Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
Chủ ]
[ Tác
giả ]
|
|
(tặng
các bạn ngày xưa)
|
Thật bất ngờ ! Đang
lang thang, dạo chơi tại Nha Trang bỗng thấy câu " Tiên học
lễ, hậu học văn " được chăng tại sân chơi của một
trường học. Lâu lắm rồi mới thấy lại câu nói của thời
xa xưa. Xưa ơi là xưa. Xa lắc xa lơ. " Tiên học lễ, hậu
học văn " dắt tôi về thăm lại cái lớp năm trường
tiểu học Quang Trung năm 1949-1950 ngoài Hà Nội.
Tôi nhớ trường Quang Trung, bố mẹ quen gọi là trường Hàng Kèn, nằm tại ngã tư Trần Quốc Toản và Quang Trung. Gần hồ Ha-Le (Halais, tên cũ của hồ Thiền Quang). Từ nhà, 112 phố Lê Lợi, đến trường cũng không xa lắm. Đủng đỉnh qua ngã năm Gia Long, xuống hết cái dốc Trần Quốc Toản là đến. Trường có một toà nhà chính, sân chơi, thêm một gian ở góc sân. Văn phòng của thầy hiệu trưởng (ông giáo Thành mặc áo dài ta, bố mẹ bảo ông có họ với Mợ Cả) và các lớp học khác chia nhau " chiếm " toà nhà chính. Trừ lớp năm, bị đẩy ra ở cái gian cuối sân. Một mình một cõi. Tôi không nhớ năm ấy mình có được bao nhiêu " đồng môn ". Chắc cũng xấp xỉ 60 đứa. Nhiều quá. Sao không chia ra hai lớp ? Vẽ vời ! Từ tiểu học cho đến hết trung học, ngoài Bắc cũng như trong Nam, chưa năm nào tôi có dưới 50 bạn học. Chẳng phải lớp học nước ta vĩ đại, chứa được nhiều tài năng tương lai. Tất cả chỉ là nhờ vào bàn tay khéo sắp xếp, nhồi nhét của người kê bàn, đặt ghế. Có nghe ai phàn nàn lớp đông đâu. 100% cha mẹ có con học trường công, trường nhà nước đều hài lòng. Ai điên mới chê cái này, đòi hỏi cái kia. Ăn mày đòi xôi gấc. Cái lớp học " ấm cúng " ấy có gì hay ho, dễ thương hơn các lớp khác không ? Nếu được phép nói thẳng, nói thật thì tôi nói huỵch toẹt là không. Tất cả mọi chuyện đều bình thường. Nhưng tôi thích cái lớp học bình thường ấy. Buổi học đầu tiên, thầy Ân cầm thước chỉ vào câu " Tiên học lễ, hậu học văn " dán phía trên cái bảng đen. Rồi thầy giảng nghĩa. Cả lớp há hốc mồm ngồi nghe. Giảng xong, thầy gõ thước xuống bàn, dặn cả lớp : - Ở nhà phải lễ phép với bố mẹ, ra đường phải lễ phép với mọi người. Học lễ phép trước, rồi mới học những cái khác. Nghe chưa? - Dạ, nghe rồi ạ ! Suốt tháng đầu tập đọc, tập viết. Trọ trẹ. Sai lên sai xuống. Giun bò, gà bới lem nhem trang vở. Tháng sau tiến lên... viết chính tả, tập đặt câu. Rồi ì ạch leo lên đỉnh cao của... tính cộng, tính trừ. Bù đầu với mấy con số. Vất vả quá. Ngoài ra, chẳng có gì đặc biệt để khoe. Thế mà cách xa gần nửa trái đất, hơn nửa đời người, tại sao đôi lúc vẫn còn nhớ ? Bốn năm học ở trường Quang Trung, chỉ nhớ một mình cái lớp ấy. Nhớ thầy Ân. Nhớ thằng Việt, thằng Huyền... Chập chờn. Lung linh. Nhớ cả hai cái thước của thầy. Cái to để kẻ hàng bảng đen. Cái nhỏ để... đánh học trò ! Eo ơi ! Đứa nào cũng sợ cái thước này. Không tin cứ hỏi thằng Việt. Thằng Việt to lớn nhất lớp. Nó cao hơn tôi cả cái đầu. Chẳng mấy đứa ưa thằng này vì nó cậy khoẻ hay bắt nạt bạn bè. Hôm ấy cũng như những ngày khác. Giờ ra chơi, sân trường ồn ào như vỡ chợ. Chỗ này chơi bi, chơi quay. Chỗ kia đánh đáo, đuổi nhau. Thằng Việt không chơi gì cả. Nó kéo " đàn em " đi phá thối. Ván bi của tôi đang sôi nổi hào hứng thì thằng Việt từ đâu chui ra, lững thững đi ngang chỗ chơi. Nó " lỡ " đụng văng hòn bi của tôi. Thằng mất dạy toét miệng ra cười... xin lỗi. Trông thật là đểu. Một lát sau nó lại đi qua. Lại đụng văng bi của tôi. Tức quá, tôi chồm lên vừa chửi vừa đấm một cú vào mặt nó. Nhưng, có lẽ nó đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ dịp để ra tay. Lập tức nó vung tay trái siết cổ tôi, tay phải đấm liên tiếp ba bốn quả vào má vào mồm tôi. Đau quá. Chỉ còn nước khóc gào lên để cầu cứu. Thấy vậy, cả đám đứng xung quanh xúm vào ôm thằng Việt, gỡ tôi ra. Cà cuống chết đến đít còn cay, tôi mắm môi, lấy hết sức thụi một cú vào mồm thằng... đáng ghét. Nó vùng vằng định đấm tôi thì may quá... Một hồi trống nổi lên. Hết giờ chơi. Xếp hàng vào lớp. Tôi vừa đi vừa thút thít khóc. Mồm sưng to. Phải tìm cách trả thù thằng Việt mới được. Phen này ông cho mày... biết tay ông. Xin lỗi, đang viết hồi kí nên dễ hăng tiết vịt, nói phét... vô tội vạ. Xin sửa lại cho đúng. Mày vừa cho ông... biết tay mày. Ông đau lắm. Phen này ông cho mày... biết tay thầy. Trong đầu tôi ló ra một diệu kế! Mày chạy đằng trời cũng không thoát. Hạ hồi sẽ biết tay nhau! Tất cả lục đục vào chỗ ngồi. Thầy gõ thước lên bàn. Cả lớp im lặng. Tôi bắt đầu độc diễn trò... khóc. Không to quá, không nhỏ quá. Vừa đủ... để thầy nghe. Quả nhiên, thầy trợn mắt nhìn tôi. Thế là trúng kế! Chết mày rồi, Việt ơi. Thầy đập thước xuống bàn, quát to : - Dư, tại sao khóc ? - Thưa thầy, anh Việt đánh con. - Có ai thấy anh Việt đánh anh Dư không ? - Thưa thầy có ạ. Anh
Việt cậy khoẻ bắt nạt anh Dư, đánh anh Dư sưng vù cả
mặt.
- Việt, lên đây ! Hoá ra thằng Việt cao to, khoẻ như thế mà cũng biết sợ. Nó cúi mặt, lấm lét đi lên, khoanh tay đứng trước mặt thầy. Thầy mắng : - Đi học bắt nạt bạn, mai sau ra đời bắt nạt, ức hiếp người khác. Như thế gọi là người có học mà không có hạnh. Có học mà không có hạnh thì chỉ là một lũ khôn vặt, lưu manh. Là người xấu. Từ nay cả lớp phải nhớ không đứa nào được bắt nạt bạn. Có học phải có hạnh. Nghe chưa? - Nghe rồi ạ ! Thầy bắt thằng Việt chìa bàn tay ra. - Bắt nạt bạn, bị phạt ba thước. Thước đầu, thằng Việt nhăn mặt, xoa xoa bàn tay bị đánh vào mông. Thước thứ hai, nó vừa xoa vừa khóc rống lên. Nó khóc có lẽ còn to hơn tôi khóc lúc bị nó đánh. Thước thứ ba, cả lớp im phăng phắc nhìn thằng Việt co rúm người. Khóc không ra tiếng. Bàn tay bị đánh rơi thõng xuống, nó phải lấy tay kia đỡ lên. - Lần sau còn bắt nạt bạn sẽ bị phạt gấp đôi, nghe rõ chưa ! Thằng Việt mặt tái mét, mếu máo, gật đầu lia lịa. Sau trận đòn, nó đổi tính. Hết hung hăng. Hiền lành... như cục đất. Cả lớp, không còn đứa nào dám bắt nạt đứa nào. Thầy nghiêm. Phạt nặng. Khôn hồn thì đừng đùa với kỉ luật của thầy. Tôi thích cái lớp học ấy có lẽ vì cảm thấy được an toàn, được cái thước của thầy bảo vệ. Từ ngày không còn sợ bị bắt nạt, tôi đâm ra... thích đi học. Nhưng phải nói ngay rằng thích đi học vì đến trường được chơi bi, đánh đáo chứ không phải để cắm đầu vào học. Thằng Việt bị bạn bè ghét bao nhiêu thì ngược lại thằng Huyền được bạn bè thích bấy nhiêu. Thằng Huyền hay cười, viết chữ đẹp. Thầy cho nó làm trưởng lớp. Gần đến Tết ông Công ông Táo, thằng Huyền đưa ra ý cả lớp chung tiền mua bánh chưng, mứt, hạt dưa, " mừng tuổi " thầy. Mỗi đứa đóng một đồng. Đứa nào không có đủ thì đóng năm hào cũng được. Không đóng thì thôi, không sao cả. Mấy ngày sau, thằng Huyền đưa tiền nhờ mẹ mua các thứ. Cuối buổi học tất niên thằng Huyền giơ tay xin phép thầy. Rồi " phái đoàn " do nó bàn tính, sắp đặt, lễ mễ bưng đồ lên chúc Tết thầy. Thằng Huyền ấp úng nói : - Cả lớp xin kính chúc thầy sang năm mới khoẻ mạnh bằng năm bằng mười năm nay để tiếp tục dạy dỗ chúng con. Thầy cám ơn. Giọng thầy hơi run run. A ha, học trò được thầy cám ơn. Làng nước ơi, trẻ con được người lớn cám ơn kia kìa. Mặt mày đứa nào cũng hớn hở. Thầy chúc tất cả sang năm mới chăm học, ngoan ngoãn bằng hai bằng ba năm nay. Buổi học đầu năm mới thầy mang một gói kẹo to tướng đến mừng tuổi cả lớp. Thằng Việt được thầy sai phát cho mỗi đứa hai cái. Việt ta hãnh diện lắm. Có ngoan mới được thầy để ý như thế chứ ! Thầy bảo cất kẹo vào túi. Tan học mới được ăn. Gần cuối năm học, phải học thuộc lòng một bài dài : Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Người Việt có một đặc tính là hay tự hào. Tự hào có non sông gấm vóc. Tự hào có rừng vàng biển bạc. Người Việt tự hào dùng hàng Việt. Đề nghị thêm tự hào dùng sông núi Việt để dạy trẻ con Việt. Dạy rằng : Nghĩa mẹ như nước Hương, Tiền chảy xa Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Công cha, nghĩa mẹ Việt Nam bao trùm cả ba miền đất nước. Khỏi phải dùng hàng Made in China. Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Sài Gòn. Được đi máy bay. Máy bay thật chứ không phải máy bay giấy. Lớp nhất trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây, Thị Nghè không đủ chỗ để nhận hết đám Bắc kì. Phải... thi tuyển. Lần đầu đi thi. Hồi hộp. Rồi cũng xong. Cũng trót lọt. Tôi háo hức hội nhập. Học nói giọng Sè-Goòng. Bập bẹ học vồ cá bụi tre (vocabulaire, ngữ vựng). Chả vồ được con nào. Chữ cô trả cô. Hết năm học phải thi bằng tiểu học. Thi vào đệ thất Trần Lục. Thi hoài dzậy ! Tập tễnh bước sang một thế giới khác. Thế giới của người lớn làm chính trị. Học trò làm... hậu thuẫn. Đi truất phế Bảo Đại. Đi bài phong, đả thực. Đi tố Cộng. Đi đón Lý Thừa Vãn... Thứ hai hàng tuần thầy Cương mặc đồng phục Thanh Niên Cộng Hoà, làm lễ chào cờ, suy tôn Ngô Tổng Thống. Rồi thời gian lặng lẽ trôi... Mọi chuyện bình thường. Không vấp váp. Thằng chột làm vua trong đám mù. Học được thói hợm hĩnh, vênh váo với... hàng xóm. Cho đến một ngày... " thuyền đợi khách, nhưng khách lên thuyền khác rồi ". Thôi nhé từ nay... " con chó con "! Tháng 10 năm 1964, tôi tình nguyện "bị tống cổ " đi du học bên Pháp. Tấp tểnh người