Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]
Nguyễn Thúc Nhuận / Thúc Tề / Lãng Tử 

Phanxipăng

Nhiều người biết thi sĩ Thúc Tề qua bài thơ Trăng mơ(1)
từng được Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển vào sách Thi nhân Việt Nam
ấn hành năm 1942 rồi từ ấy đến nay tái bản rất nhiều lần. 
Thực tế, Thúc Tề chẳng phải "nhà thơ một bài" như công chúng bấy lâu nay ngộ nhận.
Ngoài ra, đâu phải ai ai hiện cũng hay rằng Thúc Tề
còn là nhà báo nổi tiếng một thời với bút hiệu / bút danh Lãng Tử.
Thúc Tề / Lãng Tử có họ tên đầy đủ là Nguyễn Thúc Nhuận. Thân phụ của ông là Nguyễn Thượng Ý, một nhà nho yêu nước tham gia phong trào Duy Tân và từng chịu tù đày. Thân mẫu của ông là Tôn Nữ Thị Tựu, con gái út của Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết.

Nguyễn Thúc Nhuận là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh chị em. Quê nhà của Nguyễn Thúc Nhuận là làng Sam còn gọi Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thế nhưng, sách Thi nhân Việt Nam ghi nhận ngày ông chào đời là 17 Octobre 1916 tức 17-10-1916, nhiều ấn phẩm khác cũng ghi theo, liệu chính xác chăng ?

Em ruột của Hàn Mạc Tử là Thiện Nam Nguyễn Bá Tín (1915 - 2002) thuở sinh tiền đã nói với tôi:

- Hàn Mạc Tử và Lãng Tử chơi rất thân với nhau. Hàn sinh năm Nhâm Tý 1912. Lẽ nào anh Thúc Nhuận sinh năm Bính Thìn 1916, kém Hàn những 4 tuổi, kém tôi 1 tuổi ? Tôi nhớ rõ hồi ấy, anh Nhuận coi tôi như em. So với Hàn, nếu không lớn hơn thì anh Nhuận cũng xấp xỉ đồng lứa.

Say mê nghề báo, nghiệp văn

Thiếu thời, Nguyễn Thúc Nhuận học sơ học ở Huế rồi vào Bình Định học tiểu học tại Collège de Quinhon (2), sau đó trở về Huế học bậc trung học tại Lycée Khải Định(3). Tháng 12-1999, nhà thơ Huy Cận (1919 - 2005) hồi tưởng: "Lúc tôi vào học trường Quốc Học - Huế (1932) thì anh Thúc Tề đã học trước tôi hai lớp. Tên anh là Thúc Nhuận, anh thường bận áo quần ta, áo dài bằng vải dù đen, cổ quàng một phu la (4) màu xám. Dáng anh đi nhẹ nhàng, nho nhã. Trong Thi nhân Việt Nam có trích bài Trăng mơ của anh mà Hoài Thanh bình có dáng đẹp của Phi Yến. Anh không học hết cấp học thành chung vì anh bị đuổi do một bài báo "phạm thượng" có chạm đến một giáo sư lúc bấy giờ. Rồi anh vào Sài Gòn làm báo, đứng đầu báo Đông Dương, báo Mai, một tờ báo văn học và chính trị, tất nhiên báo không sống được lâu. Anh tiếp tục làm thơ, viết báo, viết văn. Anh có in tập Nợ văn mà sau này một vài nhà xuất bản trong Nam, ngoài Bắc in lại. Đó là một thiên phóng sự về cái đời làm văn cay đắng, nhưng vẫn hào hứng của lớp nhà văn Việt Nam hối đó, cái nghề văn mà một số người cho là "nghiệp chướng". Thiên hướng văn chương ấy đã dẫn Thúc Tề gia nhập phong trào cách mạng cứu nước."(5)

Nhà văn Trần Thanh Địch (1912 - 2007) kể:

- Giai đoạn ở Huế, bọn tôi gồm 3 đứa học trò rất thân nhau vì cùng ôm mộng làm báo, viết văn: Thúc Nhuận, Trọng Miên, Thanh Địch. Bọn tôi cùng tập tễnh sáng tác và ký bút danh chung là Thúc-Trọng-Thanh. Mùa thu năm 1934, Nguyễn Thúc Nhuận và Hoàng Trọng Miên (6) vào Sài Gòn trước. Không nói ra, nhưng trong thâm tâm tôi quá phục hai thằng bạn chịu chơi, dám lao vào cuộc sống bấp bênh mà lý tưởng: làm báo chuyên nghiệp. Chẳng bao lâu, với năng lực xuất sắc của mình, Thúc Nhuận nổi bật giữa làng báo phía Nam với bút danh Thúc Tề và Lãng Tử. Mặt mạnh của Thúc Tề là phóng sự và điểm sách, điểm báo. Anh chàng có giọng văn châm biếm "véo không cười", linh hoạt và sắc sảo lắm. Thuở ấy, nhiều nhà văn, nhà báo có tuổi có tên từ trước cũng phải kiêng nể, đến nỗi đặt vần vè:

Hà Nội có chú Ta Lê (7),
Sài Gòn có cậu Thúc Tề điểm văn.

