[ Trở Về  ]       [ Tác giả  ]   

Laiquangnam giới thiệu kẻ sĩ Nguyễn Du 
qua vài bài thơ chữ Hán của tiên sinh 
 
Chân dung kẻ sĩ Nguyễn Du 
loạt bài này để tỏ lòng
"Thương yêu và tin tưởng và kính phục thế hệ người Việt 1.5" , lqn

-o0o0o-

Đại Nam chính biên liệt truyện ghi:

1-"Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tỏ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến sợ hãi như không nói được. Vua thường bảo rằng: "Nhà nước dùng người, chỉ cần người hiền, vốn không phân biệt nam bắc, ngươi cùng với Ngô Vị đã được đãi hậu, làm quan đến á khanh, nên biết thì phải nói, há nên do dự rụt rè chỉ cốt dạ vâng làm gì".

2-"Đến khi bệnh kịch, không chịu uống thuốc, sai người nhà mở duỗi chân tay, nói đã lạnh cả, Du bảo rằng "tốt", nói xong thì chết, không nói một câu nào đến việc sau khi chết".

-o0o0o-
Bài 01

Chân dung kẻ sĩ Nguyễn Du Qua bài "Thái Bình mại ca giả"

Phần thứ hai

Giá trị lớn nhất của bài "Thái Bình mại ca giả" này là lời dạy của tiền nhân. "Đừng vội tin, hãy mở to mắt để thấy trước đã, thấy rồi hãy tin!." Niềm an ủi duy nhất của Nguyễn Du là ông không chứng kiến cảnh ô nhục nước mất nhà tan như các thế hệ sau ông năm mươi năm sau và mãi tận sau này. Sau khi ông mất, các vì vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cho dù cố đưa người đến tận vét đi vét lại cho kỳ hết số sách vở và trước tác của ông tại nhà sau khi ông qua đời, chiếm đoạt được các trang thơ nhật ký này, họ cũng không sao hiểu được những gì Nguyễn Du than thở và cảnh giác con cháu mình trong các bài thơ thuộc tập Bắc Hành Tạp Lục ấy. Có lẽ ngoài tài chẻ chữ Tàu mài ra và đốt uống, Thiệu Trị, Tự Đức chẳng mấy am hiểu ý câu thơ sâu xa của tiền nhân, một câu thôi của bài "Thái Bình mại ca giả" này, nói gì đến 131 bài trong tập này. Rằng đừng nghe người ta " nổ " về một đất nước Trung Hoa cực kỳ no ấm tốt đẹp nữa, hãy đọc thơ tôi để nhìn tận mắt sự thật về đất nước và con người Trung hoa trước đã, rước của nợ để rồi chết cả đám! Quả nhiên sau này vì mê chữ Hán, và lậm liều thuốc độc bọc đường này, qua thứ chữ hình tượng này, Thiệu Trị và Tự Đức bỏ bê việc triều chính, mãi lo đẽo chữ, họa thơ, đất nước ta lâm vào vòng nô lệ mới.

Là người cầm đầu phái bộ gồm 27 người đi sang Trung Quốc vào đầu thế kỷ thứ 19, trước khi Nguyễn Du ra đi, hẳn Gia Long và đám thuộc hạ gồm những người hoạch định chính sách quốc gia cùng ngồi bàn tiệc tiễn đưa bàn cách "giữ lễ" nhưng không được phép tỏ ra hèn nhục. Ai là người cầm tay "chỉ đạo" cho ông 5 Chữ Vàng "Trung hoa Tận ôn bảo " và có lẽ "hắn" đã cho ông xem tập Sứ Yên thi tập, một tập thơ ghi lại những ngày hạnh phúc tại đất nước này như hắn(1808-09)?. Hắn chắn chắn là người đã từng hưởng ơn mua móc của Thanh triều và đã từng ngày đêm tổ chức cuộc tiếp đón đại quân của nhà Thanh kéo vào nước ta với lòng hớn hở. Hắn là ai và hắn đã giữ chức gì trong tân triều Gia Long? Sử sách còn dấu vết không? Dễ gì một người hậu duệ của người anh hùng Nguyễn Bật năm xưa lại cam tâm là "múa lưỡi " để tiếng xấu lại muôn đời cho con cháu mình, như Đặng Dung trong bài Cảm Hoài năm xưa đã rủa những ai làm tay sai cho giặc gây tội ác với đồng bào mình, "tẩy binh vô lối kéo Ngân hà ". Nước sông Ngân đâu có đủ để rửa sạch được vết nhơ của đội quân Hán và bọn tay sai đã gây muôn ngàn khổ đau cho dân tộc này. Ngày nào dân tộc này còn ngước nhìn lên trời, còn nhìn thấy sông Ngân trắng xóa vắt ngang trời mỗi vào tháng 7 âm lịch mưa Ngâu, là ngày ấy tên tuổi họ còn bị nguyền rủa dài dài. Lịch sử là lịch sử, công tội phân minh. Là chứng nhân lịch sử trong đoạn nhiễu nhương nhất của dân tộc mình, Nguyễn Du hé cho ta thấy một phần nào tâm tư của một kẻ sĩ Bắc Hà.

