Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Chữ "dặm" kia cũng có ba bảy đường

Phanxipăng

Từ mẩu truyện đọc lớp 2
Tại một trường tiểu học nọ, giáo viên phụ trách lớp 2 cho học sinh tập đọc truyện Em bé quàng khăn đỏ. Truyện có câu: "Nhà bà ở dưới gốc cây sồi to, chỉ một dặm đường nữa thì đến."

Giáo viên đặt câu hỏi:

- Trò nào biết dặm dài bao nhiêu?

Một học sinh đứng dậy đáp:

- Dạ thưa, dặm dài khoảng nửa cây số ạ.

Giáo viên khen giỏi. Vì học sinh ấy trả lời hoàn toàn phù hợp với nội dung sách giáo khoa Truyện đọc lớp 2. Sách do NXB Giáo Dục in đi in lại nhiều lần, mà lần tái bản thứ 7 vào tháng 2-2001. Trong sách này, sau truyện Em bé quàng khăn đỏ (trang 45-48), phần chú giải ghi: "Dặm: quãng đường dài khoảng nửa cây số (444,44m)."

Hôm đó, lớp có một số thầy cô giáo dự giờ. Cuối tiết dạy, giáo viên đứng lớp được đồng nghiệp góp ý chân tình:

- Ngay bên dưới truyện Em bé quàng khăn đỏ, sách giáo khoa có mở ngoặc đơn đề rằng: Phỏng theo Truyện cổ Pe-rôn (1). Vậy đây phải dùng dặm Tây mới đúng. Mỗi dặm Tây có độ dài 1.609m.

Nếu thế, sách giáo khoa mắc sai lầm ư?

Thực tế đã có mấy tờ báo phát hành tháng 7-2001 vạch rõ điểm sai lầm kia xuất hiện rất đáng tiếc trong sách giáo khoa.

Vấn đề đặt ra: có bao nhiêu loại dặm khác nhau?

Đến sự không thống nhất giữa các bộ từ điển
Quả là có rất nhiều loại dặm được sử dụng đồng thời trong lời ăn, tiếng nói và trong nhiều văn bản.

Thử tra cứu Từ điển Truyện Kiều do học giả Đào Duy Anh biên soạn (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1974), sẽ thấy từ dặm được cắt nghĩa vắn gọn: "Đơn vị đo lường dài 135 trượng". Vậy mỗi trượng dài bao nhiêu? Từ điển này không ghi. Từ điển Hán Việt cũng do Đào Duy Anh biên soạn (NXB Trường Thi tái bản, Sài Gòn, 1957) cho biết: "Mười thước là một trượng". Chẳng rõ thước đây thuộc hệ đo lường nào, bởi "thước ta" khác "thước Tàu" và không giống "thước Tây" (mét).

Lật Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên; bản in năm 1992), sẽ thấy hai định nghĩa về trượng như sau: "1. Đơn vị đo độ dài bằng 10 thước Trung Quốc cổ (tức 3,33m); 2. Đơn vị đo độ dài, bằng 4 thước mộc (tức là bằng 1,70m)."

Theo đó, có thể lập 2 dãy đẳng thức khác biệt :

- Hoặc 1 dặm = 135 trượng = 10 thước = 449,55m;

- Hoặc 1 dặm = 135 trượng = 4 thước = 229,55m.

Biết rằng Truyện Kiều do Nguyễn Du - thi hào của nước ta - viết, song bối cảnh lại xảy ra tít tận Trung Hoa vào "năm Gia Tĩnh triều Minh", tức giai đoạn 1522-1566 Tây lịch, thời vua Minh Thế Tông. Bởi thế, chưa thể xác định được Tố Như tiên sinh dùng dặm ta hay dặm Tàu.

Ở Việt Nam thuở xưa, mỗi dặm ta được quy định là 1.000 thước ta, tương đương 425m. Trong khi đó, bên Trung Quốc, mỗi dặm Tàu dài khoảng 576m. Tập 1 Từ điển bách khoa Việt Nam do Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam xuất bản (Hà Nội, 1995; trang 652) giải thích như vậy. Còn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (sđd; trang 253) lại nêu số liệu: dặm ta bằng 444,44m; dặm Tàu bằng 500m.

Nội một từ dặm, các bộ từ điển đã cắt nghĩa thiếu tường minh, thậm chí không thống nhất!

Rắc rối dặm Tây
Dặm ta và dặm Tàu đã gặp rắc rối về cách giải thích, thì dặm Tây cũng lâm "khổ nạn" tương tự. Ở châu Âu, tồn tại quá nhiều loại dặm khác nhau. Nào dặm La Mã (tiếng Latinh: mille passus) dài xấp xỉ 1.500m. Nào dặm Đan Mạch dài 7.532m. Nào dặm Đức dài 6,4km. Nào dặm Thuỵ Điển và Na Uy dài 10km. Vân vân.

