Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Đầu xuân bói tuồng

Phanxipăng

Tuồng, còn gọi hát bội hoặc hát bộ, từng được xem là "quốc kịch" của Việt Nam. 
Thời trước, dân ta có tục bói tuồng đầu xuân: 
từ mùng 1 đến mùng 10 Tết,  mua vé vào rạp giữa lúc vở hát bội đang diễn, 
hễ gặp cảnh ngộ nào xuất hiện trên sân khấu thì dựa theo mà suy đoán vận số mình trong năm mới. 
Giờ đây, mời quý bạn cùng tôi bói tuồng kiểu khác:  thử điểm quá trình thịnh suy của tuồng 
để làm cơ sở dự báo tương lai  cho chính bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này
Xửa xừa xưa
Tuồng, loại hình kịch hát đặc thù của Việt Nam, vốn có gốc gác lâu đời từ các hình thức diễn xướng dân gian và được thư tịch ghi nhận thời điểm chính thức xuất hiện là thế kỷ XIV, đời Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn(1), thì trong cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông xâm lược, quân đội nhà Trần bắt được tù binh Lý Nguyên Cát là một kép hát tên tuổi ở phương Bắc. Triều đình bèn dùng Lý để truyền thụ nghệ thuật biểu diễn cho con cái thế gia vọng tộc. Tiếp nhận nhiều điểm phù hợp trong hí khúc Trung Hoa, kết hợp khéo léo với nền ca múa nhạc bản địa, tuồng Việt ra đời. Sử gia Ngô Sĩ Liên ghi nhận: "Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đấy".

Sự ảnh hưởng của hí khúc Trung Hoa vào tuồng Việt, như chúng ta sẽ thấy, không chỉ xảy ra một lần. Tuy nhiên, trên tiến trình giao lưu văn hóa, tuồng Việt dần tạo lập những đặc trưng riêng biệt.

Từ thế kỷ XV, nhà Lê quan niệm nghệ thuật sân khấu là trò du hí tiểu nhân, triều đình ban hành văn bản quy định địa vị xã hội của diễn viên ngang hàng... lũ trộm cướp! Chính sách hà khắc ấy đã khiến tuồng chẳng thể phát triển suốt thời gian dài, ít ra ở Đàng Ngoài đến thế kỷ XVI - XVII. Bằng chứng là danh sĩ Đào Duy Từ (1572 - 1634) dù nổi tiếng thông minh và học giỏi vẫn bị cấm thi cử vì xuất thân trong gia đình "xướng ca vô loại". Vì thế, mùa đông Ất Sửu 1627, Đào Duy Từ bỏ quê Thanh Hoá, trốn vào Đàng Trong, được chúa Sãi (2) tin dùng. Mà các chúa Nguyễn thì rất thích tuồng. Nghệ thuật hát bội, đối với các chúa và vua Nguyễn, đâu chỉ để giải trí đơn thuần. Hát bội còn là công cụ tuyên truyền đầy hấp dẫn cho hệ thống chính trị và đạo đức mà họ đề cao. Tuồng đã tìm thấy đất dung thân. Vở Sơn Hậu là kịch bản thành văn đầu tiên tương truyền do Đào Duy Từ khởi thảo vào giai đoạn phục vụ dưới trướng chúa Sãi.

Triều đại Tây Sơn cũng ưa chuộng tuồng. Bản thân hoàng đế Quang Trung thuở thiếu thời từng làm... kép hát bội. Không ít tướng lĩnh Tây Sơn vốn là đào kép phường tuồng. Giọng nói mạnh mẽ của dân Bình Định cùng đòn thế võ Bình Định đã để lại dấu ấn đậm nét trong bộ môn nghệ thuật này. Một tư liệu quý, giúp hậu thế thấy rõ cảnh diễn tuồng cuối thế kỷ XVIII: bức tranh màu tả thực được in trong tập A Voyage to Cochichina in the Years 1792 and 1793(3)của John Barrow xuất bản năm 1806 tại London, Anh quốc. Tập I bộ Lịch sử Việt Nam do Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1971, trang 395) cũng sử dụng tranh ấy để minh hoạ.

Tuồng càng phát triển cực thịnh dưới thời vương triều Nguyễn. Năm Ất Dậu 1825, niên hiệu Minh Mạng thứ V, Thanh Bình từ đường được thành lập. Đó là nhà thờ tổ của ngành hát bội nói riêng, của giới sân khấu Việt Nam nói chung. Bao quanh từ đường là Thanh Bình thự, cơ quan quản lý việc múa hát cung đình và đào tạo nghệ nhân từ lứa tuổi đồng ấu. Hiện toạ lạc trong kiệt 281 đường Chi Lăng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế, công trình ấy được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng "di tích lịch sử - văn hoá" ngày 23-6-1992.

Năm Bính Tuất 1826, niên hiệu Minh Mạng XV, Duyệt Thị đường là nhà hát tuồng quốc gia được xây dựng quy mô trong Tử Cấm thành. Dịp ngũ tuần đại khánh của hoàng đế, vở Quần tiên hiến thọ do Nguyễn Bá Nghi soạn đã được công diễn. Điều thú vị: đích thân vua Minh Mạng trực tiếp tham gia viết một đoạn trong kịch bản. Giai đoạn đó, triều đình còn mời một kép hát người Hoa là Càn Cương Hầu / Cang Cung Hầu tới kinh đô dạy điệu hát khách. Điệu này được đưa vào tuồng vốn sẵn điệu hát nam và điệu niêu nồi, làm phong phú thêm phần âm nhạc của nghệ thuật hát bội. Ngôi mộ Càn Cương Hầu hiện nằm dưới chân núi Ngự Bình.

Vua Tự Đức chấp chính, tuồng được nâng cao hơn và hoàn bị về nhiều phương diện. Vị hoàng đế hay chữ ấy cho xây thêm nhà hát tuồng Minh Khiêm đường trong Khiêm cung (tức lăng Tự Đức); chiêu tập kép hay với đào đẹp về Phú Xuân; lại tổ chức Ban hiệu thư chuyên sáng tác, hiệu đính, nhuận sắc kịch bản tuồng nhằm chuyển "phương bản" thành "kinh bản". Ban hiệu thư quy tụ nhiều bậc uyên áo và tài hoa như Nguyễn Hữu Đĩnh tức Nguyễn Hiển Dĩnh, Ngô Quý Đồng, Hồ Quý Thiều, Trương Quốc Dụng, Võ Duy Tịnh, v.v., mà đứng đầu là Đào Tấn (1845 - 1907).

Trước kia, mỗi vở tuồng chỉ từ 1 đến 3 hồi, mỗi hồi diễn một đêm. Đến giai đoạn này, xuất hiện những vở "kỳ vĩ trường thiên" như Học lâm gồm 20 hồi, Vạn bửu trình tường gồm 216 hồi (nghĩa là diễn liên tục phải mất gần năm trời).

Các vị vua Nguyễn kế tiếp thảy đều trọng thị nghệ thuật hát bội. Vua Thành Thái có lúc thủ vai Thạch Giải Trại trong vở Xảo Tống. Cùng với các nhà hát cung đình, nhiều rạp tuồng "mini" được dựng trong phủ đệ của hoàng thân quốc thích. Khắp tỉnh thành từ Bắc chí Nam, dân chúng đua nhau lập đoàn tuồng, gánh tuồng tư nhân để diễn cố định hoặc lưu diễn.

Hầu hết địa phương, mỗi lần hội hè, tế lễ, thảy đều dựng rạp, mời nghệ nhân đến hát bội. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán hằng năm, trong thành ngoài nội đâu đâu cũng diễn tuồng khiến thiên hạ say mê tới mức:
  
Hát bội hành tội người ta,
Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con!

Hôm qua
Bước sang thế kỷ XX, tuồng vẫn giữ vai trò "quốc kịch". Giáo sư Nguyễn Lộc viết trong sách Nghệ thuật hát bội Việt Nam (NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1994): "Có thể nói trong suốt thế kỷ XIX cũng như trước đó và non hai thập niên đầu của thế kỷ XX, hát bội gần như chiếm độc quyền trên toàn bộ sân khấu biểu diễn ở nước ta. Trong thời kỳ này ta biết ở đồng bằng Bắc Bộ còn có chèo và múa rối. Nhưng cả hai loại hình sân khấu này đều là sân khấu dân gian và nó cũng chỉ tồn tại ở nông thôn miền Bắc chứ chưa bao giờ có quy mô toàn quốc như hát bội."

Riêng tính tại Huế những năm đầu thế kỷ XX, không kể các nhà hát cung đình, đã có 14 rạp tuồng phục vụ quần chúng. Nổi tiếng nhất là rạp Đồng Xuân Lâu mà dân địa phương quen gọi trường / rạp Bà Tuần vì do phu nhân của Tuần vũ Đặng Ngọc Oánh đầu tư xây dựng năm 1923 nơi phố Ngã Giữa - tên chính thức thuở bấy giờ là rue Gia Long, đến năm 1955 đổi tên thành đường Phan Bội Châu, sang năm 1976 lại đổi thành đường Phan Đăng Lưu.

