Chèo
thuộc loại kịch hát bi - hát hay là sự kết hợp giữa cái
bi và cái hài hầu thành nguyên tắc kịch thuật của chèo
(cổ)
Phần
lớn nhân vật chính yếu, trước hết là những nhân vật
nữ của chèo (cổ) đều có quãng đời hết sức khổ cực
(nghiêng về khổ cực vật chất, kẻ nghiêng về khổ cực
tinh thần) ở đủ dạng, đủ vẻ, mang tính bi rõ dệt, như
những Thị Phương, Cúc Hoa, Thị Kính, Châu Long, Phương Hoa,
Kiều Liên, Mẫu Thoải, Chúa Ba,... tất tật.
Có điều, những con người
đó khi lên chiếu chèo, qua diễn xuất tài tình và nhiều khi
tinh tế của nghệ nhân, kết hợp với đòi hỏi những hình
thức quen thuộc của đông đảo bà con, rất nhiều cái cười
đủ kiểu, đủ mức "pha" vào suốt thời gian diễn trò từ
đầu đến cuối, chiếm tỷ lệ hàng 1/2 tới 2/3 buổi hát.
Ðiều "quá đáng" lại được cái có hậu của tất cả các
tích chèo hậu thuẫn, nên càng làm gia tăng tính lạc quan và
góp phần quan trọng tạo sự thoải mái cho bà con khi thưởng
thức. Vì thế nhiều nhà khảo cứu sân khấu dân tộc từng
"duy danh" mà cắt nghĩa chèo xuất phát từ chữ trào (trào
lộng) mà ra.
Chèo thường diễn trong các
hội hè đình đám khắp vùng đồng bằng và trung châu miền
Bắc mấy tháng Xuân, Thu hàng năm trước đây, mà không ít
người xem đã thuộc làu cả tích, chí ít cũng đôi đoạn,
dăm câu, khen chê tài diễn của nghệ nhân đâu ra đấy. Vì
thế, đã có người đặt chèo vào loại sân khấu hội hè,
vừa để nói tính quần chúng vừa nói đến cái cười trong
diễn xuất của nó.
Song không mấy loại sân khấu
hội hè ở phương Tây thế kỷ XV hoặc XVI với phần lớn
kịch ngắn vui nhộn diễn cương. Chèo cũng có số nhân vật
chuyên làm hề và không ít nhân vật "'đá" vào pha trò đây
đó, dùng kể chuyện hoặc hát múa gây cười, lấy ứng tác
ứng diễn là chính và dẫu chiếm thời gian dài của đêm
hát, song những đoạn trò cười đó còn rời rạc, ít ăn
nhập với tích trò (thường mang tính bi).
Thêm nữa, tuy đã có sự tiến
triển từ câu lẻ, trò lẻ đến từng lớp, từng mảng, nhưng
những cái cười pha trò ấy vẫn phải bám vào tích diễn
mới đứng nổi. Có nghĩa là cái hài không làm nên câu chuyện
do nghệ nhân kể lại trên chiếu chèo, mà chính là cái bi
toát ra từ bản trò do nho sỹ viết.
Tình trạng đó dẫn tới hiện
tượng bi hài xen kẽ, đúng ra là hài pha vào bi, trong các vở
diễn, thể hiện trong mỗi tình tiết, mỗi lớp, mỗi nhân
vật, dưới các dạng: Khi là sử dụng cái hài để nhấn
thêm cho cái bi "sâu" hơn, cười trong nước mắt (đoạn Lão
Sùng"đùa" ông Mãng), lớp "giết chồng" chèo Quan Âm; đoạn
hề Mồi hát bài Cu lớn cu bé lớp Lưu Bình gặp Trù Phòng
khi sang nhờ bạn;...
Khi dùng tiếng cười để châm
biếm, đả kích; chê trách những hiện tượng chướng tai
gai mắt, những hành động "vô đạo đức" của các bề trên,
cả những thói hợm hĩnh kệch kỡm trong bà con xóm giềng
(như vô số lớp hề theo Bác, Hề Mồi đồ đá, Mụ Mối
- Xã Dốt, vợ Mõ - Xã trưởng ) khi "cố tình" vượt khối
tích trò, cốt kéo dài đêm diễn khi hát "đếm hương"hoặc
theo yêu cầu của địa phương thích nghe và xem riễu (như
lớp hề theo Bác đi kiếm củi vở Chu Mãi Thần, lớp Phù
thủy - Cô Ðồng vở Kim Nhan, những lớp hề kể chuyện làm
vui cho Bác, cho Quan...) đôi khi có những lớp gây cười dài
cốt làm loãng hoặc "phá rối"chủ đề tiết mục (như lớp
hề tiểu, lớp xem tướng Tiên ở vở Từ Thức...) hoặc cố
ý xoá nhoà hay xoay chuyển chủ đề bản trò (như lớp đánh
ghen của vở Chu Mãi Thần mà không ít gánh hát thời thuộc
Pháp đã chuyển thành vở "riêng" Tuần Ty đào Huế.
