Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Ba Lan, nếp sống, văn hoá và người Việt 
Trịnh Thanh Thủy
Có đến Ba Lan, đi thăm các thành phố, viếng các đền đài, cung điện, du khách mới thấy rõ nền văn hoá giàu có của Ba Lan. Văn hoá Ba Lan nối liền với 1000 năm lịch sử và chịu ảnh hưởng cả hai luồng văn hoá Đông, Tây. Nét đa văn hoá đó chúng ta thấy được qua các kiến trúc pha trộn, âm nhạc và nghệ thuật hội hoạ cùng văn hoá dân gian. 

Trong các khu chợ hay quảng trường của các thành phố có đông du khách chúng ta thường thấy các ban vũ nhạc dân tộc có đủ vũ công và ban nhạc gồm kèn, violin, arccodion, tiêu, bass trình diễn trông rất ngoạn mục. Để thưởng công du khách chỉ cần cho chút tiền lẻ vào chiếc giỏ nhỏ để những nghệ sĩ đường phố này có thể sống qua ngày. Trên khu đồi cao của một nhà thờ nhìn xuống thành phố tuyệt đẹp, chúng tôi thấy một cô bé khoảng 15, 16 tuổi trông thật xinh, mặc trang phục truyền thống Ba Lan đứng mời khách du chụp hình chung. Đoàn chúng tôi ai cũng ghé lại để chụp với cô, chỉ vì nụ cười ngây thơ trong trắng ấy ngời sáng trên chiếc áo đầm thêu hoa đủ màu sắc của quốc phục Ba Lan.
Nếu du khách tình cờ ghé thăm quốc gia này vào những dịp lễ hội đặc biệt, chúng ta sẽ khám phá ra những nét độc đáo, đặc trưng của các thành phố nước này. 

Bắt đầu từ xa xưa, nền văn hóa Ba Lan cổ chiếm ưu thế và lên đến điểm cực thịnh vào thế kỷ XVI, và tiếp tục tồn tại đến thế kỷ XVIII. Khi ấy, người ta ưa chuộng vẻ lộng lẫy phương Đông của các phù hiệu, y phục, những tấm thảm và các đồ tạo tác quý giá, hơn là những tác phẩm hội họa. Nghệ thuật hội họa ở Ba Lan bắt đầu từ thời kỳ này trở đi có những giá trị mỹ thuật đối kháng với những kiểu cách du nhập từ Tây Âu. Nhiều họa sĩ châu Âu, chủ yếu là các họa sĩ người Ý, đã manh múm ảnh hưởng vào nền nghệ thuật hội họa ở Ba Lan. Chúng ta có thể tìm được những nét chấm phá này trong các bức hoạ được trưng bày trong Cung điện Hoàng Gia, Viện bảo tàng rải rác ở Ba Lan.

Đến thời kỳ nước Ba Lan bị chia cắt và chiếm đóng bởi Nga, Phổ và Áo, nền hội họa lúc đó chủ yếu tập trung vào nội dung yêu nước, củng cố tinh thần nhân dân và duy trì bản sách dân tộc. Nửa sau thế kỷ XIX, hội họa của Ba Lan đạt đến những cao điểm, với những danh hoạ Jan Matejko, Artur Grottger, Henryk Rodakowski, Aleksander Gierymski, Josef Chelmonski, Josef Brandt, Wladyslaw Podkowinski, Josef.

 Về văn học, Ba Lan đóng góp cho văn học thế giới không nhỏ. Ba Lan đã có các tác phẩm văn học thời cổ đại bằng tiếng La Tinh có các nội dung nặng tinh thần tôn giáo. Đến thế kỷ XVIII, văn học Ba Lan bắt đầu chịu ảnh hưởng sự giao tiếp Tây Âu. Nhà văn nữ có tên tuổi đầu tiên là ElZbieta DruZbaka. Đầu thế kỷ XIX, đã nảy sinh ra những nhà thơ Ba Lan vĩ đại nhất trong lịch sử, và nổi tiếng khắp thế giới, tiêu biểu là nhà thơ Adam Mickiewiez, đánh dấu thời kỳ văn học Lãng Mạn. Những nhà thơ và kịch tác gia khác của thời kỳ này phải kể đến: Juliusz Slowacki, Zygmunt Krasinski...

