Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Bà Hồ Xuân Hương tân biên liệt truyện 

***
Phí Ngọc Hùng


Thiếu nữ ngủ ngày - Thơ Hồ Xuân Hương 
Tranh Bùi Xuân Phái (1920-1988) 
Hà Thành mới chớm xuân, giải hanh vàng trải đầy ngập đường ngập ngõ, cụ Cử đang lúi húi với mấy giò lan đất xanh xao vàng úa, vì cái rét ngọt năm rồi, thêm trận mưa âm ỉ đêm hôm, rồi lẩn thẩn bước vào nhà. Sáng nay trời nắng rám mùi dâu, giọt ba tiêu ra rả, vừa đi cụ vừa lẩm nhẩm ngâm nga cửa tiên công khi xây đắp đỉnh chung, mấy thu tròn tìm thú cỏ hoa, chăn thúy vũ những bèo trôi xốc nổi....

Ngày trời tháng bụt của cụ Cử là vậy, khi trưa phơi sách, khi chiều tưới cây vì cụ phong kiếm quy điền đóng cửa tạ khách từ lâu. Con ngõ Yên Thái nhà cụ xuân thu nhị kỳ mới có cổ kim hiền hữu năng tầm, nhưng tối về là náo thị u lâm vang vọng với tiếng chát, tiếng tom của mấy nhà hát cô đầu ngay xế cửa nhà cụ. Nghĩ đến mấy thu tròn, cụ chợt nhớ đến bài phú của ông đồ bát nháo nào đó cũng hay hay và cụ lẩm bẩm một buổi chiều thanh thản, chợt nghĩ đến người bạn tri âm, lâu năm không gặp. Vừa lúc đó, nghe tiếng lạch cạch ngòai cổng, nhìn ra thì đúng là người mình nghĩ đến. Đang vẩn vơ với tri giao quái ngã sầu đa mộng..., cụ thóang nghe có tiếng giật chuông giục giã, ngóng ra vườn, hóa ra cụ Tú bên Tây Hồ qua chơi. Cụ nhủ thầm, mà cụ Tú này cũng đỏang, chùm chăn cả năm như con nghén, con tằm bây giờ mới chịu chui ra.

Vừa dợm bước vào, dựng vội cái ô ở bu cửa, mượn miếng trầu là đầu câu chuyện, cụ Tú đã láo nháo như chào mào ăn đậu ở nhờ:

- Này bác Cử hay tin này chưa, họ vừa mới tìm ra là Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn không phải bà Đòan thị Điểm dịch giả mà do cụ Phan Huy Ích trước tác (1). Chuyện là con cháu của cụ là Phan Huy Chiêm có những chứng từ gia phả dòng họ Phan ở phủ Quốc Oai, từ thời Tây Sơn với bản chép tay cơ đấy.

Cụ Cử đang bận tay lau bộ ấm trà gia bảo Thế Đức gan gà, ngước mắt nhìn lên, buông thõng một câu ra cái điều ngao ngán:

- Úi dào...Chuyện này tôi cũng nghe hơi nồi chõ. Họ bắng nhắng như nhặng vào cầu tiêu ấy thôi. Bác Tú còn lạ gì nữa.

Cụ Tú sắng sít sắng sẻ:

- Ấy không đâu...

Cụ Cử làm như không nghe, vào nhà, mang ra một tập cảo thơm đóng nẹp tre đã ố vàng. Vừa bước chậm rãi từng bước một cụ vừa ư hử: "Ngồi buồn nhớ chị Xuân Hương - Hồn thơ còn hãy như nhường trêu ai.." (Tản Đà - Giấc mộng con). Cụ nói bâng quơ trong khi cụ Tú lơ đễnh nhìn mấy chậu lan đất èo uột:

- Tôi có chuyện mọn này muốn bộc bạch với bác, rằng bàn dân thiên hạ đã bao năm quen thuộc với Chinh Phụ Ngâm là do bà Đòan thị Điểm dịch thuật rồi. Theo tôi có sao để vậy, đừng quấy hôi bôi nhọ nữa, chả ra làm sao sất cả, thưa bác.

***

Cụ Tú quay lại...lại ngẫn ngẫn thêm:

- Tôi ghé bác cũng vì chuyện này đây, số là thằng Phán nhà tôi học ở đâu đó về cho tôi hay: Theo Hồ Quỳnh Gia Phả thì Hồ Sĩ Anh đời nhà Lê, hai trong bốn người con là Hồ Thế Viêm và Hồ Phi Cơ. Nguyễn Huệ là cháu bốn đời của Hồ Thế Viêm và Hồ Xuân Hương là cháu bốn đời của Hồ Phi Cơ. Như vậy cả hai là anh em họ, cùng ông tổ năm đời của Hồ Sĩ Anh. Theo gia phả thì ông tổ của dòng họ Hồ là Hồ Hưng Dật, di dân sang cổ Việt từ thời Ngũ Đại, vốn người Triết Giang, lập cư ở Nghệ An.

Cụ vừa nhấc cái siêu nước đồng con cò để lên ông đầu rau, vừa thủng thẳng hỏi:

- Bác biết cội nguồn thế tục, nhưng còn thổ ngơi bản quán của bà thì bác tính sao đây, thưa bác.

Cụ Tú mặt nhăn quéo lại như táo tàu khô, giọng chao chát:

- Chậc! Bác cứ nói thế...Thế bác còn lạ gì tôi cơ chứ, chữ nghĩa chưa đong đầy lọ mực, lâu lâu lại nhai văn nhá chữ buồn ta, con giun còn biết đâu là cao sâu (thơ Cao Bá Quát), ai mà so bì được với bác.

Cụ Cử nheo mắt, tủm tỉm cười:

- Lạ chửa kìa, bác này rõ dở hơi. Thử hỏi rằng tôi với bác gặp nhau ở cái tuổi lá vàng xào xạc này, ngòai ba cái chuyện nhai văn nhá chữ dối già, nào khác gì ngồi buồn đốt một nhúm rơm, khói lên nghi ngút chẳng thơm tí nào...

Không đợi cụ Tú trả lời, giơ sấp giấy hoa tiên mực tàu lên, cụ phân bua: "Thì tôi đang đốt rơm đây, chẳng dấu gì bác, mới năm rồi tôi tìm đọc được tập LưuHương Ký. Tập Lưu Hương Ký(2) do một ông cử nhân người làng Hành Thiện phát hiện trong tủ sách gia đình của mình là văn bản duy nhất có đề tên Hồ Xuân Hương. Với tam sao thất bản nên có sao tôi thưa vậy. Qua đấy tôi mới hay chữ "Lưu" chính là huyện Qùynh Lưu và Hương là tên hiệu, tên tục của bà là Phi Mai. Xuân Hương và Phi Mai, nghĩa Nôm là hoa mai bay trên hồ với hương xuân.Bà sinh năm 1772 tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, Thăng Long. Bà theo chồng làm quan tại Quảng Yên, sau khi chồng mất, bà vào tu chùa Hoa Yên núi Yên Tử. Nhưng sau đó bà trở về Cổ Nguyệt Đường và bà mất vào năm 1822 (3). Năm 1842, hai mươi năm, vua Thiệu Trị ra Bắc Thành tiếp sứ nhà Thanh, Tùng Thiện Vương theo anh thăm Tây Hồ có bài thơ viếng mộ Xuân Hương Long Biên trúc chi từ. Thế nhưng nay mồ hoa cỏ lục của bà chẳng thấy đâu. Bà là con gái của ông đồ Hồ Phi Diễn, làng Quỳnh Đôi, Nghệ An. Sau khi cha chết, Hồ Phi Mai và mẹ về ở thôn Tiên Thị, làng Nghi Tàm, huyện Thọ Xương đề biển là Cổ Nguyệt Đường, nhà dưới làm cửa hàng bán giấy bút và sách".

