Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]

Sự quan tâm của người Bỉ và người Áo đối với văn hóa Việt Nam

Lê Văn Hảo

Bỉ và Áo : hai nước nhỏ, văn hóa lớn 
Nói đến nước Bỉ ở Tây Âu và nước Áo ở Trung Âu, có thể người ta nghĩ đó là hai nước nhỏ. Thực ra vương quốc Bỉ và Cộng hòa Áo chỉ nhỏ về diện tích và số dân: Bỉ rộng 30.500 km2 và có 10 triệu dân với cộng đồng nói tiếng Hà Lan (đa số), nói tiếng Pháp (ít hơn) và nói tiếng Đức (thiểu số) ; còn Áo rộng 84.000 km2 với 8 triệu dân nói thuần tiếng Đức. Về mặt lịch sử, chính trị và văn hóa, đây là những nước không nhỏ. Tuy vương quốc lập hiến của Bỉ  chỉ ra đời vào năm 1831 nhưng người Bỉ có mặt trong lịch sử châu Âu từ thế kỷ 9. Từ thế kỷ 15 đến nay Bỉ đã đóng góp cho châu Âu và thế giới nhiều tài năng văn hóa nghệ thuật nổi tiếng  như các danh họa Van Eyck, J. Bosch, Bruegel, Rubens, Van Dyck... ; các văn hào, nhà thơ G. Simenon, M. Maeterlinck... Bỉ cũng có nhiều thành phố nghệ thuật nổi tiếng như Anvers, Bruges, Gang, Liège... Đặc biệt thủ đô Bruxelles (Brussel) là một trong hai thủ đô của Liên Hiệp Châu Âu - cùng với thành phố lớn Strasbourg của Pháp.
Còn tiểu quốc Áo đã có mặt từ đầu thế kỷ 9, thời hoàng đế Charlemagne. Từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, Áo là một vương quốc cường thịnh ở Trung Âu dưới tên gọi Đế chế Áo, rồi Đế chế Áo-Hung (empire Austro-Hongrois). Chỉ từ năm 1919 , sau Đại chiến thế giới I, cộng hòa Áo mới trở thành một nước nhỏ ở Trung Âu. Nhưng Áo đã đóng góp cho văn hóa nghệ thuật châu Âu và thế giới những tên tuổi lẫy lừng : những nhà văn, nhà thơ R-M. Rilke, S. Sweig... ; những nhạc sĩ J. Haydn, W-A Mozart, J. Strauss, F. Schuman, R. Strauss, người cha của ngành phân tâm học S. Freud... Áo cũng có những thành phố nghệ thuật có tiếng  : thủ đô Vienne, Salzburg, Linz, Innsbruck...
Đặc biệt là vương quốc Bỉ và  cộng hòa Áo có những di tích lịch sử văn hóa lâu đời và đẹp đẽ, những thư viện lớn, những viện bảo tàng lịch sử, mỹ thuật, dân tộc học, phong phú không thua các nước lớn ở Âu, Á, Mỹ, Phi. Ở Bỉ và Áo có thể tìm xem vô số hiện vật mỹ thuật và dân tộc học quí hiếm của các nước châu Á, trong đó có hàng ngàn hiện vật của Việt Nam.
Bỉ và Áo quan tâm đến văn hóa nghệ thuật Việt Nam 
 Chỉ trong vòng 20 năm gần đây, Bỉ và Áo đã lần lượt tổ chức 5 cuộc triển lãm quan trọng về văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Đó là:
1. Tiếng nói của những cổ trống, Việt Nam – Indônêxia– Thái Bình Dương, tổ chức từ tháng 3 đến tháng 9 năm 1983 tại Viện bảo tàng hoàng gia Mariemont (Morlanwelz) , Bỉ.
2. Việt Nam thế kỷ 20, Nghệ thuật tạo hình và nghe nhìn từ 1925 đến nay:  tổ chức tại Không gian Phương Nam (Espace Méridien), Bruxelles, Bỉ, từ 9-10 đến 31-12-1998.
