Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]

Sự quan tâm của người Mỹ đối với văn hóa Việt Nam

Lê Văn Hảo

. Quan hệ Việt-Mỹ ở thế kỷ 19 : những dịp may bị bỏ lỡ
. Bùi Viện (1839-1878), nhà ngoại giao xuất sắc và một sự nghiệp lớn dở dang
. Từ sau tháng 8-1945 đến tháng 12-1946, Hoa Kì là đồng minh của Việt Minh
. Có một cộng đồng người Việt và người Mỹ gốc Việt đông đảo tại Hoa Kì
. Múa rối nước Việt Nam "ngang dọc trong lòng nước Mỹ"
. Bạn đọc Hoa Kì nồng nhiệt tiếp đón những thành tựu của văn học Việt Nam cổ kim
. Giới trí thức văn nghệ sĩ Hoa Kì và sự phát triển của ngành Việt Nam học ở Mỹ
. Một cuộc triển lãm dân tộc học - văn hóa học không tiền khống hậu về Việt Nam trên đất nước Hoa Kì
. Chú thích và tham khảo 
Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 2 (E-M), xuất bản tại Hà Nội, 2002, ở mục từ "Hoa Kì" thửa nhận HK là " một nước có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh vào hàng đầu thế giới. Sau 1945, Hoa Kì tiến hành "chiến tranh lạnh" với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Đối với Việt Nam, Hoa Kì tiến hành "chiến tranh nóng" kết thúc vào 1973 sau Hội nghị Paris. Với xu thế hòa bình chung từ 1989-1990, Hoa Kì và nhà nước Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 7-1995". Một sơ kết khá đúng đắn.

Chúng ta có quyền hi vọng rằng những vấn đề do quá khứ đặt ra, những biến cố quan trọng đã xảy ra trong quan hệ Việt-Mỹ sẽ được lịch sử phán xét một cách khách quan và công bằng. Đã đến lúc cần lấy quan điểm hòa bình, hòa giải, hòa hợp, tình nhân đạotình hữu nghị giữa các dân tộc để xem xét quan hệ giao lưu văn hóa Việt-Mỹ và tìm ra những điều tốt đẹp đáng ghi nhận và phát huy.

Quan hệ Việt-Mỹ ở thế kỷ 19 : những dịp may bị bỏ lỡ
Lần giở những trang sử cũ, người ta thấy khoảng một thế kỷ rưỡi sau khi Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ ra đời (4-7-1776), năm 1819 (cuối đời Gia Long), hai thương thuyền Hoa Kì cập bến cảng Sài Gòn để mua đường. Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt đã tiếp đãi tử tế thuyền trưởng John White và dành mọi sự dễ dãi trong việc mua bán. Năm 1831 (đời Minh Mạng), tổng thống Mỹ Andrew Jackson dự định đặt đại diện ngoại giao tại vương quốc Đại Nam và cử ông Shilluber làm lãnh sự, nhưng vua Minh Mạng đã từ chối.

Năm 1832, tàu Peacock chở phái đoàn sứ giả Mỹ, do hai ông Edmund Robert và Georges Thompson cầm đầu, cập bến Đà Nẵng xin trình quốc thư và thỉnh cầu được ký kết một hiệp ước thương mãi, nhưng vì quốc thư không ghi rõ danh hiệu của vua và quốc hiệu Đại Nam nên Minh Mạng không tiếp nhận. Vua chỉ truyền lệnh đón tiếp tử tế phái đoàn Mỹ ở Công quán và chỉ định cho họ chỗ đậu tàu là vụng Sơn Trà ở Đà Nẵng. Sau đó tàu Peacock nhổ neo rời Đại Nam đi Xiêm La. Năm 1836, tàu Peacock cũng với đặc sứ E. Robert trở lại Đà Nẵng với hi vọng ký một hiệp ước thương mãi, nhưng ông E. Robert bị bệnh, tàu Peacock phải rời Đà Nẵng đi Macao đề cấp cứu; tàu cập bến Ma Cap thì ông E. Robert đã chết . Sau lần gặp gỡ bất thành này, quan hệ giữa Hoa Kì và Đại Nam bị gián đoạn trong gần bốn thập niên (1836-1873).

