Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]              [   Tác giả ]

Vườn cỏ buổi chiều cuối cùng
Gogo no Saigo no Shibafu 

MURAKAMI HARUKI

Phạm Vũ Thịnh dịch

Tôi đã làm nghề cắt cỏ thuê đâu khoảng năm 18, 19 tuổi, tức là đã 14, 15 năm trước. Thời xa xưa rồi.

Thỉnh thoảng có khi tôi lại nghĩ 14, 15 năm trước thì cũng chẳng là thời xa xưa gì mấy. Cái thời mà Jim Morrison ca bản Light My Fire, hay Paul McCarney ca bản Long and Winding Road (có lẽ là trước hay sau đấy một tí, nhưng đại khái thì cỡ thời đại ấy) mà bảo là thời xa xưa quá, thì tôi cảm thấy thiếu xác-thực thế nào ấy. Bởi tôi nghĩ bản thân tôi bây giờ, so với thời ấy, thấy cũng chẳng đổi khác bao nhiêu.

Mà không, đâu có thể thế được. Chắc chắn là tôi đã thay đổi nhiều rồi chứ. Nếu không nghĩ thế thì có quá nhiều sự việc không sao giải thích được.

Ô-kê, vậy thì tôi đã thay đổi nhiều rồi. Và 14, 15 năm trước quả là thời xa xưa rồi.

Thời ấy, gần nhà tôi (lúc ấy tôi vừa mới dọn đến) có trường công lập trung học cấp hai; mỗi lúc tôi đi mua đồ hoặc tản bộ đều đi qua trước cổng trường. Vừa đi vừa lơ đãng ngắm đám học trò đang tập thể dục, hay vẽ tranh, hay chọc phá nhau. Chẳng phải tôi thích thú gì mà ngắm, chỉ vì chẳng có gì khác để ngắm đó thôi. Ngắm hàng cây anh đào bên tay phải cũng được, nhưng ngắm học trò trung học cấp hai vẫn hơn.

Cứ thế, mỗi ngày ngắm đám học trò ấy, bỗng một hôm tôi nghĩ ra: "Đám học trò này đều khoảng 14, 15 tuổi cả". Điều này đối với tôi là một phát hiện khá đáng kể và có chút kinh ngạc. 14, 15 năm trước đây thì đám này hoặc chưa được sinh ra, hoặc có vừa mới sinh ra thì cũng chỉ là khối thịt đỏ hỏn chẳng có ý thức gì. Vậy mà bây giờ thì đã biết mang nịt vú, biết thủ dâm, biết viết những bưu thiếp vớ vẩn gửi cho tụi Disc Jockey chọn quay đĩa nhạc, biết trốn vào góc kho chứa đồ thể dục mà hút thuốc lá, biết dùng hộp phun sơn đỏ viết bậy chữ "sex" lên tường nhà người ta, và có lẽ còn đọc truyện "Chiến tranh và Hoà bình" nữa.

Chao ôi!

Tôi quả thật đã nghĩ: Chao ôi!

Chứ 14, 15 năm trước thì tôi làm nghề cắt cỏ thuê cho người ta đấy.

*

Ký ức là thứ giống như tiểu thuyết, hoặc tiểu thuyết là thứ giống như ký ức.

Tôi cảm nhận thiết thực như thế từ ngày bắt đầu viết tiểu thuyết. Ký ức là thứ giống như tiểu thuyết, hoặc... vân vân...

Cho dù có ráng điều chỉnh hình dáng đến đâu đi nữa, mạch văn cũng xiên bên này xẹo bên kia, cuối cùng có khi chẳng ra văn mạch gì ráo cả. Có vẻ cứ như là mình đang cố xếp chồng mấy con mèo con mềm nhũn, con này lên con kia. Âm ấm tay, mà lại chênh vênh thế nào ấy. Lắm khi tôi nghĩ thứ này mà là món hàng bán được sao? (mà hàng bán được thật đấy), thiệt là mắc cỡ. Quả thật có khi còn đỏ mặt lên vì xấu hỗ nữa. Đến tôi mà phải đỏ mặt lên thì cả thế giới cũng đỏ mặt lên thôi.

Tuy nhiên, nếu nắm được rằng sự tồn tại của con người (dựa trên cơ sở lý-do tương đối thuần túy của sự việc) là hành-vi cực kỳ điên khùng, thì chuyện điều gì đúng, điều gì sai, chẳng còn quan trọng gì mấy. Từ đó mới sinh ra ký ức, sinh ra tiểu thuyết. Sự thực này thì đã hẳn, giống như một thứ động-cơ vĩnh viễn không ai ngăn lại được. Động-cơ ấy vừa phát ra tiếng "lạch cạch" vừa đi vòng quanh thế giới, vẽ lên mặt đất một đường dài không bao giờ dứt.

Con người nghĩ: cứ thế song suốt được thì tốt quá nhỉ. Thế nhưng làm sao mà song suốt được chứ. Bởi chẳng có cách nào để song suốt được cả.

Mà dù vậy, biết làm thế nào bây giờ?

Bởi lý do như thế cho nên tôi lại thu tập mấy con mèo con ấy mà xếp chồng lên nhau. Đám mèo con nhũn nhão và thật mềm mại. Không biết khi mở mắt ra thấy bị xếp chồng lên nhau kiểu những thanh gỗ nhóm lửa trại như thế, lũ mèo con ấy suy nghĩ như thế nào nhỉ? Có lẽ chúng chỉ nghĩ: "Ủa, sao kỳ vậy?", thế thôi. Nếu quả thật như thế (chúng chỉ nghĩ thế thôi) thì tôi được cứu rỗi phần nào.

Chuyện là như thế.

*

Tôi làm nghề cắt cỏ thuê đâu khoảng tuổi 18, 19, cho nên là chuyện xa xưa quá rồi. Khoảng ấy, tôi có người yêu cùng tuổi, nàng có chút sự tình nên phải ở một phố xa. Chúng tôi chỉ gặp được nhau mỗi năm tổng cộng chừng hai tuần lễ. Trong hai tuần ấy, chúng tôi làm tình, hay đi xem chiếu phim, đi ăn khá sang, hay chuyện trò không dứt từ chuyện này sang chuyện khác. Rồi cuối cùng thế nào cũng cãi nhau vang động, rồi lại làm hoà, và lại làm tình với nhau. Nghĩa là, tất cả mọi chuyện các cặp yêu nhau trên thế giới nói chung, làm với nhau, thì chúng tôi cũng đã làm với nhau theo kiểu phim rút gọn ấy.

Tôi có thật sự yêu nàng không, đến nay tôi cũng không hiểu rõ. Nhớ lại được, nhưng chẳng hiểu rõ. Chuyện thế vẫn có thật đấy. Tôi thì thích dùng bữa chung với nàng, thích ngắm nàng cởi bỏ dần từng mảnh y phục, mà vào trong âm-hộ nàng thì cũng thích. Thích cả chuyện ngắm nàng làm tình xong lại áp mặt vào ngực tôi mà nói chuyện, hay nhắm mắt ngủ. Nhưng, chỉ thế thôi. Hoàn toàn chẳng có gì hơn thế.

Ngoài vỏn vẹn hai tuần lễ gặp nàng, đời tôi thời ấy có lẽ rất đơn điệu. Thỉnh thoảng đến đại học nghe giảng bài, qua được vừa đủ số môn học cho bằng người ta. Còn thì đi xem phim một mình, dạo chơi thơ thẩn vô chủ đích trên phố, hay hò hẹn với bạn gái thân mật nhưng không có khoản làm tình. Vốn tính không quen chuyện tụ họp đông người để chơi đùa náo động, nên người chung quanh nghĩ tôi là người trầm lặng. Khi chỉ có một mình thì chuyên nghe toàn là nhạc Rock and Roll. Những lúc ấy, cảm thấy có vẻ vui sướng, mà cũng cảm thấy có vẻ buồn bực. Nhưng vào thời ấy thì ai cũng thế cả.