3. Những nền mỹ thuật Việt Nam, Hoa đào và Chim xanh, tổ chức tại Viện bảo tàng hoàng gia Mariemont (Morlanwelz), Bỉ, từ 20-4 đến 18-8-2002.
4. Việt Nam, Mỹ thuật và những nền văn hóa từ thời tiền sử đến ngày nay, tổ chức tại Viện bảo tàng hoàng gia Mỹ thuật và Lịch sử Bruxelles, Bỉ, từ 17-9-2003 đến 29-2-2004.
5. Sự quyến rũ mê hồn của Việt Nam, Thần linh, Anh hùng, Tổ tiên, tổ chức tại Cung điện Mới, thành phố cổ Leoben, Áo, từ 3-4- đến 1-11-2004 (1).
Triển lãm Nghệ thuật và Văn hóa 
Việt Nam, 
Bruxelles 2003/2004
Triển lãm Việt Nam thế kỷ XX,
1925-1998
tại Bỉ, 1998
Triển lãm Sự quyến rũ mê hồn 
của Việt Nam,
Léoben, 2004
1983 : nền văn minh Đông Sơn được vinh danh tại Bỉ
Từ mùa xuân 1983 (18 tháng 3) đến mùa thu ( 18 tháng 9), Viện bảo tàng hoàng gia Mariemont, tỉnh Morlanwelz, đã có sáng kiến khởi xướng một cuộc triển lãm quan trọng và độc đáo : "Tiếng nói của những cổ trống, Việt Nam - Indônêxia - Thái Bình Dương " , tập hợp hơn 100 hiện vật quí hiếm và tranh ảnh độc đáo của bốn viện bảo tàng Bỉ, Pháp và của nhiều bộ sưu tập tư nhân (collections particulières). Theo nhà bảo tàng học Bỉ Catherine Talon-Noppe, người phụ trách tổ chức triển lãm và là một trong hai tác giả quyển Catalô giới thiệu cuộc triển lãm, viện bảo tàng hoàng gia Mariemont muốn sử dụng chủ đề Trống Đồng - hiện vật tiêu biểu nhất của văn minh Đông Sơn mà những người Việt cổ đã sáng tạo ra trong những thế kỷ cuối của thiên niên kỷ 1 trước công nguyên - như một sợi chỉ đỏ dẫn đạo để giới thiệu miền Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, "những thế giới xa xôi và chưa được biết đến".
Qua lời nói đầu của quyển Catalô, người ta dễ dàng thấy thâm ý của ban tổ chức triển lãm là vinh danh "nền văn minh Đông Sơn và sự tỏa rạng của nó" từ lục địa Đông Nam Á đến quần đảo Indônêxia và những đảo xa xôi của châu Đại Dương (Océanie).
Các hiện vật được chia thành ba nhóm, cũng là ba phần lớn của cuộc triển lãm : Việt Nam, Indônêxia, Thái Bình Dương. Đó là những trống, thạp, chuông đồng, tượng mồ, sừng ma thuật (corne à magie), bộ phận trang trí mặt tiền kiến trúc (ornement de façade), đồ trang sức, tượng đàn ông, đàn bà bằng đồng và bằng đá, mảnh gỗ trang trí hình người dùng làm khiên, mộc, đồ dùng bằng tre, đất nung, hộp gỗ, thắt lưng bằng vỏ cây, vũ khí bằng đồng (dao găm, mũi tên...), bằng gỗ (chùy...), v.v. của người Việt cổ, của các sắc dân Tây Nguyên (Việt Nam), của nhiều sắc dân Indônêxia và hải đảo trên Thái Bình Dương ngày nay - cho thấy ảnh hưởng của văn minh Đông Sơn đã tỏa rạng trên toàn vùng Đông Nam Á cổ đại và cận hiện đại.