Bùi Viện (1839-1878), nhà ngoại giao xuất sắc và một sự nghiệp lớn dở dang
Từ giữa thế kỷ 19 đất nước ta lâm vào một tình thế nghiêm trọng : 1858 liên quân Pháp-Tây Ban Nha đánh chiếm bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng ; 1859 thành Gia Định bị chiếm, 1861 lần lượt mất Định Tường, Côn Lôn, Biên Hòa. Với Hòa ước 1862, triều đình Huế phải nhượng đứt cho Pháp ba tỉnh miền Đông. Đến tháng 6-1867 chúng ta mất toàn bộ sáu tỉnh Nam Kì. Trước tình hình đen tối ấy, nhiều danh sĩ cấp tiến, giàu lòng yêu nước, có óc thực tế, muốn sử dụng tri thức của mình vào công cuộc cách tân để cứu đất nước ra khỏi nguy cơ bị xâm lược. Đó là những Hoàng Phan Thái, Nguyễn Tư Giản, Đặng Đức Thuận, Đinh Văn Điền, Nguyễn Lộ Trạch và xuất sắc nhất là Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) và Bùi Viện (1839-1878). Bùi Viện đáng được xem là một nhà kinh bang tế thế: có công lớn trong việc xây dựng cảng Hải Phòng, lập ra "Tuần dương quân" (lực lượng hải quân thường trực) gồm 200 chiến thuyền và 2.000 quân thủy thiện chiến và lập ra hệ thống thương điếm ở khắp các tỉnh ven biển Đại Nam. Là nhà ngoại giao năng nổ, Bùi Viện được vua Tự Đức cử sang Hoa Kì đề nghị đặt quan hệ chính thức và được viện trợ chống thực dân Pháp. Rời Đại Nam tháng 7-1873, Bùi Viện đến Hồng Kông rồi Hoành Tân (Nhật Bản), vượt trùng dương đến New York rồi Washington (1874). Sau gần một năm kiên nhẫn vận động, ông được tổng thống Ulysse Grant tiếp kiến và đã thuyết phục tổng thống chấp thuận lời yêu cầu đặt quan hệ ngoại giao và giúp đỡ Đại Nam chống Pháp, nhưng vì không có quốc thư đem theo nên chưa thể bàn cụ thể hơn. Năm sau (1875), Tự Đức ban cho Bùi Viện chức khâm sai đại thần, cầm đầu đoàn sứ giả mang quốc thư trở lại Hoa Kì. Nhưng thật không may, tình hình thế giới đã biến chuyển bất lợi cho Đại Nam, Hoa Kì đã thay đổi chính sách nên tuy tổng thống Grant vẫn niềm nở tiếp sứ bộ của ta, nhưng nêu đủ lí do để từ chối viện trợ cho Đại Nam chống Pháp. Buồn rượi, Bùi Viện tay không trở về tổ quốc. Đến Đà Nẵng mới hay tin mẹ mất, Bùi Viện ra Huế tâu vua về chuyến công du bất thành và xin về thọ tang mẹ. Tự Đức đã có lời phê đầy cảm khái : "Trẫm đối với ngươi chưa có ân nghĩa gì, mà ngươi đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi lo lắng, quỉ thần ắt cũng chứng cho". Ba tháng sau Bùi Viện lại được triệu về kinh đô giữ chức thương chánh tham biện rồi chuyển sang chức chánh quản dốc nha Tuần hải. Việc bang giao giữa Đại Nam và Hoa Kì một lần nữa lại tạm gián đoạn. Chẳng bao lâu Bùi Viện mất đột ngột ở tuổi chưa đầy 40, để lại một sự nghiệp bộn bề mà dang dở, ghi dấu một cột mốc trong lịch sử bang giao Việt-Mỹ thời cận đại (1).
Từ sau tháng 8-1945 đến tháng 12-1946, Hoa Kì là đồng minh của Việt Minh
Nhà sử học Mỹ Cecil B. Currey, tác giả cuốn "Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng bất cứ giá nào", đã cung cấp cho chúng ta nhiều tài liệu và thông tin về một giai đoạn độc đáo của bang giao Mỹ-Việt từ sau tháng 8-1945 đến trước khi nổ ra chiến tranh Việt-Pháp (từ tháng 12-1946 đến tháng 7-1954) : Mỹ và cơ quan tình báo quân sự OSS của họ là đồng minh của phong trào Việt Minh. Vì vậy ở thời đó có nhiều người Mỹ đến làm việc tại Hà Nội. Đó là những đại úy Lucien Concin, thiếu tá Allison Thomas, thiếu tá Patti và nhóm của ông ta, còn tướng Philip Gallagher thì làm cố vấn cho tướng Tàu Lư Hán. Những sĩ quan Mỹ trong phái đoàn OSS đã chụp nhiều ảnh của Hà Nội sau tháng 8-1945, ảnh lễ chào quốc kì các nước Đồng Minh tại nơi ở của phái đoàn OSS ở Hàng Trống (nay là trụ sở báo Nhân Dân), ảnh Hồ Chí Minh chiêu đãi các vị khách Đồng Minh của mình : Hà Ưng Khâm (Tàu), Gallagher (Mỹ). Chính Gallagher đã điện về Washington ngày 20-9-1945 : ông Hồ là "một sản phẩm của Moskova, một người cộng sản" làm chấm dứt tuần trăng mật Hoa Kì-Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào buổi bình minh của chiến tranh lạnh tư bản - cộng sản (2) . Rồi một nhà sử học Mỹ khác, John Prados, mới đây đã cho ra đời cuốn Cuộc hành binh chim kền kền, dự án bí mật Mỹ ném bom nguyên tử xuống Việt Nam trong thập niên 1950. Ôi những oái oăm của lịch sử không ai lường trước được !
Có một cộng đồng người Việt và người Mỹ gốc Việt đông đảo tại Hoa Kì
Hiện nay trong hơn 80 triệu dân có khoảng ba triệu người sống trên hàng chục nước trên các châu lục, đông đảo nhất là cộng đồng người Việt và người Mỹ gốc Việt sinh sống tại Hoa Kì (khoảng trên dưới hai triệu người). Nhìn chung cộng đồng ấy đang an cư lạc nghiệp và đã thành công hội nhập xã hội Mỹ, nhiều người đang ở trong bộ máy chính quyền Hoa Kì như bà Trần Ngọc Chi Ray, phó giám đốc Cơ quan Tị nạn thuộc Bộ Xã hội Hoa Kì, Bà Lê Thị Ngoan, phụ tá đặc biệt Thống đốc Tiểu bang Illinois đặc trách về các dân tộc châu Á, Ô. John Quốc Dương, Tổng giám đốc Chương trình Dân nhập cư gốc Châu Á - Thái Bình Dương, Ô. Đinh Việt, trợ lí Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kì v.v...