đi tớ cũng đi. Hoàn toàn xa lạ. Ù ù cạc cạc. Bố Mẹ ơi ! " Ai bảo đi tây là khổ, Đi tây sướng lắm chứ ! ". Con bị ba khuyết tật " câm, điếc, túi rỗng " thì... phải chờ đến Tết Công Gô mới sướng. Giữa mùa đông, tuyết trắng xoá thì nhận được thư Bố. Bố kể chuyện nhà. Cuối thư Bố viết : " Lúc này có nhiều sinh viên không chịu được đời sống bên Pháp, lục đục trở về Sài Gòn. Cậu Mợ đã vét hết tiền mua vé máy bay cho mày đi. Bây giờ mày có muốn về cũng không có tiền cho mày về. Dư ơi, chịu khó học hành để được chuyển ngân. Cậu Mợ phải bán chợ đen mới nuôi mày được. Nếu mày học không được thì phải tự xoay xở mà sống ". Đọc thư, tôi vừa sợ vừa tủi thân, thương Bố Mẹ. Vừa rớm nước mắt vừa bủn rủn chân tay ! Đâm lao phải theo lao. Dư ơi, chỉ còn một lối thoát là... học! Chưa bao giờ tôi tự khuyên nhủ mình như vậy. " Gặm một khối tủi buồn trong thư viện. Ta ngáp dài, nhìn sách vở chồng cao ". Nhờ biết sợ, biết thân phận hèn kém, biết tủi nhục, nên học hành... trôi chảy. Được đời ưu đãi cho làm nghề " gõ đầu kĩ sư tương lai " của Pháp [*]. Gõ cho đến ngày về hưu. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Bấm đốt tay đếm năm tháng, bỗng giật mình. Người khác thì phải thuê nhà rộng mới đủ chỗ để chứa những cái sàng khôn học được. Còn mình thì... sao vẫn chưa khôn ? Uổng cơm cha mẹ. Uổng bánh mì của Pháp. Nhưng cũng tự an ủi, vớt vát một tí. Không học được cái khôn nhưng thỉnh thoảng cũng học được cái hay của thiên hạ. Có lần, học được một bài học đáng đồng tiền bát gạo. Lần ấy, bài làm đúng mà lại bị điểm xấu. Chuyện gì lạ vậy ? Làm sai mới... được điểm tốt à? Sống ở hành tinh nào vậy? Xin báo cáo như sau : Bài toán tôi làm đúng, ban đầu được 16 điểm. Nhưng bị ông trợ giáo châu phê (ghi bằng mực đỏ), giống bài của X, hạ xuống còn 8 điểm. Mất một nửa. Thấy tôi ngạc nhiên, ông nói: - Tôi biết là bạn anh chép bài của anh. Nhưng hai bài giống nhau thì cả hai người đều có lỗi. Tôi phạt đồng đều cả hai. Tôi bực mình thằng X đã " sao y bản chính ", nhưng đành cứng họng với ông trợ giáo. Ông có lí. Tôi phải trả cái giá (rẻ như bèo) của một bài học hay. Học được một điều : - Thằng ăn hối lộ và thằng đút lót, cả hai cùng có tội. Phải trừng phạt (thật nặng) như nhau. Không có lửa làm sao có khói. " Tiên học lễ, hậu học văn " ngày xưa đã bị nhiều người xấu lợi dụng. - Người ta ở đời nhờ có cha mẹ sinh ra mình, lại phải nhờ có thầy dạy cho mình thì mình mới khôn biết việc này việc nọ, mới nên con người, cho nên học trò ở với thầy cũng như con ở với cha mẹ, ấy cũng là một mối luân thường của Á Đông ta. Song cũng vì tục trọng sư đạo ấy mà sinh ra mấy thói dở. Kìa như các bực đáng mặt mô phạm, có công dạy dỗ, có ân đức giáo hoá nhuần thấm đến người thì người ta không nên quên đã đành. Còn như mấy ông đồ quèn học hành chưa hiểu vỡ mạch sách, văn chương chưa thuộc đủ lề lối, mà đã đi về các vùng nhà quê tìm nơi thiết trướng, gõ đầu năm ba đứa để hộ khẩu cho qua đời. Vậy mà cũng dám lên mặt đạo mạo, động một tí thì bổ cho đồng môn, nào