Do Nguyễn Thúc Nhuận kết thân với Nguyễn Trọng Trí tức Hàn Mạc Tử, nên năm 1935, Hàn bèn "khăn gói quả mướp" rời Bình Định vào Sài Gòn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm báo với Lãng Tử. Lúc bấy giờ, Thúc Nhuận, Trọng Miên, Việt Hồ tức Hồ Viết Tự cùng Hàn Mạc Tử thuê mướn chung căn gác trọ tại số 107 đường Espagne (8). Cuối năm 1936, nhóm nhà báo trẻ này về Huế dự Hội chợ mở trong khuôn viên Viện Dân biểu Trung Kỳ (9). Dịp đó, Thúc Tề giới thiệu để Hàn Mạc Tử và Trần Thanh Địch làm quen nhau.

Khi Hàn Mạc Tử trở về Quy Nhơn, căn gác trọ ở Sài Gòn vẫn là nơi nương náu của Thúc Tề, Trọng Miên, Việt Hồ, thêm Trần Thanh Địch cùng Hoàng Trọng Quỵ tức Thanh Nghị (10). Cả nhóm đều hăm hở, say mê làm báo và sáng tạo văn chương. Giai đoạn này, Lãng Tử gây chú ý cho công chúng qua các phóng sự Phù dung và nhan sắc, Nợ văn, v.v. Có thể xem đó là những trang tự sự chân thành và xúc động về bao hoàn cảnh khá đặc biệt mà tác giả đã lăn lóc nếm trải: hút thuốc phiện, yêu kỹ nữ, cùng nỗi niềm của giới cầm bút.

Một trang nhan sắc tên Bích Đào - gái bao của một điền chủ - đã cung cấp chất liệu thực tế vô cùng sống động cho Thúc Tề / Lãng Tử. Bởi thế, ông không chỉ làm thơ và viết phóng sự, mà còn sáng tác cả truyện ngắn Thanh Lam. Éo le thay, Bích Đào chính là tình nhân lãng mạn của nhà thơ, nhà văn, nhà báo tài hoa này.

Còn chuyện bếp núc nghề báo của bản thân cùng đồng nghiệp với ngồn ngộn chi tiết bi hài, Lãng Tử mạnh dạn phơi bày 9 kỳ liền trên báo Mai năm 1938 chính là "9 chương bút máu" như lời bình của anh ruột nhà văn Trần Thanh Địch là nhà nghiên cứu phê bình Trần Thanh Mại (1911 - 1965). Phóng sự Nợ văn lập tức gây tiếng vang đáng kể nên năm 1941, NXB Tân Việt tập hợp lại để ra sách. Sách ấy, thời gian gần đây liên tiếp được tái bản bởi các NXB Khoa Học Xã Hội (1980), Hội Nhà Văn (2000), Văn Học (2000), Lao Động (2012).

Riêng bài thơ Trăng mơ thì suốt bấy lâu, quá nhiều tuyển "thơ Mới", "thơ tình", "thơ xuân", "thơ Huế", v.v., chọn in. Nhiều người nhầm lẫn khi gọi Thúc Tề là "nhà thơ một bài". Quyển trung Việt Nam thi nhân tiền chiến do Nguyễn Tấn Long biên soạn (NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1972) gom góp được 3 bài thơ của Thúc Tề, bên cạnh Trăng mơ còn Xuân lên đườngEm buồn. Cả 3 bài thơ đều xao xuyến nhắc dòng sông Hương xứ Huế.

Qua mắt Hàn Mạc Tử, Trần Thanh Địch, Nguyễn Bá Tín

Dẫu nổi tiếng một thời nhưng tới nay, tác phẩm lẫn hành trạng của Thúc Tề / Lãng Tử vẫn chưa được hậu thế biết tỏ tường, đầy đủ.