Nhiều người Mỹ gốc Việt là giáo sư đại học, viện sĩ hàn lâm của Hoa Kì. Viện Hàn lâm Khoa học New York đã mời nhà bác học Việt Nam Nguyễn Thanh Giang, một nhà dân chủ nổi tiếng ở Hà Nội, làm viện sĩ. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, Đại học Virginia, giải thưởng Henri Chrétien của Hội Thiên văn học Mỹ, tác giả của "Giai điệu bí ẩn", "Số phận của vũ trụ", "Big Bang và sau đó", "Hỗn độn và hài hòa"..., (được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới), đã được mời tham gia một số chương trình nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và Không gian Quốc gia (NASA). Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Đại học Michigan và Berkeley, đã làm việc tại Phòng thí nghiệm Lực đẩy Phản lực (Jet Propulsion Laboratory - JPL) là một cơ sở quan trọng phụ trách những chương trình thám hiểm hành tinh trong Thái dương hệ của Hoa Kì. Vì đã hợp tác với NASA và tham gia vẽ quỹ đạo cho phi thuyền Apollo, đã viết ba cuốn sách giáo khoa được dùng tại nhiều nơi trên thế giới và đào tạo hơn 30 tiến sĩ về Khoa học Hàng không và Không gian ,Gs Nguyễn Xuân Vinh đã được trao tặng Huy chương Vàng Danh dự của Nhóm Tư vấn Chương trình Phát triển Nghiên cứu Hàng không và Không gian (AGFARAD) thuộc khối NATO. Năm 1990, tổng thống G. Bush (cha) đã kí quyết định từ năm đó, tháng 5 hằng năm được chính thức coi là Tháng Truyền Thống của những Người gốc Châu Á - Thái Bình Dương. Gs Nguyễn Xuân Vinh đã được mời đến dự buổi lễ công bố quyết định này (3).

Qua các phương tiện truyền thông phong phú, qua các websites đông đảo, qua những tổ chức khoa học và công nghệ quan trọng như Vietnamese Association For Computing Engineering Technology and Science (VACETS), chúng ta sẽ thấy một vài trường hợp nổi bật vừa nêu trên chỉ là một phần nhỏ của những đóng góp mà cộng đồng người Việt và người Mỹ gốc Việt đã và đang thực hiện trên quê hương mới của mình (4).

Bây giờ hãy xem xét một số lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, mĩ nghệ Việt Nam đã lọt vào mắt xanh của nhân dân Hoa Kì.

Gốm và sứ "made in Viêt Nam" đã "nối mạng" toàn cầu và thu hút khách hàng Mỹ

Những năm gần đây một ngành mĩ nghệ quan trọng của Việt Nam liên quan đến làng gốm Chu Đậu (nổi tiếng từ tk. 14-15), làng gốm sứ Bát Tràng (nổi tiếng từ tk. 15-16) đã được khôi phục và đang phát triển mạnh. Trong khi các sản phẩm gốm sứ của miền Bắc thâm nhập công thị trường Pháp, Đức, Nhật Bản, Hồng Kông, thì các doanh nghiệp gốm miền Nam (TP. HCM, Ninh Thuận, Bình Dương, Vĩnh Long ... ) cũng có thêm nhiều đơn đặt hàng mới từ châu Âu, Úc, Hoa Kì. Theo những thông tin mới nhất (5), ưu thế của hàng gốm Việt Nam trên thị trường Mỹ, một thị trường mới so với thị trường truyền thống EU (Liên Hiệp Châu Âu) là có những cách tân về kiểu dáng, màu sắc. Ông Thái Hồ Hải giám đốc Công ti Lạc Phương Nam (Thủ Đức) cho biết: Đang có rất nhiều khách hàng Mỹ đổ về chọn mua hàng gốm phủ sơn mài vì nét độc đáo riêng của mặt hàng này là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam mà Trung Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á không có. Công ti Lạc Phương Nam nay đã đẩy doanh số lên hơn 300.000 USD/năm chỉ riêng trên thị trường Mỹ. Ô. Ngô Công Đức giám đốc công ti Saiga cho biết Saiga hiện có một lượng hàng lớn trải khắp châu Âu, Úc, Mỹ; thị trường Mỹ hiện rất chuộng các mặt hàng gốm kết hợp với sơn mài, phủ sơn mài, vỏ trứng, cẩn ốc hoặc kết hợp với tre, bọc tre ... được làm theo phương pháp thủ công, theo thị hiếu ("gout") xưa mang đậm nét phương Đông, ví dụ các loại hàng còn nguyên màu đất nung không tráng men vẫn gây thích thú với nhiều khách hàng Mỹ. Từ lâu các mặt hàng gốm của Công ti Saiga đã có mặt trong hệ thống siêu thị IKEA nổi tiếng với khoảng 200 siêu thị và cửa hàng lớn trên toàn thế giới kể cả Hoa Kì. Ngoài ra hàng gốm Việt Nam còn được người Mỹ biết đến thông qua Hội chợ lớn ở Chicago và Atlanta. Mới đây Hội Nghề Gốm Mĩ nghệ Xuất khẩu Vĩnh Long vừa mở website www.vinlongpottery.com để trực tiếp chàp mẫu những sản phẩm gốm đất đỏ mới nhất trong số trên 10.000 chủng loại sản phẩm gốm khác nhau cho khách hàng nước ngoài kể cả Hoa Kì.

Múa rối nước Việt Nam "ngang dọc trong lòng nước Mỹ"

Từ những năm 60, nhiều đoàn nghệ thuật của miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa) đã sang biểu diễn trên đất nước Hoa Kì, đồng minh của mình. Sau 1975 là hai mươi năm "cấm vận" làm cho quan hệ giao lưu văn hóa Việt-Mỹ đã chững lại. Sau khi Hoa Kì và Việt Nam thiết lập lại quan hệ bình thường (1995), người Mỹ lại có dịp thưởng thức những khía cạnh tốt đẹp nhất của di sản văn hóa Việt Nam truyền thống. Khách du lịch Mỹ đến Việt Nam ngày càng đông vui, giao lưu văn hóa Việt-Mỹ lại rộ lên. Thật cảm động khi thấy phía Hoa Kì đã chủ động đề nghị Việt Nam hợp tác thành lập một chương trình biểu diễn thường xuyên hàng năm - từ 1998 đến 2005 - để giới thiệu tinh hoa văn hóa dân gian Việt Nam. Trong các thể loại văn nghệ truyền thống của ta (chèo, tuồng, cải lương, tranh dân gian, dân ca, nhạc cổ điển, nhạc cung đình...) có lẽ Múa Rối Nước được dân chúng Mỹ tiếp đón nồng nhiệt nhất. Trong một chuyến đi biểu diễn ở nhiều nơi trên đất Hoa Kì kéo dài gần 4 tháng (từ 1-5 đến 20-8-2000), anh Nguyễn Đức Thế, trưởng đoàn Múa Rối Sài Gòn, bồi hồi nhớ lại : đến New York (lần này là lần thứ hai), đoàn Múa Rối Nước của Việt Nam cùng nghệ sĩ bốn nước khác được mời biểu diễn khai mạc Liên hoan Sân khấu Thiếu nhi Thế giới. Cả liên hoan đã đón nhận Múa rối nước Việt Nam bằng tất cả sự bất ngờ, chen lẫn niềm vui : "Cả đoàn múa rối Nhật của thành phố Kawasaki cũng phải nhường vinh quang đó cho Việt Nam bởi "đặc sản" văn hóa truyền thống có một không hai trên thế giới của ta... Các nghệ sĩ Việt Nam phải ra chào đến lần thứ ba, thứ tư mà khán giả vẫn còn lưu luyến chưa muốn về và cứ đứng vỗ tay suốt". Có cả những nụ cười và những giọt nước mắt ! Sau một tuần lễ biểu diễn tại New York, đoàn rối nước Việt Nam bay qua Seattle bang Washington cách đó 7000 km vừa hết chiều ngang nước Mỹ để biểu diễn cùng với 13 đoàn khác đến từ năm châu bốn biển. Ngày 30-5 đoàn lại bay đi Chicago để dự Liên hoan Múa rối Quốc tế. Ngày 11-6 bay đi Hartford (Connecticut) biểu diễn cho một trường quốc tế chuyên đào tạo diễn viên múa rối, xem xong cả trường rất hài lòng, khâm phục và cho biết niềm vui lớn nhất của họ là lần đầu tiên được xem múa rối nước dù trước đó từng được nghe nói rất nhiều. Đoàn rối nước Việt Nam còn đi qua nhiều bang và thành phố khác, đến đâu đoàn cũng thật hãnh diện vì thành công lớn, mang lại hạnh phúc và niềm vui cho đông đảo người dân nước Mỹ bằng sức mạnh của nghệ thuật và văn hóa Việt Nam (6).
Bạn đọc Hoa Kì nồng nhiệt tiếp đón những thành tựu của văn học Việt Nam cổ kim
Trần Đức Thảo (1917-1993), sau một cuộc đời cần mẫn đầy nhọc nhằn, truân chuyên, đã để lại hai tác phẩm : "Phénoménologie et matérialisme dialectique" (Hiện tượng luận và duy vật biện chứng) được nxb Minh Tân, Paris, cho ra mắt năm 1951, sau đó được dịch ra tiếng Ý (1970), tiếng Anh (1986). Đến năm 1973, Nxb Editions Sociales, Paris, lại cho ra mắt một số công trình của ông được tập hợp lại trong tập "Recherches sur l' Origine du Langage et de la Conscience" (Tìm hiểu về nguồn gốc của Ngôn ngữ và Lương tri) (1973). Khúc hát thiên nga này của Trần Đức Thảo đã lọt vào mắt xanh của giới triết học Hoa Kì, và trước khi trái tim của nhà triết học Việt Nam ngừng đập (14-6-1993) ông còn có niềm vui thấy tác phẩm cuối đời ấy được dịch ra tiếng Mỹ : Investigations into Origin of Language and Consciousness , Nxb D. Reidel Pub. Com., Boston, 1984, một nét son muộn màng của giao lưu văn hóa Việt-Mỹ !.