Khá phổ biến đối với nhiều quốc gia trên thế giới là dặm Anh (tiếng Anh: mile). Đơn vị đo lường này có mấy trị số khác nhau: hoặc bằng 1.609m nếu tính đường bộ; hoặc bằng 1.852m nếu tính đường biển. Dặm đường bộ lại có tài liệu ghi độ dài 1.609,35m.

Từ năm 1929, Cơ quan Thủy đạc quốc tế từng đưa ra quy ước: mỗi dặm biển (nautical mile), còn gọi dặm địa lý hay hải lý, bằng 1/60 vòng tròn lớn nhất của quả đất, tức là 1 phút cung xích đạo hoặc cung kinh tuyến và bằng 1.852m. Tới năm 1954, Hoa Kỳ công nhận hải lý quốc tế bằng 1.852m.

Trong thực tiễn sử dụng, tình hình thật không đơn giản. Tàu bè nước Anh quen "xài" dặm biển bằng 1.853,2m. Nhưng thủy thủ lẫn thuyền trưởng của không ít quốc gia khác lại tính dặm biển chỉ 1.800m chẵn.

Bên cạnh đấy, suốt mấy thập kỷ qua, ngành hàng hải thế giới còn sử dụng một đơn vị đo lường khác và cũng gọi là dặm biển (league). Theo tập Hải dương học thuộc bộ sách 10 vạn câu hỏi vì sao? (NXB Khoa Học Kỹ Thuật, Hà Nội, 1993; trang 26) thì dặm biển (league) là "đơn vị đo độ dài trên biển được sử dụng từ 200 - 300 năm trước... để đo khoảng cách trên mặt nước và bằng 3 hải lý." Nếu tính theo hải lý quốc tế thì dặm biển (league) dài 5.556m, hoặc dài những 5.559,6m nếu tính theo dặm biển Anh truyền thống.

Sai một li, đi mấy mét?
Tục ngữ có câu: Sai một li, đi một dặm. Song, như đã phân tích ở trên, e khó trả lời chính xác câu hỏi: "Sai một li, đi mấy mét ?"

Có thể nói vui rằng sai 1 li thì rảo bước từ 229,55m đến 5.559,6m hoặc... xa hơn!

Ngẫm lại tục ngữ, ca dao, và nhiều tác phẩm văn học thành văn, chữ dặm thực tế nhằm chỉ con đường, quãng đường không xác định chính xác về độ dài.

Ví dụ mấy câu trích trong Truyện Kiều, như :

Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh cành giao.

Hoặc :

Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Dặm có thể gần, mà có thể xa. Nếu xa, người ta thường dùng dặm trường, dặm khơi, dặm nghìn / nghìn dặm, muôn dặm, vạn dặm, v.v. Chẳng hạn đôi câu kết bài thơ Một nửa vầng trăng của Phanxipăng:

Nửa vầng trăng sẽ tìm về cố quận
Hòa khúc Rằm sau muôn dặm đau thương (2)

Trường hợp thật cần thiết, mới quy đổi dặm ra mét. Tất nhiên, phải tùy văn cảnh cụ thể để chọn lựa cách quy đổi thích hợp.

________________
(1) - Cô bé quàng khăn đỏ là truyện cổ dân gian Âu châu, hiện phổ biến khắp hoàn vũ thông qua hàng loạt bản dịch sang rất nhiều ngôn ngữ. Truyện xuất hiện trên thư tịch lần đầu tiên bằng chữ Pháp vào năm 1697 với nhan đề Le Petit Chaperon rouge trong sách Histoires ou contes du temps passé avec des moralités (Truyện đời xưa với lời khuyên luân lý). Sách còn mang tên khác là Contes de ma mère l'Oye (Truyện của bà mẹ Ngỗng). Ấn phẩm này do Charles Perrault (1628 - 1703) thực hiện.
(2) - Bài thơ Một nửa vầng trăng của Phanxipăng từng đăng các tạp chí Kiến Thức Ngày Nay 84 (15-5-1992), Lang Bian 11 (11-1998); từng in trong sách Album thơ 1 của Phanxipăng (NXB Trẻ, 1995) và nhiều tuyển thơ; các nhạc sĩ Trần Hữu Pháp, Phan Huỳnh Điểu, Hoài Yên đã lần lượt phổ thành ca khúc. Bài thơ cùng các các khúc phổ thơ Một nửa vầng trăng cũng được truyền vào mạng Chim Việt Cành Nam.
Đã đăng tạp chí Tài Hoa Trẻ 205 (3-4-2002)


Tranh khắc của Gustave Doré (1832 – 1803)