|
Theo tài liệu khảo cổ học, từ những di tích, chỉ tìm được ở Đốc Chùa (Tân Uyên), thành Cổ Tròn (Bình Long) thì khả năng xuất hiện của người S'tiêng ước lượng từ 2.000 đến 5.500 năm. Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp chiếm đất của người S'tiêng để lập đồn điền cao su, đẩy người S'tiêng ngày càng lùi sâu vào vùng rừng núi phía Bắc.Về đặc điểm tộc người ngôn ngữ của người S'tiêng thuộc ngữ hệ Môn-Khmer Đông Nam Aá. Trong các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khmer ở Tây Nguyên thì người S'tiêng là nhóm cư dân có dân số đông thứ ba sau Ba Na và H'Rê.
Là một dân tộc thuộc cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, là chủ nhân lâu đời của miền đất Nam Trường Sơn, dân tộc S'tiêng có một nền văn hóa mang nhiều sắc thái chung với những người anh em Tây Nguyên nhưng cũng không thiếu những nét độc đáo, phong phú mang tính chất đặc thù bản sắc của dân tộc mình. Cư ngụ ở Nam Tây Nguyên, S'tiêng như một cánh cửa đón nhận sự giao lưu, hội nhập của văn hóa người Việt, người Khmer, người Mnông. Vì lẽ đó, những gì thuộc bản sắc Văn hóa S'tiêng rõ ràng phải có một sức sống mãnh liệt mới có thể tồn tại và phát triển được.
Đứng đầu một bon (buôn, sóc) người S'tiêng là một già làng (bu kuông), sau đó là tập thể những lão làng có kinh nghiệm, có uy tín làm cố vấn, những người này bầu ra già làng. Quan hệ gia đình người S'tiêng là quan hệ phụ hệ. Luật hôn nhân S'tiêng cấm không được kết hôn trong nội tộc, do đó một cặp trai gái muốn đi tới hôn nhân thường phải nhờ già làng và hội đồng bộ lão xem xét lại gia phả, dòng họ để tránh phạm luật. Tín ngưỡng của người S'tiêng là "vạn vật hữu linh", họ quan niệm vật gì cũng có hồn, do đó họ thờ đa Thần, Thần Mặt Trời, Thần Mặt Trăng, Thần Gió, Thần Mưa, Thần Núi, Thần Sông, Thần Thác Nước.... nhưng quan trọng đối với người S'tiêng là vị thần Yang Liêng, người đã khai sáng ra vùng đất của người S'tiêng hiện nay. Bên cạnh đó là các vị thần được tôn thờ như Thần Núi Yang Yumbra (cư ngụ trên đỉnh núi Bà Rá). Thần Thác Liêng Hur, người chiến thắng các Thần Thác Nước khác trong vùng.
Cũng như nhiều dân tộc ít người khác, người S'tiêng cũng có nhiều lễ hội lễ đâm trâu với tục hiến sinh để tạ ơn và cầu xin thần linh... Đặc biệt, lễ đâm trâu của người S'tiêng có thủ tục quay đầu trâu là một hình thức vay trả, ơn nghĩa trong cộng đồng.
Người S'tiêng có khá nhiều truyền thuyết, truyện kể, thơ ca dân gian nói về nguồn gốc tộc người, về sự tích lai lịch các vị Thần, về lịch sử đấu tranh và xây dựng của cộng đồng, về những sinh hoạt thường ngày, về tình yêu nam nữ... Những già làng, lão làng ở Đắck Ơ, Đắk Nhau là những người thuộc nhiều, nhớ nhiều vốn văn học này. Đáng chú ý ở cộng đồng người S'tiêng có lối hát nói, hát kể (Tâm - pơt) do một hoặc hai người cùng thể hiện, là một hình thức chuyển tải những truyền thuyết huyền thoại, sự tích hoặc tâm tư nguyện vọng của người S'tiêng đối với đồng bào mình. Người càng cao tuổi càng biết nhiều bài Tâm - pơt và hát càng hay hơn.
Người S'tiêng nhánh Bù Lơ ở miền cao sinh sống trong những ngôi nhà dài nền đất, mái tranh, vách bằng tre nứa. Nhà dài của người S'tiêng thường dài khoảng 25 - 30m, mái thấp gần chạm đất và có hai cửa ra vào ở hai đầu nhà. Một số nhà dài ở vùng Đắk Ơ có đặc điểm 4 góc nhà lượn tròn chứ không vuông như nhà bình thường. Trong một nhà (Yau) thường có nhiều bếp (Nak) cho từng gia đình nhỏ. Một bon S'tiêng thường có khoảng 5 - 7 nhà dài, có bon có khoảng 2 - 3 nhà.