Cuốn Catalô Tiếng nói của những cổ trống... chỉ vỏn vẹn 100 trang kèm theo 100 ảnh minh họa, nhưng tác giả Catherine Talon-Noppe đã dành cho Việt Nam 30 ảnh và 50 trang viết về 12 chủ đề : cái nhìn bao quát địa lý ; những giai đoạn tiến triển của tình hình dân cư ở miền Bắc ; cuộc Nam tiến ; Dân tộc Việt Nam, một ngoại lệ ; một bức tranh ghép mảnh (mosaique) những sắc dân và những ngôn ngữ ; lịch sử và triển vọng của công cuộc nghiên cứu khảo cổ học ở Việt Nam ;  Văn minh Đông Sơn và sự tỏa rạng của nó : bảng tổng hợp  văn minh Đông Sơn, khung cảnh khảo cổ và biên niên, khung cảnh lịch sử ; phong cảnh Việt cổ, ngôi nhà Đông Sơn, chiến tranh, vũ khí, những nét hoa mỹ; trống đồng : tôn giáo và chính trị ; một nghệ thuật đồ đồng ngoại lệ ; Đông Sơn và những người đồng thời ; Những mối quan hệ với Trung Quốc và sự cáo chung của văn minh Đông Sơn ; các sắc dân vùng Tây Nguyên: kèm theo 5 phụ lục (những tài liệu sử học và văn hóa dân gian liên quan đến trống đồng)
Tính đến 1983, thời điểm của cuộc triển lãm, đây là những trang viết phong phú và nghiêm túc về văn hóa người Việt cổ, lấy cảm hứng từ những nghiên cứu của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp cùng những nghiên cứu mới nhất của L. Bezacier, Nguyễn Phúc Long, Hà Văn Tấn... những năm 70-80.
Viện bảo tàng Hoàng gia Mariemont - được sự hỗ trợ đóng góp của các Viện bảo tàng Hoàng gia Nghệ thuật và Lịch sử Bruxelles, Viện bảo tàng dân tộc học Anvers (Bỉ), Viện bảo tàng Cernushi (Pháp) cùng nhiều mạnh thường quân ở châu Âu - đã làm được một công hai việc : vừa vinh danh văn minh Đông Sơn, văn hóa Việt cổ, vừa khơi gợi cho thế giới biết về một nền văn minh liên hoàn Đông Nam Á đất liền và  hải đảo, đâu đâu cũng thấp thoáng bóng dáng đẹp đẽ của thiên tài Đông Sơn mà Việt Nam là kẻ kế thừa chính đáng.
1998 : hội họa và điện ảnh Việt Nam được giới thiệu tại Bỉ
Năm 1998, Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu đã phối hợp cùng bộ văn hóa Pháp thoại của Bỉ và hội đồng quản trị vùng Bruxelles đứng ra tổ chức cuộc triển lãm "Việt Nam thế kỷ 20, Nghệ thuật tạo hình và nghe nhìn 1925-1998", từ ngày 9-10 đến 31-12-1998.
Bộ văn hóa thông tin Việt Nam đã đồng ý cho các viện bảo tàng mỹ thuật, các họa sĩ có tên tuổi, các nhà sưu tập tư nhân (Phan Kế An, Bùi Đức Minh, Phạm Văn Bổng, Nguyễn Văn Lâm...) cho mượn tác phẩm. Một đoàn chuyên gia Việt Nam (Trịnh Hương Lan, Trần Văn Thủy... cũng đã đến Bruxelles tiếp tay những chuyên gia Bỉ thực hiện cuộc triển lãm.
Trong số 105 tác phẩm của 44 họa sĩ Việt Nam thuộc các thế hệ khác nhau từ 1925 đến 1998 được trưng bày trong cuộc triển lãm này, có nhiều kiệt tác, nhiều tác phẩm đáng mến mộ. Người xem có dịp tiếp xúc trực tiếp với các tác phẩm để đời của những danh họa xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, từ thế hệ Lê Văn Đệ, Tô Ngọc Vân... đến thế hệ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm...và một số họa sĩ đàn em, đàn con, đàn cháu tài ba từ sau 1945 đến nay, những Lưu Công Nhân, Lê Thanh Đức, Đinh Ý Nhi...
Ngành điện ảnh non trẻ của Việt Nam, với chủ đề "Việt Nam thế kỷ 20" cũng đã gặt hái được nhiều khích lệ đáng kể qua Cô gái trên sông, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ lai, Một cõi tâm linh, Đường dây sông Đà, Chìm nổi sông Hương... của những Đặng Nhật Minh, Trần Văn Thủy, Lê Mạnh Thích...