Cụ Cử giở mấy trang giấy hoa tiên và u mặc tiếp: "Qua tập cổ thư này, tôi mới vỡ nhẽ ra bà là thiếp của Quảng Yên Trấn ải quan Trần Phúc Hiển, thưa bác".

Cụ Cử vừa nhấc ấm trà lên chuyên vào chén tống...Chẳng hiểu buồn môi ngứa miệng thế nào chả biết nữa, cụ Tú lập cập: "Thế thì tôi biết rồi, Cổ Nguyệt Đường do bà dựng lên ở phường Khán Xuân cũ, gần Hồ Tây, khúc đường Cổ Ngư làng Yên Phụ. Khu trường Bưởi trước thằng Phán nhà tôi theo học ấy mà".

***

Không thấy cụ Cử nhếch mép, như đỉa phải vôi, cụ Tú lập bập tiếp:

- Lạ vấy! Vậy chứ ông Tổng Cóc, ông phủ Vĩnh Tường không là chồng bà Hồ Xuân Hương? Há có chuyện ấy sao, thưa bác?

Thong dong nhàn nhã, cụ Cử châm trà từ chén tống qua chén quân và tiếp, giọng trầm trầm: "Ấy là chuyện sau thưa bác, bác gợm đã để tôi nuốt câu bớt chữ, gọt cốt vừa giầy với Cổ Nguyệt Đường trước đã. Hai chữ "Cổ" và "Nguyệt" ghép lại thành chữ "Hồ", có nghĩa là nhà của cô gái họ Hồ là nơi "Ấm trà tiêu khát còn nghe giọng, chén rượu mừng xuân dạ thấy say" với sĩ phu Bắc Hà đương thời để có những cuộc tình lớn, mối tình con. Trở về chuyện chồng con của bà, con người tài hoa kết bạn với những tao nhân mặc khách Thăng Long, mắc mớ gì gá nghĩa với ông Tổng Cóc cho phí của giời. Trước hết, nghĩa tử nghĩa tận, chẳng ai làm thơ khóc chồng lại dùng những tên cúng cơm xấu xí, diễu cợt người đã khuất như cóc, nhái, bén, chẫu chuộc. Thêm nữa, đi đâu bà cũng làm thơ tác nhân vịnh cảnh, ấy vậy mà quê ông Cai Tổng Kình tục gọi là Tổng Cóc ở huyện Phong Châu, Vĩnh Phú.Gần đấy có nhiều thắng cảnh, di tích như rừng Trám, đền Hùng, miếu Trò với tục linh tinh tình phộc, vậy mà bà không đả động gì đến lễ hội Nõ Nường này. Bác Tú thấy có lạ đời không cơ chứ?.

Cớ sự gì để có thơ Ông Tổng Cóc thì tôi xin mạo muội thưa với bác như thế này đây: Thời Trịnh Nguyễn, chức cai tổng chỉ là tiếng gọi cho hoách vậy thôi...Đúng ra là xã trưởng, vì thôn xã ta xưa kia ở nơi đèo heo hút gió ấy loe ngoe chục nóc gia. Bác cứ thử ngẫm mà xem, đường xa vạn dặm, một người của Thăng Long với tứ thời bát cảnh, thân gái dặm trường chẳng dại gì cõng mẹ già lên tận mạn ngược Phú Thọ sương lam chướng khí để lấy một ông xã trưởng háo danh. Số là ông ta đang sống nhăn, khi không đâm đầu tự lập đền thờ cho chính mình, vì vậy họ ghen ghét và làm thơ để tế sống ông ta đấy thôi. Bà chúa thơ Nôm hay làm thơ lắt léo, bỗng dưng bị quàng cái ách không đâu, tôi nghĩ quẩn như vậy chẳng biết có hợp nhẽ bác chăng."

Ngồi không ngứa miệng, cụ Tú chêm vào:

- Bác dậy sao tôi nghe vậy. Nhưng cứ theo sách Bà chúa thơ Nôm của ông thi sĩ Xuân Diệu viết thì chiều 30 tết, Tổng Cóc đem biếu quà tết cụ Đồ Xứ Nghệ bị bà Hồ Xuân Hương ra câu đối"Tối ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới ". Sáng hôm sau, Tổng Cóc lò mò đến xông nhà đối lại "Sáng mồng một mở then tạo hoá để cho thiếu nữ rước xuân vào", nghe hay quá nên bà mới lấy làm chồng. Hiện nay tại nhà thờ của ông Kiều Phú, thôn Đại Đình, xã Sơn Dương còn tấm ván mít ghi những bút tích thơ Nôm của bà "Thảo lai băng ngọc kính - Xuân tận hoá công hương - Độc bằng đan quế thượng - Hào phóng bích hoa hương" cơ đấy.

Cụ Cử nhìn cụ Tú lắc đầu ngán ngẩm: "Ông Xuân Diệu rõ rách chuyện gì đâu chả biết nữa. Theo thiên hạ sự hai vế đối gối hạc trên còn ai trồng khoai đất này là của một người với vế trên, vế dưới, là...bà chúa thơ Nôm với nguyên bản: "Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đem quỷ tới - Sáng mùng một, lỏng then tạo hóa, mở toang cửa cho thiếu nữ rước xuân vào". Thêm nữa, ông Xuân Diệu bày vẽ gì cũng phải liệu bò lo chuồng chứ. Chả là tấm ván làm bằng gỗ mít như bác biết thừa bứa là loại gỗ này mềm nên chỉ để làm con dấu, con triện. Vả lại cái ngữ mọt như gỗ mít thì làm sao giữ được cho đến thời buổi này. Chuyện là vậy đấy, bác thấy sao?.

Thêm chuyện bà làm lẽ ông Phủ Vĩnh Tường lại thậm ư vô lý nữa. Thường thì miệng lưỡi thế gian khi muốn gán ghép cho ai một giai thọai, giai ngẫu nào đó, họ dựng đứng lên như chuyện có thật vậy! Như cua ốc mùi bùn thế này đây, thưa bác...

"Vào một chiều bảng lảng, Cổ Nguyệt Đường nơi Hồ Xuân Hương dạy học, bên cạnh có quán trà của bà mẹ. Văn nhân phủ Vĩnh Tường gặp cô hàng nước bên đường, mà phải là ở Tây Hồ mới đi vào sử thi với tình sử. Nào có khác gì cụ Nguyễn Trãi gặp bà Thị Lộ bên Tây Hồ với hỏi đáp đã có chồng chưa, được mấy con, chông còn chưa có hỏi chi con...Thế là văn nhân bèn xin làm thơ làm quen, nhưng vỡ bọng cứt chỉ được bốn câu là tắc tị bèn lăn quay ra...chết giấc. Cô hàng nước họ Hồ thấy thế mắng cho một câu: "Nếu không làm được thơ thì xin lui về nhà. Chớ còn nằm đó ăn vạ mãi sao". Nhưng mãi không thấy tỉnh giấc Nam kha, thương cảm quá nên lấy ông để...làm lẽ cho xong nợ. Hơn hai năm sau ông mất, vậy mà cái nợ đời vẫn đeo đẳng bà để khi không có bài thơ giời ơi đất hỡi là bài Khóc ông phủ Vĩnh Tường".