Trong sinh hoạt rầm rộ và mênh mông của văn học Hoa Kì, nếu có một số công trình trí tuệ cổ kim của Việt Nam được dịch, được xuất bản, được đánh giá cao và gây được tiếng vang thì nên xem đó là điều bình thường hay hãn hữu? Hãy cử ra vài trường hợp tiêu biểu.
 
 

Trang bìa và một trang trong Spring essence : the poetry of Ho Xuan Huong

Năm 2000 nhà xuất bản Copper Canyon Press cho ra mắt cuốn "Spring Essence : the Poetry of Ho Xuan Huong", John Balaban dịch, Ngô Thanh Nhàn viết chữ Nôm. Trong bài đáp từ của mình trong chuyến đi thăm Việt Nam cuối năm 2000, tổng thống Clinton nhắc đến nhiều hoạt động văn hóa về Việt Nam ở nước ngoài, kể cả Mỹ, đặc biệt nhắc đến việc "Những bài thơ hai trăm năm trước của Hồ Xuân Hương được xuất bản tại Mỹ bằng tiếng Việt, tiếng Anh và chữ Nôm, lần đầu tiên cách viết tiếng Việt cổ truyền được in ra".

Cần nói rõ thêm rằng đây là lần đầu tiên cách viết tiếng Việt cổ truyền được in ra bằng phương tiện điện tử, mỗi chữ Nôm có một mã unicode. Đó là điều mới lạ và rất tiện lợi, có ý nghĩa lớn đối với văn hóa Việt Nam.

Tập thơ Hồ Xuân Hương này đã nhiều lần được giới thiệu bằng thái độ trân trọng của các cây bút điểm sách Mỹ, trở thành một best-seller bất ngờ, được tái bản lần thứ ba sau hai đợt in bán hết sạch từ lần ra mắt đầu tiên (tháng 10 - 2000). (7)

Bảy năm trước đó, dưới nhan đề Paradise of the Blind, nhà xuất bản Morrow, New York, đã công bố tiểu thuyết Những Thiên Đường Mù của nhà văn Dương Thu Hương, bản dịch của Nina McPherson và Phan Huy Đường. Giới báo chí và văn hóa Mỹ đã chào đón nó như một sự kiện tinh thần quan trọng : "Cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên được xuất bản tại Hoa Kì đã được quảng cáo rầm rộ, nhưng nó rất xứng đáng bởi vì Những Thiên Đường Mù là viên ngọc quí đầy chất thơ. [...] Một cuốn sách như vậy là một bước dài trên con đường dẫn tới sự giao cảm giữa hai nền văn hóa" (Joe Collins) (8).

