm 668 trong văn bia bằng tiếng Phạn. Đối với vương quốc ở miền bắc, danh từ Champa chỉ xuất hiện vào năm 809 trong tư liệu bằng tiếng Hán dưới hình thức phiên âm: Tchan-tch'eng (Chiêm Thành-Campapura). Dưới đây xin gọi là Champa đôi chỗ gọi là Chăm cho gọn ( mặc dù các học giả chuyên về Champa hay phàn nàn về sự lẫn lộn giữa hai cụm từ này)

Champa là một Nhà nước ở miền Trung Việt Nam chạy dài từ Hoành Sơn (Quảng Bình) đến biên giới vực Brei Nogor (Sài Gòn - Biên Hòa) . Được hình thành vào thế kỷ thứ 2, vương quốc Champa là một quốc gia liên bang bao gồm 4 tiểu quốc, đó là:

- Amaravati (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi)

- Vijaya (Bình Định)

- Kauthara (khu vực Phú Yên Khánh Hoà)

- Panduranga (Phan Rang và Phanrí)

Lãnh thổ của vương quốc Champa không chỉ bao gồm vùng đồng bằng chạy dài theo bờ biển Trung Quốc còn gồm cả vùng Tây nguyên miền Trung Việt Nam. Liên quan đến vấn đề nhân chủng Champa trong quá khứ. Nhiều tác giả cũng đã từng chứng minh rằng dân tộc Champa không chỉ dành riêng cho người Chăm, nhưng là một dân tộc đa chủng, bao gồm cả người Chăm và các anh em Tây nguyên thuộc hệ ngôn ngữ Malayo-Polynésien (như dân tộc Jarai, Rađê, Churu, Raglai, Hroi, v.v.) hay thuộc hệ ngôn ngữ Austroasiatique (dân tộc Bahnar, Sédang, Stieng, Maa, v.v.) (2).

Các bộ tộc cư ngụ tại các địa khu nói trên góp phần xây dựng một nền văn minh rực rỡ trong nhiều thế kỷ. Mãi đến cuối thế kỷ thứ 9, khi đã thoát khỏi ách cai trị của Trung Quốc, nhằm tạo dựng một quốc gia độc lập bao gồm toàn diện đất đai của khu vực sông Hồng cho đến cửa An Nam (Hoành Sơn), Đại Việt và Champa bắt đầu những cuộc xung đột bằng vũ lực mở đầu cho sự lụi tàn một nền văn minh.

Kể từ thế kỷ thứ 11, Đại việt nhiều lần tiến chiếm Champa vào năm 1021 và vào năm 1026. Chưa đầy 18 năm sau, viện cớ là quân Champa xâm phạm biên cương, vua Đại Việt cầm đầu một đoàn quân hùng mạnh sang xâm chiếm Vijaya vào năm 1044. Quân Việt đã thành công, và họ đốt phá thủ đô Trà Bàn và giết chết vua Champa trong trận chiến.

Một vài năm sau, vua Champa là Rudravarman đệ tam xuất quân ra miền bắc để tàn phá Thăng Long. Ðể trả đũa cho sự việc trên, vua Việt là Lý Thánh Tông, đem một đoàn quân hùng mạnh sang xâm chiếm Vijaya. Trong trận chiến này, vua Champa bị bắt đưa ra Thăng Long. Năm 1069, nhằm chuộc tội để được trở về quê hương an toàn, vua Champa phải chịu nhường cho Việt một lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc của vương qúốc này. Chính lãnh thổ này đã trở thành khu vực hành chánh Đại Việt gọi là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính, chạy dài từ Hoành Sơn (Quảng Trị) đến đèo Lao Bảo ở phía bắc của Huế. Kể từ đó, đèo Lao Bảo đã trở thành biên giới chính thức giữa Champa và Đại Việt, Năm 1103 và 1104, vua Champa tiến công Đại Việt nhằm thu hồi lại khu Điạ Lý, Ma Linh và Bố Chính, nhưng không thành công.

Sau bao năm chiến tranh không ngừng giữa đôi bên, vua Champa quyết định vào năm 1000 dời thủ đô về Vijaya (Bình Định), vì Indrapura (Quảng Nam) nằm trên một địa thế quá gần với biên giới Đại Việt.

Năm 1471 Việt chiếm thành Trà Bàn (Vijaya). xâm chiếm toàn diện lãnh thổ Champa ở phương bắc và dời biên giới Đại Việt đến đèo Cù Mông,. Kể từ đó, Champa bị thu hẹp lại trong hai tiểu quốc Kauthara (Phú Yên- Khánh Hòa) và Panduranga (Phan Rang-Phan Rí). Từ ấy, do ngẫu nhiên của lịch sử. vương quốc Champa bé nhỏ này phải đương đầu trực diện với chính sách Nam Tiến của các Chúa Nguyễn, hùng mạnh cả quân sự lẫn kinh tế.

Sau ngày mất Trà Bàn vào năm 1471, lãnh thổ Champa bị thu hẹp lại ở tiểu vương quốc Panduranga, chạy dài từ Harek Kah Harek Dhei (Phú Yên) (2) đến biên giới Brei Nogor Sài gòn-Biên Hòa. 87 năm sau sự hình thành tập đoàn có thực quyền ở Thuận Hóa do nhà Nguyễn sáng lập đã đưa chính sách Nam Tiến sang một chiều hướng mới hoàn toàn khác hẳn với chính sách Nam Tiến của Đại Việt trước ngày sụp đổ thành Trà Bàn vào năm 1471.

Năm 1611 đánh dấu ngày xuất quân Nam tiến quy mô đầu tiên của chúa Nguyễn. Hơn 40 vạn quân chính qui từ Thuận Hóa đưa sang với sự yểm trợ của quân " Đồn điền" tại chỗ, vượt đèo Cù Mông ở tấn công Aia Ru (Harek Kah Harek Dhei) của Champa sau đó lấy khu vực vừa mới chiếm đóng lập Phủ Phú Yên về sau thành Dinh Trấn biên, giao cho một Phò mã của Nguyễn Chúa trấn thủ. Bốn mươi hai năm sau, chúa Nguyễn lợi dụng thời điểm hòa bình với chúa Trịnh trong vòng 7 năm, xuất quân xâm chiếm Panduranga vào năm 1653 và dời biên giới miền nam của mình đến Cam Ranh. Kể từ đó, vùng Khánh Hòa- Nha Trang (Aia Trang) trở thành hai đơn vị hành chánh của người Việt, đó là Dinh Thái Khang và Diên Khánh.