Khách xem tranh xem phim đã giữ những kỷ niệm tốt lành về Việt Nam, đất nước và con người (2)
Nguyễn Tiến Chung, 1940, Đi chợ xuân
Triển lãm VN tk XX, 1925-1998 tại Bỉ
Lê Văn Đệ, Thiếu nữ, 1945
Triển lãm VN tk XX, 1925-1998 tại Bỉ
2002 : mượn Hoa đào và Chim xanh của Nguyễn Du để vinh danh mỹ thuật Việt Nam
Vẻ chi một đóa yêu đào
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh
("Truyện Kiều", câu 503-504)
Với tư cách là một trong hai người đứng ra tổ chức triển lãm "Các nền mỹ thuật Việt Nam, Hoa đào và Chim xanh", Jean-François Hubert, sau khi đọc được câu thơ Kiều (lời Kiều nói với Kim Trọng), đã quyết định mượn hình tượng Hoa và Chim ấy làm nhan đề phụ cho cuộc triển lãm lần thứ nhì, từ tháng 4 đến tháng 8-2002, mà Viện bảo tàng hoàng gia Mariemont dành riêng cho Việt Nam (3).
Phong phú hơn hẳn lần trước, Jean-François Hubert và Catherine Noppe đã tập hợp được 200 tác phẩm và hiện vật từ 5 viện bảo tàng Bỉ (Viện bảo tàng hoàng gia Mariemont, Viện bảo tàng hoàng gia Nghệ thuật và Lịch sử Bruxelles), Pháp (Viện bảo tàng Cernushi, Paris), Việt Nam (Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội) và từ nhiều bộ sưu tập mỹ thuật của tư nhân ở một số nước châu Âu và Việt Nam, liên quan đến nhiều thời đại, thời kỳ, loại hình mỹ thuật và sắc dân.
Cuốn Catalô, do C. Noppe và J-F. Hubert chủ biên, đã được 13 chuyên gia Bỉ, Pháp và Việt tham gia viết bài nghiên cứu về các đề tài : sự hình thành Việt Nam ; văn hóa Đông Sơn ; đồ đồng và đồ gốm Giao Chỉ (thời Bắc thuộc) ; gốm sứ các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn ; kiến trúc và điêu khắc của người Việt ; mỹ thuật và tôn giáo Champa ; Victor Tardieu và Trường Mỹ Thuật Đông Dương ; nghệ thuật trang phục các sắc dân thiểu số.
Lần đầu tiên các tác phẩm và hiện vật tiêu biểu như gốm sứ Hậu Lê, đồ trang sức và kim loại quí hiếm của Champa được phân tích bằng những kỹ thuật hóa học và vật lý học hiện đại nhất, kể cả sử dụng máy gia tốc cộng hưởng (cyclotron).
2003 : "Những nền mỹ thuật của Việt Nam", một tác phẩm xuất sắc của hai tác giả Bỉ, Pháp
Sau khi tổ chức thành công cuộc triển lãm "Hoa đào và Chim xanh" tại Viện bảo tàng hoàng gia Mariemont (xuân-thu 2002) và cho phát hành cuốn Catalô đẹp đẽ của cuộc triển lãm, Catherine Noppe và Jean-Franois Hubert đã cùng biên soạn một công trình văn hóa khác nhan đề Arts du Vietnam (Những nền mỹ thuật của Việt Nam), do nhà xuất bản Parkstone Press Ltd ở New York ấn hành vào mùa xuân 2003 và ngay sau đó bản nguyên tác tiếng Pháp đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Sách dày 271 trang, khổ lớn, được minh họa bằng 287 hình ảnh, 3 bản đồ, một bản biên niên so sánh mỹ thuật thế giới Trung Quốc-Việt Nam-Champa. 