Cần thêm rằng song song với dòng tuồng cung đình / tuồng ngự, dòng tuồng dân gian vẫn tiếp tục nẩy nở tạo vẻ đẹp thú vị và phù hợp thị hiếu đại đa số quần chúng - trong đó có lắm vở tuồng hài đã làm sân khấu hát bội sôi động hẳn nhờ gắn bó với hiện thực cuộc sống "bụi bặm đời thường". Thực tế, không ít tuồng hài hước giễu cợt thói hư tật xấu của con người hoặc châm chọc quan viên nhũng nhiễu lại được sáng tác ngay chốn nha môn. Vở Trương Ngáo, nhan đề khác là Thằng Ngáo đúc chuông, vốn của thầy Đội Em làm việc ở Thanh Bình thự. Vở Nghêu, sò, ốc, hến, nguyên đề là Di tình, có tài liệu cho rằng do Tuy Lý Vương Miên Trinh - hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng - soạn thảo.

Trước đây, tuồng được phân làm 2 loại chính: tuồng đồtuồng pho. Tuồng đồ không theo tích truyện Tàu, ví dụ các vở Quần tiên hiến thọ, Quần phương hiến thuỵ, Vạn bửu trình tường, Lý Phụng Đình. Tuồng pho dựa vào tích truyện Trung Hoa, như các vở Đãng khấu, Tống sử, Hộ sanh đàn, Phong thần, Trầm hương các, Tiết Giao đoạt ngọc, Tống Địch Thanh, Chung Vô Diệm. Kể từ năm 1911, nhà ái quốc Phan Bội Châu (1867 - 1940) sáng tác tuồng Trưng Nữ Vương làm dấy lên phong trào soạn tuồng có nội dung rút từ sử Việt: Đông A song phụng của Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trãicủa Từ Diễn Hồng, Nghĩa nặng tình sâu tức Mỵ Châu - Trọng Thuỷ của Hoàng Tăng Bí, v.v.

Một xu hướng nữa góp phần cách tân tuồng bản cần ghi nhận: chuyển thể kịch Tây phương thành tuồng Việt mà người tiên phong là thi sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) với vở hát bội Lộ Địch phóng tác từ vở kịch Le Cid của Pierre Corneille (1606 - 1684). Vở tuồng Lộ Địch đã ấn hành năm 1936, tái bản năm 1954 và 1992. Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương - ái nữ của Ưng Bình - nhận định:

- Trong sự nghiệp thi ca của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, xét về mặt nghệ thuật, văn chương, có lẽ những gì sáng giá nhất đều nằm trong cuốn tuồng này.

Từ xuất hiện đến nay, vở Lộ Địch đã diễn đi diễn lại nhiều lần, mà gần đây được Nhà hát tuồng Đào Tấn ở Bình Định dàn dựng trên sân khấu Quy Nhơn (17-1-2000), Sài Gòn (14-3-2000), Hà Nội (19-9-2000), Huế (4-4-2001), v.v. Nữ nghệ sĩ Hoà Bình - giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn và là người thủ vai chính Chi Manh - cho biết:

- Có thể nói vở Lộ Địch là một bông hoa tươi đẹp nẩy sinh từ mối giao lưu văn hoá Việt - Pháp. Diễn vở tuồng này ngay tại quê hương của Ưng Bình càng thích hợp.

Trở lại giai đoạn 1930 - 1945. Đó là thời hưng thịnh của văn học nghệ thuật lãng mạn, có những tác động nhất định đối với sân khấu tuồng. Những vở gọi là "tuồng tiểu thuyết" mang cốt truyện tình yêu nam nữ thị dân éo le, mùi mẫn, trở thành gu(4)thời thượng. Chẳng hạn vở Lỡ chuyến xe hoa của Nguyễn Châu Thành. Những vở ấy được xem là bước thử nghiệm cho dòng tuồng khai thác đề tài đương đại. Thời gian này, cải lương vừa trải qua quá trình hình thành và đang phát triển mạnh. Không ít gánh tuồng tìm cách thu hút khán giả bằng cách "cải lương hoá" và cả "kịch nói hoá" nghệ thuật hát bội cổ truyền.

Từ năm 1954, nghệ thuật tuồng thịnh suy ra sao? Ở miền Bắc, sau một số năm cấm diễn tuồng vì xem đấy là "sản phẩm phong kiến", Nhà nước đã chủ trương phát huy văn hoá dân tộc và quan tâm đến các bộ môn hát bội, chèo, cải lương. Trên cơ sở Đoàn tuồng liên khu 5 tập kết, phối hợp một bộ phận nghệ nhân "tuồng Bắc" tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá trở ra, Nhà hát tuồng Việt Nam được thành lập năm 1959 tại Hà Nội, sau đổi tên thành Nhà hát tuồng trung ương. Ở miền Nam, hoạt động nghệ thuật chủ yếu do tư thương đầu tư và điều khiển. Một hội đoàn tư nhân lấy danh hiệu "Khuyến lệ cổ ca" ra đời với mục tiêu phục hưng hát bội. Tuồng được giảng huấn trong trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Khi cần giới thiệu tuồng Việt với quan khách nước ngoài tại Manila (Philippines) hoặc Hội chợ quốc tế Osaka (Nhật Bản), chính quyền Sài Gòn đã cử đoàn Ba Vũ từ Huế xuất ngoại trình diễn.