Vào một buổi sáng mùa hè, đầu tháng 7, tôi nhận được lá thư dài của người tình, bảo là muốn chia tay. Em đã yêu anh suốt từ ngày xưa, bây giờ vẫn yêu, và sẽ còn yêu,... vân vân. Nói tóm lại là muốn chia tay đó thôi. Bởi nàng đã có người yêu mới. Tôi lắc đầu, hút sáu điếu thuốc, ra ngoài uống bia lon, rồi trở về phòng, hút thuốc nữa. Và đã bẻ gãy ba cây bút chì độ cứng HB trên bàn học. Cũng chẳng phải giận tức gì. Chỉ bối rối không biết phải làm gì thôi. Thế rồi thay áo quần, đi làm. Từ đó, trong một khoảng thời gian, người chung quanh bảo là tôi dạo này trông vui tươi quá nhỉ. Cuộc đời thật khó hiểu.

Trong năm ấy, tôi làm thêm việc cắt cỏ thuê. Hãng cắt cỏ ở gần ga Kaido trên tuyến tàu điện Odakyu, khá phát đạt. Nói chung, người ta xây nhà thường trồng cỏ. Hoặc nuôi chó. Việc này giống như là phản xạ có điều kiện. Có người làm cả hai chuyện. Thế cũng tốt. Vườn cỏ xanh trông đẹp mắt, mà chó nuôi cũng dễ thương. Nhưng chỉ nửa năm thôi, mọi người bắt đầu chán. Vườn cỏ cứ phải cắt hoài, mà chó thì phải dắt đi chơi. Khó mà làm vui thích được mãi.

Đại khái vì thế mà chúng tôi mới có việc cắt cỏ thuê cho những người như thế. Tôi lấy được việc ấy vào mùa hè năm trước từ Ban Giúp đỡ Sinh viên của đại học.

Ngoài tôi còn có nhiều sinh viên khác vào làm nữa, nhưng tất cả đã nghỉ việc ngay sau đó, nên chỉ còn có mỗi mình tôi. Công việc thì cực nhọc nhưng thù lao khá. Lại nữa, chẳng cần phải nói gì nhiều với khách hàng cũng được. Hợp với tôi. Kể từ lúc bắt đầu làm việc ấy, tôi đã để dành được một món tiền khấm khá. Định dùng làm kinh phí du lịch mùa hè đâu đó với người tình. Nhưng bây giờ đã chia tay nhau mất rồi nên kinh phí ấy không cần nữa. Trong một tuần sau khi nhận được bức thư chia tay ấy, tôi đã suy tính nên dùng số tiền ấy vào việc gì. Nói đúng ra thì cũng chẳng có chuyện gì để suy nghĩ ngoài chuyện dùng số tiền ấy. Cả một tuần lễ lửng lơ chả ra đâu vào đâu cả. Đến cả dương-vật của chính mình cũng ngờ ngợ là dương-vật của ai khác. Ai đấy, tôi chẳng biết là ai, đang cắn nhẹ vào núm vú nhỏ bé của nàng. Có cảm giác sao đâu thật kỳ dị.

Kết cuộc cũng chẳng nghĩ ra cách dùng số tiền ấy. Cũng đã có người nào đấy dạm bán chiếc xe cũ Subaru 1000 phân khối. Món hàng không tệ mà giá cả cũng vừa túi tiền, nhưng không hiểu sao tôi vẫn chẳng dứt khoát được để mua. Cũng đã muốn đổi bộ loa mới, nhưng lại không hợp với nhà trọ bằng gỗ nhỏ xíu của tôi. Dọn qua nhà trọ khác cũng có thể được, nhưng chẳng nghĩ ra lý do phải đổi chỗ ở. Mà dọn qua nhà trọ mới rồi thì lại không còn tiền để đổi bộ loa.

Chẳng biết tiêu số tiền ấy vào đâu. Rốt cuộc, chỉ mua một chiếc áo sơ-mi polo mùa hè với vài đĩa nhạc, phần còn lại vẫn còn nguyên. Rồi mua thêm một đài bán dẫn tính-năng tốt hiệu Sony có loa lớn, nghe đài FM rất rõ.

Sau tuần lễ ấy, tôi để ý đến một sự thực. Đó là, nếu không biết tiêu tiền vào đâu, thì chuyện kiếm tiền để chẳng tiêu vào đâu cả ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Một sáng nọ, tôi nói với chủ hãng cắt cỏ thuê là muốn nghỉ việc. Bởi sắp sửa phải học thi rồi, mà trước đó cũng muốn đi du lịch. Chứ chẳng lẽ lại nói là không cần tiền nữa!

-"Vậy hả? Tiếc quá". Chủ hãng (một trự ra dáng nhà chuyên môn trồng tỉa) nói. Rồi thở dài, ngồi xuống ghế mà hút thở ra khói thuốc. Mặt ngước lên trần nhà, đầu đảo một vòng trên cổ kêu "lụp cụp". -"Cậu quả là làm việc giỏi. Trong đám sinh viên làm thêm, cậu là người làm lâu nhất, mà khách hàng cũng khen ngợi lắm. Ừm, còn trẻ mà làm thật giỏi đấy".

-"Cảm ơn ông". Tôi nói. Thật vậy, tiếng tăm làm việc của tôi thật là tốt. Nhờ làm việc chu đáo. Đại loại dân làm thêm thường chạy máy cắt cỏ điện-động cỡ lớn để cắt bừa cỏ đi, chỗ sót lại thì cắt tay qua loa. Làm thế thì chóng xong, mà đỡ mệt. Cách tôi làm hoàn toàn khác. Dùng máy cắt sơ qua, xong cắt lại bằng tay cẩn thận. Tất nhiên cỏ cắt đẹp hẳn. Nhưng thu hoạch kém hơn. Bởi thù lao tính bao cho từng nhà. Cứ theo diện tích đại khái của vườn cỏ mà định giá. Lại nữa, cứ khom lưng mà cắt cỏ nên lưng đau mỏi nhừ. Nỗi đau này không phải là người thực tế cắt cỏ thì không sao hiểu thấu được. Chưa quen việc thì nội chuyện đi lên đi xuống cầu thang là đã đủ khó nhọc rồi.

Chẳng phải vì muốn được tiếng tăm tốt mà tôi cắt cỏ cẩn thận thế đâu. Nói ra thì khó tin nhưng quả thật chỉ vì tôi thích cắt cỏ. Cứ mỗi buổi sáng mài kéo cắt cỏ, chất máy cắt cỏ lên xe van, chạy đến nhà khách hàng mà cắt cỏ. Đủ loại vườn tược, đủ loại cỏ, đủ loại vợ người. Có bà hiền hậu tử tế, có bà thô tạp. Có cả bà vợ trẻ mặc áo thun cổ rộng, không nịt vú, cứ thế ngồi trước mặt tôi đang cắt cỏ mà cho xem cả đầu vú nữa.

Dù gì đi nữa, tôi cũng đã tiếp tục cắt cỏ thuê. Phần lớn là vườn cỏ mọc cao. Cứ như là bụi cỏ dại. Cỏ càng mọc cao, cắt cỏ càng có ý nghĩa. Bởi khi xong công việc, ấn tượng của khu vườn hoàn toàn đổi khác. Cảm giác này thật tuyệt vời. Cứ như là tầng mây đen dày vừa được vén lên cho ánh dương rạng rỡ phủ chan hoà lên vạn vật.