Chạnh lòng chuyện cũ mồxanh (=mộ phần của tổ tiên ), Chớm thu sương tóc trắng nhanh mái đầu. Tiếng ConNhà, vất vả sâu, Dẫu thân không bệnh, lưng đau khom, vòng!.

http://chimviet.free.fr/vanhoc/laiquangnam/lqnt068a_nguyendu_thuchi.htm.

Trong số các bài ấy có 4 bài đáng đọc nhất cho dù bạn hiền lười biếng hay bận rộn tới đâu chăng nữa, đó là các bài Long thành cầm giả ca, "Thái Bình mại ca giả", Sở kiến hành, và bài Phản chiêu hồn .
 
 

Nay xin trở lại bài "Thái Bình mại ca giả" ..

I- Nguyên tác & phiên âm.

Ia-Nguyên tác

1. 太平瞽師粗布衣
2. 小兒牽挽行江湄
3. 云是城外老乞子
4. 賣歌乞錢供晨炊

5. 鄰舟時有好音者
6. 牽手引上船窗下
7. 此時船中暗無燈
8. 棄飯潑水殊狼藉

9. 摸索引身向坐隅
10. 再三舉手稱多謝
11. 手挽弦索口作聲
12. 且彈且歌無暫停

13. 聲音殊異不得辨
14. 但覺嘹喨殊可聽
15. 舟子寫字為余道
16. 此曲世民與建成

17. 觀者十數並無語
18. 但見江風蕭蕭江月明
19. 口噴白沫手酸縮
20. 卻坐斂弦告終曲

21. 殫盡心力幾一更
22. 所得銅錢僅五六
23. 小兒引得下船來
24. 猶且回顧禱多福

25. 我乍見之悲且辛
26. 凡人愿死不愿貧
27. 只道中華盡溫飽
28. 中華亦有如此人

29. 君不見 使船朝來供頓例
30. 一船一船盈肉米
31. 行人飽食便棄餘
32. 殘肴泠飯沉江底

Ib-Phiên âm

1. Thái Bình cổ sư thô bố y
2. Tiểu nhi khiên vãn hành giang mi
3. Vân thị thành ngoại lão khất tử
4. Mại ca khất tiền cung thần xuy

5. Lân chu thời hữu hiếu âm giả
6. Khiên thủ dẫn thướng thuyền song hạ
7. Thử thời thuyền trung ám vô đăng
8. Khí phạn bát thủy thù lang tạ

9. Mô sách dẫn thân hướng tọa ngung
10. Tái tam cử thủ xưng đa tạ
11. Thủ vãn huyền sách khẩu tác thanh
12. Thả đàn thả ca vô tạm đình

13. Thanh âm thù dị bất đắc biện
14. Ðãn giác liêu lượng thù khả thính
15. Chu tử tả tự vị dư đạo
16. Thử khúc Thế Dân dữ Kiến Thành

17. Quan giả thập số tịnh vô ngữ
18. Ðãn kiến giang phong tiêu tiêu giang nguyệt minh
19. Khẩu phún bạch mạt, thủ toan súc
20. Khước tọa, liễm huyền, cáo chung khúc

21. Ðàn tận tâm lực cơ nhất canh
22. Sở đắc đồng tiền cận ngũ lục
23. Tiểu nhi dẫn đắc há thuyền lai
24. Do thả hồi cố đảo đa phúc

25. Ngã sạ kiến chi, bi thả tân
26. Phàm nhân nguyện tử bất nguyện bần
27. Chỉ đạo Trung Hoa tận ôn bão
28. Trung Hoa diệc hữu như thử nhân

29. Quân bất kiến, Sứ thuyền triêu lai cung đốn lệ
30. Nhất thuyền, nhất thuyền doanh nhục mễ
31. Hành nhân bão thực tiện khí dư
32. Tàn hào lãnh phạn trầm giang để.

II-Tạm dịch nghĩa

Thành thật khai báo :

Do chữ nghĩa, cách hành văn, sự mô tả tỉ mỉ, bố cục quá khéo, thú thật cho dù cố gắng lắm mình cũng chỉ làm được chừng này. Biết đến đâu thưa thốt đến đó Tin rằng các bạn thuộc thế hệ 1,5 sẽ tiếp sức. Và tin rằng các bạn sẽ làm tốt hơn chúng tôi nhiều . Cám ơn và thương yêu các bạn.