khi nhà thầy có giỗ, nào khi thầy có việc mừng vui, nào khi thầy lấy vợ, nào khi thầy lên lão làng cũng lôi đồng môn ra mà bắt gánh vác, ấy lại là cái mọt của thiên hạ(1). Mấy thầy khôn vặt, sinh sống bằng nghề bắt nạt học trò. Thật đốn mạt ! Con sâu làm rầu nồi canh. Đến thời bị Pháp cai trị, các ông làm nghề godautre (gõ đầu trẻ) cũng được xã hội coi trọng. Nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng làm nghề này trong một thời gian dài. Người ta không biết rõ Nguyễn Công Hoan hồi nhỏ được các thầy dạy dỗ ra sao. Đến lượt chính mình đi dạy học thì thầy Hoan dạy dỗ học trò những gì ? Người ta chỉ biết Nguyễn Công Hoan là một nhà văn có tài, tác giả của rất nhiều truyện ngắn, truyện dài nổi tiếng. Sau này Nguyễn Công Hoan có dịp viết hồi kí. Thể loại khác, bút pháp cũng đổi khác. Viết hồi kí Nguyễn Công Hoan hay dùng lối nói đốp chát thẳng thừng, có lúc quên cả " Tiên học lễ, hậu học văn ". Điển hình là một đoạn viết liên quan đến lịch sử nước ta : - Khải Định là một thằng vô học, chỉ chơi bời. Năm 1919, nó đã " ngự giá Bắc tuần ". Nó nghĩ ra cách ăn mặc rất ngộ nghĩnh : Vàng từ đầu đến chân. Nón lợp vải vàng, có đính long ly quy phượng bằng vàng. Khăn vàng. Áo màu vàng, thêu kim tuyến, ngắn trên đầu gối. Hai vai đeo ngù quan binh Pháp bằng vàng. Thắt lưng to bản giát vàng. Ghệt đính vàng. Giày tây da vàng, có gài cái sắt thúc ngựa bằng vàng. Tay đeo bốn chiếc nhẫn vàng mặt đá màu lớn. Ra Hà Nội, nó ngồi cùng xe với toàn quyền Sa-rô. Mình cứ tưởng đống rơm, không biết là người. (...) Nó ra Bắc để ký nhường cho Tây Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng làm nhượng địa"(2). Trong cùng cuốn sách, ở một trang khác Nguyễn Công Hoan lại viết "Ngộ nghĩnh nhất là bộ quần áo nó (chỉ vua Khải Định) mặc ra thăm Bắc Kỳ năm 1917, gọi là ngự giá Bắc tuần ". Nguyễn Công Hoan nhớ hai năm khác nhau, 1917 và 1919. Tôi tò mò muốn biết vua Khải Định ngự giá Bắc tuần năm nào? Khải Định nhường Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho Pháp ngày nào? Về chuyện nhường đất, sử nhà Nguyễn chỉ chép vắn tắt : - Tháng 8 năm Mậu Tý(1888) đem xứ Hàn (Tourane) làm đất nhượng địa Đại Pháp (3). Trần Trọng Kim chép đầy đủ hơn : - Tháng 8 năm Mậu Tí (1888) Triều đình ở Huế ký giấy nhường hải cảng Đà Nẵng, thành thị Hà Nội và Hải Phòng cho nước Pháp để làm đất nhượng địa nghĩa là từ đó việc cai trị và pháp luật ở ba thành thị ấy thuộc về nước Pháp, chứ không thuộc về nước Nam nữa (4). Tài liệu của Pháp cho biết rõ ràng : - Ngày 1/10/1888, vua Đồng Khánh kí giấy nhường đứt Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho Pháp (5). Chuyến tuần thú Bắc hà (inspection impériale) của Khải Định được Orband tường thuật chi tiết từ ngày đầu đến ngày cuối. Xe lửa chở phái đoàn rời Huế lúc 12g30 ngày 19/4/1918, đến ga Hà Nội lúc 17g ngày 26/4 và trở về đến Huế vào chiều ngày 9/5/1918 (6). Sử của ta cũng chép đầy đủ chuyến ngự giá Bắc tuần của vua Khải Định. Chuyến đi diễn ra từ ngày mồng 9 tháng 3 đến ngày 