Giai đoạn bấy giờ, dẫu gặp lắm khó khăn do thời cuộc bất ổn, các công trình khảo tả và nghiên cứu về tuồng vẫn được xúc tiến. Đó là các công trình của Nguyễn Nho Tuý, Hoàng Châu Ký, Nguyễn Lai, Lê Ngọc Cầu, Vũ Ngọc Liễn, v.v., thực hiện ở miền Bắc; và của Vương Hồng Sển, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Quý, Huỳnh Khắc Dụng, Đinh Bằng Phi, v.v., thực hiện ở miền Nam. Ở hải ngoại, quý học giả Trần Văn Khê, Emile Gaspardone, Jules le Maỵtre, v.v, cũng bắt tay nghiên cứu tuồng và có những đánh giá cao đối với nghệ thuật hát bội Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu và đào tạo, sáng tác và biểu diễn tuồng trong hoàn cảnh chiến tranh vừa tương tàn vừa ly tán chắc chắn bị hạn chế nhiều mặt, dù ở nơi đâu. Do đó, lực lượng nghệ sĩ cũng như giới hâm mộ nghệ thuật hát bội tha thiết trông chờ ngày đất nước Việt Nam hoà bình và thống nhất.
 

Sơn hậu diễn ca (Quan Văn Dương tàng bản, 1921)
Hậu tổ ngành hát bội / tuồng: 
Đào Tấn (1845 - 1907)
Hôm nay
Tổ quốc Việt Nam hòa bình và thống nhất. Kỳ vọng ấy đã trở thành hiện thực và được ngành nghệ thuật hát bội cắm mốc son ghi nhớ bằng Hội diễn tuồng toàn quốc tổ chức tại Bình Định năm 1976. Hàng chục đoàn tuồng từ nhiều tỉnh thành khắp ba miền đất nước lần đầu tiên hân hoan gặp gỡ, giao lưu. Tiếp đó, một số đoàn tuồng được nâng cấp lên Nhà hát, một số đoàn tuồng khác lần lượt khai sinh, ngỡ sẽ vực dậy nền "quốc kịch" trước vận hội mới.

Nhiều diễn viên xuất thân từ Đoàn tuồng liên khu 5, tập kết ra Bắc, công tác tại Nhà hát tuồng trung ương, sau ngày "non sông liền một dải" liền hồ hởi trở về Nam. Trải qua giai đoạn ngắn khủng hoảng thiếu nhân sự, Nhà hát tuồng trung ương tìm cách ổn định lại đội ngũ, biên chế làm 3 đoàn: đoàn truyền thống, đoàn biểu diễn I và đoàn biểu diễn II. Nhà hát có kịch mục khá đa dạng, song phong cách diễn xuất rõ ràng thiên về tuồng Bắc. Dàn đào kép chủ chốt nơi đây dần được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND) và nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), gồm: Tiến Thọ, Hoàng Khiềm, Mẫn Thu, Quang Hải, Gia Khoản, Ánh Dương, Hán Văn Tình, Cao Đình Lưu, Hồng Khiêm, Hương Thơm, Minh Sự, Minh Gái, v.v. Thế nhưng, đại bộ phận quần chúng ở Hà Nội nói riêng, ở các tỉnh phía Bắc nói chung, ít mê tuồng - dù là tuồng Bắc. Điều đó có lý do lịch sử. Giáo sư Nguyễn Lộc (tlđd) khẳng định: "Hát bội phát triển mạnh là ở Đàng Trong chứ không phải Đàng Ngoài." Cạnh đấy, còn thêm những lý do khác sẽ đề cập ở đoạn dưới.

Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM hiện nay, vốn là Đoàn nghệ thuật hát bội TP. HCM ra đời năm 1977 đã tập hợp được nhiều diễn viên tuồng "gạo cội" như Năm Đồ, Ba Út, Lệ Khanh, Kim Chắc, Châu Kỷ, Công Chấn, Minh Biện, Thành Tôn (5), Huỳnh Mai (5), v.v. Đơn vị này có các tác giả thường trực là Đỗ Văn Rỡ và Đinh Bằng Phi. Năm 1979, băng ghi âm trích đoạn vở Phi Long tiễn chồng do NSND Năm Đồ diễn cùng NSƯT Châu Ký đem lại thành công vang dội: đoạt giải thưởng IMC (The International Music Council: Hội đồng Âm nhạc thế giới thuộc UNESCO). Năm 1993, tại Liên hoan các trích đoạn tuồng hay toàn quốc tổ chức ở Huế, đơn vị này dẫn đầu về số lượng huy chương vàng. Vậy mà giờ đây, đi ngang rạp Long Phụng - trụ sở của Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM - nào thấy mấy khi diễn tuồng?

