Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về ]
[ Trang chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Không
ít tác phẩm của nhà văn kiêm nhà báo tài danh Vũ Trọng Phụng
(1912-1939)
mặc dầu từng đăng tải từ thập niên 1930, nhưng thời gian qua lại chẳng được công chúng - kể cả giới nghiên cứu - biết đến! Gần
đây, nhờ sự nỗ lực của một nhà Việt Nam học người
Mỹ là tiến sĩ Peter Zinoman,
|
Peter
Zinoman hiện là giảng viên khoa Sử thuộc Đại học Berkley
ở bang California, Hoa Kỳ. Những năm 1990, nhằm thu thập dữ
liệu để hoàn thành luận án tiến sĩ sử học về đề tài
nghiên cứu chế độ lao tù mà thực dân Pháp từng thiết
lập trên đất nước
Việt Nam, Peter Zinoman chú ý tìm hiểu
cả mảng báo chí lẫn văn chương. Và anh gặp truyện vừa
Người tù được tha
- một di cảo đã được công bố
trong tập đầu bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (gồm
3 tập - NXB Văn Học, Hà Nội 1987).
"Ngòi bút của Vũ Trọng Phụng có sức chinh phục nghệ thuật rất lớn" - Peter Zinoman thích thú nhận xét vậy. Từ đấy, song song với hoạt động chuyên môn, anh say mê tìm đọc tất cả tác phẩm của Vũ Trọng Phụng cùng sách báo liên quan trong khả năng có thể. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học (1), Peter Zinoman phối hợp với Nguyễn Nguyệt Cầm - một phụ nữ Mỹ gốc Việt, cũng chính là... vợ anh - để dịch và xuất bản ở Mỹ cuốn tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng với tiêu đề Dumb Luck(2). Đâu chỉ dừng ngang đấy, Peter Zinoman còn cất công lùng sục ở các thư viện của nhiều nước, cốt tìm thêm các tác phẩm của cây bút Việt Nam mà anh hâm mộ. Tại Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris, anh sung sướng phát hiện hơn hai mươi đơn vị tác phẩm thuộc nhiều thể loại của Vũ Trọng Phụng từng đăng tải trong các báo chí Việt ngữ giai đoạn 6 năm cuối đời của nhà văn (1934-1939). Trong số đó có hai phóng sự Vẽ nhọ bôi hề và Hải Phòng 1934. Cuối năm 1999, Peter Zinoman cùng vợ và con đã mang bản chụp những tác phẩm nọ về Việt Nam. Đúng lúc ấy, Toàn tập Vũ Trọng Phụng (gồm 5 tập - NXB Hội Nhà văn) vừa in xong. Bởi thế, những tác phẩm nọ được NXB Hội Nhà văn ấn hành một tập riêng cuối năm 2000 với nhan đề Vẽ nhọ bôi hề(3) có lời giới thiệu trang trọng của Lại Nguyên Ân: "Tính từ khoảng 1956, tức là từ khi tác giả Vũ Trọng Phụng trở thành một đối tượng nghiên cứu thực thụ, đây là lần bổ sung đáng kể nhất vào những thống kê về tác phẩm của tác giả này." Được biết gần đây, Peter Zinoman lại tiếp tục tìm ra một số tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng. Chẳng hạn truyện ngắn Cuộc vui ít có từng được sáng tác vào tháng 11.1933, ký bút danh Thiên Hư (4). Đóng góp quý báu của "chuyên gia Phụng học" Là một cây bút tài hoa, sung sức và đa năng, Vũ Trọng Phụng thường được nhắc tới trước tiên với thể tài phóng sự và tiểu thuyết phóng sự - dẫu ông chính thức bước vào làng văn bằng truyện ngắn Chống nạng lên đường (1930), rồi gây sự chú ý trong công luận bằng bi kịch ba hồi Không một tiếng vang (1931). Ấy là giai đoạn phóng sự bắt đầu xuất hiện trên báo chí Việt ngữ, mà Tôi kéo xe (1932) của Tam Lang được xem là tác phẩm cắm mốc xuất phát. Tháng 6-1935, Lê Tràng Kiều nêu ý kiến trong tờ Văn học tạp chí: "Từ nhà viết tiểu thuyết, ông Vũ Trọng Phụng đã trở nên một nhà phóng sự, cũng như ông Tam Lang." Thuở bấy giờ ở phía Bắc, "ba chàng họ Vũ" đại diện cho những cây bút phóng sự tiên phong, bao gồm : Tam Lang