Thành ra, trong mỗi tiết mục
chèo cổ, thấy cứ mỗi một lớp bi lại chen vào một lớp
hài, lớp trữ tình, hoặc ngay trong một đoạn cũng có câu
hài câu bi "tiếp nhau" chưa kể vô số câu "pha trò" ngoài "tích".
Cũng thấy lộ ra khuynh hướng là càng ở những vở diễn
ra đời sau, cái hài càng chiếm ưu thế về thời gian, càng
nói nhiều tới mặt sinh hoạt và các mối quan hệ của cuộc
sống hàng ngày; rằng tuy vẫn còn những câu hài xen vào những
đoạn bi hoặc lớp hài cốt đưa vào cho "xôm trò" chẳng mấy
cần thiết cho tích diễn, nhưng đã thấy không ít câu hài,
đoạn hài, lớp hài ăn nhập vào trò diễn tới mức không
thể bứt ra khỏi tích (như những câu hát "cười trong nước
mắt" của hề, đoạn Trù Phòng "xỉ nhục"Lưu Bình, lớp Thày
Ðồ dạy Tôn Mạnh Tôn Trọng,...). Thực ra, chèo
rất tôn trọng tính nhất lưỡng của mỗi sự vật, mỗi
con người.
Từ đấy mà quy phạm chèo vào
loại hát bi hài dân tộc với cái hát ngày càng cao có sức
nặng hơn, do khán giả trước đây rất coi trọng và thích
thú xem riễu, tới mức cho rằng: "chèo mà không làm cười
thì không thể gọi là chèo". Vẫn biết cái hài "nặng"như
thế và vẫn phải dựa vào tích chuyện mới đứng được;
vẫn biết tích chuyện đã hoạch định số phận cả nhân
vật chính diện lẫn nhân vật "không chính diện" và tích
truyện vẫn mang tính bi có hậu. Nhưng quan trọng ở chỗ,
cái hài phải nương theo cái có hậu mới tồn tại phát triển
mà làm cho sân khấu chào gia tăng tính lạc quan, tính chiến
đấu và tính đời thường. Ðiều trớ trêu trên cũng chứng
minh sự chưa hoàn chỉnh, hay nói cách khác sự đang trên con
đường hoàn chỉnh của nghệ thuật sân khấu chèo (cổ).
Thêm nữa, kết cấu của mỗi
tiết mục chèo (cổ) thường gồm 2 bộ phận không tách rời:
tích diễn cũng gọi là bản trò (của nho sỹ) mang tính định
hình hay dùng thủ pháp ước lệ, và diễn xuất của nghệ
nhân. Bộ phận diễn lại gồm 2 phần: những gì diễn ra do
yêu cầu thể hiện bản trò (kể lại câu chuyện, sáng tạo
hình tượng vai sắm) thì định hình tương đối và thường
dùng động tác ước lệ hoặc cách điệu tương hợp; còn
những gì ứng tác diễn tại chỗ kịp đáp ứng ngay đối
tượng ngồi xem thì thường phóng túng tùy nghi và nhiều khi
là câu cú động tác tả thực dung tục, thậm chí tự nhiên
chủ nghĩa.
Bộ phận ứng tác diễn thường
làm cười, bất chấp chèo đã có không ít vai hề như hề
áo ngắn ( Hề gậy, Hề mồi, Hề đồng,...) hề áo chùng
(Phù thủy, Thày Ðồ, Thày Bói,...). Ðừng quên, cũng chính
các vai hề chuyên đó là "chủ nhân" của những gì ứng tác,
ứng diễn tùy tiện trên phần nhiều, đồng thời cũng ghi
nhận nhiều câu hát câu hề ngoài tích có giá trị. Chúng
sẽ giảm theo đà tiến sân khấu hoàn chỉnh (bác học) của
chèo. Thì đấy thời kỳ chèo văn minh rồi chèo cải lương,
song song với việc xuất hiện trên sách báo quảng cáo tên
nghệ nhân tài năng đang được khán giả mến mộ, rồi tới
tên soạn giả, thì cũng có ngay yêu cầu nghệ thuật phải
diễn thuộc: thuộc lời trò và thuộc diễn kỹ đối với
từng vai, từng vở cụ thể.