1-Thành Thái Bình (Bên Tàu) có người mù tài hoa bậc thầy nhưng lại mặc áo vải bố thô ráp (*bố là thứ vải gai, dùng may quần cho người nghèo khó, mặc vào rất xót, có khi ngứa nữa, (* người già mù mà da dẻ nhăn nheo, mặc ba thứ này là một cực hình, mỗi lần giặt lại phải dùng nhiều sức, tay phải mạnh mới vắt nổi, rất lâu khô, tự mưu sinh, xã hội bất nhân, Nguyễn Du + một lần thương cảm) 2-Đứa trẻ dẫn đi dọc mé sông 3-Thì ra đó là ông già ăn xin ở ngoại thành.(* người già mù mà phải tự mưu sinh, xã hội bất nhân, Nguyễn Du + hai lần thương cảm) 4-Ông bán tiếng hát (mại ca) của mình xin tiền mà cung phụng cho cái bếp, nó được đốt lên vào buổi mờ mờ sáng ( *thần, tức là thời điểm vào lúc gà gáy, điều này cho thấy họ dậy rất sớm, ăn ba miếng rồi lội bộ từ ngoại thành lên thành phố). (Nguyễn Du +3 lần thương cảm, già cả cộng mù lòa mà còn phải sáng lo dậy từ sớm bửng, lộm cộm thổi lò nấu nướng. Ai đã từng ở miền trung quê tôi, trời tối thui, ẩm ướt, mưa thúi đất mà phải dùng ống tre làm ống thổi lửa, tro bay mù mịt mới nhận ra nỗi khổ, ngày nay bật một cái ga ào ào nói làm gì.

5- Thuyền bên kia có người thích nghe đàn hát. 6-Cầm tay ông lão bé dẫn lên thuyền, về mé phía dưới cánh cửa sổ (vị trí họ sẽ ngồi đàn hát ),7-Lúc này trong khoang thuyền tối om lại không có đèn (*có lẽ vào thời điểm nhá nhem, chạng vạng, trong bối cảnh này có thể mường tượng ông thầy mù từ sáng sớm tới chiều tối chưa ăn uống gì chăng? hay nếu đã ăn thì hẳn là hai ông cháu ăn bậy bạ cái gì đó, bởi câu 1 cho thấy bữa ăn chính của ông là lúc sáng rất sớm, họ đã đi bộ rão rão suốt ngày, 8-Cơm thừa canh cặn đổ ra rất là bừa bãi. (* cho thấy thái độ và cung cách ăn uống của thực khách "nước lạ", bạn lạ gì một bàn nhậu nhiều "người lạ" ăn uống, họ rất bầy hầy trên bàn ăn, lý ra người hát rong đợi người nhà thuyền dọn chỗ sạch sẽ rồi thì mới hát hò; không biết với người chưa có hột cơm trong bụng từ sáng đến giờ trước cái bàn thừa thải thức ngon có khiến cho họ buồn lòng và tiếc rẻ chăng, hát hò trong bối cảnh mùi cơm thừa canh cặn này, hẳn không dễ chịu chút nào rồi, Nguyễn Du +bốn lần thương cảm, ác thiệt! Sao người của nhà thuyền hay kẻ ăn nhậu kia không xúm vô dọn lối đi cho ông lão mù lòa, sàn thuyền đánh bóng rất dễ vấp, trợt té .)

9- Ông mù mò mẫm tìm được chổ ngồi trong một góc.10-Đôi ba lần ông giơ tay chào cám ơn. (bậc thầy có khác, vui vẻ & lịch sự) 11-Tay so dây dây đàn, miệng cất tiếng hát. 12 Vừa đàn vừa ca không chút ngơi nghỉ.

13- Tiếng "người lạ " (*người lạ = người Tàu, người không cùng nòi giống với mình; thù dị=khác hẳn) mình không làm sao hiểu được. 14-như thể có tiếng sắc lạnh lanh lãnh (liêu lượng), tiếng kêu la trong một cuộc chém giết, có thể nghe ra. 15-Nhà thuyền thảo vội vài chữ bảo rằng, 16-Khúc hát này nói về Thế Dân và Kiến Thành.

17- Khoảng mươi người nghe đều im lặng không nói lời nào 18-Chỉ thấy gió vi vu trên dòng sông đầy ánh sáng trăng (Nguyễn Du lơ đãng nhìn ra sông, dấu cảm xúc) 19- Miệng phun bọt trắng xóa, tay xịu lơ, tay giở lên không nổi (Nguyễn Du + lần thương cảm thứ năm )

20- Ông không còn ngồi nữa (*20a, khước tọa =có nghĩa là khom người đứng dậy) đi gom gọn đàn lại, rồi nói lời cáo từ rằng khúc hát đã hết.

