Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Về Phố Hiến, 
dạo hồ Bán Nguyệt 

Phanxipăng

Tại thành phố Hưng Yên, tỉnh lị cùng tên, 
hồ Bán Nguyệt là thắng cảnh xưa nay thu hút tao nhân mặc khách 
sáng tạo bao tác phẩm văn học nghệ thuật tài hoa. 
Ven hồ còn có đôi di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia: 
đền Mẫu và đền Trần.
Phố Hiến là một trong hai đô thị rất nổi tiếng của nước ta xưa, chỉ sau thủ đô Thăng Long. Điều đó được dân gian tổng kết: Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến. Vậy Phố Hiến xuất hiện lúc nào? Qua khảo cứu Les comptoirs hollandais de Pho Hien ou Pho Khach près de Hung Yen (Tonkin) au 17e siècle (1)công bố năm 1895, nhà địa lý học lịch sử người Pháp là Georges Dumoutier cho rằng Phố Hiến ra đời lúc doanh nhân Hà Lan đặt thương điếm tại Hưng Yên vào niên điểm 1637. Lập luận ấy cần xét lại, bởi bia chùa Thiên Ứng tức chùa Hiến(2) khắc rõ: "Phố Hiến nổi tiếng là nơi đô hội Tiểu Trường An của bốn phương". Bia nọ được dựng vào niên hiệu Vĩnh Tộ VII, tức năm 1625.

Nhiều thư tịch cổ - như Khâm định Việt sử thông giám cương mục Đại Nam nhất thống chí đều do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn - đã ghi nhận: địa danh Phố Hiến khởi phát bởi Hiến Doanh hay Hiến Nam, cơ quan hành chính của trấn Sơn Nam.

Nằm bên tả ngạn sông Hồng, Phố Hiến trở nên một phần của thành phố Hưng Yên ngày nay. Địa bàn Phố Hiến thuở trước thế nào? Dân địa phương truyền tụng: Phố Hiến thượng chí Tam Đằng, hạ chí Tam Hoa. Tam Đằng là Đằng Châu, Đằng Nam, Xích Đằng. Tam Hoa là Hoa Dương, Hoa Cái, Hoa Điền.

Trong hội thảo khoa học Phố Hiến được tổ chức ngày 10 và 11-12-1992, ông Tăng Bá Hoành - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Hưng (3) - báo cáo về không gian Phố Hiến: "Thực tế thì phố phường sầm uất nhất tập trung theo một trục chính từ chùa Chuông đến chùa Nễ Châu, trung tâm là hồ Bán Nguyệt".

Hồ Bán Nguyệt với văn học nghệ thuật

Hồ Bán Nguyệt ở Hưng Yên bấy lâu nay luôn trở thành nguồn hứng khởi giúp mọi thế hệ văn nghệ sĩ sáng tác. Chẳng hạn đôi vế đối bằng chữ Hán:

Bán Nguyệt hồ tiền nguyên thị hải;
Nhất Bình Đẩu ngoại cánh vô sơn.
Nghĩa:
Ngoài ngọn Đẩu ra không có núi;
Xưa hồ Bán Nguyệt vốn là khơi.
Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật cổ kim đề cập về hồ Bán Nguyệt, chẳng hạn bài phú Bán Nguyệt hồ khá nổi tiếng của Lê Cù - nhà nho đời Hậu Lê - tràn ngập tự hào:

Bàn cuộc đất hãy gác điều kim cổ, ướm hỏi Châu Doanh cùng Vị Khổn đã đâu hơn hẳn nước non này.
Ngán cơ trời mà bàn chuyện thịnh suy, kìa xem Tả vọng với Thuỷ quân dẫu đó cũng là dâu bể cả.

Châu Doanh tức Châu Cầu ở Hà Nam. Vị Khổn tức Vị Hoàng ở Nam Định. Tả vọng là cửa bên trái thành, nơi lính thuỷ trú đóng.

Mùa xuân Ất Tị 1905, bên hồ Bán Nguyệt, Tổng đốc Lê Hoan tổ chức cuộc thi thơ vịnh Kiều rất rầm rộ, tạo thành Tao đàn Hưng Yên. Cuộc thi trân trọng mời 2 danh sĩ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) và Dương Khuê (1839 - 1902) chấm. Chu Mạnh Trinh (1862 - 1905) gửi 20 bài dự thi, mà đây là bài Kiều mắc lừa Sở Khanh:

Những nghĩ chim lồng chắp cánh bay,
Có khi phận rủi tới hồi may.
Làng nho người cũng coi ra vẻ,
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay.
Hai chữ tin hồng treo gác nguyệt,
Một roi vó ký tếch đường mây.
Mẫu đơn vùi dập cơn mưa gió,
Cái nợ yên hoa khéo đọa đày.
Mặc dầu đồng ý rằng Chu Mạnh Trinh đoạt giải nhất, song chánh chủ khảo Nguyễn Khuyến vẫn lẩy Kiều phê phán:
Rằng hay thì thật là hay,
Nho đối với xỏ: lão này không ưa!
Hồ Bán Nguyệt thời gian qua được giới hội họa và nhiếp ảnh chú mục. Gần đây, Nguyễn Khắc Hào viết bài thơ Huyền thoại Nguyệt hồ rồi được Thanh Tùng phổ thành bài hát Tình khúc Nguyệt hồ hiện được phổ biến qua giọng Thanh Hằng.