Ba năm sau, tức là năm 1653, chúa Nguyễn xua quân xâm chiếm lãnh thổ Cao Miên ở Biên Hòa. Thế là kể từ năm 1653, Champa trở thành một lãnh thổ hoàn toàn bị bao vây, ở phía bắc giáp căn cứ quân sự nhà Nguyễn ở Cam Ranh và phía nam giáp căn cứ quân sự nhà Nguyễn ở Biên Hòa.

Một cuộc nội chiến nữa giữa dân tộc Việt, đó là chiến tranh vào năm 1771 giữa phong trào Tây Sơn ở miền bắc và Nguyễn Ánh ở Miền Nam. Cuộc nội chiến này đã biến lãnh thổ Champa còn giữ được :(khu vực Phan Rang và Phan Rí) thành bãi chiến trường đẫm máu trong vòng 30 năm giữa hai phe phái của dân tộc Việt, một bên trung thành với Nguyễn Ánh còn bên khác thì ủng hộ phong trào Tây Sơn.

Năm 1773, Tây Sơn xua quân chiếm đóng Panduranga. Trong 30 năm nội chiến, Tây Sơn biến Nha Trang thành khu vực địa đầu quân sự của mình, trong khi đó Nguyễn Ánh hoạt động vùng Brei Nogor ( Biên hòa - sai gòn). Hoàn cảnh địa dư đã biến Champa thành một khu vực nằm giữa hai gộng kìm biên giới quân sự của Tây Sơn ở phía bắc và Nguyễn Ánh ở phía nam.. Lý do rất là giản dị. Muốn tấn công Nguyễn Ánh ở Gia Định, Tây Sơn phải làm chủ quân sự ở Champa : Panduranga (khu vực Phan Rang và Phan Rí) trước. Về phía Nguyễn Ánh, muốn tấn công Tây Sơn ở Bình Định, Nguyễn Ánh phải xua quân chiếm đóng Panduranga trước tiên, sau đó mới có thể tiến quân đến Nha Trang (Aia Trang) được.

Năm 1776, Tây Sơn chiếm đóng Panduranga để làm căn cứ hành quân.

Năm 1779, Nguyễn Ánh chiếm lại Panduranga trước khi xua quân tấn công Tây Sơn ở Nha Trang.

Năm 1791, Tây Sơn trở lại chiếm đóng Panduranga và năm 1793 Panduranga lại rơi vào tay của Nguyễn Ánh.

Năm sau 1794, Tây Sơn xâm chiếm lại Panduranga cho đến năm 1798.

Trong suốt cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, biên giới của vương quốc Champa hoàn toàn bị xóa bỏ trên bản đồ mọi cơ cấu tố chức chính trị và xã hội Champa hoàn toàn bị sụp đổ. Dân tộc Champa chia thành hai phe nhóm do hai thế lực người Việt tạo dựng ra. một khi đã chiếm Champa để làm cứ điểm quân sự, Nguyễn Ánh thành lập một chính quyền mới của vương quốc này tập trung những thành phần lãnh đạo thân cận với mình. Một khi tiến quân vào Champa, Tây Sơn lại ra lệnh thanh trừng gắt gao những phần tử người Champa theo Nguyễn Ánh để rồi thành lập một chính quyền khác mà cấp lãnh đạo là thân cận của Tây Sơn.

Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lên ngôi với tôn hiệu là Gia Long. Gia Long tái lập lại vương hiệu Champa, sau đó phong cho Po Saong Nhung Ceng (tổ tiên của gia đình hoàng gia Bà Thềm ở Phan Rí), một người Chăm rất thân cận với Gia Long lên làm quốc vương Panduranga-Champa. Từ năm 1802, Champa không còn là một Nhà nước độc lập nữa mà là một lãnh thổ tự trị đặt duới quyền bảo hộ của triều đình Việt Nam và hưởng quyền che chở rất là đặc biệt của hoàng đế ở Kinh đô và tổng trấn Gia Định Thành là Lê Văn Duyệt được xem đại diện toàn quyền của Vua Việt ở miền Nam thời đó.

Sau ngày từ trần của Gia Long vào năm 1820, Minh Mạng đưa ra chính sách cai trị hoàn toàn ngược lại với chủ trương của Gia Long . Minh Mạng là một hoàng đế có tư tưởng chính trị rất là độc đáo dựa vào ý thức hệ trung ương tập quyền, luôn luôn chủ trương Quốc Gia Việt Nam là "một" và nhân dân Việt Nam phải là dân tộc có cùng với nền văn hóa và văn minh của người Việt. khi lên ngôi, Minh Mạng xóa bỏ hoàn toàn chính sách ưu đãi dành riêng cho vương quốc Champa do tiền triều để lại và tìm cách giám thiểu ảnh hưởng của Lê Văn Duyệt ở vương quốc này.

Là một tướng có công trạng lớn lao trong chiến tranh chống Tây Sơn và cũng là công thần khai quốc của Gia Long, Lê Văn Duyệt phản đối nhiều chính sách của Minh Mệnh như bảo vệ quyền tự trị của Champa, Khơme. sự bất mãn của Minh Mệnh đối với Lê Văn Duyệt ngày càng tăng

Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần, Lê văn Khôi nổi loạn ở Phiên an. Minh Mệnh xua quân dẹp loạn, thực hiện luôn quyền quản trị vùng đất tự trị và trừng phạt giai cấp lãnh đạo Champa vì tội phục tùng Lê Văn Duyệt để rồi xóa hẳn vương quốc này trên bản đồ Đông Dương. Thế là năm 1832 đánh dấu ngày sụp đổ hoàn toàn vương quốc Champa.

Người anh em H'roi trên vùng đất Harek Kah Harek Dhei còn gọi là Aia Ru
Ai cũng biết, Hroi là một dân tộc định cư ở khu vực tỉnh Phú Yên, địa đầu của tiểu vương quốc Panduranga. Nhưng họ là ai và có liên hệ gì với vương quốc Champa thời trước ? Dù cho danh xưng dân tộc này ở Phú Yên được giới thiệu trang trọng là Chăm Hroi nhưng nguồn gốc của dân tộc này và danh xưng chăm hroi được bàn cãi từ những năm 30 Các học giả người Pháp và kể cả các nhà Champa học cãi mãi đến giờ vẫn chưa thôi. Những sơ lược về nguồn gốc dân Hroi dưới đây là những góp nhặt quanh các cuộc bàn cãi đó
Sơ lược nguồn gốc dân tộc Hroi
Một dự kiện trong khu vực đáng được chú ý, đó là giữa thế kỷ thứ 12, vương quốc Champa bị phân chia làm hai miền. Miền nam, tức là tiểu vương quốc Panduranga, đặt dưới quyền lãnh đạo của vua Jaya Harivarman I. Ngược lại, tiểu vương quốc Vijaya ở miền bắc đặt dưới quyền đô hộ Kampuchea. Vì không thể chấp nhận sự thống trị của người dị chủng, vua Jaya Harivarma I ở miền nam tiến quân ra bắc giải phóng thủ đô Vijaya vào năm 1149, giết được hoàng tử Harideva, lãnh đạo đoàn quân viễn chinh Kampuchea. Sau ngày thắng trận, thay vì Jaya Harivarman I phải rút quân trở về Panduranga, ông ta lại lợi dụng tình thế, tự xưng vương ở Vijaya, mặc dù ông ta biết rằng quyền nối ngôi ở Vijaya phải thuộc về hoàng tử Vangsaraja, chính là em ruột của vợ ông .

