Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

TƯƠNG TIẾN TỬU

Thu Tứ

Nguyên văn
Dịch nghĩa
Dịch ra song thất lục bát
- Trần Trọng Kim
- Ngô Tất Tố
- Tchya
Dịch ra hát nói
- Khuyết danh
Dịch ra lục bát
- Thu Tứ
Tết hết lâu rồi mà vẫn rượu chè ư?(1)

Ấy, chỉ mới ngày Tết hết chứ ngày xuân đâu đã hết.

Với lại, đây là "rượu thơ" chứ có phải rượu thực đâu, mà sợ "say sưa nghĩ cũng hư đời".(2)

Nói vậy chứ thơ đọc nhiều quá, có khi cũng say đấy. Thử đọc cả năm bản dịch bài Tương Tiến Tửu sau đây một hơi xem. Được cái, đọc thơ dù có say chắc cũng không đến nỗi nào.

À, hẳn có người lấy làm lạ: Nhà Thơ Rượu Ta dịch nhiều thơ Tàu, sao lại không dịch cái bài rất nổi tiếng này của Nhà Thơ Rượu Tàu nhỉ?(3) Ai biết. Họa chăng núi Tản sông Đà...

Nguyên văn

Tương Tiến Tửu

Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi
Hựu bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát
Triêu như thanh ti mộ như tuyết
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt
Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng
Thiên kim tán tận hoàn phục lai
Phanh dương tể ngưu thả vi lạc
Hội tu nhất ẩm tam bách bôi
Sầm phu tử, Đan Khâu sinh
Tương tiến tửu
Bôi mạc đình
Dữ quân ca nhất khúc
Thỉnh quân vị ngã trắc nhĩ thinh
Chung cổ soạn ngọc bất túc quí
Đãn nguyện trường túy bất nguyện tinh
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh
Trần Vương tích thời yến Bình Lạc
Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước
Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền
Kính tu cô thủ đối quân chước
Ngũ hoa mã
Thiên kim cừu
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.

Dịch nghĩa (4)
Sắp Mời Rượu

Bạn chẳng thấy sao: nước sông Hoàng Hà từ trên trời rơi xuống
Chảy băng băng ra bể không bao giờ trở lại
Lại chẳng thấy sao: gương sáng trong nhà cao soi bật nỗi buồn tóc trắng
Mới khi sáng còn xanh như tơ, chiều đã như tuyết
Con người ta sống mà được đắc ý thì nên hết sức vui
Đừng để chén vàng cạn dưới ánh trăng
Trời sinh ta có tài ắt sẽ có chỗ dùng
Ngàn vàng tiêu hết rồi lại có
Mổ bò nấu dê để làm tiệc vui
Gặp nhau nên uống một lần ba trăm chén
Hỡi thầy giáo Sầm, hỡi học trò Đan Khâu
Rượu sắp mời rồi
Chớ ngừng chén
Vì các bạn, ta hát một bài
Tất cả hãy vì ta mà nghiêng tai nghe
Dù cỗ bàn thịnh soạn có chuông trống cũng chưa đáng quý
Ta chỉ muốn say hoài, không muốn tỉnh
Thánh hiền xưa nay đều bặt tiếng
Chỉ có kẻ uống rượu được lưu danh
Ngày trước Trần Vương yến tiệc ở cung Bình Lạc
Rượu vạn đồng một đấu uống vui thoải mái
Chủ nhân cớ sao nói ít tiền
Nên mau mua lấy để ta chuốc chén với các bạn ta
Đây ngựa năm màu
Đây áo cừu quý ngàn vàng
Bảo trẻ con đi đổi lấy rượu ngon
Ta hãy cùng nhau phá cho tan nỗi buồn muôn thuở.

Dịch ra song thất lục bát

Trần Trọng Kim:

Anh chẳng thấy Hoàng Hà nước nọ,
Tự trên trời chảy đổ ra khơi.
Ra khơi thôi thế là thôi,
Về nguồn trở lại có đời nào đâu.