Có một lần, sau khi xong việc, tôi đã làm tình với bà chủ nhà. Khoảng tuổi 32, 33. Nàng nhỏ người, vú nhỏ săn chắc. Đóng cả cửa gỗ chống mưa, tắt hết đèn, chúng tôi làm tình trong căn phòng tối mịt. Nàng để nguyên áo đầm, cởi bỏ quần lót, ngồi lên người tôi. Không để tôi chạm tay vào phần ngực trở xuống. Da thịt nàng mát lạnh quá chừng mà bên trong nàng lại ấm áp. Nàng hầu như chẳng nói lời nào. Tôi cũng lặng im. Lai áo đầm của nàng cọ xát thành tiếng "sột soạt", lúc nhanh lúc chậm. Nửa chừng, chuông điện thoại reo. Reo một hồi rồi ngừng bặt.

Về sau, có lúc bất chợt tôi nghĩ không chừng vì chuyện ấy mà người tình đã chia tay với tôi. Cũng chẳng có lý do gì để phải nghĩ như thế. Vẩn vơ nghĩ như thế thôi. Tại tiếng chuông điện thoại không bắt ấy. Nhưng cũng chả sao. Chuyện đã xong rồi.

-"Nhưng mà kẹt lắm đây". Chủ hãng nói. -"Bây giờ mà cậu rút thì không sao làm cho xong các chỗ đã đặt làm. Mùa này là bận rộn nhất mà".

Đúng vào mùa mưa lâm râm nên cỏ tha hồ vươn cao.

-"Hay là thế này, cậu làm thêm một tuần nữa thôi, được không? Trong vòng một tuần ấy có thể có thêm người làm, thế nào cũng xoay sở được. Nếu cậu giúp được cho thế thì tôi trả thêm tiền thưởng".

Cũng được, tôi đáp. Chẳng có dự định gì gấp hay đặc biệt, mà công việc thì tôi cũng chẳng ghét bỏ gì. Mà trớ trêu thật chứ. Đúng vào lúc mình nghĩ là không cần tiền thì lại có tiền vào.

Ba ngày sau đó liên tục nắng tốt, chỉ một ngày mưa, rồi lại ba ngày nắng tốt. Tuần lễ cắt cỏ thuê cuối cùng của tôi đã qua đi như thế. Trời hè. Mà lại là những ngày hè tuyệt đẹp đến mê tơi. Trên nền trời xanh có những cụm mây trắng lơ lửng như những hoài-niệm cũ. Ánh nắng châm chích như đốt da mình. Da lưng của tôi đã lột sạch ba lần, tuyền một màu đen sẩm. Đến phía sau vành tai cũng đen thui.

Buổi sáng cắt cỏ thuê cuối cùng, tôi mặc áo thun, quần soóc, mang giày quần vợt, kính mát, lên xe van đến vườn cỏ cuối cùng phải cắt của mình. Máy nghe đài trong xe đã hỏng nên tôi mang theo chiếc máy bán dẫn, mở nghe nhạc Rock and Roll vừa lái xe. Nhạc của Cleadence hoặc Grand Funk, đại khái thế. Mọi thứ trên đời xoay vòng quanh mặt trời mùa hạ. Tôi huýt sáo miệng vài hồi, lúc không huýt sáo thì hút thuốc. Người xướng ngôn đài FEN của quân đội Mỹ liên tiếp phát âm những địa danh Việt Nam trầm bổng lạ tai.

Chỗ cắt cỏ thuê cuối cùng của tôi nằm gần sân bóng Yomiuri Land. Chán thật. Vì cớ gì mà người ở tuốt dưới huyện Kanagawa lại phải gọi đến dân cắt cỏ thuê ở tận trên Setagaya kia chứ? Nhưng tôi cũng chẳng có quyền gì mà cằn nhằn về chuyện ấy. Bởi chính tôi đã chọn chỗ này mà. Buổi sáng đến hãng thì các chỗ cần làm trong ngày đã được niêm yết trên bảng đen, mỗi người tự mình chọn lấy chỗ muốn làm. Đại loại thì ai cũng chọn chỗ gần. Đi lại nhanh chóng để làm được nhiều chỗ. Tôi thì ngược lại, nhắm chỗ xa. Lần nào cũng thế. Ai cũng lấy làm lạ về chuyện này. Bởi như đã nói, tôi là người làm việc lâu năm nhất trong đám sinh viên làm thêm, nên có quyền ưu tiên chọn chỗ làm trước mọi người.

Cũng chẳng có lý do gì đặc biệt. Chỉ vì tôi thích đi xa, thế thôi. Thích đến vườn xa, cắt cỏ nơi xa. Thích ngắm phong cảnh nơi xa trên đoạn đường xa. Mà giải thích kiểu này có lẽ chẳng ai hiểu cho.

Tôi chạy xe với tất cả các cửa sổ mở toang. Càng rời xa đô thị, gió càng mát, và cây cỏ càng đậm màu. Mùi cỏ và mùi đất khô nồng thêm, đường viền giữa mây và màu trời in rõ thêm. Thời tiết tuyệt vời. Ngày nắng tốt tuyệt hảo cho một chuyến du lịch nhỏ của một đôi tình nhân. Tôi nghĩ đến biển mát lạnh cùng bãi cát nóng bỏng. Rồi đến một căn phòng nhỏ ướp lạnh sẵn bằng máy điều hoà không khí cùng tấm khăn trải giường màu xanh mới, còn nguyên nếp hồ. Chỉ có thế thôi. Ngoài ra, chẳng nghĩ đến gì khác cả. Bãi cát và tấm khăn trải giường màu xanh thay phiên nhau hiện lên trong trí tôi.

Cả lúc dừng xe đổ xăng cho đầy bình ở trạm xăng, tôi cũng đã nghĩ như thế. Tôi nằm dài trên đám cỏ bên cạnh trạm xăng, lơ đãng ngắm người phục vụ đang kiểm dầu nhớt hay lau kính xe. Áp tai xuống mặt đất thì nghe được nhiều thứ tiếng động. Nghe cả tiếng gì như tiếng sóng nơi xa. Nhưng tất nhiên đấy chẳng phải là tiếng sóng thật. Mà chỉ là tổng hợp của rất nhiều thứ tiếng động thu hút vào lòng đất, hoà trộn nhau mà thành. Có chú sâu nhỏ đang bò trên nhánh cỏ ngay trước mắt tôi. Loài sâu màu lục có cánh. Chú bò đến tận đầu mút ngọn cỏ, ngơ ngẩn một lúc, rồi bò ngược trở lại đường cũ. Mà thấy chú cũng chẳng có vẻ gì thất vọng cả.

Chú sâu có phải cũng đang cảm thấy trời nóng đó không? Chẳng hiểu.

Chỉ mười phút là đổ xăng xong. Người phục vụ bóp kèn xe gọi tôi.

*

Căn nhà tôi hướng đến nằm ở lưng chừng ngọn đồi. Một ngọn đồi thoai thoải trang nhã. Hai bên đường ngoằn ngoèo bò lên đồi trồng hai hàng cây cử [1]san sát nhau. Trong vườn nhà nọ có hai cậu bé đang trần truồng cầm vòi nước xịt vào nhau. Những tia nước bắn lên tạo thành một mống trời nho nhỏ cỡ 5 cen-ti-mét. Có ai đấy đang luyện đàn dương cầm bên cửa sổ mở rộng. Nghe thật điêu luyện. Đến có thể nhầm là đang nghe từ đĩa nhạc.

Tôi dừng xe trước nhà, bấm chuông. Chẳng ai lên tiếng. Chung quanh im vắng lạ thường. Chẳng thấy bóng người nào cả. Có cảm giác như là giờ ngủ trưa thường có ở các nước thuộc hệ Tây Ban Nha. Tôi bấm chuông một lần nữa. Rồi kiên nhẫn chờ.