Nhưng người làm bài chết tiệt này quên khuấy đi một điều là:

Huyện Vĩnh Tường, thuộc Vĩnh Yên trước đó suốt thời vua Gia Long được gọi là huyện Tam Đái. Cứ theo Đại Nam Nhất Thống Chí quyển Sơn Tây chép năm Minh Mạng thứ nhất vì chữ "đái" thô tục nên đổi ra là Tam Đa. Đến Minh Mạng thứ ba 1822 mới đổi thành..."phủ Vĩnh Tường". Thời gian này thì bà đã quy tiên lâu rồi. Giời ạ, ông giời có mắt xuống đây mà xem có chướng không cơ chứ hả giời.

Bác cho là tôi lú lẫn quá chăng, quá mù sa mưa thì tôi cũng xin trình với bác giai thoại bà hàng xóm của bà Hồ Xuân Hương cho phải nhẽ. Chuyện là bà này đi lấy chồng, người chồng được bổ làm tri huyện nhưng không bao lâu thi chết, bà ta về nhà lại và nhớ chồng mà khóc. Bà Hồ Xuân Hương làm bài thơ chế giễu bà nọ có câu: "Ai về nhắn nhủ đàn em nhé - Xấu máu thì khem miếng đỉnh chung...". Từ bà hàng xóm mới chỉ lấy ông tri huyện với miếng đỉnh chung không thôi, bà đã gầm ghè đề thơ thì ngay với ông xã trưởng nơi thôn giã xa xôi...thì tôi trộm nghĩ không có chuyện bà Hồ Xuân Hương làm lẽ cho...cả hai ông này, thưa bác".

Cụ Tú được thể len chân vào:

- Hay là thiên hạ rỗi hơi dựa dẫm vào bà hàng xóm khóc chồng ở trên để làm bài Khócông Phủ Vĩnh Tường cũng nên.

Với tay cái điếu bát rồi để đó, cụ điềm đạm đáp: "Úi dào...Ai biết đó là đâu". Cụ gục gặc đầu: "Xin thưa với bác là lạt mềm buộc chặt thì hai mối tình với ông Tổng Cóc và ông phủ Vĩnh Tường không có dấu vết trong tập Lưu Hương Ký, thưa bác".

***

Tay vân vê bi thuốc lào, cụ râm ran: "Lại nữa, nước ao mà vỗ lên bờ nên mạo muội bác luận giải cuộc đời của bà Hồ Xuân Hương nó tang thương ngẫu lục như sau:

- Mẹ bà họ Hà, người Hải Dương, ông đồ Nghệ về đấy dậy học và lấy mẹ bà làm lẽ. Lớn lên, bà quen với Chiêu Hổ cũng người Hải Dương, tiếp đến, bà theo cha mẹ về Thăng Long. Cha bà mở trường dậy học ở đấy. Rồi cha mất sớm, mẹ bà thui thủi một mình nuôi con ăn học, để sau này bà có những bài như Làm lẽ, Dỗ người đàn bà khóc chồng, Thân phận người đàn bà là để nói lên thân phận hẩm hiu của mẹ bà.

Bỗng khi không cụ Tú lưỡi đá miệng:

- Ấy đấy, cứ như thằng Phán nhà tôi học lại thì sau khi thân phụ bà mất. Bà tiếp tục thay thân phụ dậy học. Một trong những môn sinh của bà là bà Nguyễn Thị Hinh cùng làng Nghi Tàm. Sau này là bà Huyện Thanh Quan.

Đang định nhấp tách trà, cụ Cử bỏ xuống và chép miệng:

- Nói cho ngay giai thoại này tôi cũng có nghe qua, với tận tín thư bất như vô thư thì chuyện đâu hãy còn đó...Chuyện bây giờ tôi đang dở dang với bác là...

Và cụ tiếp:

"...Là dựa vào những năm ghi trên những bài thơ và tựa viết tên các danh sĩ trong tập Lưu Hương Ký thì bà gặp người tình đầu là Nguyễn Du. Cứ theo nhà biên khảo Hoàng Xuân Hãn cho rằng cuộc tình này xảy ra vào khoảng 1790-1793, lúc đó Nguyễn Du chừng 27-30 tuổi, còn bà Hồ Xuân Hương khoảng 19-22. Tiếp đến tất bật với những người tình giữa là Mai Sơn Phủ, Tốn Phong, Trần Quang Tĩnh. Rồi thì Tốn Phong trở lại trong khi bà lu bu với người tình mới là Trần Quán. Và cuối cùng bà chật vật với người tình cuối không ai ngoài Trần Phúc Hiển. Ngỡ như mẹ, bà ngỡ là an phận làm lẽ Trần Phúc Hiển, chẳng bao lâu chồng bà chết. Lại bị chết chém nữa, thế nên tôi thấy cuộc đời bà tang thương ngẫu lục là thế đấy! Thưa bác".

Cụ Cử húng hắng ho khan rồi rị mọ thêm: "Năm 1803 thời Gia Long, Trần Phúc Hiển được thăng dần đến chức Tri huyện Tam Đái. Trần Phúc Hiển rời Tam Đái rong thuyền về Thăng Long gặp bà Hồ Xuân Hương ở Cổ Nguyệt Đường khi bà 35 tuổi. Năm 1813 ông nhậm chức Tham Hiệp Trấn Yên Quảng, bà mới đặt chân đến Quảng Yên và sáng tác những bài Bạch Đằng giang tặng biệt, Lưu biệt thời tại An Quảng, An Hưng ngụ thứ. Tiếp là 5 bài vịnh Hạ Long thắng cảnh và 16 bài về biển cả sông nước, thêm một bài nữa vừa được tìm thấy sau cuốn Quảng Yên Địa Dư Chí".

Cụ Tú ngồi ngay tán tàn, giọng hâm hâm:

- Lạ vấy, Trần Phúc Hiển là chồng bà Hồ Xuân Hương? Há có chuyện ấy sao?

Vung vẩy cái xe điếu, cụ Cử xuống giọng: "Gớm, bác rõ bát nháo thật, thì đây nói có sách mách có chứng, ngay cả trong sách Đại Nam Thực Lục đời Nguyễn có viết: "Ông là bạn của nữ sĩ Hồ Xuân Hương người Nghệ An, ông hay lui tới Cổ Nguyệt Đường tụ tập làm thơ. Tháng hai năm Ất Hợi 1815, được bổ nhậm chức Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng, đến tháng năm Mậu Dần 1818 sẩy ra vụ án Trần Phúc Hiển tham nhũng và ông mất ở đấy". Trong Quốc Sử Di Biên thời vua Tự Đức 1851, Thám hoa Phan Túc Trực tựa: "Năm 1816 nữ sĩ Hồ Xuân Hương là thiếp của quan Tham Hiệp Trấn Quảng Yên Trần Phúc Hiển. Bà Xuân Hương vốn giỏi văn chương và chính sự nên người đương thời khen bà là nữ tài tử. Quan Tham Hiệp thường sai Xuân Hương can dự vào những chuyện bên ngòai, thủ hạ ghen ghét vu cho tội tham nhũng vì thế bị giam năm 1818 và bị án tử hình năm Kỷ Mão 1819 thời vua Gia Long".