Thăm đền Mẫu

Bên cạnh hồ Bán Nguyệt, có đền Mẫu, còn gọi đền Mậu Dương hoặc Hoa Dương linh từ, tọa lạc trên diện tích 2.875m2 ven đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, TP. Hưng Yên. Đại Nam nhất thống chí ghi rằng đền Mẫu được khởi dựng từ đời vua Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo thứ nhất (Kỷ Mão 1279); đến triều Nguyễn, niên hiệu Thành Thái VIII (Đinh Dậu 1896), đền Mẫu được đại trùng tu với quy mô như hiện nay.

Đền Mẫu thờ Dương Quý Phi, tức Dương Thiên Hậu, hoàng hậu của vua Tống Đế Bính ở Trung Hoa (4). Năm Kỷ Mão 1279, quân Nguyên Mông tấn công nước Tống, khiến vua Tống cùng hoàng tộc xuống thuyền dạt vào phương nam. Tướng nhà Nguyên là Trương Hoằng Phạm truy đuổi, nên vua Tống cùng một số phi tần nhảy xuống biển tự trầm. Xác Dương Quý Phi dạt vào cửa sông thuộc khu vực Phố Hiến, được dân chài chôn cất tử tế và lập miếu thờ. Nội hầu triều Tống là thái giám họ Du lưu lạc sang đây, tích cực tu bổ miếu, đồng thời lập làng Hoa Dương. Thái giám nọ được người địa phương tôn xưng thành hoàng, thờ trong đình Hiến, cận kề chùa Hiến.

Đền Mẫu được thiết kế theo bố cục "tiền nhất, hậu đinh" với các hạng mục chính gồm nghi môn, đại bái, trung từ, hậu cung, ngoài ra còn có phủ Đông, phủ Tây, nhà Oản. Quy cách kiến trúc cùng nhiều vật dụng tế tự - như long sàng, long kỷ, kiệu võng, đồ bát bửu, hoành phi, câu đối, tượng, phù điêu, v.v. - mang đậm phong cách triều Nguyễn. Đền Mẫu còn bảo lưu 14 đạo sắc phong từ triều đình Hậu Lê đến Nguyễn, sớm nhất mang niên hiệu Vĩnh Thịnh VII (Tân Mão 1711), muộn nhất - Khải Định IX (Giáp Tý 1924).

Sân đền được trùm phủ bóng cổ thụ khá độc đáo: ba cây đa, sanh, si khá vạm vỡ xoắn bện nhau. Đền Mẫu có đôi câu đối:

Tồn Tống nhất tâm trinh, Càn hải ba đào tu liệt;
Cừu Nguyên thiên cổ tiết, Nguyệt hồ hoa thảo câu hương.
Tạm dịch:
Một tấm lòng trinh cùng Tống, sóng xanh luôn vỗ biển Càn;
Nghìn năm khí tiết hận Nguyên, hoa cỏ mãi thơm hồ Nguyệt.
Hằng năm, từ mùng 10 đến rằm tháng 3 âm lịch, lễ hội đền Mẫu diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa dân gian tạo không khí tưng bừng náo nhiệt. Ngày 26-3-1990, Bộ Văn hóa Thông tin công nhận đền Mẫu là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Sách Hưng Yên vùng phù sa văn hóa của nhiều soạn giả (NXB Trẻ, 2009) nhận định rằng đền Mẫu "là một danh lam thắng tích đẹp nhất của Phố Hiến. (...) Đền Mẫu đi với Nguyệt hồ tôn vẻ đẹp cho nhau. Thiếu một trong hai cảnh ấy, Phố Hiến sẽ giảm giá trị đi nhiều lắm".

Viếng đền Trần

Cách đền Mẫu chỉ quãng ngắn, cùng nằm ven đường Bãi Sậy bên bờ hồ Bán Nguyệt, là đền Trần tọa lạc trên mặt bằng 1.110m2.