Ngôi nhà xinh xắn, dễ thương. Tường trét vữa màu kem nhạt, giữa nóc nhà đâm lên một ống khói vuông vức cùng màu. Khung cửa sổ màu xám, buông rèm trắng. Cả hai khung cửa sổ đều cháy nắng từ đời nào. Nhà cổ, nhưng vẻ xưa cổ ấy thật hợp. Đến các vùng nghỉ mát thì hay thấy loại nhà như thế này. Chỉ nửa năm có người ở, nửa năm bỏ trống. Ngôi nhà này toát ra vẻ như thế. Sự hiện diện của ngôi nhà toả ra mùi của đời sống.

Hàng rào chỉ cao đến ngang hông, bằng gạch chất lên nhau theo kiểu Pháp, bên trên trồng hoa hồng. Hoa tàn rụng cả rồi, chỉ còn lá xanh đang tẩm đầy ánh nắng chói chang mùa hạ. Không thấy được đến tình trạng cỏ, nhưng khu vườn trông thật rộng rãi, có cây long não lớn in bóng mát rượi lên tường nhà màu kem.

Tôi phải bấm chuông lần thứ ba mới thấy cửa chính từ từ mở ra, và một người đàn bà trung niên xuất hiện. Một người đàn bà to con dễ sợ. Tôi thuộc loại chẳng nhỏ con gì nhưng bà ta còn cao hơn tôi ít nhất là ba cen-ti-mét. Bề ngang giữa hai vai cũng rộng, ra dáng hùng hổ như đang tức bực điều gì. Tuổi chừng trên dưới 50. Không phải là người đẹp nhưng mặt mũi cân đối. Tuy cân đối nhưng chẳng phải là khuôn mặt khiến người khác có cảm tình. Lông mày rậm, cằm vuông cho thấy vẻ ương ngạnh, đã nói ra là không bao giờ rút lời lại.

Bà ta, cặp mắt lờ đờ như còn ngái ngủ, nhìn tôi có vẻ phiền hà. Tóc cứng, uốn dợn sóng trên đầu đã có vài sợi bạc, từ vai áo đầm bằng vải màu nâu buông thõng hai cánh tay chắc nịch mà trắng bóc.

-"Gì đấy?". Bà ta hỏi.

-"Thưa, tôi đến để cắt cỏ trong vườn". Tôi nói, rồi tháo kính mát ra.

-"Vườn gì?". Bà nghẹo đầu. -"À, cậu đến cắt cỏ đấy nhỉ?"

-"Vâng, chúng tôi được điện thoại bảo đến đây".

-"Ừm, phải rồi. Cắt cỏ đấy nhỉ. Xem nào, hôm nay là ngày mấy?"

-"Thưa, ngày mười bốn".

Bà ta ngáp. -"Ờ, đã mười bốn rồi nhỉ". Rồi ngáp thêm một cái nữa. -"Mà này, có thuốc lá không?"

Tôi lôi bao thuốc lá Hope điếu ngắn ra, đưa một điếu thuốc cho bà, rồi châm lửa hộ. Bà ngước mặt lên, khoan khoái thở khói thuốc lên trời.

-"Vậy thì cắt đi". Bà nói. -"Bao lâu thì xong?"

-"Bà hỏi thời gian bao lâu?"

Bà ta hếch cằm ra trước, gật đầu.

-"Còn tùy vườn rộng bao nhiêu và cỏ cao đến đâu. Bà cho xem vườn, được không?"

-"Được chứ. Không xem thì không làm được chứ gì".

Tôi theo chân bà ta đi vòng xem khu vườn. Vườn phẳng, hình chữ nhật, rộng khoảng hai trăm thước vuông. Có bụi tú cầu và cây long não. Còn lại là cỏ. Dưới khung cửa sổ có hai lồng chim trống không bỏ ở đấy. Khu vườn có vẻ được chăm sóc đàng hoàng, cỏ mọc cũng không cao đến nỗi cần phải cắt ngay. Tôi có hơi thất vọng.

-"Cỡ này thì hai tuần nữa mới phải cắt. Bây giờ thì chưa cần".

-"Cắt bây giờ hay không thì tôi định chứ, phải vậy không?"

Tôi liếc nhìn bà ta. Ừ, thì đúng như thế rồi.

-"Tôi muốn cắt ngắn nữa kia. Và sẽ trả tiền cắt. Vậy là được chứ gì?"

Tôi gật đầu. -"Khoảng bốn tiếng đồng hồ thì xong".

-"Gì mà lâu thế?"

-"Tôi muốn làm thong thả thôi". Tôi nói.

-"Ừ, thế cũng được". Bà ta nói.

Tôi ra xe lấy máy cắt cỏ điện-động với kéo cắt cỏ, cào cỏ, bao rác, bình thủy đựng cà-phê và đài bán dẫn, mang vào vườn. Mặt trời đã lên gần đỉnh đầu, nhiệt độ tăng nhanh. Trong lúc tôi mang đồ nghề vào vườn, bà ta bày ra ở ngưỡng cửa cỡ chục đôi giày, lấy giẻ phất bụi. Toàn là giày đàn bà, cỡ nhỏ cùng cỡ thật lớn.

-"Tôi nghe nhạc trong lúc cắt cỏ có được không ạ?". Tôi dạm hỏi.

Bà ta vẫn ngồi khom lưng, ngước lên nhìn tôi.

-"Được chứ. Tôi cũng thích nghe nhạc đấy".

Trước tiên, tôi dọn dẹp các viên sỏi rơi trong vườn, rồi chạy máy cắt cỏ. Để máy khỏi bị hại vì chạm phải sỏi ấy. Máy cắt cỏ mặt trước có giỏ nhựa, cỏ mới cắt đều gom vào trong giỏ ấy. Giỏ đầy thì tháo ra, sang cỏ qua bao rác để đem bỏ. Vườn rộng hai trăm thước vuông nên dù cỏ không cao cũng cắt được một lượng lớn. Mặt trời chiếu nắng "xèo xèo". Tôi cởi bỏ áo thun đẫm mồ hôi, chỉ còn độc một chiếc quần soọc. Cứ như là đang ở trong một lò nướng thịt ngoài trời, khá tráng lệ. Kiểu này thì có uống bao nhiêu nước cũng thoát ra thành mồ hôi, chẳng thành giọt nước tiểu nào cả.

Chạy máy cắt cỏ khoảng một giờ xong, tôi nghỉ tay, ngồi dưới bóng cây long não uống cà-phê đá. Lượng đường nghe thấm vào từng ngõ ngách trong thân thể. Trên đầu thì ruồi không ngừng vo ve. Tôi bật máy nghe đài, vặn nút chọn chương trình nhạc thích hợp. Khi nghe được ban Three Dog Night ca bản Mama Told Me, tôi ngừng tay vặn, nằm ngửa ra mà nhìn qua kính mát, đám lá cây, và ánh nắng len qua đám lá cây ấy.

Bà chủ nhà đến đứng cạnh tôi. Từ dưới nhìn lên, thấy bà ta cao to như cây long não. Tay phải bà cầm ly rượu có nước đá lay động lấp lánh dưới ánh nắng hè.

-"Nóng chứ?". Bà ta hỏi.

-"Vâng". Tôi đáp.

-"Cơm trưa thì tính sao?". Bà hỏi.

Tôi nhìn đồng hồ tay. 11 giờ 24 phút.

-"12 giờ thì đi đâu đấy ăn trưa. Tôi thấy gần đây có quán hamburger".

-"Khỏi đi làm gì cho mất công. Tôi làm bánh mì kẹp thịt gì đấy cho".