Nhằm phản đối lại sự đoạt ngôi này, dân tộc Tây Nguyên mà bia đá gọi là Kiratas phất cờ vùng dậy đưa hoàng tử Vangsaraja lên làm vua ở Vijaya. Vua Jaya Harivarman I không còn giải pháp khác để giải quyết sự khủng hoảng chính trị này, quyết định vào năm1151 tấn công đoàn quân mà bia ký gọi là Randaiy (Radé), Mada (Bahnar) và nhóm quân Kiratas khác do hoàng tử Vangsaraja lãnh đạo. Thất trận, hoàng tữ Vangsaraja chạy sang Đại Việt cầu cứu viện trợ.

Biến cố năm 1151 đã cho thấy một bằng chứng cụ thể đó là dân tộc Tây Nguyên mà bia ký gọi chung là Kiratas (dân tộc sống ở miền cao) là thần dân của của vương quốcVijaya-Champa thời trước. Cuộc binh biến vào năm 1151, không phải là các dân tộc miền cao chống lại người Chăm, nhưng vì không chấp nhận thái độ Jaya Harivarman I, vua Panduranga ở miền nam, cướp ngai vàng của hoàng tử Vangsaraja ở Vijaya mà họ vẫn xem hoàng tử này là cấp lãnh đạo chính thức của họ

Sự hiện diện của di tích lịch sử Champa trên Tây Nguyên và nhiều bia ký ở Champa và văn kiện lịch sử Trung Quốc cũng nhắc đến vai trò của dân tộc Tây Nguyên trong chiến tranh chống quân Mông Cổ vào năm 1282. Cũng theo tư liệu này, vào năm 1282, khi quân Mông Cổ tiến đến cửa thành Trà Bàn, vua Champa Indravarman V và hoàng tử Harijit quyết định dời bỏ thủ đô này lui về khu vực Ban Mê Thuột và Pleiku. Sau đó, vua Indravarman V với 20.000 quân, đa số là dân tộc Tây Nguyên, tràn xuống đồng bằng đánh bại quân Mông Cổ để giải phóng thành Trà (Chà) Bàn.

Sau ngày thất thủ thành Trà Bàn vào năm 1471, vương quốc Champa vẫn còn tồn tại, nhưng lãnh thổ bị thu hẹp lại ở tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam. Tuy nhiên, Panduranga-Champa ở miền nam này không phải là vương quốc của riêng dân tộc Chăm, nhưng vẫn là một vương quốc đa chủng tập trung nhiều dân tộc anh em ở đồng bằng có dân tộc Chăm và ở Tây Nguyên có dân tộc Chru, Raglai, Kaho, Mạ, Stieng, Hroi, v.v. Tư liệu hoàng gia Panduranga-Champa từ năm 1600 đến năm 1810 viết bằng tiếng Chăm hiện đại (akhar thrah) và tiếng Hán, hiện đang lưu trữ tại thư viện Société Asiatique de Paris để lại hàng loạt hồ sơ liên quan đến sự phân quyền cho nhiều giới lãnh đạo gốc Chru và Raglai nhằm quản lý hành chánh và chính trị ở hai khu vực Phanrang và Phanrí .Một thí dụ cụ thể để chứng minh cho quyền và trách nhiệm ngang nhau ở vương quốc Panduraga-Champa đó là vua Po Romé là gốc dân tộc Churu đã lên nắm chính quyền ở vương quốc này từ năm 1627 đến năm 1651. Sau đó, dòng Po Romé vẫn tiếp tục cai trị Panduranga-Champa cho đến vua Cei Brei, vì không chấp nhận chính sách xâm lăng của Tây Sơn và Nguyễn Ánh, đã quyết định chạy sang Kampuchea vào năm 1786.

Các tài liệu khả tín cho thấy dân tộc Chăm không phải là chủ nhân duy nhất của vương quốc Champa.

Dominique Nguyen một học giả Chăm chuyên gia của Chương trình Thế Giới Mã Lai - Đông Dương thuật lại các tranh cãi về vấn đề này như sau :

"Trong quá trình lịch sử Champa, kể từ thế kỷ thứ hai đến ngày mất nước vào năm 1832, người ta chỉ biết lai lịch nguồn gốc dân tộc của hai dòng vua cầm quyền ở Champa, đó là dòng vua Po Romé (1627-1651) là gốc dân tộc Churu và dòng vua Po Saung Nhung Cheng (1799-1822) gốc người Chăm, tức là tổ tiên của Bà Thềm ở Phanri hôm nay (20). Còn lại những vị vua khác, người ta chỉ biết họ là vua Champa, nhưng không ai biết đến lai lịch của họ là dân tộc gì ?

Năm 1890, E. Aymonier ra mắt tác phẩm Légende historiques des Cham (Huyền thoại lịch sử Chăm). Trong tác phẩm này, tác giả có bàn đến danh từ Nâgar Cham (vương quốc Chăm) xuất hiện lần đầu tiên trong tư liệu lịch sử Champa với nhan đề Sakkarai Dak Rai Patao (Biên niên sử) . Dựa trên sự hiện diện của thuật ngữ này, ông E. Aymonier đã kết luận rằng Chăm là dân tộc giữ vai trò chính yếu ở vương quốc Champa. Mười lăm nămsau, ông E. Durand đứng lên phê bình và phản đối quan điểm E. Aymonier. Theo E. Durand, thuật ngữ Nâgar Cham (vương quốc Chăm) là một từ hiện đại do người Chăm viết vào năm 1890 trong Sakkarai Dak Rai Patao (Biên niên sử). Chính vào năm 1890, ông E. Durand cũng có mặt ở khu vực Panduranga và ông cũng ta cho biết rằng vào lúc đó không có một người Chăm nào biết đến danh từ Champa, vua chúa Champa. Thuật ngữ Nâgar Cham (vương quốc Chăm) chỉ có nghĩa hạn hẹp và lu mờ trong giới trí thức và nghệ nhân Chăm, không thể là một minh chứng lịch sử nhằm kết luận rằng Champa là vương quốc của người Chăm. Sau đó, P-B. Lafont cũng viết một bài bình luận khác nhằm tán thành quan điểm của E. Durand và kết luận rằng tất cả vua chúa trong Sakkarai Dak Rai Patao (Biên niên sử) không phải là vua chúa của người Chăm, nhưng là vua chúa của một tiểu vương quốc Panduranga-Champa ở miền nam. Dân tộc Chăm chỉ là một thành phần của các dân tộc sống trong biên giới của tiểu vương quốc này.