Hai tác giả đã lần lượt giới thiệu một cách sinh động : Dẫn nhập vào Việt Nam, Đất và Nước ( 27 tr.); Văn Lang và Âu Lạc những vương quốc đầu tiên (11 tr.); Sự thống trị của Trung Quốc và gia tài của nó (10 tr.); các triều đại quốc gia: Từ Hoa Lư đến Thăng Long, Kiến trúc Phật giáo, Gốm sứ Lý và Trần (19 tr.); Vương quốc Champa (30 tr.); Triều Lê: Hội An, Kiến trúc Phật giáo, Khổng giáo và tuyên ngôn của nó, các ngôi đình, Gốm sứ Lê (37 tr.); Huế và triều Nguyễn: Hoàng thành, sứ Nguyễn (bleu de Huế) 24 tr.; sự có mặt của Pháp: kiến trúc thuộc địa, Hội họa Việt Nam ở thế kỷ XX (48 tr.); Mỹ thuật các sắc dân thiểu số (16 tr.)
Sau khi công trình của C. Noppe và J-F. Hubert được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, mặc dù chưa hoàn hảo, các nhà Việt Nam học và Đông phương học đã đồng ý cho đây là một cuốn sách lịch sử mỹ thuật không thể thiếu trong các thư viện công cộng cũng như trong tủ sách của những ai muốn tìm hiểu những vấn đề văn hóa nghệ thuật của người Việt và các sắc dân khác ở Việt Nam.
Nhìn cấu trúc cuốn sách, người ta thấy hai tác giả đã lướt nhanh qua các thời đại Hùng Vương, Lý-Trần và nền mỹ thuật các sắc dân thiểu số ở Việt Nam. Bù lại họ đã dừng lâu hơn và đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng mỹ thuật các thời Hậu Lê và Nguyễn. Mỹ thuật thời Pháp thuộc được giới thiệu phong phú và công phu nhất bên cạnh những trang đẹp đẽ về nền mỹ thuật Champa rực rỡ, cũng như những trang sắc sảo về gốm sứ Việt ở các thời Bắc thuộc, Lý, Trần, Lê, Nguyễn với nhiều thông tin quí hiếm và hình ảnh minh họa rất đẹp. Về kiến trúc và điêu khắc, rất tiếc là đã thiếu vắng nhiều pho tượng Phật, tượng Tổ và La Hán nổi tiếng ở các chùa (Mía, Tây Phương, Bút Tháp...) và rất nhiều kiệt tác chạm khắc gỗ vô cùng độc đáo ở các đình làng (Tây Đằng, Chu Quyến, Thổ Hà...).
Trong khi sách giới thiệu về văn hóa nghệ thuật Việt nam với cái nhìn của người nước ngoài và bằng tiếng nước ngoài còn hiếm hoi, công trình của hai chuyên gia Bỉ và Pháp vừa có giá trị biên khảo vừa có giá trị thẩm mỹ như bộ sách Arts du Viẽt Nam này là một thành tựu rất đáng nâng niu trân trọng.
2003 và 2004 : hai cuộc triển lãm về văn hóa nghệ thuật Việt Nam lớn nhất tại Bỉ và Áo
Trong hai năm 2003 và 2004, hai nhà văn hóa học Bỉ và Áo, Miriam Lambrecht và Christopher Schicklgrüber, đã thực hiện hai cuộc triển lãm về văn hóa nghệ thuật Việt Nam có lẽ lớn nhất từ trước đến nay. Đó là :
- Cuộc triển lãm "Việt Nam, mỹ thuật và những nền văn hóa, từ tiền sử đến ngày nay" tại thủ đô Bruxelles, Bỉ, từ 17-9-2003 đến 29-2-2004, với 442 tác phẩm và hiện vật.
- Cuộc triển lãm "Sự mê hoặc của Việt Nam, Thần linh, Anh hùng, Tổ tiên" tại thành phố cổ Leoben, Áo, từ 3-4-2004 đến 1-11-2004, với 802 tác phẩm và hiện vật.