Ừ thì biết thưa thốt với bác thế nào đây, chả là ngoài bà hanh thông chữ Hán, chữ Nôm, theo người đời thuật lại bà thanh tao, mẫu mực, bà là người học rộng, văn chương tài trí hơn người. Nên bà được chồng ủy nhiệm cho xem xét và xử các vụ kiện của dân chúng thì bà phải tinh thông lễ nghi đạo nghĩa. Bà không thể viết lối văn chương phàm phu tục tử như người đời đã thêu dệt, bóp méo vo tròn cho bà".

Cụ Cử chép miệng: "Ngặt một nỗi không những vậy còn to chuyện là bà bị đem voi bỏ rọ với lá đơn của Nguyễn Thị Đào mà trước kia theo giai thoại là của bà Huyện Thanh Quan. Chuyện là khi bà làm lẽ cho Trần Phúc Hiển, bà có phê trong lá đơn của một thôn nữ góa chồng xin tái giá chữ rằng xuân bái tái lai, cho về kiếm chút chẳng mai lại già.Chẳng qua là họ trích lục ở câu: "Quan Tham Hiệp thường sai Xuân Hương can dự vào những chuyện bên ngòai...." đấy thôi. Đó là tôi chưa mạn phép bác bới bèo tìm bọ đến bài Chơi đài khán xuân, Cảnh thu thì người thì cho là của bà, kẻ thì cho là của bà Huyện Thanh Quan, lắm thầy thối ma, chẳng biết đầu mà lần".

Như nghĩ ra điều gì hay ho lắm, cụ Tú xắm xả:

- Tôi nghe lóm được là bài Đánh Cờ Người, và bài Thợ Săn cũng chẳng phải là của bà. Dốt như me dốt như tôi cũng thấy họ vẽ chuyện như bác dậy thật.

Cụ Cử ậm ừ: "Với hai bài thơ trên, tôi thấy chữ nghĩa tân thời quá, chả phải ngôn từ mộc mạc dân gian của bà. Theo tôi ấy chỉ là văn chương phú lục mới đây thôi. Vả lại thơ bà thường là thất ngôn bát cú hoặc ngắn hơn, trong khi bài Đánh Cờ Người khí dài dòng văn tự quá thể. Riêng bài Thợ Săn cứ như chuyện cậu ấm với cô chiêu của Khái Hưng vác súng đi săn vịt giời ấy". Tay cầm cái điếu vung vẩy, cụ nhởn nha: "Đào sâu chôn chặt thì cùng thời với bà có bài Đi săn nhưng lại là của người tình của bà là...cụ Nguyễn Du khi cụ nhậm chức tri phủ Phù Dung, thế mới phiền hà, thưa bác".

Cụ Tú ấm ức mãi đến giờ mới nhúc nhắc:

- Nghe thủng chuyện thì bà có khuynh hướng làm thơ trên trời dưới đất. Ngoài ra bà chỉ có mươi bài ái tình ỡm ờ.

Cụ Cử nhíu mày: "Úi dào...Cái nhà bác này rõ hay chửa. Thế nào là...ỡm ờ. Bác không hay là khi bà và cụ Nguyễn Du quen biết nhau, bà nhắn nhe thật nhẹ nhàng qua bài Mời trầu. Cụ Nguyễn Du có người tình là cô Cúc ở phường Trường Lưu, mặc dù cô Cúc đã luống tuổi, vậy mà bà làm bài Tranh tố nữ rất thanh tao. Ngay cả đến hai chị em cô Uy, cô Sạ làm ở phường vải và đã theo ông một thời gian, bà làm bài Dệt cửi cũng thanh nhã không kém, thưa bác".

***

Kéo cái điếu bát gần hơn nữa và làm như không có cụ Tú ở đấy: "Ấy đấy, những năm tháng ở cái tuổi hoa xuân nơi chốn dân giã, bà đã mang phong dao tục ngữ vào thơ với âm điệu gần gũi, bình dị và mộc mạc rất tài tình, đầy hình tượng và dễ nhớ: Chẳng hạn như bài Mới trầu trên có hai câu thành ngữ xanh như lá và bạc như vôi được áp dụng trong câu thơ "Đừng xanh như lá, bạc như vôi". Hoặc giả như ở bài Quan thi thì hai câu: "Đố ai biết đó vông hay trốc, còn kẻ nào hay cuống với đầu" lại chính là hai hình ảnh hết sức ví von được rút ra từ hai câu tục ngữ ngồi lá vông, chổng mông lá trốcđầu trỏ xuống, cuống trỏ lên...Rồi đến "Bảy nổi ba chìm với nước non" của bài Bánh trôi nước, ý của thành ngữ ba chìm bảy nổi hoặc bảy nổi ba chìm .

Cụ khủng khẳng với chuyện cũ: "Năm 1804, cụ Nguyễn Du đi gặp sứ Tàu ở ải Nam Quan nhận bộ ấm "Giáp Tý 1804"của vua Càn Long tặng vua Gia Long, trên đường về Huế ghé Thăng Long thì gặp bà. Và bà có bài Bánh trôi nước, bài này thì...".

Cụ Tú dường như chỉ đợi dịp này từ lâu nên vặn vẹo:

- Chậc! Tôi cứ vụng tính vụng suy thì bà làm bài này để hòai Lê.

Cụ Cử chậm rãi mồi lửa cái đóm nứa, rồi từ tốn: "Tôi chả dám luận bàn bà và cụ Nguyễn Du hòai Lê này kia. Có cho ăn gan giời tôi cũng chả dám luận thơ bà trần tục như đĩ chơi giăng này nọ mà chỉ thấy thơ bà rất gần gũi với tình tự dân gian. Ngay cả như cụ Nguyễn Du cũng vậy, khi viết về chuyện trăng hoa qua truyện Kiều, cụ chỉ lơ thơ tơ liễu buông mành với mưa Sở mây Tần, dập dìu lá gió cành chim. Ấy vậy mà các cụ nhà nho ta còn cho là dâm thư, với: "Ai dâm sầu óan đạo dục tăng bi", để có chuyện trường văn trận bút giữa hai cụ Phạm Quỳnh với cụ Ngô Đức Kế mới đây".

Đợi cho cái đóm lửa tắt ngấm, dập dập cái tàn lửa xong cụ tiếp:

"Chẳng phải đợi đến sau này, cụ Nguyễn Công Trứ cho Truyện Kiều là: "Đọan trường cho đáng kiếp tà dâm", mà bác Tú nhớ dùm là Thăng Long thành dân cư thời ấy, theo sử sách chỉ có từ hai cho tới bốn chục nghìn người là hết đất, bà Hồ Xuân Hương giao du với một số đông văn nhân tài hoa. Nếu bà có những bài thơ nhiều dâm tính như vậy, sao cụ Nguyễn Công Trứ và sĩ phu Bắc Hà không đả động gì đến. Trong khi qua Đại Nam Thực Lục hoặc với Quốc Sử Di Biên của ông Thám Hoa triều Thiệu Trị, các quan bộ Lễ, bộ Công triều Nguyễn đều một lòng một dạ gọi bà là nữ sĩ hay nữ tài tử, tương kính và lịch lãm như trên, như bác đã tường..."

Khi không cụ Tú lóng chóng:

- Ừ mà ở hiền gặp lành, chứ váy rách tan tành có giời vá cho. Vậy chứ còn chuyện cụ Nguyễn Du với bà chúa thơ Nôm thì sao. Tôi trộm nghe nói lằng nhằng lắm.