Năm 1910, G. Maspero ra mắt tác phẩm Le Royaume de Champa "Vương Quốc Champa" và tái bản vào năm 1928. Trong tác phẩm này, G. Maspero cũng xác nhận Champa là một vương quốc đa chủng, nhưng ông ta vẫn còn đeo đuổi quan niệm là người Chăm vẫn là một dân tộc trấn giữ quyền chính trị quan trọng hơn so với các dân tộc khác trong vương quốc này. Đôi lúc ông ta cũng còn hiểu lầm rằng danh từ Chăm là thuật ngữ phát xuất từ Champa mà ra. Đây là một quan điểm lịch sử sai lầm mà các nhà khoa học Pháp đã lên tiếng phản đối mạnh liệt trong bài phê bình và điểm sách của họ. Dựa trên văn bản viết trên bia đá ở Champa, % Kampuchea và Nam Dương, L. Finot, một chuyên gia Champa của Viện Viễn Đông Pháp cho rằng người Chăm không thể nào là chủ nhân của vương quốc Champa được, vì rằng văn kiện bia đá không bao giờ nhắc đến dân tộc Chăm một lần nào, nhưng mà chỉ nói đến dân tộc Champa (Urang Champa), vua Champa (Raja Champa) và vương quốc Champa (Nagara Champa) mà thôi. Thế thì trên cơ sở nào, G. Maspero lại kết luận rằng người Chăm trấn giữ quyền lực ở vương quốc này. Theo L. Finot, nếu văn kiện lịch sử dùng thuật ngữ Raja Champa thì chúng ta phải dịch là vua Champa chứ không thể hiểu là vua Chăm được. Thế thì, yếu tố chính của sự nhầm lẫn lịch sủ này phát xuất từ quan niệm không cơ sở khoa học cho rằng thuật ngữ Chăm và Champa chỉ là một, cùng chung một nguồn gốc. Tiếc rằng, Chăm và Champa là hai từ vựng khác nhau. Champa là từ vựng tiếng Phạn ám chỉ cho vương quốc ở miền trung Việt Nam. Còn Chăm là danh từ địa phương dùng trong văn bản để ám chỉ cho cộng đồng người Chăm ở khu vực Phanrang và Phanri.

Bước vào 1965, nguồn gốc dân tộc Champa đã trở thành một chủ đề khuất mắt chứa chấp bao nhiêu sự mâu thuẫn và sai lầm đăng tải hàng loạt trong các tập san khoa học lẫn báo chí hàng ngày ở Việt Nam. Khởi đầu cho sự khuất mắt này là sự ra đời vào năm 1965 của tác phẩm Dorohiem và Dohamide với nhan đề : Dân-tộc Chàm Lược-Sử. Đây là một cuốn sách lịch sử hoàn toàn dựa trên tác phẩm Le Royaume de Champa (Vương Quốc Champa) của G. Maspro (1928) và Légendes historiques des Chams (Huyền thoại lịch sử của người Chăm) của ông E. Aymonier (1890). Tiếc rằng Dorohiem và Dohamide tiếp tục lập đi lập lại bao nhiêu sự sai lầm của ông G. Maspero, vì hai tác giả này không đọc bài phê bình về sự sai lầm trong cuốn sách của ông G. Maspro do ba nhà khoa học Pháp thực hiện mà chúng tôi vừa nêu ở phần trên. Thêm vào đó, Dorohiem và Dohamide đưa ra một quan điểm riêng tư của mình nhầm chứng minh rằng người Chăm mới là chủ nhân thật sự của vương quốc Champa này, nhưng hai tác giả này không cần dựa vào một dự kiện lịch sử nào để giải thích cho lý thuyết không cơ sở khoa học này. Theo Dorohiem và Dohamide, chỉ có vua Chăm, nước Chăm, người Chăm. Nhìn qua tác phẩm với chủ đề : Dân-tộc Chàm Lược-Sử, độc gỉa có thể đặt nghi vấn có chăng chỉ có dân tộc Chăm mới có lịch sử ? Thế thì những dân tộc anh em khác ở Tây Nguyên, họ là ai ?

Trong tác phẩm Dân-tộc Chàm Lược-Sử, Dorohiem và Dohamide cũng đưa ra một lý thuyết mới nữa nhằm đồng hóa dân tộc Tây Nguyên thành người Chăm. Dựa trên quan điểm của ba nhà nghiên cứu Hoa kỳ, Dorohiem và Dohamide cho rằng người Chàm chia thành hai nhóm) : "Nhóm Chàm miền đồng bằng (low land) và nhóm Chàm Cao-Nguyên (Up land)". Đây là một quan điểm sai lầm. Vì dân tộc Tây Nguyên không phải là người Chăm, nhưng là một thành phần của dân tộc Champa nói một thứ tiếng được xếp vào nhóm Chamic (3), chỉ có thế thôi .

Cũng trong tác phẩm này, Dorohiem và Dohamide còn kết luận rằng Tây Nguyên không phải là đất đai của vương quốc Champa, nhưng là một khu vực bị người Chăm đô hộ. Trang 115 của Dân-tộc Chàm Lược-Sử viết rằng: "Nền văn-minh Chàm không tự hạn định phạm-vi trong vương quốc Champa, mà còn vươn ra ngoài biên-cương, ảnh-hưởng quan-trọng đối với một số Dân-tộc Cao-Nguyên Trung-Phần".Có chăng đây là một văn chương chính trị nhằm tách rời dân tộc Tây Nguyên ra khỏi lịch sử Champa phù hợp với chủ trương của chính sách Việt Nam Cộng Hòa thời trước hay là vì hai tác giả này không thấu triệt yếu tố cơ bản lịch sử Champa là một vương quốc đa chủng.

B. Gay là tác giả cuối cùng nghiên cứu về nguồn gốc lịch sử dân tộc Champa đã kết luận rằng vương quốc Champa không phải là vương quốc của dân tộc Chăm, nhưng là vương quốc đa chủng tập hợp toàn thể dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ chính trị chung của Champa, trong đó có dân tộc Hroi, một dân tộc sống ở khu vực Aia Ru (tỉnh Phú Yên), tức là địa đầu của tiểu vương quốc Panduranga-Champa thời trước.