Vũ Đình Chí (1900-1986), Thiên Hư Vũ Trọng Phụng (1912-1939) và Tiêu Liêu Vũ Bằng (1914-1984). Trong số đó, Vũ Trọng Phụng nổi trội hơn hẳn, giành vị trí "ông vua phóng sự đất Bắc" như Phùng Tất Đắc đã gọi. Suốt bao lâu nay, cách nhìn nhận "vấn đề Vũ Trọng Phụng" rất có... vấn đề. Nghĩa là tồn tại lắm dư luận khen chê trái ngược. Song, sự đánh giá năng lực Vũ Trọng Phụng thể hiện ở địa hạt phóng sự thì giới sáng tác cũng như giới nghiên cứu văn học từ Nam chí Bắc hầu hết đều tán thành những ý kiến nêu trên. Xem danh mục tác phẩm của ông đã được thống kê năm 1987 nơi Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (sđd), mới thấy 6 phóng sự : Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Dân biểu và dân biểu (1935), Cơm thầy cơm cô (1936), Lục xì (1937), Một huyện ăn Tết (1938). Năm 1992, Trần Hữu Tá biên soạn cuốn Vũ Trọng Phụng hôm qua và hôm nay (NXB TPHCM), danh mục phóng sự của Vũ Trọng Phụng được ghi thêm Vẽ nhọ bôi hề (1936), vị chi 7 tác phẩm. Số lượng, tiêu đề cùng thời điểm xuất hiện 7 phóng sự ấy không có gì thay đổi trong danh mục tác phẩm liệt kê nơi Toàn tập Vũ Trọng Phụng (sđd) ấn hành vào cuối năm 1999. Tập đầu của bộ sách được xem là "chuẩn" này tỏ ra hợp lý khi dành riêng cho phóng sự, song lại chỉ đăng trọn 5 thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng mà thôi. Vì sao? Nguyễn Đăng Mạnh giải thích: "Vũ Trọng Phụng là một cây bút có sức sáng tạo đặc biệt dồi dào. Nói riêng về phóng sự từ 1933 đến 1938, ông đã cho ra đời liên tiếp 7 tác phẩm, phần lớn là những phóng sự dài. Điều đáng tiếc là các thư viện của ta đã để thất thoát nhiều báo chí đăng tải tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, nên chúng tôi chưa có điều kiện in lại đầy đủ các tập phóng sự của nhà văn. Hiện nay chưa tìm lại được văn bản 2 phóng sự Dân biểu và dân biểu và Vẽ nhọ bôi hề." Cũng thời gian đó, tháng 10.1999, Trần Hữu Tá cho tái bản có chỉnh lý và tăng bổ cuốn Vũ Trọng Phụng hôm qua và hôm nay (sđd) thành Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta (NXB TPHCM), kê danh mục phóng sự gồm 8 tác phẩm, thêm Đời cạo giấy (1932). Như vậy, nhờ Peter Zinoman tích cực phát hiện, bạn đọc ngày nay hân hạnh được thưởng lãm Vẽ nhọ bôi hề cùng Hải Phòng 1934 - hai phóng sự ngỡ đâu đã tuyệt tích. Và như thế, danh mục phóng sự Vũ Trọng Phụng tiếp tục được nâng lên 9 đơn vị tác phẩm. Chỉ xét chừng ấy thôi cũng đủ thấy công lao đóng góp của Peter Zinoman là đáng quý biết bao. Vài cứ liệu tham khảo bổ túc Khảo sát đôi phóng sự của Vũ Trọng Phụng mới được tìm thấy, chúng ta vỡ vạc nhiều điều, nhưng lại có nhiều điều cần tiếp tục gợi mở, nghiên cứu thêm. Cả Vẽ nhọ bôi hề lẫn Hải Phòng 1934 đều xuất hiện vào năm Giáp Tuất 1934, thời điểm Vũ Trọng Phụng còn "độc thân vui tính" (đến năm 1938, Vũ Trọng Phụng mới lấy vợ là Vũ Mỵ Lương). Sách báo lâu nay chưa hề đề cập đến tác phẩm Hải Phòng 1934, còn Vẽ nhọ bôi hề thì mới chỉ nhắc tới tiêu đề và gắn với năm sáng tác là 1936. Sự nhầm lẫn đó xuất phát từ hồi ức Những ngày làm việc với Vũ Trọng Phụng do họa sĩ Mạnh Quỳnh kể, Trần Thành ghi và đăng báo Hà Nội Mới số ra ngày 24-1-1988 rằng: "Năm 1936, Vũ Trọng Phụng và tôi đều cộng tác với báo Phụ Nữ Thời Đàm ở phố Hàng Bồ do một thương gia bỏ vốn và quản lý. Phụng viết, tôi vẽ, chúng tôi biết nhau, rồi có quan hệ thân quen. Một hôm Vũ Trọng Phụng ngỏ ý muốn tôi minh họa cho phóng sự Vẽ nhọ bôi hề của anh." Quả thật, Vẽ nhọ bôi hề in lần đầu trên tờ Phụ Nữ Thời Đàm. Vũ Trọng Phụng ký bút danh Thiên Hư. Tranh minh họa do Mạnh Quỳnh thực hiện. Nhưng chẳng phải năm 1936 như Mạnh Quỳnh nhớ. Phóng sự này khởi đăng Phụ Nữ Thời Đàm (tập mới) số 23, ra ngày 13-5-1934. Kỳ sau đăng số 24, ra ngày 20-5-1934, có chua cuối bài là "Còn nữa". Peter Zinoman mới tìm được hai kỳ. Kỳ đầu mang tên Tấn bi kịch "tân cựu xung đột". Kỳ thứ nhì là Mấy cuốn phim kim cổ. Tháng 10-2000, sang Hoa Kỳ tìm tư liệu, Lại Nguyên Ân đã phát hiện thêm kỳ ba Đổng Trác trong áo sa tanh cùng kỳ tư Biểu tượng với tả chân của thiên phóng sự này đăng trên Phụ Nữ Thời Đàm số 25 (29-5-1934) và số 26 (6-6-1934). Theo Thư tịch báo chí Việt Nam (NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1998), thì tờ Phụ Nữ Thời Đàm đặt tòa soạn ở 11-13 phố sông Tô Lịch (Hà Nội) (5), do Nguyễn Văn Đa làm giám đốc và Ngô Thúc Địch làm chủ biên. Báo thoạt tiên xuất bản hằng ngày, sau ra hằng tuần, số 1 đề ngày 8-12-1930, số cuối cùng là số 26 đề ngày 5-6-1934. Nếu thế, số 26 có đăng kỳ tư phóng sự Vẽ nhọ bôi hề là số báo cuối cùng của tờ Phụ Nữ Thời Đàm. Phóng sự Hải Phòng 1934 của Vũ Trọng Phụng vẫn ký bút danh Thiên Hư cũng mới được Peter Zinoman phát hiện bốn kỳ đăng liên tục trên tờ Hải Phòng tuần báo, từ số ra ngày 28-8-1934 đến 25-9-1934. Thư tịch báo chí Việt Nam (sđd) ghi nhầm "manchette" báo này là Hải Phòng tân báo và cho biết mấy chi tiết: báo do Đào Thiện Thụy sáng lập và quản lý, sau thì Đỗ Xuân Mai quản lý; phát hành số 1 ngày 24-7-1934 và số cuối cùng là số 13 ra ngày 14-4-1935; báo tạm ngưng xuất bản một thời gian, từ tháng 9-1934. Vậy có thể tính được rằng Hải Phòng 1934 đã đăng Hải Phòng tuần báo từ số 6 đến số 9 thì "tịt" vì báo tạm đình bản. Tuy nhiên, qua mấy trang báo mới tìm thấy lại giúp chúng ta biết rõ rằng Dứt tình - cuốn tiểu thuyết được xem là đầu tay của Vũ Trọng Phụng và in thành sách sau khi ông mất - vốn xuất hiện đều kỳ trên Hải Phòng tuần báo năm 1934 với nguyên đề Bởi không duyên kiếp. Năm 1934 ấy, ngoài nhiều bài báo, tiểu phẩm, truyện ngắn cùng tác phẩm vừa nêu, Vũ Trọng Phụng còn sáng tác các vở kịch Tài tử và Chín đầu một lúc. Đồng thời, ông viết và công bố một thiên phóng sự gây xôn xao dư luận bấy giờ, được Phùng Tất Đắc tiên đoán rằng "có ảnh hưởng xa rộng." Đó là Kỹ nghệ lấy Tây, một trong những phóng sự điều tra sâu sắc và xuất sắc nhất của Vũ Trọng Phụng, đăng suốt 14 kỳ liền trên tuần báo Nhật Tân - cơ quan ngôn luận do Đỗ Văn làm giám đốc, Phùng Tất Đắc làm chủ bút kiêm quản lý, tòa soạn đặt tại 15 phố Hàng Da, Hà Nội. Căn cứ vào Carte de Service de Presse (6) của Vũ Trọng Phụng hiện vẫn được thân quyến bảo lưu thì giai đoạn ấy ông làm việc chính thức tại đấy. Phải chăng danh mục phóng sự Vũ Trọng Phụng dừng lại ở con số 9? Hy vọng với những phát hiện đạt giá trị cao về văn bản học trong tương lai, câu hỏi kia - cùng nhiều câu hỏi khác liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của "ông vua phóng sự đất Bắc" một thời - sẽ sớm được trả lời cụ thể. ____________
|
Ảnh:
Sách "Dumb Luck" với biếm hoạ Vũ Trọng Phụng của Côn Sinh từng đăng tuần báo Loa 24-1-1935 Sách "Vẽ nhọ bôi hề" qua 2 lần in (2000 & 2004). Ảnh: Phanxipăng Peter Zinoman cùng vợ Nguyễn Nguyệt Cầm Kỳ đầu phóng sự "Vẽ nhọ bôi hề" trên tờ Phụ Nữ Thời Đàm 23 (13-5-1934) Kỳ đầu phóng sự "Hải Phòng 1934" trên tờ Hải Phòng tuần báo 28-8-1934 Thẻ nhà báo của Vũ Trọng Phụng |
|