Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về ]
[ Trang chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Thời
gian qua, cùng với nhiều bộ môn nghệ thuật khác,
nghệ thuật tạo hình Việt Nam ngày càng khởi sắc. Những năm gần đây, hàng loạt cuộc triển lãm tranh và tượng của hoạ sĩ và điêu khắc gia Việt Nam được tổ chức khá rầm rộ ở nhiều địa phương trong lẫn ngoài nước, thâu hái loạt kết quả đáng phấn khởi. Riêng tranh thuỷ mặc là một trong các thể loại hội hoạ chiếm được nhiều cảm tình của giới thưởng ngoạn. Có những bức thuỷ mặc đã được bán với giá hàng nghìn USD. Có phòng triển lãm thuỷ mặc mà toàn bộ số tranh trưng bày đều được mua hết. |
Trung
tâm tranh thuỷ mặc Việt Nam bấy lâu nay chính là khu vực
Chợ Lớn (1).
Ở đây, giữa những dãy phố thương mại sầm uất, các cây
cọ thuỷ mặc đa số và chủ yếu là người Việt gốc Hoa
đang sinh hoạt trong Câu lạc bộ Mỹ thuật quận 5, thường
xuyên trao đổi kinh nghiệm sáng tác và trưng bày tác phẩm
với không khí khá hào hứng.
Thực ra, tranh thuỷ mặc ở Chợ Lớn nói riêng, ở Việt Nam nói chung, đã có lịch sử phát triển rất lâu đời trải suốt quá trình giao lưu văn hoá giữa hai dân tộc Việt - Hoa. Đến thời đệ nhị thế chiến (1939 - 1945), trong số Hoa kiều di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam, lại có không ít hoạ sĩ lập môn quán truyền nghề như Lâm Yến Xuân, Hà Lãn Hùng, Lương Thiếu Hằng, Trương Cao Phong, Dung Cảnh Phong, Lý Lỗ Túc, Huỳnh Hữu Mai, Trần Đức Mậu, v.v. Sau năm 1945, một số hoạ sĩ khác cũng từ Trung Hoa tiếp tục đến Việt Nam mở lớp dạy vẽ thuỷ mặc: Chiêm Quốc Hùng, Trần Tô Hà, Trương Đạt Văn, Triệu Vỹ Huy, Trần Nhất Hạc, v.v. Tên tuy là Trần Nhất Hạc, nhưng hoạ sĩ này lại nổi tiếng với ngón nghề độc chiêu sở trường là vẽ loại tranh khổ lớn Bách hạc đồ. Giai đoạn đất nước Việt Nam bị phân tranh, giới vẽ tranh thuỷ mặc Chợ Lớn liên tục triển lãm cá nhân hoặc tập thể ở một số tụ điểm như trường học, hội quán, các cơ sở văn hoá - xã hội thích hợp. Một số tác giả còn đưa tranh ra nước ngoài để trưng bày. Từ năm 1975, vì lắm lý do, phong trào tranh thuỷ mặc Chợ Lớn chìm hẳn. Mãi đến năm 1982, ông Châu Tô - một người không cầm cọ nhưng rất yêu tranh - đã thành lập Câu lạc bộ Mỹ thuật quận 5. Từ đó, tranh thuỷ mặc lại được trưng bày, thoạt tiên hơi dè dặt nhưng vẫn tạo nên bao ấn tượng thẩm mỹ tốt lành đối với đông đảo người thưởng ngoạn, do vậy thể loại tranh đặc sắc này liền được nhiều cấp, nhiều ngành tán thưởng, khích lệ, động viên, hỗ trợ. Ấy thế là như mai đào gặp tiết xuân, nghệ thuật hội hoạ thuỷ mặc mau chóng đâm chồi, nẩy lộc, và khai hoa, kết quả. Các