Chim Việt Cành Nam         [  Trở Về   ]       [  Tác giả   ] 
Ca Dao Qua Văn Bản

Ngu Yên

Con mèo, con chó có lông
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai.

Tìm hiểu ca dao cũng như tìm hiểu thơ văn trong môi trường tìm hiểu văn học và văn hóa, nên dựa vào những phương pháp "khoa học ngôn ngữ" và những lý thuyết hiện hành có hiệu quả tìm hiểu văn học.

Trước hết là học thuyết Văn bản. Lý thuyết gia Pháp gốc Bulgaria, Julia Kristeva (1941-) nói về cách phân tách văn bản rất thuyết phục. Qua văn bản, chẳng những tìm ra ý nghĩa, ẩn ngữ, ẩn dụ mà còn tìm ra tâm lý của tác giả và quan trọng là tâm lý chung, hệ thống chung trong xã hội của thời đại.

Bên cạnh đó là học thuyết Cấu trúc và ký hiệu của Roland Gérard Barthes (1915-1980). và vào thời kỳ cuối trong đời, ông đã nghiêng về Phân Tích Văn Bản. (1)

Nói như vậy có vẻ mang dao mổ bò đi cắt cổ gà. Thật ra, dù là một cụm chữ cũng có lý do tại sao nó hiện hữu và tồn tại qua năm tháng. Với thời gian và sự đổi thay của trí tuệ và tâm tình qua từng thời đại sẽ làm cho chữ nghĩa trong câu văn năm xưa hoặc xa xưa trở nên ngớ ngẩn, hời hợt hay u tối, có khi vô nghĩa. Vì vậy những phương pháp khoa học về nghệ thuật sẽ giúp việc tìm hiểu gần sát với ý nghĩa ban đầu hoặc giá trị mà tác giả gởi gấm.

Đặc thù của ca dao là văn vần truyền khẩu, truyền văn qua nhiều đời. Sao đi, tán lại. Khiến cho câu văn mất nhiều cơ sở về phân tích. Điều này sẽ làm cho luận lý dễ bị sơ hở.

Đặc tính của ca dao là:

  • Nhắc nhở: Nhắc cho người khác nhớ hoặc dạy cho người đương thời những chuyện cần biết "Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai trồng cà....."
  • Khuyên răn: Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn..."
  • Ghi lại một hoàn cảnh chung, một tâm sự chung, một chuyện không hay thường xảy ra để cảnh giác người sau. " Trèo lên cây bưởi hái hoa. ......Em có chồng anh tiếc lắm thay...(Hay nhất là).. Cá cắn câu biết đâu mà gở. Chim vào lồng biết thuở nào ra..."
  • Còn có nhiều mặt khác nhưng xin tạm dừng vì bài viết không có chủ đích nghiên cứu.
Ca dao diễn đạt bằng cách:
  • Bạch văn: văn chương bình dân, dễ hiểu.
  • Ẩn dụ, biểu tượng.
  • Cách sơn đả ngưu.
Dọn đường một chút để dễ tìm hiểu câu ca dao trên.

1- Con mèo, con chó thuộc về sinh vật. cây tre thuộc về thực vật. Nồi đồng thuộc về đồ vật. Chỉ có nồi đồng là do người tạo ra. Ba thứ kia thuộc về tạo hóa.

Nếu giả thuyết rằng: Câu ca dao này dùng những luận lý xác định: Con mèo phải có lông, Con chó phải có lông, cây tre phải có mắt, nồi đồng phải có quai; để nói đến một điều khác, một cách sống trong đời, một qui lệ xã hội cần phải tuân giữ. Ví dụ như trai lớn phải lấy vợ. gái lớn phải lấy chồng. Như luật trời và người đã định. Như mèo chó có lông. Như tre có mắt. Như nồi có quai. Không nên làm khác.

Giả thuyết này có thể hiểu được vì dân chúng ngày xưa ít học. Không quen suy tư. Trí óc đơn giản. Những câu ca dao dễ hiểu dễ nhớ dễ truyền là cách "học" nhanh và thấm nhất.

2- Giải thích thứ nhất đưa sang câu đố:

Con mèo, con chó có lông

Cây tre có mắt, xương rồng có gai.

Đố là con gì?

Con gì thật ra không cần biết. Ở đây, cụm " xương rồng" thay thế cho cụm "nồi đồng", khiến cho sự suy tư trở về lại văn bản. Câu "ca dao" đố này rất cân phương. Con mèo con chó ở câu trên, cây tre, cây xương rồng ở câu dưới. Cũng cùng một mục tiêu là nhắc nhớ người đời sau phải giữ theo nề nếp hoặc luật trời đất đã định sẵn. Quan điểm ở đây là không có nồi đồng. Không có con người xuất hiện. Qui luật thiên nhiên là chính.

3- Xét văn bản, chữ "nồi đồng" mang ý tứ quan trọng. Bởi con mèo con chó đương nhiên là có lông. Con kia da trơn không phải mèo chó, có thể là trâu bò. Con khác da sần sùi, không phải mèo chó, có thể là cóc là cá sấu. Cây tre có mắt cũng vậy.

Nếu mắt ở đây là mắt thấy. Ẩn ngữ để ám chỉ chuyện đời không thể giấu diếm. Không có gì bí mật dưới ánh sáng mặt trời. Thì cụm chữ " nồi đồng phải có TAI ". Vì văn bản là nồi đồng có quai nên chữ mắt của cây tre không phải ẩn ngữ.