Anh chẳng thấy nhà cao gương sáng,
Những buồn tênh vì mảng tóc thưa.
Sớm còn xanh mượt như tơ,
Tối đà như tuyết bạc phơ bời bời.

Khi đắc ý cứ chơi cho phỉ,
Dưới vầng trăng đừng để chén không.
Có thân âu hẳn có dùng,
Ngàn vàng tiêu hết lại hòng kiếm ra.

Trâu dê mổ, tiệc hoa trần thiết,
Ba trăm chung cạn hết một lần.
Sầm phu tử, Đan Khâu quân,
Rượu kèo xin chớ ngại ngần uống ngay.

Hát một khúc vì ai an ủy,
Lắng tai nghe ý vị khôn cùng.
Quí gì soạn ngọc cổ chung,
Muốn say say mãi tỉnh không thú gì.

Bao hiền thánh xưa kia lặng lẽ,
Chỉ anh say tiếng để đời đời.
Trần vương Bình Lạc mua vui,
Mười ngàn đấu rượu chơi bời thỏa thuê.

Chủ ông hỡi, chớ chê tiền ít,
Mua rượu về chén tít cùng ta.
Cừu thiên kim, ngựa ngũ hoa,
Đem đi đổi rượu, khề khà uống chơi.

Sầu đâu dằng dặc muôn đời.

Ngô Tất Tố:
Con sông Hoàng lưng trời tuôn nước,
Xuống biển rồi, có ngược lên đâu!
Nhà cao, gương xót mái đầu,
Sớm còn tơ biếc, tối hầu tuyết pha.

Vui cho đẫy, khi ta đắc ý
Dưới vầng trăng, đừng để chén không.
Sinh ra, trời có chỗ dùng,
Nghìn vàng tiêu hết, lại trông thấy về.

Chén đi đã, trâu dê cứ giết,
Ba trăm ly, phải hết một lần.
Khâu, Sầm hai bác bạn thân,
Rượu kèo xin chớ ngại ngùng ngừng thôi!

Ta vì bác, hát chơi một khúc!
Bác vì ta, hãy chúc bên tai:
"Ngọc, tiền, chuông, trống mặc ai,
Tỉnh chi? Chỉ muốn cho dài cuộc say.

Bao hiền thánh đến nay đã rõ?
Phường rượu ta tên họ rành rành:
Trần Vương bữa tiệc quán Bình,
Mười nghìn đấu rượu thỏa tình đùa vui".

Chủ nhân chớ ngậm ngùi tiền ít,
Mua rượu ta chén tít cùng nhau.
Áo cừu, ngựa gấm, để đâu?
Gọi con đem đổi vài bầu rượu ngon.

Uống cho muôn thuở tan buồn!

Tchya:
Há chẳng thấy trên trời sa xuống,
Nước Hoàng Hà cuồn cuộn tung xuôi.
Một đi đi mãi ra khơi,
Có bao giờ lại phản hồi nữa đâu.

Lại chẳng thấy trên lầu gương tỏ,
Mái tóc càng soi rõ mầu sương.
Sáng như tơ chửa nhuộm vàng,
Chiều đà như tuyết nghĩ thương thân già.

Cho nên gặp lúc ta đắc ý,
Phải chơi cho phỉ chí con người.
Chén vàng chớ để cho vơi,
Đáy không nhìn bóng trăng soi bẽ bàng.

Sinh ta có tài năng chí khí,
Ắt trời không bỏ phí không dùng.
Ngàn vàng không cũng là không,
Tiêu đi lại có mất xong lại về.

Thì hãy mổ trâu dê mà khoái,
Tụ cho đông uống mãi cho say.
Rót ba trăm chén rượu đầy,
Một lần tu cạn một hơi mới đành.

Nào Sầm tử Đan sinh đâu tá,
Chớ ngừng tay rót nữa đừng thôi.
Vì mình ta hát khúc chơi,
Vì ta mình hãy lắng lời mà nghe.