Sau ngày thất thủ thành Đồ Bàn vào năm 1471, khu vực Phú Yên hay nói một cách khác khu vực dân cư Hroi vẫn còn trực thuộc vào biên giới hành chánh của tiểu vương quốc Panduranga-Champa, mặc dù khu vực này đã trở thành một bãi chiến trường trong các cuộc tranh chấp biên giới giữa Champa và nhà Nguyễn thời đó. Hơn 140 năm sau, tức là năm 1611, khu vực Phú Yên, bị rơi vào tay nhà Nguyễn. Thế thì dân tộc Hroi, cả dân tộc Jarai, Radé, Bahnar, Sédang, v.v. ở Tây Nguyên mất hẳn sự liên hệ với các sắc dân Champa ở khu vực Panduranga.

Gần 4 thế kỷ lưu lạc và sau đó lại rơi vào tay thống trị của nhà Nguyễn kể từ năm 1611, dân tộc Hroi hôm nay vẫn còn giữ lại một số truyền thống văn hóa của mình và tiếng nói của mình. Đây là một yếu tố lịch sử quan trọng. Vì rằng, hàng vạn dân tộc Champa ở vùng ven biển chạy dài từ khu vực Indrapura (Quãng Bình) đến tiểu vương quốc Vijaya (Bình Định) cũng mang thân phận vong quốc như người Hroi, nhưng họ không còn giữ lại nguồn gốc văn hóa và tiếng nói của họ nữa. Họ chỉ biết rằng họ không phải là người Việt và rất vinh hạnh với tên gọi Ôn, Ma, Trà, Chế, nhưng bị đồng hóa hoàn toàn). Cho đến hôm nay, các nhà nghiên cứu vẫn còn đặt câu hỏi thế thì dân tộc Champa sống ở vùng ven biển chạy dài từ Quảng Bình đến Bình Định, họ là ai ? Có chăng họ là người Chăm hay là một dân tộc khác, vì bị đồng hóa họ không còn biết tên nguồn gốc dân tộc họ là gì ?

Sống trên địa bàn dân cư nằm ngay ở Phú Yên, một khu vực đã trở thành một bãi chiến trường tranh chấp liên tục giữa Panduranga-Champa và nhà Nguyễn kể từ năm 1471, dân tộc Hroi đã khôn khéo thoát thân ra khỏi chính sách Việt Nam Hóa của nhà Nguyễn nhằm lưu giữ lại truyền thống văn hóa và tiếng nói của của mình. Sự hiện diện của dân tộc Hroi và ngôn ngữ Hroi hôm nay đã trở thành một bằng chứng cụ thể nhằm minh chÔứng sự khác biệt rõ rệt về ý thức hệ quốc gia Champa giữa thần dân của tiểu vương quốc Panduranga ở miền Nam và thần dân của tiểu vương quốc Vijaya, Amaravati và Inrapudra ở miền Bắc.

Đứng trên khía cạnh lịch sử, dân tộc Hroi là thần dân của vương quốc Champa trước kia. Họ tự gọi họ là Hroi. Ngược lại, một số nhà nghiên cứu gọi họ là Chăm Hroi, nhưng không lời giải thích về quá trình lịch sử về danh xưng này. Cũng như một số dân tộc Champa ở Tây Nguyên, người Hroi có nhiều phong tục tập quán và tiếng nói gần gủi với người Chăm. Có chăng vì sự gần gủi đó mà hôm nay nhiều nhà nghiên cứu lại gán cho họ tên gọi là Chăm Hroi.

Nhìn qua nội dung từ vựng Hroi-Việt trong CAM 182 và CAM 183, chúng tôi kết luận rằng, Hroi là một tộc người có ngôn ngữ riêng của họ, mặc dù ngôn ngữ này vẫn nằm trong đại gia đình của ngôn ngữ Đa Đảo (Austronesien). Vì trong tổng số 1207 từ xuất hiện trong hai cuốn CAM 182 và CAM 183, chúng tôi kiểm kê có 243 từ vựng riêng biệt của dân tộc Hroi này. Số lượng 243 từ vựng riêng biệt này đã chứng minh cụ thể : Hroi không phải là người Chăm, nhưng là một tộc người riêng biệt cũng như người Chru, Raglai, Jarai, Radé nằm trong hệ thống ngôn ngữ Đa Đảo (Autronésien) và cũng là thần dân của cựu vương quốc Champa trước kia. "

Địa bàn dân cư và tổ chức xã hội Hroi
Đứng trên địa bàn dân cư, dân tộc Hroi chỉ tập trung ở khu vực Aia Ru hay là Harek Kah Harek Dhei, thuộc tỉnh Phú Yên . Cho đến hôm nay, dân số Hroi vẫn còn là một vấn đề cần được nghiên cứu (4). Qua nội dung bài báo cáo của Bố Thuận trong công tác điền dã vào năm 1933 , riêng về tỉnh Phú Yên có vào khỏang 52 thôn ấp dân tộc Hroi trong đó có 37 thôn ở khu vực Huyện Ðồng Xuân và 15 thôn ở Huyện Sơn Hòa.

Bố Thuận (5)ghi lại lời kể của ông Ma Cham Do: một số đồng bào Hroi ở làng Suối Che, huyện Sơn Hòa cho rằng tổ tiên của họ là gốc người Bình Định. Vì chiến tranh, họ chạy sang Phú Yên lánh nạn ở khu vực sông Cầu. Sau đó lại bị người Việt lấn áp khu vực này, họ phải bỏ khu vực Sông Cầu để rồi chạy sang lánh nạn ở khu vực gần người Bahnar và Radé hơn.

Hroi là một dân tộc hiền lành chất phát, ở dọc theo các sườn núi. Mỗi buôn chỉ có chừng 5 tới 7 nóc nhà. Buôn nào lớn nhất có độ 20 nóc nhà. Về nông nghiệp, dân tộc Hroi phần lớn biết cày bừa, nhưng ruộng đất bán dần và nay phần lớn chỉ còn làm rẫy. Đa số đàn ông người Hroi đóng khố ở trần; đàn bà mặc áo dài như người Chăm, thích trang sức quấn cườm, đeo vòng đồng hay bạc. Ðàn ông người Hroi thích cà răng cho bằng và phụ nữ thích căng tai đeo ngà cho đẹp. Về phần ăn uống, đàn ông thích dùng chén đũa còn phụ nữ Hroi thích ăn bóc bằng tay. Thức ăn hảo hạng của người Hroi là món ê óc ê tức là một loại gỏi thịt trộn với bao tử và ruột non thú săn còn nguyên cỏ. Mỗi gia đình người Hroi có một căn nhà sàn. Mỗi nhà có ít nhất hai cái bếp : bếp kiêng cử và bếp khách. Người Hroi cũng như sắc tộc lân cận thờ nhiều thần thánh.