Cách nay hai năm, tiểu thuyết Số Đỏ, kiệt tác của nhà văn Vũ Trọng Phụng, được dịch ra tiếng Anh và được nhà xuất bản Đại học Michigan UMP phát hành vào tháng 6-2002 dưới tựa đề Dumb Luck. Nếu Lỗ Tấn đã sáng tạo được hình tượng A.Q., và Nam Cao đã sáng tạo được hình tượng Chí Phèo để bất tử hóa người nông dân cùng khổ Trung Quốc và Việt Nam xưa, thì Vũ Trọng Phụng cũng đã thành công sáng tạo hình tượng Xuân Tóc Đỏ trong Số Đỏ tiêu biểu cho anh chàng lưu manh thành thị chó ngáp phải ruồi của xã hội thực dân đầu thế kỷ 20. Thế là Dumb Luck đã được đưa vào danh mục những tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam được giảng dạy trong các đại học Mỹ, và báo Los Angeles Times đã bình chọn kiệt tác Dumb Luck này là một trong 50 tác phẩm hay nhất được xuất bản tại Hoa Kì trong năm 2002.

Cuốn sách Việt Nam đã gây được tiếng vang trong giới văn học Mỹ gần đây nhất có lẽ là tuyển tập truyện ngắn đương đại Việt Nam nhan đề Love After War (Tình Yêu Sau Chiến Tranh) của 45 nhà văn Việt Nam thuộc nhiều thế hệ từ 70-80 tuổi đến thế hệ trên dưới 30, còn sống hay đã mất, từ Tô Hoài, Chu Văn, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Huy Thiệp ... đến Bảo Ninh, Da Ngân, Ngô Thị Kim Cúc, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Ngọc Tư...

Tuyển tập được dịch ra tiếng Anh này đã lọt vào Danh sách bình chọn 100 cuốn sách hay nhất năm 2003 của báo San Francisco Chronicle, một tờ báo có uy tín ở Hoa Kì. Trong một bài viết dài 16.000 chữ về 100 cuốn sách được chọn ấy, bỉnh bút của San Francisco Chronicle đã dành những dòng trân trọng cho Love After War như là "Tuyển tập văn xuôi đương đại Việt Nam bằng tiếng Anh lớn nhất được xuất bản tại Hoa Kì", một tuyển tập có văn phong đẹp phản ánh một đất nước ma,ø sau nhiều thập kỉ chiến tranh, cả văn học và đời sống không bị yếu đi, ở đó tình yêu vẫn mãnh liệt, cái mãnh liệt của trữ tình xen lẫn bi tráng.

Giới trí thức văn nghệ sĩ Hoa Kì và sự phát triển của ngành Việt Nam học ở Mỹ
Vì Hoa Kì là " đồng minh của miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa)" chống miền Bắc "tiền đồn của thế giới cộng sản ở Đông Nam Á" cho nên đã có hơn một trăm tác phẩm, hàng ngàn bài báo viết về chiến tranh Việt-Mỹ những thập niên 1960-1970, và hàng chục cuốn phim Mỹ đã để lại một dấu ấn khó quên trong lịch sử điện ảnh thế giới trong gần nửa thế kỉ qua, từ Apocalyse now của Francis F. Coppola (1979) đến Rambo First Blood của Ted Kotcheff (1982), Rambo II của George P. Cosmatos (1985), Rambo III của Peter Mac Donald (1988) ... Nhưng đó không phải là điều quan trọng và đáng ghi nhớ nhất trong quan hệ giao lưu văn hóa Việt-Mỹ. Cái sẽ mãi mãi còn lại và sẽ được trân trọng hơn cả là sự quan tâm và nhiệt tình của nhân dân Hoa Kì đã và sẽ dành cho con người và văn hóa Việt Nam như là biểu hiện của tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Cách nay vài năm, giáo sư Keith W. Taylor, Đại học Cornell, đã cung cấp cho chúng ta một bức tranh tổng hợp khá phong phú về "Việt Nam học ở Bắc Mỹ", qua đó nổi bật lên nhiều trung tâm Việt Nam học tại các Đại học Hawai, California (Berkeley), Washington (Seattle), Michigan (Ann Arbor), Cornell, Harvard, Trung Tâm Việt Nam của Đại học Kỹ thuật Texas (Lubbock), Nhóm Nghiên Cứu Việt Nam (VSG) của Hội Nghiên Cứu Châu Á của Hoa Kì (AAS) và nhiều nữa... Nhiều hội thảo khoa học quan trọng đã được tổ chức như Vietnam Legacies : Twenty Years later (Việt Nam : những gì còn lại 20 năm sau) tại Đại học California, Davis (28/30-4-1995) hay hội thảo quốc tế Việt Nam học Vietnam : Beyond the Frontiers (Việt Nam : vượt qua các biên giới) do Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á, Đại học Caliofornia, tổ chức tại Los Angeles (11/12-5-2001).