21- Dốc tận sức lực ra đàn hát ước chừng một trống canh 22- Vậy mà được chưa tới năm sáu đồng bạc (* ý mỉa mai, bọn nhà giàu keo kiệt), (Nguyễn Du + thương cảm thứ sáu. Tiền ít quá, không tương xứng với sức lao động của ông già mù. Cuộc mua bán không tương thích.)

23- Đứa bé dẫn ông xuống thuyền (có nghĩa là rời ra khỏi thuyền, bởi tại câu 6 ông bước lên để vào thuyền (*có lẽ lên xuống thuyến ông cháu họ phải qua một cái thang nhỏ hay bước qua một tấm ván như ta thường thấy ở bến sông). 24- Ông còn quay đầu lại chúc họ nhiều điều phúc lành nữa (*với ông thế là tạm đủ? Nhưng với Nguyễn Du thì thấy không đủ, không tương xứng với công đàn hát được mô tả tại các câu 13 dến câu 21, nhất là hai câu 19&21 được viết khá kỹ).

25-Chợt thấy cảnh đấy ta cảm thấy chua xót tận cùng (*một lần nữa ta thấy tấm lòng của người thi nhân Việt, bài Sở kiến hành, rồi bài này . 26-Phàm con người ta ước mình được chết đi hơn là ước mình được sống trong cảnh nghèo hèn . 27- Nghe dạy (chỉ đạo, 27a mỉa ,người chỉ đạo cho ông trong chuyến đi này là ai vậy?) rằng ở Trung Hoa mọi người đều được hết sức ấm no (tận ôn bão = hàm nghĩa rất hạnh phúc), 28 -Trung Hoa cũng có người như thế này đây. (nói có sách mách có chứng, cụ thể, Nguyễn Du đã qua 6 lần thương cảm ).

29- Anh không thấy theo thông lệ mỗi sáng sớm thuyền của các đoàn sứ giả lại đến đây để tìm nguồn hàng cung cấp bổ sung cho bữa ăn sao. 30- Từng thuyền, từng thuyền giỏ chứa đầy thịt gạo. 31-Hành nhân ( người trong các đoàn sứ giả) ăn no, thừa thì vứt đi. 32- Đồ nhấm (mồi, thức ăn) thừa, cơm nguội đổ chìm xuống sông. (mỉaTrung Hoa, "thấy chưa!, như thế mới gọi là no đủ. Được ăn ngon, ăn dư, cơm nguội (không thèm hấp lại) mà đem đổ bỏ xuống sông.)

III- Đàng sau dòng chữ nghĩa bài thơ "Thái Bình mại ca giả" .

Ai "chỉ đạo"& "ban" cho Nguyễn Du "5 chữ vàng",
Trung Hoa tận ôn bão"?, Trung hoa ấm no cực kỳ!.

IIIa - Chân dung kẻ chỉ đạo.

Phải là một người mơ ước đón quân Tàu qua xứ ta với lòng hân hoan, kẻ đó đã từng được sang Tàu và được người Tàu xem họ là một hạt nhân gầy dựng chính sách quốc gia sau này, và Tàu đã dành cho họ hưởng nhiều lạc thú khi họ làm vai trò là một chánh khách Việt trên đất Tàu thì may ra. Có thật không?.