Hàn Mạc Tử từng nhắc Nguyễn Thúc Nhuận / Thúc Tề / Lãng Tử qua nhiều sáng tác. Đó là nhân vật "thằng Nhuận trợn trạc và thẳng thắn" trong phóng sự vui Quan nghị... gật đăng trên giai phẩm Nắng Xuân phát hành tại Quy Nhơn giáp Tết Đinh Sửu 1937. Báo Trong Khuê Phòng 94 phát hành tại Sài Gòn ngày 30-4-1939 đăng bài thơ Lang thang của Hàn mấy lần gọi bạn:

Lãng tử ơi! Mi là tên hành khất
May không chết lạnh trước lầu mỹ nhân (...)
Lãng tử ơi! Mi là tên hành khất
May không hộc máu chết rồi còn đâu 
Trời hỡi! Làm sao cho khỏi đói 
Gió trăng có sẵn làm sao ăn 
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng 

Sau, Hàn đưa bài thơ Lang thang vào thi tập Xuân như ý. Thi tập này còn có bài thơ ngũ ngôn Anh điên được Hàn đề rõ "Tặng Thúc Tề":

Anh nằm ngoài sự thực
Em ngồi trong chiêm bao
Cách nhau xa biết mấy
Nhớ thương quá thì sao 
Anh nuốt phứt hàng chữ
Anh cắn vỡ lời thơ
Anh cắn cắn cắn cắn
Hơi thở đứt làm tư!

Qua các tác phẩm văn thơ đó của Hàn, có thể phần nào suy đoán được rằng cuộc đời Lãng Tử / Thúc Tề dập dồn biến cố, ngổn ngang tâm trạng mà tha nhân chẳng dễ gì thấu hiểu.

Theo một số người từng tiếp xúc với Nguyễn Thúc Nhuận, thì Thúc Tề / Lãng Tử tuy thể hình thấp, vóc dáng gầy, nhưng nhanh nhẹn, thông minh, hoạt bát, và cực kỳ... nghịch ngợm.

Thiện Nam Nguyễn Bá Tín hồi tưởng:

- Trong nhóm bạn cùng làm báo với Hàn ở Sài Gòn thuở trước, anh Nhuận là cây bút "ăn khách", được các toà soạn rất khoái. Anh Nhuận ăn chơi, hút xách dữ dằn lắm lắm. Còn hoang nghịch, anh Nhuận thuộc hạng "đại ca". Có lần, tôi ghé căn gác trên đường Espagne, bắt gặp cảnh Hàn bị anh Nhuận lột sạch áo quần và nhốt trong phòng. Hàn van xin hết lời mới được anh Nhuận phóng thích, đúng lúc... bạn gái tới thăm.

Nhà văn Trần Thanh Địch cười:

- Tinh nghịch và ngang tàng là tính cách của Nguyễn Thúc Nhuận. Cuối năm 1936, cùng nhóm nhà báo trẻ từ Sài Gòn ra Huế dự Hội chợ, Nhuận xuất hiện với gương mặt khác thường: chàng dùng mực xạ Cửu Như vẽ lên phía trên mép bộ ria ngạnh trê, nhìn vừa tiếu lâm, vừa bướng. Hai tên lính lê dương (11) nom gai mắt, bèn quát bằng tiếng Pháp: "Tẩy xoá cái khỉ gió gì kia đi cho tao!". Lập tức, Nhuận nạt lớn cũng bằng tiếng Pháp: "Câm mồm mày lại!". Thấy cả bọn đông quá, lại thêm thái độ Nhuận sẵn sàng ăn thua đủ, hai tên lính thực dân nguýt vội rồi... xéo!

Nổi trôi và bí ẩn

Một số thư tịch ghi nhận: khoảng năm 1938 - 1939, Lãng Tử làm chủ bút tờ Đông Dương, tuần báo ấn hành ở Sài Gòn, do Châu Vĩnh Thanh làm giám đốc. Năm 1940, bán nguyệt san Mai ra đời, chủ nhiệm là Hoàng Minh Tuynh, chủ bút là Lãng Tử. Nên phân biệt bán nguyệt san Mai với báo Mai tồn tại trước đó (1935 - 1939) do Đào Trinh Nhất "cầm chịch" và Lãng Tử từng cộng tác.

Bán nguyệt san Mai chỉ xuất hiện thời gian ngắn rồi đình bản, Nguyễn Thúc Nhuận / Thúc Tề / Lãng Tử thất nghiệp, lang thang về Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho (12), tá túc nơi nhà một vị Mạnh Thường Quân mang tên Năm Liêm. Từ Mỹ Tho, Lãng Tử gửi bài lên Sài Gòn đăng báo, trong đó có các tờ Người Mới và Trong Khuê Phòng do nhóm bạn bè Thanh Nghị, Trọng Miên, Thanh Địch thực hiện. Qua tờ Người Mới, Lãng Tử vô cùng xót xa biết Hàn Mạc Tử sớm lìa trần vào ngày 11-11-1940 tại Bệnh viện Quy Hoà, Bình Định.