Khi Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất tại Hà Nội (15/17-7-1998) với chủ đề "Nghiên Cứu Việt Nam và Phát triển Hợp tác Quốc tế" thì nhà tài trợ chính của hội thảo là Quỹ Ford của Hoa Kì, và phái đoàn Mỹ gồm hơn 30 đại biểu là một trong ba phái đoàn hùng hậu nhất, bên cạnh phái đoàn Nhật, Úc trong 26 nước tham dự (9).

Một cuộc triển lãm dân tộc học - văn hóa học không tiền khống hậu về Việt Nam 
trên đất nước Hoa Kì
Trong mấy năm gần đây, nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, dân tộc học và văn hóa học liên tiếp được tổ chức tại Mỹ, phản ánh sự quan tâm và nhiệt tình của người dân Hoa Kì đối với văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Năm 1999, trường Đại học Columbia nổi tiếng đã tổ chức một cuộc triển lãm lớn về tranh sơn mài tại New York với tựa đề Vẻ đẹp Việt Nam, và ba họa sĩ Công Quốc Hà, Trịnh Tuấn, Công Kim Hoa đã giới thiệu với bạn bè và đồng nghiệp kỹ thuật vẽ tranh sơn mài đặc sắc Việt Nam. Đầu năm 2003, các họa sĩ Trần Lương, Nguyễn Minh Phước, Đinh Gia Lệ, Nguyễn Lê Vũ, Kim Ngọc đã có mặt tại Trung tâm Nghệ thuật New York chuẩn bị cho cuộc triển lãm Vietnam Now trong khuôn khổ Liên hoan Văn hóa Việt Nam tại Mỹ diễn ra suốt một mùa xuân.

Và cái đinh của liên hoan này là một cuộc triển lãm dân tộc học - văn hóa học lớn mà hai phía Hoa Kì và Việt Nam đã để ra hơn 10 năm để chuẩn bị và đã khai mạc tại Viện Bảo tàng Vạn vật học Hoa Kì (AMNH) ngày 15-3-2003 tại New York. Tháng 1-2004 triển lãm đã đi một vòng Hoa Kì (Texas, California, Colorado...) rồi mới quay trở về Việt Nam (tháng 3-2005).

Đó là cuộc triển lãm mang tên : Việt Nam : những hành trình của Thể xác, Tâm hồn và Trí tuệ (Vietnam : Journeys of Body, Mind and Spririt ) trưng bày hơn 400 hiện vật, hàng trăm hình ảnh, phần lớn mượn từ Việïn Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội), phần còn lại là của Viện Bảo tàng Vạn vật học Hoa Kì (New York) hay mượn của một số bảo tàng châu Âu, chủ yếu là Pháp. Qua những hình ảnh sống động, tiêu biểu nhất của văn hóa văn minh Việt Nam từ ngàn xưa, triển lãm lần lượt đưa người xem qua những chuyến hành trình độc đáo :

- Những hành trình của thần linh, gia đình và tổ tiên ;

- Hành trình của con người và hàng hóa ;

- Hành trình của sự sống và cái chết ;

- Hành trình vào rừng, đi săn thú và tìm thuốc ;

- Hành trình sang thế giới khác, v.v.

Bà Ellen V. Futter, chủ tịch Viện Bảo tàng Vạn vật học Hoa Kì, người đã cùng với giáo sư Nguyễn Văn Huy, giám đốc Viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đã để ra hơn 10 năm để chuẩn bị hoàn hảo cuộc triển lãm, cho biết : "Đây là lần đầu tiên một cuộc trưng bày dân tộc học lớn về Việt Nam được thực hiện tại Hoa Kì. Nó là một phần trong truyền thống lâu đời của Bảo tàng chúng tôi nhằm giới thiệu và tôn vinh các nền văn hóa khác trên thế giới. Triển lãm này là những câu chuyện được kể qua những cuộc hành trình. Đó là cuộc hành trình qua thời gian: từ Tết Nguyên đán đến rằm tháng giêng, sang Tết Đoan ngọ giết sâu bọ mồng 5 tháng 5 rồi vào rằm tháng 7 xá tội vong nhân, qua rằm Trung thu trông trăng phá cỗ, lại đến Tết Cơm mới mồng 10 tháng 10 ... Đó cũng là cuộc hành trình qua không gian: từ Hà Nội vào TP. HCM, từ một bản người Dao vùng núi phía Bắc xuống một chiếc thuyền đánh cá ở ven biển miền Trung, rồi lại lên một lễ hội Đâm trâu ở Tây Nguyên ... Và đó cũng là những cuộc hành trình của một chiếc xe đạp chở những sản phẩm của một làng gốm từ ngoại thành vào nội đô, những chiếc bình, những chiếc vại, những bát, đĩa chất nặng trên chiếc xe đang được một người dân bình thường đạp vào thành phố để bán dạo ... Có những cuộc hành trình thật cụ thể: mọi người chen chúc trên các chuyến xe để trở về nhà trong dịp Tết và cũng có những cuộc hành trình của tâm linh: các vị thần được rước trong lễ hội, linh hồn tổ tiên trở về nhà với con cháu vào các dịp lễ tết, cưới xin, ma chay" (10).