Cụ Cử tặc lưỡi: "Dào, bác cứ như rắn ngày ấy, theo tôi thì cụ Nguyễn Du viết truyện Kiều trong lúc trà dư tửu hậu thì chẳng cao thâm như bác nghĩ đâu, mà phiên phiến chỉ là cụ ấy muốn gửi gấm một cái gì đó cho người tình cũ Hồ Xuân Hương của riêng cụ ấy thôi. Đầu đuôi là qua bài Sở Kiến Hành, cụ viết về chuyến đi sứ lần thứ hai năm Giáp Tuất 1814, cụ tìm được cuốn cổ thư ở bến Hàng Châu. Sách đã mất bìa, ở giữa trang đầu là hàng chữ Phong Tình Lục, dưới chữ nhỏ hơn "Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ""Ngũ Vân Lâu tàng bản". Mỗi bề hơn kém một gang tay, in thạch bản dòng mười, mỗi dòng hăm nhăm chữ. Cuốn này khởi thủy từ Kỳ Tiểu Trừ Từ Hải bản mạt của Mao Khôn, một mặc khách trong dinh Hồ Tôn Hiến, nên được biết Thúy Kiều là con hát có thật, được Hồ Tôn Hiến gả cho thổ quan là...hết chuyện, thưa bác.

Tới Thanh Tâm Tài Nhân viết Kim Vân Kiều truyện thêm thắt dài dòng từ lúc Thúy Kiều khi còn phong gấm, đi thăm mộ Đạm Tiên, gặp Kim Trọng, bán mình chuộc cha, lọt vào tay Mã giám Sinh, Tú Bà, Hoạn Thư...rồi mới gặp Từ Hải. Sau khi nhẩy xuống Tiền Đường, thêm đoạn gặp vãi Giác Duyên và tái hồi với nho sinh Kim Trọng. Khi mua được cuốn cổ thư để đọc trong lúc đường xa gió mây, tôi chả nghĩ cụ rỗi hơi diễn giải qua chữ Nôm mấy trăm trang sách để tha nhân mua vui một vài trống canh đâu.

Số là cụ về đến Thăng Long giữa năm 1804-1807, hoài cố nhân, đàm trường Cổ Nguyệt Đường đã cửa đóng then gài. Vì sau khi chồng là Trần Phúc Hiển mất, bà vào tu chùa Hoa Yên núi Yên Tử. Ngó quanh ngó quẩn, cụ chỉ thấy có một ít người quen biết với cụ lại gần gũi với những nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện:

Như hai người tình cũ của cụ là hai chị em ruột cô Uy, cô Sạ, cụ liên tưởng với Thúy Kiều, Thúy Vân. Như Nguyễn Hùynh Đức, Tổng Trấn Bắc Thành bạn cụ, cụ mường tượng đến Hồ Tôn Hiến. Rồi cụ vướng vất qua bà Hồ Xuân Hương là thiếp của Trấn Ải Quan Trần Phúc Hiển, sau Trấn Ải Quan bị chết chém. Thế nên cụ Tiên Điền khởi, phục, đóng, mở, ngọn bút tung hòanh trên mặt giấy như dấu ngựa dập dồn in trên con đường thiên lý vừa qua. Nét mực căng như cành cây trĩu nhựa để cụ cho Từ Hải Trần Phúc Hiển...chết đứng. Chưa hết, còn vãi Giác Duyên trong truyện Kiều, không ai ngoài hình ảnh bà Hồ Xuân Hương khi bà đi tu ở chùa Hoa Yên núi Yên Tử. Tận cùng thì qua nét thảo chập chờn gieo trên giấy ngà hoa tiên như những gịot sương xuân để...Thúy Kiều Hồ Xuân Hương tái hồi...Kim Trọng Nguyễn Du.

Lại thêm một lần, cụ Tú lẫn đẫn:

- Lạ vấy, cụ Tiên Điền Nguyễn Du viết Truyện Kiều vi bà Hồ Xuân Hương? Há có chuyện ấy sao, thưa bác?

Cụ Cử tặc lưỡi thêm một cái bép rõ to: "Dào, bác cứ thao láo như rắn ráo ấy. Nào có khác gì nhà biên khảo Hoàng Xuân Hãn hay những nhà bác vật sau này túm tó được chuyện tình cụ Nguyễn Du với bà Hồ Xuân Hương là cứ nháo nhào lên như chào mào ăn dom ấy. Rõ ra cứ theo sự hiểu biết lỗ mỗ lơ ngơ của tôi thì:

"...Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San khi viết Xuân Đường Đàm thoại năm 1869, là ký truyện với cuộc đàm thoại giữa cụ Nguyễn Du(1765-1820) ..."sống ngược lại 49 năm sau" và Tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825).

Với phần nhập đề:

Năm Kỷ tỵ, Tự Đức thứ 22 (1869), cuối mùa đông đã lập xuân rồi. Liễu sắp phơi xanh, đào toan trổ đỏ, xúc cảnh sinh tình, ngổn ngang tâm sự. Bạn tao nhân cùng nhau họp mặt thì Ngô Ban nghiêng chén đứng uống và nói: "Người tài nữ tỉnh Nghệ An, hiệu Cổ Nguyệt Đường, tự Xuân Hương chết rồi. Tôi cùng một vài người nhà đã chôn cất ở cạnh Tây Hồ". Trong đó Nguyễn Du, Phạm Quý Thích mỗi người làm một bài phúng điếu Hồ Xuân Hương và luận bàn về chữ tình, tài, mệnh, giai nhân. Cả hai đều là người tình của bà Hồ Xuân Hương, cả hai đều coi bà là một kỹ nữ "Nam Quốc Thúy Kiều ". Qua Xuân Đường Đàm Thoại, Trần Bích San tiết lộ: "Xuân Hương là một nữ lưu phù hoa, vẻ mặt như hoa đào, nhan sắc như nước thu. Tôi lúc trẻ đã có giao du. Nào đàn, nào cờ, nào rượu, nào thơ, có thể viết nên thiên "Phong tình tân lục...".

Thời buổi rày phong tình, đa tình không hẳn là dâm dật, nhưng nằm trong cái túi càn khôn của các cụ thì tham thì thâm, đa dâm cũng chết. Ngay cả có người chê trách Đọan Trường Tân Thanh, nhưng vẫn bênh vực nàng Kiều qua câu Rày thì đù mẹ cái hồng nhan. Nên chả hiểu sao, tôi lại nghĩ dại: Cụ Nguyễn Du viết truyện Kiều là muốn lập đàn giải oan cho bà là thế đấy, chả hiểu có hợp với tôn ý bác chăng, thưa bác.

Với vua Minh Mạng, vì nhân gian hay sùng phụng dâm từ nên ngài sai quan bộ Lễ Hòang Công Lý răn đe: "Cung nhân luân, chính tâm thuật, giới dâm tắc, thận pháp thù". Vậy chứ cớ sự gì ngài bỏ qua những bài như...Trống thủng, Ông Cử Võ, hay Vịnh nữ vô âm. Ấy là những bài thơ nhếch nhác không hề có ý nghĩa nhân sinh nào mà chỉ là sự dung dục đến mức quá quắt. Ông Cử Võ không có giá trị văn tự ngôn từ nào mà chỉ là sự mô tả cái đó của người nam. Vịnh nữ vô âm còn đẩy lên một mức về sự gợi dục cùng cái đó của người nữ. Ngay như bài thơ đầu đề không được tao nhã cho lắm là bài Dương vật với "Bác mẹ sinh ra vốn chẳng hèn - Ban đêm không mắt sáng như đèn - Đầu đội nón da loe chóp đỏ - Lưng đeo bị đạn rủ thao đen".