Xin thưa, trong dòng chính sử có ghi rành rành; Kẻ đó không ai xa lạ, đó là người ngày đêm nằm đợi sẵn tại biên giới Đại Việt để đón đoàn quân xâm lược của Tôn Sĩ Nghị tiến về kinh thành Thăng Long mở màn cho đợt xâm lược sau gần năm trăm năm vắng bóng quân Tàu trên đất nước ta (1428-1878). Chính kẻ đó được Lê Chiêu Thống, nhân danh vua nhà Hậu Lê (nhà cầm quyền hợp pháp của Đại Việt năm xưa) cử ra liên lạc với Tôn Sĩ Nghị trong suốt thời gian nước ta bị giặc Tàu chiếm đóng. Tên hắn là gì?. Xin thưa hắn tên là Vũ Trinh. Nguyễn Du thua Hắn 7 tuổi. Hắn học giỏi vì nhờ cha hắn đã từng là một đại quan. Năm 17 tuổi, hắn đã đậu Hương Tiến và đã từng làm quan dưới triều Lê Chiêu Thống. Chính hắn và cha hắn đã khuyên Lê Chiêu Thống nên tin tưởng tuyệt đối vào Nguyễn Hữu Chỉnh nhằm cũng cố địa vị. Không lâu sau Nguyễn Hữu Chỉnh bị Tây Sơn giết. Lê Chiêu Thống chạy. Vũ Trinh và cha hắn tên là Thiều bán tài sản giúp Lê Chiêu Thống sống qua ngày. Chính Cha con hắn đã bày khôn dại cho Lê chiêu Thống, bởi lúc này Lê Chiêu Thống chỉ mới ngoài hai mươi, rằng ngay lập tức sai bọn Lê Quýnh sang nhà Thanh cầu quân viện; Vũ Trinh ngày đêm nằm tại núi Huyền Vũ mong chờ đại quân Thanh kéo sang ta. Khi quân của Tôn Sĩ Nghị đến Đại Việt, các văn võ cựu thần nhà Lê đều tránh mặt, không một ai chịu ra giúp kẻ thù truyền kiếp của dân tộc này. Họ sợ tiếng xấu mà muôn đời sau, con cháu họ không sao ngóc đầu lên nổi, không có trong dòng chính sử thì trong ca dao truyền khẩu, miệng lưỡi thế gian dễ gì né được. Lê Chiêu Thống mắc cở với Tôn Sĩ Nghị bởi trước sau chỉ thấy có mỗi một mình Vũ Trinh ra đón Hắn và làm lễ khao quân Thanh tại tuyến đầu này. Tôn Sĩ Nghị ngạc nhiên về lòng dân với nhà Hậu Lê khác với những gì mà Lê Quýnh khoác lác khi xin quân viện từ Càn Long. Tôn.Sĩ Nghị hỏi hắn về tình hình đất nước ta, Vũ Trinh thưa báo rất rành mạch, lại chỉ đường đi nước bước, cách hành sự, tự nguyện làm điểm chỉ viên và cuối cùng dẫn dắt quân Thanh đi tìm những người nho sĩ có thể chống quân Tàu sau này. Tôn Sĩ Nghị tấm tắc khen rằng Hắn là người ăn nói rất rành mạch. Lê Chiêu Thống hớn hở và liền cử Hắn làm Tham Tri lo việc chính sự giữa triều đình ông vói Tôn Sĩ Nghị. Quân Thanh làm nhiều điều càn dở tại Kinh thành Thăng Long. Phụ nữ Việt không dám ra đường. Hoàng Lê Nhất Thống Chí viết: "Tuy vua Lê đã được phong Vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi, đều dùng niên hiệu Càn Long. Vì có Nghị ở đấy nên không dám dùng niên hiệu Chiêu Thống. Ngày ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị để nghe truyền việc quân, việc nước. Vua cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ chỉ vài chục người. Người trong kinh có kẻ không biết là vua. Hoặc có người biết, thì họ nói riêng với nhau rằng: Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc?". Ô nhục. Trách nhiệm của Hắn? Tại sao Hắn đã để nỗi ô nhục này xảy ra trên chính kinh thành Thăng Long?. Chừng đâu được vài tháng, người con yêu của đất Bình Định tên là Nguyễn Huệ giận căm gan tức tốc kéo quân ra Bắc dần quân Thanh một trận ra trò. Lê Chiêu Thống ôm chân Tôn sĩ Nghị chạy theo. Đến năm 1792 thì Chiêu Thống mất tại Tàu lúc này mới tròn 28 tuổi. Vũ Trinh trốn biệt. Giá như vua Quang Trung nhà mình đừng vì bận việc quân mà cho lệnh tróc nã bắt kẻ bẩn thỉu này thì quốc gia này đở được một tên Việt Gian làm thầy dùi cho chính sách đội Hán lên đầu về sau này của một tân triều.