Dẫu soạn ngọc chẳng gì đáng quý,
Chỉ cầu cho túy lý mà thôi.
Thánh hiền chết cũng lấp vùi,
Còn tên để lại họa người say sưa.

Yến Bình Lạc ngày xưa vui thú,
Trần Vương mời rượu hũ thập niên.
Chủ nhân hãy uống chớ phiền,
Cớ sao than nỗi không tiền với ta.

Này đây ngựa năm hoa một cỗ,
Này ngàn vàng cả bộ áo lông.
Trẻ đâu: Đổi lấy rượu nồng,
Cùng người cùng giải sầu đong vạn đời.

Dịch ra hát nói

Khuyết danh:

Biết chăng ai:
Sông Hoàng Hà ngọn nước tại lưng trời
tuôn đến bể khôn vời lại được.

Biết chăng nữa:
Đài gương mái tóc bạc
sớm như tơ mà tối đã như sương.

Nhân sinh đắc ý nên càng,
Khôn nỡ để chén vàng trơ với nguyệt.
Tài hữu dụng lẽ trời âu hẳn quyết,
Nghìn vàng kia khi hết lại còn.

Lúc vui chơi nào nhắm mùi ngon,
Ba trăm chén cũng dồn một cuộc.
Cụ Sầm rủ cụ Đan khuyên chuốc,
Rượu nâng lên chớ được dừng tay.

Vì ngươi hát một khúc này,
Xin ngươi sẽ lắng tai nghe lấy.
Tiệc chung cổ ngọc vàng là mấy,
Hãy nên say say mãi tỉnh chi mà.

Thánh hiền xưa cũng vắng xa,
Chỉ có rượu với người say là vẫn để (?).
Tiệc Bình Lạc xưa kia cũng thế,
Muời nghìn chung mặc thích vui cười.

Tiền chủ nhân bao quản vắn dài,
Cũng mua nữa cùng ngươi khuyên rót.
Ngựa hoa tốt mà áo cừu cũng tốt,
Gọi đồng ra đổi lấy rượu ngon.

Cùng ngươi giải vạn kiếp buồn.

Dịch ra lục bát

Thu Tứ:

Kìa trông nước rớt lưng trời
Băng băng ra bể chẳng đời nào ngưng
Kìa trông tóc trắng trong gương
Sáng tơ xanh đã chiều sương tuyết rồi
Gặp khi đắc ý nên vui
Rượu ngon chớ để chung vơi lúc nào
Tài cao ắt được ngôi cao
Ngàn vàng dốc túi sẽ vào lại ngay
Bò dê bắt mổ liền tay
Ba trăm chén cạn mừng ngày gặp nhau
Bớ bác Sầm, hỡi anh Khâu
Rượu mời sắp rót, hãy mau lại bàn
Tiệc vui, nên hát lừng vang
Dẫu hay dẫu dở bạn vàng vẫn nghe
Vui này cỗ quý sao bì
Say đi say nữa, tỉnh chi bây giờ
Xưa nay thánh vốn ế trơ
Chỉ anh nát rượu được thờ trên ngai!
Học Trần Vương, cấm có sai
Đem men cực phẩm đãi ngay cả làng
Chủ kia, chớ ngại thiếu tiền
Kíp mua cho đủ để riêng ta dùng
Đây đây áo, ngựa đắt hung
Dắt đi, đem cả, cố lùng rượu ngon
Anh em, bát chén sẵn sàng
Đêm nay ta phá cho tan Thành Sầu!
______________

(1) Bài này viết ngày 13 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (2012). Nhưng bản dịch Tương Tiến Tửu ra thơ lục bát thì đã hoàn tất từ nhiều năm trước.

(2) Trong bài Lại Say của Tản Đà.

(3) Nhà Thơ Rượu Ta: Tản Đà. Nhà Thơ Rượu Tàu: Lý Bạch.

(4) Tham khảo: Đường thi của Trần Trọng Kim và Thơ Đường (nxb. Văn Học, VN, 1987).