Vào cuối thế kỷ 19, giới văn học biết đến tên tuổi của nhà văn Alesander Glowacki, và Wladyslaw Reymont. Cả hai tác giả trên đều được nhận giải thưởng Nobel về văn học vì những đóng góp không ngừng nghỉ của họ trong sự nghiệp phát triển văn học ở Ba Lan nói riêng và của nền văn học thế giới nói chung. 

Âm nhạc là một bộ phận quan trọng trong văn hóa Ba Lan. Nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của đất nước Ba Lan là Frederic Chopic, với những tác phẩm phản ánh tinh thần quốc gia của Ba Lan. 

Cũng nổi tiếng trong thế kỷ XIX là Stanislaw Moniuszko, người đã soạn bản opera quốc gia đầu tiên, bản Halka vào năm 1847; và nhạc sĩ sáng tác cho violon Henryk Wieniawski.

Thế kỷ XX được đánh dấu bởi sự xuất hiện của những tay dàn piano nổi tiếng thế giới như Ignacy paderewski, Leopold Godowsky, Artur Rubinstein,..

Nhạc dân gian là dòng nhạc cũng được người dân Ba Lan gìn giữ và phổ biến. Dòng nhạc này thường được chơi đệm cho những điệu múa dân gian ở Ba Lan như điệu múa mazuka, krakow và kuja. Những bản nhạc dân gian thường được hát đơn ca hoặc hát bởi các đội hợp ca, vốn có rất nhiều ở Ba Lan. 
 

Ban nhạc gipsy tại Krakow
Ban nhạc vũ dân tộc tại phố cổ Krakow

Tuy nhiên có đến thăm Ba Lan ngày nay mới thấy rõ văn hoá Ba Lan đang rùng mình đổi mới một cách tích cực . Trên các quảng trường chúng tôi ghé thăm ban đêm có những thanh niên trẻ hội họp ca hát trình diễn những bài hát pop thời thượng. Người Ba Lan rất cởi mở trong lối thưởng thức âm nhạc. Thanh thiếu niên ưa chuộng các loại nhạc roc, metal, jazz, electronic và New Wave. Mỗi năm, hơn 250 ngàn người trẻ các nơi về tụ họp ở Jarocin, Żary, Kostrzyn nad Odrą ,Open'er Festival, Off Festival để trình tấu rock và các loại nhạc thịnh hành khác.

Người Ba Lan nói và viết ngôn ngữ Ba Lan, nhưng tiếng Anh được dùng ở khắp nơi và hầu như lúc nào cũng đi bên cạnh tiếng Ba Lan. Hình như người Ba Lan rất thích lối sống Mỹ và văn hoá Mỹ. Sách Mỹ được bán rất nhiều trong các hiệu sách . Ở những khu mua sắm thương mại, các cửa hàng thường dùng tiếng Anh trên bảng hiệu. Kiến trúc và cách sắp xếp vẽ kiểu của các khu này giống tương tự các khu Shopping Mall bên Mỹ. 

Ba Lan sử dụng đồng Zloty, ký hiệu là PLN. Đồng này người Việt ở Đông Âu gọi là đồng "dzua", tựa như đồng Koruna của Cộng Hòa Czech được phe ta gọi tắt là đồng "cu". Giá hối suất lúc tôi viết bài này của 1 USD=3.20 PLN; 10,000 VND = 1.54 PLN.

Tỷ lệ thất nghiệp ngày xưa ở Ba Lan thường thấp, nhưng nay vì ảnh hưởng kinh tế toàn cầu khó khăn mà tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đến 13%.

Ba Lan ngày nay theo chế độ Cộng Hoà. Đối với người dân Ba Lan, vị vua cuối cùng của thế chế quân chủ là Stanislas II August Poniatowski . Một vì vua được bầu lên một cách rất dân chủ. 

Sau biến cố lịch sử của đất nước Việt Nam năm 1975, người Việt tứ tán khắp nơi trên thế giới. Số người Việt có mặt ở các nước Đông Âu không phải nhỏ. Tình cờ chúng tôi được biết đến những người Việt ở Ba Lan nhờ tấm lòng yêu thích "phở" nổi lên của vài người trong đoàn du lịch chúng tôi. Trong một buổi ăn trưa ở Krakow, chúng tôi nghe được giọng nói líu lo của một thiếu nữ đồng hương ở một quán cà phê lộ thiên. Thế là hỏi han, trò chuyện và cuối cùng đích đến là một trung tâm thương mại ASEAN PL tại Wólka Kosowska gần Vacsava và cố đô Krakow. Chúng tôi ngạc nhiên tới bất ngờ khi thấy trong khu thương mại hầu hết những chủ tiệm là người Việt. Khu buôn bán này có nhiều sắc dân như  Ba Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ nhưng đa số là người mình. Ngoài các cửa hàng buôn bán vật dụng, quần áo sỉ và lẻ, các dịch vụ như đổi tiền, tư vấn pháp luật, kế toán, dịch vụ vận tải, du lịch, cafe internet, vui chơi giải trí đều có, đặc biệt là khu ẩm thực có đủ các món ăn của các nước kể cả Tàu và Việt Nam.