Đầu năm 1941, Nguyễn Thúc Nhuận / Thúc Tề / Lãng Tử quay về Huế, tiếp tục sáng tác thơ văn và viết báo. Tháng 8 năm ấy, phóng sự Nợ văn của ông được NXB Tân Việt in thành sách. Thời gian nọ, cuộc sống Lãng Tử rất ư... lãng tử, khi thì ở với gia đình, lúc lại ăn ngủ nhà bằng hữu, đặc biệt có nhiều ngày thuê chiếc đò để sống bồng bềnh trên mặt nước sông Hương. Bản thảo do ông viết giai đoạn này, liệu còn ai đấy bảo lưu ?

Tại Huế, năm 1944, dưới chân núi Ngự có cái quán mang tên Hương Bình. Ấy là nơi Thuần Hoa trú ngụ và bí mật hoạt động trong phong trào Việt Minh. Thuần Hoa chính là em gái của Nguyễn Thúc Nhuận. Đây là những dòng mà Thuần Hoa ghi chép tại Hà Nội vào tháng 7-2000 về anh trai Thúc Tề / Lãng Tử: "Cách mạng tháng 8-1945 thành công, anh tham gia Hội Văn hoá cứu quốc và Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thừa Thiên. Tháng 6-1946, hai anh em gặp nhau ở quán Hương Bình, tạm biệt để tôi ra Hà Nội. Cũng không ngờ đó là lần gặp cuối cùng!"

Quân đội Pháp tái chiếm Huế. Lực lượng nhà báo và văn nghệ sĩ hoạt động trong Đoàn Văn nghệ kháng chiến tại đia phương (do Tố Hữu trực tiếp phụ trách) nhận lệnh sơ tán. Trần Thanh Địch nhớ lại:

- Chiều nọ, tôi gặp Nhuận đầu cầu Trường Tiền, trước khách sạn Morin. Tôi hỏi khẽ: "Bọn mình sắp ra khu 4. Cậu thế nào ?" . Nhuận buồn bã: "Mình định vài ngày nữa sẽ ra Quảng Trị thăm mẹ và cô em gái đang ở ngoài đó. Ờ... Rồi cũng ra khu 4 thôi!". Hai đứa bắt tay. Tôi không quên nổi bàn tay bạn mình hôm đó: nhỏ và lạnh cóng. Dè đâu đó là cái bắt tay định mệnh. Hai đứa vĩnh viễn chẳng còn gặp nhau!

Nguyễn Thúc Nhuận / Lãng Tử / Thúc Tề mất lúc nào, ở đâu, vì sao ? Trên tuần báo Văn Nghệ ra ngày 21-8-1999, Văn Chinh viết: "Đó là một cái chết được coi là bí ẩn!"

Năm 1948, thực dân Pháp chiếm trọn thành Huế. Ở miền Bắc, gia đình của Nguyễn Thúc Nhuận tìm mọi cách liên lạc khắp nơi nhằm dò tìm tin tức Nguyễn Thúc Nhuận đều không nhận được hồi âm chính xác. Bạn bè còn ở Huế lúc bấy giờ phỏng định: Thúc Tề hoặc lên chiến khu trên ngàn xanh hoặc trở lại Sài Gòn đô hội. Nhưng cả hai nơi này, chẳng ai thấy chàng cả! Lãng Tử mất tích ư ? Hay phiêu bạt tới vùng đất khác xa xôi ?

Sau năm 1954, gặp bà con từ miền Nam tập kết ra miền Bắc, gia đình của Nguyễn Thúc Nhuận càng thêm xót xa bởi những câu hỏi trên chẳng có lời đáp khả tín. Một số người phân vân, ngậm ngùi:

- Những ngày vỡ mặt trận Huế cuối năm 1946, chao ôi, người chết và người bị thương la liệt đầy đường, khắp nơi hỗn loạn! Trong hoàn cảnh đó, nào biết số phận Thúc Tề / Lãng Tử ra sao ?

May thay, tư liệu tổng kết Những chặng đường lịch sử của công an Thừa Thiên - Huế (1945 - 1954) được công bố vào năm 1990, có đoạn xác nhận: Nguyễn Thúc Nhuận tức nhà thơ Thúc Tề cũng là nhà báo Lãng Tử trên đường đi công tác đã bị giặc Pháp bắt, thủ tiêu, đoạn vứt xác gần ga Truồi thuộc huyện Phú Lộc vào tháng 12-1946. Trên cơ sở tư liệu này, Nhà nước đã truy phong danh hiệu liệt sĩ cho Nguyễn Thúc Nhuận vào năm 1996. Cũng năm 1996, Hội Nhà báo Việt Nam truy tặng huy chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam" cho nhà báo Lãng Tử.