Dân tộc Hroi theo chế độ mẫu hệ và mẫu cư (6). Người con gái Hroi đi hỏi chồng, nhưng cũng có một số thôn , người con trai đi hỏi vợ. Lễ cưới được cử hành tại nhà cô dâu. Tiệc kéo dài trong ba ngày. Tài sản thuộc quyền con gái. Nếu cha mẹ chết, người con gái phải lo nuôi dưỡng những em nhỏ. Của cải chia phần cho người chết thường đem ra ngoài mộ để đó. Tóm lại, chế độ mẫu hệ của đồng bào Hroi có cùng một khuôn mẫu với chế độ mẫu hệ của người Chăm ở Phan Rang và Phan Rí.

Người Hroi có từ vựng riêng biệt
Năm 1933, ông L. Sogny (7), một nhà nghiên cứu Pháp biết rằng ở khu vực Phú Yên còn có một nhóm người không biết họ là ai, nhưng họ có tổ chức gia đình và tiếng nói rất gần gủi với người Chăm. Để kiểm chứng tin tức này, ông L. Sogny yêu cầu Bố Thuận sang khu vực này để nghiên cứu thêm. Trong báo cáo của mình , Bố Thuận cũng gọi họ là người Chăm, nhưng người Chăm nói một thứ tiếng có nhiều phần dị biệt nhất là cách phát âm, so với tiếng Chăm ở khu vực Phan Rang và Phan Rí; họ ở nhà sàn, mặt áo quần gần giống như dân tộc ở miền cao. Năm 1933, Bố Thuận gốc người Chăm ở Phan Rí có nhận một công tác sang tỉnh Phú Yên để nghiên cứu về dân tộc Hroi. Bài nghiên cứu này đã đăng trong tập san Bulletin des Amis du Vieux Huế .
Tài liệu quan trọng của người Hroi Phú Yên
Ngoài các tài liệu do Kaso Liễng một người Hroi Phú Yên sưu tầm ghi chép bằng mẫu tư Latin và một số người khác . Cuốn từ vựng Hroi-Việt là một tư liệu viết bằng tiếng Chăm hiện đại (akhar thrah) và tiếng Việt trên cuốn vở học sinh có gạch hàng, hiện đang lưu trữ tại Viện Viễn Đông Pháp (EFEO) ở Paris. Tư liệu này gồm hai tập, mang ký hiệu CAM 182 và CAM 183. Mỗi tập gồm 84 trang . Cho đến hôm nay, Viện Viễn Đông Pháp cũng không biết ai là người thu thập tài liệu này và kể từ năm nào hai cuốn tư liệu này được lưu trữ trong thư viện của Viện . Mặt bià của CAM 182 mang một dòng tiếng Pháp : Dictionnaire Chàm Sông Cầu Phú Yên (Tự điển Chăm ở khu vực Sông Cầu, Phú Yên). Mặt bìa của CAM 183 cũng có một câu ghi chú bằng tiếng Pháp : Dictionnaire Chàm Annamite tỉnh Phú Yên Sông Cầu (Tự điển Chăm-Việt, Sông Cầu, tỉnh Phú Yên).

CAM 182 và CAM 183 là hai cuốn từ vựng ngôn ngữ Hroi đầu tiên còn lưu trữ trong thư viện Pháp.

(Theo P-B. Lafont, Po Dharma et Nara Vija , CAM 182 và CAM 183 là hai cuốn từ vựng do P. Mus sưu tầm cho thư viện Viện Viễn Đông Pháp vào năm 1929-1930)

Nội dung từ vựng
Dominique Nguyen trong một bài viết (Champaka 3) có mô tả chi tiết : "Hai tập từ vựng CAM 182 và CAM 183 có tổng số 1867 đơn vị từ (entrée), trình bày tuần tự từ số 1 đến số 1867 không theo một chủ đề nhất định. Nhưng trên tổng số này, người ta chỉ tìm thấy có 1207 từ vựng mà thôi.

Trong chỉ số 1207 từ vựng này, có 9 từ vựng gốc Phạn ngữ (64); 3 từ vựng gốc Ả Rập (65); 1 từ vựng gốc Kampuchea (66); 2 từ vựng gốc Mã Lai (67); 12 từ vựng của ngôn ngữ Jarai và Radé và 7 từ vựng của ngôn ngữ riêng biệt của tộc người Jarai.

Điều đáng chú ý nhất đó là trên chỉ số 1207 từ vựng xuất hiện trong hai tư liệu CAM 182 và CAM 183, người ta tìm thấy có 243 từ vựng riêng biệt của ngôn ngữ Hroi. Chỉ số còn lại đó là 929 từ vựng nhóm Chamic, có nghĩa là từ thông dụng mà người ta vẫn còn dùng ở khu vực Panduranga.

Sự xuất hiện từ vựng Phạn ngữ và Ả Rập trong ngôn ngữ Hroi không có gì là ngạc nhiên cả. Lịch sử đã chứng minh rằng, dân tộc Hroi là thành phần của thần dân Champa, một quốc gia chịu ảnh hưởng, kể từ thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên, nền văn minh Ấn Độ Giáo rất nặng nề và kể từ thế kỷ thứ 16, nền văn minh Hồi Giáo. Điều cũng cần nhấn mạnh rằng, 9 từ vựng gốc Phạn ngữ và 3 từ vựng gốc Ả Rập không chỉ dùng riêng biệt trong ngôn ngữ người Hroi, nhưng cả trong ngôn ngữ Chăm ở khu vực Panduranga.

Dù Hroi sống rất gần gũi với dân tộc Radé và Jarai, nhưng ngôn ngữ Hroi không chịu ảnh hưởng nặng nề từ vựng của hai dân tộc anh em ở khu vực Tây Nguyên, vì người ta chỉ tìm thấy 19 từ trong cuốn từ vựng Hroi-Việt. Sự xuất hiện một từ duy nhất thuộc nhóm Mon-Khmer cũng là một điều dễ hiểu, vì dù sao, dân tộc Hroi vẫn thường liên lạc với các sắc dân nói tiếng Mon-Khmer, đó là dân tộc Sédang và Bahnar ở Tây Nguyên .

Mặc dù từ vựng Hroi thuộc nhóm Chamic ( ), nhưng cách phát âm của người Hroi có phần khác biệt với người Chăm ở khu vực Panduranga. Chính vì thế, người ta tìm thấy trong danh sách từ vựng Hroi-Việt có nhiều từ cùng nghĩa với từ Chăm, nhưng cách phát âm có phần khác nhau. Ðay là vài thí dụ điển hình:

Hroi Phú Yên___________Chăm Panduranga

mbaoh ? thấy____________mboh ? thấy

brey ? cho_______________brei ? cho

manih ? người ta_________manuis ? người ta

Trên tổng số 1207 từ vựng dùng trong CAM 182 và CAM 183, người ta tìm thấy có vào khoảng 300 thuật ngữ chuyên môn liên quan đến 6 chủ đề: tổ chức gia đình, thân thể, bệnh họan, tổ chức hình sự, thiên văn thời tiết và nông nghiệp.