nghệ uyển lại công khai mở lớp dạy vẽ thuỷ mặc. Trong số học viên theo đuổi bộ môn thú vị này, bên cạnh đông đảo bà con Hoa kiều còn có những người Việt, lại thêm một số người Âu Mỹ. Lực lượng hoạ sĩ thuỷ mặc không ngại gian khó, đã xuôi ngược ba miền đất nước nhằm ghi nhận phong cảnh và con người Việt Nam hiện đại. Không chỉ đối tượng phản ánh trên tranh thuỷ mặc Chợ Lớn là hoa điểu Việt Nam, sơn thuỷ Việt Nam, nhân vật Việt Nam, mà cách cảm, cách nghĩ thể hiện bằng đường nét và màu sắc cũng rất Việt Nam, dẫu rằng "khoảng trên dừng bút" đều dùng thi (thơ), thư (thư pháp: nghệ thuật viết chữ) và ấn chương (dấu triện) hoàn toàn bằng Hán tự. Ngoài ra, các hoạ sĩ thuỷ mặc Chợ Lớn liên tục cố gắng tìm tòi nhằm cách tân thể loại truyền thống này, như vận dụng một số kỹ pháp của tranh màu nước và sơn dầu phương Tây, của tranh lụa Việt Nam, v.v., khi diễn hình, diễn khối, phối sắc, xây dựng bố cục. Vì vậy, nhiều vị sành điệu trong lẫn ngoài nước mạnh dạn dùng cụm từ "tranh thuỷ mặc Việt Nam" nhằm ca ngợi bản sắc đặc trưng của tranh thuỷ mặc Chợ Lớn nói riêng, toàn đất nước hình chữ S nói chung, trong sự so sánh với tranh thuỷ mặc xuất xứ từ nhiều quốc gia khác. Nhiều, rất nhiều tranh thuỷ mặc Chợ Lớn đã, đang và sẽ được trưng treo ở nhiều nơi trong lẫn ngoài nước. Đặc biệt, nhiều đợt triển lãm gây quỹ từ thiện luôn được các hoạ sĩ thuỷ mặc Chợ Lớn chú trọng. Đây là một trong những truyền thống đáng quý xưa nay của cộng đồng người Hoa. Đồng thời, bao nhiêu tác phẩm thuỷ mặc đưa từ Chợ Lớn đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ - như Trung Hoa, Đài Loan, Hong Kong, Lào, Campuchia, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Pháp, Anh, Ý, Hoa Kỳ, Canada, v.v. - được các nhà sưu tập niềm nở đón nhận. Giá tranh thuỷ mặc thì cũng như tranh màu nước, bột màu, sơn dầu, sơn mài, acrylic. Nghĩa là dao động khó lường: từ vài chục đến vài trăm, thậm chí vài nghìn USD, tuỳ tác phẩm và tác giả. Tháng 11-1992, trong cuộc triển lãm tại Hội Nhà báo TP.HCM, một bức thuỷ mặc của Lư Tòng Đạo được bán với mức 3.800USD. Ở một cuộc đấu giá gây quỹ từ thiện, tranh thuỷ mặc của Lý Khắc Nhu được mua 5.000USD. Tháng 7-1992, Trương Hán Minh đưa 66 bức tranh thuỷ mặc về Huế triển lãm tại Trung tâm văn hoá Phật giáo Liễu Quán. Kỷ lục được xác lập khiến hoạ sĩ chào đời năm Tân Mão 1951 tại Chợ Lớn quá bất ngờ: tất cả tranh trưng bày đều được bán hết, và ngạc nhiên thay, trong số những người mua tranh có cả nông dân chân lấm tay bùn. Tranh thuỷ mặc Chợ Lớn gồm nhiều hệ phái khác nhau: Lĩnh Nam, Kinh phái, Hải phái, v.v. Lại còn một số