-"Thật tình, không sao đâu. Lúc nào làm việc cũng ra ngoài ăn đấy mà".

Bà đưa ly rượu lên uống một hớp nửa ly. Rồi chun miệng thở ra một tiếng "phù".

-"Đừng lo. Bề nào thì cũng làm cho mình, nhân tiện làm cả cho cậu luôn. Ăn nhé?"

-"Nếu thế thì xin bà. Cảm ơn bà".

-"Có gì đâu". Bà ta nói. Rồi đánh đưa hai vai, thong thả đi trở vào nhà.

Tôi cắt cỏ bằng kéo cho đến 12 giờ trưa. Trước tiên, xén thẳng những hàng cỏ so le từ lần cắt bằng máy, lấy cào tóm lại một chỗ. Xong cắt những chỗ đã không cắt được bằng máy. Việc làm rất công phu. Muốn làm bừa cho xong cũng làm được, mà muốn làm cho cẩn thận thì cũng làm được. Nhưng cho dù có làm cẩn thận cũng chưa hẳn sẽ được khen. Có khi còn bị chê là chậm chạp nữa. Thế nhưng như đã nói, tôi thì làm rất cẩn thận. Đấy là vấn đề tính cách con người. Và có lẽ là vấn đề lòng tự hào nữa. Khi tiếng còi điểm 12 giờ trưa vang lên từ hãng xưởng nào đấy, thì bà chủ nhà gọi tôi vào bếp, đưa cho miếng bánh mì kẹp. Bếp không rộng nhưng gọn gàng sạch sẽ. Ngoài cái tủ lạnh to tướng chạy nghe tiếng "rù rù" thì thật là tĩnh lặng. Chén, đĩa, thìa đều là đồ cổ xưa. Bà ta mời bia nhưng tôi thoái thác vì còn phải làm việc. Thay vào đó, bà cho nước cam. Còn bà uống bia. Trên bàn ăn còn để một chai whisky White Horse chỉ còn một nửa. Dưới bồn nước, đủ thứ chai-không lăn lóc.

Bánh mì kẹp thật ngon. Giăm-bông, sà-lách, dưa leo kẹp vào bánh mì, thêm bột cay kích thích. Tôi khen: Ngon quá. Bà ta nói: Chỉ có bánh mì kẹp là tôi làm ngon. Bà ta chẳng ăn miếng nào cả. Chỉ nhấm nháp hai miếng dưa ngâm dấm, còn thì uống bia suốt. Bà ta không nói chuyện gì, mà tôi cũng chẳng có chuyện gì để nói.

Đến 12 giờ rưỡi, tôi trở ra vườn. Vườn cỏ buổi chiều cuối cùng đây.

Tôi vừa nghe nhạc Rock and Roll từ đài FEN vừa cẩn thận xén đều vườn cỏ. Nhiều lần đã dùng cào để dọn sạch cỏ vụn, và kiểm điểm từ nhiều góc cạnh xem có cắt sót chỗ nào không, giống như việc thợ cắt móng tay vẫn làm. Đến một giờ rưỡi thì xong được hai phần ba. Đã nhiều lần mồ hôi tươm vào mắt lại phải ra vòi nước trong vườn để rửa mặt. Vài lần dương vật cương cứng lên, rồi lại xẹp xuống. Đang cắt cỏ mà cương cứng lên, thật là chuyện điên khùng.

Đến 2 giờ 20 phút thì xong việc. Tôi tắt máy nghe đài, đi chân không một vòng quanh vườn cỏ. Kết quả rất đáng hài lòng. Không cắt sót mà cũng không cắt phạm vào đâu cả. Trơn tru như quả bóng.

"Cả bây giờ đây, em cũng vẫn yêu anh". Nàng viết trong bức thư cuối cùng như thế. "Em nghĩ anh hiền hoà và đáng trọng. Nhưng có khi em cảm thấy chỉ thế thôi thì có lẽ không đủ. Tại sao lại nghĩ như thế thì em cũng không hiểu. Em nghĩ nói như thế thì tệ thật. Mà chẳng giải thích được gì cả. Tuổi 19 là tuổi thật đáng ghét. Lớn thêm vài tuổi nữa, có lẽ em sẽ giải thích được hay hơn. Nhưng mà, vài năm nữa có lẽ lại chẳng còn cần phải giải thích gì nữa".

Tôi ra vòi nước rửa mặt, mang đồ nghề ra xe van, mặc áo thun mới. Rồi mở cửa chính thông báo là đã xong việc rồi.

-"Thế thì uống bia đi nào". Bà chủ nhà nói.

-"Cảm ơn bà". Tôi nói. Bia thì có uống cũng chẳng sao.

Hai người ra đứng cạnh nhau ở đầu khu vườn, ngắm vườn cỏ. Tôi uống bia, còn bà cầm ly cao nhỏ uống Volka Tonic không có chanh. Loại ly mà tiệm bán rượu hay tặng cho khách hàng. Ruồi vẫn không ngừng vo ve. Bà ta trông chẳng có chút gì là say cả. Chỉ hơi thở có hơi không tự nhiên. Tiếng thở "" như lọt qua giữa kẽ răng.

-"Cậu làm giỏi lắm". Bà khen. -"Từ trước đến nay, tôi đã gọi lắm người cắt cỏ thuê rồi, nhưng cắt cẩn thận cho thế này thì cậu là người đầu tiên".

-"Cảm ơn bà". Tôi nói.

-"Chồng tôi lúc còn sống rất khó về chuyện cắt cỏ. Lúc nào cũng giành tự mình cắt lấy. Ông ấy cắt cỏ cũng kỹ như cậu".

Tôi rút thuốc lá ra mời bà ta, rồi cả hai cùng hút thuốc. Bàn tay của bà to hơn bàn tay tôi. Cả ly rượu bên tay phải lẫn điếu thuốc Hope điếu ngắn bên tay trái trông nhỏ xíu. Ngón tay bà mập mạp, không đeo chiếc nhẫn nào. Móng tay có những đường vân dọc.

-"Ông ấy hễ có ngày nghỉ là chỉ cắt cỏ thôi. Mà chẳng phải là người quái kỳ gì đâu nhé".

Tôi thử tưởng tượng một tí về ông chồng của bà. Nhưng chẳng làm sao tưởng tượng ra được. Không khác gì phải tưởng tượng cho ra hai vợ chồng cây long não vậy.

Bà ta lại thở ra một hơi "".

-"Ông ấy mất đi rồi...". Bà nói. -"tôi phải gọi người cắt cỏ thuê suốt từ đấy. Tôi thì kém chịu nắng, con gái tôi cũng ghét phơi nắng đen da. Mà cho dù không ngại chuyện nắng làm đen da đi nữa, con gái còn trẻ mà đi cắt cỏ cũng đâu có được".

Tôi gật đầu.

-"Cách làm việc của cậu thì tôi ưng ý lắm. Vườn cỏ thì phải cắt như thế này mới đúng".

Tôi lại ngắm vườn cỏ một lần nữa. Bà ta ợ một tiếng.

-"Tháng sau lại đến làm nhé".

-"Tháng sau thì không được đâu". Tôi nói.

-"Sao vậy?". Bà hỏi.

-"Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng rồi". Tôi đáp. -"Vì không sớm trở lại đời sinh viên mà học hành thì không xong được các môn học đâu".

Bà nhìn mặt tôi một lúc, nhìn xuống chân tôi, rồi trở lại nhìn mặt tôi.

-"Sinh viên à?"

-"Vâng". Tôi đáp.

-"Trường nào?"

Tôi nói tên trường đại học của mình. Tên trường đại học chẳng làm bà ta chú ý. Bởi chẳng phải là trường đại học đáng chú ý. Bà ta đưa ngón tay trỏ gãi sau vành tai.