Trong thuật ngữ này, không có một từ nào liên quan đến ghe thuyền hay hàng hải. Có chăng dân tộc Hroi là một cộng đồng không chuyên về nghề biển như dân tộc Chăm ".

Để kết thúc bài viết chúng tôi trộm nghĩ: hiện nay khoa học đã phát triển tột bậc các thử nghiệm ADN chọn lọc sẽ giúp trả lời các câu hỏi về nhân chủng còn tồn nghi. Kinh phí lấy từ việc cắt giảm xây dựng các nhà rông văn hóa vớ vẩn là dư xài.
 

Ghi chú
(1) - Trích theo Địa chí Phú Yên (bản CD)

(2) - Theo Dominique Nguyen một học giả Chăm ". Harek Kah Harek Dhei "cỏ chẻ làm đôi" là địa danh lịch sử của tiểu vương quốc Panduranga, không thể tọa lạc ở khu vực Quảng Bình như một số người Chăm tiên đoán. Đây cũng là một địa danh mà văn kiện lịch sử Việt Nam thường nhắc đến. Hồng Ðức Bản Đồ (41) có viết: "Địa phận xã Liêm Hóa ? [Phú Yên] một nhánh núi chạy đến biển, nước chia làm hai, cây cỏ cũng chia ngọn ra làm hai (....).Thánh Tông ngự giá đánh Chiêm Thành, đi ngang qua chỗ ấy (...)mới khắc chữ ở bia đá [Thạch Bi] mà phân chia ranh giới". Khi nói đến núi Thạch Bi ở khu vực Phú Yên, Đại Nam Nhất ThốngChí cũng viết, "núi này có một chi nhánh chạy đến biển; chia hai dòng nước, cây cỏ cũng phân rẻ". Qua tác phẩm cây cỏ thường thấy ở Việt Nam, người ta nhận thấy rằng, Phú Yên là nơi duy nhất có "cây cỏ chẻ làm đôi" . Thêm vào đó, Harek Kah Harek Dhei cũng là địa danh lịch sử thường dùng trong các tác phẩm viết bằng tiếng Chăm, trong đó có Nai Mai Mang Makah. Sau khi nghiên cứu tác phẩm này, Po Dharma, G. Moussay, Abd. Karim cho rằng Harek Kah Harek Dhei ám chỉ địa đầu của vương quốc Panduranga-Champa vào thế kỷ thứ 17 có nghĩa là ở khu vực Phú Yên chứ không thể ở Quảng Bình như các tác giả khác phỏng đoán."

Bản thân người viềt bài này sau khi hỏi lại các bậc tiền bối ở Phú Yên tự nghĩ rằng Harek Kah Harek Dhei chắc là ở Phú Yên. người Việt ở Phú Yên có tên gọi một địa danh là " Cỏ rẽ" các cụ ngày trước hay dọa đùa nhau " mày làm chuyện bậy bạ coi chừng nẫu lâu (lôi) đầu đi Trà Kê, Cõ rẽ.." . Đường lên cõ rẽ ( Thuộc Cao nguyên Vân Hòa nay) phải đi từ Sơn cẩm thọ, Sơn Cẩm tú theo dốc Lỗ Chài " Dốc lỗ chài mười hai cái quẹo..." đi lên Cỏ rẽ, Phong Cao, Trại cháy, Trà kê. Tuy không biết chính xác cỏ rẽ giờ thuộc vùng nào chớ người viết bài này cuối năm 75 có theo đám người đi mót mì rẫy bộ đội bỏ ở vùng Chợ đồn có đi ngang Eo gió, vùng này gió nồm Nam gì cũng thổi đè, một bên cỏ rạp một bên không có thể Harek Kah Harek Dhei (Phân mao lĩnh) là vùng này chăng! hoặc người Chăm lấy đặt điểm của vùng đất gọi thành địa danh chỉ rộng ra một địa khu ?. Chắc hẳn Bốn trăm năm trước Sông Kỳ lộ, sông Lỗ chài, sông cái ( EaBa) chưa bồi đắp thànhđồng bằng Tuy An Tuy Hòa ngày nay nên đường thượng đạo từ Bắc vào Nam có thể đi theo đường này. Có lẽ vì thế mà đoàn người theo Lương Văn Chánh vào Phú Yên dù đi đường Biển ( để tiện mang theo Ngưu canh Điền khi ) hoặc từ Tuy Viễn vào cũng kết lập gia cư vùng đất cao dưới chân Lỗ Chài. Lệnh chỉ giao nhiệm vụ đi Bà đài, Bà diễn ắt đọc trại tiếng chăm Palei ( Xóm, làng ) tỷ như Palei Ram có nghĩa là xóm gò

Tuy nhiên có người như Inrasara (1994, Văn Học Chăm, trang 296-297) cho rằng Harek Kah Harek Dhei ở Quảng Bình nhưng không cho biết lý do tại sao ?; Nai Mai Mang Makah hay Ariya Bani-Cham (trong tác phẩm Văn Học Chăm của Inrasara) thường nhắc đến địa danh Harek Kah Harek Dhei, nhưng tác phẩm này không cho biết nơi chốn của địa danh này ở đâu.

Abdul Karim (Trong vài nhận định... tập san Champaka 4) qua nội dung Ariya Nai mai mang Makah Ông xác định niên đại ra đời của Ariya này và phản đối việc Inrasara cho rằng Harek Kah Harek Dhei ở Quảng Bình

Ông cũng dẫn Ariya Nai mai mang Makah

"Nai mai mang Makah
Blash takain nai deh Harek Kah, Harek hei ( Câu 1)
Nàng đến từ Makah ( Bang Kelalan- Malaysia)
Rồi nàng dừng chân (ở) Harek Kah, Harek Hei

Abdul Karim xác định Harek Kah, Harek Hei chính là vùng Phú Yên ngày nay và Harek Kah, Harek Hei còn ám chỉ cho danh xưngtoàn vùng Panduranga nữa.

(3) - Chamic là thuật ngữ nhằm ám chỉ ngôn ngữ thuộc gia đình đa đảo (Austronesian) còn dùng ở khu vực Đông Dương, chứ không phải thuật ngữ nói về nguồn gốc nhân chủng của một dân tộc. Người Jarai nói một thứ tiếng được xếp vào gia đình Chamic, nhưng người Jarai không phải là người Chăm.