Bác lúc nào cũng vạn sự giai không, tôi thì khác, nhiều đêm vắt tay lên trán, già rồi lẫn đẫn hay sao ấy. Với ban đêm không mắt sáng như đèn tôi lại liên tưởng đến cái cảnh vác súng đi săn đêm với...mắt sáng như đèn pha. Rồi lại ngớ ngẩn tự hỏi là thời bà có cái..."bị đạn" để đựng đạn chưa? Chưa hết, chả là như bài Ngủ quên thì lộn tùng phèo tên với bài Thiếu nữ ngủ ngày mà ai đấy vay mượn trong Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, ấy là bài Diệp đa: "Minh nguyệt muội tưởng hắc dạ - Muội tọa, muội khỏa thế sự xuất - Thế sự như diệp đa - Hắc tựa khẩu khuyển, trảm phụ thế sự".

Thế là thân già vác dùi nặng, tôi lại mò mẫm cái..."bị đạn" qua Thượng Kinh Ký Sự của cụ Hải Thượng Lãn Ông thời vua Lê chúa Trịnh để tìm tòi cũng chẳng thấy gì. Chỉ thấy ốc mò cò sơi ngòai chuyện cụ Nguyễn Du...đi săn và...ăn thịt cầy. Cuối cùng lọt sàng xuống nia bắt gặp cái đu của cụ Nguyễn Khuyến, chỉ mới có trong cuộc lễ Quốc Khánh của thằng Tây. Rồi dậu đổ bìm leo, bắt qua bài Đánh đu của bà Hồ Xuân Hương thấy ai đó phỏng theo bài cây đu vốn có sẵn trong tập Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập với câu kết"Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy - Nhổ cột đem về để lỗ không".

Vì vậy tôi lại càng bám sâu chôn chặt là có nhiều bài không phải là của bà, như chuyện không đâu mới tám, chín tuổi, bà bị ngã lăn đùng ra để có khẩu khí rất nam tử là...đo xem đất vắn dài. Hoặc bỡn cợt với anh đồ tỉnh, anh đồ say Chiêu Hổ...mặc áo giáp dải cài chữ đinh. Nhân chuyện với Chiêu Hổ, vua Minh Mạng kinh lý Bắc Hà, nghe tiếng ông văn hay chữ tốt và đạo đức, bèn vời ông về kinh sọan sách Nhất Dụng Thường Đàm với phong tục lễ nghi. Chiêu Hổ nếu có xướng họa với bà cũng trong vòng luân thường đạo lý, nên những bài thơ phàm tục giữa hai người như Chiêu Hổ đã đối đáp: "Rày thì đù mẹ cái hông nhan" thiển ý tôi là thiên hạ thêu dệt thêm đấy thôi. Thêm mắm thêm muối thì câu...Rày thì đù mẹ cái hông nhan chẳng phải là của Chiêu Hổ Phạm Đình Hổ(4)mà là của...Nguyễn Công Trứ, thưa bác.

Như thị ngã văn với niên lịch qua bà Hồ Xuân Hương liệt truyện thì tôi muốn thưa với bác đầu đuôi suôi ngược như vầy: Như bài Chùa Trấn Bắc(5)chẳng hạn, người thì bảo của bà Huyện Thanh Quan, người thì nói của bà chúa thơ Nôm. Trong khi bài thơ nôm cũ nhất Chùa Trấn Bắc mà Antony Landes gán ghép cho bà Hồ Xuân Hương thì câu đầu "Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu"bị sửa thànhNgoài cửa hành cung cỏ dãi dầu. Ấy đấy, bác cứ ngẫm mà xem, gì dính dáng đến bà chúa thơ Nôm đều bị đảo ngữ lộn phèo, lộn tiết lên hết...Thêm nữa, chùa Trấn Quốc, năm 1884 vua Thiệu Trị mới đổi ra là Chùa Trấn Bắc. Trong khi bà mất năm 1822. Vẫn chưa hết, nhà biên khảo Cao Xuân Huy tìm kiếm trong thư viện của Cao Xuân Dục, thời Vua Đồng Khánh. Xưa kia Cao Xuân Dục đã tìm thấy trong tủ sách gia đình cụ Trần Xuân Hảo ở Nam Định thì bài thơ có tựa đề Trấn Quốc Tự chép trong Hương Đình Cổ Nguyệt Thi.

Ấy là chưa kể theo thứ tự niên lịch bài thơ truyền khẩu Chùa Quán Sứ mới chỉ có trong văn bản của Nguyễn Văn Hanh năm 1909. Câu thứ hai "Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo" thì năm 1936 bị đổi là Thương ôi sư cụ hóa ra mèo. Ngoài ra, bốn bài Sư bị làng đuổi, Hang Thanh Hóa, Sư bị ong châm bà, Đèo Ca Dội chỉ mới xuất hiện năm 1936.

Bới bèo tìm bọ hóa ra năm 1936, ông Nguyễn Văn Hanh viết trong cuốn Hồ Xuân Hương: Tác phẩm, thân thế và văn tài được xuất bản ở Sài Gòn. Qua đó với bài Hang Thanh Hóa, tôi trộm phép bác cho là bài này tôi bắt gặp những câu thơ na ná như Trần Tế Xương (1780-1907). Mà cũng chỉ là thơ truyền khẩu thôi trong bài Sư và mấy ả lên đồng: Một thằng trọc tếch ngồi khua mõ - Hai ả tròn xoe đứng ngó bông và được Nguyễn Văn Hanh gán cho bà chúa thơ Nôm cũng lất phất như thế, như: "Một sư đầu trọc ngồi khua mõ - Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am". Chưa hết, hai câu cuối của bài Hang Thanh Hóa "Thuyền từ cũng muốn sang Tây Trúc - Trái gió cho nên phải lộn lèo" lập lại bài Đèo Ba Dội. Nếu là thơ của bà thì hay từ câu đầu đến câu cuối, làm gì phải sửa chữa đâm mất hay, chứng tỏ bài thơ mới ấy được thêm bớt lại sau này...


Chùa Kim Liên

Bá quan bá tính, bác nghĩ sao tùy bác, còn cứ theo tôi thì bà Hồ Xuân Hương đi chơi chùa Trấn Quốc với cụ Nguyễn Du, chùa Một Cột với Mai Xuân Phủ, chùa Đồ Sơn với chồng Trần Phúc Hiển. Hàng ngày bà tham thiền nhập định, khi chồng mất bà vào chùa tu. Bà mất được nhang đèn hương khói ở chùa Kim Liên. Thế nên, theo ngu ý tôi bà chúa thơ Nôm nếu có làm thơ về chùa chiền thì cũng không ngoài bài Mắng bọn dốt: "Ai về nhắn bảo phường lòi tói - Muốn sống đem vôi quyết trả đền".

Cùng ngày trời tháng Bụt, tôi xin thưa với bác là Tốn Phong trong bài tựa tập Lưu Hương Ký viết: "Bà là người học rộng, thuần thục và tài sắc. Bà tinh thông Nho giáo, Lão giáo và nhất là Phật giáo. Bà có kiến thức khá rộng và uyên bác". Ấy là chưa tính tới ông thi sĩ đa tình Tốn Phong làm thơ ca tụng vẻ đẹp của bà trong thi tập của mình hết nét thanh xuân ấy nghìn vàng khó mua đến mười phần xuân sắc tới trời Nam. Cụ Cử miên man, mà con gái rượu cụ nếu không mười phần xuân sắc rạng trời xanhthì cũng như dáng cây mai, xinh cốt cách như bà Hồ Xuân Hương vậy!".