Có lẽ gian trưng bày ấn tượng nhất là "Những linh hồn lang thang" với bài Văn tế Thập loại chúng sinh của thi hào Nguyễn Du đã làm cho nhiều người không cầm nổi nước mắt. Qua cuộc triển lãm không tiền khống hậu này, tại thành phố New York ấy, nôi có trụ sở của Liên Hiệp Quốc, ở một ngã tư quốc tế lớn, chắc chắn nhiều người Mỹ và công dân thế giới sẽ hiểu, sẽ mến thương, quí trọng Việt Nam hơn. Ngẫm ra, giao lưu văn hóa, tình hữu nghị giữa những con người, giữa các dân tộc tốt hơn chiến tranh gấp triệu lần.
 

Lê Văn Hảo (Paris)
Chú thích và tham khảo 
(1) Đào Đức Chương, "Lịch sử bang giao Việt-Mỹ", Làng Văn, Westminster, California, Hoa Kì, số tháng 4-1977, tr. 51-55.
- Nhiều tác giả, Bùi Viện (1839-1878) : Cuộc đời kì lạ, chí lớn phi thường, Kỷ yếu hội thảo, Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao Thái Bình, 1992.

(2) Cecil B. Currey, "Những người Mỹ ở Hà Nội năm 1945", Xưa và Nay, Hà Nội, số 149, 10-2003 (trích cuốn Võ Nguyên Giáp, nguyên văn tiếng Anh, bản dịch tiếng Pháp : Vo Nguyen Giap - La Victoire à tout prix, Phébus, Paris, 2003).
- John Prados, Operation Vulture, America' s Secret Plan to Drop a Nuclear Bomb in Vietnam in the 1950' s, Ibooks, New York, 2003.

(3) Trần Ngọc Châu, "Người vẽ quỹ đạo cho phi thuyền Apollo bây giờ"..., Thanh Niên, Hà Nội, Xuân Nhâm Ngọ, 2002, tr. 19.

(4) Trọng Minh, "VACETS chứng minh giới trẻ Việt Nam đang làm rạng danh quê mẹ", Quê Hương, Hà Nội, số 6/2002, tr. 26-27.

(5) Hoài Trang, Khánh Ngọc, Gốm Việt "nối mạng" toàn cầu, Ts. Tuổi Trẻ Chủ nhật, số 21, 30-5-2004, tr. 20-21

(6) Nguyễn Đức Thế, "Múa Rối Nước thành phố Hồ Chí Minh : Ngang dọc trong lòng nước Mỹ", Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Sài Gòn, số 25 (25-6-2000), tr. 27.

(7) D. Thu, "Từ Hồ Xuân Hương đến John Balaban - Chiếc cầu nối ba thế kỷ", Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Sài Gòn, số 11 (25-3-2001), tr. 13.

(8) "Dương Thu Hương, tác giả Việt Nam được dịch sang nhiều thứ tiếng", Diễn Đàn, Paris, số 17 (tháng 3-1993), tr. 17.

(9) Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Quốc gia Khoa học Xã hội và Nhân văn, Việt Nam học, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội, 15/17-7-1998, Thế Giới, Hà Nội, 2000, tập I-V.
- Nguyễn Văn Ký, "Hội thảo quốc tế về Việt Nam học và những dấu hỏi", Diễn Đàn, Paris, số 78 (tháng 10-1999), tr. 23-24.

(10) Thu Hà (phỏng vấn bà Ellen Futter), "Hành trình vượt Thái Bình Dương cả hai chiều và liên tục", Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Sài Gòn, số 11 (24-3-2003), tr. 14-15, 39.
Đoàn Công tác của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Những cảm nhận đầu tiên từ Triển lãm " Việt Nam : những hành trình của Con Người, Tinh thần và Linh hồn" tại New York, Ts Quê Hương, Hà Nội, số 4-2003, tr. 25-27.



Trở Về  ]