Từ điển lịch sử Thừa Thiên - Huế của nhiều soạn giả (NXB Thuận Hoá, Huế, 2000) ghi chép tiểu sử Nguyễn Thúc Nhuận: "Cách mạng tháng 8-1945 thành công, ông hăng hái thực hiện các nhiệm vụ do cách mạng giao phó. Bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng ông không đầu hàng. Ông hy sinh năm 1946. (...) Từ một nhà thơ, nhà báo yêu nước, Nguyễn Thúc Nhuận trở thành liệt sĩ cách mạng."

Tại địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, một con đường đã được đặt tên Nguyễn Thúc Nhuận.

 

Song le, như đã nêu, cuộc đời và sự nghiệp của Lãng Tử / Thúc Tề / Nguyễn Thúc Nhuận còn không ít vấn đề mà hậu thế mong muốn tìm hiểu kỹ hơn, đúng hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn. Chẳng hạn ngày sinh và ngày chết của ông, chính xác là những nhật điểm nào ? Đã định vị địa điểm chôn thi hài ông chưa ? Đến bao giờ thì tác phẩm gồm nhiều thể loại của ông được sưu tầm tương đối trọn vẹn nhằm xuất bản tuyển tập và toàn tập ?

(1) - Bài thơ Trăng mơ của Thúc Tề đăng lần đầu trên Hà Nội báo năm 1938, gồm 4 khổ, đây là khổ đầu:
Một đêm mờ lạnh ánh gương phai,
Suốt giải sông Hương nước thở dài.
Xào xạc sông buồn khua bãi sậy,
Bập bềnh bên mạn chiếc thuyền ai.
(2) - Collège de Quinhon còn gọi tiếng Việt là Cao đẳng tiểu học Quy Nhơn, được thành lập năm 1921, khởi thuỷ gồm tiểu và trung học. Giai đoạn 1955 - 1977, đổi tên là trường Trung học Cường Để. Từ 1991 đến nay mang tên trường Trung học phổ thông Quốc Học - Quy Nhơn.
(3) - Trường Quốc Học ở Huế được thành lập năm 1896. Giai đoạn 1936 - 1954, đổi tên là Lycée Khải Định.
(4) - Phiên âm danh từ tiếng Pháp foulard mang nghĩa khăn quàng, khăn trùm.
(5) - Trích phụ lục trong sách Nợ văn của Thúc Tề do NXB Văn Học, Hà Nội, tái bản năm 2000.
(6) - Hoàng Trọng Miên (1918 - 1981) còn ký bút danh phụ Hoàng Thu Đông, là tác giả các sách: Thâm cung bí sử (Tiểu thuyết, 1936), Đệ nhất phu nhân (Tiểu thuyết, đăng dài ký trên báo Quyết Tiến giai đoạn 1967 - 1968, in thành sách lần đầu bởi NXB Cửu Long năm 1988), Việt Nam văn học toàn thư (Tập I: 1959, Tập II: 1970, Tập III: 1973), v.v.
(7) - Ta Lê / Lê Ta là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch Thế Lữ (1907 - 1989).
(8) - Espagne, tiếng Pháp, có nghĩa Tây Ban Nha. Rue d'Espagne nay là đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM.
(9) - Nay là Văn phòng Đại học Huế, địa chỉ 3 Lê Lợi, TP. Huế.
(10) - Là anh ruột của Hoàng Trọng Miên, Hoàng Trọng Quỵ (1917 - 1988) có bút danh Thanh Nghị, chuyên biên soạn và ấn hành nhiều bộ từ điển.
(11) - Lê dương, tiếng Pháp gọi légion étrangère, gồm binh sĩ là những người nước ngoài chiến đấu cho nước Pháp.
(12) - Nay là tỉnh Tiền Giang.
Đã đăng các tạp chí:
Thế Giới Mới 414 (18-6-2001)
Tài Hoa Trẻ 827 (20-2-2013)
Kiến Thức Ngày Nay 847 (20-2-2014)

Di ảnh Nguyễn Thúc Nhuận / Thúc Tề / Lãng Tử

Phóng sự Nợ văn của Lãng Tử (NXB Tân Việt, Hà Nội, 1941)

Nghệ sĩ ưu tú Thu Hằng ngâm bài thơ Trăng mơ của Thúc Tề 
trong đêm giới thiệu tác phẩm Nợ văn tại Huế (4-6-2012)