Im như thóc ngâm một lát, cụ Cử lơ đãng nhìn ra ngòai vườn như suy nghĩ gì lung lắm, rồi quay lại với cụ Tú và thở ra: "Giờ ạ, chẳng dấu gì làngại bác trách tôi cái tật sính tầm chương trích cú, khi bà mới 15, 16 tuổi, Dương Tri Tạn, một danh sĩ trong làng, thấy bà hồn nhiên dễ thương. Dương Tri Tạn đã làm bài thơ Cái điếu bát để tả dung nhan bà: Eo lưng thắt đáy thật xinh xinh - Điếu ai hơn nữa điếu cô mình...

Ngồi đồng từ nãy giờ, cụ Tú như cóc say thuốc lào, lại có chuyện ôm rơm rặm bụng bấy lâu, nay một công đôi ba chuyện, tiện đây cụ hỏi cho ra nhẽ. Cụ Tú khè cần cổ lấy giọng rồi khụm miệng chộn rộn chàng ràng:

- Chậc! Bác cứ nói thế...Thế hóa ra thiên hạ theo đóm ăn tàn với cụ Dương Trí Tạn để làm bài Cái điếu bát khác với Mông tròn vành vạnh, đít bảnh bao - Mân mân, mó mó đút ngay vào rồi họ đổ vấy cho bà chúa thơ Nôm chăng, thưa bác?

Làm như không nghe cụ Tú bàn ngang, với tay lấy cái điếu bát, cái xe điếu, tay vân vê bi thuốc lào, và đùm đậu:

- Bác Tú ạ, tâm viên ý mã với bà Hồ Xuân Hương, nếu tôi có bạo gan lộng thiên hí địa xin bác cũng châm chước cho. Vả lại, ở cái thời buổi chẻ hoe vắng ngắt này, chỉ có bác và tôi đem chuyện chổi cùn rế rách ra nói trộm sau lưng các cụ vậy thôi...

Rít một hơi thuốc lào kêu ro ro, lừ đừ nhả khói, cũng vừa lúc thấy cô con cắp rổ đi chợ về. Cụ Cử bâng quơ:

- Để tôi bảo cháu nó làm bữa cơm rau muối quấy quá cho xong bữa. Nhân tiện hôm nào ngày lành tháng tốt, xin bác cơi trầu khay thuốc cho anh Phán nhà bác với cô con gái rượu của tôi. Sợ để lâu quá, đá nát nung vôi lại nồng, lại tai bay vạ gió như...bà chúa thơ Nôm thì cũng quá khổ. Bác thấy sao, thưa bác.

***

Đợi cụ bạn khuất đằng cuối ngõ. Cụ Cử khép cánh cửa cổng lại, lững thững đi vào, trong cái nắng chênh chếch chiều tàn nhạt sương gieo, mấy giò lan đất vẫn xanh xao vàng úa, cụ quên ngay chuyện ba đồng một mớ trầu cay. Cụ cũng không nhớ đến những Tốn Phong, Nguyễn Du, Trần Phúc Hiển. Những thơ của bà Hồ Xuân Hương vẫn còn đấy, có đấy...Với người đọc, bà vẫn Đánh đu tung hê hồ thỉ bốn phương trời. Với người viết về bà, bà vẫn là con Ốc nhồi nặng nợ eo sèo nhân thế.

Phe phẩy cái quạt đập con ruồi trên cái chén tống. Nhưng nó vụt bay mất, để mắt đuổi theo con ruồi, chợt mắt cụ Cử đậu trên bu cửa, cái ô của cụ Tú vẫn còn dựng ở đấy. Nhìn lại hai cái chén quân vẫn còn nguyên, tuần trà vẫn còn dang dở...Bỗng khi không trời đất chuyển nắng rám mùi dâu, lất phất giọt ba tiêu râm rả trên tầu lá chuối.

Mắt cụ lại bò lên cái ô đen...
 

Trúc gia trang
Thu phân, Đinh Hợi 2007
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Nguồn: Trịnh Văn Thanh, Thế Uyên, L.V.Phê
Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Nguyễn Hưng Quốc,
Hà Văn Thủy, Phạm Trọng Chánh, Nguyễn Quý Đại.

Chú thích :

(1) - Hoàng Xuân Hãn từ năm 1952 ở Paris với cuốn "Chinh Phụ Ngâm dị khảo" đã khẳng định rằng: Bản dich Chinh Phụ Ngâm lâu nay nhiều người vẫn cho là của Đoàn Thị Điểm. Theo ông đích thực là của Phan Huy Ích. Ông đã dựa vào tài liệu của con cháu họ Phan, năm 1926 Phan Huy Chiêm đã biên thư cho Tạp chí Nam Phong nhận rằng: Dịch giả bản Chinh Phụ Ngâm nói trên là của Phan Huy Ích. Nhưng tài liệu ấy lại không có văn bản gốc (nguyên văn thủ bút hay bản khắc ván chữ Nôm đầu tiên của dịch giả) mà đó chỉ là bản dịch Chinh Phụ Ngâm bằng chữ Latinh (chữ Quốc ngữ).

(Nguyễn Khôi - Chinh Phụ Ngâm do Đoàn Thị Điểm dịch)

(2) - Cụ cử Nguyễn Văn Tú, người đã tìm ra tập Lưu Hương Ký trong tủ sách gia đình ở Hành Thiện, Nam Định và đã gởi về cho toà báo Văn Sử Địa từ năm 1957. Tập Lưu Hương Ký sau đó đã được chuyển về thư viện của Viện Văn học ở Hà Nội.

Bẩy năm sau, ông Trần Thanh Mại, một chuyên gia văn học, trong Tạp chí Văn học tháng 3/1963 đã công bố một số bài, phiên âm sang Quốc ngữ từ Lưu Hương Ký.

Rồi đến học giả Hoàng Xuân Hãn nghiên cứu Lưu Hương Ký trên văn bản những bản phiên âm của Trần Thanh Mại để viết Hồ Xuân Hương, tiểu sử văn bản. Chứ ông không được thấy mặt các bản gốc chữ Hán và chữ Nôm trong Lưu Hương Ký.

(Nguyễn Ngọc Bích - Săn lùng hơn 40 năm thi phẩm của Hồ Xuân Huong)

(3) - Bà Hồ Xuân Hương sống những ngày cuối đời ở làng Nghi Tàm và từ trần năm 1822 tại Cổ Nguyệt Đường bên Hồ Tây. Mộ phần bà nằm trong khu nghĩa địa Đồng Táo trước chùa Kim Liên, bên cạnh hồ sen. Ngày nay toàn khu nghĩa địa ấy đã chìm trong lòng nước Hồ Tây, do việc đấp đường Cổ Ngư đầu thế kỷ 20, chia hai Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch, mực nước lên một thước.

(Phạm Trọng Chánh - Hồ Xuân Hương qua Xuân đường đàm thoại...)

(4) - Lâu nay nhiều người cho rằng Chiêu Hổ với bà Hồ Xuân Hương là Phạm Đình Hổ (1768 - 1839). Thế nhưng Chiêu Hổ đây không phải Phạm Đình Hổ.