-"Thế không còn làm việc này nữa à?"

-"Vâng, trong mùa hè năm nay". Tôi đáp. Trong mùa hè năm nay, sẽ không làm việc cắt cỏ nữa. Mà mùa hè năm sau, rồi mùa hè năm sau nữa, cũng không.

Bà ta hớp một ngụm Volka Tonic, ngậm phồng miệng như đang súc miệng, rồi nuốt từ tốn làm hai lần. Mồ hôi tươm đầy trên trán bà. Trông như những côn trùng nhỏ bám vào.

-"Vào trong nhà đi". Bà nói. -"Ngoài này nóng quá".

Tôi nhìn đồng hồ tay. 2 giờ 35 phút. Còn sớm hay đã muộn cũng chẳng rõ. Công việc thì đã xong cả rồi. Từ nay, chẳng còn phải cắt dù là một cen-ti-mét cỏ. Có cảm giác thật kỳ lạ.

-"Phải đi gấp à?". Bà ta hỏi.

Tôi lắc đầu.

-"Vậy thì vào trong nhà uống tí gì lạnh rồi hãy đi. Không mất thì giờ cậu đâu. Vả lại, có thứ này muốn cho cậu xem nữa".

Thứ này muốn cho xem?

Thế nhưng tôi không có thì giờ để ngần ngừ. Bà ta đã nhanh nhẹn bước đi trước, chẳng ngoái nhìn lại phía tôi. Tôi đành bước theo. Trời nóng đến làm đầu tôi lơ lửng mơ hồ.

Bên trong nhà vẫn lặng yên như trước. Từ chỗ ngập lụt ánh nắng mặt trời buổi chiều hè, đột ngột bước vào trong nhà tối, phía sau mi mắt tôi nghe đau như có kim chích vào. Trong nhà như phảng phất một màng sợi bóng đêm đen nhạt đã lược qua nước lạnh. Bóng đêm như đã quen thuộc với căn nhà này đâu từ vài mươi năm trước rồi. Không tối đến mịt mùng, chỉ tối nhạt thôi. Không khí mát mẻ. Không phải là cái mát của máy điều hoà không khí, mà là cái mát do không khí lay động. Như có gió lọt vào từ đâu đó, và thoát ra từ đâu đó.

-"Phía này này". Bà ta nói, bước đi với tiếng dép "phành phạch" trên một hành lang thẳng. Hai bên hành lang có vài cửa sổ, nhưng tường rào nhà kế bên và những nhánh cây cử quá lớn ngăn cản ánh sáng từ bên ngoài. Nhiều thứ mùi phảng phất trong hành lang. Đều là những mùi tôi đã ngửi thấy từ trước. Những mùi mà thời gian tạo ra. Thời gian tạo ra những mùi ấy, rồi ngày nào đấy lại xoá tan đi. Mùi của áo quần cũ, bàn ghế cũ, sách cũ, đời sống cũ. Cuối hành lang có bậc cấp. Bà ta ngoái đầu lại xem có tôi đi theo không, rồi bước lên bậc cấp. Từng bậc cấp dưới chân bà rên lên tiếng gỗ nẻ.

Lên khỏi bậc cấp mới thấy ánh sáng chiếu vào. Từ khung cửa sổ không có màn che, ánh nắng hè chiếu thành vũng sáng trên sàn. Tầng trên này chỉ có hai phòng. Một phòng chứa đồ đạc, phòng kia là một phòng ngủ trông có vẻ ngăn nắp. Trên cửa phòng màu lục nhạt đùng đục, có khung nhỏ bằng kính mờ. Lớp sơn màu lục đã có vài đường nứt, nắm cửa bằng đồng thau thì chỉ chỗ tay vặn đã đổi sang màu trắng.

Bà ta chun miệng thở "phù" một tiếng, đặt ly Volka Tonic gần cạn lên bệ cửa sổ, rút chùm chìa khoá trong túi áo đầm ra, mở khoá, vang lên tiếng động lớn.

-"Vào đi". Bà nói.

Chúng tôi bước vào phòng. Trong phòng tối om và ngột ngạt. Không khí hầm nóng tù hãm. Từ những khe hở trong cánh cửa gỗ chống mưa đóng kín bên ngoài, ánh nắng chiếu xuyên vào phòng như vài miếng giấy bạc cán dẹp. Chẳng thấy gì trong phòng cả. Chỉ lấp lánh bụi lơ lửng đây đó. Bà ta kéo màn cửa, mở cửa kính rồi vẹt cửa gỗ chống mưa kêu "rèn rẹt". Thoáng chốc, ánh nắng rực rỡ choáng mắt và gió nam mát rượi chan hoà tràn vào phòng.

Căn phòng trông có vẻ là loại phòng điển hình của một thiếu nữ mười mấy tuổi. Bên cửa sổ có bàn học, phía đối diện có một chiếc giường gỗ nhỏ. Trên giường trải một tấm chăn màu xanh san hô, không một nếp nhăn. Và một chiếc gối đồng màu. Phía chân có một cái mền gấp xếp lại. Cạnh giường là tủ áo và tủ trang điểm. Trước tủ trang điểm xếp vài thứ đồ trang điểm như lược, kéo nhỏ, son môi, hộp phấn. Có vẻ không phải là người nhiệt tâm trang điểm.

Trên bàn học có tập vở và từ điển. Tiếng Pháp và tiếng Anh. Có vẻ đã được dùng nhiều rồi. Mà không phải lối dùng thô bạo, có vẻ đã được dùng cẩn trọng. Đĩa đựng bút có một nắm bút, sắp bằng đầu với nhau. Cục tẩy mòn tròn một đầu. Rồi đồng hồ báo thức, đèn bàn và cục chận giấy bằng thủy tinh. Vật nào cũng là thứ giản dị. Trên tường gỗ treo năm tấm tranh chim chóc màu sắc thiên nhiên, và một cuốn lịch toàn số. Tôi miết thử ngón tay lên mặt bàn thì ngón tay bám đầy bụi trắng. Bụi bám đâu đã một tháng nay rồi. Cuốn lịch cũng đang ở trang tháng Sáu.

Nhìn chung căn phòng có vẻ trống trải quá cho một cô gái ở tuổi dậy thì. Không có thú nhồi bông, cũng chẳng có hình ca sĩ nhạc Rock. Những món trang trí loè loẹt đã không có mà giỏ rác có hình hoa hoè cũng chẳng có. Trên tủ sách gắn vào tường, bày đủ loại sách. Sách văn học toàn tập, thi tập, tạp chí phim ảnh, tờ rời quảng cáo triển lãm hội hoạ,...... Sách bìa mỏng tiếng Anh cũng có mấy cuốn. Tôi thử tưởng tượng hình dáng cô chủ căn phòng này nhưng chịu thua. Chỉ có khuôn mặt của người tình đã chia tay hiện lên trong trí mà thôi.

Bà chủ nhà trung niên to con ấy vẫn ngồi trên giường nhìn theo tôi. Bà ta nhìn theo hướng mắt tôi suốt từ nãy đến giờ, nhưng có vẻ suy nghĩ gì đấy hoàn toàn khác. Mắt bà chỉ hướng theo tôi thế thôi, chứ thật ra chẳng nhìn gì cả. Tôi ngồi vào ghế cạnh bàn học, ngắm bức tường trét vữa sau lưng bà. Tường này chẳng treo gì cả. Chỉ trắng toát. Nhìn chăm chú một hồi, thấy như phần trên của bức tường đang chúi xuống phía trước. Cảm thấy như nó sắp đổ ập xuống đầu bà ta. Nhưng tất nhiên, chuyện đó không xảy ra. Chỉ nhìn thấy thế vì ánh sáng thay đổi đó thôi.