cây cọ tự do - bút điệu không phụ thuộc bất kỳ hệ phái nào. Có thể nêu danh tính những cây cọ thuỷ mặc tiêu biểu hiện nay ở Chợ Lớn: Trương Hán Minh, Lý Tòng Niên, Lý Khắc Nhu, Lư Tòng Đạo, Quan Tồn Chí, Trương Lộ, v.v. Tranh thuỷ mặc (2) sử dụng chất liệu khá đơn giản đúng như tên gọi: : 水 thuỷ là nước, 墨 mặc là mực (3), có thể kết hợp ít nhiều màu nước (aquarelle), thể hiện thành tác phẩm nghệ thuật thị giác trên lụa hoặc trên nền giấy xuyến chỉ. Lắm phen, chỉ cần điểm xuyết vài nét mực, chấm phá dăm nhát màu nhoè, những cây cọ giàu nội lực truyền đạt được sự sống động của thiên nhiên lẫn xã hội, và hơn thế, cả suy tư sâu dày lẫn rung động tế vi của người nghệ sĩ. Lúc ấy, công bút đã chuyển thành ý bút. Lúc ấy, cả những khoảng trắng trên tranh thuỷ mặc cũng mang lại hiệu quả đặc biệt. Đó là "sắc tức thị không, không tức thị sắc" đầy huyền nhiệm của phương Đông. _________________ (1) Chợ Lớn là địa danh trỏ rất nhiều loại: địa hình thiên nhiên (chẳng hạn kinh / kênh Chợ Lớn tức kinh Tàu Hủ), đơn vị hành chính (thành phố Chợ Lớn được lập năm 1879, tỉnh Chợ Lớn được lập năm 1899), công trình xây dựng (cầu). Bài viết này dùng địa danh Chợ Lớn nhằm chỉ một vùng lãnh thổ theo định nghĩa của Từ điển địa danh TP. Sài Gòn - Hồ Chí Minh do Lê Trung Hoa chủ biên (NXB Trẻ, 2003): "Vùng đất phần lớn chỉ địa phận quận 5, một phần lãnh thổ các quận 6, 10 và 11. Năm 1838 đã có địa danh này. Chợ Lớn bắt nguồn từ tên chợ Sài Gòn (nay thuộc phường 12, quận 5)." Cần thêm rằng chợ Lớn mới do Quách Đàm đầu tư xây dựng với tổng diện tích 26.379m2, khai trương ngày 14-3-1930. Chợ này nằm trong địa phận thôn Bình Tây, nên còn được gọi chợ Bình Tây. Chợ Lớn được người Hoa ghi 堤岸, âm Hán-Việt phát Đê Ngạn, âm Quảng Đông phát Tài Ngọn. (2) Thuỷ mặc là loại hình hội hoạ nẩy sinh và phát triển ở Trung Hoa cùng nghệ thuật thư pháp. Một số hoạ sĩ thuỷ mặc nổi tiếng của Trung Hoa: Vương Duy, Tô Thức / Tô Đông Pha, Lý Đường, Triệu Mạnh Phủ, Cao Khắc Cung, Hạ Vĩnh, Trần Đạo Phục, Trịnh Nhiếp, Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng, v.v.. (3) Mặc còn phát âm mạc. Điều đó được G.F.M. Génibrel ghi nhận trong Dictionnaire Annamite-Français / 大越國音漢字法釋集成 / Đại Việt quốc âm Hán tự Pháp thích tập thành (Nhà in Tân Định, Sài Gòn, ấn bản lần thứ nhì, 1898) ở trang 434 "墨 Mạc. (Mực), Encre" & trang 442 " 墨 Mặc. (Mực), Encre". Đã
đăng:
Báo Long An xuân Quý Dậu 1993 Tạp
chí
Kiến Thức Ngày Nay 772 (20-1-2012)
|
|
Phú quý trường xuân. Tranh thuỷ mặc: Trương Hán Minh Tháp Bút bên hồ Gươm. Tranh thuỷ mặc: Trương Hán Minh Sen. Tranh thuỷ mặc: Lý Khắc Nhu
|
|