Phạm Đình Hổ, có tên chữ là Tùng Niên, người huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Ông sinh trong một gia đình khoa bảng, nhưng ông chỉ đỗ tú tài. Biết ông là người tài xứ Bắc, trong dịp ra Hà Nội, vua Minh Mạng cho vời ông lên gặp và đặc cách phong ông làm Tế tửu Quốc Tử giám Thăng Long, tức Hiệu trưởng, chức này chỉ dành cho tiến sĩ uyên bác hơn người. Thời ấy, Chu Văn An chỉ là Tư nghiệp, tức Hiệu phó, để thấy vua Minh Mạng rất trọng thực tài, trong quan chế của nhà Nguyễn.

Tác phẩm nổi tiếng nhất là Vũ trung tùy bút, trước tác này ông viết về đời mình, cho thấy ông là một ngưởi "trầm lặng, mực thước, khắc khổ, nhạt nhẽo", đặc biệt, ông "rất ghét thanh sắc, nghề cờ bạc, và những chuyện rủ rê chơi đùa". Qua tự thuật thì không thể có chuyện ông là tác giả của các bài thơ đối đáp với bà chúa thơ Nôm "ghẹo nguyệt giữa ban ngày", hoặc "cho cả cành đa lẫn củ đa". Vì bộ luật Gia Long ghi rõ: "Phàm quan văn võ ở đêm với con hát, hay đem con hát vào tiệc rượu, phạt 60 trượng", nghĩa là giải ra công đường đánh 60 gậy rồi lột mũ áo, đuổi về vườn.

(Nguồn Trần Nhuận Minh)

(5) -Xưa văn nhân làm thơ truyền tay nhau, thường thơ không có tựa đề, những nữ lưu trong văn học không lấy bút hiệu và họ gọi bằng tên tục. Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh. Chữ Hán "Hinh" là "Hương" để thành tên. Bà Hồ Xuân Hương tên tục bà là Phi Mai, Xuân Hương và Phi Mai được hiểu là hoa mai bay trên hồ với hương xuân. Trong bài Mời trầu, bà tự ví "Này của Xuân Hương đã quệt rồi".

Vì vậy lâu nay những uẩn khúc thi phẩm của hai bà có thể vì tên "Hương"?

Ngoài ra những người đi sau hay đổi tựa đề của thơ của hai bà. Như trong tập Hương Đình Cổ Nguyệt Thi của bà Huyện Thanh Quan có bài thơ tựa đề Trấn Quốc Tự. Trong khi bài thơ nôm cũ nhất Chùa Trấn Bắc mà Antony Landes trích lục từ nguồn nào chẳng ai hay lại gán ghép cho bà Hồ Xuân Hương (đúng ra là "đền" chứ không là "chùa"). Antony Landes người Pháp sang nước ta thời họ chiếm Nam kỳ. Ông học tiếng Việt ở trường Thông Ngôn nên giỏi tiếng Việt, ông dịch cả Nhị độ mai. Vào khoảng năm 1892, ông được bổ làm đốc lý ở Hà Nội. Có thể ông là người Pháp đầu tiên ra Bắc tìm kiếm các tác phẩm của người Việt Nam, rồi thuê người chép lại. Những gì ông gom góp lại, có rất nhiều thơ, do con cháu ông Landes cho Société Asiatique trữ lại. Trong đó có thơ Hồ Xuân Hương. Gốc tích đầu tiên về văn học mà sau này bên ta in ra thơ Hồ Xuân Hương, là ở trong ấy!

Thêm nữa, đền Trấn Quốc, năm 1884, Thiệu Trị ra Bắc Thành nhận sắc phong của nhà Thanh mới đổi ra là đền Trấn Bắc. Trong khi bà mất năm 1822. Cùng lúc ấy đi theo Thiệu Trị có người anh là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Ông làm bài thơ Viếng Mộ Xuân Hương có hai câu "Chớ trèo qua mộ Xuân Hương - Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng ". Có thể vì vậy ông Antony Landes cho là bài "Chùa Trấn Bắc" là của bà chúa thơ Nôm?

Lại nữa, bà Huyện còn có bài Đền Trấn Vũ (còn có hai tựa đề khác là "Qua đền Trấn Vũ" hay "Viếng đền Trấn Vũ". Vì vậy bài Chùa Trấn Bắc có thể là bài Trấn Quốc Tự. Nếu như vậy cả hai bài Chùa Trấn Bắc Đền Trấn Vũ đều là của Bà Huyện (trừ câu chót của cả hai bài bị sửa đổi vì người sau muốn gán ghép cho Bà chúa thơ Nôm). Vì Bà Huyện từng có hai bài giốngnhau là Cảnh chiều hômChiều hôm nhớ nhà. Riêng bài thơ Thăng Long 2 tên Thăng Long thành hoài cổThăng Long hoài cổ.

Bài này dựa theo Xuân Hương thi tập lúc đầu có tên là "Quá phu quân cố lị cảm tác" diễn nghĩa là Qua chốn chồng làm quan cũ. Có nguồn cho rằng bài Quá phu quân cố lị cảm tác là bà Huyện hoài Lê qua cố đô Thăng Long, qua hình tượng ông Huyện Thanh Quan. Gia Long đổi tên là Bắc Thành 1802 (bà Hồ Xuân Hương thuộc thời Gia Long), sau Minh Mạng 1831 đổi tên là Hà Nội (bà Huyện Thanh Quan thời Minh Mạng). Vì Thăng Long là cố đô, nên bà không cho là "thành" như Bắc Thành. Thế nên với Bà Huyện Thanh Quan phải là: "Thăng Long hoài cổ..." . Với sách vở tam sao thất bản thì:

Bà Hồ Xuân Hương, sớm nhất có Xuân Hương thi tập thời Minh Mạng. Sau này còn có nhữngbản chép tay như Quốc Văn Tùng Ký soạn vào thời Tự Đức, đến đầu Duy Tân thêm Xuân Hương thi sao, Tạp thảo tập, Quế Sơn thi tập, Xuân Hương thi vịnh, Liệt truyện thi ngâm, Lĩnh Nam quần hiền văn thi văn diễn âm tập và...Hương Đình Cổ Nguyệt Thi. Uẩn khúc ở điểm, khi những nhà sưu tầm làm công việc sưu tập thơ bà chúa thơ Nôm thì Hương Đình Cổ Nguyệt Thi của Bà Huyện Thanh Quan lại nằm trong danh mục trên.

Ấy là chưa kể tất cả chỉ có tên của thi tập chứ không có nguyên bản của tác phẩm thơ. Lại nữa, những người đi sau cho thêm vào những bài không rõ xuất sứ của ai đó theo ý mình. Thế nên cho đến nay bà Hồ Xuân Hương có từ 84 đến 213 bài. Và Bà Huyện Thanh Quan có từ 5 đến 8 bài. Phải chăng vì ít thi phẩm, nên bà Huyện chỉ được biết đến khoảng năm 1940 qua Cao Xuân Huy (con của Cao Xuân Hạo thập niên 1930) nhờ tìm được trong thư tịch của tập Cao Xuân Dục, chánh chủ khảo trường thi Nam Định 1897 thời Đồng Khánh. Cao Xuân Dục đã tìm thấy trong tủ sách gia đình Trần Xuân Hảo ở Nam Định tập Hương Đình Cổ Nguyệt Thi. Và bà Huyện Thanh Quan cũng mới chỉ biết đến sơ sài qua Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển (?) cũng vào năm 1941.

***