Bức hoành chính giữa cổng tam quan nổi bật bốn chữ 陳大王祠. Phiên âm: Trần Đại Vương từ. Ấy là nơi phụng thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300). Tương truyền trong quá trình chiến đấu chống giặc Nguyên Mông manh tâm xâm lược nước ta, Trần Hưng Đạo đã chọn vị trí chiến lược trọng yếu này - nơi hội tụ ba dòng sông Hồng, Luộc, Châu Giang - làm cứ địa để đóng quân một thời gian. Sau đó, tại đây, người địa phương liên tục đơm soạn nhang đèn hoa quả tưởng nhớ công lao bậc anh hùng kiệt xuất của dân tộc. Đền Trần chính thức được hưng công xây dựng từ niên hiệu Tự Đức XVI (Quý Hợi 1863), đến niên hiệu Tự Đức XXII (Kỷ Tị 1869) thì hoàn mãn.

Đền Trần có lối kiến trúc tổng thể kiểu chữ tam, gồm đại bái, trung từ, hậu cung. Tòa đại bái 5 gian kết cấu "chồng rường đấu sen" bằng gỗ, mái lợp ngói vảy rồng, bờ nóc chính diện đắp lưỡng long chầu nguyệt, trái lẫn phải đắp hoa văn chữ triện. Nối thông với tòa đại bái là tòa trung từ cũng 5 gian, có thờ nhị vị danh tướng Yết Kiêu và Dã Tượng. Hậu cung đặt 6 bệ thờ Trần Hưng Đạo cùng phu nhân và nhị vị cô nương, vương phụ, vương mẫu, Bắc Đẩu, Nam Tào.

Đôi câu đối trong đền Trần được nhiều người thích thú:

Đằng Giang lãng thiếp thần uy tại;
Cát Hải ngư trường thánh đảm lưu.
Tạm dịch:
Bạch Đằng sóng cuộn, thần uy đó;
Cát Hải ngư trường, thánh vẫn lưu.
Đúng kỳ húy nhật Trần Hưng Đạo, ngày 20 tháng 8 âm lịch thường niên, đền Trần ở Hưng Yên mở hội tế lễ tưởng nhớ công lao của đấng thiên tài quân sự đã đánh tan bè lũ Nguyên Mông, bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc. Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận đền Trần là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 21-1-1992.

Viếng đền Trần ở Hưng Yên, tôi sực nhớ những đền thờ Hưng Đạo Đại Vương tại các tỉnh thành khác trên toàn quốc mà mình từng đến: Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Huế, Vũng Tàu, Long Khánh, Biên Hòa, TP.HCM, v.v. Sách Di tích lịch sử - văn hóa Hưng Yên (Bảo tàng Hưng Yên ấn hành, 2008) luận: "Việc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được tôn thờ ở nhiều nơi không chỉ là niềm tưởng nhớ tới một vị anh hùng dân tộc, một nhà quân sự tài ba lỗi lạc, mà còn ở hình tượng một vị đức Thánh Cha (trong tín ngưỡng dân gian), bên cạnh Thánh Mẫu che chở cho các con dân qua muôn trùng thác ghềnh của lịch sử dựng nước và giữ nước, đấu tranh chống chọi với thiên tai, phù hộ cho trăm nghề phát đạt, mang tới cuộc sống ấm no, an lành."

Hồ Bán Nguyệt quá khứ & tương lai

Trong Hưng Yên địa chí (Nhà in Ngô Tử Hạ, Hà Nội, 1934), Nhật Nam Trịnh Như Tấu ghi nhận: "Hưng Yên xưa ở trên bờ bể, địa thế gồm một phần tỉnh lỵ ngày nay, hạt Kim Động và hạt Khoái Châu. Về sau, sông, bể bồi đắp mãi cho địa thế Hưng Yên rộng thêm ra. Bể mỗi ngày một lùi ra ngoài. Sông Phú Lương là một chi lưu sông Nhị Hà (5) chảy theo chiều khác. Một phần lòng sông Phú Lương thành hồ Bán Nguyệt (hình nửa mặt trăng), tới nay hãy còn di tích. Trải qua mấy thế kỷ, nước hồ vẫn xanh biếc phản chiếu ánh sáng mặt trời và toà sứ xây trên bờ hồ."

Thời thuộc Pháp, công sứ Wintrebert (6) cho đắp con đường từ cửa đền Mẫu sang điếm canh đê, chia đôi hồ Bán Nguyệt. Giữa đường có cầu sơn đỏ. Sau Cách mạng tháng 8-1945, đường kia đã bị phá. Dần dà, bờ hồ được kè đá và trồng cây xanh - chẳng hạn nhãn, dừa, đại / sứ, vú sữa, phượng vỹ. Giữa hồ, đắp một gò nhỏ hình tròn. Cuối hồ có vườn hoa thiếu nhi với các trò chơi ngựa gỗ, đu dây, cầu trượt, v.v. Vào dịp Tết lễ, hồ Bán Nguyệt trở thành nơi tổ chức thi bơi, đua thuyền, bắn pháo hoa. Sách Hưng Yên vùng phù sa văn hóa viết: "Người Hưng Yên đi làm ăn phương xa mỗi khi nhớ về quê hương thì hình ảnh xáo động trong tâm tư chính là hồ Bán Nguyệt".