Năm Nhâm Tuất, 1802, Gia Long thắng trận, cử đệ nhất công thần của mình là tướng tiền quân Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành. Vũ Trinh tự nguyện bò ra xin làm quan. Y được nhận ngay chức Thị trung học sĩ làm việc tại triều. Nguyễn Văn Thành chọn Hắn làm thầy dạy cho trai mình là Nguyễn Văn Thuyên. Năm 1809, Hắn được cử làm chánh sứ sang Yên Kinh (Bắc Kinh) dâng lễ cống và mừng thọ vua Thanh. Lúc này Càn long đã ban cho quốc hiệu với cái tên Việt nam, 1804. Việc đã rõ, Gia Long chỉ mơ được làm vua nước nhỏ Việt Nam nên lấy việc đội Hán và thờ Hán là "chuyện thường ngày của huyện". Gia Long chưa từng làm vua nước lớn Đại Việt (nước Việt lớn) vinh quang bao giờ. Trên đường đi sứ, lòng hớn hở, Hắn viết quyển "Sứ Yên thi tập" (Tập thơ đi sứ Yên Kinh, có lẽ không ngoài ngợi ca 5 chữ vàng mà hắn là người tiền nhiệm "chỉ đạo" cho Nguyễn Du ở trên. Trở về nước, Hắn được Gia Long phân công cùng với Tổng trấn Bắc Thành là Nguyễn Văn Thành gấp rút soạn bộ luật Gia Long (tức Hoàng Việt luật lệ). Hắn được thăng Hữu tham tri bộ Hình, 1813. Năm 1815 bộ luật này với "công trình "copy paste" này (chép 388/389 điều) từ bộ luật của Thanh triều hoàn tất; Gia Long chấp thuận. Một bước lùi trong lịch sử dân tộc ta. Các quyền căn bản nhằm bảo vệ cho những ai dễ bị tổn thương được soạn ra với gần 400 điều độc đáo trong hơn 700 điều của nước Đại Việt ta được soạn ra từ thời Lê Lợi, Nguyễn Trãi kéo dài mãi đến tận đến đời Lê Thánh Tông và về sau này, nhằm bảo vệ cho người phụ nữ, cho người bị tàn tật, quyền được bảo vệ của trẻ em, quyền được bảo vệ của người già, quyền được bảo vệ của trẻ vị thành niên trong bộ luật Hồng Đức đều bị bãi bỏ. Xấu hổ! và rất đáng lên án cho những ai dựng luật cho quốc gia mà chỉ biết có mỗi "copy và paste".

Năm 1816, khi đã thấy vững ngai vàng, đã có luật Thanh trong tay, Gia Long đặng chim bẻ ná, tránh kẻ thù tiềm ẩn cho con cháu mình, Gia Long tìm mọi cách giết cho bằng được đệ nhất công thần Nguyễn Văn Thành. Qua bài thơ chữ Hán của con ông Thành mà Vũ Trinh là thầy dạy, cha con Thành-Thuyên bị kết án tử hình. Hắn bị lột chức và bị đày vào Quảng Nam. Tại đây một phụ nữ Quảng Nam vô phước vì không biết nguồn gốc Hắn đã chịu làm vợ hắn, khiến quê ngoại bà bị xấu lây. Có lẽ tập "Sứ Yên thi tập" mà hắn đem theo vào cuối đời đã bị một người Quảng Nam nào đó xé bỏ"?". Ba thứ ruồi bu này để chi cho chật nhà!.

Bạn thấy đó, chân dung của kẻ đội Hán lên đầu như thế đó?, cho dù là hắn đã có lần tìm đến và xưng mình là anh rễ của Nguyễn Du mà Nguyễn Du không biết đấy thôi. Cha mình có nhiều vợ quá làm sao mà biết mặt cho hết, Nguyễn Du làm thinh với ông anh rễ bất đắc dĩ này. Anh ruột ông, anh rễ ông là những quan đại thần theo phò Tây Sơn cùng thời với học trò "Ông Già" là La San Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), người nhận giúp vị tướng trẻ có tấm lòng với dân tôc là danh tướng Nguyễn Huệ.

Làm sao mà Nguyễn Du nhìn mặt, tâm tình nói chuyện cho được với một Việt Gian. Hai khí phách khác nhau, cho dù về lãnh vực bằng cấp Nguyễn Du chỉ có cái tú tài lận lưng thua kém cái bằng cử nhân Hương Tiến của hắn khá xa. Không sao, bằng cấp là một chuyện, thi cử là một chuyện khác, hơn thua nhau là sức tự học, sức đọc và phương pháp làm việc kia mà. Nguyễn Du qua con đường tự học đã trở thành một bậc thầy vĩ đại trong nền văn chương Việt, trong khi muôn đời hắn chỉ là tác giả của vài ba tác phẩm chữ Hán vớ vẩn. Nguyễn Du chỉ không thèm nói mà thôi, ở đó mà cầm tay "Chỉ đạo" " Trung Hoa tận ôn bão". Thật nực cười!.

Nguyễn Du về sau biết rất rõ Gia Long sau khi Ông làm việc tại triều đình Huế. Người hết rước giặc Thái là quay sang rước giặc Tây, cứ như xoành xoạch. Đa phần tướng lãnh của Gia Long người Tàu rặt hay người có cha Tàu mẹ Việt, họ đi lại đầy trong hoàng cung. Nguyễn Du chạm mặt hàng ngày. Gia Long giao tiếp với họ hằng ngày lâu dài nên bị ảnh hưởng Tàu và ta không lấy làm lạ khi mà Gia Long lại quyết tâm đội Hán lên đầu sâu đến như vậy và cam tâm thà làm vua một nước nhỏ mà đời đời thế mà ấm hơn. Xây lăng tẩm, dời kinh đô, bỏ chữ Nôm, trả thù theo phong cách Tàu, giết trung thần, nhất nhất đều theo phong cách Tàu. Một vết ô nhục muôn đời trong chính sử, làm sao mà Nguyễn Du không nhận ra được, thế nên Nguyễn Du chèn câu "Phàm nhân nguyện tử bất nguyện bần, 凡人愿死不愿貧" tạm dịch thơ, Sống chi quá khổ chết thì sướng hơn hay Khổ quá cha, ước chết, _xong đời!, hay nói theo khẩu ngữ Quảng Nam, quê tôi, "Sống đà quá khổ chết mà sướng nu!". Có lẽ Nguyễn Du thấy lớp đàn anh mình, như La Sơn Phu tử, người học trò cưng của cha mình ngày xưa, trước khi về cộng tác với một tân triều bao giờ lớp này họ cũng đưa ra điều kiện tiên quyết để có thể cộng tác " Rằng Ngài đội dân tộc này lên đầu hay Ngài đặt quyền lợi dòng họ, bè đảng mình lên đầu?". La Sơn Phu tử đã làm thế với vị danh tướng trẻ có tên là Nguyễn Huệ. Sau khi Gia Long lên có lẽ các đàn anh mình gồm những người được Tây sơn trọng dụng là La San Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), anh ruột mình là Nguyễn Nễ, anh vợ mình là Đoàn Nguyên Tuấn (1750-mất sau 1802) họ đều đã dạn dày kinh nghiệm sống nên họ đã khéo léo từ chối lời mời của Gia Long mà không bị Gia long căm thù dè chừng. Họ đã tự bảo vệ mình, và có lẽ họ khéo né và đã giới thiệu chú em mình (Nguyễn Du ) có thể gánh vác được và chúng tôi nay đã già quá rồi. Nguyễn Du sau này có lẽ ngộ ra điều ấy và tự giận mình không đủ bề dày lịch sử như các ông anh, đã cộng tác với Nguyễn Ánh mà không đặt điều kiện tiên quyết; nghĩ mình đã hèn, thế nên ông trở nên ít nói khi ở kinh thành Huế. Ông quyết lòng chết vào năm 1820, lúc này vai trò chánh sứ thêm một lần nữa đang chờ ông. Tại kinh thành, bịnh tả là bệnh truyền nhiễm, nhiều người bệnh cùng lúc đâu phải một mình ông, thuốc men nhiều, thầy thuốc giỏi tại sao ông chết nhanh vậy?. Chỉ có ông mới tự quyết định được sự sống chết của mình mà thôi. Ông đã từ chối cho cháu mình đổ thuốc. Thái độ thật đáng kính của một kẻ sĩ sau khi biết tận tim đen của một vì vua quá khiếp nhược với Tàu và đã cam tâm đội Hán lên đầu, chắc chắn chính sách này sẽ dẫn dân tộc này vào chỗ lầm than, mình nay là một "chính khách" khó qua miệng lưỡi thế gian. Chuộc sai lầm, Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh, tân khúc nghe qua mà đứt ruột. Thật là minh triết. Một đại kẻ sĩ!

III –Tham khảo và tâm tình

Các bạn có thể đọc dòng chính sử từ nguồn vi-wikipedia. http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Chi%C3%AAu_Th%E1%BB%91ng

1-."Thái hậu đưa nguyên tử (con trai Chiêu Thống) đến yết kiến ở trong sân, gào khóc xin cứu viện. Bọn Sĩ Nghị tâu với vua Thanh rằng tự hoàng nhà Lê đương phải bôn ba, đối với đại nghĩa, ta nên cứu viện. Vả lại, An Nam là đất cũ của Trung Quốc, sau khi khôi phục nhà Lê, ta nhân đó, đặt lính thú để đóng giữ. Thế là vừa làm cho nhà Lê được tồn tại, vừa chiếm lấy được An Nam: thật là làm một chuyến mà được hai lợi.". .

2- Năm 1804, vua Gia Khánh nhà Thanh cho phép đưa linh cữu vua Lê, thái hậu và con trai Chiêu Thống về nước. Ngày 13 tháng 8 năm 1804, Gia Long nhận lại đám người này, có một số được trọng dụng, hay học hành lại và thi cử đỗ đạt (bọn này đã bị Tàu hóa rồi, họ sẽ trở thành Việt gian cả thôi). Họ ra làm quan. Bọn người này vốn đã hèn mạt vì đã chịu để róc tóc đuôi Sam, trừ Lê Quýnh không chịu cắt tóc.

Đoàn người 300 người theo Lê Chiêu Thống chịu cắt tóc để trở thành người Thanh kia mà. Triều đình nào thì có kẻ viết sử như thế ấy. Một vương triều đốn mạt.