Người S'tiêng nhánh Bù Dek thường ở nhà sàn. Nhà sàn S'tiêng Bù Dek có hai dạng: loại nhà sàn dài và nhà sàn ngắn, bé cho từng hộ gia đình. Ơở Bình Long còn một số nhà sàn cổ theo truyền thống S'tiêng: cột lớn, vách nhà nghiên loe ra ở phía trên.
Hiện nay nhánh Bù Lơ, nhà nền đất, (nhà trệt) ngắn, nhỏ cho từng hộ gia đình đã xuất hiện nhiều xen lẫn với nhà dài. Ơở nhánh Bù Dek, nhà nền đất cũng được xây dựng xen lẫn với nhà sàn.
Người S'tiêng cũng có những tượng nhà mồ và một chạm khắc trên cây nêu, trên các hình tượng trên bàn thờ hoặc các vật dụng trang trí trong nhà, các công cụ lao động sản xuất.
Trước đây người S'tiêng nổi tiếng với nghề thợ rèn đạt trình độ khá cao, nhiều công cụ, vật dụng tinh xảo đã được các nghệ nhân S'tiêng chế tác. Bên cạnh đó, nghề dệt và nhuộm vải bằng vỏ cây rừng cũng là một nghề phát triển trong cộng đồng người S'tiêng. Chính qua những hoa văn, màu sắc, kiểu dáng trên khố váy, khăn, người S'tiêng chứng tỏ khả năng tạo hình của mình. Ngoài ra còn có những hoa văn trang trí trên những chiếc gùi, trên những vật dụng đan lát, những hình vẽ trang trí trên cồng chiêng, trên cây nêu...
(Mới đây trong Liên hoan văn hóa các dân tộc toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, 1996, một già làng S'tiêng - ông Điểu Đố - đã được tặng Huy chương vàng cho người có trang phục dân tộc đẹp nhất).
Người S'tiêng bản tính đôn hậu trầm lắng và rất yêu ca hát. Trong vốn âm nhạc cổ truyền của đồng bào S'tiêng, nghệ thuật cồng chiêng nổi lên như một viên ngọc sáng. Cũng như c khác trên dọc dãy Trường Sơn, cồng chiêng đã gắn bó với cộng đồng người S'tiêng như máu thịt, nó đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần của đồng bào. Nghệ thuật cồng chiêng S'tiêng mang nhiều nét chung của cồng chiêng Tây Nguyên và cũng có rất nhiều yếu tố độc đáo mang tính đặc thù của dân tộc mình. Nó đã tự khẳng định được một chỗ đứng vững chắc, một giá trị đáng tự hào trong đại gia đình cồng chiêng Việt Nam.
Bên cạnh cồng chiêng, âm nhạc cổ truyền S'tiêng còn có một khối lượng dân ca phong phú và đa dạng. Người S'tiêng có lối hát kể (Tâm - pơt), có thể loại tình ca (Nao - lan), trường ca (O-Kroong), có hát ru, có đồng dao và nhiều bài sinh hoạt khác.
Nói đến âm nhạc của người S'tiêng, không thể không nhắc đến các nhạc cụ dân gian và các bài bản dân nhạc. Người S'tiêng biết chế tác và sử dụng nhiều thức nhạc cụ như kèn M'buốt, Sáo Tơ lết, Sáo U-Kooc-le, Sáo Pia, Sáo N'hôm, kèn Nung biên, đàn Đình - put và một số loại trống. Những nhạc cụ trên có khi được biểu diễn đệm cho hát, có khi diễn tấu những bản nhạc ngắn. Dân nhạc S'tiêng là những bài bản ngắn, gọn, đơn giản, thường thể hiện mô phỏng tiếng suối, tiếng gió, tiếng con chim, con sóc, những hiện tượng tự nhiên gần gũi với cuộc sống của đồng bào.
Về nghệ thuật múa, người S'tiêng có điệu múa trong lễ hiến sinh. Trong cúng con Bà Bóng (Mê Prak), những động tác, đội hình mang tính chất múa như khi biểu diễn cồng chiêng đi diễn vòng... Ngoài ra, ở một số nơi sống gần gũi hoặc đan xen với người Khmer, lớp trẻ tiếp nhận ở người Khmer điệu múa Lâm thôn....
(Tạp chí xưa và nay số 36/1997)
[ trở về ]