Từ Vũng Tàu, anh Võ Trọng Nam - giám đốc Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM - điện thoại cho tôi hay:

- Tính bình quân, Nhà hát hát bội TP.HCM diễn chừng... 4 suất! Nhưng không chỉ diễn tại rạp Long Phụng, mà có khi tại Nhà hát lớn, Nhà văn hóa thanh niên, hoặc tại các trường học, xí nghiệp. Để duy trì hoạt động trong tình trạng khó khăn hiện thời, các nghệ sĩ còn tranh thủ lưu diễn nhiều tỉnh. Mà đâu có diễn liên tục được, vì khách coi hát bội ngày càng thưa vắng!

Bình Định được xem "cái nôi tuồng", thì sao? Tiền thân là Đoàn tuồng liên khu 5, Nhà hát tuồng Nghĩa Bình được thành lập năm 1978 và đến năm 1987 đổi tên thành Nhà hát tuồng Đào Tấn, quy tụ lực lượng diễn viên hát bội thuộc loại hùng hậu nhất nhì nước: Võ Sĩ Thừa, Đình Bôi, Đình Thôn, Hòa Bình, Phương Thảo, Xuân Hợi, Minh Ngọc, v.v. Từ ấy đến nay, Nhà hát này đã công diễn gần 100 vở tuồng, trong đó có những tác phẩm được chỉnh lý lại kịch bản cho lớp lang gọn gàng, dàn dựng thuận tiện, với lời thoại rõ ràng, trong sáng, dễ hiểu hơn, song vẫn cố gắng bám sát nội dung tuồng tích cũ và các "ngón", "miếng" truyền thống. Như vở Lộ Địch, Ưng Bình viết 3 hồi, nay thu gọn 1 hồi đủ diễn trong 1 đêm. Hoặc vở Ngọn lửa Hồng Sơn vốn là tuồng cổ Tam nữ đồ vương, một vở "tuồng thầy" chưa rõ tác giả và thời điểm sáng tác. Không chỉ phục vụ trong phạm vi tỉnh Bình Định, Nhà hát còn vào Nam ra Bắc lưu diễn, cả xuất ngoại giới thiệu tuồng với bốn biển năm châu. Nhờ những thành tích hoạt động, Nhà hát tuồng Đào Tấn được Chính phủ tặng Huân chương lao động hạng nhất vào năm 1993.

Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn là nữ NSƯT Hòa Bình, nguyên quán Kim Long (Huế), song nói giọng Bắc. Ngay sau lễ bế mạc phiên họp thứ 10 Quốc hội khóa X, ngày 25-12-2001, đúng dịp No l, tôi nghe chị Hòa Bình bộc bạch:

- Như nhiều bộ môn nghệ thuật dân tộc cổ truyền, hát bội đang gặp vô số khó khăn, trở ngại giữa cơ chế thị trường hiện nay. Trở ngại lớn nhất là khán giả thanh niên và trung niên bây giờ chẳng mấy thiết tha với tuồng. Khán giả cao tuổi yêu tuồng thì dần khuất núi. Đời sống của diễn viên tuồng, vì vậy, khá vất vả. Kể ra, so với các tỉnh thành khác, một bộ phận dân Bình Định vẫn còn khoái tuồng. Tổng kết năm 2001, Nhà hát tuồng Đào Tấn diễn được 125 đêm. Mỗi đêm như thế, diễn viên nhận thù lao bồi dưỡng cỡ... 10.000 ~ 30.000 đồng. Cạnh đó, mỗi người được hưởng lương tháng bình quân 600.000 đồng. Kinh phí hoạt động của đơn vị rõ ràng "hơi bị" eo hẹp. Vở tuồng Lộ Địch nổi tiếng của Ưng Bình, anh chị em đây muốn dựng từ lâu, nhưng chẳng thực hiện nổi bởi... túng thiếu. Vừa qua, may mắn được Mạnh Thường Quân trong lẫn ngoài nước tài trợ 130 triệu đồng, Nhà hát tuồng Đào Tấn bèn dốc sức dàn dựng Lộ Địch với kế hoạch diễn trong 5 năm: 2000 - 2005.