Từ nhiều năm qua, các nhà văn hóa học, bảo tàng học, chuyên gia lịch sử nghệ thuật châu Á tại các viện bảo tàng hoàng gia Bỉ và các viện bảo tàng mỹ thuật và dân tộc học Áo đã có ý định hợp tác dàn dựng một cuộc triển lãm toàn cảnh và tương đối đầy đủ về văn hóa văn minh Việt Nam. Cuối cùng ước muốn này đã trở thành hiện thực... sau 10 năm quyết tâm và kiên nhẫn. Đó cũng là thời khoảng kỷ lục mà ít có những nhà văn hóa phương Tây có thể chờ đợi và chấp thuận.
Công lao đầu tiên là của nữ tiến sĩ Miriam Lambrecht, người Bỉ, thuộc Viện bảo tàng hoàng gia Nghệ thuật và Lịch sử Bruxelles. Nhưng công lao lớn nhất có lẽ thuộc về tiến sĩ Christian Schicklgrüber, người Áo, thuộc Viện bảo tàng dân tộc học Vienne. Cả hai cùng là trưởng ban tổ chức và đồng chủ biên cuốn Catalô đồ sộ của hai cuộc triển lãm được viết bằng bốn thứ tiếng (Pháp, Hà Lan, Đức, Anh).
Trả lời nhà báo Việt Nam, hai vị này cho biết họ đã làm việc ròng rã trong suốt 10 năm trời, từ 1993 đến 2003, với các đối tác Việt Nam, đã lặn lội đến nhiều viện bảo tàng, nhiều đình chùa đền cổ xưa ở Hà Nội và nhiều địa phương để lùng tìm và phát hiện những tác phẩm mỹ thuật và hiện vật dân tộc học tiêu biểu chưa được quần chúng phương Tây biết tới. Phải chờ đến năm 2000 những cuộc tiếp xúc với các đối tác Việt Nam mới thu được những tín hiệu khả quan (4).
Hai vị đại sứ Bỉ và Áo cũng đã phải nhập cuộc thương thuyết, đàm phán để ước muốn của các nhà văn hóa học Bỉ và Áo trở thành hiện thực. Cuối cùng phía Việt Nam đã chấp nhận sửa đổi luật lệ, cho phép mượn và đưa cổ vật ra nước ngoài ; phía Bỉ và Áo đã đồng ý chi trả số tiền bảo hiểm lên đến gần 6 triệu USD, đó là chưa kể đến những chi phí khác cũng tốn hàng triệu euros.
Khi được hỏi lý do tổ chức cuộc triển làm này, nữ tiến sĩ M. Lambrecht khiêm nhường cho biết : "Sở dĩ có cuộc trưng bày này là vì các Viện bảo tàng hoàng gia Bỉ (Bruxelles và Mariemont) đang sở hữu một bộ sưu tập có một không hai về đồ đồng Việt cổ và gốm sứ Việt Nam từ thế kỷ 14 trở về trước...", khoảng 3.000 tác phẩm và hiện vật.
Ban tổ chức Bỉ-Áo nhấn mạnh : "Chúng tôi mong muốn trình bày cho bằng được một bộ mặt khác của Việt Nam. Để thực hiện điều đó, chúng tôi đã phải tập hợp những cổ vật từ nhiều nguồn, chẳng những từ Việt Nam (13 bảo tàng) mà còn từ 8 bảo tàng lớn ở châu Âu (London, Paris, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ) và từ nhiều bộ sưu tập tư nhân ở châu Âu". 
Tiến sĩ C. Schicklgrüber cho biết ông đã đến Việt Nam tháng 5-2000 với bản đề cương cuộc triển lãm tại Bỉ và Áo và tìm gặp các đồng nghiệp Việt Nam đề nghị họ góp ý. Sau đó ông đã để ra ba năm (2001-2003) đi thăm các bảo tàng Việt Nam để tuyển chọn, đàm phán mượn tác phẩm và hiện vật. Phải chờ đến tháng 6-2003 những cổ vật đầu tiên của Việt Nam lên đường sang Bỉ (5).
Tổng cộng có tất cả 416 tác phẩm thuộc các thời kỳ tiền sử và lịch sử, các nền văn hóa nghệ thuật nhiều sắc dân của Việt Nam : đồ đồng, gốm, sứ, tranh tượng, y phục, nhạc khí… mà Việt Nam đã cho Bỉ và Áo mượn.