Sau này, cho dù soạn giả và
người diễn không còn nhận thức trái nhau về nhân sinh và
triết mỹ trong cách nêu và cách giải quyết các vấn đề
xã hội ở một vai, một tiết mục, và các vai "pha trò" sẽ
nằm hẳn vào tuyến chuyện của tích trò, cho dù sân khấu
hôm nay không mấy tán thành để diễn viên ứng tác ứng diễn
(người xưa nói trắng ra là cương bịa) tùy tiện vô lối,
trong khi vẫn khuyến khích biểu dương những sáng tạo mạnh
dạn ngẫu hứng mỗi khi ra vai, thì với truyền thống thưởng
thức nghệ thuật thoải mái cố hữu thân quen, khán giả Việt
Nam chứ chả riêng khán giả phía Bắc (đất nước), sẽ vẫn
coi trọng và thích thú đặc điểm bi hài dân tộc độc đáo
đa dạng và đa nghĩa của sân khấu chèo. Cũng chính điều
đó tạo thành cung cách biểu diễn và thưởng ngoạn nghệ
thuật chèo một cách thoải mái sảng khoái, không đòi nghệ
thuật hoà nhịp hẳn vào vai sắm từ đầu đến cuối, không
truy cầu hiệu quả ảo giác trong khán giả để lầm tưởng
những gì đang kể lại trên chiếu diễn là "đời thật",
mà bỏ quên mất tính năng động khi xem biểu diễn. Cũng thể
nói, đây là do tính nhất lưỡng của diễn xuất chèo chi
phối.
Ðiều khẳng định trên có
nguyên nhân sâu xa. Bởi khi những người nông dân hai sương
một nắng suốt ngày vất vả, bị lũ cường hào ác bá đè
đầu bóp cổ tàn tệ, khi mà xã hội nông nghiệp lạc hậu
với điều kiện sinh hoạt còn cổ sơ, kỹ thuật canh tác
còn thô lậu, đời sống tâm linh lại bị những thế lực
thần quyền quán thống với đủ trò phù trấn yềm, nên mỗi
người lành hiền tận cùng hàng ngày bị cái xấu cái ác
đe dọa lấn lướt, thì việc viết lại những cảnh đời
bi đát phẫn uất của những "con sâu cái kiến" đó vào truyện,
vào tích là điều tất nhiên.
Song do bản năng, cả ý thức
sinh tồn thúc đẩy, những con người đó không thụ động
nhận chịu mọi áp bức bất công rơi xuống đầu, mà bằng
sức lực và trí tuệ bản thân, họ kiên quyết vươn lên
giành lấy cuộc sống khấm khá hơn, dân chủ hơn, và phần
nhiều vì điều kiện thực tế quá khắt khe, không cho phép
đoạt tới, họ phải gửi vào những ước mơ, nhờ cậy vào
quyền phép của những Ông Bụt, Bà Tiên, Ðức thánh ban phát,
độ trì. Với nữa, ngay giai tầng thống trị chủ trương
ru ngủ "dân đen" bằng những chiếc "bánh vẽ" về một ngày
"không xa" nhất định sẽ tốt đẹp hơn thực tại, trong cái
"khuôn trời" bĩ thái, định mệnh.
Vì thế, những câu chuyện nói
về mặt này mặt khác cuộc sống đen tối vì đoạ đầy
của những người lao động, bao giờ cũng ánh lên cái có
hậu tưởng như tất yếu, bao giờ cũng nẩy lên những tiếng
cười, tràng cười đủ cỡ, đủ mức, vào cung cách đối
xử của lũ thống trị và kẻ "bề trên" miệng ra rả giảng
đạo đức cho "mọi người", còn bản thân chúng thì đê tiện,
bỉ ổi hết sức. Có nghĩa niềm lạc quan yêu cuộc sống
của lớp người "dưới đáy" thời phong kiến đã là nguyên
nhân làm nảy sinh những tiếng cười trong mọi sinh hoạt cộng
đồng dân dã, ngay cả trong những đám tang, đám cúng (tạo
công vòi ăn trong chèo đò dẫn linh, trò thằng Ngô con đĩ
chen vào múa chạy đàn ,...). Ðấy cũng đồng thời là nguyên
nhân của những tiếng cười đủ cung độ kích cỡ trong chèo
(cổ). Và do vậy mà nói chèo vẫn mãi thuộc loại kịch hát
bi bài hát dân tộc độc đáo, đặc sắc.