Còn lại: Nồi đồng có quai. Tại sao có quai?

Văn bản có quai, cho biết rằng đã có một thời nồi đồng không có quai. Nồi đất cho tới ngày nay vẫn có nồi không có quai. Nhưng nồi đồng phải có quai vì khi nấu nồi đồng rất nóng. Nóng gấp chục lần nồi đất. Cái quai xuất hiện sau đã giúp cho người nấu tiện lợi bưng cầm, di dời nồi đồng.

Thời xưa, cái nồi giữ vị trí thân thuộc và ích lợi cho gia đình. Nó tạo ra thức ăn, nước uống. Nồi đất hay bể nên nồi đồng được yêu chuộng hơn. Trong nhiều gia đình, nồi đồng trở thành báu vật. Và hợp lý khi có câu ca dao nhắc nhở về nồi đồng.

Chưa kể có những nồi đồng lớn, dùng để nấu cho cả làng ăn trong những ngày lễ hội. Chiếc nồi này được xem như linh hồn của dân làng. Ví dụ như Nồi đồng khổng lồ của dân tộc Thái vùng xứ Thanh (2). Chi tiết này đóng góp vai trò quan trọng của nồi đồng thời chưa văn minh. Trong bài viết Những Câu Chuyện Ly Kỳ Xung Quanh Các Cổ Vật Pù Luông (2), có đoạn nói về quai của nồi đồng:

"Nếu thân nồi bằng đồng có thể giữ nhiệt rất lâu thì hai cái quai không bao giờ nóng, dù nồi có để trên lửa cả ngày, khi cần chỉ việc nhấc nồi xuống bình thường, không cần dùng đến miếng vải đệm tay. Điều đặc biệt này đã được ông Tân xác nhận khi có người lặn lội xe đò vài trăm cây số đến nhà ông chỉ xin mua duy nhất hai cái quai nồi. Chủ nhân của nó dù đã gắn bó đến gần hết cuộc đời cũng không đưa ra được lý giải chính xác về chất liệu hai cái quai khác biệt như thế nào với thân nồi. "

Câu chuyện này lại càng xác nhận lợi ích của đôi quai trên nồi đồng. Vì vậy nếu có ca dao nhắc nhở nên làm quai khi đúc nồi đồng cũng là chuyện bình thường.

Câu ca dao này khuyên răn người đời sau: Nồi đồng phải có quai thì mới như mèo chó có lông, tre có mắt. Nồi đồng phải có quai mới hoàn tất hình hài và cách sử dụng. Câu ca dao này cũng có thể diễn dịch nghĩa bóng trong nhiều hoàn cảnh khác.

Tìm vào tài liệu:

Nếu câu ca dao có gốc Quảng Nam thì xem: Quảng Nam Phủ Tập Ký Sự của Mai Thị do Lê Đăng Hiển sao lục 1824 đời Minh Mạng (Nội dung viết 400 năm cũ). Có ghi việc Ông Bùi Tá Hán, đô tướng Quảng Nam dinh, dạy dân Quảng cách sinh hoạt thường ngày, như: xây nhà ba gian, tám cột... đào giếng...và phải làm nồi đồng, nồi đất có quai ở cổ để nấu nướng tiện việc bưng lên bưng xuống....(3)

Qua những suy diễn thô sơ và gọn nêu trên, có thể đi đến kết luận, cách giải thích thứ 3 là gần gũi nhất với sự phân tích và giải quyết qua văn bản.
 

Ngu Yên


================================

(1) Barthes định nghĩa văn bản như sau: “Văn bản, theo nghĩa hiện đại và hiện tại (…), khác biệt một cách cơ bản với tác phẩm văn học: nó không phải là một sản phẩm thẩm mỹ, nó là một công việc biểu đạt; nó không phải là một cấu trúc [‘structure’], nó là một sự lập thành cấu trúc [‘structuration’]; nó không phải là một đối tượng, nó là một công việc và là một trò chơi; nó không phải là một tập hợp các ký hiệu khép kín, được ban cho một nghĩa mà nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm ra cái nghĩa đó, nó là một khối lượng các dấu vết di chuyển; cấp phán xét dành cho một Văn bản không phải là ý nghĩa, mà là Cái Biểu đạt, theo nghĩa ký hiệu học và tâm phân học của thuật ngữ này; Văn bản vượt trội hơn tác phẩm văn học theo nghĩa cũ;” (tr. 13).

(L’Introduction à l’analyse structurale des récits (1966))

Trích bài viết của tác giả Nguyễn Văn Dân. Nguồn Văn Nghệ số 37, ngày 11-9-2010

(2) http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/nhung-cau-chuyen-ly-ky-
xung-quanh-cac-co-vat-o-pu-luong-139099.bld

(3) Tôi đưọc biết chuyện này và sách này qua một bài báo đã đọc lâu ngày. Không nhớ tác giả là ai và bài viết lưu trử nơi nào. Đành xin cáo lỗi cùng tác giả và bạn đọc. Xin cảm tạ tác giả.

Riêng Quảng Nam Phủ Tập Ký Sự, xin xem:

http://www.baodanang.vn/channel/5433/201010/chuyen-xua-xu-quang-may-net-quang-nam
-xua-qua-tap-sach-cu-2010777/

http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B9i_T%C3%A1_H%C3%A1n

---------------------------------------------------