Người xem đến từ nhiều quốc gia châu Âu và du khách quốc tế đã vô cùng thích thú khi ngắm nhìn những trống đồng Hoàng Hạ, Ngọc Lũ, Vienne (trước đây quen gọi là trống Gillet) tượng trưng cho văn minh và tâm hồn người Việt cổ. Những tác phẩm gốm, sứ các thời Lý, Trần, Lê (Bát Tràng, Chu Đậu) được trưng bày hài hòa với những pho tượng Chăm điêu luyện, bên cạnh những tác phẩm hội họa cổ điển và dân gian vô cùng đa dạng của các sắc dân Việt Nam… mà hình ảnh được ghi lại đẹp đẽ trong tập Catalô in ấn công phu, chân xác.
Nội dung khoa học và thẫm mỹ của cuốn Catalô phong phú này có được là nhờ sự đóng góp của 13 nhà văn hóa, nhà nghiên cứu Bỉ, Áo, Anh, Pháp, Việt có uy tín. Những chủ đề lớn đã lần lượt được đề cập tới là : lịch sử Việt Nam từ cội nguồn đến ngày nay ; thương mại và trao đổi trong lịch sử Việt Nam ; dẫn nhập vào lịch sử văn hóa Việt Nam ; âm nhạc và kịch nghệ ở Việt Nam ; các tôn giáo, tín ngưỡng và sự thờ cúng ở Việt Nam ; Việt Nam một đất nước đa sắc tộc, đa văn hóa, làng Việt Nam giữa truyền thống và hiện đại...
Tuy vậy, trong cuộc triển lãm "Việt Nam, mỹ thuật và những nền văn hóa, từ tiền sử đến ngày nay" tại thủ đô Bruxelles (Bỉ) có một nốt nhạc sai. Đó là những người tổ chức đã dành cho phần đầu của triển lãm quá nhiều hình ảnh về chiến tranh, bạo lực, tàn phá và chết chóc tại Việt Nam khiến một số người xem cho đó là một việc làm "lạc đề", "lên gân" hay "tuyên truyền" không cần thiết, không đúng chỗ trong một không gian trưng bày rộng 150 m2. Sự bất bình này đã được thể hiện khi xem, rồi trong cuốn Sổ Vàng góp ý của cuộc triển lãm.
Nhạy bén trước phản ứng của những người xem chỉ muốn tiếp xúc với "nghệ thuật và các nền văn hóa của Việt Nam" ấy, ban tổ chức cuộc triển lãm "Sự mê hoặc của Việt Nam, Thần linh, Anh hùng, Tồ tiên" ở Áo đã rút kinh nghiệm và thực hiện những điều chỉnh cần thiết để phù hợp với nội dung một cuộc triển lãm về văn hóa và nghệ thuật đúng nghĩa.
Về địa điểm, lúc đầu cuộc triển lãm được dự định tổ chức tại thủ đô Vienne, nhưng nhân dịp thành phố cỏ kính nhất của Áo là Leoben vừa tròn 1.100 tuổi (904-2004), ban tổ chức đã quyết định đưa về Lâu Đài Mới (Neue Hofburg) của thành phố cổ Leoben, nơi tọa lạc Thư viện quốc gia và Viện bảo tàng mỹ thuật của thành phố. Từ đó cuộc triển lãm hoành tráng về văn hóa nghệ thuật của Việt Nam đã được đưa lên hàng đầu danh mục 100 sự kiện tiêu biểu nhất trong năm 2004, năm sinh nhật thứ 1.100 của thành phố Leoben, với hội chợ, dạ hội, diễn hành, sinh hoạt văn hóa và lễ hội đa dạng.
Cuốn Catalô "Sự mê hoặc của Việt Nam...", lần này được in bằng tiếng Đức và Anh, trình bày rất mỹ thuật, trong đó có ba bài viết mới của tiến sĩ thị trưởng Leoben, giáo sư tổng giám đốc Các viện bảo tàng dân tộc học Vienne, và bài dẫn nhập của tiến sĩ C. Schicklgrüber vinh danh đất nước và văn hóa Việt Nam đồng thời đề cao giá trị những bài viết của các nhà bác học và chuyên gia Bỉ, Áo, Anh, Pháp, Việt khác viết trong Catalô.