Chúng tôi đua nhau kêu món phở mà chủ tiệm gọi là "phở tái lăn" trong một cửa tiệm bán thực phẩm ăn nhanh Á Đông. Trong những ngày chúng tôi lang thang trên đất Âu, ngốn quá nhiều bánh mì, khoai tây nghiền và món "Eastern european dumpling", được ngồi xuống thưởng thức một tô phở, phải nói là thần tiên. Tuy nhiên, không như mọi người mong đợi, tô "tái lăn" được đánh giá không cao lắm so với khẩu vị của chúng tôi. Mọi người an ủi, thế là "ô kê" rồi, còn hơn món dumpling nhân khoai nghiền. Nói thêm về "phở tái lăn" là tên gọi một món phở Bắc cũng giống các món phở tái khác nhưng thịt bò được thái ra ướp mắm, muối, tiêu, phi tỏi, bỏ chảo đảo nhanh chín tới xong cho vào tô. 
Ăn xong món quốc hồn, quốc túy chúng tôi dư giờ bèn đi "thăm dân cho biết sự tình". Tôi vào một cửa tiệm mua được hai chiếc khăn quàng cổ bằng len với một "giá hữu nghị" đặc biệt cho đồng hương. Người chủ tiệm nói tiếng Bắc điềm đạm, hiền hoà, tiếp khách một cách chừng mực và bớt chút đỉnh cho tôi làm vui dù tôi không trả giá vì giá hai chiếc khăn đã là giá final sale. Thấy mến họ, tôi ngỏ ý mua vài cái áo lạnh khi họ mời mua thêm. Hai cha con ông tiếp tôi rất ân cần. Tôi hỏi chuyện, biết được họ đến từ tỉnh Bắc Ninh, miền Bắc VN qua đây đã 20 năm và cả gia đình sống nhờ cửa tiệm. Tôi thăm hỏi chuyện mua may bán đắt thế nào. Ông than ế ẩm vì cạnh tranh và tình hình kinh tế xuống dốc nên rất khó sống. Qua một vài tiệm khác thái độ đón tiếp của các chủ tiệm cũng dễ mến và thân thiện.
 

Cửa tiệm của người Việt tại Ba Lan

Tôi giã từ khu thương mại lên xe rời Ba Lan. Trên xe, chúng tôi trao đổi nhau ý kiến về cuộc gặp gỡ vừa qua. Tất cả người trong đoàn đều đồng ý về thái độ ngạc nhiên của những người Việt kiều Ba Lan khi trông thấy đoàn du lịch chúng tôi. Họ không nghĩ chúng tôi sẽ tới đây. Họ nghĩ rằng người Việt sống ở Mỹ là những Việt kiều không thích, thậm chí thù ghét cộng sản thì tại sao lại ghé vào trung tâm thương mại nàỵ?. Chỉ vì họ là những người đến từ VN, có dính líu tới cộng sản và các quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung là những quốc gia cộng sản trước đây?. 
Chúng tôi rời Ba Lan, cũng như rời những Việt kiều ở Ba Lan trong một tâm trạng bâng khuâng. Chúng tôi không có câu trả lời khả dĩ nào thoả đáng cho trường hợp này. Tại sao chúng tôi những đứa con của đàn chim Việt tha hương, có cùng một giòng máu mẹ VN lại hiểu lầm về nhau như thế? Tôi trộm nghĩ, chỉ có những gặp gỡ, tiếp xúc trò chuyện thì tình thân mới nối kết và hiểu lầm mới tan đi. Tôi tự hỏi bây giờ và mấy mươi năm sau, người Việt xa xứ chúng tôi nghe tiếng Việt ơi ới đây đó trên xứ người, có còn tìm đến nhau hay ngoảnh mặt quay đi, không buồn nhận đồng hương?

Cali, ngày 1 tháng 11 năm 2012
Trịnh Thanh Thủy