Báo chí đánh giá vở Lộ Địch do Nhà hát tuồng Đào Tấn thể hiện là "rất thành công". Trực tiếp dự khán, tôi lại không tránh khỏi ngậm ngùi: mọi buổi diễn đều... chẳng bán vé!

Tương tự, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tại Đà Nẵng cũng lâm vào hiện trạng chưa lấy gì gọi là sáng sủa, dù dàn diễn viên rất gắn bó với nghề như cô đào Minh Hải. Vừa đóng xong vai chính trong phim Tài tử nghiệp dư của đạo diễn Phan Hoàng, Minh Hải vẫn tuyên bố trước báo giới:

- Không bao giờ Minh Hải có thể bỏ nghề hát tuồng để làm hẳn một công việc nào khác, kể cả đóng phim với mức thù lao hấp dẫn nhiều hơn chăng nữa.

Trong sách Truyền thống sân khấu Huế do Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản năm 1986, Nguyễn Huy Hồng nhận xét: "Cả nước ta, có lẽ không đâu có phong trào ' chơi hát bội ' như ở Huế. (...) Phải nhận rằng chính ở Huế, nơi trung tâm văn hóa, nơi hội tụ nhiều văn nhân, trí thức, nghệ sĩ có tài, đã nâng cao nghệ thuật [tuồng] thành một nghệ thuật sân khấu cổ điển dân tộc hoàn thiện". Qua chuyên luận Tuồng Huế (NXB Thuận Hóa, Huế, 1993), tiến sĩ Tôn Thất Bình nhấn mạnh: "Tuồng Huế là mẫu mực, là đỉnh cao của nghệ thuật tuồng Việt Nam". Vậy tình hình ngành hát bội ở cố đô thời gian qua khả quan chăng?

Đến nay, tại miền Hương Ngự, vẫn còn những nhà sống chết "lăn lửa" với tuồng. Tiêu biểu là gia đình La Cháu. Lão nghệ nhân này có 16 đứa con thì 15 người đều nối nghiệp cha: đóng tuồng, dựng tuồng, dạy tuồng. Liên hoan các trích đoạn tuồng hay toàn quốc năm 1993, ông cùng 3 con tham gia bằng 5 trích đoạn ngoạn mục. Cả 4 cha con đều đoạt huy chương, trong đó có NSƯT La Thị Cẩm Vân hiện làm Trưởng đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế. Cẩm Vân cũng là người đảm trách chương trình Âm sắc cung đình trong các kỳ Festival Huế. Gặp tôi trước Ngọ Môn, Cẩm Vân nói:

- Sau năm 1975, lấy đoàn Ba Vũ trong Đại Nội làm nòng cốt, đoàn Múa hát truyền thống Huế được xây dựng rồi phát triển thành đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế. Nhiệm vụ của đoàn là luyện tập và biểu diễn nhiều tiết mục sân khấu cố đô cổ truyền, mà tuồng là một bộ phận hết sức quan trọng.

La Thị Cẩm Vân lặp lại ý tưởng trọng yếu mà chị đã phát biểu tại hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị tuồng cung đình Huế vào cuối tháng 7-2000:

- Vấn đề nóng bỏng hiện nay của đa số diễn viên cũng như của người làm công tác giảng dạy là rất cần có một giáo trình, hoặc giáo án hoàn chỉnh về tuồng.

Theo tôi biết, năm 1981, một đoàn tuồng nghiệp dư mang tên Thanh Bình đã ra đời với sự bảo trợ của Phòng Văn hóa Thông tin TP. Huế. Gọi "nghiệp dư" chứ thực tế, đoàn Thanh Bình được dẫn dắt bởi các nghệ nhân chuyên nghiệp lão thành như Dương Hòa, Phan Hữu Lễ, v.v. "Ông bầu" của đoàn Thanh Bình lại là kịch tác gia Nguyễn Châu Thành (1911 - 1991), người từng sáng tác hoặc cải biên nhiều vở tuồng gây tiếng vang như Phạm Công - Cúc Hoa (soạn chung với La Cẩm Vân), Lỡ chuyến xe hoa, Bạch Viên - Tôn Các, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Đại miêu diệt thử, Án tử hình. Dù nỗ lực vượt bực, đoàn Thanh Bình chẳng tài nào tự hạch toán kinh doanh nổi, chủ yếu vì thiếu khán giả. Cuối cùng, đoàn Thanh Bình phải giải thể năm 1990. Khách yêu tuồng ở cố đô đành phải ngậm ngùi cảm thán:

- Tuồng làm sao "chọi" lại nhạc nhẹ và vidéo các kiểu?

Kỳ thật, số phận ngành hát bội thời hiện đại đã được báo trước bằng sự kiện rạp Đồng Xuân Lâu ở Huế tồn tại tròn 6 thập niên và chính thức bị triệt hạ ngày 24-4-1983. Hỡi ôi!
 