Thông tin đáng mừng: công viên hồ Bán Nguyệt sẽ hình thành với diện tích 7,5ha, trong đó diện tích cây xanh - mặt nước 4,65 ha, diện tích công trình văn hoá 1,95 ha, diện tích đất giao thông 0,92 ha. Ngày 15-12-2009, UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định số 2640/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 công viên hồ Bán Nguyệt. Công viên này được tổ chức không gian theo hướng lấy toàn bộ mặt nước hồ Bán Nguyệt làm trung tâm, từ đấy tạo lập 3 vùng chức năng chính:

1. Công trình văn hóa, khu vườn hoa và cây xanh ven hồ;

2. Hệ thống giao thông, chiếu sáng, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường được đầu tư đồng bộ;

3. Các khu vực bảo đảm không gian cảnh quan mang tính yên tĩnh tương đối.

Giám đốc Bảo tàng Hưng Yên là thạc sĩ Phạm Trung Hiếu (7) cho biết:

- Chủ đầu tư thiết kế và thi công là Bảo tàng Hưng Yên đã công bố chi tiết bản quy hoạch công viên hồ Bán Nguyệt với tỉ lệ 1/500 vào ngày 14-1-2010. Đại diện các sở, ngành, địa phương đều thống nhất quan điểm rằng đây là dự án có tính chất góp phần tái hiện lịch sử Phố Hiến, mang ý nghĩa giáo dục phổ cập các giá trị về văn hoá vật thể lẫn phi vật thể, là nơi nghỉ ngơi, giải trí phục vụ cho các hoạt động văn hoá, lịch sử truyền thống, tham quan du lịch. Trong những công trình chuẩn bị xây dựng tại công viên hồ Bán Nguyệt, có một công trình đặc biệt: nhà bảo tàng, nơi lưu giữ và trưng bày hình ảnh cùng hiện vật nhằm tái hiện quá trình lịch sử Phố Hiến nói riêng, toàn tỉnh Hưng Yên nói chung.
 

____________

(1) - Nghĩa: Thương điếm Hà Lan ở Phố Hiến tức Phố Khách gần Hưng Yên (Bắc Kỳ) vào thế kỷ XVII.

(2) - Chùa Thiên Ứng thường được gọi chùa Hiến, tọa lạc tại TP. Hưng Yên. Tên Thiên Ứng được đặt theo dạng tắt hóa niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình (tồn tại từ 1238 - 1250) của vua Trần Thái Tông, vị hoàng đế đầu tiên của vương triều Trần. Sân chùa nổi bật cây nhãn tiến / cây nhãn tổ. Văn bia đá tại đây có nhan đề Thiên Ứng tự tân tự trùng tu ký thạch bi.

(3) - Từ ngày 26-1-1968 đến 6-1-1997, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên sáp nhập thành tỉnh Hải Hưng.

(4) - Chớ nhầm với Dương Quý Phi, họ tên thật Dương Ngọc Hoàn (719 - 756), lấy Thọ vương Lý Dục, rồi trở thành cung phi của vua Đường Huyền Tông.

(5) - Sông Hồng còn nhiều tên gọi khác: Nguyên, Thao, Cái, Nhĩ / Nhị, v.v.

(6) - Tên Việt hóa của công sứ này: Be. Đó là một trong "Bắc Kỳ tứ hung": Nhất Đác (Darles), nhì Ke (Eckert), tam Be (Wintrebert), tứ Bích (Bride).

(7) - Thạc sĩ Phạm Trung Hiếu chẳng may mới bị đột tử tại Hưng Yên ngày 4-11-2010 nhằm 28 tháng 9 Canh Dần.

 
Đã đăng tạp chí Kiến Thức Ngày Nay 753 (10-7-2011)
Một góc hồ Bán Nguyệt hiện nay. 
Ảnh: Thuỷ Linh
Cây nhãn tổ nơi sân chùa Hiến. 
Ảnh: Tùng Lâm
Cổng đền Mẫu. 
Ảnh: Phanxipăng
Khánh đồng trong đền Trần. 
Ảnh: Phanxipăng
Phanxipăng trong sân đền Mẫu. 
Ảnh: Vũ Thị Kim Xuân
Phanxipăng trước cổng đền Trần. 
Ảnh: Vũ Thị Kim Xuân