29 tháng 3 năm Đinh Tị (1918) (7). Vua Khải Định ra Bắc năm 1918 (chứ không phải 1917 hay1919 như Nguyễn Công Hoan nhớ). Mục đích của nhà vua là tham quan, thăm dân cho biết sự tình. Vua Khải Định ra Bắc không phải để kí nhường cho Pháp ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng làm nhượng địa. Vua Đồng Khánh (cha Khải Định) đã kí từ 30 năm trước rồi (1888). Có lẽ vì nóng giận, mất bình tĩnh, Nguyễn Công Hoan đã vu oan cho vua Khải Định. Ngoài thằng vô học Khải Định, Nguyễn Công Hoan còn điểm mặt một xâu những thằng tai to mặt lớn khác như thằng công sứ Thái Bình Minault, thằng chánh lục lộ Đông Dương Puyane, thằng toàn quyền Sarraut... - Cụ nào mà ăn nói hăng thế? Giậu đổ bìm leo, đánh võ miệng thì ai đánh chả được! Đánh giặc mà đánh tay không, Thà về xó bếp giương cung bắn mèo. Bọn trẻ sinh sau đẻ muộn không có được cách xưng hô của nhà văn viết hồi kí, kể chuyện chống phong kiến, thực dân, đế quốc. Thời Pháp còn tạm chiếm Hà Nội tụi nhóc con phải ê a: Đang lúc tuổi còn non Các cậu phải chăm học Có học mới nên khôn. Phong kiến cho thầy ngồi chiếu cao. Thôi thì... trăm sự nhờ thầy. Thầy ra thầy thì may ra trò nên người. Thầy không ra thầy thì... bỏ mẹ cả lũ. Xưa cũng như nay, nhà nào phúc đức thì gặp được " Nhất tự vi sư, bán tự vi sư ". Vô phúc thì vấp phải " Nhất tự...tiên sư, bán tự... tiên sư nhà thầy" ! Có người nghĩ rằng xã hội bây giờ tiến nhanh quá, " đổi mới " chóng cả mặt. Tuổi trẻ thích ứng không kịp. Vì vậy, cần phải đặt ra xóm " văn hoá ", tuyến phố " văn minh " tại các thành phố để động viên mọi người. Dò hỏi thì được biết gia đình nào vợ chồng không chửi nhau, không đánh nhau, con cái học hành tử tế thì được tặng danh hiệu gia đình văn hoá. Xóm nào không có trộm cướp, không chửi nhau, chém giết nhau thì được gọi là xóm văn hoá. Văn minh là không vứt rác, không đái bậy, không lấn chiếm lề đường... Lối sống văn minh, có văn hoá như vậy dường như ngày xưa đã được Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư giảng dạy cho trẻ con. Nhiều phụ huynh trẻ ngày nay bỡ ngỡ trước câu " Tiên học lễ, hậu học văn ". Ta đã mất nhiều thời gian, nhiều thế hệ mới phá bỏ được tàn tích của phong kiến. Bây giờ lại có người muốn đi giật lùi sao? Không ai muốn đi giật lùi đâu. Phải tiến, phải " chồm lên phía trước " chứ. Miễn là đừng chồm như ngựa bất kham.
(2)- Nguyễn Công Hoan, Nhớ và ghi về Hà Nội, Trẻ, 2004, tr. 140-142. (3)- Cao Xuân Dục, Quốc triều sử toát yếu, Văn Học, 2002, tr. 526. (4)- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tập 2, Miền Nam tái bản, tr. 345. (5)- Philippe Papin, Histoire de Hanoi, Fayard, 2001, tr. 225). (6)- Richard Orband, Voyage de S.M. Khải Định dans le Nord-Annam et au Tonkin, BAVH, Juillet-Septembre 1918. (7)- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Thời Đại, 2010, tr. 275-276. |
|
[ * ] - Chú thích của BBT CVCN : Tác giả Nguyễn Dư , Tiến sĩ Khoa học, nguyên là Giáo sư Trường Kĩ sư "Ecole Centrale" , tại Lyon - Pháp, cho đến khi về hưu. |