-"Uống gì không?". Bà ta hỏi. Tôi lắc đầu từ chối.

-"Không làm khách cũng được mà. Có phải ăn vặt đâu mà sợ".

-"Vậy thì xin bà thứ bà đang uống, pha nhạt bớt". Tôi nói và chỉ vào ly Volka Tonic.

Năm phút sau, bà ta trở lại, mang theo hai ly Volka Tonic và đĩa gạt tàn thuốc. Tôi uống một hớp Volka Tonic của mình. Chẳng pha nhạt bớt tí nào cả. Tôi hút thuốc, chờ nước đá tan. Bà ta ngồi xuống giường, nhấm nháp ly Volka Tonic có lẽ còn đậm hơn nhiều so với ly của tôi. Thỉnh thoảng bà lại nhai nước đá "cụp cụp".

-"Thân thể tôi vững lắm". Bà ta nói. -"Nên không say đâu".

Tôi lơ lửng gật đầu. Bố tôi cũng đã vậy. Nhưng chẳng có ai đua với rượu mà thắng bao giờ. Chỉ là cho đến khi mũi mình ngập mất dưới mực nước, mới để ý đến chuyện này chuyện kia đó thôi. Bố tôi mất năm tôi 16 tuổi. Cái chết rất thản nhiên. Chết như chẳng nhớ trước đó đã sống hay không.

Bà ta im lặng hồi lâu. Ly rượu di động, nghe tiếng nước đá "lanh canh". Từ cửa sổ đã mở, thỉnh thoảng có gió mát lùa vào. Gió từ hướng nam thổi qua ngọn đồi bên kia mà đến. Buổi chiều mùa hạ yên tĩnh đến muốn ngủ luôn một giấc. Từ xa đâu đấy có tiếng chuông điện thoại reo.

-"Mở tủ áo xem đi". Bà ta nói.

Tôi đến trước tủ áo, mở hai cánh cửa ra theo lời bà. Áo quần treo chen chúc trong tủ. Phân nửa là áo đầm, còn lại là váy, nịt ngực và áo khoác. Toàn là đồ mùa hè. Đồ cũ cũng có mà đồ mới như chưa xỏ tay lần nào cũng có. Váy phần lớn là váy mini. Kiểu cách và vật liệu đều không tệ. Chẳng đặc biệt quyến rũ mắt người ta, nhưng vẫn thật trang nhã đẹp mắt. Có được chừng này y phục thì suốt mùa hè, mỗi lần hò hẹn có thể mặc một bộ khác. Tôi ngắm dãy quần áo một hồi rồi đóng cửa tủ lại.

-"Đẹp quá". Tôi nói.

-"Mở ngăn kéo ra xem". Bà ta nói. Tôi hơi ngần ngừ, nhưng rồi cũng nghe theo mà mở xem từng ngăn kéo của tủ áo. Trong lúc con gái người ta đi vắng mà vào phòng ngủ lục lọi như thế này, dù có được phép của bà mẹ đi nữa, cũng không thể xem là hành vi đàng hoàng được; thế nhưng cãi lời bà mẹ thì lại phiền phức quá. Tôi chẳng hiểu được người từ mười một giờ sáng đã bắt đầu uống rượu ấy đang suy nghĩ như thế nào.

Ngăn kéo lớn trên cùng có quần bò, áo polo, áo thun. Giặt xong, xếp gấp cẩn thận, không một nếp nhăn. Ngăn kéo tầng hai có xách tay, dây nịt, khăn tay và vòng đeo tay. Thêm vài cái mũ vải. Tầng ba có đồ lót và vớ tất. Mọi thứ đều sạch sẽ, ngăn nắp. Tôi tự dưng cảm thấy buồn buồn vô cớ. Ngực nghe trĩu xuống một tị. Tôi đóng ngăn kéo lại.

Người đàn bà vẫn ngồi trên giường, ngắm khung cảnh bên ngoài cửa sổ. Ly Volka Tonic trên tay phải đã gần cạn.

Tôi trở lại ghế ngồi, châm lửa điếu thuốc. Bên ngoài cửa sổ, dốc đồi thoai thoải xuống, đến cuối dốc lại uốn lên một dốc đồi khác. Trông xa, thảm cỏ xanh dợn sóng lên xuống kéo dài vô tận, những căn nhà điểm-xuyết như được dán lên thảm xanh ấy. Nhà nào cũng có vườn, vườn nào cũng tràn đầy những cỏ.

-"Cậu thấy sao?". Bà ta nói, mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. -"Về này".

-"Không gặp lần nào thì làm sao mà biết được". Tôi nói.

-"Nhìn y phục cô nào thì đại khái hiểu được chứ". Bà ta nói.

Tôi nghĩ đến người tình của mình, nhớ lại xem nàng mặc y phục như thế nào. Mà chẳng làm sao nhớ lại được. Những điều tôi có thể nhớ về nàng đều là những hình ảnh mơ hồ. Khi tôi cố nhớ lại hình ảnh chiếc váy của nàng thì hình ảnh áo sơ-mi nàng mặc lại biến mất đi. Tôi cố nhớ lại chiếc mũ nàng đội, thì khuôn mặt nàng lại biến thành khuôn mặt của cô gái nào khác. Mới có nửa năm, mà tôi đã chẳng còn nhớ lại được gì cho rõ. Kết cuộc, chẳng hiểu tôi đã biết gì về nàng nhỉ?

-"Tôi chẳng biết". Tôi lặp lại.

-"Cảm thấy thế nào cứ nói thế ấy thôi mà. Điều gì cũng được. Nói cho tôi nghe tí xíu là đủ rồi".

Tôi uống một hớp Volka Tonic để câu giờ. Nước đá đã tan hầu hết, rượu ngọt như nước đường. Mùi Volka mạnh trôi qua cuống họng, xuống dạ dày, làm ấm nhẹ trong người. Ngọn gió thổi vào từ cửa sổ làm tán loạn tro thuốc lá trắng trên bàn học.

-"Có vẻ là người ngăn nắp, đáng mến". Tôi nói. -"Không đường đột, nhưng cũng không phải là nhút nhát. Thành tích học vấn thuộc hạng cao. Đại học nữ sinh hoặc là đại học ngắn hạn hai năm, bạn bè không nhiều nhưng là bạn thân... Đúng thế không?"

-"Nói tiếp đi đã".

Tôi xoay ly rượu trong tay vài vòng rồi đặt ly xuống bàn trở lại.

-"Ngoài những điều ấy ra thì tôi không hiểu gì hơn. Mà ngay cả những điều vừa đoán ấy, tôi cũng hoàn toàn không có tự tín là đúng nữa".

-"Đại khái thì đúng đấy". Bà ta đáp, không lộ vẻ gì đặc biệt. -"Đại khái đúng thế".

Tôi cảm thấy như người con gái chủ căn phòng này từ từ len lén hiện ra trong phòng. Như một bóng trắng mờ ảo. Không có mặt, mũi, tay, chân gì cả. Biển ánh sáng đã tạo ra một nếp sai lệch trong đó có hình ảnh của cô gái. Tôi uống thêm một ly Volka Tonic nữa.

-"Cô ấy có bạn trai". Tôi nói tiếp. -"Một hay hai người gì đấy. Khó hiểu quá. Chẳng hiểu thân mật đến mức nào. Nhưng mà điều đó thì sao cũng được. Vấn đề là...... cô đã không thể thích ứng được với nhiều thứ. Thân thể của chính mình, những điều mình nghĩ, những điều mình cần, những điều người khác đòi hỏi,... Đại khái thế".

Người đàn bà im lặng một hồi rồi nói: -"Vâng, tôi hiểu điều cậu nói".