3- Không biết người Hanoi nay đang ở trong "Ngõ 124 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội)" nhìn bọn dưới Trần Danh Án với con mắt nào?. Họ là trung thần của nhà Lê?. Họ là những kẻ tội đồ của dân Việt đến muôn đời ?. Có bao nhiêu người biết?

4- Tự Đức, vị vua giết anh, chính sử còn ghi. Vị vua này hèn với giặc ác với dân (đàn áp tàn khốc người dân, đa phần là dân nghèo không tiền đóng thuế thân bị buộc phải đi làm xâu cấn trừ, họ ăn đói để xây Khiêm Lăng, trong khi giặc Pháp đã chiếm một phần Nam Kỳ Lục Tỉnh), đã có lời phê về Chiêu Thống, đại ý nói:

"Nhà vua bị người ta lừa gạt, bị giám buộc ở quê người đất khách, đến nỗi lo buồn phẫn uất, ôm hận mà chết, thân dẫu chết, nhưng tâm không chết, kể cũng đáng thương! Vậy nên truy đặt tên thụy là Mẫn Đế".

Nhắc Bạn Hiền một chút lịch sử rằng, chỉ 20 năm thôi dưới bóng quân Tàu (nhà Minh) mà đất nước ta đã tiêu tan gần 500 tinh hoa văn hóa Đại Việt. Tinh hoa Lý Trần, sách vở binh pháp do Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão viết nay đều không còn. Lê Chiêu Thống là tên vua đầu tiên trong lịch sử nước ta rước Tàu vào tàn phá đất nước. Gia long cũng thế, nhưng lần này thì rước Tây. Đất nước dân tộc ư? Không có khái niệm này trong đầu những người Việt cướp chính đất nước mình như thế này. Sau này Tự Đức, một vì vua hèn với giặc và ác với dân (đàn áp dân vô tội bị xung công xây Khiêm lăng cho ông), Tự Đức có đủ khôn không khi công quỷ khô cạn, lính không đủ cơm ăn mà phải ngày đêm chống Pháp xâm lược, lệnh xuất tiền xây đền tưởng niệm cho vì vua bán nước và các trung thần của Lê Chiêu Thống. Tự Đức truy đặt tên thụy cho Lê Chiêu Thống là "Mẫn đế". Thì ra ông cố nội ông cũng là thứ buôn dân bán nước thứ gộc. Ngưu tầm ngưu mã tầm mã!

5-Gia Long tin dùng Hắn ngay sau khi chiến thắng. Đến năm 1804 thì Gia Long tiếp nhận một đợt thứ hai "hèn nhân" do Lê Quýnh dẫn về, đoàn người khi đi theo Lê Chiêu Thống có gần 300 người đi theo lúc ban đầu, đa phần là người còn rất trẻ. Bọn này sau trở thành Việt Gian hết thảy, bọn chúng đã cắt tóc đuôi Sam.

6- Chân dung người học trò của cha Nguyễn Du, La San Phu Tử Nguyễn Thiếp http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Thi%E1%BA%BFp.

"Năm 1791, vua Quang Trung lại cho mời ông vào Phú Xuân để bàn việc nước. Vì cảm thái độ chân tình ấy, nên lần này ông đã nhận lời (trước đó ông đã từ chối 3 lần). Đến gặp, ông đã dâng lên vua Quang Trung một bản tấu bàn về 3 vấn đề:

Một là "Quân đức" (đại ý khuyên vua nên theo đạo Thánh hiền để trị nước);

Hai là "Dân tâm" (đại ý khuyên vua nên dùng nhân chính để thu phục lòng người), và

Ba là "Học pháp" (đại ý khuyên vua chăm lo việc giáo dục). Tuy là ba, nhưng chúng có quan hệ mật thiết với nhau và đều lấy quan niệm "dân là gốc nước" làm cơ sở.

Nguyễn Thiếp viết: "Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên".

Những lời tấu ấy được nhà vua nghe theo. Ngày 20 tháng 8 (1791), nhà vua ban chiếu lập "Sùng chính Thư viện" ở nơi ông ở ẩn và mời ông làm Viện trưởng . Kể từ đó, ông hết lòng chăm lo việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy học và phổ biến trong dân. Chỉ trong hai năm, ông đã tổ chức dịch xong các sách: Tiểu học, Tứ thư, Kinh Thi, và chủ trì biên soạn xong hai bộ sách là Thi kinh giải âm và Ngũ kinh toát yếu diễn nghĩa.

Tháng 9 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đột ngột băng hà, sự nghiệp của Nguyễn Thiếp đành dở dang."

Laiquangnam
laiquangnam@gmail.com


Viết lại từ trang web có sửa lại vài chỗ sai rất nhỏ.
Xin cám ơn Chị LDK chủ trang www.art2all.net.
Một ngày cuối tháng tư ,2014