Tả Giang vai Lã Bố trong vở Phụng Nghi đình diễn tại Sài Gòn năm 1960
Trên sân khấu Nhà hát tuồng trung ương ở Hà Nội. 
Ảnh: Bảo Chân
Và ngày mai
Tại hội thảo khoa học Đi tìm đặc trưng văn hóa Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu và giao lưu giáo dục quốc tế thuộc Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức vào hạ tuần tháng 6-2000, giáo sư Hoàng Châu Ký - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu sân khấu - nêu nhận định: "Ngành tuồng hiện đương gặp nhiều khó khăn, khách xem tuồng ít dần. Tất nhiên, theo quy luật, những nghệ thuật đích thực rồi sẽ sống lại sau cơn bão táp, sống lại với sự điều chỉnh theo hướng hiện đại và giữ vững bản sắc dân tộc, bản sắc loại hình."

Trong khi chờ đợi thực tiễn kiểm định "quy luật" kia, chúng ta thử giải đáp câu hỏi: cớ sao giới trẻ ngày nay không mê tuồng như quý cụ ông, cụ bà?

Một trong những lý do dễ thấy là vấn đề kiến thức. Muốn thưởng ngoạn opéra, loại hình nhạc kịch phương Tây, khán thính giả cần trang bị một trình độ hiểu biết nhất định. Muốn thưởng thức loại hình nhạc kịch đặc thù của Việt Nam là tuồng, sự đòi hỏi cũng thế. Xem tuồng, không khó, nhưng lại chẳng... dễ! Bởi tuồng là nghệ thuật sân khấu biểu hiện được mô hình hóa. Mô hình từ nhân vật đến động tác hình thể và từng điệu hát, nói. Mô hình cả không gian lẫn thời gian nhằm "gợi lên cái cụ thể từ cái trừu tượng, tạo nên cái thực từ cái hư, làm nên có từ chỗ không, biến cái hữu hạn thành cái vô hạn" như Nguyễn Huy Hồng (sđd) từng đúc kết.

Ngày xưa, sàn diễn trống trơn bốn mặt, chẳng có phông màn hay cánh gà. Ấy thế mà nghệ nhân xuất hiện, chỉ cần vài ngôn ngữ và hành động mang tính ước lệ, thiên hạ biết ngay đấy là thư phòng hay tửu quán, là bình minh hay hoàng hôn, v.v. Với cây roi đơn giản cầm tay, bằng mấy bước cách điệu "mã hóa" sẵn, diễn viên cho mọi người hay rằng mình đang đi bộ hay cưỡi ngựa, nếu cưỡi ngựa thì đang phi nước kiệu hay phóng nước đại. Thoạt trông y phục cùng cách hóa trang của đào kép, khán thính giả liền xác định ngay địa vị lẫn tính cách nhân vật: vua hay hoàng hậu, quan võ hay quan văn, trung hay gian, nóng nảy bộc trực hay nịnh hót trá mị. Thế hệ thanh niên bây giờ, kể cả tầng lớp trí thức, hỏi mấy ai thấu hiểu những điều đó? Chưa hiểu tuồng, làm sao họ tìm xem, chứ khoan nói am tường thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần (6 tiêu chuẩn cao nhất của nghệ thuật hát bội) để tranh nhau cầm chầu, tức giành quyền cầm dùi nện trống bày tỏ sự khen chê vở diễn.

Từ năm 1991, nhiếp ảnh gia Đức Huy mở một "đột phá khẩu" rất có ý nghĩa: đeo đuổi chụp hàng loạt kiểu hóa trang mặt nhân vật tuồng cổ rồi liên tục triển lãm tại TP.HCM, Long An, Bến Tre, Vũng Tàu, Huế. Một số bức ảnh tuồng của Đức Huy đã đoạt giải ACCU (The Asian Cultural Centre for UNESCO: Trung tâm văn hoá châu Á thuộc UNESCO), giải "Di sản văn hóa thế giới" ở Himeji (Nhật Bản). Ghé xem ảnh tuồng do Đức Huy triển lãm trong khuôn khổ Festival Huế 2000, NSƯT Đinh Bằng Phi khen: "Công trình chụp ảnh nghệ thuật hát bội qua các mặt nhân vật, với những trình thức trong biểu diễn, của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Huy đã đóng góp rất lớn cho việc phổ biến, duy trì và phát huy bộ môn sân khấu truyền thống Việt Nam". Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - lúc ấy là Bộ trưởng Văn hóa Thông tin - ghi vào sổ cảm tưởng: "Một triển lãm rất đáng ngạc nhiên và thú vị".