Còn tôi thì chẳng hiểu. Tôi hiểu những lời mình đã nói có ý nghĩa gì. Nhưng những lời nói đó là từ người nào hướng đến người nào thì tôi không hiểu. Đã thấm mệt quá rồi, chỉ muốn ngủ thôi. Ngủ được một giấc thì có lẽ mọi chuyện sẽ rõ ràng ra. Thế nhưng khi mọi chuyện rõ ràng ra rồi, cũng không hẳn có khỏi bận trí được hay không.

Bà ta im lặng suốt từ đấy. Tôi cũng lặng thinh. Cứ như thế trong 10, 15 phút. Kết cuộc, chẳng có gì làm nên tôi đã uống hết nửa chai Volka Tonic. Gió thổi mạnh hơn một tí, làm lay động những lá tròn của cây long não.

-"Giữ cậu lại thế này thật tôi có lỗi lắm". Một hồi sau, bà ta nói. -"Vườn cỏ được cắt thật đẹp nên vui mừng quá đấy".

-"Cảm ơn bà". Tôi nói.

-"Tôi trả tiền cậu nhé". Bà nói, rồi thọc bàn tay to trắng vào túi áo đầm. -"Bao nhiêu thế cậu?"

-"Xin sẽ gửi hóa đơn rồi bà chuyển tiền trả qua ngân hàng sau". Tôi vội nói.

-"Hừm".

Chúng tôi xuống bậc cấp, trở lại hành lang để ra ngoài nhà. Hành lang ra đến cửa chính cũng mát lạnh và tối tăm như lần vào. Ngày hè thuở bé, tôi đã đi chân không ngược dòng sông cạn, lúc chui dưới gầm cây cầu sắt thật lớn cũng đã có cảm giác giống hệt như thế. Tối om, nước dưới chân đột nhiên lạnh hẳn đi. Và cát quyện dính vào chân một cách kỳ dị.

Lúc ra đến ngưỡng cửa, xỏ chân vào đôi giày quần vợt rồi mở cửa bước ra ngoài, tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm cả người. Quanh tôi chan hoà ánh nắng, và trong gió thoảng mùi cỏ mới cắt. Vài con ong uể oải đập cánh bay vòng trên tường rào.

-"Cỏ cắt đẹp quá". Người đàn bà ngắm vườn cỏ và tán thán một lần nữa.

Tôi ngắm vườn cỏ. Quả thật cỏ đã được cắt thật đẹp.

Người đàn bà rút ra từ túi áo đủ thứ đồ -đủ thứ thật- chọn riêng một tờ vạn Yen [2]nhàu nát. Giấy không đến nỗi cũ, nhưng đã bị vày vò nhiều lần. Một vạn Yen này 14, 15 năm trước là một món tiền rất lớn. Tôi lưỡng lự một tí, nhưng cảm thấy không thể từ chối nên đã nhận lãnh.

-"Cảm ơn bà". Tôi nói.

Người đàn bà có vẻ nói chưa hết lời. Không biết nói sao cho đúng ý mình. Vừa hoang mang như thế vừa nhìn ly rượu trong tay phải. Ly đã cạn. Rồi lại nhìn tôi.

-"Khi nào làm việc cắt cỏ trở lại thì điện thoại đến đây nhé. Lúc nào cũng được".

-"Vâng". Tôi nói. -"Tôi sẽ gọi đến. Cảm ơn bà đã cho bánh mì kẹp và rượu".

Bà ta ậm ừ tiếng gì nghe như "Ừm" hay "Hừm" trong cuống họng, rồi quay lưng lại, bước trở vào nhà. Tôi lên xe nổ máy, và mở máy nghe đài. Đã quá ba giờ chiều rồi.

Lái xe nửa chừng, để bớt buồn ngủ, tôi vào quán bên đường, gọi cola và spaghetti. Spaghetti dở ẹc, chỉ ăn nổi nửa đĩa. Dù sao, bụng tôi cũng chẳng đói gì. Cô hầu bàn mặt mày nhợt nhạt dọn xong đĩa tách, tôi ngồi trên ghế bọc nhựa thiu thiu ngủ. Quán đang vắng khách, lại thêm máy lạnh mát rượi. Một giấc ngủ ngắn chẳng mộng mơ gì cả. Giấc ngủ tự-thân đã là mộng rồi. Dù vậy, khi tôi mở mắt dậy thì ánh nắng mặt trời đã bớt gay gắt phần nào. Tôi uống thêm một ly cà-phê rồi trả tiền bằng tờ vạn Yen vừa lãnh được.

Ra bãi đậu ngồi lên xe, tôi để nguyên chìa khoá trên bảng-đồng-hồ, hút một điếu thuốc. Những cơn mệt mỏi nho nhỏ cùng lúc tràn lên tôi. Cuối cùng tôi đã mệt quá rồi. Tôi thôi không lái xe, ngồi thưỡn ra trên ghế xe, hút thêm một điếu thuốc nữa. Có cảm giác tất cả mọi chuyện đã xảy ra đâu ở một thế giới nào xa vời. Rõ ràng mà kỳ dị như thấy qua kính viễn-vọng nhìn ngược.

"Em nghĩ anh muốn đòi hỏi nơi em nhiều thứ ". Người yêu đã viết cho tôi như thế. "Nhưng em không sao nghĩ được là chính em phải bị người nào đòi hỏi một thứ gì".

Tôi nghĩ rằng tôi chỉ đòi hỏi cỏ phải được cắt cẩn thận. Trước tiên, phải cắt bằng máy điện-động, lấy cào gom sạch, rồi dùng kéo tay mà cắt xén cẩn thận, chỉ có thế thôi. Tôi làm được như thế. Bởi cảm thấy phải làm như thế mới đúng.

"Chứ không phải sao?". Tôi kêu lên thành tiếng lớn.

Chẳng có trả lời.

Mười phút sau, người quản lý quán bên đường đến bên xe tôi, khom người xuống hỏi: Có sao không?

-"Có hơi choáng váng một tí thôi". Tôi nói.

-"Trời nóng quá đấy mà. Tôi mang nước đến cho cậu nhé?"

-"Cảm ơn ông. Nhưng quả thật không sao đâu".

Tôi lái xe ra khỏi bãi đậu, chạy về hướng đông. Hai bên đường có đủ loại nhà cửa, đủ loại vườn tược, đủ loại người sống đủ loại đời sống. Tôi cầm lái, nhìn những phong cảnh ấy suốt dọc đường. Sau lưng tôi, máy cắt cỏ rung lắc những tiếng "lạch cạch".

*

Từ ngày ấy, tôi không còn cắt cỏ một lần nào nữa. Ngày nào ở nhà riêng có vườn cỏ, có lẽ tôi sẽ cắt cỏ. Nhưng điều đó, tôi cảm thấy còn xa vời quá. Chỉ chắc chắn rằng, lúc đó, tôi cũng sẽ cắt cỏ cẩn thận vô cùng.
 

Phạm Vũ Thịnh dịch
Chú thích:

[1] - Keyaki - Zelkova, tự điển Hán Việt Thiều Chửu ghi là cây "cử"; thuộc họ "cây du - elm tree", cao đến 30 mét, tàn rộng, gỗ cứng, dùng làm cột nhà và bàn ghế.

[2] - Giấy vạn Yen khoảng 100 đô-la Mỹ.

Ghi chú của người dịch:

Truyện ngắn "Gogo no Saigo no Shibafu" đã đăng trên tạp chí Takarajima tháng 8 năm 1982, là truyện thứ 5 trong tuyển tập Thuyền Hàng Đi Trung Quốc - Chugoku-iki No Suro-bo-to, được dịch từ nguyên tác tiếng Nhật trong bản bỏ túi do Chuko Bunko tái bản lần thứ 7 tháng1 năm 2003.