Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]                 [ Trang Chủ ]               [ Trang trước ] / [ Trang sau ]

HOÀNG XUÂN-HÃN
Lý Thường Kiệt
LỊCH-SỬ NGOẠI-GIAO TRIỀU LÝ
PHÀM LỆ
1°/ Chép thời điểm. - Thời điểm, gồm ngày, tháng, năm. Trong sách này, chép theo lịch dùng đương thời, ngày và năm theo lối giáp tí và niên hiệu. Khi có việc nào quan trọng, tôi có đổi ngày tháng ra dương lịch. Còn năm, thì khi nào cũng chú thích năm tây. Tôi đã dùng một phép riêng để đổi ngày mà tôi đã giải trong báo Khoa học số 19 và 20. Các chữ viết tắt như sau :

Về Can, có 10 : G (giáp), A (ất), B (bính), Đ (đinh), M (mậu), K (kỷ), C (canh), T (tân), N (nhâm), Q (quí).

Về Chi, có 12 : Ty (tí), Su (sửu), Da (dần), Ma (mão), Th (thìn), Ti (tị), Ng (ngọ), Vi (mùi, hay vị), Ta (thân), Zu (dậu), Tu (tuất), Ho (hợi).

Về Giáp tí, có 60 : Ví dụ : A. Ma (ất mão).

Về Thời điểm. - Ví dụ : 20-12 năm A. Ma (Đ. Vi, DL 28-1-1076) phải đọc ngày 20 tháng chạp năm Ất Mão, là ngày Đinh mùi, Dương lịch là 28 tháng giêng năm 1076.

2°/ Chép chứng. - Khi nào chứng là một sách, thì tên sách viết hoàn toàn hay viết tắt (theo bảng sau), bên cạnh có chữ số là số mục quyển trong sách ấy ; nếu muốn biên số trương ở một bản nào thì sẽ có một sổ xiên rồi sau đề số tờ và theo sau có chữ a (là mặt trước) hay b (là mặt sau).

Chỉ có khi nào chứng dùng sách TB thì mới ghi trương như thế và lấy ở bản khắc của Đàm Chung-Lân.

Ví dụ :

TTh 9 : sách Tốc-thủy kỷ văn quyển 9.

TB 273 3a : sách Tục Tư-trị thông-giám trường biên quyển 273, tờ 3, mặt trước.

TS : Tống sử

Khi dẫn chứng bằng sách Toàn-thư, Việt-Sử-lược, tôi chỉ dẫn năm mà thôi. Vì biết năm thì tìm trong các sách ấy rất dễ. Thỉnh thoảng có dẫn số quyển và số trương trong sách TT (bản in đời Nguyễn), nhưng cũng ít khi.

Khi dẫn chứng tự lấy trong sách Lý Thường-Kiệt này, thì chỉ ghi số mục chương, số mục đoạn, hay số mục chú thích. Ví dụ :

(IV/ 3): Chương IV, đoạn 3 trong sách này.

(V/cth 2): chương V, chú thích 2.

3°/ Chép tên đất và tên người. - Chép tên đất và tên người thì chữ đầu tên viết hoa. Nếu tên có nhiều âm, sẽ theo lệ sau :

Về tên đất, chỉ có âm đầu có chữ hoa. Những âm sau đều chữ thường, nhưng các âm đều nối nhau bằng cái gạch ngắn.

Về tên người, phải chia ra hai khúc : Họ và tên. Họ thường có một âm, tự nhiên viết hoa. Nhưng có họ gồm hai âm, như Tư-mã; trong trường hợp ấy, chỉ âm đầu viết hoa và hai âm nối nhau bằng cái gạch con. Tên. Hoặc có một âm thì viết hoa là lẽ thường; hoặc có hai âm (chữ đệm và huý), thì hai âm đều viết hoa và có gạch nối giữa. Còn từ họ đến tên, thì không có gạch nối. Khi nào gọi tắt thì dùng tên gồm chữ đệm và chữ húy. Ví dụ : An-Thạch, Thường-Kiệt.

4°/ Bản đồ.- Các bản đồ đều ở cuối sách. Lúc giở, bản đồ hiện ra ngoài, để tiện cho sự vừa đọc vừa tra.

/ Chữ Nho .- Xem các bảng chỉ ở cuối sách.