Cuộc triển lãm tại Áo đã qui tụ hàng chục vạn người xem. Người Áo đã thực sự quan tâm đến văn hóa Việt Nam và cuộc gặp gỡ "Thần linh, Anh hùng và Tổ tiên" của Việt Nam trên đất Áo, với 416 tác phẩm đến từ Việt Nam cộng với 386 hiện vật của 8 Viện bảo tàng nổi tiếng của châu Âu (6), là một vinh dự hiếm có và cũng là niềm tự hào chính đáng dành cho Việt Nam văn hiến ngàn năm.
Lê Văn Hảo (Paris)
Chú thích 
(1) ) - Catherine Talon-Noppe và Françoise Fauconnier (biên soạn), La Voix des Tambours, Vietnam-Indonésie-Pacifique, Musée Royal de Mariemont, 1983, 99 tr.
- Nhiều tác giả, Bertrand de Hartingh chủ biên, Vietnam 20e siècle, Arts Plastiques et Visuels de 1925 à nos jours, La Lettre Volée, Bruxelles, 1998, 216 tr.
- Catherine Noppe và Jean-François Hubert (chủ biên), Arts du Vietnam, la Fleur de pêcher et l’Oiseau d’azur, nhà xuất bản La Renaissance du Livre và Musée royal de Mariemont, 2002, 196 tr.
- Miriam Lambrecht và Christian Schicklgrüber (chủ biên), Vietnam - Art et Cultures de la préhistoire à nos jours, Bruxelles, nhà xuất bản Snoeck, 2003, 272 tr.
- Miriam Lambrecht và Christian Schicklgrüber (chủ biên), Faszination Vietnam, Gưtter, Helden, Ahnen, Leoben, nhà xuất bản Snoeck, 2004, 277 tr.
(2)  Văn Ngọc, "Triển lãm Việt Nam thế kỷ 20, 1925-1998", tạp chí Diễn Đàn, Paris, số 80, tháng 12-1998.
(3) Catherine Noppe và Jean-François Hubert, Arts du Vietnam, Parkstone Press, New York, 2003, 271 tr.
(4) Nguyễn Hữu Thái, "Đưa phố cổ Hà Nội sang châu Âu", Tuổi Trẻ Chủ Nhật, số 4, 2004.
(5)  Trần Đức Anh Sơn, "10 năm cho một triển lãm Việt Nam tại Áo", Tuổi Trẻ Chủ Nhật, số 14, 2004.
(6)  Tại Bruxelles, số lượng tác phẩm và hiện vật trưng bày là 442, tại Leoben ban tổ chức đã nâng con số này thành 802 nhờ sự đóng góp của Viện bảo tàng dân tộc học Vienne (Áo), nơi tàng trữ hàng trăm hiện vật Việt Nam.

 [  Trở Về  ]
Sứ đời Lê, tk XV, 
Chu Đậu, Hải Dương
Sứ đời Lê, tk XV, 
Chu Đậu, Hải Dương
Sứ đời Lê, tk XV, Chu Đậu, Hải Dương, Viện BT Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, đã cho Áo mượn để trưng bày tại Triển lãm " Thần thánh, Anh hùng và Tổ tiên " tại T.P. Léoben, Áo, 2004
Sứ đời Lê, tk XV, 
Chu Đậu, Hải Dương
Sứ đời Lê, tk XV, Chu Đậu, Hải Dương, Viện Bảo táng Topkapi Saray (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) đã cho Bỉ và Áp mượn để trưng bày tại Triển lãm Nghệ thuật và văn hóa Việt Nam (2003/2004)
Tượng Chàm tk IX-X
Triển lãm Việt Nam, Mỹ thuật và những nền văn hóa từ thời tiền sử đến ngày nay (2003/2004)


 [  Trở Về  ]