Xem ảnh chụp mặt tuồng, ai ai cũng thích, nhất là khách... ngoại quốc. Nếu so với cách hóa trang mặt trong bi kịch Hy Lạp cổ đại, Kinh kịch Trung Hoa, kịch Nô của Nhật và kịch mặt nạ của Triều Tiên, thì càng thấy lối vẽ mặt trong nghệ thuật hát bội Việt Nam có lắm điểm đặc sắc. Một điểm độc đáo: diễn viên tuồng dùng màu vẽ thẳng lên mặt. Chất liệu tạo màu rất dễ kiếm trong tự nhiên, với nguồn gốc thực vật, động vật và khoáng vật, được xử lý sao để khó phai nhòa nhưng dễ tẩy rửa, đặc biệt là hoàn toàn không gây hại làn da. Điểm độc đáo nữa: tuồng chỉ vẽ mặt vai kép, còn vai đào thì trang điểm bình thường - ngoại trừ đào Tam Xuân và Chung Vô Diệm. 

Trao tặng tôi cả album ảnh dày cộp, Đức Huy thở dài:

- Đáng giật mình là khi các bạn nước ngoài gạn hỏi tên cùng ý nghĩa từng mặt tuồng, hầu hết dân Việt tại các cuộc triển lãm đều... ngượng nghịu lắc đầu, Phanxipăng ạ! Vậy biết bao giờ nền "quốc kịch" Việt Nam được phục hồi, phục hưng?

Tôi thiển nghĩ: nền "quốc kịch" Việt Nam tương lai có được phục hồi, phục hưng hay chăng, phụ thuộc vào biết bao điều kiện. Điều kiện trọng yếu là mối quan tâm thỏa đáng của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều giới đối với tuồng. Chẳng hạn hệ thống giáo dục quốc dân tích cực "về nguồn" thế nào? Các phương tiện truyền thông đại chúng lưu ý phổ biến cái đẹp, cái hay, cái lạ, và cả vạch ra những cái hạn chế của bộ môn sân khấu truyền thống nước nhà ra sao? Tuy nhiên, theo tôi, điều kiện tiên quyết vẫn là nội lực của chính bản thân nghệ thuật hát bội.

___________
(1) - Nguyên tác chữ Hán 大越史記全書 được in toàn bộ lần đầu tiên theo ván khắc niên hiệu Chính Hoà XVIII, triều vua Lê Hy Tông, tức năm Đinh Sửu 1697; được gọi Nội các quan bản. Đó là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất hiện còn bảo lưu nguyên vẹn tại Thư viện Viện Viễn Đông Bác Cổ / École française d'Extrême-Orient (EFEO) ở Paris, thủ đô nước Pháp, đã được Ngô Đức Thọ dịch & chú thích. Bản dịch này được ấn hành lần đầu tiên gồm 4 tập (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998).

(2) - Chúa Sãi / Sĩ Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635).

(3) - Chuyến du lịch Nam Kỳ những năm 1792 - 1793.

(4) - Phiên âm danh từ tiếng Pháp gỏt, trong ngữ cảnh này mang nghĩa sở thích, thị hiếu.

(5)- Thành Tôn và Huỳnh Mai là song thân của các nghệ sĩ tài danh Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long và Thành Lộc.

Đã đăng tạp chí Kiến Thức Ngày Nay 
414 (10-2-2002) & 415 (20-2-2002)


Cảnh hát bội cuối thế kỷ XVIII ở Đàng Trong qua tranh của John Barrow trong sách in tại London, Anh, năm 1806

Sơn hậu diễn ca (Quan Văn Dương tàng bản, 1921)

Hậu tổ ngành hát bội / tuồng: Đào Tấn (1845 - 1907)

Diễn tuồng trong cung đình Huế: quỷ vương & bè lũ lâu la

Duyệt Thị đường - nhà hát tuồng quốc gia được xây trong Đại Nội Huế từ năm Bính Tuất 1826. Ảnh: Phanxipăng

Chí sĩ Phan Bội Châu, tác giả vở hát bội Trưng Nữ Vương

Tả Giang vai Lã Bố trong vở Phụng Nghi đình diễn tại Sài Gòn năm 1960

Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng thân quyến thưởng thức hát bội tại Huế

Vở hát bội Lộ Địch do Ưng Bình Thúc Giạ Thị phóng tác kịch Le Cid của Corneille
được Nhà hát tuồng Đào Tấn dàn dựng.
Ảnh: Phanxipăng

Trên sân khấu Nhà hát tuồng trung ương ở Hà Nội.
Ảnh: Bảo Chân

Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ở Đà Nẵng.
Ảnh: Phanxipăng

Hữu Hoà thủ vai Tào Tháo.
Ảnh: Đức Huy