(4) - Địa Chí Phú Yên bản CD của Thư viện tỉnh "- Tộc người Chăm vốn sinh tụ ở duyên hải miền Trung và đã từng kiến tạo một nền văn hóa Chăm pa rực rỡ.

Tại Bình Định và Phú Yên, người Chăm có tên gọi là Chăm-Hroi, Hroi, Aroi, chịu ảnh hưởng văn hóa của người Eâđê và người Bana. Sự giao thoa văn hóa này, đậm hoặc nhạt tùy theo người Chăm sống cận cư hoặc xen cư với tộc người nào. Từ Vân Canh (Bình Định) đến Xuân Lãnh, Phú Mỡ, Xuân Quang I và II (Phú Yên), người Chăm sống cận cư với người Bana nên hai tộc người có sự đan xen văn hóa khá chặt chẽ. Vì thế mà tên gọi tộc người này nhiều tài liệu viết là Bana - Chăm hoặc Chăm - Bana. Cùng ở Phú Yên, song người Chăm sống ở xã Phước Tân, Cà Lúi, cận cư với người Êđê thì văn hóa Chăm và Êđê lại đan xen nhau. Những diễn biến nêu trên đã làm cho người Chăm có một diện mạo văn hóa khá độc đáo. Người Chăm nói ngôn ngữ Malayô -Pôlinêxia, tại Phú Yên có số dân 16.294 người. Địa bàn cư trú trải dài từ giáp địa giới tỉnh Bình Định ở phía bắc đến phía nam giáp tỉnh Khánh Hòa. Trên địa bàn đó, người Chăm có đặc điểm cư trú khá đặc biệt, họ thường cư trú trên những nơi núi cao hoặc thung lũng có núi non bao bọc. Ở đó, có suối để lấy nước uống, có đầm sình để làm ruộng nước. Song dù cư trú ở địa hình nào, người Chăm cũng sống theo dòng. Dòng Ây K'lao dựng làng dọc theo suối Bạc; dòng Ma Chín dựng làng dọc theo suối Tà Lông (ruộng Tà Lông); Ma Giới dựng làng tại Hố Thẩm; Ây Mơ Mương tại núi Mò O, (còn gọi là Chớ Treng); Ma Cứng dựng làng dọc theo suối Thá; Ma Yởi dựng làng tại vùng suối Rọ (xóm ổi); Ây Nghing dựng làng tại Hố Hầm (Đồng Cam); dòng Ây Chánh Bài và Mí Chi Rơ dựng làng ở vùng suối Trầu, hóc Kè; dòng Ây Mơ Túi dựng làng ở vùng EaĐăng, cây Trôi, suối Rễ (xã Xuân Quang II); dòng Ây Klap dựng làng ở vùng Xuân Lãnh; dòng Ây Tuốt dựng làng ở hai thôn Cây Đu và Cà Tơn. Xã Phước Tân huyện Sơn Hòa có dòng Mó Gơn, Ây Ngọc, Ây Bua dựng làng ở vùng suối Ché; dòng Ây Quốc dựng làng ở vùng dọc theo sông Cà Lúi phía thượng nguồn; dòng Ây Hợi dựng làng dọc theo sông Cà Lúi phía hạ nguồn.

Vùng suối Ché (Sơn Hòa) xưa kia là một làng khá lớn, đông dân, sau đó tách dần ra nhiều làng nhỏ như làng Ea Chá, làng Chroh Quao, làng Ea Chơ Bú, làng Tong Bô... Vùng Cà Lúi có làng Ây Quốc, Ma Giô, Ma Giuối, Ma Chuột, Chánh Nhang. Ở vùng sông Hinh ngày xưa, 7 buôn có người Chăm sinh sống là Buôn Gănk, Buôn Giang, Buôn Mơ Treng, Buôn Ea Phát, Buôn Chơ Klo, Buôn Chơ K'li, và Buôn Ta Ngo."

Nhân đây cũng cảm ơn Anh Dương Thái Nhơn GĐ TV Tỉnh giúp tài liệu và Bác Đặng Chí Hối giúp xác định địa danh cỏ rẽ

(5) - Bố Thuận: Nhân sĩ dân tộc Chăm, nhân viên trường Viễn đông bác cổ (đã mất), hiện gia đình Cụ cư ngụ tại Huyện Bắc bình, Bình Thuận

(6) - Mẫu hệ là cơ chế tổ chức gia đình trong đó người đàn bà chỉ có quyền tuyệt đối trên gia sản hay con cái phát xuất từ gia đình của mình sau ngày đính hôn. Chính vì thế, khi nói đến chế độ mẫu hệ dù ở Champa hay ở khu vực các nước Đa Đảo, người ta chỉ nói đến quyền chia gia sản và con cái, chứ không phải là quyền hành của người đàn bà trong tổ chức gia đình và xã hội. Cũng như vậy mẫu hệ ở Champa và các dân tộc thiểu số mthuộc về ngôn ngữ Chamic ở Champa, như Radé, Jarai, Churu, Raglai trong đó có dân tộc Hroi theo chế độ mẫu hệ, mẫu cư nhưng phụ quyền ở miền tây Phú Yên cũng giống y. Chính vì thế, mẫu hệ ở các tộc người không dính dáng gì đến cơ chế mẫu quyền và mẫu cư tức là quyền chính trị và xã hội của người đàn bà mà người ta thường thấy ở Tây Phương. Điều đó cho phép có thể tồn nghi danh xưng Nữ chúa Thị hỏa ở Thạch thành . Patao Pui ( Hỏa xá- Vua Lửa) có thể thành Bà lửa ~ Thị Hỏa.

(7) - L. Sogny : Léon Sogny - Chánh sở mật thám Trung Kỳ


 
Tài liệu Tham khảo và sử dụng trong bài
- P-B. Lafont, 1991, Harak Champaka

- Po Dharma, Harak Champaka

- Dominique Nguyen (Chương Trình Thế Giới Mã Lai-Đông Dương)

- Phan Lạc Tuyên , Nghiên cứu và Điền dã

- Ts. Nicolas Weber (INALCO, Prais)

- Harak Champaka 3,4, 5

- Đại Nam Nhất Thống Chí (DNNTC) quyển 10-11 (Tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà), quyển 12 (Tỉnh Ninh Thuận, Phụ Đạo Phanrang),.

- Đại Nam Thực Lục Chính Biên (DNTLCB), Hanoi

- Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (DNTLTB

- Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện:

- Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC),

- Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (LTHCLC), Quyển 1: Dư Địa Chí,

- Minh Mệnh Chính Yếu (MMCY), Quyển 6,

- Phủ Biên Tạp Lục (PBTL), quyển 1,

Mai Siêu Phong